Po Rome vị vua Champa dòng dõi Hồi giáo (Islam)

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
Jun 29, 2023, 9:56 PM

Tác giả: Ts. Putra Podam

Email: putrapodam@gmail.com

 

Po Rome (1627-1651), Theo biên niên sử Champa Sakkarai dak rai patao thì Po Rome lên ngôi năm Thỏ và thoái vị năm Thỏ, trị vì 25 năm, đóng đô ở Biuh Bal Pangdurang (Thành Bal Pangdurang). Po Rome một vị vua Hồi giáo (Islam) là con rể của vua Po Klaong Mah Nai (nghĩa là Po Klaong Mah Nai đã truyền ngôi vua cho Po Rome). Cuộc đời và sự nghiệp của vua Po Rome đã được lịch sử ghi lại có hai dòng khác nhau, một là theo truyền thuyết, theo biên niên sử Champa Sakkarai dak rai patao tại vương quốc Champa và hai theo lịch sử và cây gia phả của Po Rome tại Kalantan (Malaysia).

-Tương truyền rằng, sau ngày ăn lá cây liêm (phun kraik), một cô gái Champa đã mang thai mặc dù chưa có chồng. Nghe tin này, gia đình đã đuổi cô ra khỏi nhà ở làng Ra-njaoh (làng này tọa lạc trên một khu vực rộng lớn từ Ga xe lửa Sông Mao cho đến Banâk Patau Ceng - Đập Đá Hàn- ở Bắc Bình-Bình Thuận). Ngay tại làng Pa-aok mà người Việt gọi là làng Tường Loan, cô sinh ra một bé trai khôi ngô, tuấn tú, đặt tên là Ja Kathaot.

-Một tương truyền khác cho rằng, mẹ Po Rome kết thân với người bạn Cru (Churu) nhưng Cha mẹ và dòng tộc không chấp thuận nên bà phải rời khỏi làng khi mang thai. Sau khi Po Rome được sinh ra, nhau thai của ngài được chôn tại làng Pa-aok nay là làng Tường Loan, hiện nay là xóm đạo Thiên Chúa Giáo Hòa Thuận. Nơi chôn nhau cắt rốn này được người Chăm ở đây lập miếu thờ và gọi là Yang Thaok Po Rome. Miếu này tọa lạc bên cạnh đường từ Bảo Tàng Chăm Bình Thuận (Phan Hiệp) đi Sông Mao và cách Bảo Tàng gần 1km.

-Truyền thuyết khác cũng cho rằng, mẹ Po Rome là một hoàng hậu Chăm kết thân với người Cru (Churu). Do đó, thân nhân dòng tộc không chấp nhận mối tình này nên bà phải rời khỏi gia đình đến một cánh đồng ở Palei Bhan (Vụ Bổn - Phan Rang). Điều này cho thấy sau khi lên ngôi vua, Po Rome đã cho lập miếu thờ ở ngoài cánh đồng mà người Chăm gọi miếu này là Thang Po Rome Kathaot.

Qua ba tương truyền trên thì một số nhà sử học đều nhận định vua Po Rome là người gốc Churu (Cru).

Hình 1. Đền Yang Thaok Po Rome, tại làng Pa-aok - Bình Thuận.

 

Theo lịch sử gia phả Po Rome tại Kalantan - Malaysia thì phụ thân của Po Rome là Wan Abul Muzaffar chính người đã đặt danh xưng "Nik" cho ông và các con cháu sau này. Theo lịch sử và gia phả dòng dõi vua Po Rome tại Kelantan - Malaysia thì Po Rome có ba người con trai là: Nik Ibrahim (Po Nraop), Nik Badrul Salam là đức vua Singgora (miền Nam Thái Lan), và Nik Ali (Datuk Faqih Ali al-Malbari) là thống soái lãnh đạo quân đội Patani.

