Thuật ngữ Bani

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
Feb 6, 2021, 8:58 PM

TS. Putra Podam

Đại học UTM (Univesiti Teknologi Malaysia)

 

 Po Allah – Thượng đế Allah

Allah trong tiếng Arabic để chỉ định Thiên Chúa, Đức Chúa Trời, Thượng Đế, Đấng Tối Cao, Chúa Tể,… Ông Trời (tiếng Việt); Po (tiếng Chăm); Jehova (Do Thái); Tuhan (Indonesia),… Danh từ Allah thường chỉ dành riêng cho tín đồ Islam hay Bani Awal. Allah (swt): SWT là viết tắt của "Subhanahu Wa Ta'ala" có nghĩa:  “Vinh Quang Thượng Đế, Đấng Quyền Lực Tối cao”.

Người Arab thời tiền Islam tin rằng Allah là Đấng Tạo Hóa, và tín đồ Islam tin rằng: “Quả thật, Rabb (Chúa) của các người là Allah, Đấng đã tạo các tầng trời và trái đất trong sáu ngày rồi Ngài tự lên ngôi trên chiếc Ngai Vương...”. “Ngài đã tạo các tầng trời không cần các cột trụ chống đỡ mà các người có thể nhìn thấy và Ngài đã dựng lên trên mặt đất những quả núi vững chắc, sợ rằng (đất) sẽ rung chuyển với các người và Ngài trải ra nơi đó đủ loại thú vật...”.

Nabi Adam – Thiên Sứ Adam

 Adam, theo tiếng Hebrew có nghĩa là “bụi”, “người” hay “loài người”. Trong tiếng Arabic có nghĩa là “người sống” hay “nguồn sống”, và Eva (Hawa). Trong Sáng thế ký (Sách Sáng thế) trong Kinh thánh (thường dùng bởi Do Thái giáo và Kitô Giáo) thì “Adam”có nghĩa là “người nam” và “Eva” có nghĩa là “người nữ” đầu tiên do Chúa Trời tạo dựng nên.

Sau khi đã dựng nên trời đất và muôn vật, Chúa Trời nắn một hình người từ bụi đất theo hình ảnh của Ngài và hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh. Ngài đặt con người trong vườn Eden để trồng và trông nom khu vườn, cho phép người ăn tất cả các loại cây trong vườn trừ “Cây biết thiện và ác” (Trái Trí Tuệ) hay (Trái cấm). Chúa Trời dặn dò: “...vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết”. Chúa Trời cũng tạo ra các loài thú, rồi Adam đặt tên tên riêng cho muôn loài thú vật. Nhưng về phần Adam thì Ngài chẳng tìm được một ai giống như mình để giúp đỡ, vì thế Chúa Trời làm cho Adam ngủ mê, bèn lấy xương sườn và lấp thịt thế vào. Ngài đã dùng cạnh sườn Adam làm nên một người nữ, đưa đến cùng Adam. Adam nói rằng: "Người này là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì do nơi người nam mà ra". Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thịt. Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau.

  Nabi Abraham – Thiên sứ Ibrahim

Abraham (Ibrahim) là tổ phụ của người Do Thái và người Arab. Tên ban đầu của ông là Abram nghĩa là "cha cao quý" hoặc "người cha được tôn kính". Về sau ông được Chúa Trời đổi tên thành Abraham, nghĩa là "cha của nhiều dân tộc". Theo tín hữu của Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo thì ba tôn giáo này thường gọi chung là “các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham”. Trong Thánh kinh Torah và Thiên kinh Koran, Abraham được miêu tả là vị tổ phụ được Chúa Trời chúc phúc.

Đối với người Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo, Abraham là tổ phụ của dân Israel qua Isaac, con trai ông. Riêng đối với người Islam, Abraham là một thiên sứ của Islam và là tổ phụ của Muhammad qua Ishmael, một người con trai khác của Abraham.

