Po Dharma - Người thầy đáng kính

Written by Putra Podam
In category Tin tức
Apr 28, 2020, 2:44 PM

Pgs.Ts. Po Dharma (Gru Po) đã qua đời nay được một năm. Tin buồn Gru Po mất nhanh chóng truyền khắp trong cộng đồng Chăm với những tiếc nuối, đau buồn và thương tiếc không nguôi! Cộng đồng Chăm mất đi một vị Giáo sư đã dành hết phần đời tuổi trẻ cho nghiệp binh trường vì lý tưởng bảo vệ dân tộc; khi được học tập và định cư ở nước ngoài thì dành trọn phần đời còn lại cho công cuộc nghiên cứu lịch sử và bảo tồn những giá trị văn hóa Champa, một dân tộc đã có một thời hưng thịnh trong quá khứ ở Việt Nam.

Với những trí thức Chăm như chúng tôi, ai cũng biết về Gru Po. Gru Po là một người Thầy, một nhân cách lớn trong cộng đồng Chăm nói chung và giới trí thức Chăm nói riêng. Gru Po là một tấm gương sáng về sự nghiêm túc và miệt mài trong nghiên cứu khoa học; có kiến thức văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ Chăm rất uyên thâm; có tầm nhìn xa và sâu sắc về lựa chọn con đường bảo tồn văn hóa Champa; Bên cạnh đó, phải nói đến Gru Po có quan hệ ngoại giao rộng rãi với nhiều giới chức lãnh đạo và trí thức tên tuổi ở trong và ngoài nước. Trong đấu tranh bảo vệ những giá trị cốt lõi về văn hóa và lịch sử Chăm, Gru Po là người đầy dũng khí, mạnh mẽ và khôn ngoan, kiên cường với hướng đi gìn giữ chữ viết Chăm truyền thống. Tranh thủ các hoạt động ngoại giao quốc tế để tiếp tục gìn giữ và bảo tồn văn hóa Champa. Về gia đình, Gru Po là người đã hy sinh tình cảm riêng về cá nhân, chọn không quay về quê nhà để có thể cất tiếng nói về lịch sử Champa một cách trung thực nhất. Những tài liệu nghiên cứu và xuất bản trong suốt cuộc đời Gru Po là một kho tư liệu quý giá, làm nền tảng cho những trí thức trẻ Chăm tiếp tục nghiên cứu và học tập.

Từ thời sinh viên, tôi được nghe nhiều đến Gru Po Dharma, chúng tôi thường gọi là Gru Po vừa kính trọng và thân mật. Khi tôi đang học Thạc sỹ (Master degree) tại Thái Lan năm 2002, tôi may mắn có chuyến công tác ở Pháp. Cứ nghĩ rằng đây sẽ là dịp để gặp Gru Po nhưng thật không may, Thầy cũng vừa có chuyến công tác tại Malaysia. Khi quay về Thái Lan, tôi lại có dịp sang Malaysia để trao đổi chuyên môn và cũng mong có dịp được gặp Gru Po, nhưng lúc này Gru Po lại đang ở Pháp. Năm 2003, tôi may mắn được Gru Po mời làm việc cùng với cha Moussay liên quan về ngữ pháp Chăm tại Malaysia thì được gặp Gru Po vào dịp này. Hai thầy trò thường trao đổi những vấn đề về chữ viết và ngôn ngữ Chăm. Từ đó tôi như được truyền thêm về nguồn cảm hứng và trách nhiệm trong việc giữ gìn và bảo tồn chữ viết Chăm truyền thống (Akhar Thrah).

