Tiểu sử Po Dharma - tác giả lịch sử 33 năm cuối cùng vương quốc Champa

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
Apr 28, 2020, 2:36 PM

Ts. Po Dharma (Tường thuật) 

Ts. Putra Podam (Biên tập)

Copyright: Mọi sao chép cần ghi nguồn.

-----

Theo sự tường thuật của Po Dharma, ông tên thật trong khai sinh là Quảng Văn Đủ, sinh năm 1945 tại Palei Baoh Dana (thôn Chất Thường, Ninh Thuận). Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo gồm 7 anh chị em, ông là người duy nhất bước chân vào đại học. Năm 1960-1964, ông học ở trường tư thục Bồ Đề và năm 1964 ông sang trường trung học Duy Tân (Phan Rang) cho đến đổ tú tài vào năm 1968.

 Những bước đầu của cuộc đời thanh niên

Dưới thời niên thiếu, ông luôn là người tiên phong của nhóm học sinh Chăm Ninh Thuận nhằm bảo vệ bản sắc dân tộc bằng cách gây phong trào kêu gọi học sinh Chăm phải nói tiếng Chăm và nữ sinh Chăm phải mặc đồng phục Chăm. Ông là thanh niên dũng cảm nhất, dám đối đầu với băng đảng người Kinh thường hay hiếp đáp học sinh Chăm trong thành phố Phan Rang thời đó.

Năm 1966, theo lời kêu gọi của Đại Úy Dương Tấn Sở, quận trưởng quận An Phước, Po Dharma đã hình thành đoàn thiện chí Chăm để xây dựng cơ sở ký túc xá cho trường trung học An Phước dành riêng cho dân tộc Chăm. Bên cạnh chương trình giáo dục, trường trung học An Phước còn là trung tâm “Đông Kinh Nghĩa Thục” theo phong cách tổ chức của người Chăm qua khẩu hiệu “sinh hoạt tự túc, kỷ luật tự giác, tháo vác tự cường” nhằm phát huy ý thức hệ dân tộc.

Hình 1. Đoàn thiện chí xây dựng ký túc xá An Phước

Là nhân vật lãnh đạo đoàn thiện chí Chăm có văn phòng thường trực trong ký túc xá của trường An Phước, Po Dharma bị cơ quan an ninh bắt giam vào tháng 7 năm 1967 về tội quảng cáo tên gọi Champa viết trên đồng phục của đoàn thiện chí Chăm và tiếp tay cho Fulro. Biến cố này đã biến ông thành một nhân vật mang thương tích tinh thần, một thanh niên bị kiềm chế bởi cơ quan an ninh và không được ra khỏi biên giới của tỉnh Ninh Thuận. Đây là giai đoạn khủng hoảng nhất trong cuộc đời của ông.

Tháng 1 năm 1968, Thiếu Tướng Vĩnh Lộc đưa lực lượng của vùng 3 chiến thuật bao vây trụ sở quận An Phước và cách chức Dương Tấn Sở, quận trưởng quận An Phước, về tội dựa vào thế lực Fulro để chống lại uy quyền của quân đội. Kể từ đó, Po Dharma trở thành đối tượng thù địch của cơ quan an ninh thời đó.

Thiếu Tướng Vĩnh Lộc là lãnh chúa ở vùng 3 chiến thuật có tầm nhìn sai lầm về Fulro cho rằng tổ chức này là tay sai của cộng sản trong khi đó chính quyền Sài Gòn có quan điểm hoàn toàn khác biệt, không xem Fulro là đối tượng thù địch mà là một đảng phái đấu tranh chính nghĩa mặc dù bám vào lực lượng vũ trang để làm cơ sở cho cuộc khởi nghĩa mà Po Dharma đã trình bày trong tác phẩm: Từ FLM đến Fulro Cuộc đấu tranh của dân tộc thiểu số miền nam Đông Dương (1955-1975), Champaka 12, IOC-Champa, 2012.

