Tháng đại lễ Hồi giáo: Ramadan - Ramawan

Written by Po Dharma
In category Nghiên cứu
Mar 31, 2022, 8:36 PM

Ramadan (Ramawan) là tên gọi tháng 9 của niên lịch Islam, người Chăm theo Bani Awal thường gọi Bulan Ramawan hay Bulan Aek (tháng lễ nhịn chay). Đây là tháng lễ lớn nhất của người Chăm theo Bani Awal (Hồi giáo dòng Awal) nói riêng và của Bani Islam trên toàn thế giới nói chung. Tuy nhiên, tháng Ramadan (Ramawan) của hệ phái người Chăm theo Awal (Hồi giáo dòng Awal) có một số điểm khác biệt so với Bani Islam (bài viết chỉ so sánh Bani Awal với Bani Islam thuộc Makkah hay Madinah theo hệ phái Sunni).

Tháng Ramadan (Ramawan), giáo sĩ (Acar) tăng cường liên hệ với Allah và thực hiện nhiệm vụ của lòng sùng mộ phù hợp với giáo lý của Thiên kinh Koran. Thực thi tính kiên nhẫn và quyết tâm. Khuyến khích các nguyên tắc đạo đức bằng sự chân thành, giữ cho bản thân tránh xa khỏi thói kiêu căng. Ủng hộ những phẩm chất tốt, đặc biệt là tính trung thực và đáng tin cậy. Khuyến khích cá nhân bỏ được những thói quen xấu và thay đổi hoàn cảnh tốt lên. Rộng lượng, hiếu khách và thân thiện. Củng cố tình đoàn kết huynh đệ giữa các giáo sĩ (Acar) và tín đồ người dân. Giữ gìn trật tự và tuân thủ các giá trị của thời gian. Cân bằng nhu cầu về thể chất và tinh thần.

Các giáo sĩ (Acar) chuẩn bị vào thánh đường và không được trở về nhà trong tháng tịnh chay. Họ thực hiện một số nghi thức như Racaow, thực hiện nghi thức hành lễ (salah, salat hay solat), đọc Thiên kinh Koran và hành lễ Terawih. Trong tháng Ramadan (Ramawan) các giáo sĩ (Acar) làm lễ nguyện Jum’ah (Jumaat - Lễ thứ Sáu) bốn lần. Điều đặc biệt ở giáo sĩ (Acar) của Chăm theo Bani Awal chỉ trong tháng Ramadan mới bắt đầu làm công việc Ibadat (Phụng thờ Đấng toàn năng) và chỉ trong tháng Ramadan (Ramawan) này mới thấy rõ nhất Acar theo Bani Awal (Hồi giáo) thực hiện nghi thức thực hành luật đạo hàng ngày của Bani Islam chính thống theo phong cách hệ phái riêng của Chăm theo Bani Awal ở Champa.

Chiều khoảng 4 giờ, đây là thời khắc cuối cùng ngày 29 tháng Shaban (tháng 8 của lịch Islam) các giáo sĩ (Acar) mở cửa thánh đường (Magik), mỗi người tự chuẩn bị “lang ciew” và “rep danaok” để dọn chỗ ngủ cho riêng mình. Khoảng hơn 5 giờ chiều, Imam Tal làm trưởng đoàn, Katip, Madin, Po Gru, Acar đi ra ngoài, tìm hướng mặt trời, nhìn về hướng Tây (hướng Makkah - ở Việt Nam hướng mặt trời lặn trùng với hướng Makkak) để chuẩn bị hành lễ thờ phượng Allah. Sau đó Imam Tal dẫn đoàn Katip, Madin, Po Gru, Acar vào lại bên trong thánh đường. Để thông báo giờ khắc bắt đầu tháng Ramadan, Imam Tal đánh trống, sau đó mọi người cầm bình nước (aia mu, aia cruec) đi ra ngoài Racaow (tắm gội), xong, Imam Tal đi đầu, kế tiếp Katip, Madin, Po Gru, Acar thứ tự vào lại bên trong thánh đường.

