HỘI ĐỒNG SƯ CẢ HỒI GIÁO BÀNI TỈNH BÌNH THUẬN Số: 056/BC-GT V/v Giải trình thảo luận về nguồn gốc tên gọi Hồi giáo Bàni |
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Phan Thanh, ngày 10 tháng 11 năm 2020
|
Kính gửi: - Ban Tôn giáo Chính phủ
- Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Bình Thuận
Theo công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ số: 981/TGCP-TNTGK, Hà Nội ngày 05/11/2020 về việc tổ chức hội thảo với một số nội dung liên quan đến Hồi giáo Bani. Để thống nhất hoạt động tôn giáo và công tác quản lý nhà nước đối với Hồi giáo Bani, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức hội thảo trao đổi, lấy ý kiến của chức sắc, chức việc Hồi giáo Bani hai tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận và một số cơ quan liên quan. Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận đã thống nhất ý kiến về tên tôn giáo, nay báo cáo Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan trong tỉnh với nội dung chính như sau:
1. Sơ lược lịch sử hình thành Hồi giáo Bani ở Champa
Islam (tiếng Arab là: al-'islām), có nghĩa là "vâng mệnh, quy phục Thượng Đế", mà ở Việt Nam gọi là Hồi giáo, người Chăm gọi “Asulam” là một tôn giáo Độc Thần. Đây là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới, sau Kitô giáo. Islam ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 7 tại bán đạo Ả Rập do Thiên sứ Muhammad sáng lập.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu cho rằng Hồi giáo đã du nhập vào Champa từ thế kỷ thứ 9 theo con đường tơ lụa, theo Ed Huber, đã tìm thấy trong Tống sử một đoạn ghi “Cũng có ở xứ Chàm nhiều trâu sống trên núi. Nhưng người ta không dùng trâu để cày bừa mà chỉ để tế thần”. Lúc giết trâu để cúng, họ đọc lời cầu nguyện “Allahu Akbar”, đây chính là câu thiên kinh để tôn vinh Allah là đấng tối cao duy nhất. Một số nhà khoa học thì dựa vào hai tấm bia viết bằng tiếng Ả Rập được khai quật ở miền Trung Việt Nam, do Ðô Ðốc người Pháp gởi sang Paris. Bia thứ nhất từ một ngôi mộ có tên Abu Kamil, niên đại 1039. Bia thứ hai có niên đại khoảng 1025- 1035. Dựa vào hai tấm bia trên, ông P. Ravaisse liền viết bài nghiên cứu vào năm 1922, cho rằng hai tấm bia này phát xuất từ miền Nam Champa từ thế kỷ thứ 9 (Ravaisse, 1922, p.247-289).
Một số Quốc vương Champa thời đó đã theo Hồi giáo như Chế Mân (hoàng tử Harijit) (1285-1307), lên ngôi lấy vương hiệu là Jaya Sinhavarman III, mà tài liệu Trung Quốc gọi là Pou Ti. Chế Mân đã liên kết chính trị với vương quốc Majapahit (Java, Indonesia) bằng cách kết hôn với công chúa Tapasi để làm hoàng hậu.
Chế Bồng Nga - Cei Bunga (1360-1390) là vị vua Hồi giáo được thần dân Champa kính trọng. Để bang giao với thế giới Mã Lai, vua Chế Mân lấy công chúa Siti Zubaidah của Kelantan-Malaysia.
Nhiều nhân vật Champa nổi tiếng đi truyền đạo Islam (Hồi giáo) cho Indonesia như Sunan Ampel (1401-1481), tên thật là Sayyid Ali Rahmatullah, được sinh ra tại Champa (nay là miền Trung Việt Nam). Là con của Maulana Malik Ibrahim "Sunan Gresik" và công chúa Champa. Năm 1433, Sunan Ampel được vua Champa phái sang đảo Jawa đi truyền bá Islam và cải đạo cho các tín đồ Hindu giáo tại đây. Sunan Ampel được lịch sử Indonesia nhắc đến như một vĩ nhân và là một người có công lớn trong việc truyền bá Islam vào Indonesia.
Sau thất bại Vijaya vào năm 1471, nhiều cư dân Champa lưu tán sang Malaysia, Indonesia, Thailand, Cambodia,... và hầu hết người Chăm ở đây đều bỏ tôn giáo Balamon để cải đạo sang Islam, sau đó quay về Champa truyền đạo cho cộng đồng Chăm. Từ đó Asulam có chỗ đứng chủ đạo trong thần dân Champa.
Triều đại XIV – Vijaja, Đại Việt Sử ký toàn thư, bản kỳ thực lục quyển 12, ghi người kế tục Trà Toàn (1460-1471) là tướng Bố Trì Trì, tướng Hồi giáo. Theo Việt Nam sử lược ghi người em Trà Toàn kế tục có tên là Trà Toại (1471-1474) (Trần Trọng kim, p.272). Vậy tướng Bố Trì Trì chính là Trà Toại (quân chủ cuối cùng của liên minh Champa). Sau khi Trà Toàn bị bắt, tướng Bố Trì Trì sang đất Phiên Lung (thuộc khu vực Panduranga), xưng tân vương Champa.
Theo Ts. Putra Podam, Champa là vương quốc đa chủng tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo. Trước thế kỷ thứ 15, dân tộc Champa thờ đa thần mang đậm sắc văn hóa Balamon. Sau thế kỷ thứ 15, dân tộc Champa nhận thêm một nền văn minh mới đó là Hồi Giáo (Islam).
Champa và Malaysia có mối quan hệ thân thiết từ thế kỷ 15, đó là cuộc viếng thăm của vua Po Kabrah (1460 - 1494) đến Malaysia và việc ngài gả em gái là công chúa Po Sah Ina kết hôn với Po Haniim Per, người Islam gốc Mã Lai (Po Dharma, 1999, p.5).
Po At (1553-1579), vị vua theo Hồi giáo (Islam), niên hiệu: Sultan Shafi'i Ibn Abu Khasim. Theo biên niên sử Champa Sakkarai dak rai patao thì Po At là cháu của Po Kunarai (1541-1553), lên ngôi năm Sửu, thoái vị năm Thỏ, trị vì 27 năm. Theo lịch sử, vua Johor (Malaysia) bị quân Bồ Đào Nha tấn công, vua Po At đã gửi một lực lượng gồm 400 thuyền chiến Champa sang giúp Sultan xứ Johor để tấn công quân Bồ Đào Nha ở Melaka.
Trong quá trình du nhập Islam vào Champa lúc đầu gặp nhiều mâu thuẫn vì Champa đang cai trị bởi Balamon. Sự xuất hiện Islam làm cho cộng đồng người Chăm bị phân hóa sâu sắc. Về văn hoá xã hội, Islam giáo du nhập vào Champa đem lại cho thần dân Champa một cuộc cách mạng về tư tưởng. Họ tin vào Thượng Đế, tin vào Đấng Allah, chứ không phải như trước họ tin vào “Vạn vật hữu linh”, vô số thần thánh chi phối cuộc sống sinh hoạt của con người. Từ đó, chủ nghĩa đa thần nhường chỗ cho chủ nghĩa độc thần và Allah tồn tại duy nhất trong tâm thức của mỗi người dân Champa.
Giới thiệu ba tác phẩm nổi tiếng ở Champa trong thời kỳ này để mô tả quá trình truyền bá Islam và Champa và minh chứng sự chia rẽ nhau giữa Chăm theo Balamon và Chăm theo Islam.
