Hình 1. Devi, công chúa Champa, Hương Quế, thế kỷ 10 (Ảnh của P-B LAFONT)
Có những quốc gia ngày nay tuy không còn nữa nhưng di sản của một nền văn hóa sáng chói để lại cho đời sau thật là khó quên, đó là trường hợp của các đế quốc Ai Cập, La Mã nói chung và trường hợp của cựu vương quốc Champa tại Việt Nam nói riêng. Trong ba tháng, từ ngày 12-10-2005 đến ngày 9-01-2006. Viện bảo tàng các nền nghệ thuật châu Á Guimet tại Paris (Pháp), khôi phục lại nền văn minh đó qua cuộc triển lãm lớn nhất từ trước đến nay về nền văn minh và văn hóa Champa, từ thời lập quốc cho đến cuối thế kỷ 16, với nhiều buổi hội luận và trình chiếu phim ảnh liên quan đến Champa và Việt Nam trong suốt thời gian triển lãm.
Theo những sử liệu xưa và những di chỉ khảo cổ, nền văn minh và văn hóa Champa đã ra đời cùng thời với sự xuất hiện của vương quốc Lâm Ấp cách đây gần hai ngàn năm. Năm 192, một lãnh chúa địa phương tên là Kurung (Khu Liên) chiếm huyện Tượng Lâm tuyên bố tách rời sự cai trị của nhà Đông Hán và thành lập một vương quốc riêng. Tượng Lâm là vùng đất miền cực Nam lãnh thổ Giao Chỉ, nơi sinh trú của các nhóm dân cư Nam Đảo (Malayo-Polynesien). Theo sử liệu Trung Hoa, Champa bị Trung Hoa đồng hóa dưới các tên Lâm Ấp, Hoàn Vương Quốc và sau cùng là Chiêm Thành. Chiêm Thành là cách phiên âm Hán tự từ chữ Champapura (lãnh thổ của người Champa), gọi tắt là Champa. Dân cư Champa bao gồm cả người Chăm ở đồng bằng và người Thượng trên Tây Nguyên. Lãnh thổ vương quốc này là sự kết hợp của nhiều tiểu vương quốc, theo định chế liên bang, trải dài từ đèo Ngang đến Biên Hòa.
Về danh xưng, Lâm Ấp là sự biến nghĩa từ chữ Tượng Lâm, nhà Đông Hán đã bỏ chữ Tượng để còn chữ Lâm. Theo nhiều nhà nghiên cứu sử, Lâm Ấp là sự phiên âm Hán hóa từ chữ Hindi (chữ Phạn) mà người Hoa gọi là Linyi. Yếu tố này chứng tỏ sự hiện diện của người Ấn Độ đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sinh hoạt thường ngày của dân chúng địa phương. Từ sau ngày Lâm Ấp ra đời, tất cả các địa danh trên vương quốc này đều có tên như Indrapura (lãnh thổ của thần Indra, tức Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên), Amavarati (Quảng Nam-Đà Nẳng), Vijaya (Bình Định), Kauthara (Phú Yên-Khánh Hòa), Panduranga (Ninh Thuận-Bình Thuận).
Dấu vết của nền văn minh Ấn Độ được tìm thấy tại Amavarati (Thành phố Hào Quang), nay là thung lũng Mỹ Sơn cách Đà Nẳng 70 km về phía Tây. Đây là cái nôi truyền bá đạo Bà La Môn lẫn văn tự và ngôn ngữ Chăm cổ có từ thế kỷ 4, đạo Phật cũng phát triển mạnh trong thời kỳ này. Đầu thế kỷ 7, trung tâm chính trị và tôn giáo được dời về Sinhapura (Thành phố Sư Tử), phía Nam đèo Hải Vân, nay là Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Đến giữa thế kỷ thứ 9, trung tâm quyền lực và tôn giáo, chủ yếu là Phật giáo, đặt tại Indrapura (Thành phố Sấm Sét), nay là Đồng Dương cách Đà Nẳng 50 km về hướng Nam.
Năm 1471, kinh đô Vijaya (Đồ Bàn) bị nhà Lê chiếm đóng, hoàng triều Champa dời về Panduranga (Phan Rang-Phan Rí). Ba thánh địa Mỹ Sơn, Trà Kiệu và Đồng Dương không người chăm sóc trở thành hoang phế và bị núi rừng phủ lấp trong suốt hơn bốn thế kỷ. Phải chờ đến năm 1885, một nhà khảo cổ học người Pháp mới tìm thấy lại các quần thể tháp ở Mỹ Sơn, Chiên Đàn, Khương Mỹ, Bằng An (Quảng Nam-Đà Nẳng). Từ 1898 trở về sau Trường Viễn Đông Pháp đứng ra nghiên cứu, bảo quản những công trình điêu khắc Champa tại những nơi này. Năm 1915, dưới sự bảo trợ của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Bảo tàng điêu khắc Champa tại Đà Nẳng được khởi công xây dựng để lưu trữ và trưng bày những tác phẩm nghệ thuật này và vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.
Hình 2. Dvarapala, thần gác cửa, Tháp Mẫm, thế kỷ 12 (Ảnh của EFEO)
Sau năm 1954, những di tích Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Hương Quế không còn được chăm sóc, nhiều công trình kiến trúc đã bị chiến tranh và thời gian làm hư hao và sụp đổ. Phải chờ đến hơn 40 năm sau, năm 1990, với sự hợp tác của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp, tiến trình khôi phục và trùng tu các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Chăm ở Viện bảo tàng Đà Nẵng đã được thực hiện trở lại. Sau hơn 15 năm cố gắng, bộ văn hóa hai nước Việt-Pháp đã chọn Paris là địa điểm triển lãm nghệ thuật điêu khắc Champa lớn nhất từ trước đến nay, với 96 tác phẩm có tuổi đời từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 15. Ngoài 24 tác phẩm trưng bày thường trực của Viện bảo tàng Guimet, 2 tác phẩm của Viện bảo tàng Rietberg (Thụy Sĩ) và 1 tác phẩm của Viện bảo tàng Lyon (Pháp), có gần 70 tác phẩm điêu khắc nghệ thuật Champa lần đầu tiên được đem từ Việt Nam ra nước ngoài, trong đó có 48 tác phẩm từ Viện bảo tàng Đà Nẳng, 7 từ Khu bảo quản di tích Mỹ Sơn và 14 từ Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam.
Trong số những bảo vật được trưng bày, nổi bật nhất là tượng nữ Devi duyên dáng thế kỷ 10 ở Hương Quế (Quảng Nam), tượng thần gác cửa Dvarapala (bằng đá hoa cương cao 1m05) thế kỷ 12 ở Đồng Dương (Quảng Nam). Các tượng Phật ở Đồng Dương (Quảng Nam) rất được trân trọng, và có lẽ đã xuất hiện cùng thời kỳ với các tượng Phật ở Angkor (Campuchia), Borobudur (Nam Dương).
Sau khi xem qua các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật có một không hai này, ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc nhất đối với người xem là một sự sót xa: sự bảo tồn và trùng tu các di tích kiến trúc và nghệ thuật Champa chưa được quan tâm đúng mức, vì không một di tích nào được khai quật thêm từ cuối thế kỷ 19. Miền Trung vẫn còn rất nhiều bí ẩn.