Khoảng 7 giờ tối (lúc không còn tia sáng mặt trời), các giáo sĩ (Acar) chuẩn bị thực hiện waktu Al-Isha (esa). Các nghi thức được thực hiện đầu tiên sẽ làm lễ tẩy thể ở phía trước thánh đường. Các giáo sĩ (Acar) đứng trên 9 phiến đá gọi là batau Kabah, trên tay cầm chiếc ấm đựng nước sạch để thanh tẩy. Thứ tự cách mâk aia của Bani Awal (Hồi giáo) hoàn toàn giống Wudu của Bani Islam, nhưng cách người Chăm Bani Awal mâk aia chi tiết hơn. Tiếp theo Bilal (gồm 2 người acar) đứng gần phần cửa ra vào của thánh đường để Azan (bang, kêu gọi mọi người đến hành lễ solat). Giọng Azan cất lên với câu Allahu Akbar (Thượng đế Allah vĩ đại) và sau đó là thực hiện lễ nguyện được bắt đầu. Cách thức hành lễ của Chăm Awal còn giữ lại rất nhiều Rukun Sembahyang (luật hành lễ solat) của Islam như đứng khoanh tay vào bụng, Rukuh, Sujud, Iktidal, cho salam bên phải, … xong thủ tục, Acar ăn bánh, uống nước rồi mọi tín đồ đi về. Tiếp Madin đi đánh trống “taong hagar”, rồi các Acar đi ra tắm gội, xong vào Magik làm thủ tục ăn cơm, rồi đi ngủ.

 

Waktu Al-Fajr (Subuh) đầu tiên, Acar ngap wak (Solat) xong, tất cả phải kiêng cử, không ăn, không uống nước, không nuốt nước miếng, không cố ý đi tiểu… đóng cửa ngủ cho đến 11 giờ trưa, tất cả dậy đi tắm, xong Madin taong hagar, rồi tiếp tục ngap wak (solat) Zoho (Bahrik), xong acar lại đóng cửa ngủ tiếp cho đến chiều, tất cả dậy tắm, sau đó ngap wak (solat) Koser (Asarik) và Solat Magrib, xong thì cắn muối (talaih) sau một ngày (ikak), Acar lại ăn uống bình thường. Đến 7 giờ tối, ngak wak (solat) Isha (esa), xong tất cả acar đi ngủ, kết thúc ngày đầu tiên.

 

Quá trình fasting (kiêng cử không ăn, không uống) đối với hệ phái Chăm theo Bani Awal (Hồi giáo) chỉ thực hiện trong ba ngày đầu, qua ngày thứ tư trở lại ăn uống bình thường.

Ramadan (Ramawan) là tháng chay tịnh, nên mỗi Acar phải thực hiện những luật định chung và tu dưỡng đạo đức, đức tin, trao dồi thánh kinh, … Ngoài Acar thực hiện lễ nguyện, còn có nhiều tín đồ Bani Awal (Hồi giáo) đến thánh đường. Nam thì ngồi một bên quan sát Acar hành lễ và tâm niệm cầu xin Allah ban sự bình an. Nữ thì mang bánh trái, chuối, … cho các vị giáo sĩ và cầu xin Allah ban sự an lành và khỏe mạnh.

 

Giờ giấc hành lễ (Waktu Solat)

Hành lễ trong tiếng Ả Rập (Arabic) gọi “solat, salat, salah hay shalah” tùy theo phiên âm và tùy ngôn ngữ, trong tiếng Malay gọi “Sembahyang” gồm “Sembah” là bái lạy và “Yang” là thần thánh”, còn người Chăm thường gọi “Samiang” là biến thể từ chữ “Sem-yang”. Hành lễ là một trong năm trụ cột chính bắt buộc đối với tín đồ Muslim (Bani Islam) và Bani (Bani Awal - Hồi giáo).

Hành lễ của tín đồ Bani Islam nói chung và của Bani Awal nói riêng đòi hỏi những điều kiện bắt buộc mà Acar phải thi hành và không thể thiếu sót được. Mỗi một lễ nguyện đều phải thực hiện đúng giờ giấc quy định [Koran 4:103], từ rạng đông đến buổi tối. Tóm lại có 5 lễ nguyện bắt buộc trong một ngày đêm, thời gian hành lễ thay đổi tùy theo tháng:

  Sabahik

  Subuh

Lễ sáng trước hừng đông, khoảng 4:20 sáng

 Vahharik

  Zuhur

Lễ trưa lúc mặt trời chếch bóng, khoảng 12 trưa

  Asarik

  Asar

Lễ chiều, khoảng 3:20 chiều

 Magarib

  Magrib

Lễ tối lúc mặt trời lặn, khoảng 6:00 tối

  Isha

 Isa (esa)

Lễ buổi đêm lúc không còn tia sáng mặt trời, khoảng 7:00 đêm

Khi hành lễ Solat, họ thường đứng trên một tấm thảm (Carpet), Karma (tấm trải), Chiếu (Ciew), Sajadah (Sejadah), Ciew bang, một loại chiếu cổ hay chiếu lễ của người Chăm. 

