Ts. Putra Podam là người Bani, nhưng không phải người theo đạo tên Bani

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
Jun 22, 2021, 9:20 PM

Bani là phiên âm tiếng Arabic (Arab - Ả Rập). Nghĩa là “đạo”, nhưng ở Champa Bani thường dùng với nghĩa “tín đồ” hay “Muslim” chỉ thờ phượng Allah (Awluah) là Đấng Tối Cao, Duy Nhất và Muhammad (Muhamat) là vị Thiên sứ (Nabi-Rasul) cuối cùng được Allah mặc khải Thiên kinh Quran (Koran).

Theo thuật ngữ thì từ Bani có một số ngữ nghĩa như:

- Bani: trong tiếng Arabic dùng để chỉ tín đồ theo đạo thờ thượng đế Allah. Nhưng theo R.P Durrand (1903), tên gọi Bani là phiên âm theo từ gốc Arab Beni”, có nghĩa là những “đứa con”.

- Bani với nghĩa rộng là “đạo”, nhưng nghĩa hẹp thì chỉ sắc dân có tín đồ thờ phượng Allah. Như Bani Islam (tín đồ theo Islam chính thống), Bani Israel (sắc dân Do Thái là những tín đồ thờ Allah), Bani Jawa (Sắc dân Melayu nói chung, và sắc dân đảo Jawa nói riêng thờ phượng đạo mới đó là Islam), Bani Chăm (sắc dân Chăm theo đạo mới, đạo Islam và thờ phượng Allah), Bani Awal (sắc dân Chăm theo đạo mới, đạo Awal. Awal là tôn giáo của Champa có từ thế kỷ thứ 17 mà hiện nay giáo sĩ Acar đang thờ phượng).

- Bani, Bini là “đạo” thường dùng để chỉ người mới nhập đạo, người có đạo, hay người có đức tin với thượng đế Allah. Ví dụ: Bani Jawa: nghĩa là: người Jawa theo đạo mới, hay người Hồi giáo Jawa, và đơn giản chỉ gọi Jawa.

- Bani, Bini thường dùng như tên lót cho giới tính nam “Bin” theo Islam như: Muhammad Bin Bilal Ali, Bin Laden, Muhammad Bin Putra, Cei Sak Bin Bangu,…

- Người Chăm thường nói: Nứ Nì (viết tắt của chữ Anâk Bini hay Anak Bini): có nghĩa là đứa con của Bini hay con chiên, nghĩa là tín đồ của Allah.

- Ngoài ra Chăm còn nói: Nứ Bì (viết tắt Anak Nabi, mà nabi ở đây là thiên sứ Muhammad), vậy Anak Nabi mang nghĩa là tín đồ của thiên sứ Muhammad.

- Người Chăm nói riêng và Champa nói chung đều gọi danh xưng là: “Agama Awal”, mang nghĩa tôn giáo Awal là tôn giáo của người Chăm.

- Người Chăm không bao giờ nói: “Agama Bani”, vì Bani không phải tôn giáo.

Những lập luận từ nguồn gốc lịch sử tôn giáo Chăm và thực tế minh chứng rằng Chăm có một tôn giáo là “Awal” đó là giới giáo sĩ Acar hiện đang thờ phượng thượng đế Allah. Người Chăm chưa bao giờ tồn tại một tôn giáo mang tên “Bani”, mà từ Bani chỉ mang nghĩa tín đồ theo đạo thờ phượng Đấng Allah. Những từ thường thấy như: Anâk Bani, Chăm Bani, Bani Chăm, Bani Kur, Bani Jawa, Bani Isael, Bani Islam, Bani Islam Châu Đốc,… thậm chí cũng có thể gọi “Bani Ahier” vì Chăm theo Hindu xưa đến thế kỷ 17 thờ phượng Allah là Đấng Tối cao cho đến nay.

Cụ thể: Khi thực hiện “lễ cắt bao quy đầu” thì người Chăm Islam Nam bộ, Chăm Kampuchia, Chăm Ninh Thuận hay Bình Thuận đều gọi “Khatan tamâ Bani” nghĩa chính là lễ cắt bao quy đầu, nhưng thường gọi lễ nhập đạo. Ở đây ám chỉ dĩ nhiên là nhập đạo Islam (Asulam) chứ không mang nghĩa khác như nhập đạo Hindu (Balamon), Tin Lành, Thiên Chúa giáo hay Phật giáo,…Nhưng đối với người Chăm thì cụm từ ‘Khatan tamâ Bani” (nhập đạo), ám chỉ không phải nhập đạo Hindu, mà nhập đạo mới Islam (Asulam) theo thờ phượng thượng đế Allah.

Từ “Bani” chỉ có nghĩa là đạo hay người Chăm nhập đạo mới (ám chỉ tín đồ theo đức tin Allah), hay chỉ nhóm sắc dân Chăm tôn thờ Allah, hay đơn giản là người “Có đạo” (Ám chỉ đạo Asulam không phải đạo Balamon). Điều này cũng như người Việt gọi hai từ “Xóm đạo”, là xóm những người theo Công giáo, chứ không phải xóm của những người theo Phật giáo, Hòa Hảo hay Cao Đài,…

Một số người Chăm tại Ninh Thuận, Bình Thuận thường hiểu lầm “Bani” là đạo tên Bani. “Chăm Bani” là người Chăm theo đạo tên Bani. Đây là cách hiểu sai, không đúng hay không chính xác. Vì trên thế giới không có đạo nào tên Bani.