1. Sơ lược Islam và lịch sử Islam tại Champa
Islam (tiếng Ả Rập là: al-'islām), có nghĩa là "vâng mệnh, quy phục Thượng Đế", mà ở Việt Nam thường gọi là Hồi giáo, người Chăm gọi “Islam / Asulam” là một tôn giáo Độc Thần. Đây là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới, sau Kitô giáo. Islam ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 7 tại bán đạo Arab, Islam do Thiên sứ Muhammad sáng lập, nhưng đức tin của tín đồ Islam thì Islam bắt nguồn từ trước khi Thượng Đế (Allah) tạo ra Adam. Tất cả tôn giáo đều khởi nguồn từ tôn giáo thờ Thượng Đế mà người Việt Nam dù theo tôn giáo nào thì cũng từng nhắc đến “Ông Trời”. Trong thuyết Độc Thần, Thượng Đế không có danh xưng, người Do Thái gọi là Jehova, người Ả Rập gọi là Allah, người Mã Lai gọi là Tuhan, người Việt gọi là Chúa Trời, Thượng Đế, người Chăm gọi là Po. Để dễ hiểu ta hãy so sánh với từ Po của người Chăm thì Allah chính là Po, trong tiếng Chăm Po khi dùng để nói về Thần linh thì nó là một danh từ chung chứ không phải tên của một Đấng Thần linh. Quay lại với đức tin của người Islam thì Allah là Đấng Tối Cao, Duy Nhất và Muhammad là vị Thiên sứ cuối cùng được Allah mặc khải Thiên kinh. Bốn quyển thiên kinh của Allah đều được ban xuống cho loài người vào tháng Ramadan. Thiên kinh Zabur (thiên kinh của thiên sứ Dawood / David) được xuống vào ngày đầu tiên của tháng Ramadan. Thiên kinh Taurah (Torah - Cựu Ước) được ban xuống cho Musa (Moses) vào ngày 6, tháng Ramawan (Ramadan). Thiên kinh Injeel (Gospel - Tân Ước) được ban xuống cho Thiên sứ Isa (Jesus) vào ngày 13 tháng Ramadan. Cuối cùng là thiên kinh Quran được ban xuống cho Muhammad vào đêm 27 tháng Ramadan và đó cũng chính là đêm Lailatul Qadar của năm đó.
Hình 2. Thiên kinh mà Allah ban xuống cho các Nabi.
Muhammad, một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị có ảnh hưởng nhất trong lịch sử, đã qua đời vào ngày mùng 8 tháng 6 năm 632, ở Medina, thuộc Ả Rập Xê-út (Saudi Arabia), thì Islam được chia ra thành 73 hệ phái, trong đó hai hệ phái chính là Sunni và Shia. Sunni chiếm tỷ lệ đa số tín đồ Islam thế giới, là hệ phái hoàn toàn dựa vào mặc khải của Muhammad. Trong khi, Shia chỉ chiếm thiểu số tập trung chủ yếu ở Iran, và cho rằng người kế vị mặc khải Muhammad là con rể Nabi Ali (Fatimah con gái của Muhammad). Hệ thống tổ chức hệ phái Shia khác biệt với phái Sunni, và đặt dưới sự điều hành của chức sắc là Ayatollah.
Theo lịch sử, Islam du nhập Champa vào khoảng cuối thế kỷ IX theo Ed Huber cho biết đã tìm thấy trong Tống sử một đoạn ghi “Cũng có (ở xứ Chàm) nhiều trâu sống trên núi. Nhưng người ta không dùng trâu để cày bừa mà chỉ để tế thần”. Lúc giết trâu để cúng, họ đọc lời cầu nguyện “Allahu Akbar”, đây chính là câu thiên kinh để tôn vinh Allah là đấng tối cao duy nhất. Theo sử liệu Trung Hoa. Trong Tống sử có thuật lại, khi tế trâu ở Champa họ có đọc câu thiên kinh “Allah Akbar”, nghĩa Allah là đấng tối cao và duy nhất. Dựa vào tư liệu trên có thể nhận định Hồi giáo đã du nhập vào Champa từ thế kỷ X (Maspero, 1928, p.13-14).
Theo biên niên sử Champa Sakkarai dak rai patao, thời kỳ huyền sử mà biên niên sử gọi là patao jiéng éng hay patao éngkat “vua tự sinh ra” gồm 5 vị vua, trong đó có Po Aluah, lên ngôi năm Tý (năm 983 hoặc 995 tùy dị bản), trị vì 37 năm tại thủ đô Bal Sri Banây (Nại, Ninh Chữ, Phan Rang), sau đó ngài trở về trời, về thế giới linh thiên (nao meng rup). Dựa vào sử liệu này có thể nhận định Hồi giáo đã du nhập vào Champa từ thế kỷ thứ X (Aymonier, 1890, p.145-206).