 Hình 1. Solat (Salah) của Bani Islam và hệ phái Bani Awal.

 

  

Hình 2. Một số Rukun Solat (động tác hành lễ) của Bani Islam và Bani Awal.

 

Hình 3. Tín đồ Chăm Bani Islam tại Campuchia.

 

 

Hình 4. Động tác Runkun thứ 9 trong Solat (Duk la tahiyat akhir).

 

Theo Islam (Asulam), hành lễ bắt buộc gồm 5 lần hành lễ trong một ngày. Dưới đây là bảng liệt kê mỗi lễ nguyện mang tính bắt buộc (Fard), hành lễ phụ trội (Sunnah), hành lễ tự nguyện (Naafillah). Thiên sứ đã thực hiện các lễ nguyện phụ này trước và sau các lễ bắt buộc. Dưới đây là thứ tự của lễ phụ:

Số lần Rak’at bắt buộc là: 24434

Hình 5. Tín đồ Bani Islam tại Iran hành lễ Solat ngày lễ Eid al-Adha (Waha).

 

Dưới đây là hình ảnh và nội dung hành lễ bắt buộc 5 lần trong ngày được đề cập trong Kinh sách Bani Awal. Nguồn: (Facebook Ts. Basiron Abdullah).

1. Sáng (Sabahik - Subuh): Lễ đầu tiên trong ngày: “Tôi định tâm dâng lễ nguyện bắt buộc Sabahik (Subuh) hai rakaat, được thực hiện theo Imam vì Allah, Đấng Tối Cao. Allah Vĩ Đại”.

Hình 6. Hành lễ (Solat) cho Sabahik (Subuh): Lễ đầu tiên trong ngày.

 

2. Trưa (Vahharik – Zuhur): Lễ lần hai trong ngày: “Tôi định tâm dâng lễ nguyện bắt buộc Vahharik (Zuhur) bốn rakaat, được thực hiện theo Imam vì Allah, Đấng Tối Cao. Allah Vĩ Đại”.

Hình 7. Hành lễ (Solat) cho Wahahbik (Zuhur): Lễ lần hai trong ngày.

 

3. Chiều (Asarik – Asar): Lễ lần ba trong ngày: “Tôi định tâm dâng lễ nguyện bắt buộc Asarik (Asar) bốn rakaat, được thực hiện theo Imam vì Allah, Đấng Tối Cao. Allah Vĩ Đại”.

 

Hình 8a. Hành lễ (Solat) cho Asarik – Asar: Lễ lần ba trong ngày.

Hình 8b. Hành lễ (Solat) cho Asarik – Asar: Lễ lần ba trong ngày.

Hình 8c. Hành lễ (Solat) cho Asarik (Asar): Lễ lần ba trong ngày.

 

4. Tối (Magarib - Magrib): Lễ lần tư trong ngày: “Tôi định tâm dâng lễ nguyện bắt buộc Magarip (Magrib) ba rakaat, được thực hiện theo Imam vì Allah, Đấng Tối Cao. Allah Vĩ Đại”.

Hình 9. Hành lễ (Solat) cho Magarib (Mabrib): Lễ lần tư trong ngày.

 

5. Đêm (Isha - Isa): Lễ lần năm trong ngày: “Tôi định tâm dâng lễ nguyện bắt buộc Isa (Isha’) bốn rakaat, được thực hiện theo Imam vì Allah, Đấng Tối Cao. Allah Vĩ Đại”.

Hình 10a. Hành lễ (Solat) cho Isa (Isha): Lễ lần năm trong ngày.

 

Hình 10b. Hành lễ (Solat) cho Isa (Isha): Lễ lần năm trong ngày.

 

Hình 11. Giáo sĩ (Acar) của hệ phái Bani Awal đang thực hiện Jabat Salam. 

