Po Klaong Mah Nai vị vua Hồi giáo (Islam) truyền ngôi cho Po Rome

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
Jun 29, 2023, 8:45 PM

Nghe VIDEO: Vua Po Klaong Manai vị vua Islam (Hồi giáo)

Po Klaong Mah Nai (1622-1627), vị vua theo Islam (Hồi giáo) và sùng bái Islam, niên hiệu: Po Mah Taha. Theo biên niên sử Champa Sakkarai dak rai patao thì Po Mah Taha, không liên hệ thân tộc với vương triều Po Klaong Halau. Lên ngôi năm Tuất, thoái vị năm Thỏ, trị vì 6 năm, đóng đô ở Bal Canar (thôn Tịnh Mỹ, Phan Rí). Theo Hán Việt thì Po Mah Taha có tên là Bà Khắc-lượng Như-lai (1622-1627). 

Po Klaong Mah Nai (Po Mah Taha) truyền ngôi cho Po Rome (1627-1651). Po Rome là một vị vua Champa tôn sùng Hồi giáo (Islam).

 

Hình 1, 2, 3. Po Klaong Mah Nai (niên hiệu: Po Mah Taha),1622-1627, vị vua sùng bái Islam (Hồi giáo).

Hiện nay đền vua Po Klaong Mah Nai được xây dựng trên đồi cát gần Palei Pabah Rabaong (thôn Mai Lãnh, xã Phan Thanh) tiếp giáp thôn Lương Bình, xã Lương Sơn cách ủy ban huyện Bắc Bình khoảng 15km và thành phố Phan Thiết khoảng 50km. 

  Theo H. Parmentier (Monuments chams de l'Annam, Public. EFEO, Paris, tập 1, 1909, tr. 38), Po Klaong Mah Nai là tên gọi của vua Po Mah Taha (1622-1627), tức là cha vợ của vua Po Rome (1627-1651). Đền của Po Klaong Mah Nai là nơi tôn kính vua Po Mah Taha và vương phi Bia Som cùng với vợ thứ khác mà người Chăm vào thời điểm đó không biết là ai.

 Ðền vua Po Klaong Mah Nai đã bị cháy vào cuối thế kỷ XIX, sau đó người Chăm tiếp tục tu sửa mới. Năm 1964, đền Po Klaong Mah Nai được trùng tu bởi tiểu đoàn 55 của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1993, đền Po Klaong Mah Nai được công nhận là di tích lịch sử và nghệ thuật quốc gia Việt Nam qua quyết định số 43/VH/QD ngày 7-1-1993. Trên bản bia chú thích trước cổng vào, Sở Văn hóa Bình Thuận ghi rằng Po Klaong Mah Nai là vị vua cuối cùng của vương quốc Champa. Đây là giả thuyết sai lầm. Vì Po Klaong Mah Nai hay Po Mah Taha là vị vua thứ 18 trong biên niên sử Chăm, người đã nhường ngôi lại cho vua Po Rome vào năm 1627. Vị vua cuối cùng của vương quốc Champa là Po Phaok The (1828-1832), chứ không phải là Po Klaong Mah Nai (1622-1627).

 

Hình 4, 5. Đền Po Klaong Mah Nai (Po Mah Taha) 1622-1627, Ngài là vị vua tôn sùng Islam (Hồi giáo) và phát triển Islam tại Champa trong giai đoạn trị vì.

 

Trên tấm bia chú thích, Sở Văn hóa Bình Thuận ghi rằng phòng bên phải của đền này là nơi thờ bà Thứ Phi người Việt cùng với hai Kut, con của bà. Đây cũng là giả thuyết không thuyết phục. Cho đến hôm nay các tư liệu viết bằng chữ Chăm và người Chăm từ thời Pháp thuộc cho đến năm 1975 chỉ nói đến Po Klaong Mah Nai có Hoàng Hậu tên là Bia Som và có nhiều Thứ Phi khác nhưng không bao giờ nói đến Po Klaong Mah Nai có vợ Việt như Sở Văn hóa Bình Thuận nêu ra.

 

Hình 6, 7, 8, 9. Po Bia Som (hoàng hậu Champa), tôn sùng Islam là hoàng hậu của vua Po Klaong Mah Nai (Po Mah Taha). Ảnh: Internet.

 

Quần thể kiến trúc đền thờ vua Po Klaong Mah Nai có 5 phòng thờ, 3 phòng chính ở phía sau gồm: phòng Po Klaong Mah Nai ở giữa, phòng bên trái Hoàng hậu người Chăm Po Bia Som và hai tượng Patuw Kut con của bà. Bên phải là phòng bà thứ phi và hai tượng Patuw Kut con của bà. Hai phòng phía trước là nơi chờ đợi, đặt lễ vật, chỉnh đốn trang phục trước khi thực hiện nghi lễ bên trong đền (bimong).

 Tất cả các pho tượng ở đền Po Klaong Mah Nai được coi là những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật quý giá của nền điêu khắc cổ Champa. Tượng vua Po Klaong Mah Nai được tạc bằng một khối đá xanh với nghệ thuật điêu khắc tinh tế và độc đáo, pho tượng tả cảnh nhà vua đang ngự triều, đầu đội Vương miện oai nghiêm.

