Hồi giáo Bani của người Chăm - Ts. Bá Trung Phụ

Written by admin
In category Nghiên cứu
Nov 29, 2020, 10:11 PM

Tác giả: Ts. Bá Trung Phụ

Tín đồ: Bani Awal (Hồi giáo Bani) tại Baigaor

Tồn tại xuyên suốt lịch sử nhân loại, tôn giáo là một hiện tượng xã hội tác động lên hai mặt của đời sống con người; cộng đồng và cá thể. Tôn giáo xuất hiện từ buổi bình minh của nhân loại và tồn tại cho đến ngày nay. Tôn giáo là một nhu cầu tinh thần của các tín đồ, những người theo tôn giáo, một nhu cầu có tính cộng đồng, dân tộc, khu vực và nhân loại. Tôn giáo không chỉ là việc đạo mà còn là việc đời. Nó không chỉ liên quan đến thế giới tưởng tượng mai sau (thiên đường, địa ngục) mà còn ảnh hưởng đến đời sống thực tại của con người. Sinh hoạt tôn giáo gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc. Trong đó có dân tộc Chăm.

Trên lãnh thổ Việt Nam có 54 thành phần dân tộc, sống hòa quyện với nhau và cùng nhau phát triển theo xu hướng của thời đại. Một trong những dân tộc đang được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm là dân tộc Chăm. Một dân tộc thuộc ngữ hệ Malayo - Polynesien, sinh sống lâu dài tại miền đất miền Trung Việt Nam, có mối giao lưu rộng rãi đa chiều với nhiều thành phần cư dân vùng lục địa và hải đảo Đông Nam Á. Đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh được coi là tiền thân của văn hóa Chămpa với những di tích dọc theo vùng duyên hải miền Trung từ Quảng Bình cho đến Đồng Nai, đã khai quật và phát hiện rất nhiều hiện vật như: khuyên tai hai đầu thú, đồ trang sức bằng vàng bạc, mã não,… Ở thời kỳ cổ trung đại có nhiều công trình kiến trúc cổ, điêu khắc cổ rải rác khắp vùng như Amravati (Quảng Bình), Indrapura (Đà Nẵng), Vijaya (Qui Nhơn), Kauthara (Nha Trang - Daklak), Panduranga (Phan Rang - Đồng Nai). Đặc biệt bi ký cổ đã minh chứng một phần nào dân tộc Chăm tồn tại rất lâu đời, có nguồn gốc bản địa, đồng thời có một nền văn minh rực rỡ, có thể so sánh với nhiều nền văn minh rất cao đẹp thời cổ đại và trung đại ở Đông Nam Á. Từ nguồn gốc bản địa, cải biến yếu tố ngoại sinh, dân tộc Chăm đã sáng tạo một nền văn hóa đa dạng và nét độc đáo riêng cho dân tộc mình, trong đó có Hồi giáo Bani (Bani Awal).

Người Chăm và văn hóa tôn giáo Chăm, đã được nghiên cứu từ hơn một thế kỷ qua. Các nghi lễ, tập tục, văn hóa, tín ngưỡng đã được chú ý ngay từ đầu thế kỷ XIX và từ đó đến nay có rất nhiều công trình, bài viết chuyên khảo về lĩnh vực này của nhiều tác giả trong và ngoài nước.

Trước hết phải kể đến công trình nghiên cứu về người Chăm của các nhà nghiên cứu Pháp như: A. Labussiere, Septfonts, A. Lauded, A. Bergaigne,... nhưng đáng kể nhất là công trình nghiên cứu của E. Aymonier, trong chuyên khảo “Les Cham a Bình Thuận” (người Chăm ở phủ Bình Thuận, tháng 2 năm 1891), E. Aymonier cho biết Hồi giáo du nhập vào Chămpa ngay từ đầu thế kỷ thứ X, phần lớn người Chăm theo đạo Hồi giáo là những người không chịu để cộng đồng mình đồng hóa bởi người Việt sau những biến cố lịch sử, nên đã làm một cuộc hành trình di cư sang vương quốc Kampuchea, Siam (Thái Lan) và đảo Hải Nam.

