Kế hoạch thi "hùng biện tiếng Chăm"

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
Mar 15, 2021, 1:33 AM

KẾ HOẠCH TỔ CHỨC: THI HÙNG BIỆN TIẾNG CHĂM

LẦN THỨ 2 - DỊP RAMADAN 2021

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả việc học chữ Thrah Chăm, và Rumi Champa, Hội Champa Bani International Community xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thi hùng biện tiếng Chăm dành cho học sinh, sinh viên và thanh niên Chăm lần thứ 2 nhân dịp Ramadan 2021 với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH HỘI THI

1. Nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng việc học chữ Chăm trực tuyến (online) trên báo điện tử Kauthara, đặc biệt khả năng giao tiếp bằng tiếng Chăm cho học sinh, sinh viên và thanh niên Chăm;

2. Tạo môi trường cho thí sinh trao đổi, học hỏi, trau dồi tiếng Chăm từng chủ điểm trên mục Cham Language trên trang website Kauthara để ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày;

3. Khơi dậy cho học sinh, sinh viên và thanh niên Chăm niềm đam mê và sự hứng thú học chữ Chăm và nói tiếng Chăm, cũng như những hoạt động hàng ngày hay ngoại khóa.

II. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Đối tượng và điều kiện dự thi

- Thí sinh dự thi hùng biện là học sinh, sinh viên, thanh niên Chăm.

- Khuyến khích thanh niên là những công nhân đi làm xa ở các tỉnh.

2. Số lượng tham gia

   Số lượng tham gia thi hùng biện không giới hạn.

3. Ban Giám khảo

   Ban giám khảo bao gồm những giáo viên, chuyên gia có trình độ và uy tín trong giảng dạy tiếng Chăm và ngành giáo dục.

III. NỘI DUNG, HÌNH THỨC THI

Hội thi chỉ tổ chức một lượt thi, không tổ chức thi vòng sơ khảo hay vòng chung kết.

1). Cấu trúc phần thi

Mỗi thí sinh tham dự thi sẽ thực hiện phần thi của mình với 02 nội dung:

+ Hùng biện: Về 01 chủ đề bằng tiếng Chăm với thời gian từ 3 đến 5 phút.

+ Văn bản: Ghi tóm tắt lời hùng biện ở trên bằng chữ Rumi Champa với số từ khoảng 150 đến 200 từ.

2). Hình thức đăng bài thi

+ Phần hùng biện:

  • Thí sinh tự quay hoặc nhờ người thân quay Video. Thí sinh hùng biện khuyến khích mặc trang phục truyền thống. Hùng biện cần nói nhanh, lưu loát, cuốn hút người nghe,…
  • Video hoặc clip gửi trên Facebook của Ban Tổ Chức.
  • Facebook: Putra Podam (Facebook thông báo nội dung thi).

+ Phần Văn bản:

  • Thí sinh ghi tóm tắt lời hùng biện, đủ nội dung, đầy đủ ý chính.
  • Viết phần tóm tắt trến giấy A4, bằng chữ Rumi Champa, đây là loại chữ Rumi kế thừa từ Rumi Cham EFEO 1997.
  • Thí sinh cầm văn bản trước ngực và chụp một tấm hình dự thi, và chụp riêng phần văn bản.
  • Văn bản chữ Rumi Champa gửi trên Facebook: Putra Podam.

+ Like bài đăng:

  • Thí sinh cần Like, Share Video và bài viết, mời bạn bè, người thân LIKE bài càng nhiều càng tốt.

3). Chấm điểm, xếp giải

3.1 Chấm điểm

a). ĐIỂM HÙNG BIỆN được chấm theo thang điểm 20 điểm, gồm các tiêu chí:

+ Nội dung hùng biện: 05 điểm.

+ Năng lực sử dụng ngôn ngữ: 04 điểm.

+ Độ trôi chảy, mạch lạc và tự tin: 03 điểm.

+ Phát âm và độ chính xác ngôn ngữ: 03 điểm.

+ Điểm Like: 02 điểm.