Hành trình của chiến sĩ trên bãi chiến trường

 Không còn giải pháp để định hướng tương lai trên dải đất Việt Nam, Po Dharma quyết định từ giả quê hương vào tháng 9  năm 1968 để tham gia Mặt Trận Fulro, mặc dù ông biết đây là con đường vô cùng mạo hiểm, tức là “ra đi không ngày trở lại”. Năm 1968, ông vượt biên với đoàn quân Fulro sang Campuchia, thay đổi tên Quảng Văn Đủ thành Po Dharma. “Po” là ký hiệu Fulro dành cho những ai sang Campuchia tham gia mặt trận vào tháng 9 năm 1968, chứ không phải là tên gọi do ông chọn lựa. Dharma cũng là ký hiệu phát xuất từ tên Đủ.

Năm 1969, ông tốt nghiệp trường sĩ quan Fulro do quân đội Campuchia huấn luyện và phục vụ tại chiến khu 3 Fulro cách thị trấn của tỉnh Mondulkiri khoảng 50 cây số, nằm ở phía tây nam thành phố Ban Mê Thuột.

Hình 2. Chiến khu 3 Fulro.  Đứng, từ trái sang phải: Đàng Năng Thành, Đặng Nô, Thiếu Tá Soulaiman, Po Dharma, Tạ Văn Lành, Lưu Văn Biến. Ngồi, từ trái sang phải: Đổng Tập, Đàng Năng Nghịch. Tất cả những chiến sĩ này đều tử trận trên chiến trường, ngoại trừ Đàng Năng Thành.

Năm 1970, ông tham gia trong cuộc đập phá Sứ Quán Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Hà Nội ở thủ đô Nam Vang, nhân dịp đảo chánh Quốc Trưởng Norodom Sihanouk vào ngày 18-3-1970 vì quá thân cộng sản đã cho phép quân đội Bắc Việt dùng lãnh thổ Campuchia để làm hậu cứ chống Mỹ ở miền nam. Sau biến cố này, Po Dharma trở về phục vụ tại chiến khu 3 Fulro thuộc tỉnh Mondulkiri. 

Tháng 5-1970, chiến khu 3 Fulro bị thất thủ trước cuộc tấn công của lực lượng cộng sản Việt Nam. Ông và đoàn quân Fulro băng rừng, rút về thủ đô Nam Vang. Cuộc rút lui này kéo dài trong vòng 2 tháng, đã gây thiệt mạng lớn lao cho nhóm Fulro, vì thiếu lương thực, chỉ biết ăn cây cỏ để sống và ngày nào cũng đụng độ với quân cộng sản trên lãnh thổ Campuchia. Gần 50 thành viên Fulro gốc người Chăm Việt Nam bị chết hay mất tích trong biến cố này, trong đó có Nghịch (Hiếu Lễ), Đều và Câu (Chất Thường), Giáo và Linh (Hoài Trung), Khồ (Như Ngọc), Đổng Tập và Trượng Văn Nô (Phan Rí),…

Sau hai tháng lưu lạc trong rừng rậm, Po Dharma bị lực lượng Hoa Kỳ bắt làm tù binh ở tỉnh Tây Ninh. Tháng 7 năm 1970, ông được phóng thích trở về Nam Vang, lên chức Đại Úy và giữ chức tiểu đoàn phó của tiểu đoàn 181 thuộc lữ đoàn 5 đặc biệt Fulro đặt dưới sự điều hành của Thiếu Tướng Les Kosem.

Hình 3. Tiểu đoàn 181 Fulro. Đại Úy Po Dharma (trái), Thiếu Tá Osman,vtiểu đoàn trưởng (chính giữa). Tất cả người trong hình đều tử trận trên chiến trường.

Tháng 12 năm 1970, ông bị thương nặng trên bãi chiến trường Kompong Cham chống lại lực lượng cộng sản Bắc Việt. Sau một tháng điều trị ở bệnh viện quân đội Campuchia không thành công, ông được quân đội Hoa Kỳ giúp đở đưa về Hawaii để điều trị, sau đó đưa về điều trị tại bệnh viện của quân đội Mỹ ở Sài Gòn.

