Quyền tự do: Tín ngưỡng - Tôn giáo

Written by Putra Podam
In category Tin tức
Jun 23, 2022, 7:39 PM

Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo Vụ phổ biến, Giáo dục Pháp luật.

-----***-----

Người Chăm ở Việt Nam, dựa trên tư liệu lịch sử Champa thì chỉ duy nhất theo một tôn giáo được gọi là Hồi giáo (Islam). Hồi giáo của người Chăm được chia thành ba nhánh chính khác nhau:

- Chăm Islam (Hồi giáo) là bộ phận đang bám và hoàn thiện dần theo Thiên kinh Koran thuộc dòng Sunni chính thống.

- Chăm Awal (Hồi giáo hay Hồi giáo cũ) là bộ phận theo Islam từ thế kỷ 9, đến thế kỷ 17 được tách ra thành hệ phái riêng của Champa. Người Chăm thường gọi tôn giáo này theo tiếng Sankrit là Agama Awal (đạo Awal) hay gọi theo tiếng Ả Rập là Bani Awal (đạo Awal). Đây là Hồi giáo chỉ tồn tại duy nhất ở Champa là Hồi giáo nhưng vẫn còn ảnh hưởng đậm tín ngưỡng và văn hóa bản địa Champa.

- Chăm Ahier (Hồi giáo mới) là bộ phận người Chăm đã từng theo Balamon (Ấn giáo) thờ Tam vị thần (Trimurti) là ba vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo bao gồm Brahma (đấng tạo hóa), Vishnu (đấng bảo hộ), Shiva (đấng hủy diệt) cho đến thế kỷ 15.

Sau thế kỷ 15, tôn giáo Balamon đã bị loại khỏi vương quốc Champa, và Chăm Ahier đã chấp nhận thờ Thượng đế Allah (Po Allah) là Đấng Tối Cao, nhưng vẫn tiếp tục công việc tiếp quản Tháp (Bimong), chăm sóc Tháp và bảo tồn những tín ngưỡng Champa hay văn hóa bản địa Champa. Người Chăm thường gọi tôn giáo này theo tiếng Sankrit là Agama Ahier (đạo Ahier) hay gọi theo tiếng Ả Rập là Bani Ahier (đạo Ahier). Đây là nhánh Hồi giáo chỉ tồn tại duy nhất ở Champa nhưng vẫn còn tiếp quản, chăm sóc, bảo tồn những tín ngưỡng và văn hóa bản địa Champa từ thời Balamon để lại.

Cho đến nay, có lẽ một số người Chăm không nhỏ vẫn chưa phân biệt được mối quan hệ giữa tôn giáo với tín ngưỡng, giữa tôn giáo tín ngưỡng với mê tín dị đoan. Trong bài này, tôi xin giới thiệu tóm tắt về loại hình sinh hoạt tâm linh này để tín đồ Bani (người theo đạo) cần hiểu rõ, phân biệt được sự giống và khác nhau giữa tôn giáo và tín ngưỡng, giữa đức tin và văn hóa. 

 

1. Tín ngưỡng là gì?

Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Tín ngưỡng dân gian Chăm hay còn gọi là tín ngưỡng truyền thống Chăm, ngày nay thường được gọi tín ngưỡng bản địa của dân tộc Chăm. Một số tín ngưỡng ở người Chăm như:

Lễ tổ nghề (Giỗ tổ nghề gốm Chăm, lễ nghề dệt cổ truyền Chăm), lễ bến nước, lễ giếng nước cổ, lễ cầu đảo,  lễ Nghinh Ông, lễ phồn thực (Linga - Yoni), lễ hội phồn thực (Rija Nagar), lễ Rija Praong, lễ Rija Harei, lễ Rija Malam, lễ Rija Sua, lễ Mbeng bar huak, lễ Rao sang,... lễ Po Riyak, lễ tưởng nhớ tổ tiên, lễ báo phước (ndam Phuel), lễ báo hiếu tổ tiên (Muk Kei - gia tiên), lễ thờ thần (Po Patuw Ging - Thần Táo), lễ thờ Ciét Praok (Praok Patra); lễ thờ Thành Hoàng như: đền Po Kraong Kachait (Po Klaong Kasat); đền Công chúa Bàn Tranh (Po Sah Ina); đền Po Nit (Po Mathik Dhik); đền Po Jaiparan; đền Po Nraop (con trưởng vua Po Rome theo gia phả còn lưu tại Kalantan - Malaysia; còn theo lịch sử Việt Nam thì Po Nraop là em trai vua Po Rome),... và hàng trăm thứ lễ khác của người Chăm thuộc về tín ngưỡng.

Hình 1. Nghi thức rước y trang tổ nghề gốm làng Chăm Bàu Trúc. Thuộc loại hình tín ngưỡng.

