Lễ ngày thứ Sáu - Suk Yeng - Jumaat thôn Bình Minh (Haluw Aia Mamih)

Written by Putra Podam
In category Văn hóa
Jan 28, 2022, 2:40 AM

Theo thông báo của Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận, lễ hội ngày thứ Sáu (Suk Yeng - Jumaat) năm 2022 tại Bình Thuận được công bố như sau:

Ngày 14/01/2022, lễ hội Suk Yeng tại haluw Magik Bình Hoà (Haluw Dik),

Ngày 21/01/2022, lễ hội Suk Yeng tại haluw Magik Bình Thắng (Palei Canat),

Ngày 28/01/2022, lễ hội Suk Yeng tại haluw Magik Bình Minh (Palei Aia Mamih),

Ngày 04/02/2022, lễ hội Suk Yeng tại haluw Magik Cảnh Diễn (Palei Cakak),

Ngày 11/02/2022, lễ hội Suk Yeng tại haluw Magik Thanh Kiết

Ngày 18/02/2022, lễ hội Suk Yeng tại haluw Magik Châu Hanh.

Lễ ngày thứ Sáu (Suk Yeng - Jumaat)

Nguyên nhân chính hình thành lễ Suk Yeng là lễ Jumaat (Lễ ngày thứ Sáu) của Islam. Lễ ngày thứ Sáu của hệ phái Bani Awal không thực hiện thống nhất mà được thực hiện tùy theo khu vực và vùng miền. Ở Campuchia được tổ chức Suk mỗi tuần một lần, ở Ninh Thuận Suk được tổ chức mỗi tháng một lần, còn ở Bình Thuận thì hoàn toàn khác biệt. Suk Yeng là dịp mà các haluw Janang cũng như mọi tín đồ Bani Awal thường phải đến thánh đường để gặp gỡ, nghe giảng đạo và thông tin từ các giáo sĩ (Acar) tại thánh đường và riêng ở mỗi gia đình thường chuẩn bị đón khách thập phương tại nhà riêng.

Nhưng dịp lễ Suk Yeng, các vị Haluw Janang bên Bani Awal và bên Bani Ahier thường gặp nhau để bàn bạc, giải quyết, co giãn lịch pháp để phù hợp cho cả đôi bên Awal (Hồi giáo cũ) và Ahier (Hồi giáo mới).

Lịch Sakawi là loại lịch kết hợp để tính vừa đúng cho Bani Awal và vừa đúng cho cả Bani Ahier. Do đó, lịch Sakawi không mang tính khoa học cao như Dương lịch hay Âm lịch. Để giải quyết vấn đề tránh ngày Ramadan trùng ngày Kate, nên các vị Haluw Janang phải chọn ngày Suk Yeng để gặp nhau bàn bạc, giải quyết vấn đề tồn động ở đôi bên. Hiện nay ở Ninh Thuận Suk Yeng được tổ chức ba năm một lần, còn ở Bình Thuận Suk Yeng được tổ chức mỗi năm một lần.

Trong ngày Suk Yeng, các bên thường gặp nhau để giải quyết vấn đề xê dịch ngày Kate không trùng Ramadan (Ramawan) và cũng bàn đến vấn đề “Harei Ikak” trong năm, để tín đồ Awal cùng tín đồ Ahier cần tránh. Ví dụ, harei Ikak từ thứ Ba đến thứ Sáu, thì trong ngày này mọi tín đồ Awal cũng như Ahier đều không được ăn thịt, chỉ ăn cá ăn chay. Nếu người nào qua đời trong thời gian Ikak này thì cũng không được ăn thịt mà chỉ ăn chay. Qua ngày Ikak là Talaih xong mới được ăn thịt. Ahier phải Ikak theo Awal, vì Ahier tôn thờ thượng đế Allah. Trường hợp Ahier Ikak thì sẽ được nhiều ân phước (Iman), nếu không tuân theo Ikak thì Po Allah Thượng đế sẽ không chấp nhận. Trong thời gian Ikak mà bên Ahier mời Acar đi làm lễ tục thì Acar không bao giờ đi. Điều đáng chú ý, Suk Yeng thời nay không thấy bóng dáng của bên Ahier đến Magik để trao đổi ngày tháng nữa.