+ Điểm Comment: 02 điểm.

+ Điểm Share: 01 điểm.

b). ĐIỂM VĂN BẢN tóm tắt chữ Rumi Champa theo thang điểm 10 điểm, gồm những tiêu chí:

+ Nội dung tóm tắt phù hợp nội dung hùng biện: 02 điểm.

+ Nội dung bài viết hay: 02 điểm

+ Cấu trúc câu và chính tả: 01 điểm

+ Điểm Like: 02 điểm.

+ Điểm Comment: 02 điểm.

+ Điểm Share: 01 điểm.

3.2 Xếp giải

Ban tổ chức sẽ xếp các giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích theo độ dốc điểm của các thí sinh.

Những thí sinh đạt giải sẽ nhận giấy chứng nhận và phần thưởng.

IV. THỜI GIAN

  1. Thời gian chuẩn bị là 5 ngày, tính từ ngày thông báo (15/4/2021)
  2. Thời gian gửi bài lên Facebook: Putra Podam, ngày 25/4/2021, nhằm đêm thứ 10 Ramadan (Ramawan).
  3. Thời gian kết thúc đăng bài ngày 10/5/2021, nhằm đêm thứ 25 Ramadan.
  4. Thời gian kết thúc tính điểm LIKE, SHARE là 18h chiều ngày 26 Ramadan.

V. ĐĂNG KÝ DỰ THI

Hồ sơ đăng ký dự thi: gồm

  • Họ và tên thí sinh,
  • Ngày tháng năm sinh,
  • Địa chỉ nguyên quán,
  • Hình nhận diện, hình đẹp, chụp phần thân trên,
  • Hồ sơ gửi qua Facebook: PUTRA PODAM.

Trên đây là kế hoạch tổ chức thi Hùng biện tiếng Chăm lần thứ 2 dành cho học sinh, sinh viên, thanh niên Chăm dịp Ramadan 2021. Hội Champa Bani Quốc tế (Champa Bani International Community) sẽ thông báo hướng dẫn chi tiết về thời gian và cách thức thi.

KT. CHỦ TỊCH

(đã ký)

TS. PUTRA PODAM

---------------------------

CHỦ ĐỀ THI HÙNG BIỆN TIẾNG CHĂM

Nhân danh Allah (Aluah), Đấng rất mực Độ Lượng, Đấng rất mực Khoan Dung, mọi ca ngợi dâng lên Allah, Chủ Tể của vũ trụ và muôn loài, cầu xin bình an cho Thiên Sứ Muhammad, gia tộc của Người, và tất cả các bạn hữu của Người. Cầu xin Allah ban phúc lành, hồng phúc, che chở và phù hộ cho các tín đồ của Allah nói chung và cho tín đồ Chăm Awal Bani - Hồi giáo Bani.

Chủ đề 1: Hồi giáo Bani (tiếng Chăm: Awal Bani) là tôn giáo Hồi giáo dòng Bani hay Hồi giáo Champa là một tôn giáo của người Chăm (Vì tất cả thần dân Chăm đều thờ phượng Đấng Tối cao Allah).

Chủ đề 2: Hãy giải thích rõ từ “Bani”. Danh xưng Bani không chỉ dành riêng cho người Chăm Ninh Bình Thuận mà còn dùng cho một số dân tộc trên thế giới. Vậy khi nào và điều kiện gì để trở thành tín đồ Bani?

Chủ đề 3: Tín đồ Bani của tôn giáo Awal Bani (Bani Awal) gồm hai tầng lớp.

Tầng lớp thứ nhất là: Giáo sĩ Acar (như Guru, Imam, Katip, Acar) là tầng lớp cao nhất, duy nhất và trực tiếp thờ phượng Đấng Allah.

Tầng lớp thứ hai là: Tín đồ Bani thông thường (không phải Acar) như Ts.Putra Podam, Ts. Bá Trung Phụ,…tầng lớp thứ hai chỉ phụ vụ cho đối tượng tầng lớp thứ nhất, và không trực tiếp thờ phượng Allah.