Ngoài ra, trong cuốn “Người Chăm Hồi giáo và tôn giáo của họ” (4/1981) đã cho biết khái quát về nghi lễ tôn giáo, vấn đề tổ chức hệ thống Hồi giáo Bani cũng được quan tâm: Po Gru (Sư Cả), các Imam phụ trách dạy trẻ em học Thiên kinh Koran, ông còn quan tâm đến nghi lễ vòng đời, như lễ cắt da qui đầu, lễ thành hôn của người Chăm Hồi giáo. Mặt khác, để bổ sung đầy đủ hơn trong việc nghiên cứu người Chăm ở Việt Nam, E. Aymonier, trong cuốn “Tín ngưỡng và sự tuân giữ giáo quy của người Chăm ở Kampuchea”, Paris 1891, đã điểm qua người Chăm ở Kampuchea. Tất cả họ đều theo Hồi giáo Islam chính thống, họ từ bỏ tất cả những nghi lễ ngoại đạo của tổ tiên, bảo lưu được tiếng nói của dân tộc.

Trong những năm 1906 - 1907, Cabaton đã giới thiệu người Chăm và người Malay ở Nam bộ, Kampuchea và nhóm Chăm theo đạo Hồi giáo Bani ở Phan Rang, Phan Rí, trên một loạt bài viết trên tạp chí của trường Viễn Đông Bác Cổ. Năm 1941, trong một chuyên khảo về cộng đồng Hồi giáo ở Đông Dương, M. Mer đã nêu một số nét cơ bản về kinh tế, xã hội, giáo dục, tôn giáo ở làng Chăm tại Châu Đốc.

Từ những thập niên 50 đến trước năm 1975 của thế kỷ XX, tại Việt Nam mới xuất hiện nhiều nhà nghiên cứu về người Chăm với các tác giả như: Nghiêm Thẩm, Nguyễn Khắc Ngữ, Đôrôhiêm, Đôhamit “lược sử Chàm”, 1974; Thái Văn Kiểm “Ảnh hưởng Chiêm Thành trong văn hóa Việt Nam”. Đáng chú ý là Nguyễn Văn Luận “Người Chàm Hồi giáo miền Tây Nam phần Việt Nam”, 1974 đã phác họa về phong tục, tập quán nghi lễ tôn giáo của người Chăm ở Nam bộ một cách khá sâu sắc.

Từ năm 1975, khi đất nước hòa bình, điều kiện học tập nghiên cứu thuận lợi hơn, vấn đề tôn giáo đã được nghiên cứu nhiều hơn đã trở thành lực lượng nghiên cứu khá hùng hậu như: Ngô Văn Doanh “Văn hóa Chămpa”, 1994; Bá Trung Phụ “Gia đình và hôn nhân của người Chăm ở Việt Nam”, 2002, là công trình nghiên cứu khá công phu về gia đình và hôn nhân, các nghi lễ tôn giáo Balamon, Hồi giáo Islam, Hồi giáo Bani.

Nhìn chung, điểm qua về tình hình nghiên cứu cho thấy, từ trước đến nay những công trình nghiên cứu về người Chăm Hồi giáo khá phong phú, phản ánh được đời sống sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng này, song tiếp cận của tác giả chưa đi sâu và tìm hiểu kỹ, đưa ra đặc trưng của Hồi giáo Bani.

Người Chăm hiện nay theo thống kê 1989 cho biết trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam người Chăm có 131.282 người Chăm chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ và tồn tại các tôn giáo Balamon và Hồi giáo, trong đó Hồi giáo có hai phái là Hồi giáo Bani và Hồi giáo Islam. Người Chăm Hồi giáo Bani sinh sống chủ yếu ở miền Trung với hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận (Phan Rang, Phan Rí), còn người Chăm Hồi giáo Islam ở miền Tây như An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Long Khánh, Bình Phước. Ở miền Trung có 2/3 theo đạo Balamon, còn 1/3 theo Hồi giáo Bani. Riêng ở miền Tây Nam phần 100% là người Hồi giáo Islam.

