Trong bài viết của Inra Sara có tựa đề: Hiểu biết để sống sót. BẠN CÓ HIỂU TÔN GIÁO BẠN KHÔNG?-2 [hay: Hai mà MỘT nền tảng]. Trong bài viết này Inra Sara có sơ lược về cách phân biệt tôn giáo này với tôn giaó khác.
Theo Inra Sara: “Pô Inư Nưgar: là vị khai quốc, khi các tôn giáo chưa vào Champa. Hiện nay mọi người Cham thuộc tôn giáo tín ngưỡng nào bất kì đều nhớ ơn [và thờ phụng] Bà.”
PHẢN BIỆN
Theo Ts. Putra Podam, vấn đề mà Inra Sara nêu trong bài viết về Po Ina Nagar là không chính xác, chỉ tưởng tượng hay phỏng đoán, không cơ sở khoa học, hoàn toàn sai lầm và chỉ là lối suy diễn suông như một số người khác cùng quan điểm với Inra Sara. Chỉ cần thấy tên Po Ina Nagar thì liền cho rằng đó là Po khai quốc Champa, là thần mẹ khai sáng giang sơn gấm vóc, khi các tôn giáo chưa vào Champa, những gì mà Inra Sara nêu ra chỉ là phỏng đoán và tưởng tượng, không liên quan gì đến nguồn gốc lịch sử của Po Ina Nagar.
Từ khi Champa độc lập vào năm 192 thế kỷ II, thời kỳ vàng son nhất của nền văn minh Ấn Ðộ giáo cho đến thời kỳ suy tàn vào thế kỷ XV, thì Champa rất sùng bái tam thần giáo của Hindu giáo như: Brahma, Vishnu và Shiva. Tùy theo từng thời kỳ và từng khu vực mà sự sùng bái các vị thần này khác nhau. Nhưng nói chung Champa vùng Panduranga thì thần Shiva được sùng bái hơn so với hai vị thần Brahma và Vishnu. Ða số các đền tháp nằm rải rác ở miền trung Việt Nam là những nơi thờ phượng thần Shiva.
Khi Nam thần Shiva được sùng bái nhất ở Champa thì kéo theo phu nhân của Shiva là Bhagavati (Parvati) cũng được sùng bái và tôn thờ. Khi được xây nhiều đền tháp cho Nam thần Shiva thì cũng xây đền tháp cho nữ thần Bhagavati (Parvati).
Bimong Po Ina Nagar (tháp bà Ponagar tại Nha Trang- Khánh Hòa) là cụm tháp có thờ nữ thần Bhagavati. Đây không phải là Tháp (Bimong) dành riêng cho nữ thần Po Ina Nagar (Thánh mẫu Vương quốc) mà còn thờ ba (3) vị Nam thần khác là: Shandhaka, Gansha Sri Vinayaka và Sri Malada-Kuthara.
Hình 1, 2. Po Ina Nagar là danh hiệu của nữ thần Bhagavati - Parvati (phu nhân Đấng Shiva), tức Yang Pu Nagara (Thánh Mẫu Vương Quốc). Thần Shiva và người vợ Bhagavati – Parvati (ảnh bên phải). Parvati không phải vị thần khai quốc Champa hay vị thần đầu tiên khi các tôn giáo chưa vào Champa như Inra Sara viết.
Lúc ban đầu, tại khu vực Kauthara (Aia Trang - tiếng Việt gọi Nha Trang) chỉ có một cái đền nhỏ được làm bằng gỗ để thờ thần Shiva mang tên là Sri Sambhu.
Năm 774, người Java từ phía nam đã phát động một cuộc tấn công bằng đường biển bất ngờ vào Champa, cướp bóc trong các thành phố, đánh cắp báu vật trong đền đền Po Ina Nagar và đốt tượng thần Shiva.
Năm 784 vị vua Satyavarman Isvaraloka quyết định xây trung tâm tín ngưỡng Ấn Giáo có đền đài hùng tráng để thờ thần Shiva và phu nhân Bhagavati. Nữ thần Bhagavati được tôn chức là Yang Pu Kauthara, tức là Thánh Mẫu của tiểu vương quốc Kauthara (Nha Trang).
Năm 918, vua Indravarman III quyết định tạc hình tượng bằng vàng của nữ thần Bhagavati để thờ phượng và tôn vinh nữ thần Bhagavati từ Yang Pu Kauthara (Thánh Mẫu Nha Trang) trở thành Yang Pu Nagara (Thánh Mẫu Vương Quốc) mà người Chăm hôm nay gọi là Po Ina Nagar.