Khi bàn đến Awal Bani, thì đối tượng chính cần bàn là giáo sĩ Acar chứ không phải tín đồ tầng lớp thứ hai.

Câu hỏi: Vậy khi nào tín đồ Bani thông thường trở thành tín đồ trực tiếp thờ phượng Đấng Allah?

Chủ đề 4: Hiện nay một số người đang nhầm lẫn Bani là đạo tên Bani, Chăm Bani là Chăm theo đạo Bani. Khi đó theo dòng lịch sử người Chăm chỉ gọi Agama của mình là những từ: Islam, Asulam, Awal (Cặp phạm trù Awal- Ahier), không có từ đạo Bani. Vậy giáo sĩ Acar chính xác là tín đồ của Agama nào?

Chủ đề 5: Agama (Tín ngưỡng) của bạn là gì? Bạn đang theo Agama Islam, Asulam, Awal hay Ahier ? Giải thích thêm?

----------------------

MỘT SỐ TỪ LIÊN QUAN

Allah: Thượng đế Allah

Muhammad: thiên sứ (Nabi Muhammad hay Rasul Muhammad)

Agama: đạo, tôn giáo

Islam: Hồi giáo

Awal: Hồi giáo (ám chỉ tín đồ đã thờ  phượng Allah từ trước thế kỷ 17 và tiếp tục đến hiện tại).

Ahier: Tín đồ Ấn giáo (thờ Brahma, Vishnu, Shiva), đến thế kỷ 17 tín đồ này chấp nhận thờ thêm Allah như Đấng Tối cao.

Bani: tín đồ (thờ phượng thượng đế Allah)

Bhuk tik: thờ phượng

Aman, iman: đức tin

Kafir: ngoại đạo (không chấp nhận sự tồn tại của Allah)

Acar: giáo sĩ

Ulama: Giáo sĩ

Wali: Hiền nhân (bậc hiền nhân, bậc thông thái)

Ghaih: tín đồ thông thường

Awal Bani (Bani Awal): Hồi giáo Bani

Magik: thánh đường

Masjid: thánh đường

Surao: tiểu thánh đường

Halal: theo ngôn ngữ Arabic có nghĩa là “hợp pháp”, “hợp quy” hay “được phép”.

Haram: Haram có nghĩa là bất hợp pháp, không được phép, phạm quy hay đơn giản là “cấm” ở đây cũng phải theo quy chuẩn của Thiên kinh Koran.

Lakhah: Lễ thành hôn

Katan: Lễ cắt bao quy đầu

Kareh: Lễ cắt tóc

Bangsa: dân tộc

Bhap: dân

Bhap Bani: dân chúng, nhân dân

--------------------

MỘT SỐ THUẬT NGỮ

MAKAH

Makkah hay Mecca, là một thành phố thuộc Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út). Thành phố được nhìn nhận là linh thiêng nhất trong thế giới Hồi giáo và cuộc hành hương (Haji- Hajj) là điều bắt buộc đối với mọi tín đồ Hồi giáo có khả năng. Makkah sở hữu Kaaba (Kiblat) linh thiêng, đây là nơi các tín đồ Hồi giáo hướng đến khi cầu nguyện.

Mecca trong tiếng Malay hay tiếng Chăm được ghi Makkah hay Makah. Makah trong truyền thống Malay và trong các văn bản chép tay Chăm mang hàm ý chỉ về ba địa danh khác nhau.

Theo Gs.D.Lombard (1990, p.183), Makkah trong truyền thống Malay là một thánh địa ở thế giới siêu hình, chính vì thế ngày xưa khó mà đến nơi này được. Người Chăm có câu: “Nao Makkah Danah”, có nghĩa đi thánh địa Makkah và Medinah, nhưng nghĩa bóng là “đi không bao giờ trở lại”. Sử thi Um Marup, mô tả thánh địa Makkah ở Saudi Arabia.

Cũng theo Gs. D. Lombard (1990, p.196-197), trước thế kỷ 16, Makkah được dùng trong văn chương Malay không ám chỉ thánh địa Hồi giáo ở nước Arab mà là tiểu vương quốc Malacca (Melaka-Malaysia).