Nabi Musa – Thiên sứ Musa (Moses)

 Thiên sứ Musa (Moses), trong tiếng Hebrew là “Moshe”, trong tiếng Arabic là “Musa”, trong tiếng Việt là “Mô-sét, Môi-se”. Là lãnh tụ tôn giáo, người công bố luật pháp, nhà tiên tri, nhà chỉ huy quân sự và sử gia. Ông cũng được xem là người chép kinh Torah (năm sách đầu tiên của Kinh Thánh, còn gọi là Ngũ kinh Moses). Musa cũng là một nhà tiên tri, thiên sứ của Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, Hồi giáo,… Ông là một thiên tài quân sự, ông cùng với vua Cyrus Đại Đế đóng vai trò vô cùng lớn lao trong lịch sử. Ông trở thành một vị anh hùng dân tộc của người Do Thái.

Theo ký thuật của Kinh Thánh, Moses là con của một phụ nữ Hebrew (Do Thái). Khi nhận biết đứa bé sơ sinh là con trai, bà tìm cách cứu con mình khỏi bị giết theo một chiếu chỉ của Pharaoh ra lệnh tàn sát tất cả bé trai thuộc dân tộc Do Thái nô lệ ngay khi chúng vừa chào đời. Cuối cùng, cậu bé Moses được nhận nuôi để trở nên một thành viên của Hoàng gia Ai Cập. Sau khi ra tay giết chết một quản nô Ai Cập để cứu một người Hebrew, Moses bị buộc phải chạy trốn, rồi trở thành mục tử. Về sau ông được Chúa Trời kêu gọi trở về Ai Cập với sứ mạng giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ, dẫn dắt họ băng qua Hồng Hải, tiến vào hoang mạc và, vì lòng vô tín và sự cứng lòng của dân Israel, ông cùng với họ lưu lạc trong đó suốt 40 năm. Moses không được vào Đất Hứa, ông sống thọ 120 tuổi.

Nabi Islam (Isa) – Thiên sứ Islam (Jesus)

Jesus: Jesus là người Do Thái, tên thường gọi là “Yeshua” nghĩa là “Đức Chúa là Đấng Cứu Hộ”. Cũng được gọi là Jesus Christ, hay Gia-tô Cơ-đốc là nhà giảng thuyết, người sáng lập Kitô giáo vào thế kỷ 1. Những gì chúng ta biết được về Giêsu là do được ghi chép trong Thánh Kinh Tân Ước, đặc biệt là trong bốn sách Phúc Âm.

Jesus trong tiếng Arabic được chuyển tự là “Isa”. Đối với tín đồ Islam, Isa được xem là một thiên sứ quan trọng của Thiên Chúa, và là người mang lại Injil (Phúc Âm), và cũng là người làm những phép lạ. Tín đồ Islam cũng nhận Jesus là Đấng Masih (Messiah), nhưng họ không dạy rằng Jesus mang đặc tính thần linh. Họ dạy rằng Jesus đã lên thiên đường cả linh hồn và thể xác nhưng không trải qua việc đóng đinh vào thập tự và phục sinh khác với niềm tin truyền thống của Kitô giáo về cái chết và sự phục sinh của Jesus.

Nabi Muhammad – Thiên sứ Muhammad

Muhammad là vị Thiên sứ cuối cùng được Allah mặc khải Thiên kinh Koran. Muhammad (saw): SAW là viết tắt của chữ âm “sallallahu alayhi wa salaam” hay phiên âm “salla Allah alaihi wa sallam”: có nghĩa là “xin bình an đến với Người”. Sở dĩ tên của Nabi Muhammad (saw) có thêm chữ “saw” theo sau đó là do huấn thị của Allah trong kinh Qran đoạn [33:56] như sau: “Quả thật Allah và các Thiên Thần của Ngài đều gửi Salah lời chúc phúc” cho Nabi (Muhammad). Hỡi những ai có niềm tin ! Hãy chúc phúc cho Người (Muhammad) và chào Người bằng lời chào tốt lành”.

Salam: Chào, chúc bình an! [Peace], lời chào được sử dụng cho mọi tín đồ Islam hay Bani Awal.

Đáp lại lời chào: Wa Salam.

Khuyến khích chào Salam khi gặp nhau, chào Salam khi vào nhà, chào Salam đến trẻ nhỏ, chào Salam đến vợ và những phụ nữ khác, chào Salam đến người Kafir (khác đạo). Người đáp lại: Wa Salam. Trường hợp đứng đối diện, thì người Salam và người đáp lại Wa Salam, cùng bắt tay phải, sau đó đưa bàn tay phải lên đặt trước ngực (ngay trái tim).

