Bài 1: Masjid - Magik (Thánh đường) Chăm Bani và Islam

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
Apr 25, 2021, 6:34 PM

Thánh đường (Masjid  - Magik) ở Việt Nam

Hồi giáo Chính thống và Hồi giáo Champa

Tác giả: Ts. Putra Podam

 

Chăm Bani tại Việt Nam, tồn tại hai nhánh chính: Hồi giáo Islam (Bani Islam - Islam hay Hồi giáo chính thống) và Hồi giáo Bani (Bani Awal: Hồi giáo dòng Bani hay Hồi giáo Champa). Để phân biệt giữa hai tín đồ, người Chăm thường gọi tín đồ Muslim: là Chăm Islam và tín đồ Bani (tôn giáo: Awal hay Asulam) là Chăm Bani.

Đối với Chăm Islam, trước 1975, ở miền Nam, Hồi giáo có hai tổ chức chính thức là "Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam" và "Hội đồng giáo cả Islam Việt Nam". Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam hoạt động dưới sự điều hành của Ban Quản trị Hiệp hội Trung ương và Đại hội đồng cơ sở. Nhằm mục đích: không hoạt động chính trị mà duy trì những tinh hoa đạo đức trong sinh hoạt tôn giáo; thực thi các tập tục truyền thống và đời sống đạo đã được Thiên kinh Koran giáo huấn. Mặt khác, trong cộng đồng Chăm Bani ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận cũng có tổ chức "Hội đồng giáo cả" tuy chưa được pháp luật thừa nhận nhưng trên thực tế vẫn hoạt động và tồn tại.

Sau 1975, được sự đồng ý của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam, tín đồ Chăm Islam đã thành lập: “Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo” được thành lập từ năm 1992, ở 52 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, cộng đồng tín đồ Awal Bani ở Ninh Thuận có thành lập lập “Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Ninh Thuận” tại làng Thành Tín (Haluw Cuah Patih), xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Và,

Cộng đồng tín đồ Awal Bani ở Bình Thuận có thành lập lập “Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận” tại làng Thanh Kiết (Haluw Njar), xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Hình 1. Cổng thánh đường (Magik) Awal Bani (Hồi giáo Champa), Bình Thuận.

Về cơ bản thì kiến trúc Magik của người Bani Awal và Masjid của người Bani Islam khá tương đồng và giống nhau, đều ảnh hưởng kiến trúc Champa cổ, cộng với sự ảnh hưởng văn hóa Islam. Ngày nay người Chăm Châu Đốc xây thánh đường với thiết kế ảnh hưởng kiểu dáng Trung Đông, chứ không phải kiến trúc riêng của người Chăm Bani Islam.

Magik Bani Awal và Masjid Bani Islam hay Masjid Islam trên thế giới đều thiết kế xây theo hướng về phía thánh địa Makkah hay từ bất cứ địa điểm nào, Majid (Magik) luôn hướng về vị trí của Kaaba được gọi là “qibla” hay “Kiblat”.

Ở Việt Nam hướng Kiblat trùng với hướng Tây (hướng mặt trời lặn), do đó thánh đường ở Việt Nam thường xây về phía Tây và  cửa chính ra vào có thể là hướng Đông.

Hình 2. Hướng Kiblat trùng hướng Tây. Định vị tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ở những thành phố lớn, đất đai chật, hẹp và nhỏ nên điều kiện xây thánh đường cửa chính không còn đúng hướng theo luật định vì còn phụ thuộc vào con đường hay mặc đường và mặc tiền của ngôi nhà. Hơn nữa, nhiều thánh đường lớn hiện nay thì ngoài cửa chính, còn có nhiều cửa phụ khác. Như Thánh đường UTM ở Johor Bahru - Malaysia có bảy cửa ra vào, nhưng hành lễ phải duy nhất là hướng Kiblat  về phía Makkah.

Tuy nhiên ở thành phố San JoseCalifornia, hướng Kaaba (hướng Kiblat) nằm lệch ở hướng 19 độ Bắc (không phải hướng Tây)

 

Hình 3. Hướng Kiblat, Makkah lệch 19 độ Bắc, Định vị tại Los Angeles-California-America.

Bên trong chính diện, phía trước hướng Makkah nơi Imam hướng dẫn hành lễ, thường phải có Minbar là nơi giáo sĩ Katip giảng giáo lý. Ngoài ra, bên góc thánh đường thường có tháp cao để giáo sĩ (Azan) kêu gọi tín đồ đã đến giờ dâng lễ và hành lễ Solat (salah).

Hình 4. Magik Chăm ngày xưa, mẫu ngôi thánh đường Champa.

Hình 5. Thánh đường cổ Kampung Laut, do người Champa xây trong khuôn viên Penkalan Chepa vào thế kỷ 17 thuộc tiểu bang Kelantan, Malaysia. [Serambi Makah].

 

Hình 6. Masjid Jamiul Azhar, Châu Đốc, xây năm 1959.

Hình 7. Thánh đường Bani Awal, Tuấn Tú - Ninh Thuận.

Hình 8. Phần bên trong thánh đường Bani Awal-Bình Thuận.

Hình 9. Chính điện và Minbar (bụt thuyết giáo) trong thánh đường UTM.