Danh xưng Champa

Written by Putra Podam
In category Tin tức
Apr 28, 2020, 2:46 PM

Trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở Malaysia, tôi và Pgs.Ts. Po Dharma thường xuyên gặp gỡ vào cuối tuần. Thầy là người hướng dẫn luận án tiến sĩ thứ hai của tôi tại Malaysia, chịu trách nhiệm nội dung về lịch sử hình thành và phát triển ngôn ngữ chữ viết Chăm. Trong những dịp trò chuyện, tôi được nghe chính Thầy chia sẻ những mẩu chuyện rất hay, những thông tin rất quý báu mà ít có tài liệu tiếng Việt đề cập. Nay nhân kỷ niệm một năm ngày mất của Thầy, tôi kể lại những mẩu chuyện ngắn được nghe từ Thầy để tỏ lòng thành kính, biết ơn Thầy cũng như bổ sung những cống hiến và đóng góp của Thầy cho sự bảo tồn lịch sử văn hóa và phát triển của cộng đồng Chăm.

1. Lịch sử  hình thành Chữ viết Champa

Một lần tôi hỏi Ts. Po Dharma: Hiện nay có rất nhiều tài liệu nói về lịch sử hình thành chữ viết Chăm, các tác giả đưa ra nhiều mốc lịch sử hình thành khác nhau. Theo Thầy tư liệu nào đề cập vấn đề này đáng tin cậy nhất?

Ts.Po Dharma:

Theo các tài liệu lịch sử Trung Quốc, Champa độc lập từ năm 192 sau công nguyên, cuối thế kỷ thứ 2. Cũng theo các nhà nghiên cứu Tây Phương, người Chăm đã sử dụng một loại chữ viết khá sớm để tạc khắc chữ trên các bia đá. Chữ viết này có nguồn gốc từ chữ cái Devanagari (Ấn Độ). Trong thời kỳ đầu, người Chăm chủ yếu dùng chữ Chăm cổ để khắc tiếng Phạn, dần dần người Chăm hoàn thiện chữ viết này sử dụng để khắc tiếng Chăm. Akhar Thrah là chữ viết phổ biến nhất và trở thành chữ viết chính thức của vương quốc Champa từ thế kỷ 17. Ngoài được khắc trên Tháp Po Romé, chữ viết này còn được viết tay và sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực từ ban giao quốc tế, hành chánh, tôn giáo, lịch sử, văn học Chăm,…Vào thời gian này, người Chăm còn sử dụng nhiều loại chữ viết khác cho nhiều mục đích phát triển chính trị, ban giao kinh tế và tôn giáo như:  dùng chữ Hán được tìm thấy trên các con dấu hay trên các văn kiện liên quan đến triều đình Nhà Nguyễn; dùng chữ viết Ả Rập hay chữ Jawi Chăm để ghi kinh thánh của các bậc Chăm Awal như Po Acar, Katip, Imam,…

Để bảo tồn, phổ biến cũng như hỗ trợ dạy và học chữ viết Chăm  Akhar Thrah được thuận lợi, hiện nay cộng đồng Chăm, đa số cán bộ, sinh viên và trí thức Chăm đã sử dụng chữ viết Rumi Chăm EFEO để phiên tự hay phiên âm cho các tác phẩm văn học cũng như sử dụng trong giao tiếp hàng ngày.

2. Tìm hiểu mối quan hệ “Cham” và vương quốc “Champa”

Tôi hỏi Po Dharma: Từ “Cham” trong cụm từ dân tộc Chăm hay  người Chăm có mối liên hệ thế nào với từ “Champa”?

PO Dharma:

Từ các tài liệu trên bia đá, sử liệu lịch sử Trung Quốc và Việt Nam, sách cổ Chăm cũng như các bài nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài đã chứng minh rằng tại khu vực Đông Nam Á, vương quốc Champa đã được thành lập và tồn tại từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 19.

Theo các nhà nghiên cứu Pháp (Pgs. Po Dharma, Gs. P-B Lafont, Ts. B. Gay), Champa không phải là vương quốc dành riêng cho dân tộc Chăm, mà là một quốc gia đa chủng, tập trung những cộng đồng tộc người nằm trong biên giới chính trị của quốc gia này, chạy dài từ Quảng Bình cho đến Biên Hòa, bao gồm cả khu vực Tây Nguyên, như người Jrai, Rade, Churu, Raglai, Hroi, Bahnar, Sedang, Stieng, Ma,… trong đó có người Chăm sống ở đồng bằng.