Po Rome, đã từng ở Makah tức Serembi Makkah là tiểu vương quốc Kelatan - Malaysia. Theo biên niên sử Champa Sakkarai dak rai patao thì Po Rome lên ngôi năm Thỏ và thoái vị năm Thỏ, trị vì 24 năm, đóng đô ở Biuh Bal Pangdurang (thành trì Bal Pangdurang). Theo Hán Việt thì Po Rome có tên là Bà Lâm (1627-1651). Trong khi lịch sử Malaysia thì Po Rome có tên là Nik Mustafa, tên đầy đủ là: Nik Mustafa Bin Wan Abul Muzaffar Waliyullah.

Theo nhiều tư liệu, hoàng hậu (bia Than Cih hay Sucih) là chính hậu của vua Po Rome (1627-1651) vị vua Hồi giáo (Islam - Asulam). Bia Sucih là một tín đồ Islam, con gái vua Po Mah Taha (1622-1627) là một vị vua luôn sùng bái Islam.

Theo sử Chăm, sau khi từ trần, Po Rome được Hoàng gia Champa đưa làm lễ trong Thánh đường (Masjid / Magik) hoàn tất mọi thủ tục theo Islam (Hồi giáo). Sau đó, Po Rome cũng được hoàn thành một nghi thức khác là hỏa táng dành cho vị vua mà tín đồ Ahier (Balamon thờ Allah) sùng bái và thờ phượng. Đồng thời tín đồ Ahier cũng đưa tượng vua Po Rome dưới hình thể Mukha Linga (thần Shiva) vào thờ bên trong tháp, thay vì tháp này trước đó xây để thờ thần Shiva (Balamon) của Ấn giáo.

Theo truyền thuyết Chăm, thực hiện nghi thức hỏa táng cho Po Rome, thì Hoàng hậu Sucih (Bia Sucih) không chịu hình thức hỏa táng vì bà là tín đồ Islam (chỉ chấp nhận thổ táng chứ không chịu hỏa táng) nên triều đình Champa thời đó xây một đền nhỏ phía sau tháp Po Rome để thờ phượng. Ngược lại Thứ hậu (Bia Than Can) chịu nghi thức hỏa táng theo chồng nên triều đình thời đó đưa tượng Bia Than Can vào tháp bên cạnh vua Po Rome.

Theo Hình vẽ của Henri Parmentier (1871-1949) trong cuốn sách mang tựa “Inventaire descriptif des monuments Cams de l’Annam” (Kiểm kê - mô tả các di tích Champa ở An Nam). Theo bản gốc mẫu tượng Bia Sucih, thì trên ngực không khắc dòng chữ Thrah.

Hình 2, 3. Bia Sucih (Hoàng hậu Sucih) bản mẫu tượng gốc lần đầu (bên trái hình chụp, bên phải hình vẽ), không có dòng chữ Thrah khắc trước ngực. Mất lần đầu được tìm thấy, mất lần hai năm 1993.

 

Sau khi mẫu tượng gốc của Bia Sucih bị mất vào năm 1993, thì tín đồ Chăm Ahier  đúc tượng mới và khắc lên tượng ngực Bà với dòng chữ bằng Akhar Thrah mà bản dập còn lưu trữ tại Pháp, với nội dung: “Đây là cốt truyện của Bia Sucih, nhân vật đáng kính trong vương quốc. Vì không lên giàn hỏa theo chồng nên khắc lên ngực Bia Sucih”.

Dòng chữ Thrah Chăm được khắc trên ngực Bia Sucih (Hoàng hậu Sucih):

  ꨗꨫ  ꨚꨗꨶꨮꩄ  ꨝꨳꨩ  ꨧꨭꨌꨪꩍ

  ꨣꨩꨕꨮꩍ  ꨧꨯꨱꩃ   ꨛꨯꨮ  ꨚꨤꨬ

  ꨘꩆ  ꨅꩍ  ꨙꨪꩀ

  ꨀꨚꨶꨬ    ꨧꨯꨱꩃ   ꨚꨧꩃ

  ꨓꨕꨩ   ꨝꨳꨩ  ꨧꨭꨌꨪꩍ

Dòng chữ Thrah Chăm được dịch sang Rumi Campa 2002:

  "Ni panuec Bia Sucih

  Radeh saong Po palei

  Nan oh ndik

  Apuei saong pasang

  Tada Bia Sucih ".

