TRAO ĐỔI VỚI TS.THÀNH PHẦN VỀ
ĐẶC ĐIỂM VĂN TỰ CỦA NGƯỜI CHĂM
Putra Podam
Đại học Công nghệ Malaysia (UTM – Malaysia)
Email: putrapodam@gmail.com
“Đặc Điểm Văn Tự Của Người Chăm” là bài viết của TS. Thành Phần đăng trong công trình mang tựa đề “Bốn mươi năm nghiên cứu văn hóa Chăm” do Nhà xuất bản Văn hóa Dân Tộc ấn hành năm 2015, trang 278-288. Đây là một bài viết giới thiệu đặc điểm tiếng nói và đặc điểm văn tự của người Chăm qua các thời kỳ cũng như sự ảnh hưởng của văn tự Sanskrit đối với văn tự của người Chăm. Trên cơ sở đó tác giả đã đề cập đến thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị các tư liệu văn tự Chăm trong các gia đình, trong các bảo tàng, thư viện, trung tâm nghiên cứu và trường học.Tác giả mạnh dạn so sánh việc truyền dạy chữ Chăm trước và sau năm 1975, từ cơ sở đó, tác giả kết luận thực trạng dạy chữ Chăm hiện nay ở bậc Tiểu học như sau:
“Kết quả của chương trình giảng dạy chữ Chăm đã giúp đã giúp các thế hệ trẻ người Chăm có điều kiện thuận lợi tiếp cận chữ Chăm. Nhưng, sau 5 năm theo học chữ Chăm ở bậc tiểu học, các em học sinh Chăm không đọc được văn tự Chăm do cha ông họ để lại. Có nghĩa là không có triển vọng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống dân tộc của chính họ” [trang 285, dòng 27-30].
Phần cuối tác giả nêu tình hình khai thác tư liệu văn tự Chăm trong việc nghiên cứu người Chăm ở Việt Nam. Từ việc hạn chế nguồn tư liệu Chăm, các nhà nghiên cứu không có cứ liệu để kiểm chứng độ chính xác khi tham khảo các nguồn tài liệu khác và đưa ra nhận định rằng:
“Nguyên nhân dẫn đến những trường hợp nêu trên là do ít ai sử dụng tư liệu viết bằng chữ Chăm làm căn cứ khoa học. Vì vậy, những kết quả nghiên cứu dễ bị sai lệch nhiều, dẫn đến sự nhầm lẫn, hiểu sai ý nghĩa, đưa ra lời nhận định không chính xác” [trang 287, dòng 12-15].
Sự nhìn nhận này thể hiện tính khách quan và ý nghĩa khoa học trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các tư liệu văn tự Chăm.
Tuy nhiên, sự luận giải về đặc điểm văn tự của người Chăm qua các thời kỳ, việc phân chia bốn giai đoạn về văn tự Chăm và giai đoạn ra đời của chữ viết akhar Thrah cần luận giải một cách khách quan và phù hợp hơn.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
A). QUAN ĐIỂM CỦA TÁC GIẢ VỀ GIAI ĐOẠN CHỮ VIẾT CHĂM
Trang 279 tác giả chia văn tự Chăm ra bốn thời kỳ chính:
1). Văn tự thuộc thời kỳ cổ đại;
2). Văn tự thuộc thời kỳ trung đại;
3). Văn tự thuộc thời kỳ cận đại;
4). Văn tự thuộc thời kỳ hiện đại.
Hai giai đoạn đầu Ts. Thành Phần nhận định như sau:
1). Văn tự thuộc thời kỳ cổ đại (trước thế kỷ thứ IV) là loại chữ thường được khắc trên các bia đá. Người Chăm gọi là akhar hayap.
2). Văn tự thuộc thời kỳ trung đại (thế kỷ IV-XV) là loại văn khắc chủ yếu chạm khắc trên các vách núi, tảng đá, hòn đá, phiến đá, cột đá hoặc bia đá. Ngoài ra có thể tìm thấy trên các miếng gạch, phù điêu, tượng đá và trên một số đồ vật và một số vật liệu khác. Người Chăm gọi là akhar tapaoh.