Champa một tên gọi có nguồn gốc từ Ấn Độ, được đặt tên cho vương quốc Champa kể từ thế kỷ thứ II gồm 5 tiểu bang: Indrapura (Đồng Dương), Amaravati (Quảng Nam), Vijaya (Đồ Bàn), Kauthara (Nha Trang), và Panduranga (Ninh Bình Thuận). Tên gọi Champa xuất hiện lần đầu tiên trên bia đá của thánh địa Mỹ Sơn vào năm 658 (thế kỷ thứ VII). Vào năm 668 trên bia đá của vương quốc Campuchia cũng có ghi chữ “Champa”. Kể từ đó, Champa trở thành tên gọi được sử dụng phổ biến trong các văn bản lịch sử ở các quốc gia Đông Nam Á dưới thời cổ đại.

Bản đồ 5 tiểu bang vương quốc Champa

 

Trên bia đá không bao giờ nhắc đến người Chăm, mà thường chỉ ghi một số danh xưng như sau:

Vương quốc Champa trên bia đá ghi: Nagara Champa.

Vua Champa trên bia đá ghi: Raja Champa.

Người dân của vương quốc Champa trên bia đá ghi: Urang Champa (chứ không phải là Urang Chăm).

Cũng theo các nhà nghiên cứu này, từ “Cham” ám chỉ cho người Chăm hôm nay không phát xuất từ tên gọi của vương quốc Champa. Thuật ngữ “Cham” ám chỉ cho chủng tộc Chăm đã ra đời từ hàng trăm thế kỷ trước, trong khi đó, Champa (gốc từ Phạn Ngữ) là tên gọi của vương quốc chỉ xuất hiện sau thế kỷ thứ 2.

Dân tộc Cham là một thần dân của vương quốc Champa, chữ “Cham” trong tên gọi dân tộc Chăm và chữ Cham trong tên gọi “Champa” là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, chứ không phải chữ “Cham” xuất phát từ “Champa”.

Do đó, từ “Cham” trong tên gọi dân tộc Chăm không liên quan gì đến từ “Champa” trong tên gọi vương quốc Champa.

Cũng như một số dân tộc khác như Khmer, dân tộc này có từ lâu đời, nhưng tên gọi vương quốc này là tiếng Phạn xuất phát từ Ấn Độ là Kambuja. Sau này người Pháp phiên âm thành Campuchia, tên gọi tiếng Anh là Cambodia, và người Chăm gọi là Kur.

Tại vùng Đa Đảo có vương quốc Majapahit. Người dân của Majapahit gồm có người Mã, Java, Bali, Bugis,…

Nhưng ngược lại tên gọi vương quốc Champa có nguồn gốc từ tên một loại hoa có tên khoa học là: Michelia Champaca Linn (Phạn Ngữ: Campâ), mà (người Việt thường gọi là hoa sứ hay hoa đại) một loại hoa rất phổ biến ở miền nam Châu Á.

Hiện nay từ Cham, Champa, hoa Champa được dùng phổ biến và rộng rãi. Ở Việt Nam hiện nay, đang có phong trào nhiều doanh nghiệp, công ty và dịch vụ đã chọn danh xưng "Champa" để làm thương hiệu cho chính mình.

3. Tìm hiểu nguồn gốc hoa Champa

Có một lần tôi hỏi: Biểu tượng hoa sứ trắng trên trang web Champaka có ý nghĩa gì?

Po Dharma trả lời:

Champa là tên của một loài hoa (người Việt thường gọi là hoa Sứ hay hoa Đại) rất phổ biến ở miền nam Châu Á. Tên khoa học: Michelia Champaca Linn (Phạn Ngữ: Campâ) và cũng là tên gọi của vương quốc Champa nằm ở miền trung Việt Nam tồn tại từ thế kỷ II đến XIX. Lãnh thổ chạy dài từ tỉnh Quảng Bình cho đến biên giới Biên Hòa bao gồm cả khu vực phía tây giáp với sông Mekong nơi có quần thể đền Wat Phou.

Nhân đây Po Dharma nói thêm về lịch sử tỉnh Champasak của Lào.