Sau thế kỷ XVI, khi Melaka bị quân Bồ Đào Nha chiếm đóng, Po Dharma (1999, p.198) cho rằng thánh địa Makkah được dời từ Melaka đến Kelantan (Malaysia), một tiểu bang có nhiều mối quan hệ khăn khít với vương quốc Champa. Thi phẩm "Nai mai mang Makah" là Makah thuộc Serembi Makah, Kelantan.

ISLAM

Islam (tiếng Arabic là: al-'islām), có nghĩa là "vâng mệnh, quy phục Thượng Đế", mà ở Việt Nam gọi là Hồi giáo, người Chăm gọi “Asulam” là một tôn giáo khởi nguồn từ khi Thượng đế tạo ra Adam, độc thần, chỉ có Allah là Thượng đế, là Đấng Tối Cao, Duy Nhất và Muhammad là vị Thiên sứ cuối cùng được Allah mặc khải Thiên kinh Koran. Theo Islam, các tín đồ phải tuân theo năm điều, đó là năm trụ cột hay năm nghĩa vụ thiêng liêng của các tín đồ. Năm trụ cột của Islam là: Shahadah, Solat, Sawm, Haji, Zakat.

ASULAM

Asulam là tên phiên âm tiếng Chăm từ Islam tiếng Arabic (Arab), là một tôn giáo độc thần được du nhập vào Champa từ khoảng cuối thế kỷ thứ IX và phát triển cực thịnh vào khoảng cuối thế kỷ XVI. Lịch sử minh chứng tín đồ Asulam Champa có mối quan hệ mật thiết với thế giới Melayu, đặc biệt là Malaysia. Xem Islam.

HỒI GIÁO

Hồi giáo (tiếng Ả Rập: Islam), mang nghĩa “vâng mệnh, quy phục Thượng Đế”, là một tôn giáo Độc Thần do Muhammad sáng lập, nhưng đức tin của Islam thì bắt nguồn từ trước khi Allah tạo ra Adam. “Hồi” ở đây có nghĩa là “Hồi lại”, “Hoàn lại”, “Về lại nguyên thủy”, ngược lại dòng thời gian từ thời Muhamamad đến thời kỳ nguyên thủy ban đầu, nghĩa là từ Rasul cuối cùng Muhammad ngược lại đến nabi Jesus, kế tiếp là nabi Musa, kế tiếp là nabi Ibraham, rồi đến thời kỳ nguyên thủy là nabi Adam. Hồi ở đây nghĩa là hồi lại trạng thái ban đầu và thực hiện đúng đắn cho một tôn giáo độc thần mà Allah đã chỉ định. "Subhanahu Wa Ta'ala" có nghĩa: “Vinh Quang Thượng Đế, Đấng Quyền Lực Tối cao”. Đồng thời tín đồ Hồi giáo phải hoàn thiện theo lời dạy của Thiên kinh Koran và cố gắng giữ Ngũ trụ.

Vấn đề thứ hai, Putra Podam làm rõ như sau: Dân tộc  : huí [huái] có nguồn gốc từ những người Ả Rập, Ba Tư,… là một trong những sắc tộc theo Islam sớm như người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur), người kazakhstan, người Dongxiang, người Kyrgyz, người Uzbek, người Salar, người Tajikistan, người Bonan, người Tatar và người Chăm ở đảo Hải Nam. Người “Huí” cải đạo sang Islam và được người Trung Quốc gọi là “Huíjiào”. Ngược lại, trong tiếng Trung Quốc hiện đại, từ Islam được phiên âm thành “Yīsīlán jiào” chứ không gọi là “Huíjiào” vì đơn giản Trung Quốc có rất nhiều sắc dân theo Islam chứ không chỉ riêng người “Huí”.