Akayet Um Marup, là một sử thi Champa, được sáng tác vào khoảng thế kỷ 17, nội dung chủ yếu là truyền bá Islam vào xã hội Champa. Hoàng tử Um Marup là con trai của vua Harum Mak. Trong một lần vào rừng đi săn, Um Marup đã gặp Nabi (Muhammad S.A.W), Po Ali (Sayyidina Ali), Abu Bakar, Umar, Salman,… được Po Ali thuyết phục cải đạo Islam để thờ phượng Thượng Đế duy nhất. Cuối cùng Um Marup quyết định rời khỏi ngai vàng để cải đạo từ Balamon sang Islam thờ phượng Đấng Allah. Nghe tin, Po Harum Mak hết sức giận dữ và cho quân tấn công. Cuối cùng hoàng tử đã thua và chết trận. Linh hồn hoàng tử Um Marup được Nabi và các thiên thần mang đến với Allah. Kết thúc trận chiến, đức vua Harum Mak đã thua trận và quy hàng bởi sự chống trả của đạo quân Nabi, và cuối cùng đức vua cũng chấp nhận cải đạo sang Islam.
Ariya Nai mai meng Makah, là một tác phẩm đề cập đến vấn đề lịch sử và xã hội Chăm được viết vào khoảng cuối thế kỷ 17 hay đầu thế kỷ 18, công chúa Mã Lai theo đường biển đến Harek Kah Harek Dhei - Champa, nhằm mục đích truyền bá Islam (Hồi giáo chính thống). Trước tiên công chúa cần phải chinh phục trái tim của vị hoàng thân Champa Hồi giáo để trở thành một người Islam. Trong thời gian ở Champa, công chúa Mã Lai được hoàng thân Champa dẫn đi thăm nhiều địa danh ở Champa. Mặc dù rất yêu công chúa đến từ xứ Makah, nhưng vì xã hội Chăm lúc bấy giờ đang khủng hoảng về tôn giáo, nên Hoàng thân không vì tình yêu riêng mà quên đi vai trò lãnh đạo quốc gia. Hơn nữa công chúa Mã Lai cũng không thể kết hôn khi Hoàng thân chưa thực sự cải đạo chính thống giáo, nên đành chấp nhận chia tay hoàng thân Champa và trở về Mã Lai.
Ariya Cam-Bani là tác phẩm văn vần được viết bằng Akhar Thrah vào thế kỷ 19, mô tả chuyện tình giữa cô gái Chăm đạo Balamon và chàng trai Chăm đạo Hồi giáo Bani yêu thương nhau. Do hai người không cùng tôn giáo, nên dư luận bàn tán xôn xao và cha mẹ bên cô gái ngăn cấm không cho con gái qua lại với chàng trai người Chăm Bani. Hai người bất cần sự dị nghị của mọi người và luôn tìm đến nhau. Kết cục cô gái thường xuyên bị đánh đập, không chịu đựng nỗi nhục và chịu trút bỏ hơi thở cuối cùng.
Po Rome (1627-1651) lên ngôi vua đóng đô ở Panduranga, kết hôn với công chúa Hồi giáo, chính thức mang tên Thánh Nik Mustafa, tên đầy đủ là: Nik Mustafa Bin Wan Abul Muzaffar Waliyullah. Po Rome chính thức có danh phận là thành viên của dòng dõi vương triều theo Hồi giáo tại (Serembi Makkah, tức là tiểu vương quốc Kelatan-Malaysia). Từ khi xã hội Champa tiếp nhận thêm tôn giáo Hồi giáo thì tình hình xung đột tôn giáo ngày càng trầm trọng trong cộng đồng người Chăm, do đó, vua Po Rome đã giải quyết, hóa giải vấn đề dân tộc, tôn giáo bằng cách đưa người Chăm Balamon cải đạo một phần sang Asulam gọi là “Ahier”. Nghĩa là Chăm Balamon phải thờ phượng thêm Allah của bên Hồi giáo như một Đấng Tối Cao, ngoài việc thờ phượng Brahma, Vishnu, Shiva là những vị thần trong Balamon-Ấn Độ giáo. Còn tín đồ Hồi giáo lúc đó cũng có một tên gọi mới theo thuật ngữ là “Awal”.
- Awal: Thuật ngữ Awal (gốc từ Ả Rập) có nghĩa là “đầu tiên, trước” để ám chỉ cho những tín đồ Hồi giáo (những người Chăm Balamon hay Chăm Jat đã theo Hồi giáo từ nhiều thế kỷ trước) cho tới triều đại vua Po Rome và chấp nhận Po Allah là Thượng Đế, Tối Cao và Duy Nhất nhưng chịu ảnh hưởng thêm yếu tố bản địa Champa.
- Ahier: Thuật ngữ Ahier (gốc từ Ả Rập) có nghĩa là “muộn, sau” để ám chỉ cho người Chăm đã từng theo Balamon (Brahmanism), nay chấp nhận thờ thêm Po Allah từ triều đại vua Po Rome. Po Allah xuất hiện trong cộng đồng Chăm Ahier không phải là Đấng Thượng Ðế Duy nhất mà là Ðấng Thượng Đế Tối cao đứng đầu trong danh sách các thần linh quan trọng của người Chăm ở Panduranga như Brahma, Vishnu, Shiva.
Cei Brei (1783-1786), vị vua Hồi giáo. Theo biên niên sử Champa Sakkarai dak rai patao thì Cei Brei là con của vua Po Tisuntiraydapaghoh, nhận tấn phong của Nguyễn Nhạc (Tây Sơn) vào năm Thỏ với chức tấn phong là Ceng (Chưởng Cơ), trị vì 4 năm và thoái vị năm Ngọ. Trong suốt 30 năm binh đao giữa quân Nguyễn Ánh và Tây Sơn, Po Cei Brei một thời gian ẩn náu ở vùng đất Đồng Nai Thượng, phải từ bỏ vai trò lãnh đạo và dẫn theo những người trung thành tìm đường sang Cao Miên vào năm 1795-1796 và định cư tại Roka Po Pram thuộc tỉnh Thbang Khmum, tức Kompong Cham, nơi sinh hoạt thường xuyên của người Chăm Mã Lai theo Hồi giáo.
Tuan Phaow (1796-1797), là một đề tài nghiên cứu dựa trên tác phẩm Ariya Tuan Phaow, nhằm ghi lại giai đoạn đấu tranh của nhân dân Champa. Tuan Phaow, một vị công hầu đến từ Mã Lai, mà biên niên sử Việt Nam gọi là Tuần Phủ (Po Dharma, 1987, II:74). Thế kỷ 18, xứ Panduranga-Champa bị chìm đắm trong một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng, bắt nguồn từ sự xung đột vào năm 1771 giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Panduranga-Champa bị cuốn vào cuộc chiến giữa hai thế lực thù địch mà chẳng liên quan gì đến Champa.
Katip Sumat (1833-1834), là vị học sĩ Chăm Islam sinh ở Kampuchea sang Serembi Mekah (tiểu vương quốc Kelantan, Malaysia) du học về triết lý Hồi Giáo. Ông là một người rất tinh thông về Thiên kinh Koran và người Chăm tôn sùng như một vị siêu nhân về quyền năng mầu nhiệm. Năm 1832 đánh dấu năm từ trần của Lê Văn Duyệt, tổng trấn Gia Định Thành. Lợi dụng cơ hội này, vua Minh Mệnh xua quân chinh phạt và thống trị toàn bộ lãnh thổ Champa. Năm 1833, Katip Sumat về Panduranga chiêu mộ quân làm cuộc Jihad (Thánh chiến) lấy học thuyết Islam làm nền tảng và Đức Tin tôn giáo làm ý chí đấu tranh chống triều đình Huế. Cuộc khởi nghĩa của Katip Sumat đã thất bại và ông cho lui quân về miền rừng núi ở Đồng Nai Thượng.
Katip Ja Thak Wa (1834-1835), trước biến cố về chính sách hà khắc của vua Minh Mệnh, Katip Ja Thak Wa, người Chăm Hồi giáo Bani, một nhân vật quan trọng trong triều đình Champa, có quan hệ mật thiết với Hồi giáo (Islam), đã từng tham gia chỉ huy trong phong trào Katip Sumat và đứng ra lãnh đạo nhân dân Champa, tổ chức mật trận chống triều đình vua Minh Mệnh vào năm 1834.