As-salamu alaikum: Chào, chúc bạn bình an! [Peace be upon you]. Wa alaikumu as-salam: Cũng, Chúc bạn bình an!

Khi gặp người đồng đạo (tín đồ Islam hay Bani Awal), thường bắt tay nhau chào trịnh trọng với cụm từ “As-salamu alaykum”, sau đó đặt bàn tay phải lên trước ngực (ngay trái tim). Đồng thời người đối diện cùng bắt tay và trả lời trịnh trọng với cụm từ, “Wa alaikumu as-salam”, cùng đồng thời đặt bàn tay phải lên trước ngực (trái tim).

Assalamualaikum Warahmatullahi Wabarakatuh: Chúc bình an, may mắn và phước lành. [Peace be upon you and God’s mercy and blessings]. Câu này thường chào trước khi báo cáo hay nói chuyện trước đám đông.

Người đáp lại: Waalaikumsalam Warahmatullahi Wabarakatuh.

Bismillaahir Rahmaanir Raheem Assalamualaikum Warahmatullahi Wabarakatuh: [Nhân danh Allah Đấng rất mực độ lượng, Đấng rất mực khoan dung, Allah ban bình an, may mắn và phước lành]. Câu này thường chào trước khi báo cáo trước đám đông.

Bismillaahir Rahmaanir Raheem: Nhân danh Allah Đấng rất mực độ lượng, Đấng rất mực khoan dung. [In the name of Allah, Most Gracious, Most Merciful].

Bismillah: Nhân danh Allah. [In the name of Allah].

Subhan Allah: Vinh Quang Allah. [Glorious is Allah]. Thường dùng trong lễ Solat hàng ngày để tán dương Allah!

Alhamdulillah: Xin tạ ơn Allah. [Praise be to Allah].

 

Allahu Akbar: Allah vĩ đại / Allah tối cao. [God is Greatest].

 

Insha Allah: Nếu Allah sẳn lòng / Nếu Allah muốn. [“If Allah wills, it will happen” or "Allah willing”].

 

Mashallah = Allah đã muốn / Allah mong muốn. [Allah has willed].

 

MAKAH

Makkah hay Mecca, là một thành phố thuộc Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út). Thành phố được nhìn nhận là linh thiêng nhất trong thế giới Hồi giáo và cuộc hành hương (Haji- Hajj) là điều bắt buộc đối với mọi tín đồ Hồi giáo có khả năng. Makkah sở hữu Kaaba (Kiblat) linh thiêng, đây là nơi các tín đồ Hồi giáo hướng đến khi cầu nguyện.

Mecca trong tiếng Malay hay tiếng Chăm được ghi Makkah hay Makah. Makah trong truyền thống Malay và trong các văn bản chép tay Chăm mang hàm ý chỉ về ba địa danh khác nhau.

Theo Gs.D.Lombard (1990, p.183), Makkah trong truyền thống Malay là một thánh địa ở thế giới siêu hình, chính vì thế ngày xưa khó mà đến nơi này được. Người Chăm có câu: “Nao Makkah Danah”, có nghĩa đi thánh địa Makkah và Medinah, nhưng nghĩa bóng là “đi không bao giờ trở lại”. Sử thi Um Marup, mô tả thánh địa Makkah ở Saudi Arabia.

Cũng theo Gs. D. Lombard (1990, p.196-197), trước thế kỷ 16, Makkah được dùng trong văn chương Malay không ám chỉ thánh địa Hồi giáo ở nước Arab mà là tiểu vương quốc Malacca (Melaka-Malaysia).

Sau thế kỷ XVI, khi Melaka bị quân Bồ Đào Nha chiếm đóng, Po Dharma (1999, p.198) cho rằng thánh địa Makkah được dời từ Melaka đến Kelantan (Malaysia), một tiểu bang có nhiều mối quan hệ khăn khít với vương quốc Champa. Thi phẩm "Nai mai mang Makah" là Makah thuộc Serembi Makah, Kelantan.