 

Hình 10. Mahkota adalah milik Raja Po Klaong Mah Nai (vương miện Po Klaong Mah Nai). Ảnh: Internet.

 

Hình 11, 12. Bảo vật của đền Po Klaong Mah Nai (Po Mah Taha).

 

Hằng năm, đồng bào Chăm tổ chức nhiều nghi lễ tại đền Po Klaong Mah Nai. Theo Sở Văn hóa tỉnh Bình Thuận, một số bảo vật của Po Klaong Mah Nai đang lưu giữ trong nhà của bà Nguyễn Thị Thềm (Phan Rí), băng hà vào năm 1995. Thực tế những bảo vật tại nhà bà Nguyễn Thị Thềm hôm nay là do một người gốc Churu đưa cho bà Nguyễn Thị Thềm giữ giùm.

Hiện nay người Chăm cho rằng bà Nguyễn Thị Thềm là công chúa cuối cùng người Chăm được quyền kế thừa giữ bảo vật của Po Klaong Mah Nai. Đây cũng là giả thuyết sai lầm nên cần xem xét lại, vì rằng bà Nguyễn Thị Thềm chỉ là hậu duệ của triều đại Champa cuối cùng do Gia Long và Minh Mệnh phong chức đó là Po Saong Nyung Ceng, tức là Nguyễn Văn Chấn (1799-1822), Po Klan Thu, tức là Nguyễn Văn Vĩnh (1822-1828) và Po Phaok The, tức là Nguyễn Văn Thừa (1828-1832). Chính vì nguyên nhân đó giải thích tại sao bà Nguyễn Thị Thềm không thể nào giữ những gia bảo thuộc về triều đại Po Klaong Mah Nai (1622-1627) thuộc dòng tộc Churu của vua Po Rome.

 

Hình 13. Một số bảo vật liên quan đền Po Klaong Mah Nai (Po Mah Taha). Ảnh: Internet.

 

Trong triều đại của Po Klaong Mah Nai (Po Mah Taha), một vị vua sùng bái Islam (Hồi giáo), do đó thần dân Champa theo Islam tương đối mạnh. Trong quá trình du nhập Islam vào Champa lúc đầu gặp nhiều mâu thuẫn vì Champa đang cai trị bởi ảnh hưởng Hindu giáo. Sự xuất hiện Islam làm cho cộng đồng người Chăm bị phân hóa sâu sắc. Về văn hoá xã hội, Islam du nhập vào Champa mang lại cho thần dân Champa một cuộc cách mạng về tư tưởng. Họ tin vào Thượng Đế, tin vào Đấng Allah, chứ không phải như trước họ tin vào “Vạn vật hữu linh”, vô số thần thánh chi phối cuộc sống sinh hoạt của con người. Từ đó, chủ nghĩa đa thần nhường chỗ cho chủ nghĩa độc thần và Allah tồn tại duy nhất trong tâm thức của mỗi người dân Champa.

Song song với những tác động có tính tích cực, quá trình Islam du nhập vào Champa cũng có những hậu quả hay những hạn chế nhất định. Islam vào Champa tuy không tranh chấp hay không xung đột lớn, mặc dù Islam đã được “mềm hóa”, nhưng giáo luật và một số quy định khắc nghiệt ít nhiều cũng ảnh hưởng đến đời sống tâm lí của người dân. Chính điều này đã được chính quyền phong kiến ở Champa sử dụng như một công cụ để cai trị, bắt buộc người dân, tín đồ phải trung thành với giai cấp thống trị. Trong giáo lí của Islam thường nêu cao thuyết tiền định để giáo dục người dân tin vào sứ mệnh, để mong điều hòa giai cấp, thủ tiêu tinh thần đấu tranh của quần chúng, chính điều này đã làm cho người dân cam chịu, an phận trong một trật tự xã hội mà không dám đấu tranh. Song song với những giáo luật hà khắc, cộng đồng Chăm cũng bị phân hóa và chia rẽ nhau giữa Chăm theo Hindu và Chăm theo Islam.

 

Hình 14. Bia dựng trong đền thờ Vua Po Klaong Mah Nai ((1622-1627).

 

Hình 15. Năm 1993, đền Po Klaong Mah Nai được công nhận là di tích lịch sử và nghệ thuật quốc gia Việt Nam theo quyết định số 43/VH/QD ngày 7-1-1993.

Nghe VIDEO: Vua Po Klaong Manai vị vua Islam (Hồi giáo)

LINK: LIÊN KẾT LIÊN QUAN

1. Sở Văn hóa Bình Thuận đưa thông tin sai lệch về Po Klaong Mah Nai
2. Bà Nguyễn Thị Thềm không phải hậu duệ của vua Po Klaong Mah Nai
3. Hán Văn Trà: Thăm Đền Thờ Pô Klaong Mơh Nai | Di Tích Lịch Sử Chăm