Nhà thần học Ts. Basiron giải thích từ "Bani"

Written by admin
In category Nghiên cứu
Jun 27, 2021, 4:50 AM

TS. Basiron là người Chăm Bani ở xứ Mblap, ông theo học thạc sỹ tại Ả Rập về ngôn ngữ Ả Rập và gốc Từ trong Thiên Kinh Koran. Sau khi tốt nghiệp Thạc Sỹ, ông tiếp tục học Tiến sỹ tại Malaysia về tôn giáo chuyên sâu ngôn ngữ, ông là nhà ngôn ngữ, nhà thần học đầu tiên của dân tộc Chăm. Ông có khả năng nói 8 ngôn ngữ cùng một lúc một cách lưu loát. Tại Malaysia Ts. Basiron cùng Ts. Putra Podam thường bàn về ngôn ngữ Chăm.

Nay một số người Chăm không am hiểu Bani bị lợi dụng lôi kéo chống Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani, và muốn triệt tiêu tổ chức này. Thấy tình hình ngày càng căng thẳng, Ts. Basiron viết bài giới thiệu từ Bani cho cộng đồng cùng tham khảo, dưới đây là nội dung bài viết:

TỪ “BANI”: NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA

Tác giả: Ts. Basiron

Gần đây có nhiều tranh cãi trong cộng đồng Chăm xung quanh từ “Bani”/ “Bàni”/ “Bà Ni”/ “Bà ni” (có nhiều cách viết khác nhau của từ này, tôi chọn cách viết “Bani” vì nó là phiên âm của từ trong tiếng Chăm, một từ gồm có hai âm tiết). Trong đó, có ý kiến tái khẳng định ý nghĩa của Bani như nó từng được hiểu trước đây. Bên cạnh đó, có ý kiến hoàn toàn mới, dường như thuật ngữ “Bani” mang ý nghĩa riêng của nó được thể hiện qua các hình thức hành đạo, nghi lễ tôn giáo đang được nhìn thấy từ giáo dân. Tất nhiên, mỗi ý kiến đều có lý do và bằng chứng để chứng minh cho quan điểm của mình. Nhưng rất tiếc, các ý kiến đó chỉ mang tính chất hạn hẹp, không dựa trên góc nhìn toàn diện, không quan tâm đến những yếu tố bên ngoài có sự liên đới về nhiều giá trị tín ngưỡng chung. Đặc biệt, khi nghiên cứu đến “Bani”, các nhà nghiên cứu dường như đã bỏ ngỏ một vấn đề cốt lõi trong tôn giáo Bani, đó là các kinh sách Bani được các vị Acar lưu giữ.

Vì vậy, để tìm câu trả lời toàn diện và thực tế hơn về nguồn gốc của từ “Bani”, chúng ta phải xem xét nhiều khía cạnh như yếu tố con người, ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, truyền thống và bối cảnh, kinh sách, liên quan đến Bani. Trong bài đăng này, tôi sẽ thảo luận về các khía cạnh vừa nêu nhằm đưa ra một bức tranh tổng thể để có cái nhìn khách quan về đạo Bani. Đồng thời, am hiểu và nhận định rõ ràng hơn về tôn giáo này. Những yếu tố chính cần được phân tích trong chủ đề này, đó là yếu tố con người, ngôn ngữ, nghiên cứu khoa học, kinh sách và giáo lý.

1. Con người

Nói đến Bani, “con người” là một yếu tố cốt lõi không thể bỏ sót được trong việc nghiên cứu đạo Bani. Vì vậy, những câu hỏi đầu tiên có thể đưa ra ở đây là “Ai là người đang tự cho mình là người Bani?”, “Ai là những người đang sử dụng từ “Bani” để mô tả những gì liên quan đến bản thân hay tín ngưỡng của họ?”.

Từ “Bani” gắn liền với dân tộc Chăm, khi nhắc đến từ này người ta sẽ nghĩ ngay đến dân tộc Chăm. Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta nên tìm hiểu cách sử dụng từ “Bani” trong tất cả xã hội người Chăm. Họ có sử dụng từ này không? Từ này có ý nghĩa gì đối với họ? Hoặc các câu hỏi liên quan khác. Hầu hết người Chăm đang sử dụng tiếng mẹ đẻ trong cuộc sống hàng ngày trước giải phóng (1975) chỉ sinh sống tại ba quốc gia chính; cụ thể là Việt Nam, Campuchea và Trung Quốc. Họ đang sử dụng tiếng Chăm trong cuộc sống hàng ngày, mặc dù họ có các chữ viết khác nhau, cụ thể là chữ Thrah và Jawi ở Việt Nam và Campuchea. Trong khi đó, người Chăm ở Trung Quốc trên đảo Hải Nam không sở hữu cả hai chữ viết này. Họ chỉ sử dụng tiếng Chăm trong giao tiếp và tiếng Hán trong việc ghi chép và lưu trữ tài liệu.

Người Chăm ở Hải Nam, ước tính khoảng 10.000 người, sống tập trung tại thành phố Tam Á, Hải Nam. Họ tất cả đều là người Hồi giáo theo Mazhab Hanafi, giống như phần lớn người Hồi giáo ở Trung Quốc. Qua cơ hội tiếp xúc và trao đổi với họ, từ “Bani” rất xa lạ đối với họ, chưa kể đến khái niệm của Bani như được hiểu hiện nay ở Việt Nam. Vì tất cả đều theo Hồi giáo, nên từ “Chăng/Cang” (theo cách phát âm của họ là “Chăm”) có nghĩa là dân tộc Chăm và là đạo Hồi. Khi gặp chúng tôi, họ hỏi là “Haow O Cang?”; nghĩa là “Bạn có phải là người Chăm không?” hoặc “Bạn có phải là người Hồi giáo không?”. Cách nhìn như vậy, không chỉ người Chăm Hải Nam, mà cả người Chăm Campuchea và Chăm Nam Bộ trước đây. Nói đến người Chăm, họ chỉ suy nghĩ đó là người Hồi giáo.

Ngoại trừ Chăm Hải Nam vì lý do như được đề cập, có bốn khu vực chính mà người Chăm đang sinh sống ngày nay (Ninh Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh và Campuchea) cần được làm nổi bật để lần theo dấu vết nguồn gốc của từ, cách sử dụng từ trong các ngữ cảnh khác nhau nhằm kết luận ý nghĩa của từ. Tôi tạm phân chia bốn khu vực thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là Nhóm Chăm Ninh Bình Thuận (thuộc những người tự nhận mình là Bani) và nhóm thứ hai là Nhóm Chăm Tây Nam (gồm người Chăm An Giang, Tây Ninh, Campuchea và các tỉnh thành khác có nguồn gốc từ ba khu vực này).

