Bà Nguyễn Thị Thềm không phải hậu duệ của vua Po Klaong Mah Nai

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
Jun 15, 2023, 7:56 PM

Xem VideoNguyễn Thị Thềm không phải hậu duệ của vua Po Klaong Mahnai

Hằng năm, người Chăm Ahier (Chăm ảnh hưởng Balamon thờ Po Allah) tổ chức nhiều nghi lễ tại đền Po Klaong Mah Nai. Theo Sở Văn hóa tỉnh Bình Thuận, vua Po Klaong Mah Nai là vị vua cuối cùng của Champa, và một số bảo vật của Po Klaong Mah Nai đang lưu giữ trong nhà của bà Nguyễn Thị Thềm, là hậu duệ của vua Po Klaong Mah Nai, là công chúa cuối cùng của người Chăm được quyền kế thừa giữ bảo vật của Po Klaong Mah Nai. Từ thông tin sai lệch ở trên kéo theo nhiều đài, báo chí đưa tin sai lệch đến cộng đồng Chăm và thế giới còn lại.

A). Thông tin

Theo Ts.Putra Podam, việc nhiều báo chí tại Việt Nam nêu rằng, bà Nguyễn Thị Thềm là công chúa cuối cùng của dân tộc Chăm, hay bà Nguyễn Thị Thềm là hậu duệ của vua Po Klaong Mah Nai (vị vua tôn sùng Islam-Hồi giáo) hay bà Nguyễn Thị Thềm là người được quyền kế thừa giữ bảo vật của Po Klaong Mah Nai là giả thuyết sai lầm nên cần nghiên cứu lại.

Chi tiết cho biết, khi vương quốc Champa thất thủ thì vua Champa đã ngược lên vùng núi sống với cộng đồng người Churu, Raglai, ... Kho báu vật do đấng quân vương cao quý gửi lại được nhiều thế hệ người Churu, Raglai gìn giữ. Kể cả khi loạn lạc họ vẫn thận trọng mang theo bên mình.

Mãi đến năm 1940, người Churu giữ báo vật khi xác định bà Nguyễn Thị Thềm là dòng dõi thuộc quan lại của người Chăm, nên dòng họ người Churu đã chủ động mang báu vật từ rừng sâu xuống gửi bà Nguyễn Thị Thềm cất giữ.

Do vậy, bà Nguyễn Thị Thềm chỉ là hậu duệ của một trong ba quan lại của người Chăm làm việc trong vương triều Champa cuối cùng có vua là gốc người dân tộc Chăm do Gia Long và Minh Mệnh phong chức như:

  • Po Saong Nyung Ceng, tức là Nguyễn Văn Chấn (1799-1822),
  • Po Klan Thu, tức là Nguyễn Văn Vĩnh (1822-1828), và
  • Po Phaok The, tức là Nguyễn Văn Thừa (1828-1832)

Bà Nguyễn Thị Thềm, sinh năm 1911 và qua đời năm 1995, là người Chăm Ahier Sống tại thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Chính vì nguyên nhân đó giải thích tại sao bà Nguyễn Thị Thềm (Ahier) không thể nào là hậu duệ của vua Po Klaong Mah Nai (Islam) và được quyền giữ những gia bảo thuộc về triều đại Po Klaong Mah Nai (1622-1627) thuộc dòng tộc Churu của vua Po Rome.

Khẳng định:

Bà Nguyễn Thị Thềm chỉ là hậu duệ của quan lại người Chăm làm việc cho vương triều Champa cuối cùng là gốc người dân tộc Chăm như:  Po Saong Nyung Ceng, Po Klan Thu, hay Po Phaok The, mà thôi.

Bà Nguyễn Thị Thềm (Chăm Ahier), không thể nào là hậu duệ tộc vua Po Klaong Mah Nai (Islam tộc Churu). Triều đại vua Po Klaong Mah Nai (1622-1627) phải trải qua 19 đời vua khác mới đến vương triều cuối cùng Po Phaok The (1828-1832). Xem các đời vua trong Mục C.