Đầu năm 1972, ông sang Okinawa (Nhật Bản) theo học khóa đào tạo “tình báo quân đội” của Hoa Kỳ, tốt nghiệp đứng hàng thứ 3 trong 94 sĩ quan và được bằng khen của Đại Tá Edmund E. Balmforth, giám đốc của U.S. Army Pacific Intelligence School.

Hình 4. Đại Úy Po Dharma tại Okinawa

Ngày 13-9-1972, ông được mời đến dinh của Thống Tướng Lon Nol, Tổng Thống Cộng Hòa Khmer có sự hiện diện của Thiếu Tướng Les Kosem để nhận chức Thiếu Tá dành cho sĩ quan trẻ tuổi có công trạng trên chiến trường lúc đó ông chỉ có 27 tuổi. Nhân dịp này, Po Dharma xin Thiếu Tướng Les Kosem cho phép ra khỏi quân đội vì sức khỏe và thương tích để phục vụ trong cơ quan hành chánh.

Hình 5. Thiếu Tướng Les Kosem (màu trắng) và Lon Nol, Tổng Thống Cộng Hòa Khmer (bên phải)

Thiếu Tướng Les Kosem và Thống Tướng Lon Nol chấp nhận lời yêu cầu và đề nghị Po Dharma sang Pháp du học đặt dưới sự hướng dẫn của Gs. P-B Lafont (đại học Sorbonne, Paris), tức là bạn thân của Thiếu Tướng Les Kosem. Thống Tướng Lon Nol ra lệnh cho thư ký đặt biệt của Phủ Tổng thống đánh ngay bản quyết định. Ngày 16-9-1972, Tổng Thống Cộng Hòa Khmer ký bản quyết định. Bốn ngày sau, tức là ngày 20-9-1972, Po Dharma rời Campuchia để sang Pháp du học trong chương trình đào tạo cán bộ Fulro ở nước ngoài.

Hình 6. Tổng Thống Cộng Hòa Khmer ký trên quyết định ngày 16-9-1972.

Cuộc đời nghiên cứu khoa học tại hải ngoại

Tại Cộng Hòa Pháp, ông là sinh viên của Phân Khoa Lịch Sử và Văn Tự Học (Sciences historiques et philologiques) thuộc đại học Sorbonne-Paris. Là sinh viên du học tự túc, ông phải chấp nhận giải pháp vừa đi làm và vừa đi học, nhất là phải theo học khóa tiếng Pháp ban đêm, vì sau năm 1954 chương trình tiếng Pháp không còn giảng dạy trong trường lớp nữa. Đây là một thử thách lớn lao đối với một thanh niên Chăm ở xứ lạ quê người. Nhưng ông xem đó chỉ là khúc quanh mới trong cuộc sống không đáng kể so với những gian lao và nguy hiểm trên chiến trường đỏ lửa dưới lá cờ Furo.

Sự hiện diện của ông ở nước ngoài có hai mục tiêu rõ rệt: bên cạnh đấu tranh để tiến thân, nuôi thân và nuôi gia đình, ông phải tiếp tục đấu tranh cho quê hương đỗ nát. Đây là hai nghĩa vụ song hành không thể tách rời ra khỏi cuộc sống và tư duy của ông. Năm 1978, ông tốt nghiệp Cử Nhân tại đại học Sorbonne, năm 1980 tốt nghiệp Thạc Sĩ và 1986 tốt nghiệp Tiến Sĩ.

Hình 7. Po Dharma (bên phải), Tiến Sĩ tại Viện Viễn Đông Pháp.

