Tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt đã vào bimong Cei Sak Bin Bingu

Written by Putra Podam
In category Tin tức
Jan 15, 2021, 10:50 PM

Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian phổ biến tại Việt Nam. Khởi nguồn của tín ngưỡng này xuất phát từ sự biết ơn đối với người phụ nữ, người mẹ trong nhận thức thuở khai sơ của con người. Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị Nữ thần gắn liền với các hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ có chức năng sáng tạo, và che chở cho cuộc sống của con người như trời, đất, sông, nước, rừng núi....

Hình 1. Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại Đèo Ngang.

Kể từ 1653, người Việt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã theo chúa hiền Nguyễn Phúc Tần vào Phú Khánh và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Trong quá trình Nam tiến, người Việt đã mang theo cả những phong tục tập quán truyền thống như thờ cúng Thành hoàng làng, thờ cúng tổ tiên,…Trong đó có tín ngưỡng thờ mẫu cùng với các giá trị văn hóa dân gian tích hợp xung quanh là những hát văn, múa bóng, hầu bóng, nhưng đã có sự biến đổi, tiếp nhận những yếu tố mới.

Trong số các mẫu thần được thờ phụng ở Khánh Hòa, thì Thiên Ya Ana (Po Ina Nagar) được coi là mẫu thần chủ đạo. Do có sự khác biệt về tôn giáo, tín ngưỡng nên người Việt ở Khánh Hòa trải qua các các thời kỳ lịch sử đã dần dần Việt hóa các yếu tố tôn giáo, đền tháp của người Champa thành trung tâm tín ngưỡng thờ mẫu quan trọng của người Việt.

Ngày nay tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt đã ăn sâu và đang len lõi vào từng vùng, nơi thờ phượng của người Chăm. Tiêu biểu tín ngưỡng thờ mẫu đã Việt hóa vùng Khánh hòa nơi có tháp Po Ina Nagar (Tháp Bà Nha Trang), nay lại xuất hiện ở lăng Cei Sak Bin Bingu,… Sự kiện này đi liền với sự kiện đề nghị xóa Hồi giáo Bani của người Chăm, xóa phong tục tập quán liên quan của người Chăm,…đây không phải là hiện tượng mà là có chủ đích.

Bimong Cei Sak Bin Bingu (Cei Khan Mâh Bin Bingu), chữ “Bin” như Po Bin Suor là con của trời, Bin Bilan là con của Bilan. Bimong này còn có tên “Lăng Cậu Hoa”, ngày nay được đổi thành Cei Khar Mâh Bingu, tọa lạc trên địa bàn thôn Lâm Thuận, xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Tên gọi Cei Khar Mâh Bingu cần phải xem xét lại.

Hình 2. Ts.Putra Podam chụp ảnh lưu niệm tại Lăng Cei Sak Bin Bingu.

Hình 3. Ts.Putra Podam – GĐ. Lâm Tấn Bình chụp ảnh lưu niệm cùng chức sắc Chăm Awal- Chăm Ahier tại Lăng Cei Sak Bin Bingu.

Theo truyền thuyết, Cei Sak Bin Bingu là một vị tướng tài trong triều đại vua Po Romé (1627-1651, bimong tọa lạc tại làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Cei Sak Bin Bingu được người Chăm thỉnh về làng Craoh Tang (Lâm Thuận) với bimong thật khang trang, để thờ phượng ngài.

Theo truyền thống tại bimong Cei Sak Bin Bingu hàng năm được tổ chức lễ Cambur vào tháng 9 (Chăm Lịch) tức khoảng cuối tháng 12 Tây Lịch. Lễ Cambur có ý nghĩa bày tỏ sự tưởng nhớ tôn kính nữ thần Po Ina Nagar (người mẹ xứ sở). Ngoài ra, Cambur còn là sự tri ân tưởng niệm tổ tiên, ân đức sinh thành dưỡng dục, tưởng niệm các vị hữu công khai canh khai cơ làng palei Chăm.