B. Po Klaong Mah Nai

Po Klaong Mah Nai (1622-1627), là vị vua theo Hồi giáo (Islam) và rất sùng bái Islam, niên hiệu danh phận: Po Mah Taha. Theo biên niên sử Champa Sakkarai dak rai patao thì Po Mah Taha, không liên hệ thân tộc với vương triều Po Klaong Halau. Lên ngôi năm Tuất, thoái vị năm Thỏ, trị vì 6 năm, đóng đô ở Bal Canar (thôn Tịnh Mỹ, Phan Rí). Theo Hán Việt thì Po Mah Taha có tên là Bà Khắc-lượng Như-lai (1622-1627).

Hình 1. Vua Po Klaong Mah Nai (Po Mah Taha),1622-1627, vị vua sùng bái Islam (Hồi giáo).

Theo các nhà nghiên cứu người Pháp, theo nhiều tư liệu khoa học và theo biên niên sử Champa Sakkarai dak rai patao, Po Klaong Mah Nai (1622-1627) vị vua theo Islam đã gã con gái Than Cih hay Sucih (tín đồ Islam-Hồi giáo) và truyền ngôi cho vua Po Rome (1627-1651).

Hình 2. Po Rome (1627-1651) Po Rome được thần dân Chăm kính trọng và thờ phượng tùy theo tín đồ Ahier (Hindu thờ Allah) hay tín đồ Awal (Islam - Hồi giáo). Nếu thờ theo Yang thì Ngài có tên là Yang Po Rome (thần Po Rome). Nếu thờ theo Cei thì Ngài có tên là Cei Asit. Nếu thờ theo Atuw (Hồi Giáo) thì Ngài có tên là Cahya. Nếu thờ theo Yang Baruw (gốc Hồi Giáo) thì Ngài có tên là Po Gahluw.

Vua Po Rome (1627-1651), lên ngôi vua đóng đô ở Panduranga, hoàng hậu là bia Than Cih hay Sucih, Po Rome còn có thứ hậu là bia Than Can (người Rade hay người Kaho, có tượng bên trong tháp Po Rome). Po Rome còn có tam hậu là bia Ut (Ut; Mal. Skt.Uttara: Phương Bắc). Bia Ut: nghĩa là công chúa phương Bắc, là Công nữ Ngọc Khoa con gái thứ ba của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Po Rome chính thức là người có danh phận là thành viên của dòng dõi vương triều theo Islam tại Malay. Biên niên sử Malay ghi lại Khi Po Rome ở Makkah (Serembi Makkah, tức là tiểu vương quốc Kelatan-Malaysia). Tại đây, Po Rome kết hôn với công chúa Islam, chính thức mang tên Thánh Nik Mustafa, tên đầy đủ là: Nik Mustafa Bin Wan Abul Muzaffar Waliyullah. Vua trị vì tại tiểu vương quốc Kelantan hôm nay là dòng giỏi của vua Po Rome. Po Rome còn có ba phu nhân khác nữa, đó là bia Laku Makam, bia Hatri và bia Sumut. Một số tài liệu về truyền thuyết Po Rome có ghi một câu: Bia Sumut tok Cam di Kut. Dựa vào thành ngữ này, người Chăm cho rằng Bia Sumut là công chúa gốc Islam.

Hình 3. Vua Po Rome, niên hiệu: Nik Mustafa Bin Wan Abul Muzaffar Waliyullah. Dòng dõi vương triều theo Islam tại Serembi Makkah, thuộc tiểu vương quốc Kelatan-Malaysia. Ảnh: Internet.

 

C. PANDURANGA: Các đời vua sau Po Mâh Taha

VI. Triều đại Po Mâh Taha (Po Klaong Mah Nai)

1[23]. Po Mâh Taha (1622-1627)

Ngài không có liên hệ thân tộc với vương triều Po Klaong Halau, lên ngôi năm Tuất, thoái vị năm Thỏ, trị vì 6 năm, đóng đô ở đóng đô ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri). 

2[24]. Po Romé (1627-1651)

Con rể của vua Po Mâh Taha, lên ngôi năm Thỏ, thoái vị năm Thỏ, trị vì 25 năm, đóng đô ở Biuh Bal Pangdurang (Thành Bal Pangdurang).

