Giải thích ngữ nghĩa gốc từ Bani

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
Nov 25, 2020, 3:13 PM

Theo khái niệm và quy định chung về tín ngưỡng, tôn giáo số: 02/2016/QH14 ngày 18/11/2016 của Quốc hội Việt Nam trong điều 2 với nội dung như sau:

Tín ngưỡng: Là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.

Tôn giáo: Là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. Một tôn giáo phải có đủ 4 yếu tố cấu thành, đó là: giáo chủ, giáo lý, giáo luật và tín đồ.

Theo Ban tôn giáo chính phủ thì ở Việt Nam đã được công nhận danh mục gồm 14 tôn giáo, trong đó có Hồi giáo. Ở cộng đồng Chăm đức tin về Hồi giáo được chia thành hai hệ chính là: Hồi giáo Isam (Hồi giáo chính thống) và Hồi giáo Bani (Hệ phái Hồi giáo Champa hay Hồi giáo dòng Bani) điều này như Ả Rập (Hồi giáo dòng Sunni), Iran (Hồi giáo dòng Shiite),...

Hồi giáo Bani (Hồi giáo dòng Bani), tiếng Chăm: Asulam Bani hay Awal Bani hay Bani Awal: hiện nay sử dụng thiên kinh Koran (Qur’an) làm kim chỉ nam, tôn thờ Đấng Tối cao Awluah (Allah) và phụng sự Thiên sứ Muhamat (Muhammad)

Islam du nhập vào Champa khoảng thế kỷ 9, nhưng phát triển cực thịnh vào thế kỷ thứ 16 ảnh hưởng từ quốc gia Mã Lai và một số quốc gia khác ở Đông Nam Á. Để chỉ tôn giáo Islam người Chăm phiên âm thành từ Asulam. Đối với tôn giáo Asulam thì người Chăm còn dùng từ Bani (nghĩa tương tự Muslim) được dùng rất phổ biến không chỉ dành riêng cho người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận, mà còn sử dụng ở người Chăm Nam Bộ, Chăm Kampuchea,…

Hồi giáo Bani là một tôn giáo độc thần, chỉ thờ phượng Allah là Đấng Tối Cao, Duy Nhất và Muhamat là vị Thiên sứ cuối cùng được Allah mặc khải Thiên kinh.

Hệ phái Hồi giáo Bani của người Chăm gồm hai tầng lớp:

- Tầng lớp giáo sĩ Acar (ulama): trực tiếp chỉ thờ phượng Allah.

- Tầng lớp tín đồ Bani: phục tùng giáo sĩ Acar và thờ phượng Allah. Nhưng lớp tín đồ nếu trang bị đầy đủ kiến thức và Thiên kinh Koran thì cũng có thể trở thành giáo sĩ Acar để trực tiếp thờ phượng Allah.

Vậy khi bàn đến Hồi giáo Bani, thì chúng ta chỉ bàn đến giới giáo sĩ Acar, Imam, Po Gru,...đó là tầng lớp trực tiếp tôn thờ Allah đại diện cho Hồi giáo dòng Bani ở Champa.

Theo thuật ngữ thì từ Bani có một số ngữ nghĩa như:

- Bani: thường dùng để chỉ tín đồ thờ phượng Allah. Nhưng theo R.P Durrand (1903), tên gọi Bani là phiên âm theo từ gốc Ả Rập có nghĩa là “đứa con”.

- Bani: trong tiếng Ả Rập dùng để chỉ sắc dân như: Bani Israel (sắc dân Do Thái), Bani Chăm (nhóm người Chăm theo đạo mới).

- Bani: chỉ tín đồ Asulam (Hồi giáo) của người Chăm (tương tự Muslim của Islam). Bani còn thường dùng để chỉ người mới nhập đạo, người có đạo, hay người có đức tin với thượng đế Allah. Ví dụ: Bani Jawa: nghĩa là: người Jawa cải đạo Hindu theo đạo mới, ám chỉ theo Hồi giáo, gọi tắt là người Jawa.

Khi thực hiện “lễ cắt bao quy đầu”, thì người Chăm Nam bộ, Chăm Kampuchea, Chăm Ninh Thuận hay Bình Thuận đều gọi “Khatan tamâ Bani” nghĩa chính là lễ cắt bao quy đầu, nhưng thường gọi lễ nhập đạo. Ở đây ám chỉ dĩ nhiên là nhập đạo Islam (Asulam) chứ không mang nghĩa khác như nhập đạo Balamon, Tin Lành, Thiên Chúa giáo hay Phật giáo,…Nhưng nghĩa đối với riêng người Chăm thì cụm từ ‘Khatan tamâ Bani” (nhập đạo), ám chỉ không phải nhập đạo Balamon, mà nhập đạo mới Asulam theo thờ phượng thượng đế Allah.

Từ “Bani” chỉ có nghĩa là tín đồ, hay người Chăm nhập đạo mới (ám chỉ theo đức tin Allah), hay chỉ nhóm sắc dân Chăm tôn thờ Allah, hay đơn giản là người “Có đạo” (Ám chỉ đạo Asulam không phải đạo Balamon). Điều này cũng như người Việt gọi hai từ “Xóm đạo”, là xóm những người theo Công giáo, chứ không phải người theo Phật giáo, Hòa Hảo hay Cao Đài,…

Theo nghĩa rộng thì người Chăm theo tôn giáo Balamon (Brahmanism) thì chỉ thờ phượng Brahman, Vishnu, Shiva. Nhưng sau cuộc hóa giải của vua Po Rome (1627-1651) thì người Chăm Balamon chấp nhận thờ thêm Po Allah (Đấng Toàn năng). Po Allah xuất hiện trong cộng đồng Chăm Balamon không phải là Thượng đế Duy nhất mà là Ðấng Thượng đế Tối cao đứng đầu trong danh sách các thần linh quan trọng khác của người Chăm Balamon ở Panduranga. Từ đó, tôn giáo Balamon có một thuật ngữ mới là: Ahier (nghĩa là Balamon thờ thêm thượng đế Allah). Như vậy có thể gọi Chăm Ahier cũng là tín đồ Bani (Vì Chăm Balamon có thờ phượng thượng đế Allah).

Từ những nhận định trên khẳng định, Bani không phải là đạo mang tên Bani, mà Bani là tín đồ của Hồi giáo Champa cũng giống như tên quốc tế Muslim là tín đồ của Islam.

Một số người tại Ninh Thuận thường hiểu lầm “Bani” là đạo tên Bani. “Chăm Bani” là người Chăm theo đạo Bani. Đây là cách Hiểu sai, Không đúng hay Không chính xác. Vì trên thế giới không có đạo nào tên Bani.