Khám phá ý nghĩa từ : Hồi Giáo

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
Nov 26, 2020, 1:40 AM

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ công nhận thì tại Việt Nam có 14 tôn giáo, trong đó có Hồi giáo (Islam). Riêng cộng đồng Chăm thì Hồi giáo có hai hệ phái. Hệ phái Hồi giáo Champa tiếng Chăm là: Asulam, Awal Bani hay Bani Awal, mà theo tiếng Việt gọi là: Hồi giáo Bani (là một hệ phái Hồi giáo dòng Bani ở Champa), cũng giống như ở Ả Rập có Hồi giáo dòng Sunni, Iran có Hồi giáo dòng Shiite,...ngoài ra Champa còn có Hồi giáo Islam (Hồi giáo chính thống) là hệ phái đang bám chắc vào giáo lý, giáo luật, thiên kinh Koran,… hoàn thiện và hội nhập theo sự phát triển của thế giới.

Danh xưng "Hồi giáo" tuy ban đầu các tín đồ Islam thế giới hay Islam Việt Nam đều không đồng thuận, nhưng từ “Hồi giáo” là danh xưng tiếng Việt nên sau này các tín đồ đã chấp nhận. Theo nghiên cứu cho thấy, từ “Hồi giáo” hình thành từ hai lý do:

Lý do suy diễn: Dân tộc “Hui” có nguồn gốc từ những người Ả Rập, Ba Tư,… là một trong những sắc tộc theo Islam sớm như người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur), người kazakhstan, người Dongxiang, người Kyrgyz, người Uzbek, người Salar, người Tajikistan, người Bonan, người Tatar và người Chăm ở đảo Hải Nam. Người “Hui” cải đạo sang Islam và được người Trung Quốc gọi là “Huíjiào” (Hồi giáo) hay tôn giáo của người “Hui”. Ngược lại, trong tiếng Trung Quốc hiện đại, từ Islam được phiên âm thành “Yīsīlán jiào” (Y Sư Lan giáo) chứ không gọi là “Hồi giáo” vì Trung Quốc có rất nhiều sắc dân theo Islam. Ở Việt Nam vì thấy dân tộc Chăm theo tôn giáo mặc trang phục và hành lễ giống người “Huíjiào” ở Trung Quốc, nên đặt tên tôn giáo là: “Hồi giáo”.

Lý do logic: Trong tiếng Ả Rập, Islam nghĩa là “vâng mệnh, quy phục Thượng Đế”, mà Việt Nam gọi “Hồi giáo” là một tôn giáo Độc Thần do Muhammad sáng lập, nhưng đức tin của Islam thì bắt nguồn từ trước khi Allah tạo ra Adam. “Hồi” ở đây có nghĩa là “Hồi lại”, “Hoàn lại”, ngược lại dòng thời gian từ Muhammad đến Jesus, Musa, Ibraham rồi cuối cùng là Nabi Adam, nghĩa là hồi lại trạng thái ban đầu và thực hiện đúng đắn cho một tôn giáo độc thần mà Allah chỉ định. "Subhanahu Wa Ta'ala" có nghĩa:  “Vinh Quang Thượng Đế, Đấng Quyền Lực Tối cao”. Đồng thời tín đồ Hồi giáo phải hoàn thiện theo lời dạy của thiên kinh Koran và cố gắng giữ Ngũ trụ.

Trước 1963, người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận thường gọi người Chăm Nam Bộ là người Jawa (người theo Islam), sau năm 1963, sự du nhập trở lại của Islam chính thống giáo tại Sài Gòn vào cộng đồng người Chăm Hồi giáo Bani ở Ninh Thuận. Do đó, cộng đồng mới này không thể dùng từ người Jawa mà phải chọn danh xưng để khác biệt đó là danh xưng quốc tế Islam, và trở thành tên gọi Chăm Islam, và từ đó một số tín đồ Bani của hệ phái (Awal Bani) coi danh xưng “Bani” như tên tôn giáo của mình.

