HỘI ĐỒNG SƯ CẢ HỒI GIÁO BANI BÌNH THUẬN Số: /QC-HĐSC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
DỰ THẢO - QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG SƯ CẢ
HỒI GIÁO BANI TỈNH BÌNH THUẬN NHIỆM KỲ 2021 – 2026
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận (gọi tắt là Hội đồng Sư cả) là một tổ chức tôn giáo của tôn giáo Hồi giáo Bani tại tỉnh Bình Thuận, thành lập theo nguyện vọng của các chức sắc, tín đồ Hồi giáo Bani trong tỉnh và được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Điều 2. Tôn chỉ, mục đích:
- Hoạt động của Hội đồng Sư cả là nhằm lãnh đạo, hướng dẫn giáo sĩ (Acar), tín đồ tuân phục Thượng đế Awluah (Allah), tôn kính Đức Giáo chủ Mu-ha-mat (Muhammad) và giáo lý Thiên kinh Co-ran (Koran), điều hành các hoạt động tôn giáo tại các Thánh đường (Chùa), Ban phong tục Hồi giáo Bani trong tỉnh theo quy định của pháp luật.
- Hội đồng Sư cả là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận.
Điều 3. Hội đồng Sư cả đại diện cho chức sắc (giáo sĩ), tín đồ Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; hoạt động trong phạm vi tỉnh Bình Thuận và trong khuôn khổ của Hiến pháp, pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 4. Hội đồng Sư cả là tổ chức tôn giáo cấp tỉnh, quản lý các tổ chức tôn giáo trực thuộc gọi là Thánh đường (Magik - Masjid) mà văn bản trước đó gọi Chùa, hoặc Ban phong tục. Thánh đường hoặc Ban phong tục là tổ chức tôn giáo trực thuộc Hội đồng Sư cả thay mặt cho cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo Bani tại mỗi địa phương, làng, palei có con dấu và tài chính riêng.
Điều 5. Trụ sở làm việc của Hội đồng Sư cả đặt tại thôn Thanh Kiết, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình.
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG SƯ CẢ
Điều 6. Chức năng của Hội đồng Sư cả
- Hội đồng Sư cả hướng dẫn điều hành các hoạt động và lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo thông qua Quy ước từng Thánh đường, Ban phong tục Hồi giáo Bani trong tỉnh.
- Hội đồng Sư cả là cầu nối giữa chức sắc, tín đồ Hồi giáo Bani với các cơ quan chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong phối hợp giải quyết các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật.
Điều 7. Nhiệm vụ của Hội đồng Sư cả
1. Hội đồng Sư cả hướng dẫn và theo dõi các hoạt động lễ nghi tôn giáo quan trọng; hướng dẫn cho chức sắc, tín đồ sinh hoạt tôn giáo theo đúng giáo luật và pháp luật.
2. Hội đồng Sư cả thống nhất quy trình, phương thức, cách thức, ngày tháng theo Hồi lịch và Chăm lịch để thực hiện các sinh hoạt, lễ nghi tín ngưỡng tôn giáo trong cộng đồng đồng bào Chăm nói chung, Hồi giáo Bani nói riêng như: lễ hội Ramawan (Ramadan), lễ ngày thứ Sáu Suk Yeng (Jummat), lễ hội Waha (Eid al-Adha), lễ tấu chức…; các lễ nghi khác thì sử dụng theo ngày, tháng của Chăm lịch như: dựng nhà mới, cưới hỏi, nhập đạo, … Thống nhất sử dụng giáo lý, các loại kinh sách trong lễ nghi thuộc tín ngưỡng, tôn giáo. Vận động chức sắc, tín đồ thực hiện các lễ nghi đơn giản, tiết kiệm, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
3. Hội đồng Sư cả tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo lý, thực hành giáo luật, định ra lễ nghi cho các chức sắc và tín đồ thực hiện; hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ Hồi giáo Bani, đặc biệt là mâu thuẫn trong chức sắc, tín đồ. Phổ biến, hướng dẫn động viên chức sắc, tín đồ các Thánh đường, Ban phong tục thực hiện các chủ trương, phong trào của địa phương (tỉnh, huyện, xã).