Aymonier cũng tìm thấy trong quyển lịch sử của người Chăm một đoạn  như sau “Vào năm con chuột, một người có bản chất Allah đã hành động cho sự tận thiện, tận mỹ của Vương quốc Champa. Nhưng dân chúng lại bất bình nên ông ta đã hiến cả thể xác lẫn linh hồn cho Thượng đế và sang cư trú 37 năm ở Makkak. Sau đó ông trở về Vương quốc Champa, Vua mang tên Allah trị vì từ năm 1000 đến 1036”. Sự kiện này phù hợp với việc khai quật khảo cổ tìm thấy 2 tấm bia ở  ven biển Trung bộ, một tấm bia có niên đại 1039 và tấm còn lại được xác định vào khoảng 1025 đến 1035. Cả hai bia ký cũng có nhắc đến người Hồi giáo, nhưng là những người nước ngoài trú ngụ ở ven biển miền Trung, họ là những người thương nhân, thợ thủ công, quần cư thành một cộng đồng, có một vị lãnh đạo tinh thần và người chủ trì buổi lễ là Imam. Từ nghĩa Bani là tín đồ của Thượng đế.

Qua minh chứng từ các bia ký và tư liệu đã cho chúng ta thấy sự du nhập của đạo Hồi vào Vương quốc Champa vào thế kỷ thứ IX. Đặc biệt vào thời vua Porome (1627- 1651) để hòa hợp dân tộc, cùng đoàn kết để chống giặc ngoại xâm, vào thời chúa Nguyễn, ông hóa giải Chăm Balamon và Chăm Hồi giáo thành Chăm Ahier và Chăm Awal bằng cách bắt người Chăm Balamon thờ thêm Đấng Allah, qua đó cho chúng ta thấy rằng nghiên cứu Hồi giáo Islam ở Champa phải qua hai giai đoạn lịch sử Hồi giáo thời kỳ đầu từ thế kỷ thứ IX- XVI ảnh hưởng của Iran thời kỳ thứ hai từ thế kỷ XVII thời vua Po Rome.     

Nếu như cộng đồng Chăm ở miền Tây theo Hồi giáo Islam giữ gìn giáo luật một cách chính thống, sống trong cộng đồng tín đồ đông đảo và tổ chức thôn xóm gọi là “palei” dựa vào Thiên kinh Koran và giáo luật Hồi giáo đã hỗ trợ cho những sinh hoạt tinh thần theo Hồi giáo một cách tích cực và xem Thánh đường (Magik) là trung tâm sinh hoạt tôn giáo và chính trị của xóm làng thì,

Tổ chức Hồi giáo Bani:

Mỗi dòng họ chọn ra một hoặc hai người, nếu dòng họ đông có thể ba người, để đại diện dòng họ thực hiện công việc của tôn giáo như tang lễ, hôn lễ,… Các vị đại diện cho dòng họ gọi là “Acar”. Họ có nhiệm vụ đọc thuộc Thiên kinh Koran, hành lễ và thực hiện các yêu cầu của lễ nghi tôn giáo. Tuy nhiên các giới giáo sĩ Hồi giáo Bani chỉ biết học thuộc kinh Koran nhưng không hiểu nghĩa trong từng đoạn kinh vì họ cho rằng Thiên kinh Koran là lời của Po Allah (Thượng đế) không được giải thích, nếu phạm sẽ có tội. Khi đã trở thành Acar thì phải tuân thủ theo Giáo luật, nếu vi phạm vào giới cấm sẽ có hình phạt tùy theo nặng nhẹ, thường là làm lễ tạ lỗi (Thaw Bah) trước Thượng đế Allah. Do đó, Hồi giáo Bani gồm hai tầng lớp, tầng thứ nhất là giới giáo sĩ (Acar) tôn thờ Allah trực tiếp và học thuộc thiên kinh Koran; và tầng lớp thứ hai là tín đồ bình thường, lớp tín đồ này không trực tiếp thờ Allah mà chỉ có nhiệm vụ phụng sự giới chức sắc.

