Dư luận xung quanh quyết định số: 41/2022/QĐ-UBND tỉnh Ninh Thuận

Written by Ban Biên tập
In category Tin tức
Aug 6, 2022, 4:16 PM

Ngày 01/08/2022, ông Nguyễn Long Biên, nhân danh Ủy Ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ký ban hành Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND về việc bãi bỏ Quyết định số 84/2013-UBND về việc quy định giảng dạy tiếng Chăm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Sau khi quyết định được công bố, làng sóng phẫn nộ từ cộng đồng người Chăm trong nước cũng như hải ngoại về chính sách của chính quyền Việt Nam đối với dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Chăm nói riêng.

Để rộng đường dư luận, Kauthara đã tìm hiểu thông tin từ các giới chức trách, các bậc nhân sĩ trí thức, cán bộ giáo viên giảng dạy tiếng Chăm cùng các bậc phụ huynh ở vùng có dân tộc Chăm sinh sống, để có thêm thông tin khách quan.

Theo ghi nhận thông tin từ Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc trách phía nam cho biết; Bộ giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018) về việc qui định một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 cụ thể như sau:

1) Tiếng Việt; 2) Toán; 3) Đạo đức; 4) Ngoại ngữ 1 (Lớp 3,4,5); 5) Tự nhiên và xã hội (Lớp 1,2,3); 6) Lịch sử và Địa lí (Lớp 4, 5); 7) Khoa học (Lớp 4, 5); Tin học và Công nghệ (Lớp 3, 4, 5); 9) Giáo dục thể chất; 10) Nghệ thuật (Âm nhạc và Mĩ Thuật) và Hoạt động trải nghiệm (trong đó có tích hợp nội dung giáo dục của địa phương).

* Các môn học tự chọn (dạy ở những nơi có đủ điều kiện dạy học và phụ huynh học sinh có nguyện vọng),

Tiếng dân tộc thiểu số (dạy từ lớp 1 đến lớp 5); Ngoại ngữ 1 (dạy ở lớp 1, 2).

Chiếu theo văn bản trên, rõ ràng bộ môn tiếng dân tộc thiểu số nói chung và bộ môn Tiếng Chăm nói riêng được xếp vào bộ môn tự chọn theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, chứ không phải chính quyền cấm giảng dạy tiếng Chăm ở trường tiểu học như thông tin đăng tải các mạng xã hội.

Tổ chức Kauthara xác minh thêm thông tin từ giới chức trách tại Sở Giáo dục Ninh Thuận được ông Đạo Văn Bỉnh chuyên viên đặc trách chương trình tiếng Chăm của cơ quan này cho biết; "sở dĩ UBND tỉnh ban hành Quyết định số 41/2022-UBND để bãi bỏ Quyết định số 84/2013-UBND về việc quy định giảng dạy tiếng Chăm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, là do năm học 2022-2023 trên địa bàn Ninh Thuận đưa thêm tiếng Raglay vào chương trình dạy thí điểm trong trường tiểu học, bởi vậy việc bãi bỏ quyết định 84 là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương".

Theo nhận định của Tổ chức Kauthara, việc chánh quyền tỉnh Ninh Thuận ban hành quyết định 41 bãi bỏ quyết định 84 về qui định dạy chữ Chăm ở trường tiểu học, mà chưa có quyết định khác thay thế phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương hiện nay, gây bao sự ngộ nhận hiểu nhầm từ cộng đồng Chăm trong nước cũng như hải ngoại trong thời gian qua là một sự kiện đáng tiếc.

Để tìm hiểu thêm thông tin liên quan đến chủ trương dạy tiếng Chăm ở trường tiểu học vùng có người Chăm sinh sống, chúng tôi đã tiếp xúc trực tiếp với giáo viên và phụ huynh ở làng Chăm thôn Phú Nhuận - Ninh Phước, họ nói gì ?

Theo bà Đổng Thị G... một phụ huynh có con học tại trường cho biết, nếu nhà trường cho chọn môn tự chọn thì bà sẽ chọn bộ môn ngoại ngữ tiếng Anh, vì theo bà G cho biết thêm, con học môn Tiếng Anh sẽ có tiền đề cho cháu có cơ hội nâng cao trình độ học lên Trung học Cơ sở.

Chia sẻ cùng với Kauthara của một giáo viên có thâm niên dạy tiếng Chăm tại trường cho chúng tôi thêm thông tin về chương trình dạy tiếng Chăm, theo cô Q... cho biết ; nếu học sinh học song hành cả hai môn Tiếng Anh và Chăm ,sẽ tạo áp lực rất lớn đối cho học sinh học chương trình giáo phổ thông 2018 hiện nay.

Cũng nhân chuyến điền dã ,chúng tôi có cơ hội tiếp xúc hầu hết các bô lão nhân sĩ trí thức Chăm tại địa phương , đa số họ đều có nguyện vọng mong muốn tiếp tục duy trì giảng dạy tiếng Chăm ở trường tiểu học để bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là một nguyện vọng chính đáng và xem như một thông điệp của cộng đồng Chăm gởi đến các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương.

Theo một nguồn thông tin mà Kauthara mới nhận được, Sở Giáo dục Ninh Thuận vừa ban hành văn bản số 1830 ngày 3 tháng 8 năm 2022 do ông Nguyễn Huệ Khải Giám đốc Sở ký chấp thuận tiếp tục giảng dạy tiếng Chăm tại trường tiểu học tại Ninh Thuận năm học 2022-2023 .

Cũng cần nhấn mạnh rằng, chủ trương dạy tiếng dân tộc ở trường tiểu học là chính sách rất ưu việt của Đảng và Nhà nước được cụ thể hóa tại Điều 5 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”.

“Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Ngoài ra, để bảo đảm các quyền của các DTTS, Điều 42 Hiến pháp năm 2013 cũng ghi nhận: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”. Đồng thời khẳng định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội,... Đây là một thông điệp nhất quán về chính sách của Đảng và nhà nước dành cho dân tộc thiểu số hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam .

Vì vậy mọi thông tin đăng tải trên trang mạng xã hội vừa qua mang tính nóng vội, cảm tính không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách đại đoàn kết dân tộc.

Tóm lại, năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo, Tiếng Chăm vẫn tiếp tục giảng dạy tại trường tiểu học ở vùng dân tộc Chăm.

Hình 1. Quyết định số: 41/2022/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 84/2013/QĐ-UBND ngafy18/12/2013 của UBND tirnhquy định về dạy và học tiếng Chăm trong các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

 

 

 

Hình 2. Quyết định số: 1830/SGD-NVDH về tổ chức thực hiện quy định dạy học tiếng dan tộc thiểu số tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.