Ý kiến trao đổi:
Theo các nhà nghiên cứu Tây Phương chuyên về văn bản Chăm cổ, chữ viết Chăm cổ là loại chữ viết xuất hiện trên các bia đá Champa kể từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XV (G. Coedes, 1939; Filliozat Jean, 1969). Chữ viết này được dùng để khắc trên các bia đá, tảng đá, trên các vách núi, v.v., nên được gọi là akhar hayap hay akhar tapaoh.
• Hayap trong tiếng Chăm có nhiều nghĩa: a). mặt bằng phẳng – batuw hayap “tảng đá bằng phẳn; b). tượng, bia đá – Hayap Bia Ut “tượng Bia Ut”; Hayap Po Kaong Garai “bia Po Klaong Garai”; c). tạc, đục, khắc – hayap di ngaok batuw “khắc trên mặt đá”.
• Tapaoh (< paoh): “đục, đẻo”.
Do đó không thể chia akhar hayap vào thời kỳ trước thế kỷ thứ IV và akhar tapaoh vào thời kỳ thế kỷ IV-XV như Ts. Thành Phần đã nêu ra.
Theo các chuyên gia Tây Phương như nêu ở trên, thì chữ chăm cổ đại viết trên bia đá từ thế kỷ thứ II cho đến thế kỷ thứ IV như Ts. Thành Phần đã nêu là không chính xác, vì chữ Chăm cổ đại hay Akhar Hayap viết trên bia đá đã có từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XV.
Ngược lại, khi bàn luận đến chữ viết Chăm cổ từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ IV, thì người ta không bàn về chữ viết mà là nội dung của bia đá hoàn toàn viết bằng tiếng Phạn (chứ không phải chữ Phạn). Vì, kể từ thế kỷ thứ IV, tại vương quốc Champa đã sử dụng chữ viết Chăm cổ để viết tiếng Chăm mẹ đẻ (xem bia Đồng Yên Châu), nhưng vẫn duy trì tiếng phạn xẻn kẻ trên bia đá. Nói cách khác, kể từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XV, bia đá Champa thường là song ngữ: Tiếng Chăm lẫn tiếng Phạn.
3). Tác giả cho rằng văn tự thuộc thời kỳ cận đại (thế kỷ XVI-XVIII) là loại chữ chủ yếu viết trên lá buông hay trên giấy. Loại văn tự này thường viết theo ba phong cách khác nhau. Mỗi loại đều có tên gọi riêng như akhar rik, akhar yok, akhar atuel.
Ý kiến trao đổi:
Theo quan điểm của các chuyên gia Tây Phương, chữ viết Chăm chỉ chia thành ba thời kỳ:
• Chữ Chăm cổ đại: là loại chữ viết trên bia đá, từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XV.
• Chữ Chăm trung đại: từ thế kỷ thứ XVI nhưng không biết chấm dứt vào năm nào.
Đây là thời kỳ akhar Thrah đang hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh, trong chữ viết akhar Thrah còn giữ một số nét của chữ Chăm cổ đại.
• Chữ Chăm cận đại (còn gọi akhar thrah phổ thông ): từ thế kỷ thứ XVII cho đến nay. Akhar Thrah phổ thông xuất hiện trên bia ký Po Romé (1627-1651).
Còn Akhar Rik, Yok và Atuel, đây không phải là chữ viết, mà là kiểu viết có nét đặc biệt của chữ viết Akhar Thrah Chăm.
4). Tác giả còn cho rằng văn tự thuộc thời kỳ hiện đại (từ sau thế kỷ XIX đến nay) là loại chữ thông dụng được người Chăm sử dụng phổ biến để ghi chép các văn bản hành chính, các chứng từ pháp lý, các chỉ dụ của vua, các văn thơ, lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán,…Ngày nay, văn tự này được gọi là Akhar Thrah.