3[25]. Po Nraop (1652-1653) 

Po Nraop là em của Po Romé (theo gia phả là con của vua Po Rome), lên ngôi năm Thìn, thoái vị năm Tỵ, trị vì 1 năm. Ngài xây một thành trì ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri).

4[26]. Po Saktiraydapaghoh (1654-1657)

Con rể của Po Romé, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Ngọ, thoái vị năm Dậu, trị vì 4 năm, đóng đô ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri). 

5[27]. Po Jatamah (1657-1659)

Con rể của vua Po Saktiraydapaghoh, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Dậu, với chức phong là Ndo Naok Ndai Tang Kuan (Ðô Ðốc Ðại Tướng Quân), trị vì 2 năm nhưng không biết thoái vị năm nào và đóng đô ở đâu. 

6[28]. Po Saot (1655, 1660-1692)

Con của vua Po Saktiraydapaghoh, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Mùi, nhưng cho mãi đến năm Tý, ngài mới lên ngôi. Ngài thoái vị năm Thân, trị vì 33 năm, đóng đô ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri). 

Thời kỳ bị gián đoạn (1692-1695)

Sau Po Saot, biên niên sử nói là có sự gián đoạn triều đại trong vòng 3 năm.

 

7[29]. Po Saktiraydapatih (1695, 1696-1727) 

Em của vua Po Saot, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Hợi, nhưng cho mãi đến năm Tý, ngài mới lên ngôi. Ngài thoái vị năm Mùi, trị vì 32 năm, đóng đô ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri). 

8[30]. Po Ganuhpatih (1728-1730)

Cháu của vua Saktiraydapatih, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Thân, thoái vị năm Tuất, trị vì 3 năm, đóng đô ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri). 

9[31]. Po Thuntiraidaputih (1731-1732)

Con của vua Po Saot, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Hợi với chức phong là Kham Lik Mbin (Khâm Lý Binh), thoái vị năm Tý, trị vì 1 năm. Không biết ngài đóng đô ở đâu. 

10[32]. Po Rattiraydaputao (1732, 1735-1763)

Cháu của vua Po Saktiraydapatih, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Tý cho đến năm Thỏ, ngài mới lên ngôi. Ngài thoái vị năm Mùi, trị vì 29 năm, đóng đô ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri). 

11[33]. Po Tisundimahrai (1763-1765)

Không rõ ngài có liên hệ gì với thân tộc của vương triều vua Po Mâh Taha. Nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Mùi với chức phong là Kai Bait Mbin (Cai Bếp Binh). Ngài thoái vị năm Dậu, trị vì 1 năm và không biết ngài đóng đô ở đâu. 

12[34]. Po Tisuntiraydapaghoh (1765, 1768-1780)

Con của Po Thuntiraidaputih, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Dậu cho đến năm Tý ngài mới lên ngôi. Ngài thoái vị năm Tý, trị vì 13 năm và đóng đô ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri). 

13[35]. Po Tisuntiraydapuran (1780-1781)

Ngài không có liên hệ thân tộc với vua Po Tisuntiraydapaghoh, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Tý với chức phong là Praong “quan lớn››. Sau 1 năm trị vì, ngài bị quân Việt Nam bắt vào năm Sửu, nhưng không cho biết lý do gì. Biên niên sử cũng không nói ngài đóng đô ở đâu. 

14[36]. Cei Brei (1783-1786)

Con của vua Po Tisuntiraydapaghoh (triều 33), nhận tấn phong của Nguyễn Nhạc (Tây Sơn) vào năm Thỏ với chức tấn phong là Ceng (Chưởng Cơ), trị vì 4 năm và thoái vị năm Ngọ. Không biết ngài đóng đô ở đâu. 

15[37]. Po Tisuntiraydapuran (1786-1793)

Sau một lần lên ngôi vào năm Tý, trị vì một năm, vua Nguyễn Nhạc lại tấn phong cho ngài năm Ngọ với chức Ceng (Chưởng Cơ), trị vì 8 năm sau đó bị bắt đưa về Ndaong Nai (Ðồng Nai) vào năm Sửu.