 

ISLAM

Islam (tiếng Arabic là: al-'islām), có nghĩa là "vâng mệnh, quy phục Thượng Đế", mà ở Việt Nam gọi là Hồi giáo, người Chăm gọi “Asulam” là một tôn giáo khởi nguồn từ khi Thượng đế tạo ra Adam, độc thần, chỉ có Allah là Thượng đế, là Đấng Tối Cao, Duy Nhất và Muhammad là vị Thiên sứ cuối cùng được Allah mặc khải Thiên kinh Koran. Theo Islam, các tín đồ phải tuân theo năm điều, đó là năm trụ cột hay năm nghĩa vụ thiêng liêng của các tín đồ. Năm trụ cột của Islam là: Shahadah, Solat, Sawm, Haji, Zakat.

 

ASULAM

Asulam là tên phiên âm tiếng Chăm từ Islam tiếng Arabic (Arab), là một tôn giáo độc thần được du nhập vào Champa từ khoảng cuối thế kỷ thứ IX và phát triển cực thịnh vào khoảng cuối thế kỷ XVI. Lịch sử minh chứng tín đồ Asulam Champa có mối quan hệ mật thiết với thế giới Melayu, đặc biệt là Malaysia. Xem Islam.

 

HỒI GIÁO

Hồi giáo (tiếng Ả Rập: Islam), mang nghĩa “vâng mệnh, quy phục Thượng Đế”, là một tôn giáo Độc Thần do Muhammad sáng lập, nhưng đức tin của Islam thì bắt nguồn từ trước khi Allah tạo ra Adam. “Hồi” ở đây có nghĩa là “Hồi lại”, “Hoàn lại”, “Về lại nguyên thủy”, ngược lại dòng thời gian từ thời Muhamamad đến thời kỳ nguyên thủy ban đầu, nghĩa là từ Rasul cuối cùng Muhammad ngược lại đến nabi Jesus, kế tiếp là nabi Musa, kế tiếp là nabi Ibraham, rồi đến thời kỳ nguyên thủy là nabi Adam. Hồi ở đây nghĩa là hồi lại trạng thái ban đầu và thực hiện đúng đắn cho một tôn giáo độc thần mà Allah đã chỉ định. "Subhanahu Wa Ta'ala" có nghĩa: “Vinh Quang Thượng Đế, Đấng Quyền Lực Tối cao”. Đồng thời tín đồ Hồi giáo phải hoàn thiện theo lời dạy của Thiên kinh Koran và cố gắng giữ Ngũ trụ.

Vấn đề thứ hai, Putra Podam làm rõ như sau: Dân tộc  : huí [huái] có nguồn gốc từ những người Ả Rập, Ba Tư,… là một trong những sắc tộc theo Islam sớm như người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur), người kazakhstan, người Dongxiang, người Kyrgyz, người Uzbek, người Salar, người Tajikistan, người Bonan, người Tatar và người Chăm ở đảo Hải Nam. Người “Huí” cải đạo sang Islam và được người Trung Quốc gọi là “Huíjiào”. Ngược lại, trong tiếng Trung Quốc hiện đại, từ Islam được phiên âm thành “Yīsīlán jiào” chứ không gọi là “Huíjiào” vì đơn giản Trung Quốc có rất nhiều sắc dân theo Islam chứ không chỉ riêng người “Huí”.

      Ở Việt Nam nhiều người thêu dệt vì thấy dân tộc Chăm theo tôn giáo mặc trang phục và hành lễ giống người “Huíjiào” ở Trung Quốc, nên đặt tên tôn giáo là: “Hồi giáo”. Cách giải thích này chỉ mang tính chủ quan và hoàn toàn không đúng.

MUSLIM

Muslim là phiên âm tiếng Arabic (Arab). Nghĩa là những người theo Islam hay những tín đồ Islam. Nói các khác, những ai qui phục Mệnh Lệnh và Chỉ Thị của Allah (swt) "Subhanahu Wa Ta'ala" như tôn giáo Islam đã qui định thì được gọi là người Muslim (tín đồ Hồi giáo).

