Lễ tảo mộ (Kabur rak) của Bani Awal và Bani Islam năm 2022

Written by Ban Biên tập
In category Tin tức
Mar 31, 2022, 1:59 AM

Chăm theo Bani gồm (Hồi giáo Bani và Hồi giáo Islam), hàng năm vào gần cuối tháng Shaban (Islam lịch) để chuẩn bị đón tháng Ramadan – Ramawan (tháng thực hiện lễ thức tịnh chay) thì cộng đồng Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận chuẩn bị đi tảo mộ dòng họ, ông bà, tổ tiên, nội ngoại, …Lễ tảo mộ thường tổ chức theo khu vực và được quy định bởi lịch thông báo của khu vực đó. Thông thường lễ tảo mộ diễn ra khoảng ba ngày. Ngày đầu tiên đi tảo mộ ở xa nhất, ngày kế tiếp tảo mộ ở những khu gần hơn, ngày cuối cùng tảo mộ ở khu gần nhất. Lễ tảo mộ là dịp con cháu về tụ họp, tề tựu với cha, mẹ, ông bà tổ tiên, gia đình và dòng họ.

Lễ tảo mộ của người Chăm theo Bani một phần thuộc về tôn giáo, phần còn lại thuộc về tín ngưỡng Chăm tạo thành một nét văn hóa riêng mang tính bản địa Champa. Những đoàn người, già, trẻ, gái, trai, giáo sĩ (Acar), nhất là phụ nữ, trong những bộ trang phục áo dài trắng mới nhất cùng những dụng cụ và lễ vật dâng cúng (miếng trầu têm, thuốc lá, nước uống, trái cây, …) đi thành từng hàng đến khu nghĩa trang. Lễ tảo mộ của Bani Awal ngày nay là một phần di sản từ Islam chính thống giáo mà tổ tiên đã từng theo trước đây, đó là lễ ziarah kubur. Lễ tảo mộ nhằm chăm sóc phần mộ của ông bà, tổ tiên. Do ảnh hưởng Islam, người Chăm Bani Awal khi chết đi được chôn trong nghĩa trang gọi là Kabur Rak hay Gahul Rak (Kabur hay Makam là những ngôi mộ), nhưng hiện nay người Chăm thường quen gọi từ Ghul. Mỗi dòng họ có một khu nghĩa trang riêng để chôn cất người thân khi qua đời, khu mộ riêng của từng dòng họ được xem là gia phả riêng của tộc họ đó. Các ngôi mộ được chôn tách rời riêng biệt theo dãy, gần sát nhau, hai phía đầu và chân mộ đặt hai hòn đá hay bia đá (batau nisan) làm thành hai dãy đá dài. Mỗi mộ phần là hai bia đá, đầu hướng Bắc – Chân hướng Nam, người nằm nghiêng bên phải mặt về hướng Makkah (Ở Việt Nam là hướng Tây). Chú ý: Thi thể người chết không nằm ngữa, mà phải nằm nghiêng mặt nhìn về hướng Tây (hướng Kabah trong tư thế đang hành lễ).

Quan sát các ngôi mộ của người Chăm theo Bani Awal hay Bani Islam trên thế giới ta thấy những hòn đá, không khắc tên, thẳng đều chính là cách xây mộ của người Islam thời khởi nguyên, thời mà thiên sứ Muhammad còn sống và tự mình giảng dạy những khúc mắc về Islam cho các tín hữu và các vị Sahabat (bạn đạo).

Hình 1. Giáo sĩ Bani Awal (Hồi giáo) tảo mộ (kabur rak).

 

 

Hình 2. Ts. Putra Podam, tín đồ hệ phái Bani Awal (Hồi giáo) đi tảo mộ.

 

Hình 3. Ts. Putra Podam và Wiya Podam tín đồ hệ phái Bani Awal (Hồi giáo) đi tảo mộ.