Ngày 25/4/2019, một nhóm gồm 5 người tự xưng là trí thức Chăm, những người này chủ yếu ở An Nhơn và 1 người ở Phước Nhơn, Ninh Thuận tự viết đơn gửi các cấp như: Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận và Ban Tôn giáo tỉnh Ninh Thuận với đề nghị: xóa bỏ 2 từ “Hồi giáo” trong cụm từ “Hồi giáo Bani” và đề nghị đặt tên mới là: “Tôn giáo Bani”.

Từ sự kiện trên, đã gây chia rẽ trong Hội đồng Sư cả Ninh Thuận và gây hoang mang dư luận trong cộng đồng Chăm, đặc biệt ở tỉnh Ninh Thuận.

Đối với tỉnh Bình Thuận, Hội đồng Sư cả đã quán triệt không để tình hình trên xảy ra trong tỉnh, và tiếp xúc một số người có ý kiến như sau:

Ý kiến 1: Theo ông tiến sĩ Putra Podam, người Chăm Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận cho rằng “Thứ nhất, Hồi giáo xuất hiện ở cộng đồng Chăm từ nhiều thế kỷ trước và người Chăm gọi là Asulam, còn tín đồ theo Asulam thì được gọi là Bani (Bani là tiếng Ả Rập). Nghĩa Bani là tín đồ tôn thờ thượng đế Allah tương tự như từ Muslim của Islam. Tôn giáo của hệ phái Acar nên giữ “Hồi giáo Bani” (Hồi giáo dòng Bani) để phân biệt với hệ phái “Hồi giáo Islam”. Do đó không thể gọi Bani là tên tôn giáo như một số người đang hiểu. Thứ hai, từ Bani nên viết không dấu, không viết (Bà Ni, hay Bàni)”.

Ý kiến 2: Theo ông Imam Bồ, chức sắc Bình Thuận cho rằng “Hồi giáo Bani có từ lâu đời, nên không thể xóa từ Hồi giáo, đề nghị giữ tên Hồi giáo Bani”.

Ý kiến 3: Theo ý kiến ông Nguyễn Đố, tín đồ Bani xã Phan Hòa cho rằng, Hồi giáo là tên tiếng Việt gọi từ Islam (tên quốc tế) là tôn giáo đã truyền sang Champa từ xưa mà nhiều tài liệu phương Tây đã nghiên cứu. Tín đồ Bani không nên bỏ từ Hồi giáo, vì bỏ từ Hồi giáo là đồng nghĩa bỏ tôn thờ Allah. Do đó, hãy giữ Hồi giáo nói chung và tôn giáo Hồi giáo Bani của người Chăm.

Ý kiến 4: Sư cả Thông Trận, thuộc thánh đường Lâm Giang, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, có ý kiến và trao đổi: “Tôi có ý kiến ngắn gọn, người Chăm theo tôn giáo Hồi giáo Bani, thờ Allah (tiếng Chăm: Po Awluah) từ xưa đến bây giờ, tại sao mình lại bỏ Po Allah, bỏ Hồi giáo Bani? tôi thống nhất giữ nguyên tên gọi tôn giáo: Hồi giáo Bani”.

Ý kiến 5: Sư cả Khê Khôi, thuộc thánh đường Cảnh Diễn, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình. Ý kiến “Tôi ý kiến thống nhất và giữ nguyên tên gọi Hồi giáo Bani. Từ bao đời nay mình thờ Allah (tiếng Chăm: Po Awluah), nên hằng năm mỗi khi tháng lễ Ramadan (tiếng Chăm: Ramawan), lễ Waha, lễ hội Suk Yeng vào ngày thứ sáu (Harei Suk) thì tất cả các chức sắc vào thánh đường hành lễ, khi đó phải đọc thiên kinh Koran (Qur’an), cũng như người theo đạo Hồi giáo (Islam) dâng lễ cho thượng đế Allah (Awluah) để cầu nguyện cho chúng sinh được bình an và hạnh phúc. Tóm lại, tôi thống nhất tên gọi Hồi giáo Bani”.

