Cách ghi đúng tên tôn giáo cho người Chăm

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
Apr 28, 2020, 2:19 PM

1. Sơ lược tôn giáo du nhập vào Champa

a). Tôn giáo Balamon

Balamon phiên âm từ tiếng Phạn: Brahma và Balamon giáo là (Brahmanism). Đạo Balamon là một tôn giáo cổ của Ấn Độ, phát triển mạnh đến thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch thì biến thành Ấn Độ giáo (Hinduism). Những công trình kiến trúc nổi tiếng của Ấn Độ và các nước Đông Nam Á  như: Kharujaho, Mahabalipuram, Angkor Watt, Tháp Champa ở Việt Nam và nhiều tác phẩm triết học lớn của Ấn Độ như Ramayana, Mahabharata đều ra đời trên nền tảng của Đạo Balamon. Đạo Balamon du nhập vào Champa khoảng thế kỷ thứ II tồn tại và biến đổi trong cộng đồng người Chăm. Những bia ký bằng chữ Phạn có niên đại thế kỷ VII được tìm thấy ở Quảng Nam và Phú Yên ở triều đại Bhadresvaravamin cũng ghi nhận điều này. Đối với Champa họ tiếp nhận cả Brahma, Vishnu và Shiva.

Sự phát triển Balamon ở Champa mạnh hay yếu có thể soi qua quá trình sử dụng tiếng Chăm cổ của người Chăm. Balamon chỉ phát triển đến thế kỷ thứ 8 và sau đó suy thoái dần từ thế kỷ 10 cho đến sự sụp đổ Vijaya vào thế kỷ 15.

b). Tôn giáo Hồi giáo (Islam)

Hồi giáo (tiếng Ả Rập là: الإسلام al-'islām), là một tôn giáo độc thần. Đây là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới, sau Kitô giáo. Hồi giáo ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 7 tại bán đạo Ả Rập, do  Muhammad sáng lập. Đạo Hồi chỉ tôn thờ Allah là Đấng tối cao và duy nhất và Muhammad là vị Thiên sứ cuối cùng được Allah mặc khải Thiên Kinh.

Hồi giáo trong tiếng Ả Rập là Islam nghĩa là "vâng mệnh, quy phục Thiên Chúa". Hồi giáo truyền sang Trung Quốc và được người Trung Quốc gọi là Huijiao (Hồi giáo Trung Quốc). Dân tộc bản địa người Hui cải đạo sang Islam và được người Trung Quốc sử dụng danh xưng Hui (Hồi) như tên gọi chính thức cho tộc người này theo Hồi giáo, tức là tôn giáo của dân tộc Hui (Hồi).

Do đó có một số tên gọi chính như sau:

Islam : tên do quốc tế gọi

Asulam : tên do người Chăm gọi

Hồi giáo: tên do người Việt gọi

Đối với Champa, một số nhà khoa học dựa vào hai tấm bia viết bằng tiếng Ả Rập có niên đại vào năm 1039 do Ðô Ðốc người Pháp gởi sang Paris, ông P. Ravaisse liền viết bài nghiên cứu vào năm 1922 và phỏng đoán rằng hai tấm bia này phát xuất từ miền nam Champa. Kể từ đó, ông đưa ra kết luận vương quốc Champa đã du nhập Hồi Giáo kể từ thế kỷ thứ XI.  Năm 1979, Ts. P. Y. Manguin phản đối quan điểm của P. Ravaisse bằng cách chứng minh rằng hai tấm bia này không phát xuất từ vương quốc Champa, mà phát xuất từ một quốc gia khác.