Vào thế kỷ thứ V, Wat Phou thuộc về vương quốc Champa và sau này bị vương quốc Campuchia chiếm đóng từ thế kỷ thứ X cho đến thế kỷ thứ XIII.

Kể từ thế kỷ thứ 18, khu vực Wat Phou trở thành tiểu vương quốc Champasak (1713-1946). Ngày nay, Champasak là một tỉnh ở miền nam của Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào. Trong tiếng Lào, Champasak ám chỉ lưu vực vương quốc Champa.

Tại quốc gia Lào, hoa Champa (gọi là Dok Champa), trở thành quốc hoa và cũng là bài hát dân gian rất phổ biến.

4.  Mối liên hệ giữa hoa Champa và vương quốc Champa

Như đã trình bày ở trên, Champa là tên của một loài hoa (người Việt thường gọi là hoa Sứ hay hoa Đại) rất phổ biến ở miền nam Châu Á. Tên khoa học: Michelia Champaca Linn (Phạn Ngữ: Campâ) và cũng là tên gọi của vương quốc Champa nằm ở miền trung Việt Nam tồn tại từ thế kỷ II đến XIX.

Hoa Champa có màu sắc tinh khiết và mùi hương thanh nhã, dễ chịu. Với đặc điểm sắc hương này đã làm cho hoa Champa trở nên rất đặc trưng và phổ biến. Đặc biệt vào ban đêm với khí trời ấm áp, hương hoa Champa có thể lan tỏa ra xa đến hàng chục mét. Ngoài ra hoa Champa còn được sử dụng để làm một số loại nước hoa nổi tiếng trên thế giới.

Champa là một vương quốc ra đời từ thế kỷ thứ II, có nền văn minh cao độ nằm ở miền trung Việt Nam, đã từng đóng vai trò chủ đạo trong tiến trình hình thành các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á cho đến năm 1832. Tên gọi Champa xuất hiện lần đầu tiên vào năm 658 (thế kỷ thứ VII) trên bia đá của thánh địa Mỹ Sơn và vào năm 668 trên bia đá của vương quốc Campuchia. Kể từ đó, Champa trở thành tên gọi được sử dụng trong các văn bản lịch sử trong các quốc gia Đông Nam Á dưới thời cổ đại.

Sử liệu Việt Nam và Trung Quốc gọi vương quốc này là “Chiêm Thành” (chữ Hán: 占城 ) từ năm 877, phát xuất từ “Champapura” (Kinh thành Champa). “Chiêm” là từ phiên âm từ “Champa”. “Thành” là từ chuyển ngữ của “Pura” ám chỉ cho kinh thành, thủ đô, vương quốc,…

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, trong các văn kiện hành chánh và những nhà nghiên cứu sử dụng tên gọi Chiêm Thành để ám chỉ cho vương quốc nằm ở miền trung Việt Nam. Chính vì thế người Chăm không bao giờ nghe đến tên gọi Champa trong cuộc sống hàng ngày của họ. Ngày 24-9-1964 đánh dấu ngày vùng dậy đấu tranh của phong trào FULRO (Mặt trận thống nhất đấu tranh của các sắc tộc bị áp bức), một tổ chức liên minh gồm 3 mặt trận:

• Mặt Trận Giải Phóng Kampuchia Krom

• Mặt Trận Giải Phóng Kampuchia Nord

• Mặt Trận Giải Phóng Champa

Hiệu kỳ FULRO (Photo: Champaka)

Hiệu kỳ Mặt trận 1 giải phóng Champa (Photo: Champaka)

Kể từ đó, danh xưng Champa bắt đầu lan rộng vào giới trí thức sinh viên học sinh Chăm, nhưng chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũng chưa cho phép sử dụng tên Champa trong các văn kiện, đài phát thanh và truyền hình.

 Trong thời gian này một số tổ chức thanh niên đã chọn biểu tượng hoa Champa làm huy hiệu đeo áo như một nét đặc trưng riêng của tuổi trẻ Chăm.

