HỘI ĐỒNG SƯ CẢ HỒI GIÁO BÀNI TỈNH NINH THUẬN Số: 056/BC-GT V/v Giải trình thảo luận về nguồn gốc tên gọi Hồi giáo Bàni |
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Thành Tín, ngày 12 tháng 11 năm 2020
|
Kính gửi: - Ban Tôn giáo Chính phủ
- Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Ninh Thuận
Theo công văn của Ban Tôn giáo Chính phủ số: 981/TGCP-TNTGK, Hà Nội ngày 05/11/2020 về việc tổ chức hội thảo với một số nội dung liên quan đến Hồi giáo Bani. Để thống nhất hoạt động tôn giáo và công tác quản lý nhà nước đối với Hồi giáo Bani, Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức hội thảo trao đổi, lấy ý kiến của chức sắc, chức việc Hồi giáo Bani hai tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận và một số cơ quan liên quan. Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Ninh Thuận báo cáo Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan trong tỉnh với nội dung chính như sau:
1. Nguồn gốc lịch sử Hồi giáo Bani
Trước hết phải kể đến công trình nghiên cứu về người Chăm của các nhà nghiên cứu Pháp như: A. Labussiere, Septfonts, A. Lauded, A. Bergaigne,... nhưng đáng kể nhất là công trình nghiên cứu của E. Aymonier, trong chuyên khảo “Les Cham a Bình Thuận” (người Chăm ở phủ Bình Thuận, tháng 2 năm 1891), E. Aymonier cho biết Hồi giáo du nhập vào Chămpa ngay từ đầu thế kỷ thứ X, phần lớn người Chăm theo đạo Hồi giáo là những người không chịu để cộng đồng mình đồng hóa bởi người Việt sau những biến cố lịch sử, nên đã làm một cuộc hành trình di cư sang vương quốc Kampuchea, Siam (Thái Lan) và đảo Hải Nam.
Ngoài ra, trong cuốn “Người Chăm Hồi giáo và tôn giáo của họ” (4/1981) đã cho biết khái quát về nghi lễ tôn giáo, vấn đề tổ chức hệ thống Hồi giáo Bani cũng được quan tâm: Po Gru (Sư Cả), các Imam phụ trách dạy trẻ em học Thiên kinh Koran, ông còn quan tâm đến nghi lễ vòng đời, như lễ cắt da qui đầu, lễ thành hôn của người Chăm Hồi giáo. Mặt khác, để bổ sung đầy đủ hơn trong việc nghiên cứu người Chăm ở Việt Nam, E. Aymonier, trong cuốn “Tín ngưỡng và sự tuân giữ giáo quy của người Chăm ở Kampuchea”, Paris 1891, đã điểm qua người Chăm ở Kampuchea. Tất cả họ đều theo Hồi giáo Islam chính thống, họ từ bỏ tất cả những nghi lễ ngoại đạo của tổ tiên, bảo lưu được tiếng nói của dân tộc.
Trong những năm 1906 - 1907, Cabaton đã giới thiệu người Chăm và người Malay ở Nam bộ, Kampuchea và nhóm Chăm theo đạo Hồi giáo Bani ở Phan Rang, Phan Rí, trên một loạt bài viết trên tạp chí của trường Viễn Đông Bác Cổ. Năm 1941, trong một chuyên khảo về cộng đồng Hồi giáo ở Đông Dương, M. Mer đã nêu một số nét cơ bản về kinh tế, xã hội, giáo dục, tôn giáo ở làng Chăm tại Châu Đốc.
Từ những thập niên 50 đến trước năm 1975 của thế kỷ XX, tại Việt Nam mới xuất hiện nhiều nhà nghiên cứu về người Chăm với các tác giả như: Nghiêm Thẩm, Nguyễn Khắc Ngữ, Đôrôhiêm, Đôhamit “lược sử Chàm”, 1974; Thái Văn Kiểm “Ảnh hưởng Chiêm Thành trong văn hóa Việt Nam”. Đáng chú ý là Nguyễn Văn Luận “Người Chàm Hồi giáo miền Tây Nam phần Việt Nam”, 1974 đã phác họa về phong tục, tập quán nghi lễ tôn giáo của người Chăm ở Nam bộ một cách khá sâu sắc.