Kết thúc của cuộc nổi dậy năm 1835, sự liên kết của Chăm với thế giới bên ngoài cũng giảm đi đáng kể. Tình hình này tiếp diễn cho đến nửa sau của thế kỷ 19, khi Bình Thuận và năm tỉnh khác ở miền Nam đã được nhà Nguyễn trao lại cho người Pháp vào cuối cuộc chiến Pháp - Việt năm 1858-1861. Sự xuất hiện của thuộc địa Pháp tại Việt Nam thực sự đã kết thúc những chính sách hà khắc của Nhà Nguyễn. Sự phân hủy bộ máy hành chính của nhà Nguyễn khi đối mặt với sự kiểm soát mạnh mẽ của Pháp ở các tỉnh đã cho thấy sự khởi đầu của những khát vọng khôi phục bản sắc của người Chăm xưa. Những nỗ lực để thiết lập lại mối liên kết truyền thống với thế giới bên ngoài, bao gồm cả những tiểu bang của Mã Lai, đóng một vai trò quan trọng. Điều này được thể hiện qua các báo cáo của các giáo sĩ tôn giáo (ulama) từ bán đảo Mã Lai đã thường xuyên đến vùng đất Champa trước đây trong những năm cuối của thế kỷ 19 và những thập kỷ đầu của thế kỷ 20. Giống như những người tiền nhiệm của họ, nhiều người trong số những du khách đó ở lại lâu dài ở Champa cũng như trong số những người Chăm ở Kampuchea. Họ kết hôn với người Chăm và sinh con. Một số trong những gia đình này vẫn còn ở Champa và Kampuchea, củng cố các mối quan hệ đã được thiết lập trong những thế kỷ trước đó. (trích từ Quan hệ Việt Nam-Champa và mạng lưới khu vực Malay và Hồi giáo trong các thế kỷ 17-19) bởi Danny Wong Tze Ken.
2). Ngữ nghĩa gốc từ Bani
Theo khái niệm và quy định chung về tín ngưỡng, tôn giáo số: 02/2016/QH14 ngày 18/11/2016 của Quốc hội Việt Nam trong điều 2 với nội dung như sau:
Tín ngưỡng: Là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
Tôn giáo: Là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức. Một tôn giáo phải có đủ 4 yếu tố cấu thành, đó là: giáo chủ, giáo lý, giáo luật và tín đồ.
Theo Ban tôn giáo chính phủ thì ở Việt Nam đã được công nhận gồm14 tôn giáo, trong đó có Hồi giáo. Ở cộng đồng Chăm đức tin về Hồi giáo được chia thành hai hệ chính là: Hồi giáo Isam (Hồi giáo chính thống) và Hồi giáo Bani (Hồi giáo hệ phái Champa).
Hồi giáo Bani hiện nay sử dụng thiên kinh Koran (Qur’an của Islam) làm kim chỉ nam, tôn thờ Đấng Tối cao Allah và phụng sự Thiên sứ Muhammad như Hồi giáo Islam (Chính thống giáo).
Islam du nhập vào Champa khoảng thế kỷ 9, nhưng phát triển cực thịnh vào thế kỷ thứ 16 ảnh hưởng từ quốc gia Mã Lai và một số quốc gia khác ở Đông Nam Á. Để chỉ tôn giáo Islam người Chăm phiên âm thành từ Asulam. Đối với tôn giáo Asulam thì người Chăm còn dùng từ Bani (nghĩa tương tự Muslim) được dùng rất phổ biến không chỉ dành riêng cho người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận, mà còn sử dụng ở người Chăm Nam Bộ, Chăm Kampuchea,…
Hồi giáo Bani (Người Chăm dùng: Asulam Bani hay Awal Bani) là một tôn giáo độc thần, chỉ thờ phượng Allah là Đấng Tối Cao, Duy Nhất và Muhammad là vị Thiên sứ cuối cùng được Allah mặc khải Thiên kinh.
Hệ phái Hồi giáo Bani của người Chăm gồm hai tầng lớp:
- Tầng lớp giáo sĩ Acar (ulama): trực tiếp chỉ thờ phượng Allah.
- Tầng lớp tín đồ Bani: phục tùng giáo sĩ Acar và thờ phượng Allah. Nhưng lớp tín đồ nếu trang bị đầy đủ kiến thức và Thiên kinh Koran thì cũng có thể trở thành giáo sĩ Acar để trực tiếp thờ phượng Allah.
Theo thuật ngữ thì từ Bani có một số ngữ nghĩa như:
- Bani: thường dùng để chỉ tín đồ thờ phượng Allah. Nhưng theo R.P Durrand (1903), tên gọi Bani là phiên âm theo từ gốc Ả Rập có nghĩa là “con trai”.
- Bani: trong tiếng Ả Rập dùng để chỉ sắc dân như: Bani Israel (sắc dân Do Thái), Bani Chăm (nhóm người Chăm theo đạo mới).
- Bani: chỉ tín đồ Asulam (Hồi giáo) của người Chăm (tương tự Muslim của Islam). Bani còn thường dùng để chỉ người mới nhập đạo, người có đạo, hay người có đức tin với thượng đế Allah. Ví dụ: Bani Jawa: nghĩa là: người Jawa cải đạo Hindu theo đạo mới, ám chỉ theo Hồi giáo, gọi tắt là người Jawa.
Khi thực hiện “lễ cắt bao quy đầu”, thì người Chăm Nam bộ, Chăm Kampuchea, Chăm Ninh Thuận hay Bình Thuận đều gọi “Khatan tamâ Bani” nghĩa chính là lễ cắt bao quy đầu, nhưng thường gọi lễ nhập đạo. Ở đây ám chỉ dĩ nhiên là nhập đạo Islam (Asulam) chứ không mang nghĩa khác như nhập đạo Balamon, Tin Lành, Thiên Chúa giáo hay Phật giáo,…Nhưng nghĩa đối với riêng người Chăm thì cụm từ ‘Khatan tamâ Bani” (nhập đạo), ám chỉ không phải nhập đạo Balamon, mà nhập đạo mới Asulam theo thờ phượng thượng đế Allah.
Từ “Bani” chỉ có nghĩa là tín đồ, hay người Chăm nhập đạo mới (ám chỉ theo đức tin Allah), hay chỉ nhóm sắc dân Chăm tôn thờ Allah, hay đơn giản là người “Có đạo” (Ám chỉ đạo Asulam không phải đạo Balamon). Điều này cũng như người Việt gọi hai từ “Xóm đạo”, là xóm những người theo Công giáo, chứ không phải người theo Phật giáo, Hòa Hảo hay Cao Đài,…
Theo nghĩa rộng thì người Chăm theo tôn giáo Balamon (Brahmanism) thì chỉ thờ phượng Brahman, Vishnu, Shiva. Nhưng sau cuộc hóa giải của vua Po Rome (1627-1651) thì người Chăm Balamon chấp nhận thờ thêm Po Allah (Đấng Toàn năng). Po Allah xuất hiện trong cộng đồng Chăm Balamon không phải là Thượng đế Duy nhất mà là Ðấng Thượng đế Tối cao đứng đầu trong danh sách các thần linh quan trọng khác của người Chăm Balamon ở Panduranga. Từ đó, tôn giáo Balamon có một thuật ngữ mới là: Ahier (nghĩa là Balamon thờ thêm thượng đế Allah). Như vậy có thể gọi Chăm Ahier cũng là tín đồ Bani (Vì thờ phượng thượng đế Allah).
Từ những nhận định trên khẳng định, Bani không phải là đạo mang tên Bani, mà Bani là tín đồ của Hồi giáo Champa cũng giống như tên quốc tế Muslim là tín đồ của Islam.
Một số người tại Ninh Thuận, Bình Thuận thường hiểu lầm “Bani” là đạo tên Bani. “Chăm Bani” là người Chăm theo đạo Bani. Đây là cách Hiểu sai, Không đúng hay Không chính xác. Vì trên thế giới không có đạo nào tên Bani.