 5.  Po Dharma đấu tranh dùng danh xưng Champa tại Việt Nam

Sau năm 1975danh xưng Champa vẫn là chủ đề “nhạy cảm” liên quan đến yếu tố lịch sử và chính trị. Chính phủ Việt Nam đã sử dụng từ “Chiêm Thành” mỗi khi đề cập đến Champa. “Chiêm Thành” là từ Hán Việt còn Champa là danh xưng riêng của vương quốc “Champa”. Trong một lần mạn đàm về lịch sử văn hóa Champa, Po Dharma đã kể lại câu chuyện ông cùng bạn bè quốc tế đã đấu tranh để lấy lại danh xưng Champa ở Việt Nam như thế nào? Câu chuyện như sau:

Trong lần dự hội thảo quốc tế do UNESCO tổ chức từ ngày 15-24 tháng 3 năm 1994 tại Hà Nội và Huế với chủ đề: “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam”, tập trung nhiều nhà khoa học trên thế giới, trong đó có Pgs.Ts. Po Dharma, đại diện cho phái bộ Pháp.

Để biết trước thông tin bài báo cáo của Po Dharma gồm những nội dung gì, đại diện an ninh Việt Nam (ANVN) đã gặp Po Dharma để xin bài báo cáo, nhưng đã bị Po Dharma từ chối. ANVN đã cảnh báo nếu Po Dharma không cung cấp nội dung bài báo cáo cho ngày hôm sau thì sẽ bị cấm báo cáo. Được tin này Po Dharma trao đổi với một số học giả như Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Campuchia,… Một số học giả đồng ý rằng nếu sáng hôm sau, Po Dharma bị cấm báo cáo thì một số đoàn sẽ rời khỏi hội thảo. Đặc biệt đoàn Malaysia và Indonesia đánh động tin này đến Ban tổ chức.

Khi được tin một số đoàn sẽ phản đối sự việc trên bằng cách rời khỏi hội thảo. Tối hôm đó Ban tổ chức đã vội vàng cử ông Mã Điền Cư, là một người Chăm đang giữ chức  Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, đến gặp Po Dharma trình bày sự việc.  Po Dharma đồng ý đưa một bản cho ông Mã Điền Cư theo quy chế hội thảo.

Nhân dịp này, Po Dharma nêu ra vấn đề danh xưng Champa tại diễn đàn Quốc tế và yêu cầu nhà nước Việt Nam công nhận Champa là một danh xưng lịch sử để thay thế cho danh xưng Chiêm Thành, một tên gọi phát xuất từ sử liệu Việt Nam và Trung Quốc, vì tên gọi Chiêm Thành không phù hợp đối với chủ trương của UNESCO liên quan đến chính sách bảo tồn di sản phi vật thể của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Hội thảo đã trao đổi sôi nổi và cuối cùng đi đến đồng thuận dùng danh xưng Champa thay cho từ Chiêm Thành.

Sau ngày hội thảo của UNESCO, tên gọi Champa được các nhà nghiên cứu Việt Nam bắt đầu tìm hiểu và sử dụng trong các công trình nghiên cứu khoa học. Việc chấp thuận sử dụng lại danh xưng Champa, một danh xưng nhạy cảm, là sự quan tâm của giới học giả, của các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng như Nhà nước Việt Nam.

6. Một số tổ chức và doanh nghiệp mang tên Champa

Sau ngày hội thảo của UNESCO, danh xưng Champa được sử dụng rộng rãi và phổ biến tại Việt Nam. Từ đó một số tổ chức bảo tồn văn hóa Champa trong nước và hải ngoại cũng như tổ chức đấu tranh đòi chính phủ Việt Nam công nhận Quyền dân tộc Champa bản địa theo tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa (the Declaration on the Rights of the Indigenous Peoples) tại New York vào ngày 3 tháng 9 năm 2007. Việt Nam là thành viên của Liên Hiệp Quốc đã ký tên vào bản Tuyên Ngôn này.

Khi tên gọi Champa đã được dùng phổ biến, đã có một số tổ chức liên quan đặt tên Champa như dưới đây :

• IOC-Champa (International Office of Champa), được thành lập năm 1988 là một tổ chức đấu tranh bảo vệ di sản lịch sử và nền văn minh Champa. Xây dựng một lực lượng nhằm chuyển tải đến mọi người những yếu tố lịch sử Champa bao gồm nhiều khía cạnh, từ lịch sử vua chúa, lịch sử đấu tranh dựng nước và xây dựng đất nước cho đến lịch sử văn hóa, xã hội,…