Từ năm 1975, khi đất nước hòa bình, điều kiện học tập nghiên cứu thuận lợi hơn, vấn đề tôn giáo đã được nghiên cứu nhiều hơn đã trở thành lực lượng nghiên cứu khá hùng hậu như: Ngô Văn Doanh “Văn hóa Chămpa”, 1994; Bá Trung Phụ “Gia đình và hôn nhân của người Chăm ở Việt Nam”, 2002, là công trình nghiên cứu khá công phu về gia đình và hôn nhân, các nghi lễ tôn giáo Balamon, Hồi giáo Islam, Hồi giáo Bani.
Nhìn chung, điểm qua về tình hình nghiên cứu cho thấy, từ trước đến nay những công trình nghiên cứu về người Chăm Hồi giáo khá phong phú, phản ánh được đời sống sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng này, song tiếp cận của tác giả chưa đi sâu và tìm hiểu kỹ, đưa ra đặc trưng của Hồi giáo Bani.
2). Giải thích từ Bani
Theo Ban tôn giáo chính phủ thì ở Việt Nam đã được công nhận gồm 14 tôn giáo, trong đó có Hồi giáo. Ở cộng đồng Chăm đức tin về Hồi giáo được chia thành hai hệ chính là: Hồi giáo Isam (Hồi giáo chính thống) và Hồi giáo Bani (Hồi giáo hệ phái riêng của người Chăm).
Hồi giáo Bani hiện nay sử dụng thiên kinh Koran làm kim chỉ nam, tôn thờ Đấng Tối cao Allah và phụng sự Thiên sứ Muhammad như Hồi giáo Islam (Chính thống giáo).
Islam du nhập vào Champa khoảng đầu thế kỷ 10, phát triển qua nhiều giai đoạn, nhưng phát triển vào thế kỷ thứ 16 ảnh hưởng từ quốc gia Mã Lai và một số quốc gia khác ở Đông Nam Á.
Hồi giáo Bani (Người Chăm xưa hay dùng: Asulam) là một tôn giáo độc thần, chỉ thờ phượng Allah là Đấng Tối Cao, Duy Nhất và Muhammad là vị Thiên sứ cuối cùng được Allah mặc khải Thiên kinh.
Bani (nghĩa tương tự Muslim) được dùng rất phổ biến không chỉ dành riêng cho người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận, mà còn sử dụng ở người Chăm Nam Bộ,…
Khi nói đến Hồi giáo Bani thì tầng lớp đại diện là lớp giáo sĩ như Acar, Imam,…vì tầng lớp này trực tiếp thờ phượng thượng đế Awluah. Còn những tín đồ Bani của Hồi giáo Bani là tầng lớp chỉ phục vụ cho giáo sĩ Acar, thờ Awluah nhưng không trực tiếp.
Nguồn gốc từ Bani có nghĩa như sau:
- Theo R.P Durrand thì Bani (tiếng Ả Rập) có nghĩa là “con trai”, thường dùng để chỉ tín đồ thờ phượng Awluah.
- Bani: trong tiếng Ả Rập dùng để chỉ sắc dân như: Bani Israel (sắc dân Do Thái),…
- Bani: chỉ tín đồ của người Chăm theo tôn giáo Hồi giáo Bani, cũng giống như từ Muslim của tín đồ theo Islam.
- Bani: thường dùng để chỉ người mới nhập đạo, người có đạo, hay người có đức tin với thượng đế Allah.
Từ “Bani” chỉ có nghĩa là tín đồ, hay người Chăm nhập đạo mới (ám chỉ theo đức tin Awluah), hay chỉ nhóm sắc dân Chăm tôn thờ Awluah, hay đơn giản là người “Có đạo”, ám chỉ đạo Hồi giáo Bani (Asulam) chứ không phải đạo Balamon.