JAWA

Jawa để chỉ tín đồ Hồi giáo (Islam, Asulam) có ba giai đoạn chính khác nhau. Thời kỳ đầu, khi nói đến Jawa thì người ta thường nghĩ đến những người Muslim hay những người Muslim có da ngâm đen như người Muslim Trung Đông, Indian, Bangladesh, Indonesia, Malaysia,… Thời kỳ thứ hai, Jawa chỉ giới hạn cho người Muslim Indonesia, Malaysia, hay Jawa Kur gồm Muslim Chăm Kampuchea và Chăm Châu Đốc… Thời kỳ ba, Jawa được xác định cụ thể là một dân tộc ở Indonesia và quê hương của người Jawa là phần trung và đông của đảo Jawa, có dân số gần 100 triệu người, là dân tộc đông nhất ở Indonesia và có một nền lịch sử rực rỡ.

BANI

Bani là phiên âm tiếng Ả Rập (Arab - Arabic). Nghĩa là “đạo”, nhưng thường dùng với nghĩa tín đồ thờ phượng Allah (Aluah) là Đấng Tối Cao, Duy Nhất và Muhammad (Muhamat) là vị Thiên sứ (Nabi-Rasul) cuối cùng được Allah mặc khải Thiên kinh Quran (Koran).

Theo thuật ngữ thì từ Bani có một số ngữ nghĩa như:

- Bani: trong tiếng Ả Rập dùng để chỉ tín đồ theo đạo thờ thượng đế Allah.

Theo R.P Durrand (1903), tên gọi Bani là phiên âm theo từ gốc Ả Rập “Beni”, có nghĩa là những “đứa con”.

Theo tự điển E. Aymonier & A. Cabaton (1906), thì Bani “بَانِي hay بني” tiếng Ả Rập nghĩa là “con cháu”, còn theo tôn giáo thì nghĩa “Hồi giáo”. Ngoài ra tự điển còn định nghĩa:

- Cam Bani: Người Chăm Hồi giáo

- Bani Ibrahim: Hồi giáo

- Bani Nabi: Hồi giáo

- Bani Muhhamat: Hồi giáo

- Banī Java: Hồi giáo của người Mã Lai.

Trong Surah Al-Baqarah câu 40 Allah phán gọi sắc dân Israel rằng:

يبنى إسرءيل

(Ya Bani Israel - Hỡi sắc dân Israel!)

Từ căn cứ trên, khẳng định Bani với nghĩa rộng là “tôn giáo”, “đạo Hồi”, nhưng nghĩa hẹp thì chỉ sắc dân có tín đồ thờ phượng Allah.

Bani có nghĩa đầu tiên là đạo, thường dùng để chỉ người mới nhập đạo, người có đạo, hay người có đức tin với thượng đế Allah. Như Bani Islam (tín đồ theo đạo Islam), Bani Jawa (người Jawa theo đạo mới, hay người Hồi giáo Jawa, và đơn giản chỉ gọi Jawa). Bani Chăm (Người Chăm theo đạo mới Islam và thờ phượng Allah), Bani Awal (Người Chăm theo Hồi giáo từ sơ khai “Awal” thờ phượng Allah).

Ngoài ra, Bani, Bini (Bin) thường dùng như tên lót cho giới tính nam của tín đồ Islam như: Muhammad Bin Bilal Ali, Bin Laden, Muhammad Bin Putra, Cei Sak Bin Bangu, …

Người Chăm thường nói: Nứ Nì (viết tắt của chữ Anak Bani): có nghĩa là đứa con Bani hay tín đồ Islam.

Ngoài ra Chăm còn nói: Nứ Bì (viết tắt anak Nabi, mà Nabi ở đây là tên các thiên sứ), vậy Anak Nabi mang nghĩa là tín đồ của thiên sứ Muhammad.

Người Chăm nói riêng và Champa nói chung đều gọi danh xưng là: “Agama Awal”, mang nghĩa tôn giáo Awal là tôn giáo của người Chăm có từ thế kỷ 17, kế thừa Asulam (Islam) từ thế kỷ thứ 9.

Người Chăm không bao giờ nói: “Agama Bani”, vì Bani không phải đạo mang tên “Bani”.