Nhóm Chăm Ninh Bình Thuận sinh sống chủ yếu ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận với khoảng 50,000 người và có 16 thánh đường; 7 thánh đường ở Ninh Thuận và 9 thánh đường ở Bình Thuận. Ngoài ra, người Chăm Ninh Bình Thuận còn có người theo Bà La Môn, thành phần cải tạo (được cho là cải tạo từ Bani sang Islam) đang sống xen kẽ với 4 làng Bani và có 4 thánh đường riêng, một số nhỏ cải sang Thiên Chúa giáo trong những năm trước đây. Đáng chú ý nhất, trong số tôn giáo này, người Chăm tại Ninh Thuận có 3 làng; đó là Bỉnh Ngĩa, Phước Lập và Vĩnh Phong (Vĩnh Phong tên cũ, nằm về phía bắc Thành Tín, tiếng Chăm gọi là Plei Bal Nâng. Hiện nay, Vĩnh Phong được sát nhập vào Thành Tín). Về mặt tâm linh hay sinh hoạt tôn giáo, họ có những đặc điểm không thể xếp họ vào Bani hay Bà La Môn. Đặc điểm nổi bật nhất để phân biệt Bani và Bà La Môn là cách thức chôn cất và thức ăn. Người Bani kiêng thịt heo, dùng thịt bò và chôn người chết. Ngược lại, người Bà La Môn kiêng thịt bò, dùng thịt heo, thiêu xác người chết. Đối với người Chăm tại 3 làng trên, họ không tuân thủ các quy tắc trên, họ dùng thịt heo và chôn người chết mà không hỏa táng. Trong các làng của họ không có tầng lớp đại diện thuộc Bani hay Bà La Môn. Trong một số sự kiện của làng, đôi khi họ mời đại diện của Bani và đôi khi là đại diện Bà La Môn.

Mặc dù, với sự đa dạng về mặt tín ngưỡng như thế, nhưng người Chăm Ninh Bình Thuận chỉ có hai thuật ngữ rất phổ biến để phân biệt hai tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất. Đó là “Bani” và “Chăm/Cam- Bà La Môn”. Trên thực tế, hai thuật ngữ này dùng để chỉ hai tôn giáo khác nhau với tín điều độc lập, có cấp đại diện tôn giáo hoàn toàn khác nhau, sở hữu cơ sở thờ tự riêng biệt. Tuy nhiên, giữa hai tôn giáo này có những điểm tương đồng thể hiện sự liên đới và ảnh hưởng lẫn nhau. Đặc biệt, thuật ngữ “Awal” và “Ahiér”, người Chăm Bani được gọi là “Chăm Awal” và người Chăm Bà La Môn là “Chăm Ahiér”. Theo một số nghiên cứu, “Chăm Awal” là người Chăm đầu tiên cải đạo từ Bà La Môn sang Islam và “Chăm Ahiér” là người Chăm chưa cải đạo hoặc cải đạo sau cùng từ Bà La Môn sang Islam hay chấp nhận phụng sự Allah như là Thượng đế sau khi Po Romé (1627-1651) lên ngôi.

Vì vậy, người Chăm Ninh Bình Thuận khi giao tiếp, tìm hiểu hoặc giới thiệu về bản thân, họ thường sử dụng những câu nói trong tiếng Chăm, như “Dahlak Anak Bini/Bani – Tôi là (con) người Bani”, “Adei Cam, njep Bini/Bani o – Em là Chăm, không phải người Bani” hoặc những câu tương tự khác. Họ sử dụng như vậy để phân biệt giữa hai tôn giáo của người Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Kể từ khi một số người Chăm Bani ở Ninh Thuận cải tạo đổi mới, đặc biệt là từ sau năm 1960, trong xã hội người Chăm đã xuất hiện một số thuật ngữ khác trong tiếng Chăm để chỉ những người cải tạo này, chẳng hạn như “Jawa” (được cho là chịu ảnh hưởng của người Jawa), “Biruw” (được cho là người Chăm Mới do chấp nhận sự thay đổi).

Đối với Nhóm Chăm Tây Nam thì sao? Họ có biết từ “Bani” không? Khái niệm của từ “Bani” là gì? Họ có sử dụng từ “Bani” trong giao tiếp không? Nhóm Chăm đang cư trú tại ba khu vực chính như An Giang, Tây Ninh và Campuchea đều là những người Chăm đang sống ngoài lãnh thổ Champa trước đây, họ thuộc những người di cư, lánh nạn sang quốc gia láng giềng vì biến cố chiến tranh. Cuộc di cư này đã diễn ra rất sớm trong lịch sử, có thể từ khi thành Vijaya thất thủ vào năm 1471, sau đó đã kéo theo nhiều cuộc di cư khác.

Do tình hình và bối cảnh chính trị bấy giờ, người Chăm Ninh Bình Thuận và Chăm Tây Nam không còn bất kỳ mối quan hệ gì, hiện tượng này đã kéo dài cho đến những năm Pháp đô hộ Đông Dương. Người Chăm tại Nam Kỳ và Campuchea hoàn toàn không biết về những gì đang diễn ra tại Ninh Bình Thuận trước thời Pháp thuộc. Marcel Ner trong “I. Les Musulmans de l'Indochine française” (1941) có đề cập đến người Chăm ở Nam Kỳ và Campuchea rất ngạc nhiên khi thấy những người anh em cùng dân tộc và tôn giáo của họ ở Ninh Bình Thuận không thực hiện các giáo điều trong tôn giáo. Dựa vào đó, chúng ta đã thấy rằng người Chăm theo đạo Hồi ở Nam Kỳ và Campuchea vẫn cho rằng người Chăm Bani cùng một tôn giáo với họ. Một lần nữa tác giả cũng mô tả rằng trong những dịp đi công tác hay buôn bán của người Chăm Nam Kỳ và Campuchea đến Ninh Binh Thuận, như Phan Rang, Phan Rí, Tấn Linh, v.v.. họ đều cố gắng rao giảng để anh em cùng tôn giáo của họ quay lại với chính đạo.