Chủ lễ trong nghi lễ tảo mộ thường là những giáo sĩ (Acar) và thường là chủ họ hoặc người được chủ họ ủy quyền, còn lại là con cháu trong dòng tộc. Họ ngồi thành dãy dọc theo những ngôi mộ, thường là ngồi bên hòn đá hướng Bắc (hướng đầu), nhưng ngày nay do con cháu đông nên họ ngồi cả bên hòn đá hướng Nam (hướng chân) để làm lễ tục. Ngày xưa lễ tảo mộ không nhất thiết phải đi tập trung vào ba ngày cuối tháng Shaban, mà có thể đi vào dịp thuận lợi trong năm. Thực tế do không khí chuẩn bị tháng Ramadan (Ramawan) nên mọi người dù là Chăm theo Bani Awal hay người Malay họ thường đi thăm mộ hay tảo mộ vào cuối tháng Shaban (Tháng 8 Hồi lịch). Có một số làng Chăm theo Bani Awal ít giáo sĩ (Acar) hay không có Acar thì tín đồ thường dân (Gahéh) người Chăm theo Bani Awal phải làm lễ nghi Plék Kalam hay Akarak để có thể làm nghi thức tảo mộ và cúng gia tiên (Muk kei).

Hình 4. Tín đồ Bani Awal (Hồi giáo) đi tảo mộ, tín đồ đang cầu nguyện cho linh hồn dưới ngôi mộ sớm được siêu thoát.

 

Tất cả những nghi thức như Kabur Rak, thanh tẩy phần mộ, hay thực hiện lễ chính, họ đều lấy từ những bài Thiên kinh Koran như Al Fatihah, Ayat Kusi (Aw wa), và những bài Du-a khác, …

Kabur Rak (tảo mộ) là để tỏ lòng hiếu thảo, tôn trọng cha mẹ chứ không phải tôn thờ cha mẹ vì Chăm theo Bani Awal không làm bàn thờ để tôn thờ cha mẹ (điều cấm).

Đoạn trích từ Kinh sách Awal, Allah phán:

“Thượng Đế của Ngươi đã quyết định rằng: ‘Các ngươi đừng thờ phượng (bất cứ vật gì) ngoại trừ Ngài, và đối với cha mẹ thì hãy đối xử tốt. Nếu một trong hai người họ hoặc cả hai sống với ngươi đến tuổi già thì đừng nói với họ ‘ưh’ (không nên dùng bất kỳ từ thô lỗ vô lễ, thậm chí một từ từ chối nhẹ như ‘ưh’), và đừng quở trách họ, và hãy nói với họ lời lẽ tôn kính. Và hãy nhân từ đối xử khiêm nhường với họ và hãy cầu nguyện (với Allah rằng): ‘Thượng Đế của bề tôi ơi! Xin Ngài thương xót họ như việc họ đã thương xót bề tôi lúc còn thơ bé!”.

Hình 5. Đoạn trích kinh sách Bani Awal (trong Thiên kinh Koran).

 

Đoạn câu trên, Allah đã nhấn mạnh và nghiêm cấm tuyệt đối thờ phượng bất cứ ai hay bất cứ vật gì bên cạnh Ngài. Sau đó Ngài đã đề cao vị trí của cha mẹ và quy định trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ. Dựa vào đoạn kinh trên, hành vi thờ cúng người đã chết, dù là cha mẹ hay ông bà tổ tiên không có cơ sở trong kinh sách Awal. Những lý lẽ biện minh cho việc thờ cúng ông bà tổ tiên nhằm đền đáp công lao như một số tín đồ Chăm Awal suy nghĩ hoàn toàn không phản ánh giáo lý của hệ thống Awal như được nhìn thấy từ các bằng chứng trong kinh sách Chăm Awal.

Khi cha mẹ qua đời, con cái phải hành lễ Salat cầu xin Allah rộng lòng thương xót và tha thứ cho họ, không phải thờ cúng cha mẹ đã qua đời. Câu kinh hành lễ cho cha mẹ (Đoạn trích từ Kinh sách Awal, hình số 2/143 đính kèm) với nội dung:

“Tôi định tâm hành lễ Salat cho cha mẹ của tôi vì Allah- Đấng Tối Cao, Allah Vĩ Đại”.