Những lập luận từ nguồn gốc lịch sử tôn giáo Chăm và thực tế minh chứng rằng Chăm có một tôn giáo là “Awal” đó là giới giáo sĩ Acar hiện đang thờ phượng thượng đế Allah. Người Chăm chưa bao giờ tồn tại một tôn giáo mang tên “Bani”, mà từ Bani chỉ mang nghĩa tín đồ theo đạo thờ phượng Đấng Allah. Những từ thường thấy như: Anak Bani, Chăm Bani, Bani Chăm, Bani Kur, Bani Jawa, Bani Isael, Bani Islam, Bani Islam Châu Đốc, … và có thể gọi “Bani Ahier” vì Chăm theo Hindu xưa đến thế kỷ 17 cải đạo Ahier và thờ phượng Allah như Đấng Tối cao cho đến ngày nay.

Cụ thể: Khi thực hiện “lễ cắt bao quy đầu” thì người Chăm Islam Nam bộ, Chăm Kampuchia, Chăm Ninh Thuận hay Bình Thuận đều gọi “Khatan tama Bani” nghĩa chính là lễ cắt bao quy đầu, nhưng thường gọi lễ nhập đạo. Ở đây ám chỉ dĩ nhiên là nhập đạo Islam (Asulam) chứ không mang nghĩa khác như nhập đạo Hindu, Tin Lành, Thiên Chúa giáo hay Phật giáo, …Nhưng đối với người Chăm thì cụm từ ‘Khatan tama Bani” (nhập đạo), ám chỉ không phải nhập đạo Hindu, mà nhập đạo mới Islam (Asulam) theo thờ phượng thượng đế Allah.

Từ “Bani” chỉ có nghĩa là đạo hay người Chăm nhập đạo mới (ám chỉ tín đồ theo đức tin Allah), hay chỉ nhóm sắc dân Chăm tôn thờ Allah, hay đơn giản là người “Có đạo” (Ám chỉ đạo Asulam không phải đạo Balamon). Điều này cũng như người Việt gọi hai từ “Xóm đạo”, là xóm những người theo Công giáo, chứ không phải xóm của những người theo Phật giáo, Hòa Hảo hay Cao Đài, …

Một số người Chăm tại Ninh Thuận thường hiểu lầm “Bani” là đạo tên Bani. “Chăm Bani” là người Chăm theo đạo tên Bani. Đây là cách hiểu sai, không đúng hay không chính xác. Vì trên thế giới không có đạo nào tên Bani.

 

AWAL

Theo sử sách Chăm và Malay, vua Po Rome (Mustapha) là vị vua Islam (Hồi giáo), là bậc Hiền nhân (Wali), là người am hiểu tinh thông Thiên kinh Koran và giáo lý Asulam. Người Chăm theo Asulam thời đó, mặc dù tự nhận mình là tín đồ Bani, nhưng Chăm Bani vẫn tiếp tục duy trì chế độ mẫu hệ và mẫu cư, một qui chế tổ chức gia đình và xã hội hoàn toàn khác với phong tục của Asulam chính thống giáo. Sau thế kỷ 17, do tình hình xung đột tôn giáo trong xã hội người Chăm ngày càng phức tạp, do đó, vua Po Rome quyết định hóa giải tôn giáo thành hai thuật ngữ là Awal và Ahier, với ý nghĩa như sau:

Awal: Là người Chăm (Chăm Balamon, Chăm Jat,…) đã theo Asulam từ trước, từ nhiều thế kỷ trước, cụ thể từ thế kỷ thứ 9, nhưng vẫn còn tiếp nhận văn hóa bản địa Champa. Thuật ngữ Awal (gốc từ Arabic) có nghĩa là “đầu tiên, trước” để ám chỉ cho những người Chăm đã theo Asulam từ trước triều đại vua Po Rome (1627-1651) và chỉ chấp nhận Po Allah Thượng đế, là Đấng Tối cao và Duy nhất.

 Ahier: Là người Chăm theo Hindu giáo, nhưng tiếp nhận nhiều nghi lễ mang yếu tố bản địa Champa. Thuật ngữ Ahier (gốc từ Arabic) có nghĩa là “muộn, sau” để ám chỉ cho người Chăm theo Hindu chấp nhận thờ thêm Po Allah (Đấng Toàn năng) sau khi vua Po Rome đứng ra hóa giải. Po Allah xuất hiện trong cộng đồng Chăm Ahier không phải là Thượng đế Duy nhất mà là Ðấng Thượng đế Tối cao đứng đầu trong danh sách các thần linh quan trọng khác của người Chăm Ahier ở Panduranga như Brahman, Vishnu, Shiva.