Hệ thống tôn giáo Hồi giáo Bani hoàn thành gồm các vị như sau:

- Acar: là những người mới nhập hàng ngũ giáo sĩ. Trong luật đạo những người mới nhập tùy theo thời gian học hỏi và khả năng thuộc Thiên kinh Koran chia ra làm 4 cấp: Jamak, Talavi, Po asit, Po praong lễ được tiến hành trong tháng tịnh  chay Ramadan.

- Madin: là người điều khiển các buổi lễ và lễ nghi, dạy các trẻ học Thiên kinh Koran.

- Khotip hay Katip: là người được phân công giảng về giáo lý vào trưa thứ sáu, thánh lễ hàng tuần của Hồi giáo tại thánh đường. Katip trong Hồi giáo Bani có nhiệm vụ thực hiện lễ nghi tại thánh đường và tư gia không đảm nhận việc giảng giáo lý.

- Imam: là những người đã hành đạo có thời gian lâu năm tối thiểu là 15 năm, được xem là người am hiểu và học thuộc hết Thiên kinh Koran và có khả năng thực hiện hết mọi lễ nghi. Trong số các vị Imam là những người thông suốt Thiên kinh Koran, đạo đức, được chọn để ra mắt 40 vị Thánh của đạo gọi là Imam pak pluh (Imam 40). Sự lựa chọn để phong chức Imam pak pluh phải tuân thủ luật lệ rất khắt khe nhất là về đạo đức và am hiểu về Thiên kinh Koran và phải được các Sư cả (Po Gru) trong khu vực chấp nhận và mỗi năm chỉ có một hoặc hai ngày tổ chức lễ phong chức theo qui định của đạo và mời tất cả Imam và Po Gru trong vùng tới chứng kiến. Qua hệ thống tổ chức tôn giáo chúng tôi cho rằng Hồi giáo Bani  được truyền đạo từ Iran trường phái Shiit, vì phái Shiit có Imam Pak Pluk (Imam 40), Imam đóng vai trò rất quan trọng Hồi giáo Bani, chỉ đứng sau Po Gru.

- Po Gru (Sư cả): là người được tất cả các giáo sĩ và toàn dân trong làng bầu chọn. Người lãnh đạo một Thánh đường và là người đưa ra ý kiến quyết định ngày tháng tổ chức nghi lễ tại các tư gia, quyết định hầu hết các vấn đề về đạo và đời.

Người Hồi giáo Bani tầng lớp Acar (giáo sĩ) thực hiện đầy đủ về năm trụ cột của Hồi giáo Islam nhưng theo hình thức khác. Riêng tín đồ hạng hai, tức không phải giới Acar (người bình thường) thì không thực năm trụ cột này. Đây là sự khác biệt của xã hội Champa đương thời cũng như qua nhiều biến cố của lịch sử Champa.

Năm trụ cột:

1. Xác định đức tin: Thượng đế Allah là Đấng duy nhất và Muhammad là Thiên sứ.

2. Lễ nguyện Salah: Người Hồi giáo hành lễ năm lần trong một ngày là sự kết nối bề tôi và Thượng đế, trong buổi lễ, người bề tôi cầu xin Thượng đế xin Người tha thứ tội lỗi, xin Người phù hộ và che chở. Người Hồi giáo Bani không thực hiện hành lễ trong năm lần một ngày, vì họ cho rằng việc đạo là việc của tầng lớp giáo sĩ Acar và tầng lớp này thay thế cho họ thực hiện lễ năm lần trong một ngày, một nghĩa vụ của tín đồ đối với Thượng đế. Ngoài ra trong qui định của giáo luật Hồi giáo Bani thì tập tục từ lâu đời mỗi một dòng họ phải có một người làm giáo sĩ để thay thế dòng họ đảm nhận nghĩa vụ đối với Thượng đế, đồng thời thực hiện tập tục như lễ cầu an, lễ hôn nhân, tang lễ,… trong dòng họ. Đặc biệt các giáo sĩ được truyền từ đời này sang đời khác, nếu trường hợp dòng họ đông thành viên thì có thể có từ 2 đến 3 giáo sĩ. Từ những qui định trên mà mọi tín đồ đều không phải tuân theo, gìn giữ giáo luật nhất là năm điều giáo luật cơ bản và ngay cả tầng lớp giáo sĩ giới luật hành hương Thánh địa Makkah chưa quan tâm đầy đủ. Điều khá lý thú và có đặc trưng riêng là Thánh đường Hồi giáo là nơi các tín đồ đến cầu nguyện một ngày năm lần và được coi là trung tâm sinh hoạt tôn giáo và chính trị. Nhưng đối với Thánh đường Hồi giáo Bani chỉ mở cửa trong tháng Ramadan và những ngày lễ quan trọng của đạo Hồi.

