Tộc người Rhadé ở miền Trung

Written by Đinh Viết Khiêm
In category Nghiên cứu
Jun 18, 2023, 1:12 AM

Tác giả: Đinh Viết Khiêm

 

Nhân biến cố trên Darlac, nhiều người cứ lặp đi lặp lại cái điều nhàm chán rằng người Thượng là người thuần túy của núi rừng cao nguyên. Điều này chỉ đúng với các bộ lạc nhỏ sống cô lập. Rất nhiều truyền thuyết của người Thượng đều nhắc đến ban đầu họ ở dọc theo bờ biển. Truyền thuyết của người Alak còn nói ngày xa xưa họ ở các hải đảo xa xôi trong đại dương.

Từ nữa đầu thế kỷ XX, các nhà nhân chủng và khảo cổ học đã nhận ra người Thượng là đại điện của một nền văn minh cổ xưa đã biến mất. Kern và Cabaton cho rằng miền Nam bán đảo Đông Dương - trải dài từ Ấn Độ tới Trung Hoa, chớ không phải chỉ ba nước Việ̣t Nam, Lào, và Cambodia như nhiều người Việt lầm tưởng - là nơi sinh của giống người Nam Đảo, từ đó họ lan tỏa ra khắp các đảo xa và hai bờ Thái Bình Dương.

Khi mới tiếp xúc, không khó cho các nhà khảo cổ và nhân chủng học nhận ra liền người Thượng có rất nhiều điểm phảng phất giống với các giống người Nam Đảo và thổ dân châu Mỹ ở dọc theo bờ Thái Bình Dương, từ giọng nói, nghệ thuật và các đặc điểm phong tục. Những cây cột nhà mồ ở miền núi Quảng Nam và cách trang trí của chúng rất giống của người Maori ở Tân Tây Lan. Giống heo mọi của người Thượng không khác gì giống heo mà người Đa Đảo nuôi. Cũng như người Incas, người Sre tin rằng mặt trời là nơi chứa linh hồn người chết. Trang điểm mũ bằng lông chim được tìm thấy khắp Thái Bình Dương, hải đảo lẫn cả trên hai bờ.

Coedès đã viết rằng trước khi người Ấn Độ tới Đông Nam Á bằng đường biển, cư dân ở đây đã có đội tàu và truyền thống đi biển riêng của mình. Đó cũng là lý do vì sao người Tàu khi mới tiếp xúc với người "Thượng", sau khi vượt qua Giao Chỉ, đã gọi họ là người Côn Lôn. Cách đây hai ngàn năm, người Tàu đã rất thán phục các con tàu và trình độ đi biển của người Côn Lôn.

Thông qua hướng dẫn và cố vấn của người Ấn Độ, một số người "Thượng" tiếp nhận văn minh Ấn, và trở thành người Phù Nam và người Chàm. Những người còn lại, muốn duy trì lối sống cũ, rút lên sống trên các chân núi và lên cao nguyên rộng lớn. Theo thời gian người "Thượng" cũng dần dần bị người Phù Nam - sau này là người Khmer - và người Chàm ảnh hưởng, như các nhà nhân chủng học quan sát thấy hồi đầu thế kỷ XX, ở ngôn ngữ và phong tục.

Trong quá khứ, nếu các cuộc đột kích của người Khmer, Thái, hoặc Lào nhằm cướp bóc và bắt nô lệ chỉ gây ra các vết sẹo trên cơ thể văn hóa và lối sống của người Thượng, thì cuộc xâm chiếm có vẻ hòa bình của người Việt mới đáng sợ, vì cùng vớ́i nó là xâm chiếm lãnh thổ và tước đoạt ruộng vườn.

Người Việt đi đến đâu thì điều trước tiên là phải chiếm đất. Tất cả ruộng vườn tốt nhứt đều phải dành vô tay mình. Đó là lý do vì sao hồi giữa thế kỷ XIX người Thượng vẫn còn ở rất đông và canh tác lúa nước ở miền chân núi phía Tây các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, và Bình Thuận, vậy mà đến giữa thế kỷ XX bị đẩy lên cao nguyên hết khi dân số người Việt ở duyên hải gia tăng. Điều đó hiện giờ đang xảy ra ở miền Darlac và Kontum, khi nạn nhân mãn khiến cư dân Thanh Nghệ và đồng bằng sông Hồng tiến hành một cuộc chiến trường kỳ bất kể thiệt hại để xâm chiếm miền Nam, và đang hưởng chiến lợ̣i phẩm đó suốt năm chục năm nay.

Giờ trở lại với tuyên truyền phổ biến hiện giờ cho rằng người Thượng là người của núi rừng. Tôi đồ rằng nó bắt đầu từ Nguyên Ngọc. Điều này hoàn toàn có chủ ý. Bởi vì nó biến người Thượng thành những người vô hình trên các vùng đất canh tác của mình và ngấm ngầm hợp pháp hóa việc xâm phạm ruộng đất và tài sản của người Thượng. Từ cuối thế kỷ XIX, Yersin đã quan sát vùng canh tác lúa nước rộng lớn quanh hồ Tak Lak của người Thượng. Biến cố mới đây trên Darlak xảy ra ở vùng canh tác truyền thống của người Thượng, vậy mà giờ đây họ chỉ còn là người làm công trên mảnh đất của mình. Mất đất là mất nguồn sống. và diệt chủng. Từ giữa thập niên sáu mươi thế kỷ XX, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã long trọng cam kết tôn trọng phong tục, quyền tự trị, quyền đại diện, và quyền sở hữu hơn một triệu sáu trăm ngàn mẫu Tây đất ruộng và rẫy của các buôn làng người Thượng miền cao nguyên. Đó là lý do vì sao mà người Thượng luôn coi [mười năm] trước 1975 là thập niên vàng son của mình.

Ngày nay, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam lấy trống đồng làm biểu tượng cho bốn ngàn năm văn hiến, nhưng nhiều người Việt được nuôi dưỡng trong nền giáo dục và văn hóa XHCH không hề biết rằng người Thượng ở cao nguyên miền Trung và văn hóa của họ là các biểu tượng sống gần nhứt với các hình ảnh nhân vật và họa tiết trang trí trên trống đồng. Còn gì khôi hài và mỉa mai hơn.

 

Một Tù Trưởng Rhadé ở Darlac, Cao Nguyên miền Trung. Bưu ảnh Đông Dương, thập niên đầu thế kỷ XX.