Từ cơ sở trên cần khẳng định, Bani không phải là đạo mang tên Bani, mà Bani là tín đồ Hồi giáo của người Chăm cũng giống như tên quốc tế dùng từ Muslim để chỉ tín đồ của Islam.
Một số người tại Ninh Thuận thường hiểu lầm “Bani” là đạo tên Bani. “Chăm Bani” là người Chăm theo đạo Bani. Đây là cách Hiểu sai, Không đúng hay Không chính xác.
3). Sự tương đồng và khác biệt giữa Hồi giáo Bani và Hồi giáo chính thống
Khái niệm Islam chính thống giáo là những gì thuộc giáo lý như (thiên kinh Koran, Hadith,...), còn tín đồ hay người theo Islam cũng như các nhánh, các hệ phái, các chi phái...là họ đang bám vào giáo lý Islam để dần dần hoàn thiện sự chính thống giáo một cách trọn vẹn. Hồi giáo Mã Lai được cho đã truyền sang Champa và phát triển vào thời vua Po Rome. Do đó, Hồi giáo Champa và Hồi giáo Malaysia gần như thống nhất. Đến năm 1950, khi đảng Hồi giáo Liên Malaysia (PAS) lên nắm quyền thì Islam tại Malaysia được loại bỏ dần những tín ngưỡng ảnh hưởng (Yang) thần bởi chính quyền đã dùng vũ lực dẹp bỏ các lễ tục hay tín ngưỡng trên. Từ đó Islam tại Malaysia được hoàn thiện dần Islam chính thống giáo như ngày hôm nay. Tuy nhiên, hiện nay ở một số nơi hẻo lánh thuộc hải đảo xa xôi Indonesia, Malaysia, các tín đồ Islam vẫn còn thực hiện một số lễ tục truyền thống như cúng thần sông, thần núi, tổ tiên,…dưới vỏ bọc của Islam.
Hồi giáo Bani: là một hệ phái mới xuất hiện ở Champa do ảnh hưởng văn hóa bản địa Champa, là một tôn giáo tiếp nhận từ Islam trên thế giới. Khi bàn đến hệ phái Hồi giáo Bani thì phải bàn đến tầng lớp giáo sĩ Acar và hệ thống hành lễ của Acar chứ không nói đến tín đồ Bani thông thường.
3.1). Sự tương đồng
Hồi giáo Bani sử dụng thiên kinh Koran, tôn thờ Đấng Tối cao Awluah và phụng sự Thiên sứ Muhammad như Hồi giáo Chính thống (Islam).
Hồi giáo Islam thì các tín đồ phải tuân theo năm điều, đó là năm trụ cột hay năm nghĩa vụ thiêng liêng của các tín đồ. Những bổn phận này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ ý thức của tín đồ với cộng đồng Islam nói chung. Năm trụ cột của Islam là: Shahadah, Solat, Sawm, Haji, Zakat.
Năm trụ cột của Islam chính thống giáo được liệt kê ở trên thì được giáo sĩ Acar của Hồi giáo Bani được thực hiện cả năm trụ cột. Cụ thể, Shahadah, được tuyên thệ trong nghi thức nhập thành viên giáo sĩ. Solat, được cầu nguyện năm lần một ngày vào tháng Ramadan và thực hiện trụ cột Sawm. Yakat, được thực hiện từ ngày thứ 27 (tuh brah) đến ngày thứ 30.
Riêng trụ cột Hành hương, thì các giáo sĩ Acar, Imam đều thực hiện hành hương bằng hình thức tổ chức đi thăm các Thánh đường (Masjid-Magik) khác trong khu vực vào tháng Ramadan. Vì điều kiện khó khăn, giáo sĩ Acar của Hồi giáo Bani rất ít có mối quan hệ với thế giới bên ngoài nên rất hạn chế giao lưu so với Islam chính thống giáo trong nước. Tuy nhiên trong thời kỳ mới đã có một số Acar đi du lịch nước ngoài, điều này chứng tỏ giáo sĩ Acar cũng đã nhận thức được và hội nhập với phần còn lại của thế giới.