Năm 1982, ông được tuyển vào chức vụ nghiên cứu khoa học tại Viện Viễn Đông Pháp Cổ (EFEO) chuyên về lịch sử và nền văn minh Champa. Năm 2003, ông lên chức Phó Giáo Sư tại viện này, đã từng giảng dạy tại nhiều trường đại học Pháp (EFEO, EHESS, INALCO) và nước ngoài như đại học Malaya, đại học Kebangsaan (Mã Lai), đại học Tokyo (Nhật Bản), đại học Bắc Kinh, Quảng Châu, Quảng Tây (Trung Quốc). Ông cũng thường có mặt trên các diễn đàn khoa học quốc tế ở Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ để trình bày những đề tài liên quan đến Champa.

Hình 8. Gs. P-B. Lafont (phải) và Gs. L. Vandermeersch (chính giữa), hai vị thầy hướng dẫn Po Dharma.

Bên cạnh chuyên đề nghiên cứu và giảng dạy, Po Dharma còn nằm trong phái bộ của Cộng Hòa Pháp ở Kuala Lumpur để điều hành chương trình hợp tác song phương Pháp-Mã Lai về vấn đề Xã Hội và Nhân Văn, đào tạo sinh viên cấp thạc sĩ và tiến sĩ chuyên về lịch sử và văn hóa Champa và tổ chức hơn 15 hội thảo quốc tế về mối liên hệ giữa Champa và thế giới Mã Lai.

Sau 4 thập niên trong ngành khoa học, Po Dharma đã xuất bản 12 tác phẩm khoa học về lịch sử và văn hóa Champa tập trung hơn 2565 trang viết bằng tiếng Pháp và song ngữ Pháp-Mã Lai. Ông cũng từng làm chủ biên của 7 công trình nghiên cứu về mối liên hệ giữa Champa và thế giới Mã Lai, tổng cộng hơn 1283 trang, chưa nói đến 45 bài khảo luận đăng tải trên mặt báo chí khoa học trên thế giới tập trung gần 700 trang.

Hình 9. Lễ nhậm chức của Po Dharma năm 1988 tại Bộ Văn Hóa Mã Lai. Từ trái sang phải:Giám Đốc Viện Viễn Đông Pháp, Đại Sứ Toàn Quyền Pháp, Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa Mã Lai và Po Dharma.

Bên cạnh những công trình khoa học viết bằng tiếng Pháp và Mã Lai, Po Dharma còn là tổng biên tập của Tập San Champaka viết bằng tiếng Việt dành cho độc giả Chăm và Việt Nam muốn tìm hiểu lịch sử và nền văn minh Champa. Hình thành vào năm 1999 do IOC-Champa ấn hành, Tập San Champaka ra mắt cho đến hôm nay là 14 số, tập trung những bài viết có giá trị khoa học của những nhà nghiên cứu trên thế giới và một số trí thức Chăm ở hải ngoại, tổng cộng hơn 2000 trang.

   

Hình 10. Trên 19 tác phẩm khoa học do Po Dharma thực hiện ấn hành tại Paris và Kuala Lumpur.

 

  Hình 11. Trên 14 số tập san Champaka do Po Dharma thực hiện và do IOC-Champa ấn hành.

Song song với trách nhiệm điều hành Tập San Champaka, Po Dharma còn là sáng lập viên của Web Champaka.info, cơ quan ngôn luận duy nhất của dân tộc Chăm trên thế giới nhằm bảo vệ danh dự, quyền lợi và di sản văn hóa của dân tộc này. Web Champaka còn là trung tâm tư liệu chứa đựng cả ngàn trang của bài viết về lịch sử và nền văn minh Champa. Ra mắt vào ngày 1-4-2012, web Champaka đã thu hút hơn 670.000 lần lượt vào của độc giả, đa số là những nhà trí thức, cơ quan của nhà nước, báo chí, truyền thanh và truyền hình trong và ngoài nước, chứ không phải là quần chúng đại trà đi tìm phim ảnh hay bài viết mang tính cách giải trí.