Ý kiến 6: Tổng Sư cả Lư Thanh, thuộc thánh đường Bình Minh, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình. Ý kiến “Theo tôi Allah (Awluah) là Đấng Tối cao tạo ra mọi vạn vật và vũ trụ, và Muhammad (Mu ham mat) là thiên sứ (Nabi). Đạo Hồi giáo Bani (tiếng Chăm: Awal Bani hay Asulam Bani) của người Chăm có truyền thống từ lâu đời. Thực hiện mọi nghi lễ, nghi thức đều dựa trên thiên kinh Koran. Và Bani hay người Chăm Bani là danh từ để chỉ tín đồ của  Hồi giáo Bani đang tôn thờ Allah. Tôi thống nhất giữ nguyên Hồi giáo Bani”.

Ý kiến 7:  Sư cả Bá Xanh, thuộc thánh đường Bình Hòa, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình. “Tôi có ý kiến ngắn gọn thôi, từ cha sinh mẹ đẻ, tôi lớn lên tôi thờ Po Allah cho đến khi tôi làm Acar. Cứ hằng năm vào cuối tháng 8 Hồi lịch, tôi, gia đình và dòng họ phải đi tảo mộ, cúng gia tiên, …đọc thiên kinh Koran, để chuẩn bị tháng Ramadan (Ramawan) tháng 9 Hồi lịch tức tháng nhịn chay trong thánh đường. Tôi thống nhất tên gọi tôn giáo: Hồi giáo Bani, không thay đổi tên gọi này”.

Ý kiến 8: Ông Thông Tạo (Imam 40), thuộc thánh đường Lâm Thành, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc. “Tôi xin phát biểu ý kiến tên gọi nguồn gốc Hồi giáo Bani, tôi thấy Hội đồng Sư cả Ninh Thuận đồng ý 100%, riêng Ban đại diện chỉ có vài ba người phát biểu ý kiến cho rằng nên bỏ từ Hồi giáo, lấy từ Bani. Tôi thắc mắc, tại sao một số ý kiến này gọi từ Bani là tôn giáo, đây là ý kiến sai lầm. Từ “Bani” là tên gọi của tín đồ, nên tín đồ Bani nghĩa là những con người đang thờ Allah, chứ Bani không phải tên tôn giáo Bani, vì trên thế giới này không có tôn giáo nào tên Bani. Thế kỷ thứ 9 đã có Hồi giáo thế giới truyền giáo sang Champa. Hồi giáo Champa bây giờ được gọi Hồi giáo dòng Bani (hay Hồi giáo Bani), cũng như trên thế giới có Hồi giáo dòng Sunni (hay Hồi giáo Sunni), Hồi giáo dòng Shia (hay Hồi giáo Shia), và trên thế giới hiện nay tồn tại hàng trăm hệ phái Hồi giáo thuộc nhiều dòng khác nhau. Nhưng tất cả các dòng phái đều bám vào thiên kinh Koran và Hadith (những lời dạy của Nabi Mahammad) để hoàn thiện dần, nhưng nhanh hay chậm còn phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố như văn hóa địa phương, văn hóa bản địa ở mỗi dân tộc hay mỗi quốc gia. Tóm lại, Bani là tên tín đồ chứ không phải tên tôn giáo. Sai lầm một số tín đồ của người Chăm do chưa hiểu nhiều về lịch sử tôn giáo của người Chăm, hiểu sai, hiểu không đúng, nên Hội đồng chức sắc có trách nhiệm cần phải thống nhất tên gọi để tín đồ của mình biết và hiểu theo đúng nghĩa của nó”.