Hình 3. Champa và thế giới Malay.
Theo nhà sử học cho rằng, Islam vào Champa theo con đường tơ lụa, minh chứng của một số nhà khoa học thì dựa vào hai tấm bia viết bằng tiếng Ả Rập (Arabic) được khai quật ở miền Trung Việt Nam, do Ðô Ðốc người Pháp gởi sang Paris. Bia thứ nhất từ một ngôi mộ có tên Abu Kamil, niên đại 1039. Bia thứ hai có niên đại khoảng 1025- 1035. Dựa vào hai tấm bia trên, ông P. Ravaisse liền viết bài nghiên cứu vào năm 1922, cho rằng hai tấm bia này phát xuất từ miền Nam Champa từ thế kỷ thứ XI (Ravaisse, 1922, p.247-289).
Năm 1979, Ts.P.Y. Manguin phản đối quan điểm của P. Ravaisse về nguồn gốc hai tấm bia vào thế kỷ XI, bằng cách chứng minh rằng hai tấm bia trên không phát xuất từ vương quốc Champa, mà phát xuất từ một quốc gia khác đưa đến Champa (Manguin, 1979, p.255-257).
Năm 2011, vấn đề nguồn gốc của hai tấm bia Ả Rập lại tái diễn trên bàn hội nghị quốc tế về bia ký Ðông Nam Á được tổ chức tại Kuala Lumpur vào ngày 9 và 10-11-2011. Dựa vào nội dung và văn phong của tấm bia, Gs. Ludvik Kalus (Ðại Học Sorbonne, Paris) khẳng định rằng hai tấm bia Ả Rập không xuất phát từ vương quốc Champa mà từ thị trấn Kairouan của Tunisia, một quốc gia nằm ở Trung Ðông. Cũng theo Gs. Ludvik Kalus, sự hiện hữu của Islam tại miền Nam Trung Hoa vào thế kỷ thứ VIII là một yếu tố lịch sử mà không ai có quyền chối cải. Champa là vương quốc nằm trên bờ biển Nam Hải. Chính vì thế, các thương thuyền Ả Rập khi di chuyển từ Ấn Ðộ Dương đến miền Nam Trung Hoa buộc phải ghé bến Champa để tiếp tế lương thực và nước uống, từ đó Islam được truyền sang Champa. Nhưng sự dừng chân của thương thuyền Ả Rập trên hải cảng Champa không thể cấu thành một yếu tố hầu đưa ra kết luận rằng vương quốc Champa đã hoàn toàn theo Islam vào thế kỷ thứ XI như ông P. Ravaisse đã nêu.
Hình 4. Allah trong văn bản akhar Thrah Chăm.
Chế Mân (hoàng tử Harijit), con của hoàng hậu Gaurendraksmi, lên ngôi lấy vương hiệu là Jaya Sinhavarman III, mà tài liệu Trung Quốc gọi là Pou Ti. Là vị vua thứ 12 của Triều đại thứ 11 vào thế kỷ 14. Trị vì từ năm 1285-1307. Kế nhiệm từ vua cha là quốc vương Champa, Indravarman V, đã từng lãnh đạo chống quân xăm lăng của Mông Cổ, mà nhà thương thuyền Âu Châu là Marco Polo, nhân dịp ghé thăm Champa vào năm 1288 có nhắc đến. Quốc vương Chế Mân để lại cho hậu thế hai công trình kiến trúc là tháp Yang Mum (Kon Tum) và tháp Po Klaong Garay (Phan Rang). Sau thế kỷ XV, Panduranga trưng dụng tháp này để thờ thần linh quan trọng đó là vua huyền sử Po Klaong Garay. Chế Mân đã có chính thất là Vương hậu Champa và có con trai là Chế Đa Da, sau này kế vị Chế Mân. Ngoài ra, quốc vương còn liên kết chính trị với vương quốc Majapahit (Java, Indonesia ngày nay) bằng cách kết hôn với công chúa Tapasi để làm thứ hậu. Hết đương đầu với quân Mông Cổ của Koubilai, ngài chủ trương tiếp tục bang giao với Đại Việt. Nhân dịp viếng thăm Champa vào năm 1301, thượng hoàng Trần Nhân Tôn hứa gả công chúa Huyền Trân (tức là em gái của vua Trần Anh Tôn) cho vua Chế Mân. Từ đó các nhà nghiên cứu cho rằng Islam (Hồi giáo) đã có mặt trong hoàng gia Champa từ thế kỷ XIII (Maspero, 1928, p.13; Lương Ninh, 2004, p.100-101).