3. Ramadan: là tháng tịnh chay là điều bắt buộc nằm trong năm điều giáo luật cơ bản của Hồi giáo. Hàng năm mùa tịnh chay thường gây xúc động tâm lý mạnh mẽ cho người Hồi giáo. Việc nhịn chay bắt đầu kể từ ngày vầng trăng tháng 9 Hồi giáo xuất hiện, cho đến khi trông thấy trăng vào đầu tháng sau. Những người Chăm Hồi giáo Islam Miền Tây, nhờ cuốn Hồi lịch do ông Hadji Isahat soạn ra có ghi rõ những ngày lễ, đối chiếu với dương lịch nên có thể biết được khi nào bắt đầu và kết thúc mùa tịnh chay. Họ tổ chức vào mùa này hai ngày lễ, một vào ngày hôm trước khi bắt đầu nhịn ăn và một lễ nữa vào ngày kết thúc mùa chay tịnh. Có thể mỗi tháng Ramadan là một sinh hoạt quan trọng, có tính cộng đồng Chăm theo Hồi giáo nói chung. Ở người Chăm Hồi giáo miền Tây, mọi sinh hoạt hầu như bị ngưng lại vào ban ngày và khi mặt trời lặn, các thôn xóm và tín đồ như mới hồi sinh. Người Chăm Hồi giáo Bani chủ yếu sinh sống ở vùng Phan Rang (Panrang), Phan Rí (Parik). Đây không phải là tháng nhịn chay mà là tháng dâng lễ cho Allah và các vị Thánh của Hồi giáo. Trong tháng Ramadan các giáo sĩ đều vào ở Thánh đường để hành lễ, mỗi gia đình của giáo sĩ đều phải dâng mâm lễ vật, mâm cơm, mâm xôi hoặc bánh trái cây, những người trong dòng họ của giáo sĩ có nhiệm vụ mang gạo, cả trái cây cho giáo sĩ của mình và là người đại diện cầu nguyện Allah ban phước cho mình. Đặc biệt ngày đầu tháng Ramadan, ngày rằm và ngày xả chay các gia đình tín đồ đều mang lễ vật đến Thánh đường để dâng lễ gồm một mâm cơm, một mâm chè, người Chăm Hồi giáo Bani quan niệm rằng tỏ lòng thành của mình dâng cho Thượng đế Allah ban phước lành cho mình. Thánh đường trong tháng Ramadan trở thành trung tâm sinh hoạt tôn giáo của tín đồ nhất là vào ban đêm. Ngoài ra điểm lý thú là tín đồ Balamon vẫn công nhận Thượng đế Allah và cầu xin Allah ban phước lành cho mình, cho nên trong tháng Ramadan các tín đồ Balamon cũng mang bánh, chuối tới dâng lễ tại  thánh đường (Magik), ban đêm họ cũng tới cầu nguyện tại Thánh đường vì Chăm Balamon cũng tôn thờ Đấng Allah.

