Bani Awal hay Islam cắt tóc ngắn Sunat sẽ được ân phước

Written by admin
In category Nghiên cứu
Dec 23, 2021, 8:38 PM

Tác giả: Ts. Putra Podam

Email: putrapodam@gmail.com

Trích từ tác phẩm: Kauthara 3

---

Khi nói đến chức sắc Giáo sĩ (Acar) theo thuật ngữ hiện nay thường dùng "Awal" (Agama Awal), chứ không một ai nói "Agama Bani", vì từ "Bani" là danh từ chung mang nghĩa "đạo" và thường ám chỉ đến tín đồ theo đạo Hồi giáo (Islam) tôn thờ Allah (một tôn giáo độc thần).

Trong Thiên kinh Quran (Koran), Surah Al-Baqarah câu 40 Allah phán gọi sắc dân Israel rằng:

يبنى إسرءيل   (Ya Bani Israel - Hỡi sắc dân Israel!)

 

Bani là phiên âm tiếng Ả Rập (Arab - Arabic). Nghĩa là “đạo”, nhưng thường dùng với nghĩa tín đồ thờ phượng Allah (Aluah) là Đấng Tối Cao, Duy Nhất và Muhammad (Muhamat) là vị Thiên sứ (Nabi-Rasul) cuối cùng được Allah mặc khải Thiên kinh Quran (Koran).

Theo thuật ngữ thì từ Bani có một số ngữ nghĩa như:

- Bani: trong tiếng Ả Rập dùng để chỉ tín đồ theo đạo thờ thượng đế Allah.

Theo R.P Durrand (1903), tên gọi Bani là phiên âm theo từ gốc Ả Rập “Beni”, có nghĩa là những “đứa con”.

Theo E. Aymonier & A. Cabaton (1906), thì Bani “بَانِي hay بني” tiếng Ả Rập nghĩa là “con cháu”, còn theo tôn giáo thì nghĩa “Hồi giáo”. Ngoài ra tự điển còn định nghĩa:

- Cam Bani: Người Chăm Hồi giáo

- Bani Ibrahim: Hồi giáo

- Bani Nabi: Hồi giáo

- Bani Muhhamat: Hồi giáo

- Banī Java: Hồi giáo của người Mã Lai.

 

Bani Awal là một hệ phái Hồi giáo Champa (Islam Champa) và chỉ tồn tại duy nhất ở Champa, cũng như Hồi giáo Sunni là hệ phái tồn tại ở Ả Rập chiếm gần khoảng 85% tín đồ Hồi giáo trên thế giới, Hồi giáo Shiite (Shia) là hệ phái tồn tại ở Iran và gần hơn 100 hệ phái Hồi giáo khác đang hoạt động với mức độ bám vào Thiên kinh Koran khác nhau.

Hệ phái Bani Awal ở Champa (Hồi giáo Bani, chuẩn xác hơn là Hồi giáo Awal) thì chỉ có giáo sĩ (Acar) mới Solat (cầu nguyện) trực tiếp Allah, còn tín đồ Bani Awal thông thường (Gahéh) thì không thực hiện Solat, nhưng phục vụ cho Giáo sĩ (Acar) để gián tiếp thờ phượng Allah. Trong khi mọi tín đồ của Hồi giáo (Islam) đều cầu nguyện trực tiếp đến Allah.

Việc cạo đầu của giáo sĩ (Acar) Bani Awal là bắt buộc, là nét Sunat của Islam. Tương tự, tín đồ Islam bình thường thì không bắt buộc cạo tóc, nhưng tín đồ theo học về tôn giáo (agama) nhất là những người học Tahfiz (học thuộc nguyên một cuốn Thiên kinh Koran) thì rất thường cạo tóc và họ không để tóc dài quá vài cm. Tín đồ Islam (nam) khi đi hành hương Haji (tháng 12 lịch Islam) hoặc làm Umrah (11 tháng còn lại) tại Makkah bắt buộc phải cắt tóc sát ngắn hoặc Sunat (không bắt buộc nhưng làm sẽ được ân phước), phải cạo toàn bộ tóc trên đầu bằng dao cạo.

Allah có mặc khải trong Thiên kinh Koran, chương al-Fath, câu 27 như sau:

 “Chắc chắn các người sẽ vào Al- Masjid al- Haram (tại Makkah) an toàn, đầu cạo trọc và cắt tóc ngắn (theo nghi thức làm Haji hoặc Umrah), không sợ hãi, nếu Allah muốn.”