• Hội Văn Hóa Truyền Thống Champa U.S.A: Là tổ chức dân sự của người Chăm ra đời vào năm 1997 tại Sacramento (California, Hoa Kỳ), tập trung đa số thành viên Chăm Ahier xuất thân từ tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam. Đây là hội đoàn dân sự có nhiều thành tích hoạt động, nhất là tổ chức hàng năm lễ hội Katé và Rija Nagar. Gần đây, Hội Văn Hoá Truyền Thống Champa còn thực hiện một chương trình giảng dạy tiếng Chăm dành cho con em Chăm ở Hoa Kỳ để họ không quên tiếng nói mẹ đẻ ở xứ lạ quê người. Đây là chương trình vô cùng hữu ích mà các tổ chức dân sự người Chăm ở Hoa Kỳ nên xem đó là dự án ưu tiên trong cuộc vận động đấu tranh bảo vệ ngôn ngữ và chữ viết Chăm ở hải ngoại.

• Hội Bảo Tồn Văn Hóa Champa U.S.A: Là tổ chức dân sự của người Chăm ra đời vào năm 1998 tại San Jose (California, Hoa Kỳ), tập trung nhiều thành phần tộc người và tôn giáo như Balamon, Bani, Islam, Thiên Chúa Giáo, Tin lành, Phật Giáo,… khi qua định cư tại Hoa Kỳ. Hội đã thực hiện nhiều chương trình như lễ hội Katé, Rija Nagar,…và nhiều hoạt động khác.

• Hội Đồng Phát Triển Văn Hóa-Xã Hội Champa (The Council for the Socio-Cultural Development of Champa): Ra đời vào năm 2007 nhân dịp Đại hội Champa nhằm kỷ niệm 175 năm vương quốc Champa bị diệt vong vào năm 1832, Hội Đồng Phát Triển Văn Hóa Xã Hội Champa có trụ sở tại Hoa Kỳ là cơ quan đấu tranh bất bạo động của cộng đồng Chăm tại hải ngoại nhằm bảo vệ danh dự, quyền lợi và di sản văn hóa Champa. Sau 5 năm hoạt động, tổ chức này đã trở thành một thành viên pháp lý của Hội Đồng Dân Tộc Bản Địa Việt Nam ra mắt tại Hoa Kỳ tập trung 3 lực lượng, đó là dân tộc Chăm, Tây Nguyên và Khmer Nam Bộ. Mục tiêu của Hội Đồng Bản Địa Việt Nam là nhằm đấu tranh yêu cầu nhà nước Việt Nam phải công nhận dân tộc Chăm, Tây Nguyên và Khmer Nam Bộ là thành phần dân tộc bản địa phù hợp với Tuyên Ngôn của Liên Hiệp Quốc về “Quyền của dân tộc bản địa” mà Việt Nam là quốc gia thành viên đã ký trên tuyên ngôn này. Sự liên kết đấu tranh giữa người Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom chỉ là sự tiếp nối của phong trào Fulro, tức là “(Mặt trận thống nhất đấu tranh của các sắc tộc bị áp bức)” đã từng gây bao tiếng vang trên bàn cờ chính trị ở Đông Dương vào năm 1964-1975.

• Tập San Champaka: là tổ chức khoa học chuyên về lịch sử và nền văn minh Champa, do IOC-Champa ấn hành.

• Web Champaka: Trang web champaka.info là cơ quan ngôn luận và cũng là trung tâm lưu trữ và phổ biến tư liệu Champa. Hiện nay trang web Champaka.info được sử dụng nhằm truyền tải thông tin, nghị luận và nghiên cứu về Champa, trang web này được cộng đồng Chăm trong và ngoài nước cũng như một số nhà Khoa học nước ngoài nghiên cứu về Champa rất quan tâm.

• Web Kauthara-Champa: Trang web kauthara.org được thành lập vào đầu năm 2015, mục đích gới thiệu và chuyển tải những sản phẩm công nghệ như font Chăm, bộ gõ Chăm đa năng trên PC, bộ chuyển đổi từ Rumi Chăm EFEO sang akhar Thrah, ứng dụng gõ chữ Chăm trên hệ thống Android, và ứng dụng gõ chữ Chăm trên hệ thống iOS cũng như chương trình giảng dạy tiếng Chăm và nghiên cứu chữ viết Chăm để đóng góp bảo tồn và phát huy những di sản về văn hóa, ngôn ngữ và chữ viết Chăm.

