Ramadan (Ramawan) lễ quan trọng của tín đồ Bani Awal

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
May 22, 2020, 4:08 PM

Ramadan là tên gọi tháng 9 của niên lịch Islam, người Chăm thường gọi Bulan Ramawan hay Bulan Aek (tháng lễ thức nhịn chay). Đây là tháng lễ lớn nhất của Bani Awal nói riêng và của Islam trên toàn thế giới nói chung. Tuy nhiên, tháng Ramadan của hệ phái Bani Awal có một số điểm khác biệt so với Islam chính thống giáo.

Tháng Ramadan là giáo sĩ Acar tăng cường liên hệ với Allah và thực hiện nhiệm vụ của lòng sùng mộ phù hợp với giáo lý của Thiên kinh Koran. Thực thi tính kiên nhẫn và quyết tâm. Khuyến khích các nguyên tắc đạo đức bằng sự chân thành, giữ cho bản thân tránh xa khỏi thói kiêu căng. Ủng hộ những phẩm chất tốt, đặc biệt là tính trung thực và đáng tin cậy. Khuyến khích cá nhân bỏ được những thói quen xấu và thay đổi hoàn cảnh tốt lên. Rộng lượng, hiếu khách và thân thiện. Củng cố tình đoàn kết huynh đệ giữa các gáo sĩ Acar và tín đồ người dân. Giữ gìn trật tự và tuân thủ các giá trị của thời gian. Cân bằng nhu cầu về thể chất và tinh thần.

Các giáo sĩ Acar chuẩn bị vào thánh đường và không được trở về nhà trong tháng chay tịnh. Họ thực hiện một số nghi thức như Racaow, thực hiện nghi thức hành lễ (salat, solat hay salah), đọc Thiên kinh Koran và hành lễ Terawih. Trong tháng Ramadan các giáo sĩ Acar làm lễ nguyện Jumaat (ngày thứ sáu) bốn lần. Điều đặc biệt ở chức sắc Acar của Bani Awal là chỉ trong tháng Ramadan mới bắt đầu làm công việc Ibadat (Phụng thờ Đấng toàn năng) và chỉ trong tháng Ramadan này mới thấy rõ nhất Acar Bani Awal thực hiện nghi thức thực hành luật đạo hàng ngày của Islam chính thống theo phong cách hệ phái riêng của Bani Awal ở Champa.

Hình 1. Tín đồ Bani Islam và Acar Bani Awal thanh tẩy "Mâk aia" Wudu

 

Chiều khoảng 4 giờ, đây là thời khắc cuối cùng ngày 29 tháng Shaban (tháng 8 của lịch Islam) các chức sắc Acar mở cửa thánh đường (Magik), mỗi người tự chuẩn bị “lang ciew” và “rep danaok” để dọn chổ ngủ cho riêng mình. Khoảng hơn 5 giờ chiều, Imam tal làm trưởng đoàn, Katip, Madin, Po Gru, Acar đi ra ngoài, tìm hướng mặt trời, nhìn về hướng Tây (hướng Makkah - ở Việt Nam hướng mặt trời lặn trùng với hướng Makkak) để chuẩn bị hành lễ thờ phượng Allah. Sau đó Imam tal dẫn đoàn Katip, Madin, Po Gru, Acar vào lại bên trong thánh đường. Để thông báo giờ khắc bắt đầu tháng Ramadan, Imam tal đánh trống, sau đó mọi người cầm bình nước (aia mu, aia cruec) đi ra ngoài Racaow (tắm gội), xong, Imam tal đi đầu, kế tiếp Katip, Madin, Po Gru, Acar thứ tự vào lại bên trong thánh đường. Khoảng 7 giờ tối (lúc không còn tia sáng mặt trời), các giáo sĩ Acar chuẩn bị thực hiện waktu Al-Isha (esa). Các nghi thức được thực hiện đầu tiên sẽ làm lễ tẩy thể ở phía trước thánh đường. Các Acar đứng trên 9 phiến đá gọi là batau Kabah, trên tay cầm chiếc ấm đựng nước sạch để thanh tẩy. Thứ tự cách mâk aia của Bani Awal hoàn toàn giống Wudu của người Islam, nhưng cách người Bani Awal mâk aia cẩn thận hơn. Tiếp theo Bilal (gồm 2 người acar) đứng gần phần cửa ra vào của thánh đường để Azan (bang, kêu gọi mọi người đến hành lễ solat). Giọng Azan cất lên với câu Allahu Akbar (Thượng đế Allah vĩ đại) và sau đó là thực hiện lễ nguyện được bắt đầu. Cách thức hành lễ của Bani Awal còn giữ lại rất nhiều Rukun Sembahyang (luật hành lễ solat) của Islam như đứng khoanh tay vào bụng, Rukuh, Sujud, Iktidal, cho salam bên phải,…xong thủ tục, Acar ăn bánh, uống nước rồi mọi tín đồ đi về. Tiếp Madin đi đánh trống “taong hagar”, rồi các Acar đi ra tắm gội, xong vào Magik làm thủ tục ăn cơm, rồi đi ngủ.