4. Quản lý sử dụng tài sản, tài chính; chăm lo hướng dẫn việc tu học, bồi dưỡng đào tạo chức sắc, tu sĩ…
5. Triệu tập chức sắc Hồi giáo Bani họp định kỳ hay đột xuất để bàn những vấn đề xảy ra trong nội bộ và đề ra cách giải quyết. Đặc biệt là giải quyết mâu thuẫn xảy ra trong nội bộ các chức sắc, các tín đồ hoặc giữa tín đồ Hồi giáo Bani với tín đồ các tôn giáo khác.
6. Kiểm điểm những công việc đã làm được và những tồn tại trong quá trình hoạt động của Hội đồng Sư cả, của các chức sắc, tín đồ ở các Thánh đường. Chấn chỉnh những biểu hiện trái với giáo lý, giáo luật; trái với quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Sư cả.
7. Hội đồng Sư cả tạo mối quan hệ tốt với chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và các tổ chức xã hội để giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động của Hội đồng Sư cả và sinh hoạt tôn giáo của chức sắc và tín đồ.
8. Quản lý và điều hành công tác hành chính đạo, kiểm tra hoạt động của các tổ chức trực thuộc và cá nhân chức sắc, tín đồ có liên quan.
9. Tổ chức, điều hành các hoạt động trong nội bộ tôn giáo và nghi lễ tôn giáo của 10 Thánh đường Hồi giáo Bani và 01 Ban phong tục thuộc tỉnh Bình Thuận theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
10. Triển khai, giám sát việc thực hiện Quy chế, Quy ước ở các Thánh đường, palei thuộc hệ thống tôn giáo Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận.
11. Triệu tập thành viên Hội đồng Sư cả họp hai lần trên năm để sơ kết và tổng kết các mặt hoạt động của Hội đồng Sư cả; có trách nhiệm quản lý và điều hành mọi hoạt động của các Tiểu ban trực thuộc, Ban quản lý của 10 Thánh đường và 01 Ban phong tục.
Điều 8. Quyền hạn của Hội đồng Sư cả
1. Tổ chức, điều hành, chỉ đạo, lãnh đạo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của Hội đồng Sư cả và các Tiểu ban thuộc Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận.
2. Được quyền bổ nhiệm, bãi nhiệm và cách chức các chức sắc Hồi giáo Bani trong tỉnh vi phạm giáo lý, giáo luật; phân công, điều động bất thường các thành viên để giải quyết các công việc liên quan của Hội đồng Sư cả.
3. Quyết định và biểu quyết và thông qua các hoạt động liên quan tới tín ngưỡng, tôn giáo của Hồi giáo Bani trong tỉnh khi có trên ½ tổng số thành viên Hội đồng Sư cả có mặt thông qua.
4. Ban hành và điều chỉnh, bổ sung các Quy chế, Quy ước, giáo lý, giáo luật, Sakawi và các văn bản liên quan trong cộng đồng Hồi giáo Bani với các cấp chính quyền.
5. Triệu tập chức sắc, tín đồ Hồi giáo Bani họp định kỳ hay đột xuất để giải quyết những công việc tồn tại trong quá trình hoạt động của Hội đồng Sư cả.
6. Thay mặt cho chức sắc, tín đồ cộng đồng Hồi giáo Bani tại Bình Thuận đối thoại, phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo của Hồi giáo Bani với các cấp chính quyền.
7. Được phép khen thưởng và đề nghị các cấp chính quyền khen thưởng các cá nhân, dòng tộc, palei có thành tích tốt trong thực hiện Quy chế, Quy ước của Hội đồng Sư cả.