Hiện nay bảy cơ sở thánh đường tín đồ hệ phái Bani Awal ở Ninh Thuận tổ chức Suk Yeng theo trình tự: Magik Haluw Cuah Patih, Magik Haluw Ram, Magik Haluw Baoh-Deng, Magik Haluw Cang, Magik Haluw Pamblap Klak, Magik Haluw Pamblap Baruw, Magik Haluw Katuh.

Bình Thuận có mười cơ sở thánh đường, nhưng chỉ có sáu thánh đường tổ chức “Suk yeng” (lễ ngày thứ sáu). Còn bốn thánh đường còn lại không tổ chức Suk yeng như Magik Haluw Karang, Magik Haluw Lem-Ber, Magik Haluw Muw, Magik Haluw Bicam. Ngày thứ Sáu (Harei Suk) tháng Sáu Hồi lịch (Jamada al-Akhira), lễ thứ Sáu (Suk yeng) được tổ chức đầu tiên tại “Magik Haluw Dik”, và thứ Sáu tiếp thep là: Magik Haluw Canat, Magik Haluw Aia Mamih, Magik Haluw Cakak, Magik Haluw Njar, Magik Haluw Caraih. Lễ hội Suk Yeng đầu tiên được tổ chức tại Magik Haluw Dik, ngoài giáo sĩ Acar từ haluw này còn có giáo sĩ Acar từ các nơi khác đến như Sư cả (Po gru), Imam, Katip, và Acar, …Sau khi gặp gỡ chào hỏi, giáo sĩ Acar vào thánh đường (Magik) để bàn luận một số vấn đề liên quan.

Để chuẩn bị “ngak wak”, giáo sĩ Acar đi ra làm thủ tục “mâk aia” (wudu). Xong thủ tục “mâk aia”, giáo sĩ vào Magik xếp hàng “ngak wak” (Solat, salat, salah). Tiếp “ndik agal” (khutbah), trong trường hợp Suk yeng thì hệ phái Awal đọc “agal halkal”, đây là Agal chỉ dành riêng cho ngày Suk yeng (lễ thứ Sáu). Sau đó tất cả Acar “Wak athalam”, “mâk athalam” hay “salam”. Đây là thực hiện động tác “Jabat Salam” có nghĩa là bắt tay. Acar đưa cả hai tay, nhưng chỉ có tay phải bắt, còn tay trái chỉ hứng phía dưới tay phải, và phải “Jabat” hết tất cả giáo sĩ trong Magik. Trong khi tín đồ Islam chỉ cần đưa một tay phải để Salam, thường chỉ cần Salam hai người đứng bên cạnh.

Sau khi xong mọi thủ tục, Acar mở các mâm do người nhà và tín đồ mang đến, sau đó ăn xong, tiếp Acar kết thúc bằng cách đọc Du-a gồm: “Al-Fatihah” và “Rap banâ”. Kết thúc Suk Yeng.

Hình 1. Thiếu nữ Bani Awal ndua salao takai harei Suk Yeng. Ninh Thuận.

Hình 2. Thiếu nữ Bani Awal ndua salao takai harei Suk Yeng. Bình Thuận.

 

Suk Yeng ngày nay là một lễ hội tôn giáo hệ phái Bani Awal đã trở thành một di sản văn hoá đáng được trân quý, bảo tồn và phát huy góp phần quan trọng vào kho tàng văn hoá đại gia đình các dân tộc Việt Nam thêm phong phú, đa dạng.

 

Hình 3. Giáo sĩ (Acar) Bani Awal thực hiện lễ  ngày thứ Sáu (Suk Yeng) Bình Thuận.

 

 

Hình 4. Lễ Suk Yeng (lễ ngày thứ Sáu) của hệ phái Bani Awal.