Po Dharma - Những mẫu chuyện hàng ngày

Written by Putra Podam
In category Tin tức
Apr 28, 2020, 2:45 PM

Trong cộng đồng Chăm chúng ta, ai cũng biết rằng Po Dharma là một nhà khoa học lịch sử, có kiến thức uyên thâm về chuyên ngành và số lượng công trình xuất bản rất đồ sộ về văn hóa và lịch sử Champa. Những năm tháng trước khi sang Pháp du học và định cư, ông còn là một Thiếu tá  trong quân đội Fulro cầm súng để bảo vệ các dân tộc thiểu số miền trung và Tây Nguyên trước làn sóng cộng sản tràn vào đánh chiếm miền nam Việt Nam. Có lẽ vì những năm tháng vào sinh ra tử nơi chiến trường, cùng với những hiểu biết lịch sử văn hóa sau nhiều năm nghiên cứu đã giúp ông trở thành một con người có bản lĩnh kiên cường, nghiêm túc trong khoa học và sắc xảo về ứng xử ngoại giao. Đặc biệt với cá tính thẳng thắn và cương trực, ông sẵn sàng đáp trả một cách khôn ngoan trước những tình huống “bắt bí” của đối phương, bất kể đó là ai khi có nhận thức chưa đúng hoặc xúc phạm dân tộc Chăm, văn hóa Chăm. Sau đây là những mẫu chuyện được chính Po Dharma chia sẻ trong những lần tôi được gặp ông, nay tôi xin phép lượt kể lại dưới đây để cộng đồng Chăm chúng ta hiểu thêm về tài ứng xử của ông.

1. Người Chăm có mê tín dị đoan hay không?

Trong một lần về dự hội thảo khoa học ở Hà Nội, Po Dharma có dịp gặp gỡ và trao đổi về nghiên cứu văn hóa với một số giáo sư Việt Nam (GSVN). Hôm ấy, một GSVN có câu hỏi: Đối với tháp Champa ngoài việc tổ chức lễ hội Katé của người Chăm Balamon để xin đấng thần linh Champa đem lại sự an bình và thịnh vượng cho cộng đồng, ngoài ra nhiều người Chăm còn hay lên tháp cúng bái rất tốn kém, điều này có mê tín dị đoan hay không?

Po Dharma liền trả lời, lần này nhân dịp ra Hà Nội để báo cáo hội thảo sớm hai ngày, hôm qua chủ nhật tôi có đi thăm Lăng Bác Hồ. Mọi người xếp thành hai hàng dài đợi vào Lăng giữa thời tiết nắng chang chang, mồ hôi ướt cả áo,… mất hơn một tiếng đồng hồ, mới được vào  Lăng. Trong khi vừa đi vừa nhìn hình Bác đang nằm trong Lăng, tôi cố tình đi chậm chậm để được nhìn kỹ hơn, nhưng rất tiếc nhân viên an ninh kéo tay tôi đi cho nhanh. Đi xong một vòng tôi muốn quay lại nhìn một lần nữa nhưng bị chặn lại buộc tôi phải ra ngoài. Khi ra ngoài khỏi Lăng, tôi liền đút tay vào túi quần bên phải và móc lên nhìn không thấy gì cả, sau đó tôi đút tay vào túi quần bên trái và móc lên cũng chẳng có gì,… tôi đã mất hơn 1 tiếng đồng hồ, xếp hàng giữa trời nắng oi bức để được vào Lăng, tôi tưởng ra khỏi Lăng Bác cho tôi tiền, nhưng tôi móc cả hai túi quần đều không thấy. Không chỉ mình tôi mà cả khách nước ngoài cũng như các em học sinh, sinh viên, các bà mẹ có công và nhiều người khác ao ước một lần để được vào Lăng Bác, nhưng cuối cùng Bác chẳng cho họ một cái gì.

Po Dharma nói tiếp, các quý vị xem, người Chăm của chúng tôi cũng như vậy, họ lên Tháp là để cầu xin đấng thần linh Champa phù hộ, để họ được khỏe mạnh và làm ăn sung túc. Sự việc người Chăm chúng tôi lên Tháp, nếu so sánh thì không có gì khác biệt với người Việt đi thăm Lăng Bác.