Năm 945, tượng bằng vàng của nữ thần Yang Pu Nagara (tức tượng bằng vàng của nữ thần Bhagavati) bị vua Khmer là Rajendravarman II cùng binh lính từ Angkor đánh thẳng vào Kauthara (Aia Terang-Nha Trang), cướp tượng nữ thần Bhagavati bằng vàng.
Năm 965, vua Jaya Indravarman I phải tạc tượng của nữ thần Bhagavati bằng đá hoa cương để thay thế cho tượng nữ thần bằng kim vàng. Và tượng này còn lưu lại cho đến nay tại quần thể đền tháp Nha Trang.
Hình 3. Bimong Po Ina Nagar - Aia Trang (Nha Trang). Đây không phải là Bimong dành riêng cho nữ thần Po Ina Nagar (Thánh mẫu Vương quốc) mà còn thờ 3 vị Nam thần khác là: Shandhaka, Gansha Sri Vinayaka và Sri Malada-Kuthara.
Trước kia tại bimong Po Ina Nagar, người Chăm thường lên làm một số lễ tục liên quan đến tôn giáo như cầu nguyện, cầu phước, cầu an, ... Sau này vì lý do chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh vào năm 1771, và quân Tây Sơn chiếm thánh địa Nha Trang, từ đó người Chăm không ai ra Nha Trang để làm lễ tục và thăm đền tháp Po Ina Nagar nữa. Từ lý do trên, vua Panduranga quyết định xây đền mới và rước nữ thần Bhagavati về thờ tại làng Hữu Ðức - Phan Rang.
Ngoài thánh địa Nha Trang thờ nữ thần Bhagavati, thì còn có bimong tháp Nhạn ở Tuy Hòa-Phú Yên,
và một số danaok (đền) nhỏ khác thờ bà tại vùng Ninh Thuận và Bình Thuận như:
Po Ina Nagar Hamu Ak (Vụ Bổn - Ninh Thuận),
Po Ina Nagar Hamu Kut (Bỉnh Nghĩa - Ninh Thuận),
Po Ina Nagar Hamu Marau (Ninh Thuận),
Po Ina Nagar Hamu Parik (Phan Rí - Bình Thuận),
Po Ina Nagar Hamu Pajai (Sông Lòng Sông - Bình Thuận), …
Lời kết: Qua những minh chứng và lý giải ở trên, khẳng định:
Po Ina Nagar không phải là tên gọi của nữ thần mà là chức phong của nữ thần. Tên thật của nữ thần là Bhagavati (phu nhân của Đấng Shiva - vị Nam thần được tôn thờ nhất tại vương quốc Champa).
Po Ina Nagar là danh hiệu của nữ thần Bhagavati (phu nhân của Đấng Shiva) nằm trong hệ thống nữ thần Ấn Độ giáo chứ không phải nữ thần của người Champa bản địa.
Po Ina Nagar là danh hiệu của nữ thần Bhagavati (tức Yang Pu Nagara - Thánh Mẫu Vương Quốc), thay vì trước đó chỉ phong tước (Yang Pu Kauthara - Thánh Mẫu Kauthara). [Tương tự như: Po Ina Nagar lúc trước chỉ công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh Khánh Hòa, sau này được công nhận và phong thành di tích lịch sử cấp Quốc gia].
Champa độc lập từ thế kỷ thứ II và ảnh hưởng Ấn Độ giáo có thể từ thời điểm đó, nghĩa là Nam thần Shiva và phu nhân Bhagavati chỉ có thể thờ phượng ở Champa sớm nhất kể từ thế kỷ II.
Do đó, việc Inrasara phát biểu: “Pô Inư Nưgar: là vị khai quốc, khi các tôn giáo chưa vào Champa. Hiện nay mọi người Chăm thuộc tôn giáo tín ngưỡng nào bất kì [Balamon hay Bani] đều nhớ ơn [và thờ phụng] Bà”. Đây chỉ là lời phát biểu suông, thiếu cơ sở khoa học và không liên quan gì đến nguồn gốc lịch sử của Po Ina Nagar.
Hình 4,5. Bimong Champa tại Phú Yên, thờ nữ thần Bhagavati (phu nhân Đấng Shiva), tức Yang Pu Nagara (Thánh Mẫu Vương Quốc).
Hình 6. Đền thờ Po Ina Nagar tại làng Hữu Đức (Hamu Tanran).