Trong Akayet Inra Patra, câu 519 có ghi: Dom nan anâk patao pak pluh, jabat sulam blaoh kakuh, tadhuw ka Po Inra Patra,

 

Giai đoạn thực hiện chính trong thời gian tháng Ramadan (Ramawan)

- Từ ngày 1 (sa gaok) đến ngày 3 (klau gaok): Acar không ăn trưa, không uống cả ngày, điều này thực hiện hoàn toàn giống Islam chính thống giáo, nhưng chỉ thực hiện trong 3 ngày đầu. Tuy nhiên, ngày nay hệ phái Awal giữa tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận chưa thống nhất giờ giấc về nhịn chay (tịnh chay) hay xả chay (Iftar).

Để nhịn chay vào mỗi buổi tối của tháng Ramadan (Ramawan), Đoạn trích từ Kinh sách Awal như hình dưới đây với nội dung như sau:

“Tôi định tâm nhịn chay ngày mai, bắt buộc trong tháng Ramawan này, được thực hiện vì Allah, Thượng Đế của vạn vật”.

Hình 12. Đoạn Kinh giáo sĩ Bani Awal nhịn chay cho mỗi buổi sáng.

 

Để xả chay (Iftar) khi mặt trời lặn, đoạn trích từ Kinh sách Bani Awal, nội dung như sau:

“Nhân danh Allah, Đấng Độ Lượng, Đấng Khoan Dung. Ôi Allah! Cầu xin Ngài ban sự bằng an đến với lãnh tụ của bề tôi – Muhammad và gia quyến của Muhammad. Ôi Allah! Bề tôi nhịn chay vì Ngài, bề tôi xả chay với bổng lộc của Ngài (ban cho). Ôi Đấng Hằng Tha Thứ tội lỗi! Xin Ngài tha thứ cho bề tôi. Ôi Đấng Hằng Tha Thứ tội lỗi! Xin Ngài tha thứ cho bề tôi.”

Hình 13. Đoạn Kinh sách giáo sĩ Bani Awal xả chay (Iftar) khi mặt trời lặn.

 

-Từ ngày 4 (pak gaok) đến trưa ban ngày, Acar chỉ được uống nước, ăn ngọt, và trái cây, không được ăn cơm vào buổi trưa.

- Từ ngày 1 (sa gaok) đến ngày 15 (pluh limâ gaok): Tối 15 gaok là Muk Trun. Chỉ ngày này mới được viết tờ “buh balakum” để dành dán trước ngực cho thi thể những người đã nhập đạo sau khi qua đời. Đồng thời cũng hành lễ cho 15 ngày đã qua.

Hình 14. Giáo sĩ Bani Awal (Hồi giáo) đang viết “Sarak bula kakum”, đây xem là giấy thông hành sẽ được dán trước ngực dành cho người từ giả cõi trần gian về với tổ tiên.

 

- Từ ngày 15 (pluh limâ gaok) đến ngày 20 (dua pluh gaok): Tối 20 gaok (Ong trun). Tối này giáo sĩ Imam Tal là người hành lễ đầu tiên và chủ trì.

Hình 15. Acar talaih aek (Iftar) sau một ngày ikak aek.

 

- Từ ngày 20 (dua pluh gaok) đến ngày 27 (dua pluh tijuh gaok): ngày 27 gaok thường tổ chức đóng góp gạo “Tuh brah”. Lễ Tuh brah có thể kéo dài ngày từ 27, 28 và 29. “Tuh brah” thường được tổ chức cho giáo sĩ trong thánh đường trước, sau đó đến dân trong làng. Mỗi người “Tuh brah” được quy định là “klau ataok, klau ndin” khoảng 1kg gạo. Lễ “Tuh brah” do Imam Tal và Katip Tal phụ trách, là hình thức “ndik Haji”.

 

Hình 16. Lễ “tuh brah” và “salih brah” dịp “yakat” của  hệ phái Bani Awal (Hồi giáo), tại Ninh Thuận- Bình Thuận.