Po Dharma tiếp, nếu quý vị cho rằng những người đi thăm Lăng Bác có mê tín dị đoan hay không? Nếu cho rằng đó là mê tín dị đoan thì người Chăm chúng tôi lên Tháp Champa mới là mê tín dị đoan. Khi nghe Po Dharma nói đến đây, mọi người trong phòng không ai có ý kiến gì thêm.

Lời bàn: Po Dharma biết GSVN đứng trên quan niệm chủ nghĩa duy vật (theo học thuyết chủ nghĩa Mác-Lenin) để phê phán dân tộc Chăm là theo chủ nghĩa duy tâm, lên tháp cúng bái là mê tín dị đoan, tốn kém. Vì vậy Po Dharma đã lấy ví dụ tương phản về việc đi thăm Bác Hồ có được Bác cho tiền không mà sao mọi người vẫn xếp hàng dài để thăm Bác. Po Dharma đã rất khôn ngoan khi chọn ví dụ về thăm lăng Bác Hồ thì không ai dám phản biện lại. Thứ hai là Po Dharma đã khéo léo phê phán chủ nghĩa duy vật là chỉ biết đến vật chất mà không chú trọng đời sống tinh thần, tín ngưỡng và văn hóa tâm linh. Thứ ba là sự so sánh rất tinh tế về tín ngưỡng, người Chăm thì có đền tháp của tổ tiên để lại thật đáng tự hào. Con cháu dân tộc Champa muốn cầu nguyện thần linh, ngắm nhìn, thưởng thức những nét độc đáo về kiến trúc hay kiểu dáng đều được tự do thoải mái. Ẩn ý của Po Dharma trong ví dụ này là nếu xem thường thần linh Champa và cho là mê tín dị đoan thì việc thăm lăng Bác chỉ là một xác chết người phàm lại không cho dừng lại để ngắm nhìn mà còn bị an ninh xua đi nhanh, thì cũng chẳng có gì là độc đáo.

Có lẽ vì những lý do trên mà khi nghe Po Dharma trả lời, không ai phát biểu gì thêm.

 

2. Akhar Thrah có chữ viết in Hoa không?

Sau khi dự hội thảo tại Hà Nội xong, Po Dharma có kế hoạch đi thăm Ban Biên Soạn Sách chữ Chăm (BBSSCC) tại Ninh Thuận. Khi đoàn xe đến BBSSCC, Po Dharma nhìn trước cửa phòng BBSSCC có thấy hàng băng rôn chào mừng viết bằng chữ Chăm hơi lạ. Khi đang bước vào bên trong, QĐC ra chào lịch sự: Hello sir, how are you? Are you Po Dharma? Vì Po Dharma đang nói chuyện với thầy Nguyễn Văn Tỷ nên không kịp trả lời cho QĐC.

Đoạn, khi ngồi trong phòng nói chuyện chào hỏi nhau, Po Dharma hỏi người bên cạnh, ai mặc áo trắng ngồi ở giữa đấy? Trả lời: đó là QĐC chuyên viên ngồi máy tính,…Po Dharma nói với người bên cạnh, nghe tên QĐC lâu rồi, nhưng hôm nay mới gặp. Nhưng nó có sao không? Sao gặp tui mà nó chào hỏi bằng tiếng Anh, nó không biết tôi là người Chăm hả? Người bên cạnh trả lời, QĐC mới học cao đẳng ngoại ngữ nên sổ tiếng Anh đấy mà. Po Dharma: À thành ra là như vậy.

Khi hỏi chữ Chăm treo trên băng rôn trước cửa viết bằng chữ gì? Một người trong BBSSCC trả lời đó là chữ Chăm viết Hoa (Chữ in).

Po Dharma cười và nói, trong các chữ viết chỉ có chữ viết Latin có chữ viết Hoa (chữ in), ngoài ra các chữ khác không có chữ viết Hoa như chữ Hán (chữ Hán phồn thể và giản thể), chữ Ả Rập, chữ Brahmi, chữ Deva Devanagari, chữ Jawi,… Do đó, vấn đề BBSSCC muốn tạo Akhar Thrah có chữ viết hoa thì cần phải xem lại.

Lúc đó mọi người trong phòng im lặng và không ai lên tiếng. Từ đó, quan điểm muốn tạo Akhar Thrah viết Hoa không tiến hành nữa và cũng từ đó ít ai nhắc đến chữ Thrah có viết in Hoa.