 

Hình 2. Giếng Cái (Bingun Binai), nằm hướng Đông, giếng cổ làng Thành Tín. Thuộc loại hình tín ngưỡng.

 

Hình 3. Đền Po Klaong Kachait (Kasat), thôn Lương Tri, Nhơn Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận. Thuộc loại hình tín ngưỡng.

 

 

Hình 4. Ngôi đền Po Nraop tọa lạc tại thôn Tuy Tịnh 2, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Thuộc loại hình tín ngưỡng.

 

2. Tôn giáo là gì?

Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức.(Khoản 1 và 5 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016).

Theo lịch sử tôn giáo của Champa nói chung và thần dân Chăm nói riêng trước thế kỷ 16 thần dân Chăm tiếp nhận và thờ phụng hai tôn giáo chính là: Balamon (Ấn Độ) và Islam (Ả Rập).

Lưu ý: Cả tôn giáo Balamon (Ấn Độ) và tôn giáo Islam (Ả Rập) là hai tôn giáo lớn trên thế giới đã được người Chăm tiếp nhận, chứ không phải tôn giáo do tổ tiên người Chăm hay Champa sáng lập. Cụ thể: Champa tiếp nhận tôn giáo Balamon (Ấn Độ) từ thế kỷ thứ 2 (năm 192), và tiếp nhận tôn giáo Islam (Ả Rập) từ thế kỷ thứ 9.

Hình 5. Bimong Po Ina Nagar - Aia Trang (Nha Trang). Đây không phải là Bimong dành riêng cho nữ thần Po Ina Nagar (Thánh mẫu Vương quốc) mà còn thờ 3 vị Nam thần khác là: Shandhaka, Gansha Sri Vinayaka và Sri Malada-Kuthara. Đây là tháp thờ vị thần Balamon (Ấn Độ).

 

Hình 6. Po Ina Nagar là danh hiệu của nữ thần Bhagavati – Parvati (phu nhân Đấng Shiva), tức Yang Pu Nagara (Thánh Mẫu Vương Quốc).

Hình 7. Thần Shiva (vị thần Balamon được Champa sùng bái, và người vợ Bhagavati (Parvati). đây là thần của tôn giáo Balamon (Ấn Độ).

 

Hình 8. Đền đài ở Thánh địa Mỹ Sơn thuộc tiểu quốc Amaravati. Thần Shiva (Mahesh) là một trong các vị thần quan trọng được thần dân Champa sùng bái nhất. Shiva (Mahesh) là thần của tôn giáo Balamon (Ấn Độ) được thờ tại Champa.

 

Islam du nhập vào Champa từ thế kỷ 9, sau khi Balamon (Ấn Độ) tàn lụi tại Champa và Đông Nam Á vào thế kỷ 15, thì tại Champa, Islam đã thay thế và phát triển cực thịnh vào thế kỷ thứ 16 do ảnh hưởng từ quốc gia Malaysia và một số quốc gia khác ở Đông Nam Á. Để chỉ tôn giáo Islam người Chăm phiên âm thành từ Asulam.

Lưu ý:

1. Trong giai đoạn này, người Chăm chỉ dùng thuật ngữ: Agama Islam (đạo Islam) hay Bani Islam (đạo Islam).

2. Giai đoạn này, người Chăm chưa sử dụng thuật ngữ tôn giáo: Awal Ahier.

Hình 9. Thánh đường cổ Kampung Laut, do người Champa xây trong khuôn viên Penkalan Chepa vào thế kỷ 17 thuộc tiểu bang Kelantan, Malaysia. [Serambi Makah].

 

Hình 10. Thánh đường (Magik) của Agama Islam (Bani Islam) ngày xưa, mẫu ngôi thánh đường Champa.

 

Theo sử sách Chăm và Mã Lai, vua Po Rome (Mustafa) là vị vua Islam (Hồi giáo), là bậc Hiền nhân (Wali), là người am hiểu tinh thông Thiên kinh Koran và giáo lý Asulam. Người Chăm theo Asulam thời đó, mặc dù tự nhận mình là tín đồ theo Bani, nhưng Chăm Bani vẫn tiếp tục duy trì chế độ mẫu hệ và mẫu cư, một qui chế tổ chức gia đình và xã hội hoàn toàn khác với phong tục của Asulam chính thống giáo. Thế kỷ 17, do tình hình xung đột tôn giáo trong xã hội người Chăm ngày càng phức tạp, do đó, vua Po Rome quyết định hòa giải tôn giáo thành hai thuật ngữ là Awal và Ahier, với ý nghĩa như sau:

Awal: Là người Chăm (Chăm Jat, Chăm theo Hindu, …) đã theo Asulam từ trước, từ nhiều thế kỷ trước, cụ thể từ thế kỷ thứ 9, nhưng vẫn còn tiếp nhận văn hóa bản địa Champa. Thuật ngữ Awal (gốc từ Ả Rập - Arabic) có nghĩa là “đầu tiên, trước” để ám chỉ cho những người Chăm đã theo Asulam từ trước triều đại vua Po Rome (1627-1651) và chỉ chấp nhận Po Allah Thượng đế, là Đấng Tối cao và Duy nhất.