Do vậy, thuật ngữ Awal không làm thay đổi giá trị thực thể nội tại của Asulam, mà từ Awal chỉ khẳng định thêm rằng người Chăm đã theo Asulam và tôn thờ Allah từ trước (nghĩa là người Chăm theo Asulam từ trước triều đại Po Rome). Trong khi thuật ngữ Ahier, có thay đổi giá trị nội tại của người Chăm đã theo Hindu, bằng cách Po Rome dùng quyền lực ép người Chăm Hindu phải thờ thêm Allah của tôn giáo Asulam. Nghĩa là vua Po Rome đã truyền đạo Asulam cho người Chăm Hindu và mong sau này người Chăm Hindu thay đổi nhận thức chỉ tôn thờ Đấng Allah Duy nhất, hay thờ phượng thêm Đấng Allah để cùng Chăm Asulam (Chăm Bani) giải quyết mâu thuẫn, xung đột tôn giáo ở Panduranga xưa.

 

AWAL BANI (BANI AWAL)

Dựa vào ngữ nghĩa của “Awal” và “Bani” ở trên, thì từ: Awal Bani (tiếng Việt: Hồi giáo Bani - Hồi giáo dòng Bani - Hồi giáo Champa) là một hệ phái mới xuất hiện ở Champa, tức hệ phái Hồi giáo thuộc dòng Bani, do ảnh hưởng văn hóa bản địa Champa và do tình hình xã hội Champa phức tạp mà triều đại Po Rome đã tạo ra.

Hệ phái “Awal Bani hay Bani Awal” đã định ra gồm hai tầng lớp. 1). Tầng lớp thứ nhất: đó là tầng lớp cao nhất gồm Giáo sĩ (Acar) (ulama) và những bậc Hiền nhân (wali) trực tiếp chỉ thờ phượng thượng đế Allah, Đấng Tối cao, Duy nhất và Muhammad là Thiên sứ cuối cùng, và 2). Tầng lớp thứ hai: là những tín đồ Bani thông thường như Ts. Putra Podam, Ts. Phú Văn Hẳn, Ts. Bá Trung Phụ,… là tín đồ chỉ phục vụ, phục tùng Giáo sĩ (Acar-ulama) hay bậc Hiền nhân (Wali) và gián tiếp thờ phượng Allah. Nhưng lớp tín đồ Bani sau này nếu trang bị đầy đủ kiến thức, Thiên kinh Koran và giáo lý thì cũng có thể trở thành giáo sĩ (Acar) để trực tiếp thờ phượng Allah. Do vậy, khi bàn đến tôn giáo, hay khi nói đến hệ phái Awal Bani (Hồi giáo Bani) thì chúng ta hãy nói đến tầng lớp giáo sĩ (Acar) và hệ thống giáo lý, giáo luật của “Awal Bani” chứ không nói đến tín đồ Bani tầng lớp thứ hai hay tín đồ Bani thông thường.

“Awal Bani hay Bani Awal” tiếng Việt là: “Hồi giáo Bani” là tên tôn giáo đúng và phù hợp về mặt ngữ nghĩa được kế thừa từ tôn giáo Asulam mà tổ tiên người Chăm đã tiếp nhận từ thế kỷ thứ 9 cũng như được vua Po Rome (Mustapha) đã truyền lại được hậu duệ, tín đồ Bani gìn giữ đến ngày nay. Hồi giáo nói chung đã được Ban Tôn giáo Chính phủ công nhận là một tôn giáo tại Việt Nam. “Hồi giáo Bani” hay “Hồi giáo Islam” là tên gọi chính thức được Nhà nước công nhận là hệ phái tôn giáo của người Chăm.