Điều này đã chứng minh rằng tượng Bia Sucih (Hoàng hậu Sucih) ở sau tháp Po Rome tên là Bia Sucih (Than Cih). Từ nhận định trên, khẳng định Bia Sucih không chấp nhận hỏa táng (bởi Bia Sucih không phải tín đồ Hindu hay Ahier mà Bia Sucih là tín đồ Islam (con gái vua Islam Po Mah Taha) nên bà chỉ chấp nhận thổ táng theo Hồi giáo (Islam – Awal).

Hình 4. Bia Sucih mẫu tượng lần ba với dòng chữ Thrah khắc trước ngực. Mất lần ba năm 2008.

 

Hình 5. Bia Sucih (Hoàng hậu Sucih)​ hiện tại trên tháp Po Rome.

 

Po Rome còn có thứ hậu là Bia Than Can (người Rhade có tượng thờ bên trong tháp Po Rome).

Hình 6. Thứ hậu bia Than Can, bên cạnh thần Po Rome.

 

Hình 7. Bia Than Can (Hoàng hậu Than Can), mẫu tượng gốc lần đầu đã bị mất cắp.

 

Hình 8. Bia Than Can (Hoàng hậu Than Can), bản mẫu bia lần hai.

Po Rome còn có bia Ut (Ut; Mal. Skt.Uttara: Phương Bắc). Bia Ut: nghĩa là công chúa phương Bắc, là công chúa Ngọc Khoa con gái thứ ba của chúa Nguyễn Phúc Nguyên).

Hình 9. Công nữ Ngọc Khoa (Bia Ut), con gái thứ ba của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Ảnh Internet.

 

Trong thời gian Po Rome ở Makkah, người Malay gọi là Serembi Makkah, tức là tiểu vương quốc Kelatan (Malaysia). Tại đây, Po Rome kết hôn với công chúa Islam là Puteri Siti (Công chúa Siti), chính thức mang tên Thánh Nik Mustafa, tên đầy đủ là: Nik Mustafa Bin Wan Abul Muzaffar Waliyullah. Chính thức là người có danh phận là thành viên của dòng dõi vương triều theo Islam tại Malaysia. Mà biên niên sử Malaysia ghi lại rằng vua trị vì tại tiểu vương quốc Kelantan hôm nay là dòng giỏi của vua Po Rome.

Po Rome còn có ba phu nhân khác nữa, đó là Bia Laku Makam, Bia Hatri và Bia Sumut. Một số tài liệu về truyền thuyết Po Rome có ghi một câu: Bia Sumut tok Cam di Kut. Dựa vào thành ngữ này, người Chăm cho rằng Bia Sumut là công chúa gốc Hồi Giáo (Islam).

Theo sử sách Chăm và Malay, vua Po Rome là vị vua Hồi giáo (Islam), là người am hiểu tinh thông Thiên kinh Koran và giáo lý Islam. Người Chăm theo Islam thời đó mặc dù tự nhận mình là người Bani (người có đạo), nhưng người Chăm Bani lúc đó vẫn tiếp tục duy trì chế độ mẫu hệ và mẫu cư, một qui chế tổ chức gia đình và xã hội hoàn toàn đi ngược với phong tục của Islam (Hồi giáo). Sau thế kỷ 17, do tình hình xung đột tôn giáo trong xã hội người Chăm ngày càng phức tạp, do đó, triều đại của vua Po Rome đã quyết định hóa giải tôn giáo thành hai nhóm với thuật ngữ là Awal và Ahier, ý nghĩa như sau:

Awal: Thuật ngữ Awal (gốc từ Ả Rập) có nghĩa là “đầu tiên, sơ khai, trước” để ám chỉ cho những tín đồ Islam (những người Chăm Hindu hay Chăm Jat đã theo Islam từ nhiều thế kỷ trước) cho tới triều đại vua Po Rome và chấp nhận Po Allah (Aluah) là Thượng Đế, Đấng Tối Cao và Duy Nhất nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố bản địa Champa (Điều này cũng giống ở Malaysia và nhiều quốc gia ở Đông Nam Á).