Công trình lớn nhất mà ông đang thực hiện hôm nay là chương trình tái bản Tư Liệu Hoàng Gia Champa viết từ năm 1702 cho đến triều đại Tự Đức (1847-1883) tập trung 4402 trang viết bằng Akhar Thrah Chăm được chứng thực bởi 408 ấn triện mà nhà Nguyễn ban cho vương quốc Champa. Mục tiêu của chương trình này nhằm trình bày mỗi trang tư liệu hoàng gia có hình nguyên gốc, kèm theo bản chuyển ngữ Latinh và phần tóm tắt về nội dung. Đây là di sản lịch sử Champa mà Cộng Hòa Pháp muốn giao lại cho dân tộc Chăm không phải là bản gốc mà là bản sao qua hệ thống DVD.

Hình 12. Một trang tư liệu hoàng gia Champa.

Dân tộc Chăm hôm nay là tập thể tộc người bị bỏ quên trên thế giới, một cộng đồng vô sản, nghèo đói và bần cùng, sẽ bị diệt vong trong thế kỷ thứ 21 này, không phải vì súng đạn hay chính sách diệt chủng mà là bị đồng hóa bởi sức ép của một tập thể khổng lồ gần 90 triệu dân tộc Kinh nắm toàn quyền từ cấp trung ương đế hạ tầng cơ sở. Kể từ đó, cuộc vận động đấu tranh để đưa dân tộc Chăm ra khỏi cạm bẫy bị đồng hóa trong thế kỷ thứ 21 trở thành yếu tố quyết định trong cuộc đời của ông. Chính đó là nguyên nhân giải thích cho sự ra đời của phong trào đấu tranh văn hóa Champa tại hải ngoại nhằm vận động diễn đàn quốc tế chú tâm đến mối nguy cơ sống còn của dân tộc Champa và tạo ra một làn sóng đấu tranh bảo vệ bản sắc dân tộc và chuyển tải di sản văn hóa và lịch sử Champa đến mọi người.

Mối liên hệ với chính khách nước ngoài

 Mọi chiến lược đấu tranh văn hóa tại quốc gia dân chủ tự do không thể đạt đến mục tiêu, nếu không có hậu thuẫn mạnh của một số nhân vật nằm trong chính quyền của quốc gia đó. Đây là qui luật chung trong ngành đấu tranh chính trị. Kể từ đó, mối liên hệ với chính khách nước ngoài để yểm trợ cho dự án văn hóa Champa trở thành công tác hàng đầu mà Po Dharma không thể bỏ quên.

Tại Pháp, ông Xavier Deniau (Bộ Trưởng Bộ Cựu Chiến Binh) là người đỡ đầu cho Po Dharma nhằm phát triển chương trình bảo tồn văn hóa Champa tại quốc gia này. Bên cạnh đó, còn có Thiếu Tướng Guy Simon (Tư lệnh quân sự thuộc Phủ Thủ Tướng), Gs. P-B Lafont (đại học Sorbonne), Linh Mục G. Moussay, chưa kể đến một số nhân vật khác trong Bộ Ngoại Giao Pháp như Jean Perrin (Đại Sứ Toàn Quyền), bà F. D’Orgeval (đặc trách chương trình nghiên cứu) và Bộ Đại Học Pháp, như Gs. L. Vandermeersch, Gs. D. Lombard, Gs. P. Lamant, Gs. J. Delouche, Ts. Mak Phoeun, v.v.

Hình 13. Bộ Trưởng X. Deniau (phải) và bà N. Olin (Thị Trưởng) khai mạc Kate Champa tại Paris 1984.

Tại Mã Lai, Dato Sabbaruddin Chik (Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa) là người bảo trợ trực tiếp cho chương trình Champa của Po Dharma, sau đó là Datok Nik Mohamad (Tổng thư ký Bộ Nội Vụ), Gs. Dato Ismail Hussein (Chủ tịch Hội Nhà Văn), Hoàng tử Tengku Alaudin Majid (Tổng Thư Ký Bộ Văn Hóa), Dato Aziz Deraman (Tổng giám đốc Viện Ngôn Ngữ và Văn Học), Dato Adi Taha (Giám Đốc Cục Bảo Tàng Quốc Gia),

Hình 14. Po Dharma trao quà cho Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa Mã Lai nhân ngày hội thảo về chế độ mẫu hệ ở Mã Lai và Champa.