Đáng chú ý, tất cả người Chăm thuộc Nhóm Chăm Tây Nam đều theo đạo Hồi, khác hẳn với người Chăm thuộc nhóm đầu tiên. Vì vậy, những người Chăm nhóm thứ hai chỉ biết tất cả người Chăm đều theo đạo Hồi. Từ “Chăm” đã trở thành một khái niệm mới trong cộng đồng của họ và những tộc người sống xung quanh, từ “Chăm” vừa là dân tộc Chăm và vừa là đạo Hồi. Trước đây, khi nhắc đến người “Chăm” ở Ninh Bình Thuận hoặc họ có dịp gặp gỡ và thấy anh em người Chăm Ninh Bình Thuận dùng những đồ ăn thức uống không Halal, họ rất ngạc nhiên và đặt câu hỏi: “Tại sao anh là người Chăm mà dùng những món ăn như vây?” Vì họ chỉ nghĩ rằng người Chăm đều theo đạo Hồi.

Từ bối cảnh và môi trường như vậy, người Chăm Tây Nam không còn sử dụng từ “Bani” để phân biệt như được đề cập ở trên. Tuy nhiên, từ “Bani” ngày nay vẫn được sử dụng trong câu nói giao tiếp thường ngày của họ. Nhiều câu nói của họ trong nhiều ngữ cảnh khác nhau, một phần nào chúng ta có thể suy ra từ “Bani” có nghĩa là gì. Những câu họ thường sử dụng là:

1. Nyu biruw tamâ bani (Nó mới vào BANI)

2. Nyu bac Qur’an yaw urang biruw tamâ bani (Nó đọc Qur’an giống như người mới vào BANI)

3. Hâ daok cap duis nyu juei, kayua nyu biruw tamâ bani (Bạn đừng bắt lỗi nó, bởi nó mới vào BANI)

4. Nyu bani hagik? (Nó BANI gì?)

5. Bani kai ak (BANI chân con quạ (Thiên Chúa Giáo)). Người Chăm Tây Nam ví thanh giá bằng dấu chân của con quạ.

Câu đầu tiên mô tả một người không phải Hồi giáo mới cải sang Hồi giáo. Câu thứ 2, 3 và 4 dùng để hỏi về tôn giáo của người đang được hỏi. Trong khi đó, câu thứ năm dùng để mô tả Thiên Chúa Giáo. Căn cứ vào năm câu nói trên được sử dụng trong các ngữ cảnh khác nhau, rõ ràng người Chăm Tây Nam vẫn còn sử dụng từ “Bani” với nghĩa là “tôn giáo”. Đây là một hiện tượng phổ biến, không riêng gì người Chăm. Ví dụ, ở Việt Nam, khi người ta thấy biểu hiện ở bạn là người Thiên Chúa Giáo, người ta sẽ hỏi bạn rằng: “anh/chị là người đạo?” Tức là Đạo Thiên Chúa, nhưng họ bỏ từ “Thiên Chúa”. Như vậy, các tôn giáo khác không phải là đạo hay tôn giáo hay sao? Điều này là do môi trường mà thuật ngữ được sử dụng. Người Chăm ở Ninh Bình Thuận cũng vậy, họ thường hỏi nhau “Adei Cam atau Bini/Bani? - Em là người Chăm hay là người Bini/Bani?” Vậy người Bini/Bani không phải là người Chăm hay sao?

Dựa trên những gì đã thảo luận, chúng ta thấy rằng từ "Bani" vẫn được hai nhóm người Chăm đang sử dụng khi nói tiếng Chăm và nó có nghĩa như sau:

• Để phân biệt giữa người Chăm theo Bà La Môn và theo Bani ở Ninh Bình Thuận

• Để mô tả người mới cải sang đạo Hồi; tôn giáo của toàn thể người Chăm Tây Nam.

2. Ngôn ngữ

Sau khi giải thích yếu tố con người liên quan đến chủ đề “Bani”, khía cạnh ngôn ngữ cũng đóng một vai trò quan trọng, giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của từ đã được các học giả hoặc chuyên gia ngôn ngữ bình luận và phân tích dưới nhiều gốc độ. Từ điển “Čam – Franҫais” của E. Aymonier & A. Cabaton xuất bản năm 1906 được coi là một công trình nghiên cứu khoa học có chiều sâu đáng được biểu dương. Cuốn từ điển này đã tập hợp phương ngữ người Chăm ở Campuchea và người Chăm ở An Nam (chủ yếu là người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận) trong thời kỳ Pháp thuộc. Ngoài ra, nó còn đề cập đến những từ được vay mượn từ nhiều ngôn ngữ khác, như tiếng Việt, Khmer, Hoa, v.v.. hoặc đề cập đến các từ cùng chung ngữ tộc Malay-Polynesia như tiếng Melayu, Jawa, Sunda, Bugis, hoặc đề cập đến các từ vay mượn có đặc điểm tôn giáo như tiếng Phạn hoặc tiếng Ả Rập. Trong đó, số từ vay mượn Ả Rập trong từ điển này là hơn 400 từ.

Khi tra từ điển này, chúng ta thấy 4 từ gốc đều là “bani, banī”. Nhưng từ gốc liên quan đến chủ đề là từ đầu tiên. Tác giả cho rằng nó bắt nguồn từ tiếng Ả rập (“بنى” bani, có nghĩa là con cháu (số nhiều)). Sau đó, tác giả đưa ra khái niệm của từ là “Religion (musulmane), les musulmans”; có nghĩa là “Tôn giáo (Hồi giáo), người Hồi giáo”. Ngoài ra, tác giả còn đưa ra ví dụ về một số cụm từ mà từ “bani” là thành phần của các cụm từ đó, như sau:

- čaṃ banī: Người Chăm Hồi giáo

- banī ibrahim: Hồi giáo

- banī nabi: Hồi giáo (tác giả đánh dấu “C” để chỉ phương ngữ Chăm Campuchea)

- banī mohamat: Hồi giáo (tác giả đánh dấu “C” để chỉ phương ngữ Chăm Campuchea)

- banī java: tôn giáo của người Mã Lai, Hồi giáo (tác giả đánh dấu “C” để chỉ phương ngữ Chăm Campuchea)

- panṷơč banī: phương ngữ Chăm Campuchea (tác giả đánh dấu “C” để chỉ phương ngữ Chăm Campuchea)