Trong tự điển E. Aymonier 1906, từ Awal có những nghĩa:

    a. nghĩa 1: “đầu tiên, trước”. Ví dụ: meng awal: từ trước, từ đầu.

    b. nghĩa 2: “Islam”. Ví dụ: gah Awal: bên Islam.

    c. nghĩa 3: “Hồi giáo”. Ví dụ: Cam Awal: Chăm Hồi giáo.

 Ahier: Thuật ngữ Ahier (gốc từ Ả Rập) có nghĩa là “muộn, sau” để ám chỉ cho người Chăm đã từng theo Hindu (Brahma, Vishnu, Shiva), nay chấp nhận bỏ Hindu và chấp nhận thờ Po Aluah từ triều đại vua Po Rome. Po Aluah xuất hiện trong cộng đồng Chăm Ahier không phải là Đấng Thượng Ðế Duy nhất mà là Ðấng Thượng Đế Tối cao đứng đầu danh sách các thần linh và vua chúa ở Champa.

Do vậy, thuật ngữ Awal không làm thay đổi giá trị thực thể nội tại của Islam (Hồi giáo), mà từ Awal chỉ khẳng định thêm rằng người Chăm đã theo Islam và tôn thờ Allah từ trước (nghĩa là người Chăm theo Islam từ trước triều đại Po Rome). Trong khi thuật ngữ Ahier, có thay đổi giá trị nội tại của người Chăm Hindu, bằng cách Po Rome dùng quyền lực ép người Chăm bỏ Hindu (nghĩa là từ bỏ Brahman, Vishnu, Shiva) thay vào đó phải thờ Po Allah của tôn giáo Islam. Nghĩa là vua Po Rome đã truyền đạo Islam cho người Chăm Hindu trở thành Chăm Ahier (thờ Allah) và mong sau này người Chăm Ahier thay đổi nhận thức cùng thờ phượng Đấng Allah để cùng Chăm Awal giải quyết mâu thuẫn, xung đột tôn giáo ở Panduranga xưa.

Po Rome là một vị vua Champa theo Hồi giáo (Islam), kế thừa từ triều đại Po Klaong Mah Nai (Po Mah Taha) cũng là một vị vua Champa Islam hùng mạnh. Theo Hán Việt thì Po Rome có tên là Bà Lâm (1627-1651). Trong khi lịch sử và gia phả ở Malaysia thì Po Rome có tên là Nik Mustafa, tên đầy đủ là: Nik Mustafa Bin Wan Abul Muzaffar Waliyullah. Tên thường gọi là Agong Ronan, sau khi lên ngôi, niên hiệu của Po Rome trong sử Malaysia là Sultan Abdul Hamid Shah.

Thời đại Po Rome, Chăm Awal chính là Chăm theo Bani (Chăm có đạo), tức Chăm theo Hồi giáo (Islam) từ trước triều đại vua Po Rome. Nhưng thực tế, Po Rome là vị vua không chủ trương tạo riêng Thiên kinh Awal (viết bằng tiếng Chăm và chữ Thrah Chăm) cho tín đồ Chăm Awal, mà chỉ sử dụng quyển Thiên kinh Koran của Ả Rập - Saudi Arabia (viết bằng tiếng Ả Rập và chữ Ả Rập) cho tín đồ và giáo sĩ (Acar). Tương tự, Po Rome cũng không tạo giáo lý, giáo luật riêng cho Chăm Awal (viết bằng tiếng Chăm và chữ Thrah Chăm), vua Po Rome không có các môn đệ tôn giáo và cũng không đi truyền bá tư tưởng hệ phái Awal. Nhưng trong triều đại của vua Po Rome (không phải vua Po Rome) đã tạo ra một hệ phái Awal (hình thái Islam Champa hay hệ phái Hồi giáo Awal) với hai tầng lớp, đó là, tầng lớp giáo sĩ (Acar) trực tiếp thờ phượng duy nhất Thượng đế Allah, và tầng lớp tín đồ Awal dân thường (Gahéh) để phục vụ giáo sĩ (Acar) và gián tiếp thờ phượng Allah.