 

Giáo sĩ (Acar) Bani Awal cạo tóc không ảnh hưởng hay liên quan gì đến Phật giáo, không đại diện cho phái nam hay phái nữ như Ts. Thành Phần, Ts. Quảng Đại Cẩn, Inrasara và nhóm học trò đã nêu, mà việc cạo tóc của giáo sĩ (Acar) đó là nét Islam còn đọng lại trong luật đạo của Awal ngày nay. Trong khi Islam bình thường thì không cạo tóc, nhưng tín đồ Islam khi đi Haji, Umrah hay theo học về tôn giáo (agama) nhất là những người học Tahfiz (học thuộc nguyên cuốn Thiên kinh Koran) thường phải cạo tóc và họ không để tóc dài quá vài cm.

 

Chúng ta thường thấy tất cả những Phật tử xuất gia đều cạo trọc đầu. Nhưng Đức Phật ngày xưa và nhiều vị tôn giả khác vẫn để tóc, mà vẫn thành đạo. Do vậy, cạo đầu đi tu không mang ý nghĩa phân biệt thầy tu với người thường như chúng ta tưởng. Cùng với việc đơn giản trong cách ăn mặc, thì việc cạo đầu thể hiện sự vứt bỏ Ngã Chấp. Khi cạo tóc đi, có nghĩa là ta đã không tơ tưởng gì đến hình thức đẹp xấu, không cần chải chuốt, vứt bỏ mọi sỹ diện, tự ái. Đó là hành động mà người tu hành thể hiện quyết tâm gạt bỏ Ngã Chấp ở bản thân, quyết tâm đi theo con đường tìm kiếm sự hoàn thiện trí tuệ, quyết tâm xóa bỏ vô minh.

Phật dạy đệ tử phải cạo bỏ râu tóc mà Phật lại để tóc tại sao? Vậy tượng Phật có tóc mang ý nghĩa gì? Nếu Phật cạo tóc thì tại sao Phật tử lại thờ những pho tượng Phật có tóc?

Thực tế chúng ta thấy pho tượng Phật có để tóc, cũng như bậc tu Ram Bahadur Bomjan ngồi thiền 8 tháng không ăn uống để tu đạo và được mọi người tôn sùng, xem như là Như Lai chuyển thế, nhưng vẫn để tóc dài chứ không cạo. Từ đó ta cũng thấy được phần nào việc cạo đầu không phải là luật lệ bắt buộc 100% của tu sĩ Phật giáo.

Hình 1. Tại sao tượng Đức Phật đều có tóc?

 

Hình 2. Phật tử Ram Bahadur Bomjan, Nepal, để tóc dài.

 

Quay lại tôn giáo của người Chăm, việc giáo sĩ (Acar) của hệ phái Bani Awal cạo tóc không phải là ảnh hưởng phật tử của Phật giáo như vài người đã khẳng định. Hãy cùng làm rõ vấn đề này trong luật đạo Islam (Shariah).

Thông thường mọi tôn giáo đều giao nhiệm vụ cúng bái cho các tu sĩ (giáo sĩ), nhưng trong Islam mọi tín đồ đều có nghĩa vụ thực hành lễ (ibadat) với Allah, tất cả đều phải học và luôn trao dồi trong suốt cuộc đời của mình về Hồi giáo (Islam) và đã là con người thì đều ngang hàng nhau nên không ai có thể đại diện cho ai và không ai có thể làm cầu nối cho mình với Allah, mà chính bạn thân ta cầu nguyện trực tiếp với Allah.

Bani Awal (Hồi giáo Bani hay Hồi giáo Awal) thì có từng lớp giáo sĩ (Acar), vì một phần do ảnh hưởng lịch sử, và một phần ảnh hưởng Hồi giáo Shia Ayatollah, Acar là cầu nối trực tiếp với Allah. Nhưng lớp tín đồ Bani Awal dân thường, nếu học thuộc Thiên kinh Koran và thực hiện đủ lễ tục thì có thể đảm nhận vai trò của giáo sĩ Acar.

 

Hình 3. Giáo sĩ Acar Awal (Hồi giáo) phải cạo tóc.

 

Hình 4. Tín đồ Islam (Muslim) phải cạo tóc, mặc trang phục Ihram khi đi Haji hoặc Umrah (Hành hương).

 

Hình 5. Tín đồ Islam (Châu Đốc) đi Haji hoặc Umrah phải cạo tóc.

 

Hình 6. Tín đồ Islam (Muslim) phải cạo tóc, mặc trang phục Ihram khi đi Haji hoặc Umrah (Hành hương).

Hình 7. Tín đồ Islam (Muslim) phải cạo tóc, mặc trang phục Ihram khi đi Haji hoặc Umrah (Hành hương).

 

Hình 8. Acar Nguyên, giáo sĩ Awal (Agama Awal) sinh hoạt trong tổ chức Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani Bình Thuận. Bani Awal thì mọi giáo sĩ buộc phải cạo tóc, đội "Kalah Aia" lót bên trong trên đầu và quấn khăn (khan Jram) bên ngoài tùy theo một lớp hoặc quấn hai lớp.