Năm nay thánh đường Aia Mamih có thuyết giáo khutbah

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
May 24, 2020, 6:10 PM

1. Minbar (bụt thuyết giáo)

Thánh đường Islam nói chung và thánh đường Bani Islam hay Bani Awal nói riêng đều có dáng dấp Kubah mái vòm của các thánh đường Islam trên thế giới. Thánh đường thường xây theo hướng Đông – Tây (hướng quy định), hoặc xây dựng cửa chính từ hướng khác (phụ thuộc), nhưng hướng hành lễ phải bắt buộc là hướng thánh địa Makkah (hướng hành lễ kiblah). Bên trong thánh đường chính diện có hậu tẩm là nơi giáo sĩ Imam đứng hướng dẫn tín đồ hành lễ, và lệch sang bên phải vài mét (từ dưới nhìn lên) có Minbar là nơi giáo sĩ Katip (khotip) thuyết giảng (khutbah) giảng giáo lý. Minbar không được đặt nơi trung tâm mà phải đặt lệch sang bên phải. Mỗi lần thuyết giảng (khutbah) vào ngày thứ 6 hàng tuần thì giáo sĩ Katip phải lên đứng trên Minbar để thuyết giảng giáo lý.Thánh đường Bani Awal, bên trong chính diện, phía trên hướng Makkah có Minbar là nơi giáo sĩ Katip giảng giáo lý. Theo quan sát, Minbar được đặt ở giữa trung tâm nơi chính diện. Theo quy định Minbar không được đặt ở giữa trung tâm, nên cần dịch chuyển sang bên phải (dưới nhìn lên) vài mét cho đúng quy định.

 

Hình 1. Minbar trong thánh đường Magik Aia Mamih.

Hình 2. Minbar ở một số thánh đường Masjid (Magik).

 

2. Gai agal gak - tongkat (Cây gậy)

Minbar trong thánh đường (Masjid) trên thế giới thường đặt một  “gai agal gak” (cây Gậy). Người Bani Islam Châu Đốc gọi là “gai mong”, người Malay gọi “Tongkat”. Mỗi khi Katip lên thuyết giảng giáo lý thường lên đứng trên Minbar và tay trái phải cầm cây Gậy. Việc Katip dùng tay trái cầm cây Gậy trong khi thuyết giảng là do thói quen của Thiên sứ từ xưa mỗi khi thuyết giáo thì tay trái thường cầm cây Gậy, cây Kiếm hoặc cây Cung tên.

Thánh đường (Magik) của Bani Awal thường có hai loại “gai agal gak”. Loại “klau atuk” thường dùng để đánh trống (ganeng), còn loại “limâ atuk” là “gai agal gak” cây Gậy hay còn gọi là “gai bhong” (vì cây Gậy sơn màu nâu đỏ). Gai agal gak limâ atuk được bọc bởi ba lớp vải may thành một cái túi. Lớp trong cùng màu trắng, lớp giữa màu vàng và lớp ngoài cùng màu đỏ. Cây gậy được bọc thêm lớp vải trắng bên ngoài và bỏ trong ống la-a. Trong tháng Ramadan “gai agal gak” được để bên trong Minbar.

Theo Bani Awal, để được đưa cây Gậy “gai agal gak” ra ngoài, thì Po Gru phải họp cùng giáo sĩ Acar xem xét điều kiện đưa cây Gậy ra ngoài, như trong tháng Ramadan không có biến cố như đám tang, Acar chuẩn bị tấu chức lên Madin phải thuộc Thiên kinh Koran theo quy định, Acar phải có vợ và có sức khỏe. Lễ tấu chức Madin được tiến hành hàng năm và cây Gậy sẽ được đưa ra ngoài để tín đồ và chức sắc cầu nguyện. Năm nào được đưa cây Gậy ra ngoài thì năm đó tín đồ, dân chúng được an lành, thuận lợi trên con đường làm ăn, cầu an, cầu mùa màng tươi tốt.

Imam tal, Katip tal, và Madin cùng đồng đạo sẽ thực hiện công việc đưa cây Gậy ra ngoài. Trong năm thì ba vị này sẽ là người trực tiếp sẽ quan tâm những công việc liên quan đến tôn giáo. Ba vị này được xem như ủy viên thường trực được Sư cả giao nhiệm vụ, cũng như là cầu nối giữa chức sắc và tín đồ trong làng.

Ngay từ sáng sớm, các giáo sĩ mặc trang phục theo quy định và bắt đầu làm thủ tục đưa cây Gậy ra trước thánh đường. Trong thời gian này thì mọi tín đồ không được đi qua lại hay đứnng trước cửa chính thánh đường để tạo sự trang nghiêm trong thời gian hành lễ.

