Tìm một giải pháp chung cho cả dân tộc

Written by admin
In category Bài báo
Sep 25, 2020, 5:23 PM

Dominique Nguyen là người Pháp gốc Chăm Bình Thuận, là tay bút của nhiều bài viết trên Web Champaka, là tác giả của 700 năm cuộc tình Chế Mân và Huyền Trân Công Chúa, tự điển Chăm-Hroi,…và nhiều nghiên cứu khoa học. Nay Kauthara xin giới thiệu bài viết của Dominique Nguyen, dưới đây là nội dung:

Tìm một giải pháp chung cho cả dân tộc

<Dominique NGUYEN>

        Qua biến cố dao động của lịch sử, chúng ta lại có thêm một cộng đồng Chăm định cư tại Hoa Kỳ. Một cộng đồng năng động trưởng thành trên một quốc gia đa văn hóa, đa sắc tộc, một quốc gia có truyền thống dẫn đầu đấu tranh cho dân chủ và dân quyền.

        Sau khi vương quốc Champa bị xóa tên trên bản đồ Đông Dương vào năm 1832. Chúng ta đã mất chủ quyền, chúng ta đã mất luôn khả năng hội ý với nhau để cùng nhau tìm một lối thoát cho dân tộc, rồi từ đó dần dần mất luôn tinh thần đối thoại để dàn xếp những bất đồng trong quá khứ.

        Lịch sử của mọi dân tộc trên thế giới đều chứng tỏ nhân quyền chưa bao giờ ngăn cản ai xây dựng đời mình và, dân chủ chưa bao giờ cấm đoán một dân tộc nào tiến lên. Nhưng tại sao cộng đồng Chăm vẫn chưa tìm một mô hình sinh hoạt văn hóa một cách thống nhất ? Có chăng tại vì chúng ta chưa có ý thức hệ đoàn kết dân tộc, chưa tìm được sự đồng thuận hòa giải và hòa hợp dân tộc.

        Tại hải ngoại chúng ta tương đối thành công về mặt kinh tế, con cháu chúng ta đạt thành tựu những công nhân có tay nghề, những kỹ thuật gia có tài cán, nhưng chúng ta không thể nào toại nguyện nếu chúng ta chưa có ý thức hệ đoàn kết dân tộc. Nếu có một số người nào đó thành công tại hải ngoại , thì sự thành công đó cũng không trọn vẹn vì nó không xóa được sự tủi nhục của những người mang gốc dân tộc Chăm nghèo nàn tại Việt Nam. Trước sự nghèo nàn đó, chúng ta đừng cuối đầu bùi ngùi vì số phận hẩm hiu của dân tộc. Chúng ta vứt bỏ thái độ huyênh hoang tự cao tự đại, nhận ra mối nhục chung, bỏ ý đồ thống trị lẫn nhau, xin lỗi nhau và tha thứ cho nhau, nhìn nhận nhau như những anh em bình đẳng.

        Người Chăm ở hải ngoại, sau 45 lưu lạc đều muốn nối kết lại với quê hương, muốn giữ cội nguồn cho con cái và muốn tiếp tay xây dựng quê hương. Nhưng làm thế nào để cộng đồng Chăm có sự đồng thuận dân tộc. Sở dĩ chúng ta chưa đồng thuận vì chúng ta thiếu lòng yêu văn hóa. Văn hóa Champa phải là của chung tất cả mọi người Chăm, không một lực lượng văn hóa nào có thể độc quyền yêu văn hóa.

        Chúng ta cần phải tôn vinh những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Văn hóa là một kho dữ kiện mô tả nếp sống dân gian của một dân tộc trong dòng thời gian. Văn hóa có tính cách vĩnh viễn muôn đời và quan trọng hơn văn minh gấp bội. Văn hóa là bề sâu mà văn minh là bề mặt, văn hóa là phẩm còn văn minh là lượng, văn hóa cứ tuần tự tiến mãi, còn văn minh có thể bị điêu tàn khi đã lên tới cực độ.

        Để tìm một giải pháp chung cho cả dân tộc, những người làm văn hóa phải ý thức rằng vai trò và trách nhiệm của những người trí thức cần phải đoàn kết để làm việc chung với nhau, nhìn nhau với lòng nhân ái và đoạn tuyệt với quá khứ hận thù để tìm một hướng đi cho dân tộc. Trong tinh thần thiết tha và thủy chung với dân tộc, chúng ta cần phải trao đổi một cách thành thật và nhã nhặn với nhau về những phương cách đóng góp hữu hiệu nhất cho dân tộc. Điều quan trọng là không nên nhân nhượng và kết hợp những phần tử thiếu đứng đắn và thiếu lương thiện mà mọi người đều đã nhận diện được.

        Trên phương diện đồng thuận đó là quyết tâm xây dựng trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc trong một cộng đồng Chăm tự do và dân chủ. Chúng ta sẽ xây dựng tinh thần này bằng sự thảo luận bộc trực và tương kính, bằng gặp gỡ, trao đổi và hợp tác giữa các cá nhân và các hội đoàn đứng đắn. Đối thoại và thảo luận bộc trực là điều mà chúng ta không thể tiết kiệm. Dĩ nhiên trong cuộc đối thoại một cách thẳng thắng khó tránh được những sự bất đồng, vì ai trong đời chẳng có mức độ sai lầm, nhưng sau đó chúng ta có thể nghĩ đến kết hợp. Những người làm văn hóa cần ý thức được sự cần thiết và cấp bách của một kết hợp dân chủ. Chỉ có thể có kết hợp hành động giữa những con người đồng ý với nhau về mục tiêu phải đạt tới và con đường phải đi.

        Để tìm một giải pháp chung cho cả dân tộc, chúng ta phải thay đổi quan điểm để xác định lại thế nào là văn hóa tôn giáo và văn hóa cổ truyền của một dân tộc. Chúng ta cần phải nắm vững những khái niệm và kiến thức cần thiết và bảo tồn và phát huy văn hóa. Tuy nhiên, trong việc mưu tìm giải pháp chung cho cả dân tộc, vai trò và trách nhiệm của những người trí thức, đặc biệt những người làm văn hóa phải có tinh thần dân tộc để tìm ra một hướng đi cho dân tộc.

        Vấn đề hòa giải và hòa hợp giữa các cộng đồng Chăm Awar, Ahir và Islam là một bắc buộc của lịch sử. Chính những đổ vỡ và khủng khoảng này trong quá khứ đã làm tổn hại nặng nề trong trái tim và khối óc của người Chăm. Chúng ta đã trả giá quá đắt cho sự hận thù và chia rẽ. Chúng ta luôn luôn có những kẻ thắng và những kẻ bại, những kẻ làm và những kẻ phá sẽ không bao giờ tạo được một sức mạnh đổi đời.