Tương tự, trong triều đại của Po Rome (không phải vua Po Rome) đã thay đổi tín ngưỡng của tín đồ Chăm Balamon (Chăm tôn thờ thần Brahman, Vishnu, Shiva, …) bằng cách đưa Chăm Balamon phải thờ Allah (Đấng Chủ tể của vũ trụ và muôn loài), và Allah được xem là Đấng Tối Cao trong mọi tầng lớp thần linh của người Chăm Ahier. Rõ ràng, việc thay đổi tín ngưỡng của tín đồ Chăm Balamon thành tín đồ Chăm Ahier (Chăm Balamon thờ Allah) là mong muốn tín đồ Chăm Ahier sẽ dần dần cải đạo sang tín đồ thờ Allah trong triều đại vua Po Rome thuộc vương triều Po Mâh Taha (Champa Islam).

Hình 10. Miếu Bia Sucih, phía sau tháp vua Po Rome. Ảnh Internet.

 

Ngày 2-7-2010, đoàn khảo cổ thuộc Trung tâm Phát triển bền vững Nam Bộ đã tiến hành khai quật. Trong quá trình khai quật, đoàn đã phát hiện nhiều hiện vật quý giá mang tính lịch sử và có giá trị nghệ thuật cao như: cái hũ gốm sành trong phế tích Tháp lửa, hộp Klaong chất liệu đồng đựng mảnh xương trán người, nhiều phiến đá có dấu tích đẽo gọt hoa văn, …Đặc biệt, đoàn đã khai quật phát hiện một ngôi mộ bên dưới có bộ hài cốt người trong khu vực Tháp Po Rome. Theo nhận định ban đầu, đây là khu mộ “Gahur” hay "Makam" của người Hồi giáo (Islam).

Hình 11. Ngôi mộ “Kabur” hay "Makam" của người Hồi giáo (Islam). Ảnh Putra Podam.

 

Khu mộ Hồi giáo (Islam) được phát hiện trên đền tháp có quan hệ như thế nào với vị vua Po Rome, cho đến nay vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời kết luận cuối cùng. Có chăng đây là khu mộ của hoàng hậu Bia Sumut có nguồn gốc Hồi Giáo? Mặc dù vậy, đây vẫn là một câu hỏi lớn dành cho các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm và tiếp tục nghiên cứu hầu đưa ra câu trả lời xác thực.

Hình 12. Vua Po Rome, niên hiệu: Nik Mustafa Bin Wan Abul Muzaffar Waliyullah. Dòng dõi vương triều theo Islam tại Serembi Makkah, thuộc tiểu vương quốc Kelatan-Malaysia. Ảnh: Internet.

 

Hình 13. Tháp (bimong) vua Po Rome (Mustafa) tại Ninh Thuận. Ảnh Putra

 

Hình 14. Gia phả dòng tộc vua Po Romé ở Kelantan - Malaysia.

 

Vua Po Rome (Sultan Abdul Hamid Shah Bin Syarif Wan Abu Muzaffar Bin Syarif Wan Abdullah Umdatuddin). Ông cưới nhiều vợ, riêng người vợ công chúa Kelantan có ba người con trai đều theo Hồi giáo (Islam).