Dựa vào sự giải thích của tác giả về từ gốc độc lập của “bani” cũng như các cụm từ có từ “bani”, người Chăm sống đến ngày mà tác giả sưu tầm cuốn từ điển này đã có một cái nhìn rõ ràng về ý nghĩa và cách sử dụng từ “bani” như tác giả đã trình bày. Do đó, cũng dựa theo sự diễn giải của tác giả, từ “bani” có 3 nghĩa như sau:

- tôn giáo

- đạo Hồi

- Chăm Campuchea

Câu hỏi đặt ra ở đây, từ “bani” có phải là từ Ả Rập như tác giả xác định không? Nếu là chữ Ả Rập thì nó có nghĩa gì? Trên thực tế, tác giả chỉ đánh dấu rằng từ này có nguồn gốc tiếng Ả Rập mà không giải thích gốc từ cũng như ý nghĩa của nó trong tiếng Ả Rập như chúng ta thấy trong “Les Chams Bani” (1903) của R. P. Durand. Durand cho rằng chữ “Bani” là phiên âm của từ “Beni” trong tiếng Ả Rập, có nghĩa là “con cháu” (của các vị Nabi/ Thiên sứ). Dựa trên cách suy nghĩ này, các nhà nghiên cứu sau này đều kết luận rằng Bani là “con cháu của Nabi Muhammad”. Thậm chí, có người cho rằng Bani là “con cháu của Nabi Adam”.

Để đi sâu vào vấn đề, “Bani” có phải là từ Ả Rập không? Nó có nghĩa là “con cháu của Muhammad không”? Để trả lời những câu hỏi này, cần phải nghiên cứu các giáo lý và truyền thống của Hồi giáo. Theo Hồi giáo, Nabi Muhammad là một người phàm, Người đã nhận thông điệp Hồi giáo từ Allah và có trách nhiệm truyền đạt thông điệp đó cho nhân loại. Người có nhiều tên gọi khác nhau, phổ biến nhất là Muhammad và Ahmad. Ngoài ra, Người cũng có nhiều danh hiệu để mô tả sự nghiệp và thuộc tính của Người, có hai thuật ngữ không thể tách khỏi thân hình của Người; cụ thể là Nabi (Thiên sứ) và Rasul/Rasulullah (Sứ giả/ Sứ giả của Allah). Đối với cộng đồng của Người, họ được gọi chung là “Umat/Ummat” hoặc “Ummah” của Nabi. Ngoài ra, họ còn được gọi là “Muslim (số it) và Muslimin (số nhiều)” hoặc “Mukmin (số it) và Mikminin (số nhiều)”. Đặc biệt, gia đình và con cháu ruột thịt của Nabi Muhammad được gọi là “Ᾱlu al-Bayt” hay “Ᾱlu al-Nabiy” có nghĩa là “gia quyến của Nabi”. Còn các vị bạn đồng hành của Nabi được gọi là “Ashabu al-Nabiy” có nghĩa là “Các Bạn Đường của Nabi”.

Dựa trên truyền thống của người Hồi giáo trên khắp thế giới, chúng ta không thấy bất kỳ cộng đồng Hồi giáo nào sử dụng “Bani” với ý nghĩa là “Con cháu của Muhammad”. Do đó, ý kiến của Durand, vốn đã trở thành cơ sở của đa số các nhà học giả sau này, hoàn toàn không phù hợp với thực tế và truyền thống của người Hồi giáo. Cũng dựa trên lý do này, chữ “Bani” cũng không phải bắt nguồn từ tiếng Ả Rập như E. Aymonier & A. Cabaton nhận xét trong cuốn từ điển của họ. Có thể đó là từ tiếng Chăm được phát âm giống tiếng Ả Rập và mỗi từ trong hai ngôn ngữ này đều khác nhau về ngữ nghĩa. Vì vậy, từ “Bani” trong tiếng Chăm có nghĩa như tác giả đã trình bày ở trên và “Bani بني” trong tiếng Ả Rập là số nhiều của “bin بن” hoặc “ibnابن ” chỉ có nghĩa là “con trai”.

Gần đây, có ý kiến cho rằng từ “Bani” là tiếng Phạn và nghĩa của nó là “thương nhân”. Từ đó, suy luận rằng “Bani” là một tôn giáo của những thương nhân Ấn Độ. Đây không phải là một kết quả khoa học được nghiên cứu bởi chuyên gia, nó chỉ là một sự phỏng đoán vô căn cứ vì nhiều lý do sẽ được trình bày ở phần sau. Việc xác định gốc từ “Bani” là tiếng Phạn đã được đề cập từ rất sớm. Trong cuốn từ điển E. Aymonier & A. Cabaton có 4 từ gốc đều là “bani”. Một trong 4 từ gốc “bn^, bnï bani, banī” có nguồn gốc từ “vāṇija” của tiếng Phạn; nghĩa là buôn bán, thương nhân. Theo cách giải thích của tác giả, từ “Bani” có nguồn gốc từ tiếng Phạn không liên quan đến từ “Bani” gốc Ả Rập. Vì vậy, tất cả các ý nghĩa và cách sử dụng từ “Bani” mà tôi đã trình bày ở phần trên mới là chủ đề được quan tâm và nghiên cứu. Không phải từ “Bani” mang ý nghĩa “buôn bán” hay “thương nhân”.

Mặc dù, chúng ta có thể chấp nhận từ “Bani” là tiếng Phạn như một giả thuyết làm tiền đề nghiên cứu khoa học. Nhưng điều này chỉ mở thêm cánh cửa suy luận sẽ không bao giờ kết thúc. Nếu chúng ta chấp nhận giả thuyết “Bani” là gốc tiếng Phạn, tại sao lại không đưa ra giả thuyết “Bani” là tiếng Chăm cùng nghĩa hoặc vay mượn từ tiếng Batak, Mã Lai như E. Aymonier & A. Cabaton đề cập trong cuốn từ điển của họ? Đó là do nghĩa của từ gốc “Bani” này có nghĩa giống như tiếng Bahnar và Mã Lai cũng mang yếu tố ngoại lai. Theo tác giả ý nghĩa của từ gốc “Bani” này là “ngoại quốc”, “xa”, “xa xôi”, “nước ngoài”. Nó cùng nghĩa hoặc có nguồn gốc từ “banuwa” của tiếng Batak và “banūa” của tiếng Mã Lai.

