1. Khái niệm
Theo quy định chung về tín ngưỡng, tôn giáo số: 02/2016/QH14 ngày 18/11/2016 của Quốc hội trong điều 2 với nội dung như sau:
Tín ngưỡng: Là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
Tôn giáo: Là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức.
Theo Ban tôn giáo chính phủ thì ở Việt Nam đã được công nhận 14 tôn giáo được sắp xếp theo thứ tự như sau:
Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa hảo, Hồi giáo, Baha’i, Tịnh độ cư sỹ Phật hội VN, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo, Minh lý đạo tam tông miếu, Balamon, tôn giáo Mặc môn.
Một tôn giáo phải có đủ 4 yếu tố cấu thành, đó là: giáo chủ, giáo lý, giáo luật và tín đồ.
2. Sự khác nhau giữa tôn giáo và tín ngưỡng
Một: nếu tôn giáo phải có đủ 4 yếu tố cấu thành, đó là: giáo chủ, giáo lý, giáo luật và tín đồ. Giáo chủ là người sáng lập ra tôn giáo ấy (Thích ca Mâu ni sáng lập ra đạo Phật, đức chúa Jesus sáng lập ra đạo Công giáo, nhà tiên tri Mohammad sáng lập ra đạo Hồi,…); giáo lý là những lời dạy của đức giáo chủ đối với tín đồ; giáo luật là những điều luật do giáo hội soạn thảo và ban hành để duy trì nếp sống đạo trong tôn giáo đó; tín đồ là những người tự nguyện theo tôn giáo đó. Thì các loại hình tín ngưỡng dân gian không có 4 yếu tố đó.
Hai: nếu đối với tín đồ tôn giáo, một người, trong một thời điểm cụ thể, chỉ có thể có một tôn giáo. Thì tín ngưỡng của một người dân có thể đồng thời sinh hoạt ở nhiều tín ngưỡng khác nhau.
Ba: nếu các tôn giáo đều có hệ thống kinh điển đầy đủ, đồ sộ như bộ kinh, luật, luận rất đồ sộ của Phật giáo; bộ “Kinh thánh” và “Giáo luật” của đạo Công giáo; bộ kinh “Qur’an” của Hồi giáo,… thì các loại hình tín ngưỡng chỉ có một số bài văn tế (đối với tín ngưỡng thờ thành hoàng), bài khấn (đối với tín ngưỡng thờ tổ tiên và thờ Mẫu),…
Bốn: nếu các tôn giáo đều có các giáo sĩ hành đạo chuyên nghiệp và theo nghề suốt đời, thì trong các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian không có ai làm việc này một cách chuyên nghiệp cả.
3. Đặc điểm tôn giáo của người Chăm
Căn cứ vào danh sách tôn giáo ở Việt Nam của Ban tôn giáo chính phủ ở phần 1 và Sự khác nhau giữa tôn giáo và tín ngưỡng ở phần 2. Khẳng định Dân tộc Chăm có 2 tôn giáo điển hình là: Balamon (Brahmanism) và Hồi giáo (Islam). Trong Hồi giáo (Islam) ở Việt Nam có 2 chi nhánh:
- Nhánh Hồi giáo Islam (Hồi giáo chính thống) và
- Nhánh Hồi giáo Bani (Hồi giáo nhưng ảnh hưởng những tín ngưỡng dân gian và văn hóa dân tộc bản địa).
a). Nhánh Hồi giáo Islam: Hay còn gọi Chăm Islam là nhóm theo Hồi Giáo chính thống từ khi du nhập vào Champa. Năm 1963, sự du nhập lại của Islam vào cộng đồng người Chăm Awal xuất phát từ mối quan hệ chặt chẽ giữa ông Từ Công Xuân (cựu dân biểu) và người Chăm Hồi Giáo gốc Châu Đốc, vốn là cộng đồng đã theo Hồi Giáo chính thống khi họ di cư sang Campuchia. Hiện nay Chăm Islam ở Việt Nam có khuynh hướng giao lưu với các tín đồ Hồi giáo chính thống ở các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia,… và có mối quan hệ gắn bó với cộng đồng Islam trên thế giới.
b). Nhánh Hồi giáo Bani: Mặc dù tự nhận mình là tín đồ Hồi Giáo, nhưng Chăm Bani (Bani: gốc từ Ả Rập) vẫn tiếp tục duy trì chế độ mẫu hệ và mẫu cư, một qui chế tổ chức gia đình và xã hội hoàn toàn đi ngược với phong tục của Hồi Giáo, và tiếp tục thực hiện nhiều nghi lễ mang yếu tố bản địa của Champa.