Con trai cả của Nik Mustafa (Po Rome) là Sultan Nik Ibrahim Bin Nik Mustafa, mà người Champa thường gọi là Po Nrop (Datu Kelantan 1634-1637; Raja Campa 1637-1684). Đã từng làm tướng soái tại Kelantan, sau này về Champa làm vua kế vị Po Rome. Theo biên niên sử Champa Sakkarai dak rai patao thì Po Nrop là em trai Po Rome lên ngôi năm Thìn và thoái vị năm Tỵ, trị vì một năm, đóng đô ở Bal Canar (Tịnh Mỹ, Parik). Theo Hán Việt thì Po Nrop có tên là Bà Thấm (1651-1653). Năm 1653, Chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần hay Nguyễn Thái Tông, tước hiệu Dương Quận Công là vị chúa Nguyễn thứ tư của chính quyền Đàng Trong) đưa quân sang đánh và hạ được thành, Po Nrop thất bại và chạy sang Kampuchia , sau đó quay sang vùng Châu Đốc sau sự kiện vua Nặc Ông Chăn cải đạo sang Islam và bị hoàng thất Khmer giết hại. Po Nrop (Bà Thấm), chính là ông tổ của người Chăm ở Châu Giang, Châu Đốc ngày nay.

Con trai thứ hai của Nik Mustafa (Po Rome) là Nik Badrus- Salam Bin Nik Mustafa, vị hoàng tử thứ hai chính là ông tổ của các đời vua ở Kelantan-Malaysia, ông kết hôn cùng hoàng thất Kelantan, các vị vua ở Kelantan ngày nay là dòng dõi của vị hoàng tử này.

Con trai thứ ba của Nik Mustafa (Po Rome) là Nik Ali Bin Nik Mustafa, ông cưới hoàng thất Pattani (vương quốc Malay ở miền Nam Thái Lan) và giữ chức thống soái quân đội của triều đình Pattani, sau khi Pattani bị người Thái xâm chiếm, gia đình hoàng thất ly tán. Nhưng dòng họ "Nik" vẫn còn ở Pattani. Những người con Champa thật sự đáng tự hào với dòng máu từ Nabi Ibrahim cùng Siti Qaturah. Đó là dòng máu trực hệ từ thiên sứ của chúng ta, thiên sứ Muhammad (S.A.W).

Sau khi Po Rome từ trần, hoàng gia Champa đưa làm lễ trong Thánh đường (Magik) hoàn tất theo thủ tục Hồi giáo (Islam). Sau đó, Ngài cũng được hoàn thành một nghi thức đám thiêu dành cho vị vua mà tín đồ Ahier thờ phượng.

Cuộc đời và sự nghiệp của Po Rome là một câu chuyện vừa bi, vừa tráng cũng vừa hùng. Tuy nhiên, dù như thế nào thì vua Po Rome là một vị vua hết lòng vì dân vì nước. Đặc biệt là vị vua được thần dân Champa tôn kính sau khi tử trận. Nhưng cái chết của vua Po Rome, nhiều tài liệu đã ghi chép không hợp lý. Theo truyền miệng, vua Po Rome bị bắt trong trận chiến, ngài bị nhốt vào rọ, bỏ đói bỏ khát trên đường đưa về Huế và ngài đã tự tử. Theo Dohamide-Dorohiem, E. Aymonier, Quyến, … vua Po Rome thua trận và bị bắt nhốt trong cũi sắt. Khi ông chết đi, thi hài được đưa vào thánh đường làm thủ tục Hồi giáo (Chăm Awal) trước, và sau đó Chăm Ahier đưa đi hỏa táng theo tập tục. Theo G. Moussay và Po Dharma, khẳng định tờ báo viết bằng chữ Bồ Đào Nha của nhà truyền giáo gốc người Bồ Đào Nha đến Việt Nam viết, thì vua Po Rome bị bắt đưa ra Phú Xuân. Điều đặt ra, chắc chắn triều đình Huế sẽ tử hình thì còn đâu thi hài Po Rome để đưa vào Magik hay hỏa táng theo tục Hindu. Có chăng thần dân Champa chỉ thực hiện các thủ tục cho ngài mà không có thi hài.