Hình 5. Hình minh họa, Raja Kembayat, đức vua Chế Mân, trong quyển "Bidasari and The Djinn" của Ninot Aziz. Chế Mân, vị vua ảnh hưởng Hồi giáo khi bang giao với thế giới Melayu, và kết hôn với công chúa Tapasi Majapahit (Indonesia).
Hình 6. Công chúa Tapasi Majapahit (Indonesia), thứ hậu của đức vua Chế Mân. Nguồn: Internet.
Hình 7. Huyền Trân công chúa là một công chúa Đại Việt, đời nhà Trần, con gái của vua Trần Nhân Tông là em gái vua Trần Anh Tông. Huyền Trân được gã cho đức vua Chế Mân. Nguồn: Internet.
Chế Bồng Nga - Cei Bunga (1360- 23/1/1390), Jaya R'Cam B'nga (Zainal Abidin) theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trong tài liệu Trung Hoa ngài có tên: Ngo-ta-Ngo-che là tên hiệu của vua thứ ba thuộc vương triều thứ 12 Vijaya. Chế Bồng Nga (vị vua Hồi giáo) là con trai út của vua Chế A Nan (Jaya Ananda). Sau khi Chế A Nan qua đời, con rể là Trà Hòa (Maha Sawa) giành được ngôi vua. Sau khi vua Trà Hòa mất, Chế Bồng Nga được quần thần tôn làm kế vương. Kế nhiệm là La Ngai (Jaya Simhavarman VI). Nhà Hán học người Pháp Georges Maspero trong cuốn La royaume de Champa (Vương quốc Champa) đã cho hay giai đoạn 1360-1390 dưới triều Chế Bồng Nga là giai đoạn cực thịnh trong lịch sử Champa. Các sử gia người Việt như Ngô Sĩ Liên cũng phải thừa nhận tài năng của Chế Bồng Nga là một vị vua kiệt xuất, có tài võ bị, trong thời gian cầm quyền đã đe dọa sự tồn vong của Đại Việt, bốn lần tiến vào Thăng Long và ông đã chấn hưng nhà nước Champa từ quốc gia suy đồi trở nên hùng mạnh. Chế Bồng Nga bị tử trận, chấm dứt một trang hùng sử. Trong vòng 30 năm, Chế Bồng Nga đã khôi phục những vùng đã mất từ hơn 300 năm trước đó (Bố Chánh, Địa Lý và Ma Linh bị mất năm 1069; châu Ô, châu Rí năm 1306).
Hình 8. Chế Bồng Nga (1360-1390) là vị vua Hồi giáo. Nguồn: Internet.
Hình 9. Chân dung Chế Bồng Nga (1360-1390) là vị vua Hồi giáo. Khi lên ngôi vua Chế Bồng Nga lấy niên hiệu là Sultan Zainal Abidin và cưới công chúa Siti Zubaidah Kelantan-Malaysia. Ảnh VTV1.
Siti Zubaidah là công chúa mỹ miều, được sự chiều chuộng của bao hoàng tử Kelantan-Malaysia, nhưng công chúa quyết định rời hoàng gia về sống chung với hoàng tử Champa là Sultan Zainal Abidin (Chế Bồng Nga). Truyện thơ được viết bằng tiếng Melayu dưới dạng chữ Jawi. Sau ngày cưới, Champa bị nước láng giềng tấn công khủng khiếp, và hoàng tử bị bắt đưa đi. Để cứu chồng mình, công chúa Siti Zubaidah vùng dậy đưa quân tấn công nước láng giềng và đưa chồng về quê hương trong sự chiến thắng huy hoàng. Vở kịch được phục dựng với diễn viên Tiara Jacquelina thủ vai chính và nam điện ảnh Halim Othman cùng với 120 diễn viên khác. Điều đáng chú ý là trang phục của nhân vật mang tính truyền thống Champa, như: Aw atah kalau tabaong, Khan ta-mbak di akaok, Talei mbak.
Hình 10. Nữ điện ảnh Tiara trong vai công chúa Siti Zubaidah là chính hậu của vua Chế Bồng Nga (Sultan Zainal Abidin).
Hình 11. Chế Bồng Nga, lên ngôi vua niên hiệu Hồi giáo: Sultan Zainal Abidin. Nguồn: VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam.
Có nhiều sử gia đặt câu hỏi: Chế Bồng Nga (Cei Bunga) có phải là Po Binnasuer (Po Binthuar) hay không?
- Theo E. Aymonier (Légendes historiques des Chams, in Excursions et Reconnaissances XIV-32, 1890, trang 165) có đặt câu hỏi: Cei Sak Birbangu, đọc ra có âm tương tự như Chế Bồng Nga, lúc đầu E. Aymonier đặt câu hỏi có chăng hai nhân vật này là một? nhưng về sau ông E. Aymonier khẳng định đây là hai nhân vật khác nhau.