3). Sự tương đồng và khác biệt giữa Hồi giáo Bani và Hồi giáo chính thống
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, Hồi giáo Bani ở Ninh Thuận còn sót lại nhiều dấu tích của hệ phái Shiah của người Ba Tư, ngược lại Hồi giáo Bani ở Bình Thuận lại mang đậm các dấu tích của Islam Sunni, và cả hai khu vực thuộc Panduranga đều phủ đầy nét văn hoá Islam Mã Lai.
Khái niệm Islam chính thống giáo là những gì thuộc giáo lý như (thiên kinh Koran, Hadith,...), còn tín đồ hay người theo Islam cũng như các nhánh, các hệ phái, các chi phái...là họ đang bám vào giáo lý Islam để dần dần hoàn thiện sự chính thống giáo một cách trọn vẹn. Ví dụ ở Kelantan-Malaysia vào đầu thế kỷ 20, phụ nữ vẫn chỉ che đến phần ngực phía dưới và lộ nguyên phần ngực phía trên và đôi vai như người Thái, trái hẳn với luật Islam phụ nữ phải che kín. Các vùng như Kelantan, Terengganu, Kedah,…cúng các lễ tục Mak Yong (cúng cho người bệnh) như Raja Praong, cúng bảy công chúa con của thần biển, cúng thần Yang trong lễ cắt bao quy đầu, cúng thần yang trong lễ tục thả Diều,… Đến tận 1950, khi đảng Hồi giáo Liên Malaysia (PMIP; sau là PAS) lên nắm quyền thì Islam tại Malaysia được loại bỏ dần những tín ngưỡng ảnh hưởng (Yang) thần bởi chính quyền đã dùng vũ lực dẹp bỏ các lễ tục hay tín ngưỡng trên. Từ đó Islam tại Malaysia được hoàn thiện dần Islam chính thống giáo như ngày hôm nay. Tuy nhiên, hiện nay ở một số nơi hẻo lánh thuộc hải đảo xa xôi Indonesia, Malaysia, các tín đồ Islam vẫn còn thực hiện một số lễ tục truyền thống như cúng thần sông, thần núi, tổ tiên,…dưới vỏ bọc của Islam.
Hồi giáo Bani: là một hệ phái mới xuất hiện ở Champa do ảnh hưởng văn hóa bản địa Champa, là một tôn giáo tiếp nhận từ Islam trên thế giới. Khi bàn đến hệ phái Hồi giáo Bani (Awal Bani) thì phải bàn đến tầng lớp giáo sĩ Acar (ulama) và hệ thống hành lễ của Acar chứ không nói đến tín đồ Bani thông thường.
a). Sự tương đồng
Hồi giáo Bani sử dụng thiên kinh Koran (Qur’an của Islam), tôn thờ Đấng Tối cao Allah và phụng sự Thiên sứ Muhammad như Hồi giáo Chính thống (Islam).
Hồi giáo chính thống, các tín đồ phải tuân theo năm điều, đó là năm trụ cột hay năm nghĩa vụ thiêng liêng của các tín đồ. Những bổn phận này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ ý thức của tín đồ với cộng đồng Islam nói chung. Năm trụ cột của Islam là: Shahadah, Solat, Sawm, Haji, Zakat.
Năm trụ cột của Islam chính thống giáo được liệt kê ở trên thì được giáo sĩ Acar của Hồi giáo Bani (hệ phái Acar) được thực hiện cả năm trụ cột. Cụ thể, Shahadah, được tuyên thệ trong nghi thức nhập thành viên giáo sĩ. Solat, được cầu nguyện năm lần một ngày vào tháng Ramadan và thực hiện trụ cột Sawm. Yakat, được thực hiện từ ngày thứ 27 (tuh brah) đến ngày thứ 30 (cuối cùng) tổ chức Yakat chia sẽ gạo và chia sẽ cơm (Yakat) cho cho bà con trong dòng họ và người nghèo.
Riêng trụ cột Haji (hành hương), thì các giáo sĩ Acar, Imam đều thực hiện hành hương bằng hình thức tổ chức đi thăm các Thánh đường (Masjid-Magik) khác trong khu vực vào tháng Ramadan (Ramawan). Vì điều kiện khó khăn, giáo sĩ Acar của Hồi giáo Bani rất ít có mối quan hệ với thế giới bên ngoài nên rất hạn chế giao lưu so với Islam chính thống giáo trong nước. Tuy nhiên trong thời kỳ mới đã có một số Acar đi du lịch nước ngoài, điều này chứng tỏ giáo sĩ Acar cũng đã nhận thức được và hội nhập với phần còn lại của thế giới.
Hơn nữa Hội đồng Tối cao Islam thế giới đã thống nhất và chấp thuận xem hệ phái Hồi giáo Bani như là một hệ phái riêng của Islam thế giới nên đã chấp thuận và khuyến khích cho hệ phái Hồi giáo Bani (Awal Bani) là giáo sĩ Acar được phép đi hành hương (Haji) tại Makkah, và được thực hiện những nghi thức ở ngôi đền Kabah tại Masjid al-Haram, vương quốc Saudi Arabia.
Hành hương (Haji) tại Makkah đã được giáo sĩ Hồi giáo Bani thực hiện lần đầu tiên vào năm 2013 do chính phủ Saudi Arabia đài thọ. Trong đó có Imam Từ Công Dư, phó chủ tịch Hội đồng Sư cả Ninh Thuận và Imam Não Thanh Quyết. Lần thứ hai được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mời đi Haji gồm Imam Từ Công Dư và Imam Đạo Văn Thị nhưng tình hình Covid-19 nên không đi được.
Thánh đường (Masjid hay Magik): của Hồi giáo Bani hay Hồi giáo Islam trên thế giới đều thiết kế xây theo hướng về phía thánh địa Makkah hay từ bất cứ địa điểm nào Majid (Magik) luôn hướng về vị trí của Kaaba được gọi là “qibla” hay “Kiblat”. Ở Việt Nam hướng Kiblat trùng với hướng Tây (hướng mặt trời lặn), do đó thánh đường ở Việt Nam thường xây về phía Tây và cửa chính ra vào thường là hướng Đông. Tuy nhiên ở thành phố San Jose – California, hướng Kaaba (hướng Kiblat) nằm lệch ở hướng 15 độ Bắc.
Ramadan (Người Chăm gọi: Ramawan) là tên gọi tháng 9 của niên lịch Islam, người Chăm Hồi giáo Bani thường gọi tháng Ramadan là Bulan Aek (tháng lễ thức nhịn chay). Đây là tháng lễ lớn nhất của Hồi giáo Bani nói riêng và của Islam trên toàn thế giới nói chung. Tuy nhiên, tháng Ramadan của hệ phái Hồi giáo Bani có một số điểm khác biệt so với Hồi giáo Islam.
Kabur rak (lễ tảo mộ): Lễ tảo mộ của Hồi giáo Bani một phần thuộc về tôn giáo, phần còn lại thuộc về tín ngưỡng dân gian tạo thành một nét văn hóa riêng mang tính bản địa Champa. Những đoàn người, già, trẻ, gái, trai, chức sắc Acar, nhất là những phụ nữ, trong những bộ trang phục áo dài trắng mới nhất cùng những dụng cụ và lễ vật dâng cúng đến nghĩa trang.