Sau bài viết của Ts. P. Y. Manguin vào năm 1979, vấn đề nguồn gốc của hai tấp bia Ả Rập lại tái diễn trên bàn hội nghị quốc tế về bia ký Ðông Nam Á được tổ chức tại Kuala Lumpur vào ngày 9 và 10-11-2011. Dựa vào nội dung và phong văn của tấm bia, Gs. Ludvik Kalus (Ðại Học Sorbonne, Paris) khẳng định rằng hai tấm bia Ả Rập không xuất phát từ vương quốc Champa mà từ thị trấn Kairouan của Tunisia, một quốc gia nằm ở Trung Ðông. Do đó, vương quốc Champa không thể theo Hồi Giáo vào thế kỷ thứ XI. Cũng theo Gs. Ludvik Kalus, sự hiện hữu của Hồi Giáo tại miền Nam Trung Hoa vào thế kỷ thứ VIII là một yếu tố lịch sử mà không ai có quyền chối cải. Champa là vương quốc nằm trên bờ biển Nam Hải. Chính vì thế, các thương thuyền Ả Rập khi di chuyển từ Ấn Ðộ Dương đến miền nam Trung Hoa buộc phải ghé bến Champa để tiếp tế lương thực và nước uống. Nhưng sự dừng chân của thương thuyền Ả Rập trên hải cảng Champa không thể cấu thành một yếu tố hầu đưa ra kết luận rằng vương quốc Champa đã theo Hồi Giáo vào thế kỷ thứ XI như ông P. Ravaisse đã nêu ra, vì rằng nhiều tư liệu văn học và lịch sử chứng minh sự du nhập của Hồi Giáo vào khu vực Ðông Nam Á chỉ diễn ra sau thế kỷ thứ XVI. Vương quốc Mã Lai Đa Đảo là quốc gia đón nhận Hồi Giáo đầu tiên kể từ thế kỷ thứ XVI. Kể từ đó, một số tín đồ Chăm bắt đầu tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa Hồi Giáo qua trung gian của các thương thuyền Mã Lai thường ghé qua các bờ biển Champa, kéo theo sự ra đời của một cộng đồng theo Hồi Giáo mà người ta thường gọi là Chăm Bani tại Panduranga.

Sau nhiều thăng trầm của lịch sử cũng như tình hình xung đột tôn giáo trong cộng đồng người Chăm vào thế kỷ 17, vị vua Po Romé (1627-1651) giải quyết bằng cách hóa giải thành hai tôn giáo mới theo thuật ngữ là Awal và Ahier.

- Chăm Awal: Là người Chăm Hồi giáo nhưng tiếp nhận nhiều nghi lễ mang yếu tố Champa bản địa. Thuật ngữ Awal (gốc từ Ả Rập) có nghĩa là “đầu tiên, trước” để ám chỉ cho những người Chăm theo Hồi giáo trước triều đại vua Po Rome và chấp nhận Po Allah (Asulam) là đấng thượng đế tối cao và duy nhất và chịu ảnh hưởng thêm yếu tố dân gian bản địa Champa.

- Chăm Ahier: Là người Chăm Balamon (Brahmanism), nhưng tiếp nhận nhiều nghi lễ mang yếu tố bản địa. Thuật ngữ Ahier (gốc từ Ả Rập) có nghĩa là “muộn, sau” để ám chỉ cho người Chăm chấp nhận thờ Po Allah (Po Sipajieng - đấng tạo hóa) sau khi vua Po Rome lên ngôi. Po Allah xuất hiện trong cộng đồng Chăm Ahier không phải là đấng Thượng Ðế duy nhất mà là Ðấng thượng đế tối cao đứng đầu trong danh sách các thần linh quan trọng của người Chăm ở Panduranga như Brahma, Vishnu, Shiva.

Từ đó trong cộng đồng Chăm xuất hiện thuật ngữ mới để chỉ tôn giáo là Chăm Ahier và Cham Awal. Tuy nhiên, do thói quen từ trước dùng là Chăm Balamon, Chăm Bani nên cộng đồng người Chăm ít khi dùng hai thuật ngữ Ahier, Awal mà thuật ngữ này chỉ có chức sắc Chăm dùng mà thôi.

Năm 1963, sự du nhập trở lại của Islam chính thống giáo vào cộng đồng người Chăm Awal xuất phát từ mối quan hệ chặt chẽ giữa ông Từ Công Xuân (cựu dân biểu) và người Chăm Hồi Giáo gốc Châu Đốc, vốn là cộng đồng đã theo Hồi Giáo chính thống khi họ di cư sang Campuchia. Hiện nay Chăm Islam ở Việt Nam có khuynh hướng giao lưu với các tín đồ Hồi giáo chính thống ở các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia,… và có mối quan hệ gắn bó với cộng đồng Islam trên thế giới.

Dân số Chăm theo Asulam (Islam) chiếm khoảng 80% tổng dân số Chăm trong và ngoài nước.