Hơn nữa Hội đồng Tối cao Islam thế giới đã thống nhất và chấp thuận xem hệ phái Hồi giáo Bani như là một hệ phái riêng của Islam thế giới nên đã chấp thuận và khuyến khích cho hệ phái Hồi giáo Bani (Awal Bani) là giáo sĩ Acar được phép đi hành hương (Haji) tại Makkah, và được thực hiện những nghi thức ở ngôi đền Kabah tại Masjid al-Haram, vương quốc Saudi Arabia.
Hành hương (Haji) tại Makkah đã được giáo sĩ Hồi giáo Bani thực hiện lần đầu tiên vào năm 2013 do chính phủ Saudi Arabia đài thọ. Trong đó có Imam Từ Công Dư, phó chủ tịch Hội đồng Sư cả Ninh Thuận và Imam Não Thanh Quyết. Lần thứ hai được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mời đi Haji gồm Imam Từ Công Dư và Imam Đạo Văn Thị nhưng tình hình Covid-19 nên không đi được.
Thánh đường (Masjid): của Hồi giáo Bani hay Hồi giáo Islam trên thế giới đều thiết kế xây theo hướng về phía thánh địa Makkah hay từ bất cứ địa điểm nào Majid (Magik) luôn hướng về vị trí của Kaaba được gọi là “qibla” hay “Kiblat”. Ở Việt Nam hướng Kiblat trùng với hướng Tây (hướng mặt trời lặn), do đó thánh đường ở Việt Nam thường xây về phía Tây và cửa chính ra vào thường là hướng Đông. Tuy nhiên ở thành phố San Jose – California, hướng Kaaba (hướng Kiblat) nằm lệch ở hướng 15 độ Bắc.
Sự tương đồng được thấy rõ nhất là lễ Ramadan (Người Chăm gọi: Ramawan) là tên gọi tháng 9 của niên lịch Islam, là tháng tịnh chay là điều bắt buộc nằm trong năm điều giáo luật cơ bản của Hồi giáo. Lễ tảo mộ của người Chăm Hồi giáo Bani và Hồi giáo Islam cũng tương tự, chỉ khác nhau về một số hình thức.
Quan sát các ngôi mộ của Chăm Hồi giáo Bani, thấy những hòn đá, không khắc tên, thẳng đều chính là cách xây mộ của người Islam thời khởi nguyên, thời mà thiên sứ Muhamad còn sống và tự mình giảng dạy những khúc mắc về Islam cho các tín hữu và các vị bạn đạo.
Lễ cắt bao quy đầu hay Katan: là lễ cắt bao quy đầu dành cho nam giới giúp vệ sinh sạch sẽ dương vật và ngăn ngừa nhiều căn bệnh liên quan, đồng thời được đặt tên và có ý nghĩa là nhập đạo, cho dù cha mẹ đã là Hồi giáo Bani hoặc dù trước đó theo bất kỳ tôn giáo hay tín ngưỡng nào như (Chăm Jat, Chăm Balamon, Phật giáo, Thiên chúa,…) nay Katan để chính thức được công nhận thành viên Hồi giáo Bani, là tín đồ của Awluah, Đấng Toàn năng và Duy nhất.
Khi trờ thành tín đồ Hồi giáo Bani hay Hồi giáo Islam, theo giáo luật thì mọi tín đồ phải tuyệt đối phục tùng tôn thờ Allah duy nhất, cấm tôn thờ người hay vật khác cùng với Allah. Bên cạnh đó phải tuyệt đối tuân thủ và làm theo những gì do Thiên Sứ Muhammad hướng dẫn.
3.2. Sự khác biệt
Sự khác biệt được thấy rõ nhất là Hồi giáo Bani (Tầng lớp giáo sĩ Acar) không thực hiện cầu nguyện (Salat) 5 lần/ngày, nhưng thực hiện cầu nguyện đầy đủ vào tháng Ramadan (Ramawan).