Nếu vậy, giả thuyết này cũng phù hợp, thay vì “Bani” là tôn giáo của “thương nhân Ấn Độ”, chúng ta có thể nói “Bani” là tôn giáo của “người ngoại quốc Mã Lai”. Giả thuyết này có thể được chấp nhận hơn, vì mối quan hệ giữa người Chăm và thế giới Mã Lai đã có từ lâu đời. Mối quan hệ này có thể đã tồn tại từ thế kỷ 15, chuyến thăm của vua Po Kabrah (1460 - 1494) đến bán đảo Mã Lai và cuộc hôn nhân của em gái của vị vua này; là công chúa Po Sah Ina với Po Haniim Par, người gốc Mã Lai theo đạo Hồi. Ngoài ra, còn nhiều cuộc viếng thăm của hai bên đang nói lên mối quan hệ đó, như sự kiện vua Po Romé kết hôn với công chúa Mã lai và học giáo lý Hồi giáo ở Kelantan (một bang của Malaysia ngày nay). Nhiều tướng lĩnh người Chăm Panduranga thời kỳ đó như Po Tang Ahaok, Po Haniim Par, Po Rayak… đều đến Kelantan để học về tôn giáo, bùa phép, quân sự, v.v.. Một tác phẩm thơ ca nổi tiếng, đó là “Nai Mai Mang Makah” cũng nói lên mối quan hệ đó, khi cô công chúa Mã Lai theo đường biển đã đến Champa với mục đích chính để tìm cách biến Champa thành một quốc gia Hồi giáo. Tác phẩm này có lẽ được viết trong khoảng cuối thế kỷ XVII hay đầu thế kỷ XVIII (1693-1771).

Do đó, ý kiến cho rằng “Bani” có nguồn gốc tiếng Phạn “vāṇija” để kết luận “Bani” là tôn giáo của các thương nhân Ấn Độ vẫn còn mơ hồ, không thực tế. Không ai có thể phủ nhận dấu ấn Ấn Độ vẫn còn hiện diện trong nền văn hóa người Chăm trên nhiều lĩnh vực như ngôn ngữ và tín ngưỡng đến ngày nay. Đạo Bà La Môn là một điển hình nổi bật phản ánh lnhững di sản lâu đời mà người Chăm đã tiếp nhận văn hóa từ bên ngoài, đặc biệt là văn hóa Ấn Độ. Nhưng tại sao người Chăm theo đạo Bà La Môn lại không tự coi mình là người “Bani”? Nếu chỉ vì lý do đơn giản như vậy, từ “Bani” hẳn là sảm phẩm của người Chăm theo Bà La Môn, không là sản phẩm của người Chăm theo Bani hiện nay. Nhưng người Chăm theo Bà La Môn chưa bao giờ chấp nhận như vậy và sẽ không như vậy. Mặc dù có những tín điều mang tính chất liên đới giữa Bani và Bà La Môn, nhưng trên thực tế đó là hai tín ngưỡng có sự khác biệt.

Nếu cả hai tín ngưỡng này chỉ là một tôn giáo như một số ý kiến cho rằng Po Romé là giáo chủ, điều này là quá xa vời với thực tế vì nhiều lý do, chẳng hạn như sự khác biệt giữa hai cộng đồng này về niềm tin cơ bản, Bani đang sở hữu các thánh đường tại mỗi halau (làng), trong khi Bà La Môn không hề sở hữu bất cứ nơi thờ tự như thánh đường. Chức sắc lãnh đạo mỗi tôn giáo đều khác nhau, một bên thì do các vị Acar điều hành và bên khác thì do các vị Basaih đại diện v.v.. Quan điểm này cũng là bằng chứng thực tế bác bỏ ý tưởng hay nỗ lực muốn hợp nhất giữa hai tôn giáo Bani và Bà La Môn và giới thiệu với thế giới một cái tên đại diện cho hai tín ngưỡng này, đó là “Agama Cham/Tôn giáo Chăm”, một tên gọi xa lạ mà cả hai cộng đồng Bani và Bà La Môn không hề biết. Phải chăng Po Romé là giáo chủ của “Agama Cham” đã để lại kinh sách tham khảo cho tôn giáo này? Phải chăng thế giới đang chuẩn bị ghi thêm vào lịch sử tôn giáo của loài người một tôn giáo mới ra đời mà giáo chủ đã qua đời từ mấy trăm năm trước? Nếu đây là những sự thật lịch sử hẳn khi thu nhỏ lại xã hội người Chăm Ninh Bình Thuận và mọi con mắt đổ dồn về làng Phú Nhuận (Plei Baoh Dang), họ sẽ biết “Agama Cham” từ lâu, họ sẽ không phân biệt tôi là “Bani” và anh là “Bà La Môn” nữa, họ sẽ không có hai tầng lớp đại diện cho giáo dân của họ.

3. Nghiên cứu khoa học

Trong phần này, tôi cố gắng thảo luận về tên gọi và khái niệm của “Bani” qua công trình nghiên cứu của các chuyên gia về người Chăm. Étienne François Aymonier & A. Cabaton trong cuốn từ điển (1906) của họ, họ đã đưa ra định nghĩa và phân định rất rõ ràng khi đề cập đến hai cộng đồng Chăm ở Ninh Bình Thuận. Theo họ “čaṃ jiat (jāt), les Čams brahmanistes” là Chăm Bà La Môn và “čaṃ bani, les Čams musulmans” là Chăm Hồi giáo (tr. 116). Trong vài trường hợp khác tác giả cũng đề cập đến một số thuộc tính của Chăm Bà La Môn, như “akaphir ..., Les Čams brahmanistes de l'Annam, par opposition aux Čams Banis (ar. بنى bani) ou Musulmans” (tr. 2) tức là người Chăm theo đạo Bà La Môn ở An Nam (Trung Kỳ), trái nghĩa với Chăm Bani hoặc Hồi giáo. Một ví dụ khác, “Ᾱhiơr. Brahmaiste, paīen (opposé à bani, Musulman); ...” có nghĩa là đạo Bà La Môn, người ngoại đạo so với người Bani, Hồi giáo (tr. 28).