      Ở Việt Nam nhiều người thêu dệt vì thấy dân tộc Chăm theo tôn giáo mặc trang phục và hành lễ giống người “Huíjiào” ở Trung Quốc, nên đặt tên tôn giáo là: “Hồi giáo”. Cách giải thích này chỉ mang tính chủ quan và hoàn toàn không đúng.

MUSLIM

Muslim là phiên âm tiếng Arabic (Arab). Nghĩa là những người theo Islam hay những tín đồ Islam. Nói các khác, những ai qui phục Mệnh Lệnh và Chỉ Thị của Allah (swt) "Subhanahu Wa Ta'ala" như tôn giáo Islam đã qui định thì được gọi là người Muslim (tín đồ Hồi giáo).

JAWA

Jawa để chỉ tín đồ Hồi giáo (Islam, Asulam) có ba giai đoạn chính khác nhau. Thời kỳ đầu, khi nói đến Jawa thì người ta thường nghĩ đến những người Muslim hay những người Muslim có da ngâm đen như người Muslim Trung Đông, Indian, Bangladesh, Indonesia, Malaysia,… Thời kỳ thứ hai, Jawa chỉ giới hạn cho người Muslim Indonesia, Malaysia, hay Jawa Kur gồm Muslim Chăm Kampuchea và Chăm Châu Đốc… Thời kỳ ba, Jawa được xác định cụ thể là một dân tộc ở Indonesia và quê hương của người Jawa là phần trung và đông của đảo Jawa, có dân số gần 100 triệu người, là dân tộc đông nhất ở Indonesia và có một nền lịch sử rực rỡ.

BANI

Bani là phiên âm tiếng Arabic (Arab - Ả Rập). Nghĩa là “đạo”, nhưng thường dùng với nghĩa “tín đồ” hay “Muslim” chỉ thờ phượng Allah là Đấng Tối Cao, Duy Nhất và Muhamat (Muhammad) là vị Thiên sứ (Nabi-Rasul) cuối cùng được Allah mặc khải Thiên kinh Koran.

Theo thuật ngữ thì từ Bani có một số ngữ nghĩa như:

- Bani: trong tiếng Arabic dùng để chỉ tín đồ của thượng đế Allah. Nhưng theo R.P Durrand (1903), tên gọi Bani là phiên âm theo từ gốc Arab Beni”, có nghĩa là “đứa con”.

- Bani dùng để chỉ sắc dân như: Bani Israel (sắc dân Do Thái), Bani Chăm (nhóm sắc dân Chăm theo đạo mới).

- Bani, Bini là “đạo” thường dùng để chỉ người mới nhập đạo, người có đạo, hay người có đức tin với thượng đế Allah. Ví dụ: Bani Jawa: nghĩa là: người Jawa theo đạo mới, hay người Hồi giáo Jawa.

- Bani, Bini thường dùng như tên lót Bin theo Islam như: Muhammad Bin Bilal Ali, Bin Laden, Cei Sak Bin Bangu,…

- Bani hay Bini trong tiếng Malay còn có nghĩa là phụ nữ hay vợ,

- Bani là tín đồ Hồi giáo cũng như Muslim (Islam đang dùng).

Cụ thể: Khi thực hiện “lễ cắt bao quy đầu” thì người Chăm Nam bộ, Chăm Kampuchea, Chăm Ninh Thuận hay Bình Thuận đều gọi “Khatan tamâ Bani” nghĩa chính là lễ cắt bao quy đầu, nhưng thường gọi lễ nhập đạo. Ở đây ám chỉ dĩ nhiên là nhập đạo Islam (Asulam) chứ không mang nghĩa khác như nhập đạo Balamon, Tin Lành, Thiên Chúa giáo hay Phật giáo,…Nhưng nghĩa đối với riêng người Chăm thì cụm từ ‘Khatan tamâ Bani” (nhập đạo), ám chỉ không phải nhập đạo Balamon, mà nhập đạo mới Asulam theo thờ phượng thượng đế Allah.

