Người Chăm Hồi giáo Bani Panduranga - NCS. Dominique Nguyen

Written by admin
In category Nghiên cứu
Nov 29, 2020, 11:12 PM

Tác giả: NCS. Dominique Nguyen

Tín đồ: Bani Awal (Hồi giáo Bani) tại Paris France

 

Islam du nhập vào Champa khoảng thế kỷ IX và phát triển mạnh mẽ nhất từ thế kỷ XVI qua trung gian các thương thuyền Malay thường hay ghé hải cảng Champa để bang giao và truyền giáo, từ đó Islam phát triển ở Panduranga-Champa.

Sự xuất hiện Islam tại Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận) đã bị Chăm hóa gọi là Hồi giáo Bani hay Hồi giáo thuộc dòng Bani, là đặc trưng riêng của Hồi giáo Champa. Đây là một tôn giáo không chủ trương truyền bá rao giảng lời Allah đến với mọi người, chính vì vậy Hồi giáo Bani chỉ tập trung trong khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận, không phát triển mạnh như Islam tại các quốc gia Malaysia, Indonesia, Brunei,...

Thánh đường Hồi giáo Bani, được xây dựng ở bên trong làng (Ninh Thuận: 7 thánh đường, Bình Thuận: 10 thánh đường). Họ còn duy trì những qui luật về cách xây dựng thánh đường. Từ nghi thức hành lễ đến cách xếp đặt bên trong, bên ngoài đều có một sắc thái riêng biệt địa phương chứ không giống như mô hình kiến trúc theo thánh đường Islam trên thế giới.

1. Ramadan

Tầng lớp giáo sĩ này được tổ chức thành một hệ thống chặt chẽ theo từng đơn vị cư trú trong làng mà thứ bậc từ cao đến thấp là Gru, Imam, Katip, Acar. Đây là tầng lớp lãnh đạo tinh thần của mỗi làng Hồi giáo Bani. Họ dựa vào Thiên kinh Koran (Quran) dùng làm căn bản cho đức tin. Tín đồ Hồi giáo Bani tin tưởng vào sứ mệnh thiêng liêng của Thiên sứ Muhammad, người truyền đạt thông điệp của Thượng đế Allah duy nhất xuống trần gian. Sự biểu lộ đức tin được xác định chỉ có Allah duy nhất và công nhận sứ mệnh thiêng liêng của Thiên sứ Muhammad. Lời tâm nguyện này phải đọc bằng tiếng Ả Rập (Arabic).

Người Chăm Hồi giáo Bani ở miền Trung Việt Nam đã có quan niệm riêng về ăn uống trong tháng Ramadan. Đối với họ tịnh chay là bổn phận riêng của tầng lớp giáo sĩ Po Gru, Imam, Katip và Acar. Họ là giáo sĩ đại diện cho toàn thể tín đồ, sẽ phải hãm mình trong thánh đường trong vòng một tháng để trau dồi Thiên kinh. Để biểu lộ đức tin các chức sắc phải cầu nguyện, đọc Thiên kinh mỗi ngày, ngày thứ Sáu trong tuần còn gọi là ngày Jumaat cũng không kém quan trọng như ngày Chủ nhật của Thiên Chúa Giáo. Tịnh chay trong tháng Ramadan là việc chính yếu để tỏ lòng sùng bái, tán tụng trong thánh đường theo quy luật mà Thiên kinh Koran đã trích dẫn. Còn dân chúng vẫn được ăn uống bình thường hòa trong suốt tháng Ramadan Hồi lịch.

Tịnh chay trong tháng Ramadan của tín đồ Hồi giáo Bani không phải nhịn ăn uống ban ngày như Hồi giáo Islam, chức sắc chỉ nhịn ăn ba ngày đầu tháng, sau đó được ăn uống theo quy định giờ giấc. Việc tịnh chay trong thánh đường (Magik) sẽ khởi sự từ ngày thấy vần trăng đầu tháng và chấm dứt khi lại thấy trăng xuất hiện vào đầu tháng sau.

Trong sinh hoạt của người Chăm Hồi giáo Bani, tháng Ramadan là tháng lễ lớn nhất trong năm và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các giáo sĩ không được rời khỏi thánh đường (Magik), họ chỉ được dùng thức ăn do tín đồ mang lễ vật đến thánh đường để dâng cúng. Vào mỗi lần hành lễ các tín đồ cùng nhau cầu xin Allah phù hộ. Ban đêm hầu như mọi người đều tập trung về đây để tham dự các lễ cầu nguyện, trao đổi và ăn uống với nhau mãi đến gần khuya mới về nhà. Chính những hoạt động này đã tạo cho thánh đường một vị trí quan trọng, là trung tâm sinh hoạt cộng đồng Chăm Hồi giáo Bani.