 Ahier: Là người Chăm theo tôn giáo Balamon (Brahmanism Ấn Độ: thờ thần Brahma, Vishnu, Shiva, …) từ khi lập quốc cho đến thế kỷ 15 khi Champa sụp đổ Thành Đồ Bàn (Vijaya), đây cũng là giai đoạn mà Balamon giáo sụp đổ trên toàn Đông Nam Á, và đây cũng là cơ hội cho Islam (Asulam) Chăm phát triển mạnh tại Champa. Thuật ngữ Ahier (gốc từ Ả Rập) có nghĩa là “muộn, sau” để ám chỉ cho người Chăm Balamon trước kia thờ tam vị thần Brahma, Vishnu, Shiva, … đến thế kỷ 17 chấp nhận bỏ thờ ba vị thần trên và chấp nhận thờ phượng Po Allah như vị thượng đế Tối Cao. Po Allah xuất hiện trong cộng đồng Chăm Ahier không phải là Thượng đế Duy nhất mà là Ðấng Tối Cao, vì Ahier còn tiếp quản và chăm sóc tháp như những tín ngưỡng bản địa Champa.

Thuật ngữ Awal không làm thay đổi giá trị thực thể nội tại của Asulam, mà từ Awal chỉ khẳng định thêm rằng người Chăm đã theo Asulam và tôn thờ Allah từ trước (nghĩa là người Chăm theo Asulam từ trước triều đại Po Rome).

Trong khi thuật ngữ Ahier, có thay đổi giá trị nội tại trong tín đồ Chăm theo Balamon, bằng cách Po Rome đã dùng quyền lực ép tín đồ Chăm bỏ theo Balamon, nghĩa là Chăm Ahier (trước kia thờ Brahman, Vishnu và Shiva) nay chỉ thờ Allah của Asulam như một Đấng Tối Cao. Điều này chính vua Po Rome đã truyền đạo Asulam cho tín đồ Chăm Ahier và mong sau này tín đồ Chăm Ahier phải thay đổi nhận thức tôn thờ Đấng Allah để cùng tín đồ Chăm Awal của Asulam giải quyết mâu thuẫn, xung đột tôn giáo ở Panduranga xưa.

Bani Awal

Dựa vào ngữ nghĩa của “Awal” và “Bani”, thì từ: Bani Awal (đạo Awal - Hồi giáo) là một hệ phái mới xuất hiện ở vương quốc Champa, tức hệ phái Hồi giáo thuộc dòng Awal (sơ khai, trước, ban đầu), do ảnh hưởng văn hóa bản địa Champa và do tình hình xã hội Champa phức tạp mà triều đại Po Rome đã tạo ra.

Hệ phái “Bani Awal” đã định ra gồm hai tầng lớp:

1). Tầng lớp thứ nhất: là tầng lớp cao nhất gồm Giáo sĩ (Acar) là những Ulama và những bậc Hiền nhân (Wali) trực tiếp chỉ thờ phượng thượng đế Allah, Đấng Tối cao, Duy nhất và Muhammad là Thiên sứ cuối cùng, và

2). Tầng lớp thứ hai: là những tín đồ Gahéh (thường dân) như Ts. Putra Podam, Ts. Phú Văn Hẳn, Ts. Bá Trung Phụ, … là tín đồ chỉ phục vụ, phục tùng Giáo sĩ (Acar) hay bậc Hiền nhân (Wali) và gián tiếp thờ phượng Allah. Nhưng lớp tín đồ Gahéh sau này nếu trang bị đầy đủ kiến thức, Thiên kinh Koran và giáo lý thì cũng có thể trở thành giáo sĩ (Acar) để trực tiếp thờ phượng Allah. Do vậy, khi bàn đến tôn giáo, hay khi nói đến hệ phái Bani Awal (Hồi giáo) thì chúng ta hãy nói đến tầng lớp giáo sĩ (Acar) và hệ thống giáo lý, giáo luật của “Awal” chứ không nói đến tín đồ (Gahéh) tầng lớp thứ hai hay tín đồ Awal thông thường.