Dựa trên quan sát thực địa mà tác giả đã thực hiện trong qúa trình biên soạn cuốn từ điển, chúng ta nhận thấy rằng người đang sống vào thời điểm đó đã có nhận thức rất rõ ràng về thuật ngữ “Bani”, “người Bani” hoặc “Chăm Bani” khi tác giả đã dịch ra tiếng Pháp bằng “musulmans” tức là người Hồi giáo. Quan điểm này được nhìn thấy rất nhiều trong cuốn từ điển của họ. Không chỉ nhắc “tên gọi” của tôn giáo này, tác gải còn đề cấp đến một số ví dụ khác mang tính chất tín ngưỡng, như câu nói “alahaṃduk (ar. الحمد al-ḥamdu).” Với ý nghĩa là lời ca ngợi, câu cảm thán của người Hồi giáo ở Bình Thuận...” (tr. 22). Riêng A. Catabon trong “Notes Sur l’Islam dans l’Indo-Chine française” (1906) vẫn giữ lập trường rằng “Bani” là “Hồi giáo” khi ông ta đề cập đến dân số người Chăm ở Trung Kỳ vào năm 1904 “6 à 7.000 Chams Banis ou musulmans en Annam, dans la province du Binh Thuân” có nghĩa là “6 đến 7.000 người Chăm Bani hoặc người Hồi giáo ở An Nam, thuộc tỉnh Bình Thuận”.

R. P. Durand trong “Les Cam Bani” (1903) đã nêu rất rõ trong phần mở đầu về thuật ngữ “Cam Bani” khi ông ta dịch sang tiếng Pháp là “les Chams musulman du Sud de l'Annam” (tr. 54) có nghĩa là “người Chăm theo đạo Hồi ở Nam An Nam (Trung Kỳ)”. Ngoài ra, tác giả cho rằng người Bani thuộc những người theo Muhammad hay là tín đồ của Muhammad, khi ông bình luận rằng: “les Mahométans du Binh Thuan se donnent à eux-mêmes le nom de Banī” (tr. 54) có nghĩa là “người theo Muhammad/tín đồ Muhammad tự cho mình là Bani”. Mãi đến năm 1941, Ner Marcel trong “Les Musulmans de l'Indochine française” (1904) vẫn có quan điểm tương tự như các học giả trước đây, khi ông đề cập đến dân số người Chăm Bani ở Ninh Bình Thuận rằng “Les Chams musulmans du Sud-Annam. — 16.000 Chams environ vivent encore dans les provinces du Ninh-thuận et du Binh-thuận” (tr. 154) nghĩa là “Người Chăm theo đạo Hồi ở Nam An Nam. - Khoảng 16.000 người Chăm vẫn còn sống ở các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận”.

Nguyễn Khắc Ngữ trong “Khảo cứu lịch Chàm”, tác giả đã viết xong bài này ở Phan Rang năm 1957 từ những tài liệu của giới trí thức Chăm, đặc biệt là cố Thiên Sanh Cảnh, nguyên hiệu trưởng Hữu Đức Ninh Thuận. Bài này được đăng trên “Văn Hóa Á- Châu” Số 5, năm 1958, tác giả có đề cập đến cách tính lịch của người Chăm và nó được chia thành 3 loại:

- Cách tính ngày tháng theo lối cổ truyền.

- Cách tính ngày tháng của người Chàm theo Hồi giáo.

- Cách tính ngày tháng của người Chàm theo đạo Bà la Môn.

Tác giả đã giả thích từ “Hồi giáo” trong phần giải thích fotenote rằng “Hồi giáo” là “Tiếng Chàm gọi là Pà-Ni hay I-tha-lam. (tr. 51) Tác giả đã nhiều lần lập đi lập lại hai cụm từ “Người Chàm theo Hồi giáo” và “Người Chàm Hồi giáo” để mô tả người Chăm Bani tại Ninh Bình Thuận cách tính lịch của họ.

Căn cứ vào các tài liệu và báo cáo khoa học đến năm 1957, khái niệm của “Bani” khá rõ ràng đối với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Họ đã chỉ ra rằng “Bani” là một tên gọi trong tiếng Chăm hoặc được gọi là “I-tha-lam” (Islam). Họ dịch “Bani” sang tiếng Việt là “Hồi giáo” và “Musulmans” trong tiếng Pháp.

Sau năm 1960, cộng đồng người Chăm tại Ninh Thuận, đặc biệt là Người Chăm Bani đã chứng kiến một sự kiện đổi mới. Khi một số người Bani bắt đầu cuộc cải tạo do Mã Thanh Lâm khởi xướng. Trong đó, chấp nhận thực hiện một số giáo lý được coi là giáo điều mới so với những gì đang được thực hiện bởi người trong làng. Từ đó, trong cộng đồng Chăm Bani đã xuất hiện một số thuật ngữ mới để phân biệt giữa hai nhóm này, như “Biruw” (Mới), “Gah Biruw” (Bên Mới) trái nghĩa với “Klak” (Cũ), “Gah Klak” (Bên Cũ) trong tiếng Chăm, bên cạnh từ “Jawa” (người Jawa hay Mã Lai) với ý mỉa mai và “Jawa Lai” (những người đồng cảm với thành phần cải tạo thuộc gia đình và bạn bè của họ, mặc dù họ không cải tạo). Hiện tượng này đã dẫn đến việc dịch các thuật ngữ trên sang tiếng Việt, như “Hồi giáo Cũ” và “Hồi giáo Mới”, “Hồi giáo Bani” và “Hồi giáo Islam”. Các thuật ngữ này chính thức xuất hiện trong cộng đồng người Chăm Ninh Thuận cũng như trong các văn bản, tài liệu khác.

Kể từ đó, thuật ngữ “Hồi giáo Bani” và “Hồi Giáo Islam” được sử dụng khá ổn định cho đến ngày nay. Chính quyền tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã cấp giấy phép hoạt động tôn giáo cho cộng đồng Chăm Bani ở hai tỉnh cũng sử dụng thuật ngữ “Hồi Giáo Bani”. Thứ nhất là “Hội đồng Sư cả Hồi Giáo Bà-Ni tỉnh Ninh Thuận” được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ra Quyết định số 4106/QĐ-UBND, ngày 01/10/2007 và thứ hai là “Hội đồng Sư Cả Hồi Giáo Bà-Ni tỉnh Bình Thuận” được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ra Quyết định số 2161/QĐ-UBND,ngày 31/10/2012. Đối với cộng đồng cải tạo tại Ninh Thuận thì được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cấp giấy phép hoạt động với tên gọi chính thức là “Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh Ninh Thuận”.

