Phê bình bài viết của TS. Quảng Đại Cận về phụ âm mâk, nâk, nyâk, ngâk

Written by Putra Podam
In category Ngôn ngữ
Dec 20, 2017, 8:19 AM

PHÊ BÌNH BÀI VIẾT CỦA TS. QUẢNG ĐẠI CẬN VỀ PHỤ ÂM

MÂK, NÂK, NYÂK, NGÂK

 

Trên trang Facebook TS.QDC có viết:

“Không thể viết amư, anưưk nhưng đọc ama, anaak được. Và nhất là không ai đọc như vậy.
1. Vì như vậy thì mưk nưk nhưk ngưk phải đọc thành mak nak nhak ngak. Hoá ra ta dư 4 phụ âm ?
2. Vậy thì tất cả âm /ư/ sẽ chuyển thành âm /a/ hết để cho nhất quán, khoa học . Hậu quả là sau nảy chúng ta sẽ mất âm /ư/và takai kưk. Và thật buồn cưởi khi ư và a đều gom lại thành a?
Lúc ấy: mập: lamak; đèn: manhak; thuế : jia; mầy: ha; dao dệt: prag; nấc cục: jamag mak...
Tiêu vong một sinh ngữ Cham, vào viện bảo tàng sớm.
Câu trả lời nên hay không dành cho mikwa song grơp yut.
THUG SIAM.”

TRẢ LỜI:

1). TS.QDC cần hiểu ngược lại là viết “Ama”, nhưng đọc tùy theo vùng miền là "ama" hay "amâ". Viết “Anak” nhưng đọc là "anak" hay "anâk" tùy theo phương ngữ và vùng miền (đó là lý do mà Po Rome đã thêm 4 phụ âm mâk, nâk, nyâk và ngâk để giải quyết phương ngữ. – Hãy tham khảo 2 bài viết của Putra Podam và Karim Abdul Rahman đã đăng trên Face).

2). Từ THUG SIAM mà TS.QDC viết ở trên là sai mà phải viết đúng là THUK SIAM hay SUK SIAM. Nếu TS. QDC viết THUG SIAM thì phải đưa ra bằng chứng. TS.QDC không thể nói theo kiểu “Tuy sai mà dùng nhiểu sẽ đúng” mà TS nhiều lần tuyên bố.

3). Đặc Trưng ngâk, nyâk, nâk và mâk (theo tài liệu của Putra Podam)

Hệ thống Akhar Thrah có thêm takai ndak cho 4 phụ âm: nga, nya, na, và ma. Đó là: nga + takai ndak, nya + takai ndak, na + takai ndak, và ma + takai ndak.

Như vậy trong hệ thống này có 2 dạng là: 1). Nga, nya, na, ma và 2). Ngâk, nyâk, nâk và mâk.

Cách áp dụng:

3.1). Nga, nya, na, ma: để ghi những từ mang âm “a” khi đọc hay nói thì từ vựng này không thay đổi như:

-Phụ âm “nga” như từ: ngap (làm), angan (tên), bunga (hoa)

- Phụ âm “nya” như từ: nyan (dẻo), gai kanyan (cầu thang),…

-Phụ âm “na” như từ: nan (đó), anap (phía trước),…

-Phụ âm “ma” như từ: mak (tháng 12), mac (mát mẽ),…

3.2). Ngâk, nyâk, nâk và mâk: Để ghi nhưng từ vựng có âm "a" biến đổi, từ có thể phát âm theo tiếng nói tùy theo phương ngữ của vùng miền. Như vậy phụ âm này viết hoặc nói có thể thay đổi như:

a). Phụ âm “ngâk”

+ Từ vựng “Lamanga” (bến tàu, bến cảng): Từ này phải viết là “Lamanga” nhưng có thể phát âm khác nhau là: Lamanga, Lamangâ hay Lamange,…

+ Từ “Tangan” (tay): Từ này phải viết đúng là “Tangan” nhưng có thể phát âm thành: Tangan hay Tangin,…

b). Phu âm “nyâk”

+ Từ vựng “Minyak” (dầu): Từ này phải viết đúng là “Minyak” nhưng có thể phát âm khác nhau là: Minyak hay Minyâk,…

c). Phụ âm “nâk”

+Từ vựng “Anak” (con): Từ này phải viết đúng là “Anak” nhưng có thể phát âm khác nhau là: Anak hay Anâk,…

d). Phụ âm “mâk”