Hình 2. Tín đồ Bani Isalm và Acar Bani Awal Azan "Bang".

Waktu Al-Fajr (Supbuhik) đầu tiên, Acar ngap wak (Solat) xong, tất cả phải kiêng cử, không ăn, không uống nước, không nuốt nước miếng, không cố ý đi tiểu… đóng cửa ngủ cho đến 11 giờ trưa, tất cả dậy đi tắm, xong Madin taong hagar, rồi tiếp tục ngap wak (solat) Zoho (Bahrik), xong acar lại đóng cửa ngủ tiếp cho đến chiều, tất cả dậy tắm, sau đó ngap wak (solat) Koser (As sarik) và Solat Magrib, xong thì cắn muối (talaih) sau một ngày (ikak), Acar lại ăn uống bình thường. Đến 7 giờ tối, ngak wak (solat) Isha (esa), xong tất cả acar đi ngủ, kết thúc ngày đầu tiên.

Quá trình fasting (kiêng cử không ăn, không uống) đối với hệ phái Bani Awal chỉ thực hiện trong ba ngày đầu, qua ngày thứ tư ăn uống bình thường.

Ramadan là tháng chay tịnh, nên mỗi Acar phải thực hiện những luật định chung và tu dưỡng đạo đức, đức tin, trao dồi thánh kinh,…Ngoài Acar thực hiện lễ nguyện, còn có nhiều tín đồ Bani Awal nam và nữ đến thánh đường. Nam thì ngồi một bên quan sát Acar hành lễ và tâm niệm cầu xin Allah ban sự bình an. Nữ thì mang bánh trái, chuối,… cho các vị giáo sĩ và cầu xin Allah ban sự an lành và khỏe mạnh.

Giờ giấc hành lễ (Waktu Solat)

Hành lễ trong tiếng Arab gọi “solat, salat hay salah”, trong tiếng Malay gọi “Sembahyang” gồm “Sembah là bái lạy” và “Yang” là thần thánh”, còn người Chăm thường gọi “Samiang” là biến thể từ chữ “Sem-yang”.

Hành lễ của Bani Awal đòi hỏi những điều kiện bắt buộc mà Acar phải thi hành và không thể thiếu sót được. Mỗi một lễ nguyện đều phải thực hiện đúng giờ giấc quy định [Koran 4:103]. Tóm lại có 5 lễ nguyện bắt buộc trong một ngày đêm, đó là:

1. Fajr - Subuh (supbuhik) [Lễ sáng trước hừng đông].

2. Zuhr - Zoho (bahrik) [Lễ trưa lúc mặt trời chếch bóng].

3. Asar - Koser (as sarik) [Lễ chiều].

4. Magrib - Magrib (grup bak) [Lễ tối lúc mặt trời lặn].

5. Isha - Isa (esa) [Lễ buổi đêm lúc không còn tia sáng mặt trời].

Khi hành lễ Solat, họ thường đứng trên một tấm thảm (Carpet), Karma (tấm trải), Chiếu (Ciew), Sajadah (Sejadah), Ciew bang, một loại chiếu cổ hay chiếu lễ của người Chăm. 

Theo Islam chính thống giáo, hành lễ bắt buộc gồm 5 lần hành lễ trong một ngày. Lễ nguyện mang tính bắt buộc (Fard), hành lễ phụ trội (Sunnah), hành lễ tự nguyện (Naafillah). Thiên sứ đã thực hiện các lễ nguyện phụ này trước và sau các lễ bắt buộc.

Số lần Rak’at bắt buộc là: 24434