“Awal” tiếng Việt là: “Hồi giáo” là tên tôn giáo đúng và phù hợp về mặt ngữ nghĩa được kế thừa từ tôn giáo Asulam mà tổ tiên người Chăm đã tiếp nhận từ thế kỷ thứ 9 cũng như được vua Po Rome (Mustafa) đã truyền lại được hậu duệ, tín đồ Awal gìn giữ đến ngày nay. Hồi giáo nói chung đã được Ban Tôn giáo Chính phủ công nhận là một tôn giáo tại Việt Nam. “Hồi giáo Awal” hay “Hồi giáo Islam” là tên gọi chính thức được Nhà nước công nhận là Hồi giáo thuộc tôn giáo của người Chăm.

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, Hồi giáo Awal ở Ninh Thuận còn sót lại nhiều dấu tích của hệ phái Shiah của người Ba Tư, ngược lại Hồi giáo Awal ở Bình Thuận lại mang đậm các dấu tích của Islam Sunni, và cả hai khu vực thuộc Panduranga đều phủ đầy nét văn hoá Islam Malaysia. Sai lầm của nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Hồi giáo Awal ở Champa là Hồi giáo bản địa nhưng không đưa ra lý lẽ đâu là tính bản địa và đâu là vết tích Islam chính thống giáo, bởi thực sự họ chưa hiểu cặn kẽ về Hồi giáo chính thống. Cũng như sự nhận định sai lầm khi cho rằng Hồi giáo ở Saudi Arabia và Hồi giáo ở Malaysia là chuẩn là chính thống giáo. Từ nhận định trên nên các kết quả nghiên cứu đã bị sai lệch.

Khái niệm Islam chính thống giáo là những gì thuộc giáo lý như (Thiên kinh Koran, Hadith, ...), còn tín đồ hay người theo Hồi giáo cũng như các nhánh, các hệ phái, các chi phái, ...là họ đang bám vào giáo lý Hồi giáo để dần dần hoàn thiện sự chính thống giáo một cách trọn vẹn. Ví dụ ở Kelantan-Malaysia vào đầu thế kỷ 20, phụ nữ vẫn chỉ che người đến phần ngực phía dưới và lộ nguyên phần ngực phía trên và đôi vai như người Thái, người Lào, …trái hẳn với luật Hồi giáo là phụ nữ phải che kín người. Các vùng như Kelantan, Terengganu, Kedah,…cúng các lễ tục Mak Yong (cúng cho người bệnh) như Raja Praong, cúng bảy công chúa con của thần biển, cúng thần Yang trong lễ cắt bao quy đầu, cúng thần yang trong lễ tục thả Diều,… Đến tận 1950, khi đảng Hồi giáo Liên Malaysia (PMIP; sau là PAS) lên nắm quyền thì Hồi giáo tại Malaysia được loại bỏ dần những tín ngưỡng ảnh hưởng yang thần bởi chính quyền đã dùng vũ lực dẹp bỏ các lễ tục hay tín ngưỡng trên. Từ đó Hồi giáo tại Malaysia được hoàn thiện dần Islam chính thống giáo. Tuy nhiên, hiện nay ở một số nơi hẻo lánh thuộc hải đảo xa xôi Indonesia, Malaysia, các tín đồ Hồi giáo vẫn còn thực hiện một số lễ tục truyền thống như cúng thần sông, thần núi, tổ tiên, …dưới vỏ bọc của Hồi giáo (Islam).

Chăm theo Bani Awal (Hồi giáo), mặc dù tự nhận mình là tín đồ Islam, nhưng vẫn tiếp tục duy trì chế độ mẫu hệ và mẫu cư, một qui chế tổ chức gia đình và xã hội hoàn toàn khác với phong tục của Hồi giáo chính thống giáo.

Hình 11. Thánh đường Masjid Jamiul Azhar, Châu Đốc, xây năm 1959. Hồi giáo (Islam) chính thống.

 

Hình 12. Thánh đường (Magik) của Agama Awal (Bani Awal) hệ phái Hồi giáo dòng Awal.

 

Hình 13. Cổng thánh đường (Magik) của Agama Awal (Bani Awal) hệ phái Hồi giáo dòng Awal từ thế kỷ 17.

 

2. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Ở Việt Nam, để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, Điều 24 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo được cụ thể hóa trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 18/11/2016 ) và trong rất nhiều văn bản pháp luật khác, thể hiện qua các nội dung sau:

- Việt Nam thừa nhận, ghi nhận, tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật;

- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

- Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.

- Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

 

3. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tín ngưỡng, tông giáo phải tuân thủ Hiến pháp và các quy định của pháp luật. Pháp luật nghiêm cấm:

- Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

- Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.

- Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

- Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:

+ Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;

+ Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

+ Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;

+ Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

- Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

 

4. Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác

Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác được quy định tại Điều 164 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

- Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

+ Có tổ chức;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Dẫn đến biểu tình;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Tài liệu tham khảo:

Hiến pháp năm 2013.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).