2). Cách ghi đúng tên tôn giáo ở người Chăm

Tôn giáo: Là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. Do đó Ban Tôn giáo Chính phủ công nhận ở người Chăm chỉ có 2 tôn giáo là: Balamon và Hồi giáo.

a). Chăm Balamon: Hiện nay người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận tự nhận mình là tôn giáo Balamon và đã được Ban Tôn giáo Chính phủ công nhận.

Như ở phần 1). Balamon du nhập vào Champa và tiếp nhận cả Brahma, Vishnu và Shiva, điều này chỉ đúng khi ở trước thế kỷ 17.

Sau thế kỷ 17 do tình hình xung đột tôn giáo trong cộng đồng người Chăm, vị vua Po Romé (1627-1651), đã hóa giải thành tôn giáo mới theo thuật ngữ là Awal và Ahier.

b). Chăm Awal: Là người Chăm Bani nhưng tiếp nhận nhiều nghi lễ mang yếu tố bản địa. Thuật ngữ Awal (gốc từ Ả Rập) có nghĩa là “đầu tiên, trước” để ám chỉ cho người Chăm theo Hồi giáo trước triều đại vua Po Rome (1627-1651) và chấp nhận Po Allah là đấng thượng đế tối cao và duy nhất và chịu ảnh hưởng thêm yếu tố dân gian và văn hóa bản địa Champa.

c). Chăm Ahier: Là người Chăm Balamon (Brahmanism), nhưng tiếp nhận nhiều nghi lễ mang yếu tố bản địa. Thuật ngữ Ahier (gốc từ Ả Rập) có nghĩa là “muộn, sau” để ám chỉ cho người Chăm chấp nhận thờ Po Allah (Po Sipajieng - đấng tạo hóa) sau khi vua Po Rome lên ngôi. Po Allah xuất hiện trong cộng đồng Chăm Ahier không phải là đấng Thượng Ðế duy nhất mà là Ðấng thượng đế tối cao đứng đầu trong danh sách các thần linh quan trọng của người Chăm ở Panduranga.

d). Căn cứ vào điểm a). và điểm c). trong mục 2, thì người Chăm tự nhận mình là tôn giáo Balamon là không còn đúng và không chính xác. Bởi lẽ Chăm Balamon ở Ninh Bình Thuận đã chấp nhận thêm Po Allah (bên Hồi giáo) là Đấng tối cao, đứng đầu trong danh sách các thần linh khác như Brahma, Vishnu và Shiva.

Có lẽ do quen thuộc nên người Chăm tự nhận mình là Balamon. Nhưng chính xác hơn nên gọi như các bên chức sắc “Haluw Janâng” là: Tôn giáo Ahier.

Vậy tên gọi chính xác tôn giáo của Chăm theo Balamon là: Ahier.

Và tín đồ theo Ahier gọi là: Chăm Ahier.

e). Đối với dân tộc Chăm nói chung và tôn giáo Islam nói riêng, từ Bani đã được sử dụng rất phổ biến không chỉ riêng ở người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận, mà còn sử dụng ở người Chăm Châu Đốc, Chăm Campuchia và Chăm Malay.

Nếu một người Chăm mới vô đạo họ gọi là “Tama Bani” (vào Bani), chứ không ai gọi là ‘Tama Islam” (vào Islam). Điều này được sử dụng cho cả Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận, Chăm Châu Đốc, Chăm Campuchia hay Chăm Malay.

Vậy Bani có nghĩa là gì:

- Bani trong tiếng Ả Rập dùng để chỉ đứa con trai, tín đồ theo Islam,

- Bani dùng để chỉ sắc dân như: Bani Israel (sắc dân Do Thái), Bani Chăm (nhóm sắc dân Chăm),

- Bani, Bini dùng để chỉ người mới vô đạo, người có đạo, hay đạo

- Bani, Bini thường dùng như tên lót Bin theo Islam như: Mohamad Bin Bilal Ali,

- Bani hay Bini trong tiếng Ả Rập còn có nghĩa là phụ nữ hay vợ,

Do vậy khi vào đạo dù Chăm Châu Đốc, Chăm Campuchia hay Chăm Ninh Thuận hay Bình Thuận đều tự gọi “Tama Bani” có nghĩa là vô đạo, nhập đạo. Ở đây ám chỉ dĩ nhiên là vô đạo Islam chứ không mang nghĩa khác như vô đạo Tin Lành, Thiên Chúa giáo hay Phật giáo,…

Nhưng đối với người Chăm cụm từ ‘Tama Bani” (vào đạo) ám chỉ đối lập với tôn giáo Balamon có nghĩa là không phải người theo Balamon mà theo Allah (Asulam).