Chương III
TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG SƯ CẢ
Điều 9. Hội đồng Sư cả do Đại hội đại biểu chức sắc, tín đồ Hồi giáo Bani trong tỉnh suy cử, với nhiệm kỳ 05 (năm) năm. Thành viên của Hội đồng Sư cả không quá 25 vị, gồm: Tất cả các vị sư cả các Thánh đường, Ban phong tục và một số vị Imam (I-Mâm), Katip có đạo hạnh, năng lực, có uy tín và điều kiện do các vị Sư cả tiến cử.
- Hội đồng Sư cả làm việc theo nguyên tắc dân chủ cùng bàn bạc, đoàn kết, xây dựng, tôn trọng lẫn nhau, phối hợp và thống nhất hành động theo chương trình, kế hoạch chung.
- Hoạt động của các thành viên trong Hội đồng Sư cả theo tinh thần tự nguyện, thiện chí, không vụ lợi, vì sự tốt đời, đẹp đạo, góp phần thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng các cơ sở tôn giáo “Thánh đường” đạt danh hiệu cơ sở có nếp sống văn minh.
Điều 10. Hội đồng Sư cả cử ra Ban Thường trực trong số thành viên của Hội đồng Sư cả và các Tiểu ban của Hội đồng do Hội đồng Sư cả quyết định. Ban Thường trực Hội đồng Sư cả gồm có: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên.
1. Chủ tịch: Là 01 vị Sư cả sinh hoạt tôn giáo tại một Thánh đường thuộc huyện Bắc Bình; có sức khỏe, biết tiếng phổ thông (tiếng Việt), am hiểu phong tục tập quán; có thể tham gia và tiếp thu các nội dung cuộc họp với các cấp chính quyền và truyền đạt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với chức sắc, tín đồ.
- Là người phụ trách chung và điều hành các hoạt động tôn giáo quan trọng đã được Hội đồng Sư cả thông qua.
- Là người đại diện cho chức sắc, tín đồ trong việc liên hệ với chính quyền, mặt trận để đề đạt nguyện vọng của chức sắc, tín đồ và đăng ký các hoạt động của Hồi giáo Bani trong tỉnh; chủ tài khoản của tổ chức Hội đồng Sư cả.
2. Phó Chủ tịch Thường trực: Thay mặt Chủ tịch điều hành, xử lý công việc thường xuyên của Hội đồng Sư cả; ký các văn bản của Hội đồng Sư cả do Chủ tịch ủy quyền; phụ trách công tác đối ngoại của Hội đồng Sư cả và một số công việc do Chủ tịch ủy nhiệm.
3. Các Phó Chủ tịch: Điều hành, xử lý các công việc do Chủ tịch ủy nhiệm, phân công; phụ trách các hoạt động xã hội từ thiện, các phong trào thi đua, khen thưởng; phụ trách đào tạo, giáo lý, nghi lễ và kiểm tra giáo luật.
4. Ủy viên Thư ký: Chuẩn bị nội dung cho các kỳ họp của Hội đồng Sư cả; nội dung các buổi làm việc chính thức của Hội đồng Sư cả với chính quyền, các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể, các văn bản khi có yêu cầu của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng Sư cả… Phụ trách công tác văn thư lưu trữ, hành chính, giữ con dấu của Hội đồng Sư cả; trình ký và đóng dấu các loại văn bản, giấy tờ; chịu trách nhiệm việc phát hành các văn bản của Hội đồng Sư cả gửi đến các Ban quản lý Thánh đường, Ban phong tục các cơ quan chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh.
5. Các Ủy viên:
- Ủy viên Giáo lý – Phong tục:
+ Trực tiếp phụ trách giáo lý và nghi lễ; nghiên cứu thống nhất phổ biến chương trình giảng dạy giáo lý Hồi giáo Bani; soạn thảo các bài giảng, bài nói chuyện, Sakawi có liên quan đến Hồi giáo Bani; tổ chức các lớp tập huấn giáo lý và trực tiếp điều hành theo dõi hoạt động của tiểu ban giáo lý.