+Từ vựng Lima (số 5): Từ này phải viết đúng là “Lima” nhưng có thể phát âm khác nhau là: Lima, Limâ hay Lime,…

KẾT LUẬN

Vậy 1) Nga, nya, na, ma và 2). Ngâk, nyâk, nâk và mâk. Là những đặc trưng của ngôn ngữ Chăm mà tổ tiên ta đã xác định từ trước và bổ sung Ngâk, nyâk, nâk và mâk vào hệ thống bảng chữ cái Chăm để ghi những từ vựng có cách phát âm thay đổi tùy theo phương ngữ và vùng miền.

4). Tìm hiểu ngâk - ngak, nyâk - nyak, nâk - nak và mâk - mak trong tiếng Chăm (tác giả. Karim Abdul Rahman)

Chúng ta đã làm quen với SAK PRAONG và SAK ASIT qua bài viết «TÌM HIỂU GỐC TỪ “THUK” TRONG TIẾNG CHĂM» của PUTRA PODAM.

Nay chúng ta cũng nên biết thêm về : NGÂK - NGAK, NYÂK - NYAK, NÂK - NAK và MÂK - MAK trong tiếng Chăm.

Kỳ thật, trong hệ thống Bảng Chữ Cái của Sanskrit không hề có NGÂK, NYÂK, NÂK, MÂK. Các kí tự này được người Chăm tạo ra và đưa vào hệ thống Bảng Chữ Cái DÙNG ĐỂ GHI CÁC TỪ VỰNG THÔNG THƯỜNG cũng như GHI CÁC TỪ CÓ ÂM ‘A’ BIẾN ĐỔI (khi nói hay phát âm trệch nhau theo vùng miền…), thí dụ:

I.
1. ‘NGÂK’
a). 'NGÂK' dùng để ghi các từ thông thường, như:
NGAOK (ở trên); ANGUEI (ăn mặc; dùng, sử dụng); LANGIK (trời); TANGEY (bắp), v.v…

b). 'NGÂK' dùng để ghi các từ có âm ‘a’ biến đổi, như:
Viết là LAMANGA (bến tàu, bến cảng) nhưng có thể phát âm là LAMANGA, LAMANGÂ hay LAMANGE
Tương tự: TANGAN (tay) = TANGAN hay TANGIN, v.v…

2. ‘NYÂK’
a). 'NYÂK' dùng để ghi các từ thông thường, như:
MINYUM (uống), NYU (nó, (đại từ ngôi thứ 3), MANYI (tiếng kêu, tiếng vang), v.v...

b). 'NYÂK' dùng để ghi các từ có âm ‘a’ biến đổi, như:
Viết là MINYAK (dầu), nhưng có thể phát âm là: MINYAK hay MINYÂK.
Tương tự TANYA (hỏi) = TANYA/ TANYE hay TANYI, v.v…

3. ‘ANÂK’
a). 'ANÂK' dùng để ghi các từ thông thường, như:
NI (này, đây); NAO (đi); ANIT (thương, yêu); PANRANG (Phan Rang); PANUEC (lời nói), v.v…

b). 'ANÂK' dùng để ghi các từ có âm ‘a’ biến đổi, như:
Viết là ANAK (con), nhưng có thể phát âm là: ANAK hay ANÂK
Tương tự NAM MAK (dấu tích) = NAM MAK hay NÂM MÂK
INA (mẹ, cái) = INA hay INÂ
NASAK (tuổi) = NASAK hay NÂSAK,
NAGAR (quốc gia), = NAGAR, NÂGAR hay NEGAR, v.v…

4. ‘MÂK’
a). 'MÂK' dùng để ghi các từ thông thường, như:
MIN (thôi, vậy thôi), AMAIK (mẹ), MUK (bà), KAMUEN (cháu), MIK (cậu, mợ), v.v…

b). 'MÂK' dùng để ghi các từ có âm ‘a’ biến đổi, như:
Viết là LIMA (5), và phát âm có thể là: LIMA, LIME hay LIMÂ
Tương tự MANG (từ) = MANG, MENG hay MÂNG
TAMA (vào) = TAMA hay TAMÂ
MADA (có) = MADA hay MÂDA
AMA (cha) AMA hay AMÂ, v.v…