Hồi giáo Islam: Tín đồ (Muslim) phải cầu nguyên năm lần một ngày, vào lúc bình minh, giữa trưa, giữa chiều, khi mặt trời lặn và tối. Tín đồ có thể cầu nguyện tại bất cứ đâu - tại trường học, nơi làm việc, tại nhà hay ngoài trời - nhưng phải theo quy định. Trước khi cầu nguyện, tín đồ phải ở trong một trạng thái tinh thần và thể xác thanh khiết. Đó là trụ cột thứ hai cầu nguyên Solat.
Ngoài ra còn một số khác biệt giữa hai hệ phái, nhưng chung quy lại tất cả tín đồ và hệ phái đều đang cải thiện dần bám lấy giáo lý, giáo luật và thiên kinh Koran để phát triển tốt và phù hợp theo văn hóa của dân tộc.
3.3). Đánh giá
Khi nói đến Hồi giáo (Islam) thì nói đến những gì thuộc giáo lý như (thiên kinh Koran, Hadith,...), còn tín đồ hay người theo đạo cũng như các nhánh, các hệ phái, các chi phái...là họ đang bám vào giáo lý Islam để dần dần hoàn thiện sự chính thống giáo một cách trọn vẹn.
Sai lầm của nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Hồi giáo Bani ở Champa là Hồi giáo bản địa nhưng không đưa ra lý lẽ đâu là tính bản địa và đâu là vết tích chính thống giáo, bởi thực sự họ chưa hiểu cặn kẽ về Hồi giáo chính thống. Cũng như sự nhận định sai lầm khi cho rằng Islam ở Saudi Arabia và Islam Malaysia là chuẩn là chính thống giáo. Từ nhận định trên nên các kết quả nghiên cứu đã bị sai lệch.
4). Mối quan hệ giữa cộng đồng Hồi giáo Bani trong tỉnh với Hồi giáo chính thống trong nước và trên thế giới.
Như đã sơ lược lịch sử hình thành Hồi giáo Bani ở mục 1, thì Hồi giáo (Islam) đã truyền sang Champa từ thế kỷ thứ 9 và phát triển cực mạnh vào thế kỷ 16, và nhiều Quốc vương Champa là người Hồi giáo. Sau khi thủ đô Vijaya sụp đổ vào năm 1471 nhiều cư dân Champa ly tán sang Malaysia, Indonesia, Thailand, Cambodia,... và hầu hết người Chăm ở đây đều bỏ tôn giáo Balamon để cải đạo sang Islam, sau đó quay về Champa truyền đạo cho cộng đồng Chăm. Từ đó Hồi giáo (Asulam Bani) có chỗ đứng chủ đạo trong thần dân Champa. Đặc biệt vào thời kỳ vua Po Rome (1627-1651), thì Champa có mối quan hệ tốt với thế giới Mã Lai và dòng tộc Po Rome có danh phận và gia phả đang lưu tại Malaysia.
Quốc gia Đông Nam Á được coi là trung tâm Hồi giáo lớn thứ hai sau Trung Đông. Đặc điểm nổi bật của Hồi giáo trong khu vực này là sự liên kết các cộng đồng Hồi giáo qua việc cùng chia sẻ văn hoá Melayu. Một số quốc gia Hồi giáo như Malaysia, Indonesia, Singapore, Brunei, Thái Lan phần lớn nói tiếng Melayu, còn lại các cộng đồng Hồi giáo ở Việt Nam, Campuchia, Lào, Philippines thì cùng ngữ hệ Melayu-Polynesian. Tiếng Melayu là ngôn ngữ giao tiếp của các cộng đồng Hồi giáo trong khu vực là sợi dây gắn chặt các cộng đồng này với nhau trong các mối quan hệ. Bên cạnh sự tương đồng về ngôn ngữ, các cộng đồng này còn có nhiều phong tục, tập quán giống nhau như các lễ nghi, trang phục, ẩm thực,…
Trước 1963, người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận thường gọi người Chăm Nam Bộ là người Jawa (người theo Islam), sau năm 1963, sự du nhập trở lại của Islam chính thống giáo tại Sài Gòn vào cộng đồng người Chăm Hồi giáo Bani ở Ninh Thuận xuất phát từ mối quan hệ chặt chẽ giữa ông Từ Công Xuân (cựu dân biểu) và người Chăm Hồi giáo Islam Châu Đốc.