+ Giúp Hội đồng Sư cả nghiên cứu phong tục, tập quán người Chăm nói chung và người Chăm Hồi giáo Bani.
+ Được Thường Trực ủy nhiệm theo dõi hoạt động của Ban quản lý các Thánh đường, các lĩnh vực, các chương trình của Hội đồng Sư cả triển khai; thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chức sắc, tín đồ để phản ảnh cho Hội đồng Sư cả.
- Ủy viên Hòa giải – Giám sát:
Hòa giải các mâu thuẫn trong chức sắc, tín đồ của 10 Thánh đường và 01 Ban phong tục; giám sát việc thực hiện những kế hoạch, quy chế, quy ước và hoạt động đã được Hội đồng Sư cả thông qua; giám sát việc thu chi tài chính của Hội đồng Sư cả, đôn đốc nhắc nhở thành viên thực hiện tốt quy chế, quy ước.
- Ủy viên Tài chính – Kế hoạch:
+ Chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch và Phó Chủ tịch Thường trực, có trách nhiệm nghiên cứu xây dựng các kế hoạch vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm và tín đồ đóng góp để tạo nguồn thu tài chính trong khuôn khổ pháp luật cho phép; đồng thời, tổ chức thực hiện, theo dõi, chịu trách nhiệm trước Hội đồng Sư cả về các vấn đề trên; quản lý, sử dụng nguồn tài chính đúng mục đích yêu cầu theo quy định của pháp luật.
+ Góp ý xây dựng phương hướng hoạt động trong từng tháng, quý, từng năm của Hội đồng Sư cả; tổng hợp và báo cáo cho Ban Thường trực, Hội đồng sư cả và các cấp chính quyền khi có yêu cầu; tiếp nhận và tham mưu trả lời các đơn thư khiếu nại của chức sắc, tín đồ; xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức các ngày lễ lớn như Ramawan, Suk Yeng, chương trình viếng thăm 10 Thánh đường, Ban phong tục hay đề xuất thời gian, nội dung hội họp, hội thảo, hội nghị hàng năm của Hội đồng Sư cả.
+ Dự toán kinh phí cho các hội nghị, hội họp trong phạm vi tiết kiệm, thu chi theo đúng quy định, sử dụng kinh phí hợp lý, xuất kinh phí theo đúng thẩm quyền cho phép của Chủ tịch (Chủ tài khoản) và các Phó Chủ tịch (Phó Chủ tài khoản) Hội đồng Sư cả.
Điều 11. Hội đồng Sư cả thành lập 03 tiểu ban gồm: Ban Giáo lý – Phong tục, Ban hòa giải – Giám sát, Ban Tài chính – Kế hoạch để giúp điều hành các hoạt động (số lượng thành viên tiểu ban do Hội đồng Sư cả quyết định).
Điều 12. Hội đồng Sư cả cử ra Phó Tổng Sư cả, Tổng Sư cả trong số Sư cả tại Thánh đường thuộc huyện Bắc Bình; Hội đồng Sư cả quyết định phong phẩm và đề nghị các cấp chính quyền phong phẩm Phó Tổng Sư cả, Tổng Sư cả.
1. Phó Tổng Sư cả (Ong Gah Hanuk): Là trợ lý, tham mưu ý kiến cho Tổng Sư cả trong các vấn đề liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng Hồi giáo Bani trong tỉnh. Là người kế vị chức Tổng Sư cả theo quy định của Quy ước.
2. Tổng Sư cả (Ong Gah Iw): Là người nắm giữ ngày, tháng trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng Hồi giáo Bani trong tỉnh. Được phép cho ngày, tháng tấu chức Imam 40, Sư cả, ấn định các lễ hội quan trọng của cộng đồng Hồi giáo Bani trong tỉnh.