Từ “Bani” chỉ có nghĩa là đạo hay người Chăm nhập đạo mới (ám chỉ tín đồ theo đức tin Allah), hay chỉ nhóm sắc dân Chăm tôn thờ Allah, hay đơn giản là người “Có đạo” (Ám chỉ đạo Asulam không phải đạo Balamon). Điều này cũng như người Việt gọi hai từ “Xóm đạo”, là xóm những người theo Công giáo, chứ không phải người theo Phật giáo, Hòa Hảo hay Cao Đài,…

Một số người Chăm tại Ninh Thuận, Bình Thuận thường hiểu lầm “Bani” là đạo tên Bani. “Chăm Bani” là người Chăm theo đạo Bani. Đây là cách hiểu sai, không đúng hay không chính xác. Vì trên thế giới không có đạo nào tên Bani.

AWAL

Theo sử sách Chăm và Malay, vua Po Rome (Mustapha) là vị vua Islam (Hồi giáo), là bậc Hiền nhân (Wali), là người am hiểu tinh thông Thiên kinh Koran và giáo lý Asulam. Người Chăm theo Asulam thời đó, mặc dù tự nhận mình là tín đồ Bani, nhưng Chăm Bani vẫn tiếp tục duy trì chế độ mẫu hệ và mẫu cư, một qui chế tổ chức gia đình và xã hội hoàn toàn khác với phong tục của Asulam chính thống giáo. Sau thế kỷ 17, do tình hình xung đột tôn giáo trong xã hội người Chăm ngày càng phức tạp, do đó, vua Po Rome quyết định hóa giải tôn giáo thành hai thuật ngữ là Awal và Ahier, với ý nghĩa như sau:

Awal: Là người Chăm (Chăm Balamon, Chăm Jat,…) đã theo Asulam từ trước, từ nhiều thế kỷ trước, cụ thể từ thế kỷ thứ 9, nhưng vẫn còn tiếp nhận văn hóa bản địa Champa. Thuật ngữ Awal (gốc từ Arabic) có nghĩa là “đầu tiên, trước” để ám chỉ cho những người Chăm đã theo Asulam từ trước triều đại vua Po Rome (1627-1651) và chỉ chấp nhận Po Allah Thượng đế, là Đấng Tối cao và Duy nhất.

 Ahier: Là người Chăm theo Hindu giáo, nhưng tiếp nhận nhiều nghi lễ mang yếu tố bản địa Champa. Thuật ngữ Ahier (gốc từ Arabic) có nghĩa là “muộn, sau” để ám chỉ cho người Chăm theo Hindu chấp nhận thờ thêm Po Allah (Đấng Toàn năng) sau khi vua Po Rome đứng ra hòa giải. Po Allah xuất hiện trong cộng đồng Chăm Ahier không phải là Thượng đế Duy nhất mà là Ðấng Thượng đế Tối cao đứng đầu trong danh sách các thần linh quan trọng khác của người Chăm Ahier ở Panduranga như Brahman, Vishnu, Shiva.

Do vậy, thuật ngữ Awal không làm thay đổi giá trị thực thể nội tại của Asulam, mà từ Awal chỉ khẳng định thêm rằng người Chăm đã theo Asulam và tôn thờ Allah từ trước (nghĩa là người Chăm theo Asulam từ trước triều đại Po Rome). Trong khi thuật ngữ Ahier, có thay đổi giá trị nội tại của người Chăm đã theo Hindu, bằng cách Po Rome dùng quyền lực ép người Chăm Hindu phải thờ thêm Allah của tôn giáo Asulam. Nghĩa là vua Po Rome đã truyền đạo Asulam cho người Chăm Hindu và mong sau này người Chăm Hindu thay đổi nhận thức chỉ tôn thờ Đấng Allah Duy nhất, hay thờ phượng thêm Đấng Allah để cùng Chăm Asulam (Chăm Bani) giải quyết mâu thuẫn, xung đột tôn giáo ở Panduranga xưa.