Năm 2013, Hội đồng Tối cao Islam thế giới đã thống nhất và chấp thuận xem hệ phái Hồi giáo Bani là một hệ phái của Islam thế giới nên đã chấp thuận và khuyến khích cho hệ phái Hồi giáo Bani là giáo sĩ Acar được phép đi hành hương Haji tại Makkah. Hành hương (Haji) tại Makkah đã được giáo sĩ Acar Bani lần đầu tiên do chính phủ Saudi Arabia đài thọ, đó có Imam Từ Công Dư, phó chủ tịch Hội đồng Sư cả Ninh Thuận và Imam Não Thanh Quyết. Lần thứ hai được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mời đi Haji gồm Imam Từ Công Dư và Imam Đạo Văn Thị nhưng chưa đi được. Việc hành hương Haji tại Makkah mang lại nhiều hồng phúc thiêng liêng cho các bầy tôi như thể hiện sự độc tôn hóa Allah, đặc ân tha thứ của Allah dành cho những người hành hương, những tín đồ Islam có cơ hội quen biết và giao lưu với nhau, học hỏi các giáo luật tôn giáo và những hồng phúc khác.
Ngay nay, các nước Hồi giáo không chỉ có quan hệ tôn giáo mà quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước Hồi giáo phát triển khá mạnh. Từ đó, góp phần tăng cường giao lưu, tiếp xúc và sinh hoạt tôn giáo cùng với cộng đồng Hồi giáo tại đây. Bên cạnh đó, có một số người sang các nước như: Ả Rập, Malaysia, Indonesia, Thái Lan,… để làm việc theo diện “Công nhân xuất khẩu lao động”, nhưng phần lớn chỉ tồn tại ở người Hồi giáo Islam, còn Hồi giáo Bani thì rất khiêm tốn.
5). Ý kiến của chức sắc, tín đồ cộng đồng Hồi giáo Bani trong tỉnh về vấn đề tên tôn giáo
Việt Nam đã công nhận 14 tôn giáo theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, trong đó có Hồi giáo. Ở cộng đồng Chăm Hồi giáo được chia thành hai hệ phái là Hồi giáo Bani (Hồi giáo ảnh hưởng tính bản địa) và Hồi giáo Islam (Hồi giáo chính thống) là hệ phái đang bám chắc vào giáo lý, giáo luật, thiên kinh Koran,… hoàn thiện và hội nhập theo sự phát triển của thế giới.
Islam: Tiếng Ả Rập, là danh xưng quốc tế
Hồi giáo: là tiếng Việt, được phiên chữ từ Islam.
Asulam: Người Chăm sử dụng từ lâu, nay sử dụng Hồi giáo Bani và Hồi giáo Islam.
Trước 1963, người Chăm Ninh Thuận thường gọi người Chăm Nam Bộ là người Jawa (người theo Islam), sau năm 1963, sự du nhập trở lại của Islam chính thống giáo tại Sài Gòn vào cộng đồng người Chăm Hồi giáo Bani ở Ninh Thuận. Do đó, cộng đồng mới này không thể dùng từ người Jawa mà phải chọn danh xưng để khác biệt đó là danh xưng quốc tế Islam, và trở thành tên gọi Chăm Islam, và từ đó một số tín đồ Bani coi danh xưng “Bani” như sản phẩm tên tôn giáo của mình.
Ngày 25/4/2019, một nhóm gồm 5 người tự xưng là trí thức Chăm, những người này chủ yếu ở An Nhơn và 1 người ở Phước Nhơn, Ninh Thuận tự viết đơn gửi các cấp như: Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận và Ban Tôn giáo tỉnh Ninh Thuận với đề nghị: xóa bỏ 2 từ “Hồi giáo” trong cụm từ “Hồi giáo Bani” và đề nghị đặt tên mới là: “Tôn giáo Bani”. Từ sự kiện trên, đã gây chia rẽ trong Hội đồng Sư cả Ninh Thuận và gây hoang mang dư luận trong cộng đồng Chăm, đặc biệt ở tỉnh Ninh Thuận.