Hình 6. Đoạn trích từ kinh sách Bani Awal về định tâm hành lễ Salat.

 

Sau khi hành lễ Salat thì đọc lời cầu nguyện (Đoạn trích từ Kinh sách Awal, hình số 3/144 đính kèm) với nội dung:

“Ôi Allah! Cầu xin Ngài tha thứ cho bề tôi và cha mẹ của bề tôi và những người Mukmin (người có đức tin) và người Muslim bằng hồng ân của Ngài. Ôi Đấng Rộng Lượng Ưu Việt”.

Hình 7. Đoạn trích từ kinh sách Bani Awal, cầu xin Allah tha thứ.

 

Không chỉ thế, các câu cầu nguyện tương tự được nhìn thấy rất nhiều trong kinh sách của Awal. Ví dụ như câu (Đoạn trích từ Kinh sách Awal, hình số 145 đính kèm) với nội dụng:

“Ôi Allah! Cầu xin Ngài tha thứ cho bề tôi, cha mẹ bề tôi, những bậc thầy của bề tôi, giáo sư của bề tôi, vị vua của bề tôi và tất cả tập thể Muslim và Mukmin (người có đức tin).

Hình 8. Đoạn trích từ kinh sách Awal, cầu xin Allah tha thứ cho mọi tín đồ.

 

Các câu cầu nguyện cho cư dân phần mộ (những người được chôn tại nghĩa trang) cũng mang ý nghĩa tương tự; đó là người sống cầu xin Allah cho những người đã qua đời được sự tha thứ nơi Ngài, không phải thờ cúng, cầu xin, bái lạy người đã chết. Mặc dù đó là tổ tiên, ông bà, cha mẹ hay là bà con ruột thịt. Điển hình là câu (Đoạn trích từ Kitap Akhar Du-A Muk Kei, Tập II- Hội Đồng Sư Cả Ba Ni tỉnh Ninh Thuận, hình số 5/146 đính kèm) với nội dung:

“Ôi Allah! Xin Ngài tha thứ cho cư dân phần mộ này; họ thuộc những người Muslim và những Mukmin (những người có đức tin nam và nữ); Và nâng cao cho họ lên nhiều cấp bậc, tăng gấp đôi cho họ được nhiều sự tốt đẹp và xóa bỏ cho họ những điều xấu xa; Và cho họ vào thiên đường cùng với cha mẹ / ông bà tổ tiên. Và lời cầu nguyện của họ: “Vinh quang thay Allah, Ôi Allah! Và lời chào họ trong đó sẽ là: “Sự bằng an!” Và lời cầu nguyện cuối cùng của họ: “Mọi lời khen ngợi chỉ dành riêng Allah, Thượng Đế của vạn vật.”

Hình 9. Đoạn trích từ kinh sách Bani Awal, cầu xin Allah tha thứ cho cư dân phần mộ và những người được chôn tại nghĩa trang.

 

Sau khi tảo mộ xong, thì từng đoàn người đi về để chuẩn bị hôm sau đi tảo mộ khu vực khác tiếp. Còn nếu là ngày cuối cùng thì tranh thủ về nhà để chuẩn bị cúng gia tiên tại nhà. Lễ tảo mộ của người Chăm Bani Awal là một nét đẹp văn hoá độc đáo mà người Chăm vẫn gìn giữ cho đến ngày nay.

Đối với người Chăm Islam (Bani Islam), thông thường có đi thăm mộ và đi thăm bất cứ ngày tháng nào trong năm, không tập trung theo khu vực như hệ phái Bani Awal. Tuy nhiên, một số nơi có đi thăm mộ và tảo mộ vào dịp cuối tháng Shaban, nhưng nghi thức tảo mộ có khác so với hệ phái Awal. Họ có Kabur Rak (cao khoảng 15 cm) và sau đó có ngồi đọc: Surat Al-Qadar, Surat Al-Fatihah, Surat Al-Falaq, Surat An-Nas, Surat Al-Ikhlash. Đây là những surah luôn được Thiên sứ khuyên đọc khi viếng thăm mộ người thân.