GIỚI THIỆU ĐẢO HÒN BÀ (Thánh Mẫu Thiên Y A Na) TẠI THỊ XÃ LA GI
Hòn Bà là một hòn đảo nhỏ nằm ngoài biển khơi, cách bờ khoảng 2km, thuộc phường Bình Tân, thị xã La Gi, khoảng từ thế kỷ XVII trở về trước, người Chăm xây dựng đền thờ và thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na hàng năm ở đảo.
Hình 7. Đảo Hòn Bà nhìn từ bờ – TX. La Gi. Ảnh: Internet
Sau khi người Chăm di chuyển làng xóm đến nơi khác và không còn thờ phụng nữa, người Việt ở khu vực này đã kịp thời tiếp quản và tu bổ tôn tạo lại đền thờ, tiếp tục thờ phụng Thiên Ya Na theo phong cách của dân tộc mình từ hàng trăm năm nay.
Cùng với thắng cảnh Hòn Bà là những truyền thuyết mang đầy tính tâm linh huyền thoại về Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Sự linh hiển cũng như đức tính nhân hậu của vị Thánh Mẫu được thờ ở đây thông qua thần tích của người Chăm đã khiến cho người Việt dễ dàng tiếp thu tín ngưỡng này vào trong đời sống tâm linh tín ngưỡng và văn hóa của mình.
Hình 8. Đảo Hòn Bà Thị Xã Lagi
Do vậy việc thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na liên tục được thực hiện ở đây, dù cho bom đạn của chiến tranh có lúc làm cho đền thờ sụp đổ hoàn toàn, sau đó người dân lại góp công của tu bổ tôn tạo lại.
Các đền thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na ở Bình Thuận có những ngày vía bà khác nhau, riêng đền thờ Thiên Y A Na ở đảo Hòn Bà phường Bình Tân thị xã La Gi lại có ngày vía bà trùng khớp ngày vía nữ thần Thiên Y A Na ở tháp Bà Ponagar (được tổ chức từ ngày 21 đến 23/3 âm lịch hàng năm).
Hình 9. Đền thờ Bà Thiên Y A NA tại đảo Hòn Bà. Ảnh: Internet
Từ hàng chục năm nay, việc tu bổ, tôn tạo và thờ cúng cũng như thực hiện các lễ nghi, lễ hội ở Hòn Bà của người dân được thực hiện một cách tự phát mà ít có sự quan tâm của chính quyền địa phương, nên các hạng mục kiến trúc ở đây khá lộn xộn giữa cũ và mới. Thậm chí từ việc chỉ thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na trên đảo với duy nhất một đền thờ bà, người ta đã tự ý dựng lên đỉnh Hòn Bà một tượng Phật bà Quan Âm, bên cạnh đền thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na.
Cũng vì không có nguồn kinh phí nào đáng kể, chủ yếu là sự đóng góp của du khách và nhân dân địa phương nhưng rất ít ỏi, do phương tiện chở người ra đảo không đủ chuẩn, nên Đồn biên phòng ở đây không cho dân và du khách ra đảo, dù rất gần bờ. Lý do là cũng vào ngày vía bà 23/3 âm lịch năm 1986 xảy ra một vụ lật ghe, do mắc cạn nên ghe nghiêng một bên làm chết mấy chục người tại cửa biển. Do vậy từ đó đến nay rất hạn chế cho bà con ra đảo, kể cả với du khách.
Hình 10. Đền thờ Bà Thiên Y A NA tại đảo Hòn Bà. Ảnh: Internet
Cho đến mấy năm gần đây, những khi có việc ra đảo Hòn Bà, dù đã có công lệnh nhưng chúng tôi đều phải lập danh sách báo với Đồn biên phòng mới được đi. Làm việc với các cụ già quản lý đền thờ trên đảo, các cụ mong làm sao chính quyền địa phương sớm cho bà con và du khách tự do ra đảo để họ viếng Bà và thỏa mãn về tâm linh tín ngưỡng, …
Trao đổi vấn đề này với một số lãnh đạo ở địa phương, được biết lý do của Đồn biên phòng là không có ghe đủ chuẩn để chở nhân dân và du khách ra đảo, bất kể mùa nào trong năm. Thật tiếc là vào mùa này biển êm như nước trong hồ, đảo lại rất gần, nhưng hàng trăm du khách các nơi đến dự lễ vía Bà năm nay đều không được ra đảo, chỉ ở trong bờ nhìn ra, kể cả một số người Chăm từ các nơi đến phải quay về. Nghe người dân ở đây nói, doanh nghiệp Ba Thật ở thị xã La Gi đang có ý tưởng đóng một chiếc ghe lớn đủ chuẩn để đưa bà con và du khách ra đảo viếng Bà và tham quan Hòn Bà trong một vài năm tới.