Theo ý kiến Nguyễn Văn Tỷ, Hồi giáo ở người Chăm có từ xưa, ngày nay lấy tên Hồi giáo Bani là phù hợp, nghĩa là tôn giáo của người Chăm bani, với từ Bani là tín đồ của tôn giáo. Nếu có ý kiến cho rằng nên xóa từ Hồi giáo như vậy không khác gì tạo tên tôn giáo mới. Nếu thật sự bỏ tên Hồi giáo thì phải bỏ luôn thiên kinh Koran và bỏ tôn thờ thượng đế Awluah.
Theo ý kiến Tiến sĩ Bá Trung Phụ, tín đồ Bani Ninh Thuận cho rằng, Hồi giáo là thuật ngữ mà nhiều nghiên cứu phương Tây sử dụng. Chúng ta nên giữ và không được thay thế. Hồi giáo Bani là tên tôn giáo của người Chăm Ninh Bình Thuận ngày nay.
Theo ý kiến tiến sĩ Putra Podam cho rằng, Hồi giáo xuất hiện ở cộng đồng Chăm từ nhiều thế kỷ trước và người Chăm thường gọi là Asulam, còn tín đồ theo Asulam thì được gọi là Bani (Bani là tiếng Ả Rập). Nghĩa Bani là tín đồ tôn thờ thượng đế Allah tương tự như từ Muslim của Islam. Tôn giáo của hệ phái Acar nên giữ “Hồi giáo Bani” để phân biệt với hệ phái mới là: “Hồi giáo Islam”. Do đó không thể gọi Bani là tên tôn giáo như một số người đang hiểu. Thứ hai, từ Bani nên viết không dấu, không viết (Bà Ni, hay Bàni)”.
Theo ý kiến Đạo Văn Chi cho rằng, phải giữ tên “Hồi giáo” và tôn giáo của người chăm là “Hồi giáo Bani” và “Hồi giáo Islam”. Đề nghị không xóa từ Hồi giáo.
Theo ý kiến ông Long cho rằng: Không nên thay đổi tên Hồi giáo Bani, vì điều này sẽ bị xáo trộn trong cộng đồng Chăm”.
Theo ý kiến chung của nhiều chức sắc và Hội đồng Sư cả tỉnh Ninh Thuận khắng định, không thay đổi tên Hồi giáo Bani, không nên thay đổi tên tổ chức : “Hồi đồng Sư cả Hội giáo Bani tỉnh Ninh Thuận”. Hồi giáo Bani mang ý nghĩa Hồi giáo của tín đồ Bani là hệ phái mới của người Chăm có ảnh hưởng tính bản địa. Hơn nữa, Hồi giáo Bani tiếp nhận từ Islam chính thống về đức tin tôn thờ Allah, về phụng sự Thiên sứ Muhammad và thiên kính Koran,…
6. Hoạt động tôn giáo của cộng đồng Hồi giáo Bani tại địa phương
Hồi giáo Bani tỉnh Ninh Thuận gồm có 7 thánh đường, người Chăm gọi thánh đường là “Magik” phiên âm từ tiếng Ả Rập là “Masjid”. Thánh đường được mở cửa hoạt động hàng năm vào tháng Ramadan (Ramawan) tháng 9 Hồi lịch tức tháng nhịn chay. Ngoài ra thánh đường còn mở cửa tổ chức lễ Waha (Eid Al Adha), lễ tấu chức, lễ hội Suk Yeng,…
Hoạt động của Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani từ Đại hội nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay: Hội đồng tổ chức nhiều cuộc họp liên quan đến tổ chức, giải quyết các vấn đề liên quan đến cá nhân chức sắc, tổ chức lấy ý kiến tôn giáo Hồi giáo Bani, tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm,…các thành viên của Hội đồng đã có nhiều nỗ lực, củng cố, hoạt động có nề nếp, tổ chức các hoạt động tôn giáo diễn ra ổn định, mang tính thống nhất giữa các thánh đường trong tỉnh theo tinh thần tiết kiệm, giữ vững thuần phong mỹ tục, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm. Chức sắc, chức việc và bà con tín đồ luôn đoàn kết, thực hiện tốt Quy chế hoạt động của Hội đồng Sư cả, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương do chính quyền và Mặt trận phát động.