Ý kiến 9: Ông Nguyễn Văn Trung (Imam 40), thuộc thánh đường Thanh Kiết, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình có ý kiến tham gia về tên gọi nguồn gốc Hồi giáo Bani. “Tôi xin ý kiến bổ sung thôi. Trong Hội thảo hôm nay các Sư cả và Imam 40, các thành viên Hội đồng Sư cả có ý kiến đồng tình và quan điểm chung về lịch sử nguồn gốc Hồi giáo Bani. Từ xưa tới nay, ông bà xưa thường nói mình thờ Po Allah và phụng sự thiên sứ Muhammad (Nabi Muhammad), mình là người Bani hay tín đồ Bani với tôn giáo là Hồi giáo Bani. Tôi thống nhất ý kiến giữ nguyên tôn giáo: Hồi giáo Bani, và tên tổ chức “Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani” tỉnh Bình Thuận.

Ý kiến 10: Ông Đặng Nhường (Imam 40), thuộc thánh đường Châu Hanh, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình có ý kiến như sau: “Các ông Sư cả cũng có ý kiến nhiều rồi, tôi muốn bổ sung thêm, tôi lớn lên trước năm 1975, ông bà Chăm xưa thường nói, thánh đường Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận thường xây hướng Tây-Đông (Lễ  hướng Tây là hướng Kiblat hay hướng Makkah), và ông bà cũng thường nói đạo mình được truyền từ Ả Rập hay từ Mã Lai (Malaysia), mình thờ Po Allah, mình đạo Hồi giáo Bani và Nhà nước công nhận thành lập Ban Đại diện lâm thời cộng đồng Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận năm 2009. Bản quyết định thành lập đại hội đại biểu Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận ngày 8/9 nhiệm kỳ 2012-2016. Tôi thống nhất tên gọi Hồi giáo Bani”.

Ý kiến 11:  Ông Đặng Anh Gởi (Imam 40), thuộc thánh đường Bình Thắng, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, Bình Thuận. “Theo tôi, Hồi giáo có nguồn gốc từ Ả Rập được truyền sang Champa từ thời xưa và tồn tại đến ngày nay. Hồi giáo Bani ở Bình Thuận được ảnh hưởng nhiều từ Mã Lai và thế giới Melayu, nên rất gần gửi với Mã Lai về mặt văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, ẩm thực,…tôi rất tự hào vì người Chăm có ảnh hưởng nhiều văn hóa lớn trên thế giới. Chúng ta có trách nhiệm duy trì và dạy cho con cháu, tôi thống nhất tên gọi Hồi giáo Bani và tên tổ chức Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani”.

Ý kiến 12:  Ông Khê Châu Xê (Imam 40), thuộc thánh đường Lâm Thành, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tôi xin ý kiến đóng góp cho Hội thảo về nguồn gốc tên gọi Hồi giáo Bani hay Bani. “Qua một số ý kiến mà tôi đã nghe từ Ninh Thuận và ý kiến trình bày trong Hội thảo, tôi được biết có một nhóm vài người Chăm ở Ninh Thuận mang danh tiến sĩ mà lại đi bán rẻ lương tâm từ bỏ tôn giáo Hồi giáo Champa vì lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, vì dự án nước ngoài, vì đồng tiền mà đi khắp nơi vận động tuyên truyền từ bỏ Hồi giáo một tôn giáo của cha ông để lại, làm xáo trộn và chia rẽ trong cộng đồng Chăm. Tại sao mà vô tâm, vô cảm như vậy, tín đồ Bani của Chăm mình là thờ phượng thượng đế Allah (Awluah), tôn kính đức giáo chủ Muhammad, bám vào thiên kinh Koran và Hadith (lời dạy của Nabi hay Rasul Muhammad), điều hành các hoạt động tôn giáo trong các thánh đường Hồi giáo và thực hiện nghi thức, nghi lễ của Hồi giáo nói chung và Hồi giáo Bani nói riêng. Tôi thống nhất tên gọi Hồi giáo Bani”.

