Giới thiệu sách: "Hồi giáo Bani" một tôn giáo độc thần

Written by Putra Podam
In category Bài báo
Sep 28, 2020, 7:16 PM

LỜI MỞ ĐẦU

Tác giả: Ts. Putra Podam

Đại học Công nghệ Malaysia (UTM)

Đại học Tây Nguyên,Việt Nam.

 

1. Hồi giáo (tiếng Arabic: Islam; tiếng Chăm: Asulam), là một tôn giáo độc thần thuộc nhóm các tôn giáo Abraham. Đây là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới, sau Kitô giáo, và tôn giáo đang phát triển nhanh nhất, với số tín đồ khoảng 1,6 tỷ người. Hồi giáo ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 7 tại bán đảo Arab, do Thiên sứ Muhammad sáng lập, nhưng đức tin của tín đồ Hồi giáo thì Islam bắt nguồn từ trước khi Thượng Đế (Allah) tạo ra Adam, với thượng đế Allah là Đấng Tối Cao, Duy Nhất và Muhammad là vị Thiên sứ cuối cùng được Allah mặc khải Thiên kinh. Bốn quyển thiên kinh của Allah đều được ban xuống cho loài người đều vào tháng Ramadan. Thiên kinh Zabur (thiên kinh của thiên sứ Dawood/ David); Thiên kinh Taurah (Torah - Cựu Ước) được ban xuống cho Musa (Moses);  Thiên kinh Injeel (Gospel - Tân Ước) được ban xuống cho Thiên sứ Isa (Jesus); Cuối cùng là thiên kinh Koran (Quran) được ban xuống cho Muhammad vào đêm 27 tháng Ramadan.

2. Theo lịch sử, Hồi giáo đã du nhập vào Champa từ khoảng cuối thế kỷ thứ IX theo con đường tơ lụa, theo Ed Huber, cho biết đã tìm thấy trong Tống sử một đoạn ghi “Cũng có (ở xứ Chàm) nhiều trâu sống trên núi. Nhưng người ta không dùng trâu để cày bừa mà chỉ để tế thần”. Lúc giết trâu để cúng, họ đọc lời cầu nguyện “Allahu Akbar”, đây chính là câu thiên kinh để tôn vinh Allah là đấng tối cao duy nhất.

Thế kỷ XIII, qua từng thời gian đến quốc vương Chế Mân (Trị vì từ 1285-1307) vị vua ảnh hưởng Hồi giáo khi bang giao với thế giới Melayu, và kết hôn với công chúa Tapasi Majapahit (Indonesia).

Thế kỷ XIV, Chế Bồng Nga (trị vì từ 1360-1390) là giai đoạn cực thịnh trong lịch sử Champa, ông đã chấn hưng nhà nước Champa từ một quốc gia suy đồi trở nên hùng mạnh, là một vị vua Hồi giáo, khi lên ngôi vua Chế Bồng Nga lấy niên hiệu là Sultan Zainal Abidin và cưới công chúa Siti Zubaidah Kelantan-Malaysia.

Thế kỷ XV, Ngài Sunan Ampel (1401-1481) được vua Champa phái sang đảo Jawa truyền bá Islam và cải đạo cho các tín đồ Hindu. Bố Trì trì vị vua Champa lấy niên hiệu Sultan Wan Abu Abdullah là vị vua Hồi giáo trong danh sách gia phả tại Kelantan-Malaysia (1471-1478). Champa và Malaysia có mối quan hệ thân thiết từ thế kỷ XV, đó là cuộc viếng thăm của vua Po Kabrah (1460 - 1494) đến Malaysia và việc ngài gả em gái là công chúa Po Sah Ina kết hôn với Po Haniim Per, người Hồi giáo gốc Malay.

Thế kỷ XVI, Po At (1553-1579), vị vua Hồi giáo, lịch sử Po At đã giúp vua Johor-Malaysia một vương quốc Hồi giáo bằng cách gửi lực lượng 400 thuyền chiến Champa sang giúp Sultan xứ Johor để tấn công quân Bồ Đào Nha ở Melaka-Malaysia.

