Dịch Covid-19 càn quét khắp các làng Chăm

Written by admin
In category Tin tức
Dec 2, 2021, 4:31 PM

Đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đang “càn quét” trên diện rộng khắp các làng Chăm, từ khu vực thành phố đến các vùng sâu, vùng xa, đã ghi nhận nhiều chùm ca bệnh số lượng lớn. Đây cũng là lần đầu tiên đại dịch COVID-19 xâm nhập vùng đồng bào dân tộc Chăm với những diễn biến phức tạp, khó lường.

Cộng đồng Chăm đang nỗ lực để sớm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, trả lại sự bình yên cho dân làng và đoàn kết, quyết tâm chống dịch, bảo vệ và mở rộng “vùng xanh,” đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.

* Cấp bách phòng, chống dịch từ các cơ quan chức trách

Theo thông tin Kauthara.org ghi nhận được, số người Chăm nhiễm COVID-19 với con số hơn 2000 người, trong đó số ca tử vong 87 ca (Chăm Nam bộ: 65 ca, Ninh Thuận 20 ca, Bình Thuận 02 ca). Trong bối cảnh ấy, chính quyền địa phương đã cấp bách triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, từng bước ổn định đời sống nhân dân ở các làng Chăm trong vùng.

* Nhiều chùm bệnh lây nhiễm phức tạp ở các làng Chăm

Theo ghi nhận ca lây nhiễm COVID-19 của đồng bào Chăm ở Ninh thuận, Bình thuận với nguyên nhân làm dịch bệnh lây lan nhanh trong vùng xuất phát từ đời sống văn hóa mang tính cộng đồng cao của đồng bào, trong quá trình sinh sống luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau làm kinh tế, thăm hỏi nhau lúc đau ốm. Đây là một trong những nét đẹp trong đời sống văn hóa, tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường thì điều này khiến dịch bệnh dễ lây lan và bùng phát mạnh trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, hầu hết những trường hợp mắc COVID-19 đều không có triệu chứng của bệnh, nên việc khi phát hiện, các chùm ca bệnh có thể đã qua nhiều chu kỳ lây nhiễm dẫn đến số lượng người nhiễm bệnh tăng cao.

Vào giữa tháng 9 vừa qua, tại làng Chăm Ninh Phước cũng ghi nhận chùm ca mắc COVID-19 không rõ nguồn lây với trên 300 trường hợp. Gần đây nhất, chùm ca bệnh qua xét nghiệm sàng lọc phát hiện gần 200 ca trong cộng đồng tại hai làng Chăm Phước Nhơn – Ninh Hải và Lương tri – Ninh sơn. Tại Phước Nhơn nguồn lây nhiễm được xác định một đám tang tại địa phương và Lương Tri được xác định nguồn lây của hai công nhân là người địa phương làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Sơn.

* Đồng lòng chống đại dịch trong cộng đồng Chăm

Trước những diễn biến phức tạp ngoài trách nhiệm của chính quyền địa phương, hưởng ứng lời kêu gọi của cộng đồng Chăm trong nước về chung tay phòng, chống dịch COVID-19, trên địa bàn Ninh, Bình thuận và các vùng Nam bộ có người Chăm sinh sống, đã có nhiều nhóm thiện nguyện, cá nhân là con em người Chăm trong và hải ngoại, chủ động đứng ra vận động quyên góp hoặc tự đóng góp nguồn lực của mình để dành những phần quà giúp người nghèo, người lao động tự do vượt qua giai đoạn khó khăn của mùa dịch. Đây là những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp rất đáng trân trọng hướng về cuội nguồn “nơi chôn nhau cắt rốn” trước những khó khăn đại dịch COVID-19.

*Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng Chăm

Ghi nhận của Kauthara.org trong vùng tâm dịch các địa phương có người Chăm sinh sống, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và thực hiện chủ trương “thôn giữ lấy thôn, làng giữ lấy làng”, nhiều bà con Chăm đã không quản ngày đêm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát tại các chốt chặn vừa tuyên truyền đến đồng bào mình về các biện pháp phòng, chống dịch, từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân, cùng nhau chiến thắng đại dịch. Theo các vị chức , người có uy tín trong cộng đồng Chăm làm công tác truyền thông phòng chống COVID-19, một số ít địa phương còn kì thị những người nhiễm F0, thậm chí kì thị dân tộc thiểu số có ca nhiễm F0,... Đây chính một rào cản rất lớn trong công tác phòng chống dịch COVID-19 ở vùng dân tộc Chăm trong giai đoạn bình thường mới theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Theo khuyến cáo của Tổ chức WHO, việc giảm bớt được sự kỳ thị xã hội đối với các căn bệnh như COVID-19 đồng nghĩa với việc tính hiệu quả của các nỗ lực ứng phó sẽ được nâng cao. Kỳ thị xã hội trong lĩnh vực sức khỏe là việc liên hệ một cách tiêu cực những người có một số điểm chung nào đó với một căn bệnh cụ thể. Khi dịch bệnh bùng phát, những người được cho là có mối liên hệ với căn bệnh sẽ có khả năng bị phân biệt đối xử. Họ có thể bị cô lập hoặc mất đi chỗ đứng trong xã hội.

Chính vì thế, WHO khuyến nghị các quốc gia, tổ chức sử dụng ngôn ngữ mang tính nhân văn, thể hiện sự tôn trọng và khích lệ người dân tham gia vào mọi kênh giao tiếp, bao gồm cả truyền thông đại chúng. Từ ngữ được dùng trên truyền thông đại chúng đặc biệt quan trọng, vì chúng sẽ hình thành xu hướng ngôn ngữ và truyền thông về COVID-19. Những bản tin tiêu cực có thể ảnh hưởng đến sự nhìn nhận và đối xử của cộng đồng xã hội đối với người nghi có COVID-19, người bệnh, gia đình họ và các cộng đồng bị ảnh hưởng khác

Từ thực tế đó, địa phương đã huy động lực lượng trực tiếp ở các thôn, với phương châm “thôn giữ lấy thôn, làng giữ lấy buôn” để bảo vệ “vùng xanh” của thôn, làng, trong đó nòng cốt là những cán bộ đoàn thể của thôn, những người có uy tín trong cộng đồng, đặc biệt là đồng bào tại chỗ. Đây là lực lượng vừa chốt chặn các tuyến đường liên thôn, làng để phòng, chống dịch, vừa tuyên truyền, vận động nhận dân nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định của địa phương.

Thực tế đã chứng minh, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong nhân dân để cùng nhau chống dịch, từ đó làm nên sức mạnh nội lực của thôn làng để phòng, chống dịch hiệu quả, góp phần khống chế sớm các ổ dịch, bảo vệ, mở rộng các ”vùng xanh” của địa phương.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trong vùng có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, cần thiết nhân rộng, phát huy mô hình chống dịch của địa phương để hạn chế sự lây lan và từng bước đẩy lùi dịch bệnh.

Những ngày này, ở khu vực có người Chăm sinh sống ở khắp nơn trên cả nước, hình ảnh của những vị chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức Chăm, người có uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền hay "trực chiến" ở các chốt kiểm soát phòng, chống dịch đã trở nên phổ biến, quen thuộc. Đây cũng là cầu nối để những chủ trương, chính sách, biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền đến gần với nhân dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc góp phần chiến thắng đại dịch COVID-19, đưa dân làng trở về trạng thái bình thường mới.

*Kết luận:

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, chính những hành động, việc làm thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của chính quyền các cấp đến cộng đồng người Chăm là động lực, là niềm tin để người Chăm tự nguyện đứng lên góp sức, góp công, “kề vai sát cánh” để chống lại kẻ thù vô hình COVID-19.

Trong cuốc chiến này, người Chăm trên cả nước đã nhận thức rõ rõ hơn về tác hại, nguy hiểm của đại dịch Covid-19 từ những nỗ lực tuyên truyền, vận động; từ những hành động hỗ trợ, quan tâm, sẻ chia của các cấp, các ngành. Và rồi, điều chúng ta thấy rõ nhất là bà con đã tự nguyện, tự giác, đồng thuận thực hiện theo các khuyến cáo và biện pháp chống dịch của Bộ Y tế; tích cực phối hợp cùng lực lượng chức năng trong việc truy vết, lấy mẫu, cách ly y tế. Chưa bao giờ như lúc này, sự đồng thuận, đồng lòng chống dịch lại được nhân lên, lan tỏa khắp các làng Chăm. Khi người dân hiểu rõ về dịch bệnh, nhận rõ sự quan tâm và tin tưởng từ Chính quyền Việt nam, thì chắc chắn dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, cuộc sống bình yên sẽ trở lại nhanh hơn với mỗi làng Chăm.

 

Một số hình ảnh năm Covid-19