VOV phỏng vấn Ts.Putra Podam liên quan tôn giáo Chăm

Written by admin
In category Tin tức
Jan 1, 2022, 4:45 PM

Dịp đầu năm mới đài VOV nói chuyện online với Ts.Putra Podam về tôn giáo Chăm. đây là nội dung:

 

VOV: Nhân dịp đầu năm, Đài rất hân hạnh được phỏng vấn Ts.Putra Podam về vấn đề tôn giáo Chăm, năm mới anh cảm nhận thế nào?

Putra: Rất cảm ơn anh Yjet, nhân đây xin chúc anh, Đài VOV và toàn thể độc giả yêu mến Báo Điện Tử Kauthara, năm mới hạnh phúc và thành công hơn nữa.

 

VOV: Anh Putra cho biết người Chăm mình có bao nhiêu tôn giáo?

Putra: Từ khi lập quốc thế kỷ 2 theo sử sách cho đến thế kỷ 17 thì Champa xưa theo hai tôn giáo chính là Balamon (Brahmanism từ Ấn độ) và Hồi giáo (Islam từ Ả Rập). Đến thế kỷ 17, vua Po Rome (Ngài theo Islam) đã hòa giải tình hình xã hội Chăm bấy giờ bằng cách chấp nhận bỏ Balamon (bỏ thờ thần Brahma, Vishnu, Shiva, …Ganesha, …) đây cũng là thời kỳ sụp đổ của Balamon trên toàn Đông Nam Á và Champa nói riêng, Po Rome đã thay tín đồ Chăm theo Balamon thành tín đồ Chăm Ahier (Hồi giáo mới) chỉ duy nhất tôn thờ Thượng đế Allah và tôn kính vua chúa, tổ tiên Champa ảnh hưởng văn hóa bản địa. Từ đấy Champa không còn tồn tại tôn giáo Balamon nữa, nghĩa là không còn tồn tại ba vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo bao gồm Brahma là đấng tạo hóa, Vishnu là đấng bảo hộ, Shiva là đấng hủy diệt, tạo thành bộ tam thần Trimurti, thường được gọi là "Brahma-Vishnu-Maheshwara."

Po Rome cũng chấp nhận Chăm theo Bani (Islam) với tên mới là Awal (Hồi giáo củ) chỉ tôn thờ duy nhất Thượng đế Allah và tôn kính tổ tiên Champa với bản sắc bản địa.

Căn cứ vào lịch sử tôn giáo của Champa thì tổ tiên người Chăm chỉ tiếp nhận duy nhất hai tôn giáo là Balamon (Brahmanism) và Islam (người theo Bani) cho đến ngày nay. Chăm đang sinh hoạt tôn giáo hay tín ngưỡng là Awal (Hồi giáo cũ), Ahier (Hồi giáo mới) và Islam (Hồi giáo chính thống).

Người Chăm rất may mắn vì tổ tiên người Chăm không thành lập một tôn giáo nào, mà chỉ tiếp nhận hai tôn giáo lớn trên thế giới mà thôi.

 

VOV: Anh cho biết, Hồi giáo Bani và Tôn giáo Bani, giống và khác nhau như thế nào?

Putra: Bani là đạo Islam chính thống, từ này được dùng cho cả thế giới, khi nói đến Bani là nói đến tín đồ theo Islam chính thống. Nghĩa là: Bani là Islam (chính thống giáo).

- Islam: được dịch nghĩa sang tiếng phổ thông là “Hồi giáo”

- Bani: là tín đồ theo Islam, từ Bani được dùng trong Thiên kinh Koran. Bani viết theo phổ thông là Ba-ni hay Bà-ni.

- Hồi giáo Ba-ni: viết theo tiếng phổ thông, dùng để phân biệt với Hồi giáo Islam, nghĩa là Hồi giáo Ba-ni hay Hồi giáo Islam đều có nguồn gốc từ Islam Ả Rập tôn thờ Allah là đấng Tối Cao và Duy Nhất.

- Tôn giáo Bani: từ này không chính thức, chưa bao giờ xuất hiện trên thế giới cũng như không có trong danh mục tôn giáo Việt Nam từ thời Pháp thuộc cho đến nay. Vì Bani không được dùng cho tên tôn giáo mà Bani là thuật ngữ chỉ dùng cho tín đồ theo đạo Islam.

Chính phủ Việt Nam đã công nhận Islam quốc tế với ngữ nghĩa tiếng phổ thông là “Hồi giáo”.

Từ nhận định trên, khẳng định không tồn tại một tôn giáo độc lập mang tên tôn giáo Bani, Ba-ni hay Bà-ni.

 

VOV: Tổ chức Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani đặt tên tôn giáo của mình là: Hồi giáo Ba-ni là đúng hay sai?

Putra: Đặt tên “Hồi giáo Ba-ni” là đúng và không sai, vì để phân biệt với nhánh “Hồi giáo Islam” (Chính thống giáo). Nhưng tên “Hồi giáo Ba-ni” chưa chính xác, như đã trình bày ở trên, khi nói đến Ba-ni thì người ta ám chỉ đến tín đồ theo Islam chính thống giáo, nhưng:

Hồi giáo của người Chăm ở Bình Thuận và Ninh Thuận hiện nay với giáo sĩ là Acar thì được gọi là người Bani nhưng hiện nay không theo Islam chính thống giáo mà họ là Awal (một hệ phái riêng Islam của Champa).