Sau thế kỷ 17, do tình hình xung đột tôn giáo trong cộng đồng người Chăm, vị vua Po Romé hóa giải thành tôn giáo mới theo thuật ngữ là Awal và Ahier.
c). Chăm Awal: Là người Chăm Bani nhưng tiếp nhận nhiều nghi lễ mang yếu tố bản địa. Thuật ngữ Awal (gốc từ Ả Rập) có nghĩa là “đầu tiên, trước” để ám chỉ cho người Chăm theo Hồi giáo trước triều đại vua Po Rome (1627-1651) và chấp nhận Po Allah là đấng thượng đế tối cao và duy nhất và chịu ảnh hưởng thêm yếu tố dân gian bản địa Champa.
d). Chăm Ahier: Là người Chăm Balamon (Brahmanism), nhưng tiếp nhận nhiều nghi lễ mang yếu tố bản địa. Thuật ngữ Ahier (gốc từ Ả Rập) có nghĩa là “muộn, sau” để ám chỉ cho người Chăm chấp nhận thờ Po Allah (Po Sipajieng - đấng tạo hóa) sau khi vua Po Rome lên ngôi. Po Allah xuất hiện trong cộng đồng Chăm Ahier không phải là đấng Thượng Ðế duy nhất mà là Ðấng thượng đế tối cao đứng đầu trong danh sách các thần linh quan trọng của người Chăm ở Panduranga.
Người Chăm Awal ở Việt Nam là một cộng đồng có tín ngưỡng riêng nhưng lúc nào cũng liên kết chặt chẽ với người Chăm Ahier. Các chức sắc Chăm Awal cũng thường chủ trì một số nghi lễ riêng của người Chăm Ahier, mặc dù nghi lễ này không liên quan đến giáo lý của Islam. Vào dịp lễ Rija, lễ tế thần nông, Palao Sah, lễ chém trâu, các vị chức sắc Chăm Awal như Po Gru, Imam và Katip đều có mặt trong các lễ tục bên cạnh các chức sắc Chăm Ahier.
4. Xóa bỏ “Hồi giáo Bani”
Vừa qua một nhóm người gồm 5 người tự xưng là trí thức Chăm, những người này chủ yếu ở An Nhơn và 1 người ở Phước Nhơn, ý đồ xóa bỏ tôn giáo “Hồi giáo Bani” mà cha ông ta đã gầy dựng từ lâu. Họ viết đơn rồi đi rải truyền đơn và gặp từng người để xin ký tên.
Trong đơn gửi các cấp như: Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận và Ban Tôn giáo tỉnh Ninh Thuận với đề nghị:
- Xóa bỏ 2 từ “Hồi giáo” trong cụm từ “Hồi giáo Bani” và
- Đề nghị đặt tên mới là: “Tôn giáo Bàni”
Đơn trên đã gửi các cấp đã liệt kê trong đơn (kèm theo).
Cuộc họp Hội đồng sư cả tại Ninh Thuận đã tranh luận gay gắt giữa phe đã bôi trơn và phe muốn gìn giữ đúng như tên đã dùng là “Hồi giáo Bani”. Kết luận HĐSC đã phản đối và tẩy chay lá đơn và người sáng lập ra môn phái “Tôn giáo Bàni”.
Sau khi thất bại, người thành lập “Tôn giáo Bàni” chưa chịu rút kinh nghiệm lại sang tỉnh Bình Thuận tiếp tục đi đêm gặp nhiều người để bôi trơn.
Cuộc họp HĐSC Bình thuận tổ chức vào thứ 6 ngày 28/12/2019 có đưa ra vấn đề việc tráo đổi Tôn giáo thành Tín ngưỡng Chăm. HĐCS đã trao đổi sôi nổi, gay gắt, cuối cùng chia thành 2 phe và chê bai nhau về kiến thức tôn giáo. Quan điểm Sở Nội vụ Bình Thuận không can thiệp vào nội bộ và chỉ trả lời đơn giản “Việc của quý vị chúng tôi không can thiệp”, và kết quả cuối cùng vẫn giữ nguyên và đề nghị không thay đổi.
Nội dung Lý do 3 trong đơn đề nghị ghi: “ Tôn giáo Bani là tôn giáo đa thần do chính ông bà tổ tiên chúng tôi sáng lập nên dựa trên nền tảng của tín ngưỡng dân gian và văn hóa bản địa. Tên gọi Bàni là tên gọi chính thức của tôn giáo người Chăm Bàni do ông bà tổ tiên của chúng tôi đã sử dụng từ xa xưa cho tới bây giờ. Về niềm tin tôn giáo, ngoài niềm tin về thượng đế (Po Awluah), tín đồ tôn giáo Bàni còn tin các vị thần. Về thực hành nghi lễ, tín đồ tôn giáo Bàni thực hiện nhiều nghi lễ cúng bái các vị thần và ông bà tổ tiên như Rija Nagar, Rija Harei, Rija Giyap, Mbang Muk Kei,… Vì vậy, tôn giáo Bàni không phải là Hồi giáo”.
Đọc qua nội dung 3 trên đã rõ đó là ý đồ muốn xóa tôn giáo “Hồi giáo Bani” và đổi thành tên mới là “Tôn giáo Bàni” của người Chăm.