Thế kỷ XVII, Po Rome (1627-1651), lấy công chúa bia Than Cih hay Sucih là tín đồ Hồi giáo con gái vua Po Mah Taha (1622-1627), ông cũng là một vị vua sùng bái Hồi giáo. Po Rome chính thức là người có danh phận là thành viên của dòng dõi vương triều theo Hồi giáo tại Malaysia. Biên niên sử Malaysia ghi lại khi Po Rome ở Makkah (Serembi Makkah, tức là tiểu vương quốc Kelatan-Malaysia). Tại đây, Po Rome kết hôn với công chúa Hồi giáo, chính thức mang tên Thánh Nik Mustafa, tên đầy đủ là: Nik Mustafa Bin Wan Abul Muzaffar Waliyullah. Vua trị vì tại tiểu vương quốc Kelantan - Malaysia hôm nay là dòng giỏi của vua Po Rome. Po Nrop, (1652 - 1653), vị vua Hồi giáo ở tại Makah tức Serembi Makkah là tiểu vương quốc Kelatan-Malaysia. Theo biên niên sử Champa Sakkarai dak rai patao thì Po Nraop là em trai Po Romé lên ngôi năm Thìn và thoái vị năm Tỵ, trị vì 1 năm, đóng đô ở Bal Canar (Tịnh Mỹ, Parik). Theo Hán Việt thì Po Nraop có tên là Bà Thấm (1651-1653). Trong khi lịch sử Malaysia thì Po Nraop là con trai trưởng của vua Po Romé có tên thật là Nik Ibrahim (Po Brohim), đã từng làm tướng soái tại Kelantan, sau này về Champa làm vua. Tên đầy đủ khi lên làm vua có niên hiệu là: Sultan Nik Ibrahim (1637 - 1684),…

Thế kỷ XVIII, Cei Brei (1783-1786) là vị vua Hồi giáo, ông được xem như là ông tổ của người Chăm ở Kampuchea và Nam Bộ Việt Nam. Tuan Phaow (1796-1797), là một vị công hầu đến từ Malaysia mà biên niên sử Việt Nam gọi là Tuần Phủ. Tuan Phaow cho chúng ta một bằng chứng về sự khởi nghĩa của nhân dân Champa chống Việt Nam và cung cấp thông tin liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị mà Panduranga-Champa gánh chịu trong những năm cuối cùng của thế kỷ XVIII,…

Thế kỷ XIX, Katip Sumat (1833-1834), là vị học sĩ Chăm Hồi giáo sinh ở Kampuchea sang Serembi Mekah (tiểu vương quốc Kelantan, Malaysia) du học về triết lý Hồi Giáo. Ông là một người rất tinh thông về Thiên kinh Koran và người Chăm tôn sùng như một vị siêu nhân về quyền năng mầu nhiệm đã lãnh đạo nhân dân Champa chống triều đình Huế. Katip Ja Thak Wa (1834-1835) là người Chăm Hồi giáo Bani, một nhân vật quan trọng trong triều đình Champa, có quan hệ mật thiết với Hồi giáo (Islam), đã từng tham gia chỉ huy trong phong trào Katip Sumat và đứng ra lãnh đạo nhân dân Champa tổ chức mật trận chống triều đình vua Minh Mệnh,…

Thế kỷ XX, Thiếu Tướng Les Kosem - Haji Les Kosem (bí danh Po Nagar), sinh ngày 27-3-1927 tại Kompong Cham, người Chăm Hồi giáo tại Kampuchea. Ông là sĩ quan quân đội Kampuchea có vai trò quan trọng trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai và những cuộc nội chiến ở Kampuchea. Là lãnh tụ phong trào Fulro, một nhân vật đấu tranh nhằm giải phóng dân tộc Champa bị áp bức, đã từng đóng vai trò quan trọng trên bàn cờ chính trị Đông Dương vào những năm 1964-1975, là nhân vật Chăm Hồi giáo đã từng gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng Chăm tại Việt Nam.

Đến thế kỷ XXI, Champa và Hồi giáo vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với thế giới Malayu nói riêng và thế giới Hồi giáo nói chung.

3. Hồi giáo Bani (tên Chăm: Bani Awal) là một tôn giáo độc thần, chỉ thờ phượng Allah là Đấng Tối Cao, Duy Nhất và Muhammad là vị Thiên sứ (Nabi) cuối cùng được Allah mặc khải Thiên kinh. Hệ phái Hồi giáo Bani gồm hai tầng lớp, tầng lớp thứ nhất là “giáo sĩ Acar” (ulama) trực tiếp chỉ thờ phượng Allah, trau dồi chương kinh Koran, kiêng cử, hành lễ trong tháng Ramadan, Waha,… và thực hiện các nghi lễ liên quan đến vòng đời của người Chăm Bani. Tầng lớp thứ nhì là “tín đồ Bani Awal” chỉ phục tùng giáo sĩ Acar và thờ phượng Allah. Nhưng lớp tín đồ này nếu trang bị đầy đủ kiến thức và Thiên kinh Koran thì cũng có thể trở thành “giáo sĩ Acar” để trực tiếp thờ phượng Allah.