 

CAMPA (Champa)

Champa là một vương quốc độc lập từ giữa năm 190 - 192 sau Công Nguyên, ở miền Trung Việt Nam. Biên giới từ phía bắc tỉnh Quảng Bình kéo dài đến phía Nam của tỉnh Đồng Nai (Biên Hòa). Champa trong thời kỳ hưng thịnh từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10, nhưng sau đó suy tàn dần, cụ thể là đối mặt với các mối đe dọa cuộc Nam Tiến của Việt Nam. Cuối cùng Champa bị xóa tên trên bản đồ thế giới vào năm 1832.

 

URANG CAMPA (Urang Champa)

Người Champa (urang Campa) bao gồm người Chăm sống ở các tỉnh ven biển, các sắc dân Jrai, Rade, Churu, Raglai, Koho, Ma, Stieng, Kotu,… sống ở Cao Nguyên. Những sắc dân này có nhiều đặc điểm tương đồng về nhân chủng, ngôn gữ và văn hóa,...

 

CAM (Cham)

Chăm là thần dân của Champa hay sắc tộc bản địa Champa, có quốc gia độc lập từ thế kỷ thứ II. Sau một vài thế kỷ Champa bị hàng loạt cuộc tấn công hay Nam Tiến của người Việt Nam, cuối cùng Champa đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới vào năm 1832 (thế kỷ XIX). Ngày nay, người Chăm sống rải rác ở nhiều khu vực, bao gồm Việt Nam, Kampuchea, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Mỹ và Pháp,… và rãi rác một số tỉnh ở Việt Nam như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, An Giang, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh,…

 

CHAMPA - ĐẠI VIỆT

Sources: Danny Wong Tze Ken, The Nguyen and Champa during 17th and 18th Century: A Study of Nguyen Foreign Relations, Paris-San Jose: Champaka, Monograph 5, 2007, p.192.

 

CHAMPA - THẾ GIỚI MALAY

Sources: G.Moussay and Duong Tan Thi, Peribahasa Cam-Dictons and Proverbes Cam. Kuala Lumpur: Kementerian Kebudayaan, Kesenian dan Pelancongan Malaysia & EFEO, 2002, p.13.

 

HIỆU KỲ CHAMPA

Hiệu kỳ Champa (Photo: Kauthara)

Hiệu kỳ Champa (tiếng Chăm: Dok Champa), gồm 9 sọc đỏ và trắng xen kẽ nhau nằm ngang đại diện cho tư cách bình đẳng và bên trái có một hình chữ nhật màu trắng xanh mang trăng lưỡi liềm (Aia Bulan) và ngôi sao 5 cánh (Batuk). Ngôi sao 5 cánh đại diện cho sự thống nhất  giữa các tiểu bang như  IndrapuraAmaravatiVijayaKauthara và Panduranga. Lưỡi liềm đại diện cho Hồi giáo là quốc giáo của Champa; nền xanh da trời tượng trưng cho sự thống nhất của nhân dân Champa; ngôi sao và lưỡi liềm trước đó màu vàng là màu hoàng gia Champa, nhưng nay Champa không còn vua nên đổi thành màu trắng (Quốc gia Hồi giáo không còn vua).

 

Hiệu kỳ Champa (Photo: Kauthara). Hiệu kỳ được vẻ bằng kỹ thuật màu nước trên vải cotton.

 

 Y Bham Enoul, chào cờ Champa tại biên giới Tây Nguyên.
 

 

HIỆU KỲ MẶT TRẬN CHAMPA

Hiệu kỳ Champa (Photo: Champaka)

Hiệu kỳ có 9 sọc xanh và trắng, xanh biển (biểu tượng hòa bình) và trắng (biểu tượng niềm hy vọng) xen kẽ nhau nằm ngang đại diện cho tư cách bình đẳng. Phần bên trái có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao đều màu trắng trên nền xanh lá cây (biểu tượng cho thịnh vượng), ngôi sao biểu tượng 5 tiểu bang Champa, lưỡi liềm đại diện cho Hồi giáo là Quốc giáo Champa. Phần bên phải màu đỏ (biểu tượng cho đấu tranh và lòng dũng cảm).

 

Hiệu kỳ Mặt trận Champa (Photo: Kauthara). Hiệu kỳ được vẻ bằng kỹ thuật màu nước trên vải cotton.

 

FULRO và cờ Mặt trận 1 giải phóng Cao Nguyên Champa tại biên giới Tây Nguyên.