 

VII. Triều đại không biết xuất xứ

 16[38]. Po Ladhuanpaghuh (1793-1799)

Ngài xuất thân từ gia đình nông dân, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Sửu với chức phong là Ceng (Chưởng Cơ), trị vì 7 năm và thoái vị năm Mùi. Không biết ngài đóng đô ở đâu.

17[39]. Po Saong Nhung Ceng (1799-1822)

Không biết ngài xuất thân từ gia đình nào. Ngài nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Mùi với chức Ceng (Chưởng Cơ), trị vì 24 năm và thoái vị vào năm Ngọ. Ngài đóng đô ở Bal Pangdurang (thôn Tịnh Mỹ, Phan Ri). 

Tác phẩm Sakkarai Dak Rai Patao chấm dứt với triều đại Po Soang Nhung Ceng (1799-1822). Ngược lại, một số biên niên sử khác viết bằng tiếng Chăm cho rằng sau ngày từ trần của Po Saong Nhung Ceng tại Bal Canar (Phan Rí) vì tuổi già chứ không phải là người chạy sang Campuchia lánh nạn như một số nhà nghiên cứu (Dorohiem & Dohamide) hiểu lầm, còn có hai vị vua cuối cùng tiếp tục lên ngôi, đó là: 

18[40]. Po Klan Thu (1822-1828)

Po Klan Thu là phó vương dưới thời Po Saong Nhung Ceng. 

19[41]. Po Phaok The (1828-1832)

Po Phaok The là con của Po Saong Nhung Ceng (1799-1822), tức là tiền nhân của dòng Bà Thềm ở Phan Ri hôm nay.

Lợi dụng ngày từ trần của Lê Văn Duyệt (Tổng Trấn Gia Định Thành) vào năm 1832, vua Minh Mạng quyết định xóa bỏ vương quốc Champa trên bản đồ Đông Dương.   

Sakkarai Dak Rai Patao này được sáng tác hay là chép lại vào năm đệ nhất của triều đại Ham Ngi (Hàm Nghi), tức là vào năm 1884. (Đã đăng Champaka.info)

 

D. Bà Nguyễn Thị Thềm người trong coi báo vật Chăm

Bà Nguyễn Thị Thềm “Nai thềm”, “bà công chúa Thềm”, sinh năm 1911 và qua đời năm 1995, tên họ do nhà Nguyễn ban “quốc tính”. Sống tại thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Khi bà Nguyễn Thị Thềm mất vào năm 1995 thì bà Nguyễn Thị Đào được “thừa kế” kho báu khổng lồ của hoàng tộc Chăm từ năm 1995 (bà Nguyễn Thị Đào mất năm 2015). Trước đó, kho báu này được bà Nguyễn Thị Thềm trông nom. Nhưng vì không có con trước khi mất, bà Nguyễn Thị Thềm giao việc gìn giữ kho báu cho bà Nguyễn Thị Đào là cháu gái út (bà Nguyễn Thị Đào là con gái út của bà Nguyễn Thị Ngôi, em gái út của bà Nguyễn Thị Thềm. Bà Nguyễn Thị Ngôi mất sớm nên bà Nguyễn Thị Đào được bà Nguyễn Thị Thềm nuôi dưỡng).

Hình 4. Bà Nguyễn Thị Thềm, người trong coi báo vật. Ảnh Internet.

 

Theo ông Văn Hồng Tịnh, hiện hoàng tộc lưu giữ hơn 100 hiện vật bao gồm cả vương miện, hoàng bào, đao kiếm, mũ vệ binh, sắc phong, bút tích của các vua triều Nguyễn và nhiều xiêm y, trang sức của hoàng hậu lẫn thái tử, công chúa. Bên cạnh đó còn có nhiều cổ vật như tô, đĩa, lư hương, chân đèn, hộp đựng trầu được khảm xà cừ độc đáo... Tất cả đều có niên đại gần 4 thế kỷ, thể hiện trình độ chế tác tinh xảo của cư dân Champa thời xa xưa. (Nguyễn Xuân Lý đăng báo người lao động).