Khi tôi làm luận án tiến sĩ (PhD Degree) về đề tài “Công nghệ Thông tin và vấn đề bảo tồn ngôn ngữ bản địa – nghiên cứu trường hợp Melayu Chăm ở Việt Nam” tại Malaysia, Gru Po đã nhận làm giáo sư hướng dẫn thứ 2 của tôi, chịu trách nhiệm về phần ngôn ngữ chữ viết Chăm. Từ đây Thầy trò có nhiều thời gian trao đổi về chuyên môn, Gru Po chỉ dạy cho tôi những vấn đề về văn hóa và ngôn ngữ Chăm mà suốt cả cuộc đời Gru Po  đã dày công nghiên cứu. Và cũng từ đó, mối quan hệ thầy trò ngày càng gần gũi hơn. Gru Po xem tôi vừa là học trò vừa là người thân trong gia đình. Với tôi Gru Po vừa là Giáo sư hướng dẫn khoa học, vừa như người cha giảng dạy và chỉ bảo tận tình.

Gru Po đã hướng dẫn tôi cách nghiên cứu khoa học qua mỗi lần nói chuyện. Cung cấp nhiều tư liệu quý giá cho đề tài luận án của tôi. Nghiên cứu về “Con dấu Hoàng gia” của Champa, là dự án lớn mà Gru Po giao cho tôi, tôi phải tranh thủ ngày đêm suốt 3 tháng mới hoàn thành sản phẩm giao. Qua Gru Po , tôi cũng may mắn tiếp cận về tài liệu hoàng gia, đây là những tài liệu hết sức quý giá được Gru Po tiếp cận, nghiên cứu, gìn giữ và bảo tồn ở dạng giấy và bản điện tử. Có nhiều người góp công vào dự án này như Po Dharma, Abdul Karim, Fatimah Amin, Quãng Văn Đại, Dominique Nguyen, Putra Podam,... Một công trình khác cũng đồ sộ không kém là Từ điển khoa học, từ điển văn minh Champa, Gru Po đã làm xong, tôi kiểm tra lỗi sai xót, Gru Po chưa kịp in ấn.

Những kỷ niệm về Gru Po trong suốt thời gian này với tôi không thể nào quên. Nhớ nhất là Gru Po có một thói quen cứ đến 5 giờ chiều Gru Po hay gọi tôi ra ngoài phố ngồi quán uống một chai bia và nói chuyện cùng Gru Po. Gru Po không uống nhiều, thường chỉ một chai Tiger là đủ. Đến 7 giờ tối mới về nhà ăn và thường hay nói chuyện thêm. Lần nào sau khi ăn xong Gru Po thường nói: “Căng da bụng, trùng da mắt – huak trei lisei pabaoh” nghĩa là “ăn no hay buồn ngủ”. Cả hai cùng cười rồi Gru Po hay đi ngủ ngay sau đó. Cho đến 1 giờ sáng, Gru Po thường bắt đầu thức dậy và lại gọi tôi ra ngoài uống thêm một chai bia nói chuyện mãi đến 3 giờ sáng về phòng ngủ tiếp.

Nhìn lại những công trình nghiên cứu đồ sộ và chất lượng cao, cùng với một số lượng lớn về ấn phẩm và tài liệu liên quan đến lịch sử và văn hóa Champa của Gru Po đã xuất bản hay còn bản thảo, chúng ta phải khẳng định rằng Gru Po là nhà văn hóa lịch sử lớn. Gru Po đã có công quan trọng và ý nghĩa trong việc khai sáng và nhìn nhận lại những vấn đề lịch sử, văn hóa cho dân tộc Champa sau một thời gian dài gần hai thế kỷ trong điêu tàn và lãng quên do những yếu tố lịch sử bất lợi cho dân Champa của thế kỷ 20 và trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21 và sống mãi trong lòng cộng đồng Chăm trong và ngoài nước. Gru Po đã hoàn thành sứ mệnh lớn dành cho dân tộc Chăm!

LINK Po Dharma người thầy đáng kính

 

Dr. Putra Podam

Universiti Teknologi Malaysia (UTM)

University of Tay Nguyen, Vietnam

putrapodam@yahoo.com