3. Đối với các hoạt động tôn giáo quan trọng như: Tấu chức Sư cả, ấn định ngày, tháng cho các lễ hội Suk Amharam (Muharam), Suk Yeng, Ramawan… phải có sự trao đổi, bàn bạc với Hội đồng Sư cả và xác nhận bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng Sư cả mới có hiệu lực thi hành.
Điều 13. Chế độ sinh hoạt
- Hội đồng Sư cả họp định kỳ 6 tháng/lần để sơ kết hoạt động và mỗi năm có hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm.
- Ban Thường trực Hội đồng Sư cả mỗi quý họp 01 lần và sinh hoạt với các Tiểu ban, Ban quản lý các Thánh đường một lần để kiểm tra, nghe góp ý, thảo luận, bàn biện pháp thực hiện các công việc mà Nghị quyết đại hội đề ra. Thời gian tổng kết được tổ chức vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật thuộc tuần lễ cuối (tuần lễ thứ tư) trong tháng 11 Dương lịch.
- Các buổi họp đều do Ban Thường trực Hội đồng Sư cả mời. Trong những trường hợp cần thiết hoặc khi có yêu cầu chính đáng Hội đồng Sư cả có thể triệu tập các buổi họp sinh hoạt bất thường.
Điều 14. Các thành viên Hội đồng Sư cả, các Tiểu ban, Ban quản lý các Thánh đường, Ban phong tục có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp, sinh hoạt. Trường hợp vắng mặt phải có lý do chính đáng và báo trước cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực hoặc ủy viên thư ký. Các Tiểu ban, Ban quản lý các Thánh đường có trách nhiệm báo cáo hoạt động quý, sáu tháng, năm cho Hội đồng Sư cả trước ngày 18 của tháng 3, 6, 9 và 11 để tổng hợp báo cáo chung.
Chương IV
VIỆC THÀNH LẬP, CHIA TÁCH, SÁP NHẬP
TỔ CHỨC TÔN GIÁO TRỰC THUỘC
Điều 15. Việc thành lập, chia tách các tổ chức tôn giáo trực thuộc Hội đồng Sư cả phải có sự chấp thuận của Hội đồng Sư cả và ý kiến của cấp chính quyền. Theo đó, các Ban quản lý Thánh đường hay Ban phong tục muốn xin thành lập, chia tách tổ chức tôn giáo thuộc Hội đồng Sư cả phải hội tụ các điều kiện sau:
- Địa bàn dân cư rộng, đông tín đồ gây khó khăn cho việc sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo.
- Có vị trí địa lý ngăn cách, khu dân cư hình thành trên 20 năm.
- Có cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo hoạt động lâu đời trên 20 năm.
- Có chức sắc thường trú tại địa phương đang hoạt động tôn giáo.
- Có số lượng tín đồ từ 300 người trở lên.
Điều 16. Việc sáp nhập các tổ chức tôn giáo trực thuộc Hội đồng Sư cả phải có sự chấp thuận của Hội đồng Sư cả và ý kiến của cấp chính quyền. Theo đó, các Ban quản lý Thánh đường hay Ban phong tục muốn xin sáp nhập tổ chức tôn giáo thuộc Hội đồng Sư cả phải hội tụ các điều kiện sau:
- Không còn chức sắc điều hành sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo.
- Số lượng tín đồ ít, không đáp ứng điều kiện hình thành tổ chức tôn giáo trực thuộc.
- Thỏa yêu cầu, mong muốn sáp nhật của chức sắc, tín đồ tại mỗi Thánh đường hay Ban phong tục.
Chương V
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CÁC TIỂU BAN THUỘC HỘI ĐỒNG SƯ CẢ
Điều 17. Ban Giáo lý – Phong tục:
- Nghiên cứu, sưu tầm các loại sách giáo lý, giáo luật, lễ tục, lễ nghi liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo Hồi giáo Bani, biên soạn giáo lý, giáo luật, nghi lễ của tôn giáo Hồi giáo Bani.