Po Rome được thần dân Chăm kính trọng và thờ phượng tùy theo tín đồ Ahier (Balamon thờ Allah) hay tín đồ Awal (Islam). Nếu thờ theo Yang thì Ngài có tên là Yang Po Rome (thần Po Rome). Nếu thờ theo Cei thì Ngài có tên là Cei Asit. Nếu thờ theo Atuw (Hồi Giáo) thì Ngài có tên là Cahya. Nếu thờ theo Yang Baruw (gốc Hồi Giáo) thì Ngài có tên là Po Gahluw.

Từ những lý giải ở trên cho thấy, vị vua Po Rome mong muốn Champa được bình yên thì mọi tín đồ Chăm Ahier (Hồi giáo mới) phải thờ phượng Allah, không phân biệt tôn giáo, một lòng đoàn kết cùng người Chăm Awal (Hồi giáo), tất cả thần dân đều thờ phượng Allah thì Champa sẽ hùng mạnh và hưng thịnh.

Một vài người Chăm thêu dệt cho rằng vua Po Rome (1627-1651) là vị giáo chủ tôn giáo của người Chăm (Awal-Ahier) trong khi chưa hiểu rõ thuật ngữ Awal, Ahier và tư tưởng của vị vua Po Rome theo Islam, cũng như tình hình mâu thuẫn tôn giáo của Champa thời đó. Do đó khẳng định rằng, những thêu dệt cho rằng vua Po Rome là giáo chủ (chưởng môn) của môn phái Awal-Ahier chỉ là suy nghĩ cá nhân, không đúng sự thật và không cơ sở khoa học lịch sử và cố làm trái ý việc phải thờ phượng Đấng Allah là tinh thần và chủ trương mà vua Po Rome một vị vua Champa anh minh đã truyền lại cho hậu thế.

Hình 15. Bimong trước kia xây để thờ thần Shiva theo tín ngưỡng Hindu giáo (Balamon). Khi vua Po Rome (1627-1651) mất, người dân Champa đặc biệt theo tín ngưỡng Chăm Ahier trưng dụng tháp để thờ vua Po Rome, nhưng tượng Po Rome lại được khắc dạng Mukha Linga (dạng thần Shiva). Vậy bức tượng bên trong tháp không phải thờ vua bản địa Champa mà thờ thần Po Rome hóa thân thành Shiva.

 

Hình 16. Kiến trúc chóp ngôi tháp chính [Ảnh: Quảng Minh Kháng].

 

Hình 17. Quang cảnh tháp Po Rome trong ngày Kate tháng 7/2018 Chăm lịch. [Ảnh: Quảng Minh Kháng].

 

Hình 18. Alasilah Raja-raja Kelantan Dari Ahlul Bait. (Gia phả vị vua hoàng gia Kelantan).

 

Hình 19. Gia phả dòng tộc Islam Champa trong hoàng thất tại Kelantan - Malaysia.

 

Hình 20. Salasilah Kesultanan Islam Champa - Gia phả vua Islam tại Champa.

 

Hình 21. Gia phả dòng tộc vua Po Romé ở Kelantan - Malaysia.

 

LINK: LIÊN KẾT LIÊN QUAN

1. Kelantan: http://www.royalark.net/Malaysia/kelant2.htm

2. Một số tên gọi vị vua Po Rome

3. Một số hoàng hậu, thứ hậu của vua Po Rome

4.  Awal và lịch sử Islam tại Champa 

5. Video tháp Po Romé: http://youtu.be/5Gz-ccSM8rY

6. Nguồn tư liệu chính: Po Dharma, Biên niên sử Panduranga (Les Chroniques du Panduranga). Luân án phó tiến sĩ, đại học Sorbonne, Paris, 1978.