• Doanh nghiệp và dịch vụ du lịch mang tên Champa: Rong ruổi theo chiều dài của Vương quốc Champa ngày xưa, nay là các tỉnh từ Quảng Bình đến Biên Hòa, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ và du lịch đã lựa chọn tên gọi “Champa” làm thương hiệu cho doanh nghiệp của mình. Có thể kể đến như: khách sạn Champa ở Sầm Sơn-Thanh Hóa; khách sạn Champa ở Lăng Cô-Huế, khách sạn Champa ở Ngũ Hành Sơn-Đà Nẵng; Champa Island ở Nha Trang-Khánh Hòa; Champa Resort ở Phan Thiết-Bình Thuận; Dầu thiên nhiên Champa,…và nhiều thương hiệu Champa khác xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trong bối cảnh toàn cầu hoá diễn ra ngày càng nhanh chóng, việc xây dựng thương hiệu chính là làm tăng vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Có lẽ trong thực tế, tên gọi Champa đã thu hút khách thập phương đến Việt Nam để tìm hiểu và nghiên cứu về những giá trị bản sắc văn hóa và nền văn minh Champa còn sót lại trên dải đất miền trung này. Và đó cũng là một trong những lý do mà tên gọi “Champa” trở thành thương hiệu cho một số doanh nghiệp quan tâm và khai thác hiện nay, nhất là đối với dịch vụ du lịch.

 Vương quốc Champa hiện nay tuy không còn nữa nhưng tên gọi “Champa” vẫn còn sống mãi trong lòng người dân miền trung. Tên gọi “Champa” hiện đang trở thành một thương hiệu Việt nổi tiếng là một minh chứng cho điều đó.

7. Cảm nhận riêng về danh xưng Champa

Theo Po Dharma, tổ tiên chúng ta trong lịch sử đã xây dựng và hình thành nên vương quốc Champa. Trải qua các thời kỳ và cũng như bao quốc gia khác, có lúc thịnh, lúc suy lịch sử Champa đã để lại những trang sử huy hoàng lẫn bi thương. Không sử dụng từ Champa, là không gọi đúng danh xưng lịch sử, cố tình tránh né sự thật lịch sử, làm cho thế hệ trẻ quên nguồn cội, tổ tiên của mình, các nhà khoa học trong và ngoài nước khó khăn khi nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Champa.

Khi tên gọi Champa được sử dụng, sẽ làm cho thế hệ trẻ biết nhớ về cội nguồn, tổ tông của mình. Một khi đã nhận ra mình là đứa con của Champa thì sẽ có trách nhiệm làm điều gì đó có ý nghĩa cho Champa. Giờ đây Champa là ký ức lịch sử, nhưng việc bảo tồn văn hóa, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc Champa  trong trào lưu Việt hóa, Tây hóa là hết sức cần thiết và khẩn thiết. Được biết có những người nhận ra được những chân giá trị tốt đẹp về nguồn cội tổ tiên Champa, đã cống hiến cả cuộc đời mình cho lý tưởng dân tộc, đấu tranh không mệt mỏi để góp phần bảo tồn văn hóa, lịch sử Champa. Tuy nhiên vẫn còn có nhóm người đi theo những lôi kéo, phỉnh dụ bằng vật chất hay quyền lợi cá nhân đi ngược lại lý tưởng, ý chí đấu tranh bảo tồn và cản trở sự phát triển kinh tế văn hóa của các dân tộc có nguồn gốc Champa.

Vì vậy trong bài viết này, tôi muốn kêu gọi mọi người con Champa hôm nay hãy bước qua những đau buồn, bi lụy; gạt qua những khác biệt về nơi định cư trong hay ngoài nước; nhận ra đâu là sự thật về lịch sử Champa, văn hóa Champa để cùng nhau đoàn kết, cống hiến bằng trái tim và nhiệt huyết của mình bằng những hành động cụ thể, thiết thực, để cho tên gọi Champa được biết đến nhiều hơn với những giá trị tốt đẹp nhất.

Hiệu kỳ Champa (Photo: Champaka)

Việc ngày càng có nhiều công ty và dịch vụ đã chọn danh xưng "Champa" để làm thương hiệu cho chính mình là một tín hiệu đáng mừng cho việc góp phần bảo tồn và phát triển những giá trị tốt đẹp về lịch sử và văn hóa Champa.

Hoa Champa

 

Link Danh xưng Champa trên PDF