Như đã nói phần trên “Hồi giáo Bani” đã được Ban Tôn giáo Chính phủ đã được công nhận là một tôn giáo tại Việt Nam. Vì đã hội tụ đủ 4 yếu tố cấu thành, đó là: giáo chủ, giáo lý, giáo luật và tín đồ.
Tôi tự hỏi nếu xóa “Hồi giáo Bani” thì thay từ nào cho hợp lý. Bani không phải danh xưng tôn giáo, và gải sử nếu có đồng ý đặt “Tôn giáo Bani” thì liệu Ban Tôn giáo Chính phủ có đồng ý là một tôn giáo hay không hay chỉ là một tín ngưỡng của dân tộc Chăm?
Ví dụ, tôn giáo “Phật giáo Hòa Hảo” lấy hai từ kế thừa “Phật giáo” là kế thừa mọi thứ liên quan đến giáo lý giáo luật,…Nếu chỉ lấy tên “Tôn giáo Hòa Hảo” (bỏ từ Phật giáo) thì liệu Ban Tôn giáo Chính phủ có còn công nhận là một tôn giáo hay không?
Tương tự tôn giáo “Hồi giáo” được chính phủ công nhận, trong xã hội Chăm tồn tại cả hai tôn giáo là “Hồi giáo Islam” và “Hồi giáo Bani”. Riêng “Hồi giáo Bani” nếu bỏ từ “Hồi giáo” thì liệu “Tôn giáo Bani” được Chính phủ còn công nhận hay không? Hay chỉ là một “Tín ngưỡng” vì liên quan đến nhiều yếu tố như Đức tin, Giáo lý, Giáo luật,…
Chủ trương không đồng ý hai từ “Hồi giáo” tôi có nhắc cách đây 2 năm. Nhưng suy đi nghĩ lại không còn cách nào khác nên tôi đành im lặng.
Vấn đề đặt tên “HỒI GIÁO” ở Việt Nam đã bị Ngài Đại sứ Arab yêu cầu hủy bỏ và thay từ “ISLAM” mới đúng nội hàm và ý nghĩa của tôn giáo, nhưng đã bị phía Việt Nam từ chối.
Việc thay đổi “Hồi giáo Bani” thành “Tôn giáo Bàni” đã làm xáo trộn trong HĐSC nói riêng và trong cộng đồng Chăm Bani nói chung. Là thể hiện thiếu trách nhiệm, thiếu kiến thức của nhóm 5 người tự xưng là trí thức Chăm.
Vấn đề trên hiện nay đang bàn tán xôn xao và làm xáo trộn dư luận trong cộng đồng người Chăm. Thiết nghĩ Các cơ quan chức năng hãy quan tâm và giải quyết kịp thời để sau này tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
QUÝ VỊ SÁNG LẬP "TÔN GIÁO BÀNI" HÃY TRẢ LỜI CÂU HỎI SAU
“Tôn giáo Bàni” của người Chăm. Có đủ 4 yếu tố cấu thành, đó là: giáo chủ, giáo lý, giáo luật và tín đồ không?
1). Nếu là tôn giáo của người Chăm thì giáo chủ là ai?
2). Nếu là tôn giáo của người Chăm thì giáo lý do ai viết ra? Viết bằng tiếng gì?
3). Nếu là tôn giáo của người Chăm thì giáo luật do luật sư nào viết, viết cho ai và viết bằng tiếng gì?
4). “Tôn giáo Bàni” có đầy và đủ các điều kiện trên không? Hay chỉ là một tín ngưỡng riêng của người Chăm?
5). Tại sao muốn xóa bỏ tôn giáo “Hồi giáo Bani” để sáng lập một tín ngưỡng của người Chăm là “Tôn giáo Bàni”?
Đề nghị người sáng lập hãy trả lời các câu hỏi trên để để làm rõ dư luận trong cộng đồng Chăm hiện nay.
Đón đọc Phần 2: AI CHỦ MƯU XÓA BỎ TÔN GIÁO NGƯỜI CHĂM
Đính kèm đơn kiến nghị xin xóa "Hồi giáo Bani"
Hiện nay 10 thánh đường ở Bình Thuận đã ổn định và thống nhất tên: THÁNH ĐƯỜNG HỒI GIÁO BANI + TÊN PALEI
Như 2 hình dưới đây:
- Thánh đường Hồi giáo Bani Thanh Kiết
- Thánh đường Hồi giáo Bani Châu Hanh
Thánh đường Hồi giáo Bani Thanh Kiết
Thánh đường Hồi giáo Bani Châu Hanh
Ngoài ra, ở Bình Thuận từ Thánh đường còn dùng theo tiếng Chăm: Sang Magik hay Quốc tế: Mesjid
Mesjid haluw palei Canat (Thánh đường Hồi giáo Bình Thắng), huyện Bắc Bình.
Mesjid haluw palei Muw (Thánh đường Hồi giáo Giang Mâu), Huyện Hàm Thuận Bắc.