Theo thuật ngữ thì từ Bani có một số ngữ nghĩa như:

- Bani: thường dùng để chỉ tín đồ thờ phượng Allah. Nhưng theo R.P Durrand (1903), tên gọi Bani là phiên âm theo từ gốc Arab “Beni”, có nghĩa là con trai”.

- Bani: trong tiếng Arabic dùng để chỉ sắc dân như: Bani Israel (sắc dân Do Thái), Bani Chăm (nhóm người Chăm theo đạo mới).

- Bani, Bini là tín đồ hay đạo thường dùng để chỉ người mới nhập đạo, người có đạo, hay người có đức tin với thượng đế Allah. Ví dụ: Bani Jawa: nghĩa là: người Jawa cải đạo Hindu theo đạo mới, ám chỉ theo Hồi giáo, gọi tắt là người Jawa.

- Bani, Bini thường dùng như tên lót Bin theo Islam như: Muhammad Bin Bilal Ali,…

- Bani hay Bini trong tiếng Malay còn có nghĩa là phụ nữ hay vợ.

Khi thực hiện “lễ cắt bao quy đầu”, thì người Chăm Nam bộ, Chăm Kampuchea, Chăm Ninh Thuận hay Bình Thuận đều gọi “Khatan tamâ Bani” nghĩa chính là lễ cắt bao quy đầu, nhưng thường gọi lễ nhập đạo. Ở đây ám chỉ dĩ nhiên là nhập đạo Islam (Asulam) chứ không mang nghĩa khác như nhập đạo Balamon, Tin Lành, Thiên Chúa giáo hay Phật giáo,…Nhưng nghĩa đối với riêng người Chăm thì cụm từ ‘Khatan tamâ Bani” (nhập đạo), ám chỉ không phải nhập đạo Balamon, mà nhập đạo mới Asulam theo thờ phượng thượng đế Allah.

Từ “Bani” chỉ có nghĩa là tín đồ, tín đồ theo đạo hay người Chăm nhập đạo mới (ám chỉ theo đức tin Allah), hay chỉ nhóm sắc dân Chăm tôn thờ Allah, hay đơn giản là người “Có đạo” (Ám chỉ đạo Asulam không phải đạo Balamon). Điều này cũng như người Việt gọi hai từ “Xóm đạo”, là xóm những người theo Công giáo, chứ không phải người theo Phật giáo, Hòa Hảo hay Cao Đài,…

Một số người Chăm tại Ninh Thuận, Bình Thuận thường hiểu lầm “Bani” là đạo tên Bani. “Chăm Bani” là người Chăm theo đạo Bani. Đây là cách hiểu sai, không đúng hay không chính xác. Vì trên thế giới không có đạo nào tên Bani.

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, Hồi giáo Bani ở Ninh Thuận còn sót lại nhiều dấu tích của hệ phái Shiah của người Ba Tư, ngược lại Hồi giáo Bani ở Bình Thuận lại mang đậm các dấu tích của Islam Sunni, và cả hai khu vực thuộc Panduranga đều phủ đầy nét văn hoá Islam Malaysia. Sai lầm của nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Hồi giáo Bani ở Champa là Hồi giáo bản địa nhưng không đưa ra lý lẽ đâu là tính bản địa và đâu là vết tích chính thống giáo, bởi thực sự họ chưa hiểu cặn kẽ về Hồi giáo chính thống. Cũng như sự nhận định sai lầm khi cho rằng Hồi giáo ở Saudi Arabia và Hồi giáo ở Malaysia là chuẩn là chính thống giáo. Từ nhận định trên nên các kết quả nghiên cứu đã bị sai lệch.

Khái niệm Islam chính thống giáo là những gì thuộc giáo lý như (Thiên kinh Koran, Hadith,...), còn tín đồ hay người theo Hồi giáo cũng như các nhánh, các hệ phái, các chi phái,...là họ đang bám vào giáo lý Hồi giáo để dần dần hoàn thiện sự chính thống giáo một cách trọn vẹn. Ví dụ ở Kelantan-Malaysia vào đầu thế kỷ 20, phụ nữ vẫn chỉ che người đến phần ngực phía dưới và lộ nguyên phần ngực phía trên và đôi vai như người Thái, người Lào,…trái hẳn với luật Hồi giáo là phụ nữ phải che kín người. Các vùng như Kelantan, Terengganu, Kedah,…cúng các lễ tục Mak Yong (cúng cho người bệnh) như Raja Praong, cúng bảy công chúa con của thần biển, cúng thần Yang trong lễ cắt bao quy đầu, cúng thần yang trong lễ tục thả Diều,… Đến tận 1950, khi đảng Hồi giáo Liên Malaysia (PMIP; sau là PAS) lên nắm quyền thì Hồi giáo tại Malaysia được loại bỏ dần những tín ngưỡng ảnh hưởng yang thần bởi chính quyền đã dùng vũ lực dẹp bỏ các lễ tục hay tín ngưỡng trên. Từ đó Hồi giáo tại Malaysia được hoàn thiện dần Islam chính thống giáo. Tuy nhiên, hiện nay ở một số nơi hẻo lánh thuộc hải đảo xa xôi Indonesia, Malaysia, các tín đồ Hồi giáo vẫn còn thực hiện một số lễ tục truyền thống như cúng thần sông, thần núi, tổ tiên,…dưới vỏ bọc của Hồi giáo (Islam).