Ý kiến 13: Ông Xích Mảo (Imam 40), thuộc thánh đường Châu Hanh, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình. Có ý kiến “Tôi cũng đồng tình quan điểm chung về tên gọi Hồi giáo Bani vì tôn giáo này tồn tại từ bao đời. Hồi giáo Bani trong sâu thẳm con người, trong tiềm thức của người Chăm theo đạo Hồi giáo Bani, mình thờ Po Allah, mình cầu nguyện mọi điều tốt lành được sự bình an đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Tôi không có ý kiến nào khác, tôi luôn luôn tôn thờ Allah và thánh đường của người Chăm luôn luôn ghi Allah và Muhammad. Trước khi dứt lời, tôi chúc Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận luôn dồi dào sức khỏe, chúc Hội thảo hôm nay thành công tốt đẹp”.

Ý kiến 14:  Ông Sư cả Xích Dự, phát biểu “ Tôi xin phát biểu ý kiến bổ sung ngắn gọn, tôi thấy ý kiến của các đại biểu trong hội thảo hôm nay cả Bình Thuận và Ninh Thuận rất đồng tình và thống nhất quan điểm chung là giữ nguyên tên gọi Hồi giáo Bani, tôi có thêm ý kiến thế này, thánh đường (tiếng Chăm: Magik hay Quốc tế: Masjid) đặc biệt được xây theo hướng thánh địa Mec Ca (Makkah) trùng với hướng Tây, tùy theo quốc gia mà hướng lệch khác nhau, nhưng chung quy lại hướng hành lễ phải quay đầu về hướng Makkah. Biểu tượng trên thánh đường Hồi giáo Bani phải là hình ngôi sao và trăng lưỡi liềm. Nói thêm, tôi lớn lên từng chứng kiến và tham gia ba cuộc kháng chiến như chống Nhật, chống Tây, chống Mỹ, dù thời cuộc khó khăn nhưng ông bà ta không từ bỏ Hồi giáo Bani để theo tôn giáo khác. Nguồn gốc lịch sử  của Hồi giáo Bani là tôn thờ thượng đế Po Allah, là một tôn giáo được truyền cho Champa từ Ả Rập hoặc từ Mã Lai (Malaysia) từ thế kỷ 15 hay thế kỷ 16 cho đến nay. Do đó, tín đồ Bani chúng ta phải ăn những thực phẩm hợp pháp (Halal) mà không ăn được những thứ không hợp pháp (Haram) như thịt heo,… và kiêng cử nhiều thứ khác,…như tín đồ Muslim của Hồi giáo (Islam) cũng kiêng cử như vậy. Tôi đã phát biểu hơi dài, cuối cùng, tôi thống nhất tên gọi “Hồi giáo Bani” là tôn giáo hệ phái của người Chăm và giữ tên tổ chức “Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani”. Xin chúc Ban Tôn giáo Chính phủ và chúc hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận dồi dào sức khỏe, mong hai Hội đồng thống nhất tên gọi: Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani và chúc Hội thảo hôm nay thành công tốt đẹp”.

Theo ý kiến của nhiều chức sắc và Hội đồng Sư cả trong tỉnh khắng định, không thay đổi tên Hồi giáo Bani có từ lâu và tên tổ chức đã đặt: “Hồi đồng Sư cả Hội giáo Bani”. Hồi giáo Bani mang ý nghĩa Hồi giáo của tín đồ Bani là hệ phái mới của người Chăm có ảnh hưởng tính bản địa. Hơn nữa, Hồi giáo Bani tiếp nhận từ Islam chính thống về đức tin tôn thờ Allah, về phụng sự Thiên sứ Muhammad và thiên kính Koran,…

Hình 1. Thăm Sư cả palei Katuh

 

Hình 2. Thăm Sư cả palei Cakak

Hình 3. Thăm Sư cả palei Cuah Patik

 

Hình 4. Thăm palei  Bumi

 

Hình 5. Thăm Sư cả palei Caraih  

 

Hình 6. Thăm Sư cả palei Diik

 

Hình 7. Thăm Sư cả palei Yang Muw

 

Hình 8. Thăm Sư cả palei Kraong

 

Hình 9. Thăm Sư cả palei Lember

 

Hình 10. Thăm Sư cả palei Aia Mamih

 

​​Hình 10. Thăm Sư cả palei Njar

 

​​Hình 12. Thăm Sư cả palei Pacam