Trước khi hành lễ thì bên ngoài 3 người vợ của của Imam tal, Katip tal và Madin được ngồi trong “danaok” ở “sang tuai” đối diện cửa chính của thánh đường để cầu nguyện. Chỉ duy nhất ngày này thì Katip được mặc áo Jubah (áo màu đỏ), Madin (acar lên madin) là người trực tiếp đưa “gai gal gak” cây Gậy đi giữa, còn 6 người khác cầm “khen halang” mỗi bên 3 người đi từ bên trong thánh đường ra ngoài cửa chính đến “danaok” (vợ ngồi). Khi đi vào thì Katip chỉ đi đến cửa chính chờ Madin đưa “gai agal gak” xong thì Katip mới được vào bên trong. Khi đi vào thì Katip “ndik pah Ramadan” và đọc hết “agal” theo quy định (gal được viết bằng chữ Arab và tiếng Arab). Tiếp sau đó Sư cả cùng Imam 40 cùng nhau bàn bạc và thống nhất công nhận chức Madin mới. Lễ tấu chức Madin mới kết thúc thì giáo sĩ Acar được ăn bữa ăn nhẹ do gia đình Madin chiêu đãi. Sau đó kết thúc tháng chay tịnh Ramadan.

Hình 3. “Gai agal gak” cây Gậy đặt trên Minbar trong thánh đường (Magik) Bani Awal.

 

3. Harak agal - Khutbah (thuyết giáo)

Khutbah (Harak Agal) là một bài giảng, bài thuyết giáo quan trọng nhất vào các ngày thứ Sáu. Khutbah được thực hiện trước khi cầu nguyện Jumu'ah (Jumaat, Suk) (cầu nguyện trưa thứ Sáu) vào ngày thứ Sáu. Khutbah được xem là một thành phần chính của lời cầu nguyện vào ngày Jumaat và được xem là sự thay thế cho hai rak'at thường được đọc cho Zuhur (cầu nguyện buổi trưa).

Mỗi lần thuyết giáo (khutbah) vào ngày thứ Sáu hàng tuần thì giáo sĩ Katip phải lên đứng trên Minbar, một tay cầm “gai agal gak” cây Gậy, và một tay cầm “agal” để khutbah thuyết giảng giáo lý.

 Hình 4. Katip cầm cây Gậy “gai agal gak” và thuyết giáo “khubah” hay “agal”. Harak Agal này không phải Katip soạn ra mà chỉ đọc “agal” do Katip từ xưa viết ra bằng chữ Arab.

Hình 5. Katip Bani (Cambodia) cầm cây Gậy và thuyết giáo (Khutbah).

Khutbah hay “agal” là những bài giảng có tính chất xã hội, thời sự dựa trên nguyên tắc Thiên kinh Koran. Bài thuyết giảng này do Katip soạn ra để thuyết giảng vào ngày thứ Sáu. Nội dung bài thuyết giảng tùy thuộc nhiều chủ đề mang tính thời sự, tính khuyên răn. Ví dụ, để ngăn chặn phòng, chống dịch Covid-19, thì Katip sẽ soạn bài khubah (agal) có nội dung phòng tránh dịch bệnh mà trong Thiên kinh Koran có phán và nhắc bảo. Mục đích để khuyên tín đồ làm theo và cầu bình an trong cuộc sống.

Hình 6. Tín đồ Bani Islam cầm cây Gậy và thuyết giáo (Khutbah).

Đối với hệ phái Bani Awal “agal” hay Khutbah, những bài thuyết giảng không do Katip soạn ra, mà chỉ đọc “agal” đã quy định hay bài thuyết giảng đã có từ thời trước, thời Champa còn hưng thịnh.

 Hiện nay, trong Magik Bani Awal thường có 5 loại “agal” như “agal pah ramadan”, “agal pah waha”, “agal alimul”, “agal halkal”, và “agal bi”.

- Agal Ramadan: sau khi “yakat” xong, thì giáo sĩ Katip mặc áo Jubah (aw phong) “ndik agal ramadan” để thuyết giáo (khutbah).

- Agal Waha: ngày đại lễ Waha (Eid al-Adha), giáo sĩ Katip “ndik agal pah waha” để thuyết giáo (khutbah).

- Agal Alimul: là loại agal khi Imam tấu chức lên Imam 40 và được Imam “ndik agal alimul” để thuyết giáo (khutbah).

- Agal Halkal: là loại agal để đọc trong Suk Yeng. Để đọc agal này thì Po Gru hoặc được ủy quyền cho Imam “ndik agal halkal” để thuyết giáo (khutbah).

- Agal Bi: là loại agal được đọc trong 4 ngày Suk của tháng Ramadan, do Katip thuyết giáo (khutbah).