Bên cạnh những chính khách của Pháp và Mã Lai, Po Dharma cũng không quên Gs. Y. Ishizawa (hiệu trưởng trường đại học Sofia, Nhật Bản), Ts. Shine Toshihiko (đại học Kyoto, Nhật Bản), Gs. Luong Chi Minh (đại học Bắc Kinh), Gs. Niu Junkai (đại học Quảng Châu, Trung Quốc), Pgs. Luu Chi Cuong (đại học Quảng Tây, Trung Quốc) là những người có công giúp đỡ chương trình bảo tồn văn hóa Champa tại hải ngoại.

Danh sách của chính khách nước ngoài mà tôi vừa nêu ra đã nói lên thế nào mạng lưới liên hệ mà Po Dharma thường dựa vào đó để xây dựng những chương trình cho phong trào đấu tranh văn hóa Champa tại hải ngoại. Sự quan tâm đến di sản văn hóa Champa của những chính khách nước ngoài là một niềm vinh hạnh và tự hào lớn lao đối với dân tộc Chăm. Cũng nhờ sự yểm trợ của họ mà Ts. Po Dharma đã thành công thực hiện hàng năm những ngày văn hóa, hội thảo hay hội luận về Champa trên thế giới.

Hình 15. Po Dharma và Y. Ishizawa, hiệu trưởng trường  Sofia, Tokyo.

 Phong trào văn hóa Champa tại Âu Châu

 Cộng Hòa Pháp là nơi khởi hành của phong trào đấu tranh văn hóa Champa tại hải ngoại. Năm 1984, Po Dharma tổ chức Katé truyền thống Champa đầu tiên tại Paris đặt dưới sự khai mạc của Xavier Deniau (Bộ Trưởng Bộ Cựu Chiến Binh). Katé Champa lần thứ 2 vào năm 1986 đặt dưới sự khai mạc của Thiếu Tướng Guy Simon (Tư lệnh quân sự thuộc Phủ Thủ Tướng), một người đã từng có mặt tại Phan Rang khi ông còn là Đại Úy trong quân đội Pháp.

Hình 16. Thiếu Tướng G. Simon (người thứ 2 từ trái sang phải) trong buổi lễ Kate Champa năm 1986.

Bên cạnh đó, ông còn tổ chức những lễ tiếp tân dành cho chính khác nước ngoài, như lễ giới thiệu ca sĩ Chế Linh tại bộ ngoại giao Pháp có sự hiện diện của ông Bộ Trưởng X. Deniaux.

Hình 17. Po Dharma tổ chức buổi giới thiệu ca sĩ Chế Linh tại Bộ Ngoại Giao Pháp có sự hiện diện của Bộ Trưởng X. Deniau, năm 1984.

Quang trọng nhất là lễ đón chào Đô Đốc Hải Quân, Philippe De Gaulle (con của Tổng Thống Charles De Gaulle) tại tư dinh của Xavier Deniau có sự hiện diện của Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Pháp là Jean François Deniau (em của Xavier Deniau). Nhân dịp này, Đô Đốc Philippe De Gaulle trao tặng cho phái đoàn Champa nhiều món quà mà dân tộc Chăm đã tặng cho ông trong những thời gian ông phục vụ trong quân đội Pháp ở Đông Dương.