- Xuất bản các quyển sách giáo lý, giáo luật, nghi lễ để phục vụ cho chức sắc, tín đồ Hồi giáo Bani.
- Quyết định phương pháp tính lịch Sakawi Ahier hàng năm theo công thức “3 thun nâh – 5 thun wak – 8 thun yah” (trong một chu kỳ 8 năm của lịch Sakawi Awal và nhuần 3 tháng cho lịch Sakawi Ahier).
- Phối hợp với các vị Sư cả (Po Gru) biên soạn thống nhất Chăm lịch để sử dụng chung cho toàn thể cộng đồng người Chăm tỉnh Bình Thuận.
- Đề xuất với Hội đồng Sư cả điều chỉnh lễ tục, tập quán, lễ nghi phù hợp với tình hình cuộc sống mới của tín đồ tôn giáo Hồi giáo Bani.
Điều 18. Ban Hòa giải – Giám sát:
- Thụ lý hồ sơ khiếu nại của 10 Thánh đường, 01 Ban phong tục và chức sắc, tín đồ trong tỉnh chuyển đến. Tổ chức thẩm tra, xác minh và đề xuất hướng giải quyết.
- Ban Hòa giải – Giám sát hướng dẫn nguyên đơn đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để được xem xét giải quyết trong trường hợp nội dung khiếu nại có liên quan đến quy định của pháp luật hoặc nguyên đơn không đồng ý với quyết định của Ban Hòa giải – Giám sát của Hội đồng Sư cả.
- Kiểm tra và giám sát việc thực hiện Quy chế, Quy ước do Hội đồng Sư cả ban hành.
- Kiểm tra và giám sát Hội đồng Sư cả trong việc triển khai, thực hiện hoạt động thu, chi tài chính của Hội đồng Sư cả.
Điều 19. Ban Tài chính – Kế hoạch:
- Xây dựng quy chế thu, chi tài chính và quản lý thu, chi tài chính của Hội đồng Sư cả.
- Vận động chức sắc, tín đồ tự nguyện đóng góp gây quỹ hoạt động Hội đồng Sư cả.
- Duy trì và phát triển quỹ Hội đồng Sư cả hàng năm.
- Lập và ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ, ghi sổ nhật ký thu chi và lập báo cáo tài chính.
- Công khai, minh bạch và đúng pháp luật.
- Thu chi rõ ràng, hợp pháp, theo nguyên tắc kế toán nhà nước quy định.
- Gửi tổng tiền mặt của Hội đồng Sư cả vào ngân hàng 90% có thời hạn.
- Gửi tổng tiền mặt của Hội đồng Sư cả vào ngân hàng 10% không thời hạn.
- Báo cáo và công khai tài chính theo định kỳ: 01 tháng, quý 3 tháng, quý 06 tháng và 01 năm.
- Xây dựng kế hoạch hoạt động của Hội đồng Sư cả và mối quan hệ sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ tôn giáo Chăm theo Hồi giáo Bani trong tỉnh.
- Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm cho các Ban Giáo lý – Phong tục, Ban Hòa giải – Giám sát, Ban Tài chính – Kế hoạch.
- Tổng hợp và viết báo cáo tổng kết hàng năm của hoạt động Hội đồng Sư cả.
- Triển khai Quy chế, Quy ước của Hội đồng Sư cả đến với chức sắc, tín đồ tại địa phương theo tinh thần tiết kiệm, đảm bảo thuần phong mỹ tục, đồng thời phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Chương VI
TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH CỦA HỘI ĐỒNG SƯ CẢ
Điều 20. Tài sản và tài chính của Hội đồng Sư cả gồm từ các nguồn:
- Do tổ chức, cá nhân ủng hộ hợp pháp.
- Thu từ đóng góp của các Thánh đường, Ban phong tục Hồi giáo Bani trong tỉnh.
- Chức sắc, tín đồ tự nguyện ủng hộ.