Chính vì vậy, trong các văn bản, thánh đường hoặc bảng cổng thánh đường của người Chăm Bani vẫn sử dụng thuật ngữ trên để giới thiệu tôn giáo của họ. Chẳng hạn, thánh đường Bani Phước Nhơn có ghi dòng chữ “Chùa Hồi Hồi Phước Nhơn”, trang bìa của KINH CĂN BẢN của Bani có ghi “Giáo hội Hồi giáo Bà ni Chàm Ninh Thuận – Chùa Hồi giáo Bani Phước nhơn” (1971), trên cổng của 2 thánh đường Bani tại xã Phan Thanh- Bình Thuận có ghi dòng chữ “THÁNH ĐƯỜNG HỒI GIÁO BÀNI CHÂU HANH” và “THÁNH ĐƯỜNG HỒI GIÁO BÀNI THANH KIẾT”. (Hình ảnh đính kèm ở phần dưới).

4. Kinh sách và giáo lý

Trên thực tế, công trình nghiên cứu về Chăm Bani tiếp tục thu hút sự quan tâm của các học giả trong và ngoài nước. Các báo cáo khoa học trong nhiều lĩnh vực liên quan đến Bani ngày càng tăng theo thời gian. Đáng chú ý nhất, các nhà học giả, giới nghiên cứu, tầng lớp trí thức Chăm đã vận hành nhiều phương pháp nghiên cứu, chủ yếu “phương pháp mô tả (descriptive method)” để nghiên cứu tôn giáo Bani bằng cách mô tả những gì họ nhìn thấy từ tín đồ Bani cả tầng lớp lãnh đạo tôn giáo do các vị Acar đại diện và người dân thường Gihéh. Kết quả nghiên cứu đó đã đưa ra hai quan điểm về tôn giáo Bani. Quan điểm thứ nhất cho rằng “Bani” là một tôn giáo chịu ảnh hưởng của Hồi giáo được bản địa hóa (Chăm hóa) và quan điểm thứ hai cho rằng quá trình Hồi giáo hóa (Islamization) chưa hoàn thiện. Trên cơ sở này, một số cho rằng Bani là “Hồi giáo Không Chính thống” so với “Hồi giáo Chính thống” như đại đa số người Hồi giáo trên thế giới.

Cả hai quan điểm này đều dựa vào thực tế là một số hình thức hành đạo của tín đồ Bani không giống như những gì mà người Hồi giáo trên thế giới đang thực hành. Do đó, nhóm nghiên cứu đang ủng hộ quan điểm thứ nhất cho rằng Hồi giáo đã bị Chăm hóa. Do người Bani không thực hiện lễ nguyện (Salat) 5 lần/ngày, không nhịn chay trong tháng Ramawan/Ramadan, dân thường Gihéh vẫn còn thờ cúng ông bà tổ tiên, họ tổ chức các nghi lễ khác hoàn toàn không có trong Hồi giáo như Rija Proang, v.v.. Ngược lại, nhóm nghiên cứu thứ hai không đồng quan điểm với lập luận trên, họ cho rằng những hình thức hành đạo của Bani về hình thức không phù hợp với giáo lý Hồi giáo vì người Bani chưa thực hiện đúng theo giáo lý Hồi giáo do nguyên nhân chính là người Bani tại Ninh Bình Thuận không còn mối quan hệ với thế giới Hồi giáo bên ngoài, con đường ngoại giao hoàn toàn bị gián đoạn cho đến thời kỳ Pháp thuộc.

Nasir Abdoul-Carime trong bài bình luận của ông về bài báo của Antoine Catabon “Réimpression et commentaire de l'article d'Antoine Catabon: “Notes Sur l’Islam dans l’Indo-Chine française”” đã giải thích rằng sự pha trộn hay thay thế các nghi thức Hồi giáo bằng các nghi thức, nghi lễ Bà La Môn chỉ do bối cảnh lịch sử. Người Chăm Bani cũng như Bà La Môn đã bị trục xuất, các tuyến đường hàng hải, chủ yếu là các cảng kết nối quốc tế của người Chăm đã bị kiểm soát. Điều này đang khiến người Chăm bị cô lập và không còn bất cứ mối quan hệ gì với cộng đồng Hồi giáo thế giới. Do đó, quá trình Hồi giáo hóa bị dừng lại và họ đã tích hợp các yếu tố tín ngưỡng địa phương được thừa kế trước đây. Chính vì vậy, Ner Marcel (1941) đã nhận xét rằng “Ce groupement reste donc actuellement en marge du monde musulman plutôt qu'il ne lui appartient réellement” (tr. 154, 155) có nghĩa là “Do đó, nhóm này hiện vẫn ở bên ngoài thế giới Hồi giáo hơn là thực sự thuộc về nó”. Thậm chí, ngay cả người đồng tôn giáo của họ ở Đông Dương đều không có mối quan hệ gì.

Liên quan đến những dấu ấn tín ngưỡng tiền Hồi giáo trong Bani, nhóm nghiên cứu từ Indonesia Ismardi, Zulkifli, Kamiruddin và Afrizal Ahmad trong “The Influence Of Hinduism Toward Islam Bani: Study Of Religious Thought Of Muslim Champa, Viet Nam” đăng trên “Ilmu Ushuluddin” (2018) đã phân tích và so sánh những gì được cho là dấu ấn Ấn độ trong Bani giống như những gì được tìm thấy ở nhóm người Jawa thuộc tín ngưỡng Kejawen, mặc dù không hoàn toàn tương đồng. Nhóm tác giả cũng chỉ ra rằng truyền thống tảo mộ trước khi bước vào tháng Ramawan/Ramadan là truyền thống chung của người Hồi giáo ở Đông Nam Á. Thậm chí, việc tảo mộ cũng được thực hiện sau khi mãn chay của tháng Ramawan/Ramadan. Phong tục tắm rửa để chào đón tháng Ramawan/Ramadan là một truyền thống phổ biến được thực hiện bởi những người theo đạo Hồi ở Đông Nam Á. Phong tục này được gọi là tắm sám hối hay còn được gọi là “balimaubakasai”. Do đó, nhóm tác giả đã đưa ra nhận xét rằng một số hình thức hành đạo này không chỉ riêng cộng đồng Chăm. Nhưng đó là truyền thống của một số giáo phái Hồi giáo ở Indonesia, thậm chí cả Đông Nam Á.