Hình 4. Rước thỉnh sắc phong tại lễ Cambur

Hình 5. Bên trong bimong Cei Sak Bin Bingu

Ngày 26 - 27 tháng 12 năm 2020, lễ Cambur được tổ chức tại thôn Lâm Thuận rất có  ý nghĩa bởi lễ được thực hiện trong Bimong khang trang, hiện đại. Rất tiếc Lễ năm nay Ban Tổ chức lại đưa chương trình “Tín ngưỡng thờ Mẫu” của người Việt vào biểu diễn trong Lăng (Bimong) gây bức xúc trong dư luận.

Qua chương trình đưa “Tín ngưỡng thờ Mẫu” vào biểu diễn trong Lăng (Bimong), bà con người Chăm thôn Lâm Thuận nói riêng và người Chăm nói chung rất bức xúc và cho rằng đây là sự cố ý đánh tráo văn hóa hay sự đồng hóa văn hóa Chăm. Người già trong làng hoàn toàn không biết gì, chỉ đưa mắt nhìn cảnh người cầm đao, cầm kiếm, múa, múa bóng, hầu bóng,…. như đang xem Hát Bội, Cải Lương,…

Theo tin tức người già trong làng, chương trình “tín ngưỡng thờ mẫu” năm nay được tổ chức lần đầu tiên, nhưng người dân trong làng hoàn toàn không đồng tình và cho rằng đây là sự xúc phạm tín ngưỡng Chăm nói riêng hay cộng đồng Chăm nơi đây nói chung. Hơn nữa, Bimong Kalan là nơi thờ phượng chỉ được mở cửa khi Guru, Paséh làm thủ tục, nay bimong mở cửa tùy ý, có lúc mở 4 cánh cửa như rạp hát. Đặc biệt bimong có một phòng riêng của chủ nhân, có tivi tủ lạnh,…để mỗi khi hai vợ chồng chủ nhân về thăm.

Cei Sak Bin Bingu từ xưa đến nay được người dân khắp Bhum Pajai rất tôn kín, kính trọng như bậc anh hùng tài ba của dân tộc trong cuộc chống Nam tiến của Đại Việt. Theo phong tục từ xưa, người dân nơi đây chỉ dùng linh hồn tâm trí, và lẽ thật để thờ phượng, chứ không được lập bàn thờ, bàn thờ đá hay khắc tượng thờ như hiện nay. Khi công trình đang xây sắp xong thì chủ công trình đã cho đắp tượng thờ Cei Sak Bin Bingu. Dù người dân không đồng ý nhưng chủ nhân đã quyết, nếu không cho xây tượng thì công trình sẽ dừng lại. Từ đó một phần chức sắc đồng tình theo chủ nhân, phần còn lại bảo tồn văn hóa thì luôn luôn phản đối.

Cei Sak Bin Bingu là tên gọi chính của nhân vật anh hùng Champa được dân chúng Champa tôn kính. Còn Cei Khan Mâh Bingu không phải là tên thật mà là biệt danh vì ông ta thường mặc chiếc chăn, chiếc váy màu bằng vàng (Khan Mâh- Chăn váy vàng).

Không hiểu tại sao Cei Sak Bin Bingu được đổi thành tên Cei Khar Mâh Bingu? Chữ “Khar” ở đây được phát âm như chữ “Khanh” trong tiếng Việt.

Mong năm sau chuyện này không còn xảy ra. Nguyện cầu mọi sự luôn được tốt đẹp và Cei Sak Bin Bingu sẽ được bình yên.

 

LINK Video clip:

1). Tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt đã vào bimong Cei Sak Bin Bingu (năm 2020, Internet)

2). Lễ Khánh thành theo phong tục Chăm (năm 2018, tác giả: Putra Podam)

3). Lễ tẩy uế theo phong tục Chăm (năm 2018, tác giả: Putra Podam)