Từ “Chăm Bani” chỉ mang nghĩa: Chăm vô đạo mới (ám chỉ tín đồ của Allah), hay chỉ nhóm sắc dân Chăm tôn thờ Allah, hay đơn giản là người có đạo (Ám chỉ khác đạo Balamon). (Điều này cũng như người Việt gọi hai từ “Xóm đạo”, ở đây ám chỉ là xóm những người theo Công giáo, chứ không phải người theo Phật giáo, Hòa hảo hay Cao đài,…).

Tiếng Việt: Thánh đường Islam 102

Tiếng Chăm:  ꨧꩃ  ꨟꨈꨪꩀ  ꨝꨗꨫ  ꨁꨦꨤꩌ

Sang Magik Bani Islam

(Thánh đường đạo Islam). Bani ở trường hợp này là Đạo.

f). Căn cứ vào điểm b). ở mục 1). và điểm e). ở mục 2). thì người Chăm làm lễ nhập đạo “Tama Bani” vô đạo mới, và tôn giáo của họ dĩ nhiên là: Asulam

Căn cứ vào điểm b). và điểm c). ở mục 2). thì người Chăm làm lễ nhập đạo “Tama Bani” vô đạo mới, và tôn giáo của họ dĩ nhiên là: Awal

Từ điểm f). này khẳng định tôn giáo của người Chăm Bani gọi theo tiếng Chăm là: Asulam và Awal.

Do vậy, người Chăm Islam Châu đốc lấy tên tôn giáo sẽ là: Asulam (Thay vì lấy tên quốc tế là Islam hay tiếng Việt là Hồi giáo)

Người Chăm Bani Bình Thuận, Ninh Thuận lấy tên tôn giáo sẽ là: Awal (Thay vì lấy tên tiếng Việt là Hồi giáo)

Hình 1. Thánh đường Hồi giáo Bani Thanh Kiết - BìnhThuận

ꨧꩃ  ꨟꨈꨪꩀ  ꨨꨤꨭꨥ  ꨚꨤꨬ  ꨒꩉ

(Sang Magik Palei Njar)

g). Nếu người Chăm ở Ninh Thuận hay Bình Thuận, không thích dùng từ tiếng Việt “Hồi giáo” thì có thể viết đơn gửi các cấp trình bày. Trước tiên phải nêu rõ những khái niệm hay phải định nghĩa rõ về một số về danh từ chỉ tôn giáo của người Chăm liên quan hầu để định hướng dư luận trong cộng đồng người Chăm.

- Người Chăm Châu Đốc nếu không thích từ "Hồi giáo Islam", thì xin Ban tôn giáo Chính phủ đặt tên mới là: ISLAM GIÁO, hay đặt theo tiếng Chăm là, tôn giáo: ASULAM.

 

- Người Chăm Bani nếu không thích từ "Hồi giáo Bani", thì xin Ban tôn giáo Chính phủ đặt tên mới là, tôn giáo: AWAL, vì BANI không phải tên tôn giáo như đã trình bày ở trên.

 

- Người Chăm Balamon có thể giữ nguyên Balamon, mặc dù không đúng nhưng vì do tính quen thuộc, hoặc xin đổi qua tên: AHIER

 

Nội dung trong Phần 2 này là tiếp nối nội dung trong Phần 1. Nếu các bạn chưa đọc nội dung trong Phần 1 thì tìm tham khảo trước để dễ dàng nhận định đúng sự việc.

 

Hình 2. Thánh đường Hồi giáo Bani Châu Hanh - BìnhThuận

 

Hình 3. Thánh đường Hồi giáo Bani Lương Tri - Ninh Thuận

 

Hình 4. Tiêng Việt: Thánh đường Islam - Ninh Thuận

Tiếng Chăm: Sang Magik Bani Isalam (Thánh đường đạo Islam). Ở đây sử dụng từ Bani là: Đạo

 

Hình 3. Đơn kiến nghị nhóm đề nghị xóa Hồi giáo Bani

 

Đón đọc tiếp Phần 3