Đội ngũ chức sắc ở mỗi thánh đường rất ít so với các thánh đường ở Bình Thuận. Do đó cần bổ sung những giáo sĩ (Acar) trẻ để tiếp nối và phát triển đạo. Hiện nay rất cần nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng cho những giáo sĩ mới là đối tượng Acar, nhưng cơ sở vật chất để đào tạo, bồi dưỡng cho tín đồ rất khó khăn vì chưa có trụ sở cũng như chưa có đội ngũ đào tạo, mà mỗi tín đồ tự chọn thầy (gru) để theo học, tự trao dồi kiến thức và học thuộc thiên kinh Koran.
Những khó khăn và nguyên nhân:
Thực trạng cơ sở thánh đường (Magik) của hệ phái Hồi giáo Bani đã xuống cấp nhiều do xây dựng ban đầu tạm thời vì không có kinh phí. Mỗi lần xây dựng hay sửa chữa thánh đường phải đóng góp từ tín đồ hay người dân mà không có khoảng kinh phí nào khác.
Hoạt động của Hội đồng Sư cả cũng không có nguồn hỗ trợ nào khác nên gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính. Do đó các hoặt động hàng năm luôn gặp khó khăn về kinh phí do không có nguồn thu nhập, tín đồ nghèo đói không khả năng hỗ trợ do mất mùa, hạn hán thiên tai, bão lụt,…
Hoạt động của Hội đồng cũng rất khó khăn về nhiều mặt, đặc biệt khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ cho công việc hội họp và sinh hoạt tôn giáo,…
Kết luận
Hồi giáo Bani đã có từ lâu đời và phát triển tùy thuộc vào giai đoạn lịch sử. Đặc biệt từ vua Chế Mân, Chế Bồng Nga, Kabrah, Po Haniim Per, Po At, Po Rome, Cei Brei, Tuan Phaow, Katip Sumat, Katip Ja Thak Wa,… Hiện nay tín đồ Chăm Hồi giáo Bani ở Việt Nam cần tiếp tục gìn giữ mối quan hệ mật thiết giữa Hồi giáo trong nước và thế giới Malayu.
Tiếp tục cũng cố và gìn giữ tôn giáo, phong tục, tập quán của người Chăm Bani. Giữ vững lập trường bảo vệ tên tổ chức “ Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani”.
Khẳng định “Bani” không phải là tên tôn giáo, mà Bani là tên tín đồ của người Chăm theo thờ phượng thượng đế Allah, tương tự Muslim là tín đồ của Hồi giáo Islam.
Khẳng định viết đúng tên “Bani”, không nên viết có dấu là “ Bà Ni hay Bàni”. Yêu cầu cấp trên sửa tên tổ chức thành: “ Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani”.
Khẳng định Hồi giáo Bani của người Chăm là một tôn giáo Độc Thần, đang sử dụng thiên kinh Koran làm kim chỉ nam, tôn thờ Đấng Tối cao Allah và phụng sự Thiên sứ Muhammad như Hồi giáo Islam (Chính thống giáo).
Hiểu đúng tên tôn giáo rất quan trọng, vì tôn giáo chi phối sâu sắc đời sống xã hội của người Chăm. Tôn giáo gắn chặt với quá trình phát triển lịch sử của dân tộc Chăm. Vấn đề tôn giáo của người Chăm gắn liền với vấn đề dân tộc và có mối quan hệ với sự phát triển của các tôn giáo trên thế giới đặc biệt là thế giới Hồi giáo và thế giới Melayu. Do đó Hồi giáo của người Chăm ngày nay cũng có ảnh hưởng và chịu sự tác động từ thế giới bên ngoài.
Thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Ninh Thuận trân trọng cảm ơn.