Hình 10. Phần mộ (batau nisan) Chăm Islam (Hồi giáo).

 

Hình 11. Chăm Bani Islam (Islam) tảo mộ, đọc Thiên kinh Koran.

 

Hình 12. Những ngôi mộ Islam xưa tại Ả Rập.

 

Hình 13. Phần mộ các vị sahabat (bạn đạo của Thiên sứ) tại masjid Nabawi, Madinah.

 

Hình 14. Phần mộ những anh hùng Champa được chôn chung với đức vua Abdul Fatah al Akbar 1475-1518, vị vua đầu tiên của vương triều Islam Demak ở Indonesia. Đức vua Abdul Fatah al Akbar dân gian còn gọi là Raden Patah, ông là con của vua Majapahit và công chúa Champa có tên Dwarawati.

 

Hình 15. Chăm Bani Islam, phần mộ dựng 2 hòn đá hay 2 tấm bia có ghi tên tuổi và thời gian mất (điều này cấm trong Islam).

 

   

Hình 16. Phần mộ (Makam) tín đồ Bani Islam xưa, “batau nisan” trong khuôn viên thánh đường Jamiul Azhar, Châu Giang.

 

   

Hình 17. Bia đá phần mộ (Batau Nisan), tín đồ Bani Islam xưa ở Malaysia và Indonesia.

 

Hình 18. Bia đá (Batau Nisan), tín đồ Bani Islam xưa ở Indonesia.

 

Theo Nabi: Phần mộ không được trang trí hoa văn, đặc biệt không để ngày tháng năm sinh hay ngày tháng mất. Không có một biểu tượng nào trên phần mộ. Tuy nhiên, trên thực tế một vài địa phương, vài quốc gia, tín đồ Bani Islam có ghi họ tên, năm sinh lên phần mộ, thậm chí còn xây mộ rất to cao và trang trí.

 

Một số bước chính trong nghi lễ

Tín đồ Bani Awal (Hồi giáo), khi đến khu nghĩa trang của mình, đầu tiên chăm sóc phần mộ của dòng họ, ông bà, tổ tiên, bằng cách nhổ cỏ và làm sạch khu nghĩa trang của dòng họ mình.

Sau đó Giáo sĩ (Acar) Kabur Gahul bằng cách bước chân phải cẩn thận vào giữa mép Kabur, mặt quay về phía Tây (hướng Makkah), vuốt cát 3 lần, cát cao khoảng 15 cm đồng thời đọc “Khul la huk thaw bah”. Hoặc đọc “Nâk wai thuk kah cuah ngaok, kabul cuah la, pakah rim mâta yao mal kaya mâh”.

Bước kế tiếp, Acar bẻ nhánh cây bó lại thành chùm để quét trên hòn đá, mỗi hòn đá quét 3 lần.

Trên tay cầm chiếc bình có aia mu aia kruec, tưới đều trên hòn đá từ đầu đến chân 3 lần. [Lễ tục tưới nước lên phần mộ tuy không thấy nhắc trong những ghi chép về Thiên sứ nhưng vẫn thấy người Islam trên thế giới cũng hay làm khi họ đi viếng mộ].

Tiếp theo, Acar cầm trên tay patil chứa aia gahlau, dùng tay lấy aia gahlau lau hòn đá bên đầu 3 lần, sau đó lau hòn đá bên chân 3 lần. Đồng thời đọc “Nâk wai thuk khak luk khak lan” hoặc đọc “Nâk wai thuk luk kalun nai ni nai rak, sa bi buw wa al-Fatihah al-Fatimâh”.

Sau đó mọi người ngồi thành dãy dọc theo những ngôi mộ, thường là ngồi bên hòn đá hướng Bắc (hướng đầu), Po Acar cuh gahlau (đốt trầm hương) và đọc Thiên kinh:

“Phi ro wa hok thaw bak o dok billa hum mâ nes saita nalra cimik, abisa milla hil rah mâ nilra himik, nâk wai thuk norok ket dan mok allim muhammâk din jak mâk thil ahlil kep borik, mik nal mussak limi nâk wal mussak limâ thik, wal mok ok mini wal mok ok minâ thik, wal bah rik wal bah ra, khul lak hum et ja mo-i, nâk saiyak lilla hik al fatihah, al fatimâh”.

