Với vai trò là một nhà ngoại giao lỗi lạc, Po Dharma còn là một phái bộ của Cộng Hòa Pháp ở Kuala Lumpur từ 1988-2015 để điều hành chương trình hợp tác song phương Pháp-Mã Lai về vấn đề Xã Hội và Nhân Văn, đào tạo sinh viên cấp thạc sĩ và tiến sĩ chuyên về lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa Champa. Trong đấu tranh bảo vệ những giá trị cốt lõi về văn hóa và lịch sử Champa, Po Dharma là người đầy dũng khí, mạnh mẽ và khôn ngoan, kiên cường với hướng bảo tồn và phát triển chữ viết Chăm truyền thống. Dù ở cương vị nào, ông đều tranh thủ các hoạt động ngoại giao quốc tế để có tiếng nói, tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho việc bảo tồn và tạo sự lan tỏa văn hóa Champa.
Với cương vị là một nhà khoa học, Po Dharma luôn tỏ ra là người nghiêm túc và khách quan trong các vấn đề nghiên cứu, là một tấm gương sáng cho khoa học. Ông đã xuất bản 12 tác phẩm khoa học về lịch sử và văn hóa Champa tập trung hơn 2565 trang viết bằng tiếng Pháp và song ngữ Pháp-Mã Lai. Ông cũng từng làm chủ biên của 7 công trình nghiên cứu về mối liên hệ giữa Champa và thế giới Mã Lai, tổng cộng hơn 1283 trang, chưa nói đến 45 bài khảo luận đăng tải trên mặt báo chí khoa học trên thế giới tập trung gần 700 trang gắn liền với lịch sử nghiên cứu văn hóa Champa – Một dân tộc có nền văn hóa rực rỡ và phát triển hưng thịnh trong tiến trình lịch sử của nhân loại. Po Dharma đã nén tình mẫu tử thiêng liêng để trở thành người con xa xứ, không quay về “quê cha đất mẹ” để lựa chọn các cơ hội tạo nên sự lan tỏa của lịch sử, văn hóa Champa một cách trung thực nhất. Những tài liệu nghiên cứu và xuất bản trong suốt cuộc đời Po Dharma là một kho tư liệu quý giá, tạo tiền đề cho những trí thức Chăm và các dân tộc Champa tiếp tục nghiên cứu và học tập.
Một nghiên cứu khá đồ sộ cuối đời của Po Dharma có sự cộng tác của Ts. Putra Podam về lịch sử, văn hóa Champa là “Con dấu Hoàng gia Champa” đã xuất bản tại Pháp. Một dự án lớn khác mà Po Dharma tâm huyết đó là “tài liệu Hoàng gia Champa” ông đã dày công nghiên cứu cùng với sự đóng góp ban đầu của Abdul Karim, Fatimah Amin, Trang Ratna, Quãng Văn Đại, Dominique Nguyen, Putra Podam,… Giai đoạn hai công trình đang tiếp tục nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu của công trình sẽ là một tập hồ sơ dạng văn bản giấy và bản điện tử. Một công trình khác cũng đồ sộ không kém là Từ điển khoa học, từ điển văn minh Champa, Po Dharma đã làm xong, Ts. Putra Podam kiểm tra bản thảo và bổ sung, đính chính nhưng chưa kịp công bố.
Những năm tháng nghiên cứu khoa học tại Viện Viễn Đông Pháp (EFEO) và đứng trên bục giảng của nhiều trường đại học Pháp (EFEO, EHESS, INALCO) và một số đại học khác như đại học Malaya, đại học Kebangsaan (Mã Lai), đại học Tokyo (Nhật Bản), đại học Bắc Kinh, Quảng Châu, Quảng Tây (Trung Quốc),… Po Dharma luôn tỏ ra là một người bạn đồng hành đầy trách nhiệm và có tâm huyết. Po Dharma cũng là một Giáo sư có trách nhiệm và tràn đầy nhiệt huyết. Là một bậc thầy uyên thâm về kiến thức, Po Dharma không những giảng dạy và hướng dẫn cho học trò cách nghiên cứu khoa học nghiêm túc nhất, mà còn truyền đạt những hiểu biết quí giá, đồng thời, cung cấp nhiều tư liệu quý cho nhiều đề tài luận án, luận văn tốt nghiệp cho các thế hệ kế cận. Các thế hệ sinh viên đại học – học trò của thầy luôn ghi nhớ và mãi mãi tự hào về một người thầy, một nhà khoa học xuất sắc, bình dị, gần gũi, thân thiết này. Những tháng ngày đứng trên bục giảng, Po Dharma cũng thường xuyên chia sẻ cho học trò các vấn đề về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử Champa mà suốt cả cuộc đời ông đã dày công nghiên cứu. Còn điều đáng trân quý nữa ở Po Dharma là không chỉ thể hiện xuất sắc vai trò của một bậc thầy, mà còn như một người cha, người anh đầy trách nhiệm.
Po Dharma đã hoàn thành sứ mệnh lớn mà lịch sử dân tộc Champa đã trao cho ông!
Nhìn lại những công trình và tài liệu đồ sộ liên quan đến lịch sử và văn hóa Champa của Po Dharma đã được ấn hành và sắp được ấn hành, chúng ta khẳng định rằng Po Dharma là nhà nghiên cứu văn hóa, nhà ngôn ngữ, nhà lịch sử lớn của lịch sử Champa. Người đã có công lớn trong hành trình khai sáng và lật lại trang sử của dân tộc Champa sau một thời gian dài gần hai thế kỷ trong điêu tàn và lãng quên do những yếu tố lịch sử bất lợi cho dân tộc Champa. Tên tuổi của Pgs.Ts Po Dharma đã đi vào lịch sử Champa của thế kỷ 20 và trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Người sẽ sống mãi trong lòng cộng đồng Champa trong và ngoài nước, là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Chăm và cộng đồng Champa noi theo.
Nhân tưởng niệm một năm ngày Po Dharma về với cõi vĩnh hằng, trong niềm xúc động và tiếc thương vô hạn, Ban Biên tập cùng cộng đồng Chăm, các nhà khoa học, các thế hệ học trò, bạn hữu gần xa và gia đình long trọng ấn hành tập san “Cuộc đời và sự nghiệp Po Dharma” như một tri ân và tưởng nhớ đến công trạng của ông.
NỘI DUNG SÁCH - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP PO DHARMA