 

- Ngày 30 (klau pluh gaok) là ngày bên Chăm theo Bani Awal (Hồi giáo) thực hiện nghi thức “Yakat”, ban ngày thì thực hiện nghi thức “Salih brah” hay “parabha brah”, thông thường theo thứ tự Imam, Katip, Madin, Po Gru. Imam ngồi bên dãy hướng Nam, Katip ngồi dãy hướng Bắc, quay nhìn về hướng Tây (hướng Makkah). Đầu tiên gạo của Imam Tal được “parabha” cho Katip, Gru, Imam, Acar và thực hiện theo thứ tự “parabha” cho đến khi hết mọi người. Theo hệ phái Bani Awal, thì việc phân phát gạo chỉ thực hiện cho nội bộ giáo sĩ (Acar) trong thánh đường không phân phát cho dân nghèo. Hình thức “parabha brah” không phân biệt gạo của ai và của dòng họ nào. Sau đó, dùng gạo đã được “parabha” mang đi nấu cơm cho tối “yakat” (gaok Praong). Mâm cơm “yakat” khác mâm cơm thông thường là mâm cơm này thường nấu với nước cốt dừa với thức ăn đi kèm cá khô đuối, trứng vịt, và muối mè (đây là cơm “nasi lemak” truyền thống của người Malay được truyền sang Champa, mà người Chăm gọi là “nasei lamak” nghĩa là cơm béo). Mâm cơm “yakat” này sẽ đội lên thánh đường và các giáo sĩ Acar sẽ ăn bữa cơm cuối cùng trong tháng tịnh chay Ramadan. Tối Yakat trang nghiêm với nhiều ngọn nén to và cao được thấp sáng. Bữa ăn Yakat trước kia thường tổ chức khoảng 3 giờ sáng, nhưng ngày nay một số làng tổ chức sớm hơn khoảng 10 giờ đêm. Kết thúc Yakat, cơm và mọi thứ thực hiện trog tối “yakat” được mang về nhà Acar và phân phát cho bà con, người già và người nghèo trong dòng họ đến ăn, chia sẻ, cùng nhau thưởng thức để lấy may mắn.

Yakat (zakat) bên Bani Islam là một trong những yếu tố quan trọng trong nền tảng của trụ cột. Đây là điều bắt buộc đối với tất cả tín đồ Islam có tài sản trị giá trên mức quy định. Nếu tín đồ không thi hành thì hình phạt đã được Allah ghi rõ trong Thiên kinh Koran và Thiên sứ Muhammad đã khuyến cáo trong những hadith của người.

Yakat là bắt buộc mọi người có thu nhập ổn định trong tín đồ Islam (muslim, Bani) phải thực hiện xuất một phần tài sản Yakat cho người nghèo hơn và túng thiếu hơn. Yakat là hành động kính trọng cũng như giúp đỡ người nghèo.

Hình 17. Acar cuh tapeng dién (thắp nến) chuẩn bị lễ Yakat.

 

Hình 18. Lễ “Yakat” vào tối 30 gaok Ramadan, thuộc hệ phái Bani Awal (Hồi giáo), ở haluw Aia Mamih - Bình Thuận.

 

 

Hình 19. Lễ “Yakat” vào tối 30 gaok Ramadan (Ramawan), thuộc hệ phái Bani Awal (Hồi giáo ).

 

Kết thúc Ramadan (Ramawan) gọi là Tabiak aek. Tín đồ thường tổ chức ăn mừng tại gia. Trong buổi lễ, mọi người mặc những bộ quần áo đẹp, nhà cửa sạch sẽ và đôi khi trang trí nhà cửa lộng lẫy và cùng nhau đi thăm anh em bạn bè. Sự rộng lượng và lòng biết ơn là một phần quan trọng của Eid al-Fitr. Lễ Ramadan (Ramawan) kết thúc và mọi tín đồ hệ phái Bani Awal (Hồi giáo) ngoan đạo sẽ có được sự che chở từ các thiên thần linh thiêng. Một tháng ăn chay, cầu nguyện kết thúc với sự hoan hỉ của các tín đồ trên khắp thế giới.

Tóm lại, tháng Ramadan (Ramawan) của người Chăm theo Bani Awal hôm nay còn giữ nhiều lễ nghi của Islam, nhưng đã biến thể và đi chệch với luật định của Islam chính thống giáo. Ramadan của Bani Awal dựa vào Ramadan của Islam nhưng có ảnh hưởng văn hóa riêng và bản sắc riêng của bản địa Champa.

 

Hình 20. Lễ “Yakat” vào tối 30 gaok Ramadan, và việc phân phát cơm Yakat cho người nghèo, người thân hay người uy tín trong làng.

 

Hình 21. Harei talaih aek, kết thúc Ramadan (Ramawan).