Thay vì dùng: “Hồi giáo Ba-ni” thì nên dùng: “Hồi giáo Awal” thì chuẩn hơn, hay nếu dùng tiếng Chăm là “Bani Awal”. Vì giáo sĩ (Acar) hiện nay người Chăm được gọi là “Agama Awal”, chứ không ai gọi giáo sĩ (Acar) là “Agama Bani”.

Một vài người Chăm cho rằng lấy tên “Hồi giáo Bani” là xóa bỏ tôn giáo Bani của người Chăm và mục tiêu Islam hóa. Đây là lối suy nghĩ của những người thiếu hiểu biết, vì từ Bani mới là chính là Islam. Islam trên thế giới có nhiều hệ phái, chi phái, chi nhánh, … cụ thể Hồi giáo Suni là hệ phái Islam Ả Rập, Hồi giáo Shiite (Shia) là hệ phái Islam Iran và trên 72 hệ phái khác của Islam trên thế giới.

Tóm lại: đặt tên “Hồi giáo Ba-ni” là đúng nhưng chưa trúng, chưa chính xác, vì giáo sĩ (Acar) là Awal, nên cụm từ: “Hồi giáo Awal” theo tiếng phổ thông hay “Bani Awal” theo tiếng Chăm thì chuẩn hơn. “Hồi giáo Awal” hay “Bani Awal” là một hệ phái riêng của người Chăm và chỉ tồn tại ở Champa, khác với Hồi giáo Suni, Hồi giáo Shia, …

 

VOV: Một vài thông tin cho rằng Chính phủ Việt Nam đã xóa tôn giáo Bani của người Chăm, theo anh nghĩ thế nào?

Putra: Rõ khổ… như tôi đã trình bày ở trên, Ba-ni không phải tôn giáo, không có trong danh mục tôn giáo mà Ba-ni chỉ là thuật ngữ chỉ tín đồ trên thế giới theo đạo Islam mà thôi.

Nguyên nhân chính sự xung đột trong cộng đồng Chăm từ việc thay mới CMND thành CCCD không có mục “dân tộc” và “tôn giáo” được áp dụng cho cả nước. Thế nhưng bà con Chăm bị phần tử xấu kích động cho rằng Chính phủ xóa dân tộc, tôn giáo của người Chăm. Nguyên nhân tiếp theo từ Ts. Thành Phần đã kích động những thành phần thiếu học, dân tộc cực đoan làm xáo trộn trong cộng đồng Chăm và kết nối với tổ chức nước ngoài Bangsa Champa do Thành Thanh Dải (Thủ tướng Champa lưu vong – tự xưng làm lãnh đạo) và Châu Thị Cành (Cựu Fulro).

Ts. Thành Phần muốn thay đổi giá trị của người Chăm, thay đổi lối sống người Chăm bằng chiến tranh về đức tin.

 

VOV: Hỏi anh câu cuối cùng, tôn giáo Balamon có trong danh mục của Ban Tôn giáo Chính phủ, có phải là một tôn giáo do tổ tiên Chăm thành lập không?

Putra: Liên quan đến tôn giáo Balamon thì Putra đã có 3 bài viết đăng trên báo điện tử Kauthara. Nay xin tóm tắt, Balamon (Brahmanism) là một tôn giáo kế thừa từ Vedas và sau này phát triển thành Hindu (Tôn giáo của Ấn Độ). Người Chăm có thể từ thế kỷ thứ 2 lập quốc đã tiếp nhận tôn giáo Balamon từ Ấn Độ, chứ Balamon không phải tôn giáo do tổ tiên người Chăm sáng lập.

Người Chăm theo Ahier (Islam mới) từ thế kỷ 17, nay lại tự nhận mình là Balamon và tự hào cho rằng Balamon là tôn giáo riêng của người Chăm do tổ tiên Chăm sáng lập là sự sai lầm, thiếu hiểu biết, mù quán và khôi hài.

Ví dụ: Một số đạo lớn được tiếng phổ thông hóa như,

- Christian: tiếng phổ thông “Thiên chúa”

- Protestantism: tiếng phổ thông “Tin Lành”

- Islam: tiếng phổ thông “Hồi giáo”

- Hindu: tiếng phổ thông Bà-la-môn (Brahmanism)

- Buddha: tiếng phổ thông “Phật giáo”

Tóm gọn: Người Chăm chỉ tiếp nhận hai tôn giáo lớn trên thế giới là Brahmanism (Bà-la-môn) và Islam (Hồi giáo), hai tôn giáo này không phải do tổ tiên Chăm sáng lập hay cách khác người Chăm thời đó chỉ theo đạo Brahmanism và đạo Islam. Cũng như ngày nay một vài người Chăm theo Christian “Thiên chúa”, theo Protestantism “Tin Lành”, theo Buddha “Phật giáo”

 

VOV: Cảm ơn Ts. Putra Podam đã dành thời gian trả lời cho Đài.

 

Ts. Putra Podam (Văn Ngọc Sáng)