Lễ tảo mộ của người Chăm Hồi giáo Bani ngày nay là một phần di sản từ Islam chính thống giáo mà tổ tiên đã từng theo trước đây, đó là lễ ziarah kubur. Lễ tảo mộ nhằm chăm sóc phần mộ của ông bà, tổ tiên. Do ảnh hưởng Islam, người Chăm Hồi giáo Bani khi chết đi được chôn trong nghĩa trang gọi là Kabur Rak hay Gahul Rak (Kabur là những ngôi mộ), nhưng hiện nay người Chăm thường quen gọi từ Ghur. Mỗi dòng họ có một khu nghĩa trang riêng để chôn cất người thân khi qua đời, khu mộ riêng của từng dòng họ được xem là gia phả riêng của tộc họ đó. Các ngôi mộ được chôn theo dãy, gần sát nhau, hai phía đầu và chân mộ đặt hai hòn đá hay bia đá làm thành hai dãy đá dài. Mỗi mộ phần là hai bia đá, đầu hướng Bắc – Chân hướng Nam, người nằm nghiên bên phải mặt về hướng Tây (hướng Makkah). Chú ý: Thi thể người chết không nằm ngữa, mà phải nằm nghiêng mặt nhìn về hướng Tây (hướng Kiblat trong tư thế đang hành lễ).
Quan sát các ngôi mộ của Chăm Hồi giáo Bani, thấy những hòn đá, không khắc tên, thẳng đều chính là cách xây mộ của người Islam thời khởi nguyên, thời mà thiên sứ Muhamad còn sống và tự mình giảng dạy những khúc mắc về Islam cho các tín hữu và các vị Sahabat (bạn đạo).
Katan (Lễ cắt bao quy đầu): là lễ cắt bao quy đầu dành cho nam giới, có nguồn gốc từ Saudi Arabia với nghi lễ Khatan, trong khi Chăm Châu Đốc dùng từ Khotan hay Malay dùng từ Sunat. Katan đối với người Chăm Hồi giáo Bani là lễ cắt bao quy đầu (giúp vệ sinh sạch sẽ dương vật và ngăn ngừa nhiều căn bệnh liên quan), đồng thời được đặt tên và có ý nghĩa là nhập đạo, cho dù cha mẹ đã là Hồi giáo Bani (dù hoài thai trong bụng mẹ đã là Hồi giáo Bani) hoặc dù trước đó theo bất kỳ tôn giáo hay tín ngưỡng nào như (Chăm Jat, Chăm Balamon, Phật giáo, Thiên chúa,…) nay Katan để chính thức được công nhận thành viên Hồi giáo Bani, là tín đồ của Allah, Đấng Toàn năng và Duy nhất.
Theo Hồi giáo Islam, bé trai mới sinh khoảng vài tháng tuổi thì cha mẹ phải làm lễ cắt tóc (Cakak mbuk) và đặt tên (Brei angan). Lễ này chỉ tổ chức riêng biệt, cá nhân chứ không tổ chức theo dạng tập trung. Để thực hiện lễ cắt tóc, bé trai được đặt trên một cái mâm và thực hiện lễ tục này. Để cắt tóc, người ta cắt ba lọn tóc và sau đó đăt tên cho em bé. Tên thường đặt cho bé trai như: Muhammad, Ali, Abdullah, Husien,…. Sau khi thực hiện lễ cắt tóc và đặt tên xong, các bé trai được xức dầu thơm và kết thúc lễ tục. Ngoài lễ cắt tóc và đặt tên cho bé trai, Chăm Bani Islam nói riêng và tín đồ Islam nói chung phải tổ chức lễ Katan (Cắt bao quy đầu cho bé trai).
Theo Hồi giáo Bani, bé trai trước khi trưởng thành khoảng 12 tuổi thường phải làm lễ “Katan” hay “Khatan”, người Nam bộ gọi “Khotan”, còn người Malaysia gọi “Sunat”. Từ “Khatan” nguồn gốc tiếng Arabic, là hành động cắt bao quy đầu. “Ngak Khatan” là hành động cắt bao quy đầu. Người Islam không có lễ nhập đạo mà hoài thai trong bụng mẹ là đã Islam rồi. Nhưng họ khuyến khích Khatan lễ cắt bao quy đầu cho trẻ từ lúc mới sinh được bảy ngày, vì điều này sẽ giúp trẻ màu lành vết thương. Hoặc lớn lên khoảng 5 tuổi, khi nhận thức được vết thương. Người Chăm thường dùng từ “ngak Khatan tamâ Bani” chứ không ai nói “ngak Khatan tamâ Islam”, điều này được dùng cho cả Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận, Chăm Nam bộ và Chăm Campuchea.
Tama Bani (Lễ nhập đạo): Mọi tín đồ của Hồi giáo Bani hay Hồi giáo Islam, muốn kết hôn thì phải tìm bạn đời là người cùng đồng đạo, đó là luật định và bắt buộc.
Trường hợp người ngoại đạo “Kafir” muốn cải đạo hay muốn kết hôn với tín đồ Hồi giáo chính thống (Islam hay Bani Islam) hay Hồi giáo Bani (Bani Awal) thì bắt buộc phải cải đạo sang Bani Islam hay Bani Awal.
a1. Cải đạo sang Hồi giáo Bani: Muốn cải đạo sang Hồi giáo Bani thì bắt buộc phải thực hiện nghi lễ Kareh (lễ cắt tóc và lễ đặt tên) dành cho nữ giới, và nghi lễ Katan (lễ cắt da quy đầu và lễ đặt tên) dành cho nam giới. Sau khi thực hiện nghi lễ Katan hay Kareh, thì mọi người đã trở thành tín đồ hệ phái Hồi giáo Bani.
a2. Cải đạo sang Hồi giáo Islam: Muốn cải đạo sang Islam (Bani Islam) thì phải hiểu việc muốn trở thành tín đồ Islam và cách hành xử của một tín đồ Islam.
1. Đọc Thiên kinh Koran: Thiên kinh được viết với những từ ngữ thuần khiết của Thượng đế và là đỉnh cao của Kinh thánh và Do Thái. Cuốn thánh thư Hadith là nền tảng của luật Islam.
2. Thực hiện nghi thức phải đọc tuyên thệ Shahadah:
"Ashhadu Alla Ilaha Illa Allah, Wa Ashhadu Anna Muhammad Rasulu Allah".
[Tôi chứng nhận không có Thượng Đế nào khác ngoài Allah. Và tôi chứng nhận Muhammad là Thiên Sứ của Allah].
3. Sống theo nguyên tắc giáo luật Islam: Thường xuyên cầu nguyện với Allah và thực hiện nghĩa vụ và sống theo một số cách nhất định như thực hiện chế độ ăn Halal, ăn uống bằng tay phải, không bao giờ dùng tay trái, vệ sinh cá nhân đúng cách, tránh sự tương tác không cần thiết với người khác giới, cấm hoạt động tình dục ngoài hôn nhân, cấm phụ nữ đã kết hôn quan hệ tình dục trong thời gian kinh nguyệt, tuân thủ quy tắc ăn mặc của một tín đồ Islam.
4. Áp dụng năm trụ cột: Tín đồ Islam phải hành động năm trụ cột cốt lõi của Islam là: Shahadah, Salah (salat, solat), Sawn, Zakat, và Hajj (Haji).
5. Tin tưởng vào sáu Tín điều: Mọi tín đồ Islam phải có lòng tin vào Đấng Allah và mệnh lệnh toàn năng của Ngài. Sáu tín điều bắt buộc là: Tôn thờ Allah duy nhất, thiên thần của Ngài (người hầu của Chúa), Thiên kinh Koran (Quran), Sứ giả của Ngài (các Thiên sứ như Jesus, Abraham,…), Ngày phán xét (Chúa sẽ phán xét tất cả vật thể sống trên trái đất vào một thời điểm), Định mệnh (Chúa tiền định mọi việc).
Như vậy, bạn đã trở thành tín đồ Hồi giáo Bani hay Hồi giáo Islam, theo giáo luật khi trở thành tín đồ Hồi giáo Bani hay Hồi giáo Islam thì tín đồ phải tuyệt đối phục tùng tôn thờ Allah duy nhất, cấm tôn thờ người hay vật khác cùng với Allah. Bên cạnh đó phải tuyệt đối tuân thủ và làm theo những gì do Thiên Sứ Muhammad hướng dẫn.