2. Lễ vào đạo

Bên cạnh sinh hoạt tôn giáo, người Chăm Hồi giáo Bani cũng thực hiện những nghi lễ theo phong tục. Trai gái khi sắp đến tuổi trưởng thành 11-14 tuổi phải tham gia làm Katan (cắt bao qui đầu) cho nam giới và Kareh (cắt tóc) cho nữ giới. Ở Bình Thuận lễ Kareh cho các thiếu nữ thường được tổ chức kết hợp với lễ Katan cho các nam giới để khỏi tốn kém. Cũng chính trong lễ này các tín đồ Hồi giáo Bani mới được các giáo sĩ đặt tên (Theo Arabic).

Lễ Katan là một nghi thức được tôn trọng triệt để trong xã hội Bani Awal  nhưng mang tính cách tượng trưng, trong khi đó lễ Kareh cho thiếu nữ lại có ý nghĩa quan trọng hơn và cần thiết. Lễ này được nhiều gia đình tổ chức chung cho vài chục thiếu nữ cùng một lứa tuổi. Người ta phải dựng hai rạp (Kajang) đối mặt nhau: rạp lớn để làm lễ, còn rạp nhỏ cho các thiếu nữ vào cấm mình sẽ được Muk Buh trong nom và canh giữ không cho ra ngoài bất cứ lý do gì. Ngày hôm sau khoảng 10 giờ sáng các thiếu nữ mặt lễ phục và được Muk Buh hướng dẫn sang rạp lớn làm lễ. Các thiếu nữ vào lần lượt từng người, Po Gru (sư Cả) cùng các chức sắc đọc Thiên kinh, cầu nguyện rồi bỏ vào miệng các thiếu nữ một hạt muối, cắt một lọn tóc nhỏ trên đầu rồi cho uống nước. Trong dịp này các thiếu nữ được cha mẹ, bạn bè và dòng họ tặng tiền bạc, nữ trang, trâu, bò và cả ruộng đất nữa. Những tặng vật sẽ là của hồi môn của các thiếu nữ khi cưới chồng sau này. Như vậy thì người Chăm Hồi giáo Bani còn giữ nhiều ý niệm về chế độ mẫu hệ cổ truyền của dân tộc nên mới tổ chức lễ Katan, Kareh để chuẩn bị cho việc hôn nhân khi trưởng thành sau này. Nếu không làm lễ này thì các chàng trai, cô gái chưa được phép nghĩ đến vấn đề hôn nhân.

Hình 1. Wa Táo Thị Đô và em trai Imam Dụng Ánh Kim, tín đồ Bani Awal trong trang phục Chăm thập kỷ 60.

Khi Islam du nhập vào Champa khó mà tránh khỏi làn sóng phẫn nộ của những người theo tôn giáo Balamon. Dù rằng trong sinh hoạt tôn giáo cũng như trong đời sống tinh thần của tín đồ Hồi giáo Bani có sự pha trộn giữa các yếu tố Islam và tín ngưỡng dân gian. Cho nên Islam được người Chăm tiếp nhận và biến đổi cho phù hợp với những điều kiện mà thói quen hình thành đã lâu đời trong lối sống được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự truyền bá Islam trong cộng đồng người Chăm không tránh khỏi sự va chạm với những tín đồ Balamon. Sự mâu thuẫn trong quan hệ giữa hai tôn giáo đã cho chúng ta thấy trong Akayet Um Marup và Ariya Cam Bani.

Để tìm một giải pháp chung cho hai giáo phái Balamon và Bani Awal, những người lãnh đạo vương quyền thời đó đã ý thức vai trò và trách nhiệm của những người lãnh đạo cần phải đoàn kết Balamon và Bani Awal để làm việc chung với nhau trong triều đình cũng như trong xã hội liên đới, nhìn nhau với lòng nhân ái và đoạn tuyệt với quá khứ hận thù để tìm một hướng đi cho dân tộc. Trên phương diện đồng thuận đó là quyết tâm xây dựng trong tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc, bằng sự thảo luận bộc trực và tương kính. Dĩ nhiên trong cuộc đối thoại một cách thẳng thắng khó tránh được những sự bất đồng, vì ai trong đời chẳng có mức độ sai lầm. Vấn đề hòa giải, hòa hợp giữa hai cộng đồng Balamon và Bani Awal là một bắt buộc của lịch sử. Chính những đỗ vỡ và khủng khoảng trong quá khứ đã làm tổn hại nặng nề trong trái tim của người Chăm. Chúng ta đã phải trả giá quá đắt cho sự hận thù và chia rẽ.

Hình 2. Dominique Nguyen tại tháp Eiffel - Paris France.

Còn tiếp....