Điều 21. Quản lý và sử dụng:
- Được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động thường xuyên của Hội đồng Sư cả.
- Hỗ trợ cho các chức sắc, chức việc trong thực hiện nhiệm vụ do Hội đồng Sư cả giao.
- Sử dụng vào việc công ích và từ thiện nhân đạo khi cần thiết.
- Ban Thường trực quản lý thu, chi, điều tiết, sử dụng, Ban tài chính có trách nhiệm báo cáo khoản thu chi quan trọng của Hội đồng Sư cả trước Đại hội.
Chương VII
MỐI QUAN HỆ CỦA HỘI ĐỒNG SƯ CẢ
Điều 22. Với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh: Hội đồng Sư cả trình bày chương trình hoạt động của cộng đồng Hồi giáo Bani tỉnh về hưởng ứng các chương trình, các cuộc vận động, các phong trào của tỉnh mang tính quần chúng và đề xuất những vấn đề cần thiết của cộng đồng Hồi giáo Bani đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Điều 23. Với Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ): Ban Tôn giáo là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp Hội đồng Sư cả, quản lý các hoạt động tôn giáo và những hoạt động liên quan khác của Hội đồng Sư cả. Các chương trình, kế hoạch về hoạt động cụ thể của Hội đồng Sư cả phải đăng ký Ban Tôn giáo để xem xét và cho ý kiến. Hội đồng Sư cả có trách nhiệm liên hệ với Phòng Nội vụ các huyện để được giúp đỡ thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về hoạt động tôn giáo.
Điều 24. Với cơ quan chính quyền địa phương: Hội đồng Sư cả quan hệ với các cơ quan chính quyền địa phương nơi có cộng đồng Hồi giáo Bani sinh sống để được tạo điều kiện giải quyết các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo liên quan đến cơ sở thờ tự, chức sắc và tín đồ tại địa phương theo quy định của pháp luật; đồng thời, phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh trong nội bộ cộng đồng Hồi giáo Bani ở địa bàn dân cư.
Điều 25. Với các Ban quản lý Thánh đường hay Ban phong tục Hồi giáo Bani: là quan hệ cấp trên và cấp dưới. Ban quản lý các Thánh đường, Ban phong tục là tổ chức tôn giáo trực thuộc Hội đồng Sư cả, chịu sự quản lý trực tiếp của Hội đồng Sư cả và chính quyền địa phương; có trách nhiệm tổ chức thực hiện các chủ trương, hướng dẫn hoạt động, chương trình hành động của Hội đồng Sư cả, của chính quyền, mặt trận địa phương đề ra; đề đạt những ý kiến của cộng đồng Hồi giáo Bani ở địa phương cho Hội đồng Sư cả và chính quyền, mặt trận sở tại.
Chương VIII
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY CHẾ
Điều 26. Việc bổ sung, sửa đổi Quy chế này phải được ít nhất là 2/3 thành viên của Hội đồng Sư cả, được đa số Ban quản lý các Thánh đường hoặc Ban phong tục đề nghị, tán thành và phải được ý kiến chấp thuận của cơ quan chính quyền mới có hiệu lực thi hành.
Quy chế này gồm 08 chương và 26 điều đã được Đại hội Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 thông qua tại Đại hội vào ngày tháng năm 2022 để thay thế cho Quy chế số 14/QC-HĐSC ngày 01/01/2018 của Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bani tỉnh Bình Thuận được chấp thuận tại Công văn số 118/UBND-KGVX, ngày 09/01/2018 của UBND tỉnh.
Nơi nhận: - Ban Dân vận Tỉnh ủy; - UMTTQ VN Tỉnh; - Ban Dân tộc; - Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ); - Phòng PA02 (Công an tỉnh); - 10 Ban quản lý Thánh đường; - Ban phong tục Phò Trì; - Lưu: VP HĐSC. |
TM. HỘI ĐỒNG SƯ CẢ CHỦ TỊCH Sư cả Xích Dự |