Chăm Hồi giáo Bani, mặc dù tự nhận mình là tín đồ Asulam, nhưng Chăm Hồi giáo Bani vẫn tiếp tục duy trì chế độ mẫu hệ và mẫu cư, một qui chế tổ chức gia đình và xã hội hoàn toàn đi ngược với phong tục của Hồi giáo chính thống giáo. Sau thế kỷ 17, do tình hình xung đột tôn giáo trong xã hội người Chăm ngày càng phức tạp, do đó, người Chăm cho rằng, vua Po Rome quyết định hóa giải tôn giáo thành hai thuật ngữ là Awal Ahier, với ý nghĩa như sau:

Awal: Là người Chăm đã theo Hồi giáo (Asulam) từ trước nhưng vẫn tiếp nhận văn hóa bản địa Champa. Thuật ngữ Awal (gốc từ Arabic) có nghĩa là “đầu tiên, trước” để ám chỉ cho những người Chăm Bani đã theo “Hồi giáo”  từ trước triều đại vua Po Rome (1627-1651) và chỉ chấp nhận Po Allah Thượng đế, là Đấng Tối cao và Duy nhất.

 Ahier: Là người Chăm theo Balamon (Brahmanism), nhưng tiếp nhận nhiều nghi lễ mang yếu tố bản địa Champa. Thuật ngữ Ahier (gốc từ Arabic) có nghĩa là “muộn, sau” để ám chỉ cho người Chăm Balamon chấp nhận thờ thêm Po Allah (Đấng Toàn năng) sau khi vua Po Rome hóa giải. Po Allah xuất hiện trong cộng đồng Chăm Balamon không phải là Thượng đế Duy nhất mà là Ðấng Thượng đế Tối cao đứng đầu trong danh sách các thần linh quan trọng khác của người Chăm Balamon ở Panduranga như Brahman, Vishnu, Shiva.

Do vậy, thuật ngữ Awal không làm thay đổi giá trị thực thể nội tại của Hồi giáo (Asulam), mà từ Awal chỉ khẳng định thêm rằng người Chăm đã theo Hồi giáo và tôn thờ Allah từ trước (nghĩa người Chăm đã theo Hồi giáo từ  trước triều đại Po Rome). Trong khi thuật ngữ Ahier, có thay đổi giá trị nội tại của người Chăm Balamon, bằng cách Po Rome dùng quyền lực ép người Chăm Balamon phải thờ thêm Allah của Hồi giáo (Asulam), nghĩa là Chăm Ahier (là Chăm Balamon thờ thêm Allah). Điều này chính vua Po Rome đã truyền đạo Hồi giáo cho người Chăm Balamon và mong sau này người Chăm Balamon thay đổi nhận thức chỉ tôn thờ Đấng Allah Duy nhất, hay thờ phượng thêm Đấng Allah để cùng Chăm Hồi giáo (Chăm Bani Awal - Hồi giáo Bani) giải quyết mâu thuẫn, xung đột tôn giáo ở Panduranga xưa.

Ngày nay, khi nói đến Hồi giáo Bani thì đầu tiên phải nói đến đối tượng giáo sĩ Acar (ulama) là những người tin tuyệt đối vào Đấng Allah, chỉ thờ phượng Đấng Allah duy nhất và phục tùng Muhammad là Thiên sứ cuối cùng được Allah mặc khải Thiên kinh Koran. Nhiệm vụ của giáo sĩ Acar là kiêng cử, hành lễ, trau dồi chương Thiên kinh Koran, đạo đức, và thực hành các buổi lễ trong tháng Ramadan, Waha cũng như lễ nghi liên quan vòng đời của tín đồ Hồi giáo Bani.

Theo Ban tôn giáo chính phủ thì ở Việt Nam đã được công nhận 14 tôn giáo được đặt tên và sắp xếp theo thứ tự như sau: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa hảo, Hồi giáo, Baha’i, Tịnh độ cư sỹ Phật hội VN, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo, Minh lý đạo tam tông miếu, Balamon, tôn giáo Mặc môn.