Phong trào văn hóa Champa tại Á Châu

Cũng nhờ sự yểm trợ của Ngài Jean Perrin (Đại Sứ Toàn Quyền Pháp tại Kuala Lumpur) và Dato Sabbaruddin Chik (Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa Mã Lai), Po Dharma được bổ nhiệm vào phái bộ Pháp vào tháng 4-1988 để điều hành chương trình hợp tác nghiên cứu song phương Pháp-Mã Lai. Tại đây, Po Dharma đã thực hiện 4 nhiệm kỳ gần 15 năm và hình thành nhiều chương trình Champa qua các cuộc triển lãm, hội thảo và ngày văn hóa Champa để chuyển tải di sản lịch sử và nền văn minh của vương quốc này đến dân tộc Mã.

Hình 18. Po Dharma chụp hình lưu niệm với Đô Đốc P. De Gaulle (trái) và X. Deniau (phải).

Hình 19. Po Dharma hướng dẫn Dato Abdullah Badawi (Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Mã Lai) xem triễn lãm Champa vào năm 1996.

Mỗi chương trình Champa diễn ra tại Mã Lai đều có sự tham dự của một số nhà khoa học và trí thức Chăm trong và ngoài nước qua sự tài trợ của Bộ Văn Hóa Mã Lai và Sứ Quán Pháp hay Nhật Bản. Hầu hết các nhà nghiên cứu Chăm như Ts. Thành Phần, Ts. Phú Văn Hẳn, Ts. Bá Trung Phụ, Ts. Trương Văn Món, Ts. Putra Podam, Ts. Basaron,… và một số trí thức Chăm trong và ngoài nước như Nguyễn Văn Tỷ, Lộ Minh Trại, Thành Phú Bá, Đàng Năng Quạ, Chế Linh, Từ Công Phụng, Từ Công Thu, Dương Tấn Thi, Lưu Quang Sang, Musa Porome, Từ Công Ánh, Phú Thị Mận, Bá Văn Đông, Bá Trung Sin, v.v. đều có mặt ở Kuala Lumpur trong chương trình Champa đặt dưới sự điều hành của Po Dharma.

Hình 20. Khai mạc lễ giới thiệu CD của Chế Linh năm 2000, Po Dharma mời  Hoàng Tử Mã Lai, Tengku Alaudin Majid (bên trái) đứng ra khai mạc chương trình. 

Kết Luận

 Hơn 4 thập niên bôn ba ở hải ngoại, Po Dharma đã dồn mọi nghị lực để hoàn thành hai trách nhiệm lớn lao đối với quê hương trong khả năng và hoàn cảnh của ông. Dưới lá cờ của mặt trận Fulro (1968-1972), ông là chiến sĩ cầm súng để chiến đấu. Sau năm 1972, ông là nhà nghiên cứu cầm bút để đấu tranh nhằm đưa tên gọi Champa lên diễn đàn thế giới và chuyển tải di sản văn hóa Champa đến mọi người. Ông đã thực hiện 19 tác phẩm nghiên cứu khoa học tập trung hơn 3500 trang viết bằng tiếng Pháp và Mã, ấn hành 12 số tập san Champaka viết bằng tiếng Việt và hình thành một mạng web Champaka, cơ quan thông tin, nghị luận và nghiên cứu Champa ra đời vào ngày 1-4-2012 đã hu hút hơn 670000 lượt vào của độc giả.

 Khi hỏi về làm sao có thời giờ để hình thành bao công trình như thế, Po Dharma chỉ trả lời rằng mỗi người sinh ra đều có thời gian như nhau, nhưng cách phân chia thời gian cho cuộc sống hoàn toàn khác nhau. Ông cho rằng từ khi sinh ra, nếu ông có thời gian để ăn, để ngủ, để khóc, để yêu thương, để buồn tủi, để tìm kế sinh nhai nuôi thân và gia đình, thì ông cũng phải có thời gian để phục vụ cho dân tộc. Kể từ đó, đấu tranh cho dân tộc không còn tùy thuộc vào thời gian của mỗi người mà là hoàn toàn tùy thuộc vào khái niệm và ý thức hệ về dân tộc của từng cá nhân và tập thể.

Hình 21. Pgs.Ts. Po Dharma

 

Đọc tiểu sử Po Dharma file PDF