Những gì vừa được thảo luận ở trên, chúng ta thấy mỗi nhóm đều có cơ sở để ủng hộ quan điểm và lập luận của mình. Nhưng một điều cực kỳ quan trọng mà hầu hết các nhà nghiên cứu đã bỏ sót đằng sau, chưa có ai nghiên cứu sâu và tập trung phân tích các kinh sách Bani do các vị Acar bảo lưu qua nhiều thế hệ. Đặc biệt, các phần viết bằng tiếng Ả Rập. Cho đến nay, vẫn chưa có nỗ lực hay công trình dịch thuật các văn bản tiếng Ả Rập để hiểu đầy đủ các giáo lý của đạo Bani. Thật không may, có người cho rằng Akhar Bani (Chữ Bani) không phải tiếng Ả Rập, mà là một loại chữ viết bị Chăm hóa giống như Akhar Thrah vay mượn tiếng Phạn. Đây là một sự so sánh phi khoa học, không thực tế. Chữ Phạn được người Chăm vay mượn ký tự để viết âm tiếng Chăm như chữ Nôm viết tiếng Việt. Trong khi đó, Akhar Bani (Chữ Bani) là chữ Ả Rập viết tiếng Ả Rập do các vị Acar viết tay từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Để nhấn mạnh thêm quan điểm này, Ner Marcel (1941) có mô tả kinh sách Bani rằng: “écritures saintes en arabe que quelques- uns savent lire mais que nul ne comprend, à l'exception d'un très petit nombre de mot” (tr. 155) có nghĩa là “Kinh sách bằng tiếng Ả Rập mà một số người có thể đọc nhưng không ai hiểu, ngoại trừ một số từ (rất ít)”. Không chỉ thế R. P. Durand (1903) trong “Les Chams Bani” cũng cho rằng kinh Qur’an của Bani viết bằng tiếng Ả Rập không chính xác. (tr. 55). E. Aymonier & A. Cabaton trong cuốn từ điện của họ cũng có lời bình luận khi định nghĩa cụm từ “alahaṃdu lilahi (ar. الحمد لله al-ḥamdu līllāhi) rằng “La louange à Dieu! Les Cams ne comprennent guère le sens de ces mots arabes et les traduisent par "se résigner à son sort, se soumettre à la volonté du destin"” (tr. 22. 23) có nghĩa là “Khen ngợi Thượng Đế! Người Chăm hầu như không hiểu ý nghĩa của những từ tiếng Ả Rập này và dịch chúng là "cam chịu số phận của mình, phục tùng ý chí của số phận được an bài".

Vì vậy, trang sử của Bani chưa khép lại và hoàn chỉnh nếu không quan tâm đến việc nghiên cứu các kinh sách Bani được viết bằng tiếng Ả Rập. Thông qua công trình dịch thuật và phân tích ban đầu của chúng tôi đối với các kinh sách Bani, chúng tôi có thể kết luận rằng các kinh sách đó đang chứa đựng một khối thông tin khổng lồ về giáo lý Hồi Giáo từ đức tin cơ bản nhất đến các vấn đề của cuộc sống hàng ngày. Nội dung của những cuốn sách đó hoàn toàn trái ngược lại với một số hình thức hành đạo được nhìn thấy từ giáo dân hay tín đồ Bani. Các câu hỏi thường được đặt ra, chẳng hạn như Allah là ai? Ai là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ? Ngoài Allah ra, ai là các vị thần đáng được thờ phượng? Muhammad là ai? Qur’an có ý nghĩa gì đối với Bani? Bani có chấp nhận 5 trụ cột và 6 điều của đức tin không? Trả hiếu cha mẹ và ông bà tổ tiên như thế nào? v.v..

Mỗi tôn giáo đều có kinh sách dùng làm nguồn tham khảo để hướng dẫn tín đồ. Ví dụ, Zoroastrianism (Hỏa giáo) có kinh Zebdawesta, Hindu có kinh Veda, Phật giáo có kinh Tam Tạng (Tripiṭaka), Do Thái Giáo có kinh Tanakh, Kitô Giáo có Kinh Thánh (Cựu Ước và Tân Ước), v.v.. Bani cũng không ngoại lệ, các vị Acar thuộc tầng lớp uy tín trong cộng đồng và là đại diện chính thức cho đạo Bani, họ đang sở hữu các kinh sách tham khảo giáo lý thực hành hết sức quan trọng. Trong đó, có Tar, Mâriéng, Marat và các Agal Bac khác. Vì vậy, các kinh sách này sẽ giải đáp từng câu hỏi đó một cách rõ ràng, chính xác, không mơ hồ. Kinh sách Bani là một kho tàng quý giá về mặt tôn giáo. Giới nghiên cứu cần mở rộng phạm vi nghiên cứu của họ, giáo dân hay tín đồ Bani cũng nên tham khảo để hiểu rõ hơn về giáo lý của Bani thông qua tài liệu tham khảo chính của Bani.

Căn cứ vào 4 yếu tố như đã trình bày ở trên, chúng ta thấy rằng “Bani” là từ gốc tiếng Chăm. Nó không chỉ được người Chăm Ninh Bình Thuận sử dụng, mà nó là một từ chung được sử dụng bởi đa số người Chăm với ý nghĩa chính trong tiếng Chăm là “tôn giáo” hoặc “Hồi giáo”. Vì vậy, khi dịch từ “Cam Bani/ Chăm Bani” sang tiếng Việt, nó là “Người Chăm theo đạo Hồi” hoặc là “Người Chăm Hồi giáo” và “Chams Musulmans” trong tiếng Pháp. Thuật ngữ này đã được sử dụng rất ổn định cho đến thời kỳ Pháp thuộc, đặc biệt tới đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ 20 được nhìn thấy từ các báo cáo khoa học của các chuyên gia trong lĩnh vực. Sau đó, thuật ngữ “Hồi giáo Bani” và “Hồi giáo Islam” lần lượt xuất hiện sau năm 1960 cho đến ngày nay trong các văn kiện, tài liệu khoa học. Các thuật ngữ “Bani”, “Jawa”, “Hồi”, “Hồi Hồi”, “Đạo Hồi”, “Hồi Giáo”, “Islam” chỉ là những từ hay cụm từ đồng nghĩa.

Đề tài “Chăm học” trong nhiều lĩnh vực vẫn được giới nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm, đặc biệt là tôn giáo Bani. Nhiều nghiên cứu khoa học có giá trị đã cung cấp thông tin hữu ích về tôn giáo Bani, nhưng một điều hết sức quan trọng đã bị bỏ sót trong quá trình nghiên cứu Bani. Đó là thiếu sự quan tâm đúng mức đến các kinh sách Bani đang được các vị Acar lưu giữ và bảo tồn. Các kinh sách này là nguồn tham khảo chính của đạo Bani, đề cập đến từng chi tiết của giáo lý Bani.