Theo tài liệu cổ và các bô lão từ những thế kỷ trước cho đến đầu thế kỷ XX, Thánh đường (Magik) đều làm bằng mái tranh, vách bằng tre, nền đất, phía trước đặt bảy hòn đá phẳng để các giáo sĩ làm lễ lấy nước. Hiện nay, tất cả Thánh đường Hồi giáo Bani đều xây kiên cố bằng xi măng, mái ngói, xây bằng gạch. Về mặt kiến trúc, thánh đường không mang phong cách của Thánh đường Hồi giáo trên thế giới, nhưng vẫn quay mặt về hướng Tây tức hướng Thánh địa Makkah, ở cuối Thánh đường vách phía Tây có đặt một hậu tẩm gọi là Minbar, nơi để cho các giáo sĩ giảng giáo lý về Sunna hay Hadji.

4. Zakat (Bố thí): Đây là một phần tài chính nhỏ trích từ nguổn tài chính của mỗi người Muslim khá giả khi hội đù điều kiện theo qui định dùng để hổ trợ cho những anh em đồng đạo có hoàn cảnh nghèo và khó khăn. Mục tiêu của Islam là khơi dậy và duy trì tinh thần tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng tín đồ Muslim, qua đó, người nghèo khó sẽ được cải thiện cũng như vượt qua thời điểm khó khăn đói khát, người giàu sẽ được tẩy sạch tâm hồn khỏi sự keo kiệt ích kỷ và hẹp hòi, đồng thời người nghèo cũng được tẩy sạch tâm hồn khỏi sự ganh ghét và hận thù khi họ nhìn thấy người giàu giúp đỡ, tương trợ và cư xử tốt với họ. Người Hồi giáo Bani không thực đúng như người Hồi giáo Islam, họ thay đổi thành lễ “đổi gạo”, chỉ trích một phần rất nhỏ như gạo khoàng vài chục ký, 10 hay 20 trứng vịt, vài cây nến, họ mang đến Magik “Bố thí” cho các giáo sĩ, sau đó chia cho nhau, không bố thí cho người nghèo giống như tinh thần Islam chính thống.

5. Haji: là hành hương đến ngôi đền Kabah tại Masjid ở Makkah thuộc Saudi Arabia. Gồm các nghi thức nhất định được thực hiện tại các địa điểm nhất định vào những thời gian nhất định, nhằm phục tùng mệnh lệnh của Allah. Mỗi tín đồ Muslim nam, nữ trưởng thành bắt buộc phải thực hiện chuyến hành hương Haji một lần trong đời khi đủ hội đủ điều kiện (sức khỏe, tài chính, và phương tiện,…) để thực hiện. Haji đươc coi là một cuộc tập hợp lớn nhất của Islam, triệu tín đồ Muslim ở khắp mọi nơi trên thế giới đến Makkah. Những tín đồ Muslim đồng loạt cầu nguyện và khẩn xin đến một Thượng đế duy nhất, họ cùng mặc một kiểu quần áo, cùng thực hiện chung những nghi thức được qui định, không có sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo, quý phái sang trọng hay nghèo hèn, da trắng hay da đen, người Arabic hay không phải người Arabic, đều là anh em đồng đạo đang thực hiện mệnh lệnh của Allah.

Nhìn chung người Chăm Hồi giáo Bani (Hồi giáo dòng Bani) đã tồn tại rất lâu đời, họ luôn luôn bảo tồn được nét sinh hoạt văn hóa - tôn giáo có những đặc trưng riêng không thể lẫn lộn với bất kỳ nhóm cộng đồng dân tộc, tôn giáo nào nơi họ sinh sống. Giáo luật đã bị biến đổi rất nhiều để phù hợp với xã hội mẫu hệ của người Chăm. Sự xuất hiện tầng lớp giáo sĩ là đặc trưng của Hồi giáo Bani là sự kiện đã phản ánh Hồi giáo Islam chính thống đã du nhập vào Champa đã được Champa biến thành hệ phái riêng của mình. Chính những yếu tố trên đã làm cho Hồi giáo Bani của người Chăm ở Việt Nam có một sắc thái riêng, một đặc điểm riêng khác với Hồi giáo ở Đông Nam Á và thế giới Saudi Arabia.