AWAL BANI (BANI AWAL)

Dựa vào ngữ nghĩa của “Awal” và “Bani” ở trên, thì từ: Awal Bani (tiếng Việt: Hồi giáo Bani - Hồi giáo dòng Bani - Hồi giáo Champa) là một hệ phái mới xuất hiện ở Champa, tức hệ phái Hồi giáo thuộc dòng Bani, do ảnh hưởng văn hóa bản địa Champa và do tình hình xã hội Champa phức tạp mà triều đại Po Rome đã tạo ra.

Hệ phái “Awal Bani hay Bani Awal” đã định ra gồm hai tầng lớp. 1). Tầng lớp thứ nhất: đó là tầng lớp cao nhất gồm Giáo sĩ (Acar- ulama) và những bậc Hiền nhân (wali) trực tiếp chỉ thờ phượng thượng đế Allah, Đấng Tối cao, Duy nhất và Muhammad là Thiên sứ cuối cùng, và 2). Tầng lớp thứ hai: là những tín đồ Bani thông thường như Ts. Putra Podam, Ts. Phú Văn Hẳn, Ts. Bá Trung Phụ,… là tín đồ chỉ phục vụ, phục tùng Giáo sĩ (Acar-ulama) hay bậc Hiền nhân (Wali) và gián tiếp thờ phượng Allah. Nhưng lớp tín đồ Bani sau này nếu trang bị đầy đủ kiến thức, Thiên kinh Koran và giáo lý thì cũng có thể trở thành giáo sĩ (Acar) để trực tiếp thờ phượng Allah. Do vậy, khi bàn đến tôn giáo, hay khi nói đến hệ phái Awal Bani (Hồi giáo Bani) thì chúng ta hãy nói đến tầng lớp giáo sĩ (Acar) và hệ thống giáo lý, giáo luật của “Awal Bani” chứ không nói đến tín đồ Bani tầng lớp thứ hai hay tín đồ Bani thông thường.

“Awal Bani hay Bani Awal” tiếng Việt là: “Hồi giáo Bani” là tên tôn giáo đúng và phù hợp về mặt ngữ nghĩa được kế thừa từ tôn giáo Asulam mà tổ tiên người Chăm đã tiếp nhận từ thế kỷ thứ 9 cũng như được vua Po Rome (Mustapha) đã truyền lại được hậu duệ, tín đồ Bani gìn giữ đến ngày nay. Hồi giáo nói chung đã được Ban Tôn giáo Chính phủ công nhận là một tôn giáo tại Việt Nam. “Hồi giáo Bani” hay “Hồi giáo Islam” là tên gọi chính thức được Nhà nước công nhận là hệ phái tôn giáo của người Chăm.

CAMPA (Champa)

Champa là một vương quốc độc lập từ giữa năm 190 - 192 sau Công Nguyên, ở miền Trung Việt Nam. Biên giới từ phía bắc tỉnh Quảng Bình kéo dài đến phía Nam của tỉnh Đồng Nai (Biên Hòa). Champa trong thời kỳ hưng thịnh từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10, nhưng sau đó suy tàn dần, cụ thể là đối mặt với các mối đe dọa cuộc Nam Tiến của Việt Nam. Cuối cùng Champa bị xóa tên trên bản đồ thế giới vào năm 1832.

URANG CAMPA (Urang Champa)

Người Champa (urang Campa) bao gồm người Chăm sống ở các tỉnh ven biển, các sắc dân Jrai, Rade, Churu, Raglai, Koho, Ma, Stieng, Kotu,… sống ở Cao Nguyên. Những sắc dân này có nhiều đặc điểm tương đồng về nhân chủng, ngôn gữ và văn hóa,...

CAM (Cham)

Chăm là thần dân của Champa hay sắc tộc bản địa Champa, có quốc gia độc lập từ thế kỷ thứ II. Sau một vài thế kỷ Champa bị hàng loạt cuộc tấn công hay Nam Tiến của người Việt Nam, cuối cùng Champa đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới vào năm 1832 (thế kỷ XIX). Ngày nay, người Chăm sống rải rác ở nhiều khu vực, bao gồm Việt Nam, Kampuchea, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Mỹ và Pháp,… và rãi rác một số tỉnh ở Việt Nam như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, An Giang, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh,…