Đọc tiếp: “Phi laow hok laow awla hum mâk sual lik ak la saiyak dik nâ muhammâk din wak ak la alik muhammâk. O dok billa hum mânes saita nara ci-mik.”

Sau đó đọc Surah Al-Fatithah: “Abissa mila hil rak mâ nilra himik. Allaham dok lilla hik rap bil-a lami nilrak mâ nil ra himik, mâ likhik yao mit-di nâk i-ya kha nak bodok wa i-ya kha nes sa thak wa i-nok ik da nik sira tal mussa thak ki, mâk sira tal di nâk al-am thak ak lai-him khai ril mak wo bi-ak lai him wala wali-a lami nâk. Fal mat awi mo fal mat et dathak fal wak sup boha nâhok wathak ala amil.”

Tiếp ndaom tangin đọc: “Rap bak nâ, rap bak nâ thak bai nâ lak-nâ thak bai nâ kao min nâ bil hak ki wak althak hai run al fatihah, sup boha nâk lik rap bo khak rap bil et ja thik am mâ yak sipho wak sala mok ak la mun Sali nâk wal ham dok lilla hik rap bil-a lami nâk”.

Tiếp ngửa bàn tay lên và đọc: “Bihrah mâ thik khak ya alhak mal rak himi nâk”

Tiếp, peh aia, tuh aia, da-a muk kei.

Tiếp tục lặp lại Po Acar cuh gahlau (đốt trầm hương) và đọc Thiên kinh: “Phi ro wa hok thaw bak o dok…” + Surah Al-Fatithah: “Abissa mila hil rak mâ nilra himik…” + Không đọc “Rap bak nâ, rap bak nâ thak bai nâ….”

Bước tiếp đọc Ayat Kusi (Auwa): “Auwa hukla ikla hak yéllauwa hu, alhai dulkaiyu mukla dakhuk takhuk….”

Đọc tiếp du-a: “Suak di kaw wahuk, suak di kaw wahun, mak budu dun jak lalik, walarak judik, wak suak dak kak, rak su rak hun mah muduk wak nah nuk, ak la da lik khak mik neys sak hu dik, al li wa fi nâk bik yao, mil mao udik kak lal nâ rik, dik da thin wak bu dik, jak khak mâk lin nâ sua ra wa rak bi yau la huk al nâh suak ha bak thik, rak su lin la hik, et jam mâk i nâk, aw la hum mal phuak nâ, warak phuak nâ, bil kuru al nil ak wi muk, wak ba rik khal nâ, bil a ya thik, wak thik khak ril hak thi mik, rap bak nâ thak kak bal lak nin nâ, yil nâk khak, al theys sakmi ul, ak li muk wak thak bak ak lai nâ, yil nâk khak al thet thaw wa buk ra himi nâk, ak wak la thaw rap bik hik, wak ju hun nâ ya ik la hal…”

Đọc xong, lấy têm trầu, thuốc lá nhét vào cát ở gần hòn đá phía bên đầu và kết thúc nghi lễ. Mọi người có thể uống nước, ăn trái cây, … rồi chuẩn bị về nhà.

Chú ý: Gahul gốc, chủ họ thì đọc “Rap bak nâ, rap bak nâ thak bai nâ….”. Còn người ngoài họ thì không đọc “Rap bak nâ, rap bak nâ thak bai nâ….”

 

Hình 19. Bia đá (batau nisan) của phần mộ trên Tháp Po Rome. Phần mộ Bani Awal (Hồi giáo) trên đền tháp có quan hệ như thế nào với vị vua Po Rome, cho đến nay vẫn là một câu hỏi chưa có lời kết luận cuối cùng. Có chăng đây là khu mộ của hoàng hậu Sumut có nguồn gốc Hồi Giáo Malaysia?