Ngoài ra còn một số lễ khác liên quan đến lễ nghi vòng đời người của của Hồi giáo Bani đều tương tự Hồi giáo Islam, nhưng chỉ khác về mặt nghi thức.
b). Sự khác biệt
Hồi giáo Bani: Sự khác biệt thấy rõ nhất giữa Hồi giáo Islam và Hồi giáo Bani là Hồi giáo Bani (Tầng lớp giáo sĩ Acar) không thực hiện cầu nguyện (Solat) 5 lần/ngày, nhưng chỉ thực hiện 5 lần /ngày vào tháng Ramadan (Ramawan) mà thôi.
Hồi giáo Islam: Tín đồ (Muslim) phải cầu nguyên năm lần một ngày, vào lúc bình minh, giữa trưa, giữa chiều, khi mặt trời lặn và tối. Tín đồ có thể cầu nguyện tại bất cứ đâu - tại trường học, nơi làm việc, tại nhà hay ngoài trời - nhưng phải theo quy định. Trước khi cầu nguyện, tín đồ phải ở trong một trạng thái tinh thần và thể xác thanh khiết. Đó là trụ cột thứ hai cầu nguyên Solat.
Ngoài ra còn một số khác biệt giữa hai hệ phái, nhưng chung quy lại tất cả tín đồ và hệ phái đều đang cải thiện dần bám lấy giáo lý, giáo luật và thiên kinh Koran để phát triển tốt và phù hợp theo văn hóa của dân tộc.
c). Đánh giá
Đặc tính đầu của Islam là sự liên hệ mật thiết giữa tôn giáo và chính trị, tức là giữa Đời và Đạo. Chính vì thế ngay sau khi Muhammad qua đời, sự chia rẽ xảy ra ngay giữa các đồng đạo, tạo thành các nhóm chính trị chống đối nhau, đưa đến sự thành hình nhiều Chi phái lớn như Sunni, Shia, Sufiya, Kharijite, Ahmadiyya, và nhiều giáo phái nhỏ khác, trong đó có hệ phái Hồi giáo Bani (Asulam Bani). Khi nói đến Hồi giáo (Islam) thì nói đến những gì thuộc giáo lý như (thiên kinh Koran, Hadith,...), còn tín đồ hay người theo đạo cũng như các nhánh, các hệ phái, các chi phái...là họ đang bám vào giáo lý Islam để dần dần hoàn thiện sự chính thống giáo một cách trọn vẹn. Vậy thử đặt câu hỏi: Hồi giáo trên thế giới cũng như tín đồ Muslim đã có đức tin tuyệt đối vào Koran và Hadith chưa? Câu trả lời là chưa. Với từ Hồi giáo chính thống thì thực tế Islam ở nước nào gọi là chính thống? vì thực tế họ chỉ đang bám vào giáo lý Islam để hoàn thiện dần mà thôi.
Sai lầm của nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Hồi giáo Bani ở Champa là Hồi giáo bản địa nhưng không đưa ra lý lẽ đâu là tính bản địa và đâu là vết tích chính thống giáo, bởi thực sự họ chưa hiểu cặn kẽ về Hồi giáo chính thống. Cũng như sự nhận định sai lầm khi cho rằng Islam ở Saudi Arabia và Islam Malaysia là chuẩn là chính thống giáo. Từ nhận định trên nên các kết quả nghiên cứu đã bị sai lệch.
4). Mối quan hệ giữa cộng đồng Hồi giáo Bani trong tỉnh với Hồi giáo chính thống trong nước và trên thế giới.
Như đã sơ lược lịch sử hình thành Hồi giáo Bani ở mục 1, thì Hồi giáo (Islam) đã truyền sang Champa từ thế kỷ thứ 9 và phát triển cực mạnh vào thế kỷ 16, và nhiều Quốc vương Champa là người Hồi giáo. Sau khi thủ đô Vijaya sụp đổ vào năm 1471 nhiều cư dân Champa ly tán sang Malaysia, Indonesia, Thailand, Cambodia,... và hầu hết người Chăm ở đây đều bỏ tôn giáo Balamon để cải đạo sang Islam, sau đó quay về Champa truyền đạo cho cộng đồng Chăm. Từ đó Hồi giáo (Asulam Bani) có chỗ đứng chủ đạo trong thần dân Champa. Đặc biệt vào thời kỳ vua Po Rome (1627-1651), thì Champa có mối quan hệ tốt với thế giới Mã Lai và dòng tộc Po Rome có danh phận và gia phả đang lưu tại Malaysia.
Quốc gia Đông Nam Á được coi là trung tâm Hồi giáo lớn thứ hai sau Trung Đông. Đặc điểm nổi bật của Hồi giáo trong khu vực này là sự liên kết các cộng đồng Hồi giáo qua việc cùng chia sẻ văn hoá Melayu. Một số quốc gia Hồi giáo như Malaysia, Indonesia, Singapore, Brunei, Thái Lan phần lớn nói tiếng Melayu, còn lại các cộng đồng Hồi giáo ở Việt Nam, Campuchia, Lào, Philippines thì cùng ngữ hệ Melayu-Polynesian. Tiếng Melayu là ngôn ngữ giao tiếp của các cộng đồng Hồi giáo trong khu vực là sợi dây gắn chặt các cộng đồng này với nhau trong các mối quan hệ. Bên cạnh sự tương đồng về ngôn ngữ, các cộng đồng này còn có nhiều phong tục, tập quán giống nhau như các lễ nghi, trang phục, ẩm thực,…
Từ khi Minh Mệnh thống trị Champa, thì cộng đồng người Chăm tại chỗ không còn mối liên hệ với thế giới bên ngoài. Sau khi Pháp xuất hiện tại Việt Nam thì những nỗ lực để thiết lập lại mối liên kết truyền thống với thế giới bên ngoài, như Mã Lai, Thái Lan, Campuchia,… Nhưng trên thực tế mối liên hệ này chỉ phát triển mạnh ở tín đồ Islam (Muslim ở Việt Nam), nghĩa là mối liên hệ chỉ tồn tại ở Hồi giáo Isam trong nước và Islam trên thế giới.
Trước 1963, người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận thường gọi người Chăm Nam Bộ là người Jawa (người theo Islam), sau năm 1963, sự du nhập trở lại của Islam chính thống giáo tại Sài Gòn vào cộng đồng người Chăm Hồi giáo Bani ở Ninh Thuận xuất phát từ mối quan hệ chặt chẽ giữa ông Từ Công Xuân (cựu dân biểu) và người Chăm Hồi giáo Islam Châu Đốc.
Vào những năm 1964-1975, trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai và những cuộc nội chiến ở Kampuchea thì xuất hiện vai trò FULRO. Tổ chức này đã kêu gọi cộng đồng Chăm trong nước tham gia để đòi quyền lợi cho người Chăm và gây áp lực cho chính quyền Sài Gòn và đã ban hành nhiều đạo luật đặc biệt về đất đai, kinh tế, xã hội, giáo dục,… dành cho dân tộc thiểu số và hình thành một đơn vị hành chánh cao nhất trong nội các Việt Nam Cộng Hòa, đó là Bộ Phát Triển Sắc Tộc đặc dưới sự điều hành của Bộ Trưởng Sắc Tộc gốc người thiểu số.
Những năm 1984-2017, Pgs.Ts Po Dharma người Chăm công tác với cương vị giám đốc Viện Viễn Đông Pháp (EFEO) và tùy viên Phái bộ Pháp tại Mã Lai thì tình hình người Chăm có mối quan hệ tốt với thế giới Hồi giáo, nhưng chỉ dừng lại ở người Chăm Mã Lai, Thái Lan, Campuchia,…và Hồi giáo Islam, còn người Hồi giáo Bani thì rất ít.