Theo lời ông Tịnh kể trước năm 1940, qua lời truyền lại của các bậc cao niên, bà Nguyễn Thị Thềm biết được kho báu hoàng tộc đang được cất giữ bởi người Raglai ở vùng núi cao.

Chuyện kể lại rằng từ nhiều thế kỷ trước, khi vương quốc Champa thất thủ thì vua Champa đã ngược lên vùng núi sống với cộng đồng người Raglai. Kho báu vật do đấng quân vương cao quý gửi lại được nhiều thế hệ người Raglai gìn giữ, tôn thờ. Kể cả khi loạn lạc họ vẫn thận trọng mang theo bên mình.

Mãi đến năm 1940, khi xác định bà Nguyễn Thị Thềm là dòng dõi thuộc quan lại của người Chăm, nên dòng họ người Raglai đã chủ động mang báu vật từ rừng sâu xuống gửi bà Nguyễn Thị Thềm cất giữ.

Theo báo Bình Thuận đăng 06/05/2022, chủ đề: Chúng ta biết gì về đóng góp của hoàng tộc Chăm trong “Tuần lễ vàng”. Báo viết: “Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trước những khó khăn chồng chất của tình thế cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận động nhân dân cả nước tham gia “Tuần lễ vàng” và xây dựng “Quỹ Độc Lập”. “…Bà Nguyễn Thị Thềm kể, trước lời kêu gọi của Việt Minh thì những người có vai vế trong dòng tộc là con cháu hậu duệ phải họp bàn để quyết định hiến những vật gì cho Việt Minh. Vật hiến chính xác là vương miện của vua và búi tóc của hoàng hậu người Chăm. Bà Nguyễn Thị Thềm trực tiếp làm lễ xin tổ tiên hiến cho Việt Minh.”

Trong bài viết “Về báu vật của hoàng tộc Nguyễn Thị Thềm” tác giả Phạm Khánh Toàn: “Ông Dụng Thiết và bà Nguyễn Thị Thềm được sự nhất trí của gia tộc đã mang một số báu vật, như một mão vàng, một búi tóc vàng, nải chuối vàng, quả mãng cầu vàng, quả khế vàng gộp lại dễ chừng mấy kílô”.

Trên Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance. Tác giả Minh Tâm viết về “Tuần lễ vàng” ở Bình Thuận: “Bà Nguyễn Thị Thềm, dòng dõi vua Chăm, đã hiến chiếc mão của vua và dĩa đựng trầu cau bằng vàng từ bao đời trước để lại”.

Trên Báo điện tử - cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong bài viết: Từ “Tuần lễ vàng” đến “Quỹ Độc Lập”: Bài học quý về công tác dân vận. Tác giả Tạ Quang Đạo - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, ngày 19/9/2019: “Bà Thềm - Công chúa Chăm (Ninh Thuận) ủng hộ 1 mũ vàng, 1 quả na, 1 quả khế, 1 nải chuối vàng và cả chiếc mục vàng của dòng họ vua Chăm…”.

 

Hình 5. Vương miện của vua Po Klaong Mah Nai? Ảnh Internet.

 

Hình 6. Búi tóc của Hoàng hậu. Ảnh Internet.

Hình 7. Búi tóc của Hoàng hậu và vương miện của vua Po Klaong Mah Nai? Ảnh Internet.

 

Hình 8. Bộ ăn trầu của Hoàng gia. Ảnh Internet.

 

Hình 9. Khăn đóng của Hoàng gia. Ảnh Internet.

 

Hình 10. Trang phục của vua và hoàng hậu Chăm thế kỷ XVI-XVII? Ảnh Internet.

 

Hình 11. Áo bào nhà vua trong bộ sưu tập. Ảnh Internet.

Hình 12. Sắc phong lưu giữ bút tích của vua triều Nguyễn. Ảnh Internet.

 

LINK: LIÊN KẾT LIÊN QUAN

Xem VideoNguyễn Thị Thềm không phải hậu duệ của vua Po Klaong Mahnai

Bà Nguyễn Thị Thềm không phải hậu duệ của vua Po Klaong Mah Nai (File PDF).

Sở Văn hóa Bình Thuận đưa thông tin sai lệch về Po Klaong Mah Nai