II.
Trong khi, NGAK, NYAK, NAK, MAK thường để ghi các từ vựng mang tính ổn định, âm ‘a’ không biến đổi (viết sao phát âm như vậy), như :

'NGAK' là để ghi các từ vựng mang tính ổn định, âm ‘a’ không biến đổi, như: NGAP (làm), BUNGA (hoa, bông), ANGAH (than lửa), ANGAN (tên) v.v…

'NYAK' là để ghi các từ vựng mang tính ổn định, âm ‘a’ không biến đổi, như: ANYA (thông điệp), brah BANYA (võ tướng), gai LINYAN (cây thang), HANYAH (đưa qua, đưa lại; ve vảy) v.v…

'NAK' là để ghi các từ vựng mang tính ổn định, âm ‘a’ không biến đổi, như: ANAP (trước, phía trước), SANAI (bàn tổ), SARANAI (kèn saranai), TANANG (máng, máng xối) v.v…

'MAK' là để ghi các từ vựng mang tính ổn định, âm ‘a’ không biến đổi, như: MAK (tháng 12), LUMAH/ LIMAH (dâng, hiến), KAMAR (hài nhi), sami SAMAR (nhanh nhẹn, lanh lợi) v.v…

TÓM LẠI : NGA, NYA NA, MA và NGÂK, NYÂK, NÂK, MÂK là đã được người Chăm xưa xác định cách thức sử dụng khác biệt bởi tính đặc trưng của ngôn ngữ người Chăm.

Cái quan niệm cho rằng NGÂK, NYÂK, NÂK, MÂK là chỉ để thể hiện âm ‘â’ trong ngôn ngữ viết là không còn đúng.

Khi người Chăm muốn viết âm ‘â’ họ thường viết có ’takai kâk’, như : jiâ (thuế), nyiâk (nước dâng lên), janâk (điều hung hiểm, ác xấu) , Ja Ndâk (tên người), Ja Tumbâng (tên người), Acar Canâk (tên người) v.v…

Để bảo tồn tính trong sáng của ngôn ngữ Chăm, chúng ta cũng nên tuân thủ những nguyên tắc đã được qui định từ xưa của các kí tự NGÂK, NYÂK, NÂK, MÂK, nghĩa là, viết thì là 'a', như ANAK, AMA, TANGAN, LAMANGA, MINYAK, và v.v... nhưng khi đọc hay phát âm thì tuỳ theo, như : ANAK-ANÂK, AMA-AMÂ, TANGAN-TANGIN, LAMANGA-LAMANGÂ, MINYAK-MINYÂK, và v.v...

 

KẾT LUẬN CHUNG

Akhar Thrah hay chữ viết Chăm truyền thống hình thành từ thế kỷ 16. Chữ viết này đã được khắc trên bia ký Po Rome (1627-1651) thế kỷ 17 (Dharma, 2006; Lafont, 2011). Trong thời kỳ phát triển, akhar Thrah có một qui luật rất ổn định về ngữ pháp, chính tả và cấu trúc hành văn.

Akhar Thrah được sử dụng chính thức từ năm 1702 trong các văn bản hành chánh quốc gia Champa, trong các tác phẩm văn học, lịch sử, ngôn ngữ, các kinh sách tôn giáo Chăm Ahiér, Chăm Awal, và các tài liệu được lưu hành trong cộng đồng Chăm cho đến ngày nay. 

Hệ thống chữ viết akhar Thrah Chăm gồm có 82 ký tự (EFEO, 1997). Trong đó gồm 6 nguyên âm, 35 phụ âm, 14 phụ âm cuối, 12 bán nguyên, 5 nhị trùng âm, và 10 ký số.

Trong hệ thống này có hai phụ âm “sa” là sa praong (s) và sa asit (s).

Hai phụ âm “pa” gồm pa praong (p) và pa asit (p).

Bốn phụ âm có takai ndak là: nga + takai ndak ( ), nya + takai ndak ( ), na + takai ndak ( ), và ma + takai ndak.

Đặc biệt có ký tự takai kâk. Trong tài liệu hoàng gia Chăm, takai kâk chỉ áp dụng giới hạn cho một số từ như jiâ (thuế), drâng “trở thành, lên ngôi”. Takai kâk không dùng cho một số từ thông thường như anak (con), ama (cha), ina (mẹ),… (Dharma, 2011).