Năm 2013, Hội đồng Tối cao Islam thế giới đã thống nhất và chấp thuận xem hệ phái Hồi giáo Bani là một hệ phái của Islam thế giới nên đã chấp thuận và khuyến khích cho hệ phái Hồi giáo Bani là giáo sĩ Acar được phép đi hành hương Haji tại Makkah. Hành hương (Haji) tại Makkah đã được giáo sĩ Acar Bani lần đầu tiên do chính phủ Saudi Arabia đài thọ, đó có Imam Từ Công Dư, phó chủ tịch Hội đồng Sư cả Ninh Thuận và Imam Não Thanh Quyết. Lần thứ hai được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mời đi Haji gồm Imam Từ Công Dư và Imam Đạo Văn Thị nhưng chưa đi được. Việc hành hương Haji tại Makkah mang lại nhiều hồng phúc thiêng liêng cho các bầy tôi như thể hiện sự độc tôn hóa Allah, đặc ân tha thứ của Allah dành cho những người hành hương, những tín đồ Islam có cơ hội quen biết và giao lưu với nhau, học hỏi các giáo luật tôn giáo và những hồng phúc khác.
Ngay nay, các nước Hồi giáo không chỉ có quan hệ tôn giáo mà quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước Hồi giáo phát triển khá mạnh. Từ đó, góp phần tăng cường giao lưu, tiếp xúc và sinh hoạt tôn giáo cùng với cộng đồng Hồi giáo tại đây. Bên cạnh đó, có một số người sang các nước như: Ả Rập, Malaysia, Indonesia, Thái Lan,… để làm việc theo diện “Công nhân xuất khẩu lao động”, nhưng phần lớn chỉ tồn tại ở người Hồi giáo Islam, còn Hồi giáo Bani thì rất khiêm tốn.
5). Ý kiến của chức sắc, tín đồ cộng đồng Hồi giáo Bani trong tỉnh về vấn đề tên tôn giáo
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ công nhận thì tại Việt Nam có 14 tôn giáo, trong đó có Hồi giáo (Islam). Riêng Hồi giáo ở người Chăm thì có hai hệ phái. Hệ phái Hồi giáo Champa gọi là Hồi giáo Bani (Asulam Bani hay Awal Bani). Trong khi đó Hồi giáo Islam (Hồi giáo chính thống) là hệ phái đang bám chắc vào giáo lý, giáo luật, thiên kinh Koran,… hoàn thiện và hội nhập theo sự phát triển của thế giới.
Danh xưng "Hồi giáo" tuy các tín đồ Islam thế giới hay Islam Việt Nam không đồng thuận ban đầu, nhưng từ “Hồi giáo” là tiếng Việt nên sau này tín đồ đã chấp nhận. Theo nghiên cứu cho thấy, từ “Hồi giáo” hình thành từ hai lý do:
Lý do 1: Dân tộc “Hui” có nguồn gốc từ những người Ả Rập, Ba Tư,… là một trong những sắc tộc theo Islam sớm như người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur), người kazakhstan, người Dongxiang, người Kyrgyz, người Uzbek, người Salar, người Tajikistan, người Bonan, người Tatar và người Chăm ở đảo Hải Nam. Người “Hui” cải đạo sang Islam và được người Trung Quốc gọi là “Huíjiào” (Hồi giáo) hay tôn giáo của người “Hui”. Ngược lại, trong tiếng Trung Quốc hiện đại, từ Islam được phiên âm thành “Yīsīlán jiào” (Y Sư Lan giáo) chứ không gọi là “Hồi giáo” vì Trung Quốc có rất nhiều sắc dân theo Islam. Ở Việt Nam vì thấy dân tộc Chăm theo tôn giáo mặc trang phục và hành lễ giống người “Huíjiào” ở Trung Quốc, nên đặt tên tôn giáo là: “Hồi giáo”.
Lý do 2: Trong tiếng Ả Rập, Islam nghĩa là “vâng mệnh, quy phục Thượng Đế”, mà Việt Nam gọi “Hồi giáo” là một tôn giáo Độc Thần do Muhammad sáng lập, nhưng đức tin của Islam thì bắt nguồn từ trước khi Allah tạo ra Adam. “Hồi” ở đây có nghĩa là “Hồi lại”, “Hoàn lại”, ngược lại dòng thời gian từ Muhammad đến Jesus, Musa, Ibraham rồi cuối cùng là Nabi Adam, nghĩa là hồi lại trạng thái ban đầu và thực hiện đúng đắn cho một tôn giáo độc thần mà Allah chỉ định. "Subhanahu Wa Ta'ala" có nghĩa: “Vinh Quang Thượng Đế, Đấng Quyền Lực Tối cao”. Đồng thời tín đồ Hồi giáo phải hoàn thiện theo lời dạy của thiên kinh Koran và cố gắng giữ Ngũ trụ.
Trước 1963, người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận thường gọi người Chăm Nam Bộ là người Jawa (người theo Islam), sau năm 1963, sự du nhập trở lại của Islam chính thống giáo tại Sài Gòn vào cộng đồng người Chăm Hồi giáo Bani ở Ninh Thuận. Do đó, cộng đồng mới này không thể dùng từ người Jawa mà phải chọn danh xưng để khác biệt đó là danh xưng quốc tế Islam, và trở thành tên gọi Chăm Islam, và từ đó một số tín đồ Bani của hệ phái (Awal Bani) coi danh xưng “Bani” như tên tôn giáo của mình.
Ngày 25/4/2019, một nhóm gồm 5 người tự xưng là trí thức Chăm, những người này chủ yếu ở An Nhơn và 1 người ở Phước Nhơn, Ninh Thuận tự viết đơn gửi các cấp như: Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận và Ban Tôn giáo tỉnh Ninh Thuận với đề nghị: xóa bỏ 2 từ “Hồi giáo” trong cụm từ “Hồi giáo Bani” và đề nghị đặt tên mới là: “Tôn giáo Bani”.
Từ sự kiện trên, đã gây chia rẽ trong Hội đồng Sư cả Ninh Thuận và gây hoang mang dư luận trong cộng đồng Chăm, đặc biệt ở tỉnh Ninh Thuận.
Đối với tỉnh Bình Thuận, Hội đồng Sư cả đã quán triệt không để tình hình trên xảy ra trong tỉnh, và tiếp xúc một số người có ý kiến như sau:
Theo ý kiến ông tiến sĩ Putra Podam, người Chăm Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận cho rằng “Thứ nhất, Hồi giáo xuất hiện ở cộng đồng Chăm từ nhiều thế kỷ trước và người Chăm gọi là Asulam, còn tín đồ theo Asulam thì được gọi là Bani (Bani là tiếng Ả Rập). Nghĩa Bani là tín đồ tôn thờ thượng đế Allah tương tự như từ Muslim của Islam. Tôn giáo của hệ phái Acar nên giữ “Hồi giáo Bani” để phân biệt với hệ phái mới là: “Hồi giáo Islam”. Do đó không thể gọi Bani là tên tôn giáo như một số người đang hiểu. Thứ hai, từ Bani nên viết không dấu, không viết (Bà Ni, hay Bàni)”.
Theo ý kiến Imam Bồ, chức sắc Bình Thuận cho rằng “Hồi giáo Bani có từ lâu đời, nên không thể xóa từ Hồi giáo, đề nghị giữ tên Hồi giáo Bani”.
Theo ý kiến Imam Tuyền ở Tánh Linh cho rằng: “nên giữ Hồi giáo Bani là tên mà người Chăm đã dùng, không nên thay đổi để làm xáo trộn trong cộng đồng Chăm”.
Theo ý kiến ông Nguyễn Đố, tín đồ Bani xã Phan Hòa cho rằng, Hồi giáo là tên tiếng Việt gọi từ Islam (tên quốc tế) là tôn giáo đã truyền sang Champa từ xưa mà nhiều tài liệu phương Tây đã nghiên cứu. Tín đồ Bani không nên bỏ từ Hồi giáo, vì bỏ từ Hồi giáo là đồng nghĩa bỏ tôn thờ Allah. Do đó, hãy giữ Hồi giáo nói chung và tôn giáo Hồi giáo Bani của người Chăm.