Ý kiến trao đổi:
Theo các chuyên gia về chữ viết Chăm, không có chữ Chăm hiện đại từ sau thế kỷ thứ 19 đến nay như Ts. Thành Phần đã nêu, mà chỉ có chữ Chăm cận đại hay hiện đại gọi là Akhar Thrah, ra đời kể từ thế kỷ thứ 16 và lưu hành cho đến nay. Akhar Thrah xuất hiện trên bia ký Po Rome (1627-1651) và chữ viết này được sử dụng chính thức trong các văn bản hành chánh quốc gia Champa từ năm 1702.
B). GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CHỮ VIẾT CHĂM
Căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu về nguồn gốc lịch sử phát triển chữ viết Chăm, chúng tôi có thể chia chữ viết Chăm thành ba giai đoạn chính như sau:
1). Thời kỳ chữ Chăm cổ đại (từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XV): Giai đoạn này người Chăm sử dụng chữ viết Chăm cổ (akhar hayap) có nguồn gốc từ chữ viết Devanagari (Ấn Độ).
2). Thời kỳ chữ Chăm trung đại (sau thế kỷ thứ XV): Đây là thời kỳ chữ viết akhar Thrah đang hình thành, là giai đoạn chuyển biến từ chữ Chăm cổ (akhar hayap) sang chữ Chăm truyền thống (akhar thrah). Trong giai đoạn này akhar Thrah đã hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh, nghĩa là trong cách viết akhar thrah vẫn còn một số ký tự chữ Chăm cổ.
3). Thời kỳ chữ Chăm cận đại hay hiện đại (từ thế kỷ XVII đến nay): Giai đoạn này người Chăm sử dụng chữ viết Akhar Thrah (tức là chữ Chăm truyền thống hay chữ Chăm phổ thông). Chữ viết akhar Thrah xuất hiện trên bia ký Po Rome (1627-1651) vào thế kỷ thứ XVII (Lafont, 2011). Đây là loại chữ viết được kế thừa từ chữ viết Chăm Cổ Đại và chuyển biến trong giai đoạn thời kỳ Trung đại.
Tóm lại, Akhar Thrah là chữ viết được sử dụng chính thức trên các văn bản hành chính quốc gia Champa từ năm 1702, trong các tác phẩm văn chương như: Akayet Inra Patra, Akayet Um Marup,… và chữ viết này được sử dụng rộng rãi đến ngày nay.
Kết luận
Người Chăm là một tộc người thuộc vương quốc Champa. Tiếng Chăm là ngôn ngữ của người Chăm ở Đông Nam Á thuộc nhóm ngữ hệ Nam Đảo (Autronesian), đại chi Malayo-Polynesian (Mã lai-đa đảo). Nhưng người Chăm có chữ viết riêng, chữ viết Chăm cổ từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XV và Akhar Thrah (chữ Chăm phổ thông) từ thế kỷ XVI đến nay.
Trong quá trình giao lưu văn hóa giữa các tộc người và cấp quốc gia, để truyền bá và trao đổi thông tin, người Chăm đã sáng tạo và sử dụng thêm một số ngôn ngữ khác như Phạn ngữ, Mã ngữ, Á Rập và Việt ngữ... Theo qui luật của ngôn ngữ, tiếng nói có thể thay đổi và phát triển ngày càng phong phú để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, nhưng chữ viết luôn luôn cố định, nhất là quy tắc cơ bản của cấu trúc và đặc điểm chữ viết Chăm.
Chính vì vậy, khi nghiên cứu ngôn ngữ, chữ viết Chăm cũng như sự phân chia của mỗi giai đoạn cần phải nhìn nhận thấu đáo và khách quan. Các văn bản, văn bia, tài liệu khoa học liên quan đến nguồn gốc, lịch sử phát triển chữ viết Chăm là cứ liệu khoa học để tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị ngôn ngữ, chữ viết Chăm một cách toàn diện hơn. Hy vọng, những chia sẻ của chúng tôi với tác giả qua bài viết này là cơ sở để chúng ta tiếp tục trao đổi một cách khách quan về những hiểu biết liên quan đến đặc điểm, lịch sử phát triển ngôn ngữ và chữ viết Chăm trong thực tiễn.
Malaysia 1/4/2017
Putra Podam