Lời bàn: Po Dharma là người có tầm hiểu biết rộng không những về lịch sử là chuyên ngành chính của ông mà ông còn rất giỏi về lịch sử ngôn ngữ và ý thức bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ Chăm.

 

3. Tại sao Champa mất nước

Trong một lần trao đổi bên lề Hội thảo tại Hà Nội gồm một số chuyên gia sử học, Gs. Trần Quốc Vượng là cây đại thụ của nền sử học Việt Nam hỏi Pgs. Po Dharma, ông cho biết ngắn gọn tại sao Champa mất nước?

Po Dharma liền liệt kê một số lý do cơ bản như:

Chính sách mở rộng bờ cõi của Đại Việt: Trong giai đoạn lịch sử này, Champa cũng có một vài chiến tranh với nước láng giềng như Siam, Campuchia,… Nhưng đây là chiến tranh chinh phạt nhằm làm suy yếu quân sự và chính trị của đối phương, sau đó quân lính quay trở về. Champa không có chính sách xâm lược nước khác. Nhưng ngược lại quan điểm chiến tranh của Đại Việt thì hoàn toàn khác là nhằm chinh phạt đối phương, chiếm đoạt tài sản, đất đai của đối phương và sáp nhập lãnh thổ vào Đại Việt và đồng hóa văn hóa dân tộc khác.

Mỹ nhân kế: Cuộc hôn nhân giữa vua Chế Mân và công chúa Huyền Trân của Trần Nhân Tông  vào năm 1301 để tìm cách lấy hai châu Ô và châu Lý. Cuộc hôn nhân của vua Po Romé và công nữ Ngọc Khoa của nhà Nguyễn vào năm 1631. Theo Champa, công nữ Ngọc Khoa là gián điệp để trình báo cho nhà Nguyễn biết mọi chi tiết về tổ chức chính trị và quân sự của Champa. Cuối cùng Po Romé bị bắt trong cuộc tấn công của nhà Nguyễn và đem nhốt trong rọ sắt để đưa về Thuận Hóa.

Làn sóng di dân của người Việt: Do thiếu đất đai canh tác, vua chúa nhà Nguyễn khuyến khích người Việt tiến về phía Nam của Champa để khai thác. Do người Việt hiện diện trên đất Champa ngày càng đông, nhà Nguyễn bắt đầu can thiệp vào nội bộ Champa nhằm bảo vệ quyền lợi cho cư dân Việt. Từ đó, những cư dân này là lực lượng tham gia chiến tranh chống lại Champa.

Các cuộc nội chiến giữa dân tộc Việt: Trong cuộc chiến giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, chúa Nguyễn phát động cuộc Nam Tiến, nghĩa là tiến quân xâm chiếm Champa và cũng cố thế lực quân sự. Cũng như cuộc nội chiến giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh, đã biến Champa thành căn cứ điểm quân sự. Hơn nữa, các lãnh đạo Champa cũng bị chia thành hai nhóm và sau đó phải thanh trừng lẫn nhau. Và nhiều lý do khác…

Po Dharma tiếp, nói ngắn gọn lại “nếu Đại Việt không xâm chiếm Champa, và hôm nay nếu không có sự hiện diện của người Việt trên mãnh đất Champa thì Champa không mất nước vào năm 1832.”

Lúc đó Gs. Trần Quốc Vượng nhìn Po Dharma cười và tiếp, thôi nói gì nói đều thua lý ông giáo sư Chàm này (Gs. Trần Quốc Vượng rất thân Pgs. Po Dharma).

Lời bàn:  Po Dharma là người sắc xảo trên bình diện đánh giá và phê bình lịch sử. Trong khi các Giáo sư người Việt cỗ vũ cho cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi của Đại Việt, thì Po Dharma đã đứng bên thua cuộc để luận giải. Ẩn ý ở đây là nếu chiến thắng mà không chính nghĩa thì không vinh quang và không có gì là đáng ca ngợi. Ông chỉ ra những động cơ và mục đích xâm lược của Đại Việt là không chính nghĩa; và các thủ pháp thấp hèn như mỹ nhân kế trái với luân thường đạo lý cần không được hoan nghênh.  

Click Những mẫu chuyện hàng ngày PDF