Theo ý kiến của nhiều chức sắc và Hội đồng Sư cả trong tỉnh khắng định, không thay đổi tên Hồi giáo Bani có từ lâu và tên tổ chức đã đặt: “Hồi đồng Sư cả Hội giáo Bani”. Hồi giáo Bani mang ý nghĩa Hồi giáo của tín đồ Bani là hệ phái mới của người Chăm có ảnh hưởng tính bản địa. Hơn nữa, Hồi giáo Bani tiếp nhận từ Islam chính thống về đức tin tôn thờ Allah, về phụng sự Thiên sứ Muhammad và thiên kính Koran,…
6. Hoạt động tôn giáo của cộng đồng Hồi giáo Bani tại địa phương
Hiện nay ở Bình Thuận có 10 thánh đường Hồi giáo Bani, được phân bố cụ thể như sau:
- Huyện Bắc Bình gồm có 6 thánh đường được bố trí ở 2 xã Phan Thanh và Phan Hòa: Xã Phan Thanh gồm có 3 thánh đường: Thánh đường Châu Hanh, Thanh Kiết , Cảnh Diễn . Xã Phan Hòa gồm có 3 thánh đường: Thánh đường Bình Thắng, Bình Minh, Bình Hòa.
- Huyện Tuy Phong có 1 thánh đường: Thánh đường Vĩnh Hanh ở xã Phú Lạc.
- Huyện Hàm Thuận Bắc có 2 thánh đường: Thánh đường Lâm và Giang Mâu ở xã Hàm Trí.
- Huyện Tánh Linh có 1 Thánh đường: Thánh đường Bichăm ở thị trấn Lạc Tánh.
Người Chăm gọi thánh đường là “Magik” phiên âm từ tiếng Ảrập là “Masjid”, mà theo tiếng Việt gọi là thánh đường. Thánh đường Hồi giáo trên thế giới có quy định riêng về kiến trúc và cách bài trí bên trong, thường có mái vòm và cột tháp cao thể hiện sự tôn nghiêm và uy nghi của nơi hành lễ. Ngược lại, thánh đường Hồi giáo Bani chỉ được thiết kế đơn giản với mái ngói, tường vôi.
Thực trạng cơ sở thờ tự hay thánh đường (Magik – Masjid) của hệ phái Hồi giáo Bani đã xuống cấp nhiều do xây dựng ban đầu tạm thời vì không có kinh phí. Mỗi lần xây dựng hay sửa chữa thánh đường phải đóng góp từ tín đồ hay người dân mà không có khoảng kinh phí nào khác. Hiện nay thánh đường xuống cấp nặng như thánh đường Bình Minh, thánh đường Bình Hòa,…
Đội ngũ chức sắc vẫn ổn định và đặc biệt một số thánh đường có tín đồ mới, do đó cần nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng cho những giáo sĩ mới là đối tượng Acar (ulama). Hiện nay, việc đào tạo, bồi dưỡng cho tín đồ rất khó khăn vì chưa có trụ sở cũng như chưa có đội ngũ đào tạo, mà mỗi tín đồ tự chọn thầy (gru) để theo học, tự trao dồi kiến thức và học thuộc thiên kinh Koran.
+ Hoạt động của Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani từ Đại hội nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay: Hội đồng đã có nhiều nỗ lực, củng cố, hoạt động có nề nếp, tổ chức các hoạt động tôn giáo diễn ra ổn định, mang tính thống nhất giữa các thánh đường trong tỉnh theo tinh thần tiết kiệm, giữ vững thuần phong mỹ tục, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm. Chức sắc, chức việc và bà con tín đồ luôn đoàn kết, thực hiện tốt Quy chế hoạt động của Hội đồng Sư cả, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương do chính quyền và Mặt trận phát động.
+ Khó khăn – Nguyên nhân
Hoạt động của Hội đồng Sư cả không có nguồn hỗ trợ nào khác nên gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính. Do đó các hoặt động hàng năm luôn gặp khó khăn về kinh phí do không có nguồn thu nhập nào khác, tín đồ nghèo đói không khả năng hỗ trợ do mất mùa, hạn hán thiên tai, bão lụt,…
Hoạt động của Hội đồng cũng rất khó khăn về nhiều mặt, đặc biệt khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ cho công việc hội họp và sinh hoạt tôn giáo,…
Kết luận
Hồi giáo (Islam) đã du nhập vào Champa từ khoảng cuối thế kỷ thứ 9 theo con đường tơ lụa và phát triển tùy thuộc từng thời kỳ lịch sử của từng triều đại vua chúa Champa. Đặc biệt khởi sắc từ quốc vương Chế Mân, Chế Bồng Nga, Sunan Ampel, Bố Trì trì, Kabrah, Po Haniim Per, Po At, Po Rome, và tiếp nối cha ông như Cei Brei, Tuan Phaow, Katip Sumat, Katip Ja Thak Wa, Les Kosem, Po Dharma, Putra Podam,… tín đồ Chăm Hồi giáo Bani ở Kampuchea, Champa và Việt Nam ngày nay tiếp tục gìn giữ mối quan hệ mật thiết giữa Champa và Malaysia nói riêng, giữa Champa với thế giới Melayu và thế giới Hồi giáo nói chung.
Tiếp tục cũng cố và gìn giữ tôn giáo, phong tục, tập quán của người Chăm Bani. Giữ vững lập trường bảo vệ tên tổ chức “ Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani” đã hoạt động ổn định.
Khẳng định “Bani” không phải là tên tôn giáo, mà là tên tín đồ của người Chăm theo thờ phượng thượng đế Allah. Hồi giáo theo tiếng Chăm là “Asulam” và tín đồ Asulam là “Bani”, tương tự tên quốc tế là “Islam” và tín đồ là “Muslim”.
Khẳng định viết đúng tên “Bani” vì chữ Chăm không mang “dấu thanh”. Không nên viết có dấu là “ Bà Ni hay Bàni”, vì như vậy sẽ hiểu lầm khác vì có chữ “Bà”. Yêu cầu cấp trên sửa tên tổ chức thành: “ Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani”.
Khẳng định viết đúng tên tôn giáo của người chăm hệ phái Acar là: “ Hồi giáo Bani”, và tín đồ của người Chăm thờ phượng Allah là “Bani”.
Khảng định Hồi giáo Bani của người Chăm là một tôn giáo Độc Thần, đang sử dụng thiên kinh Koran làm kim chỉ nam, tôn thờ Đấng Tối cao Allah và phụng sự Thiên sứ Muhammad như Hồi giáo Islam (Chính thống giáo).
Hiểu đúng tên tôn giáo rất quan trọng, vì tôn giáo chi phối sâu sắc đời sống xã hội của người Chăm. Tôn giáo gắn chặt với quá trình phát triển lịch sử của dân tộc Chăm. Vấn đề tôn giáo của người Chăm gắn liền với vấn đề dân tộc và có mối quan hệ với sự phát triển của các tôn giáo trên thế giới đặc biệt là thế giới Hồi giáo và thế giới Melayu. Do đó Hồi giáo của người Chăm ngày nay cũng có ảnh hưởng và chịu sự tác động từ thế giới bên ngoài.
Thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh trân trọng cảm ơn.
Nơi nhận: - Như trên; - Ban Tôn giáo Chính phủ; - Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Bình Thuận; - 10 thánh đường (Magik) trong tỉnh; - Lưu VP Hội đồng; - M,40 Trung. |
|
TM HỘI ĐỒNG SƯ CẢ HỒI GIÁO BANI TỈNH CHỦ TỊCH Sư cả. XÍCH DỰ |
LINK WEB: Đọc toàn nội dung trên file: PDF
Chủ tịch Hội đồng Sư cả Bình Thuận báo cáo: Hồi giáo Bani