- Theo Po Dharma, Chế Bồng Nga là người gốc Vijaya, cụm từ phiên âm từ Phạn ngữ = Sri + varman, danh xưng này thiếu một tiền tố, do đó người ta không đoán được ngài tên là Sri Inravarman? Hay Sri Jayavarman? lên ngôi vua từ năm 1360 đến1390. Sau ngay từ trần của Chế Bồng Nga vào năm 1390, thì tướng La Ngai là người nối ngôi vua Champa đóng đô ở Vijaya.
- Ngược lại, Po Binnasuer (Po Binthuar) là người gốc làng Aia Radak, Panduranga có bà hoàng hậu tên là Bia Soy. Ðền của Po Binnasuar và Bia Soy vẫn còn ở làng Bal Riya (Bính Nghĩa)-Ninh Thuận. Po Binnasuar lên ngôi từ năm 1316 đến 1361 hay 1328-1373 tùy theo dị bản. Sau ngày từ trần của Po Binnsuer, thì Po Parican là người nối ngôi ở Panduranga năm 1361 hay 1373.
- Theo biên niên sử Chăm, Po Binnasuer là vua thứ 10 của tiểu vương quốc Panduranga ở miền nam Champa, lên ngôi từ 1316 đến 1361 hay từ 1328 đến 1373 tùy theo dị bản.
- Theo tư liệu lưu trữ tại Pháp mang số hiệu CAM 151(14) và CM 13(3), Po Binnasuer sinh tại làng Aia Radak vào năm thìn (Ina garai), mồng 5 (klam) sau rằm vào ngày thứ bảy lịch Chăm. Khi qua đời, ngài được thờ theo Hồi giáo tôn hiệu là Cei Sak Bir Bangu. Ngài cũng được thờ phượng theo Yang với tôn hiệu là Po Var Palei Dhak Nagar Haniem Par.
Nguyên nhân sai lầm:
Dorohiem và Dohamide không phải nhà nghiên cứu và cũng có thể chưa đọc công trình nghiên cứu của E. Durand xuất bản vào năm 1905, nên hai ông viết bài khảo luận mang tên “Biên niên sử hoang đường của dân tộc Chăm” (Légendes historiques des Chams) của E. Aymonier thành "Biên niên sử liên bang Champa" lịch sử. Hơn nữa, Dorohiem và Dohamide còn tự kết luận rằng Chế Bồng Nga là Po Binthuer trong bài khảo luận. Nhưng theo lịch sử Chế Bồng Nga là vị vua liên bang Champa đóng đô ở Vijaya (1369-1390). Còn Po Binthuer gốc làng Bal Riya (Bính nghĩa) là vua của tiểu vương quốc Panduranga (1316-1361 hoặc 1328-1373, tùy theo dị bản). Sự sai lầm trong cuốn sách Dân Tộc Chàm Lược Sử của Dorohiem và Dohamide, sau này hàng loạt nhà nghiên cứu Việt Nam và giới trí thức Chăm sao chép lại sự sai lầm trong tác phẩm của Dorohiem và Dohamide.
Khẳng định rằng:
-Vua Chế Bồng Nga (Sultan Zainal Abidin hay Cei Bunga), lên ngôi (1360 - 23/1/1390), đóng đô Vijaya. Sau ngay từ trần của vua Chế Bồng Nga vào năm 1390, thì tướng La Ngai (Jaya Simhavarman VI), là người nối ngôi vua Champa đóng đô ở Vijaya năm1390-1400.
Hoàn toàn khác:
- Po Po Binnasuer (Po Binthuar), Hán văn tên: Bà Đính, lên ngôi từ 1316 đến 1361 hay từ 1328 đến 1373 tùy theo dị bản và đóng đô Panduranga. Sau ngày từ trần của Po Binnsuer, thì Po Parican (Bà Phát) là người nối ngôi ở Panduranga năm1373 - 1397.
Chermin và Champa, trong gia phả của hoàng thất Kelantan có nguồn gốc là người Champa. Khởi đầu từ ông Sayyid Hussein Jamadil Kubro, một vị học giả lớn và cũng là thành viên trong hoàng thất của đế chế Monggol ở Ấn Độ. Ông là con cháu của Thành Cát Tư Hãn, sau khi chiếm đóng Ấn Độ, tổ tiên ông đã cải sang Hồi giáo (Islam) sau đó kết hôn cùng các nhánh con cháu của Thiên sứ Muhammad (S.A.W). Ông di cư đến vùng Patani- Kelantan và trở thành nhà truyền giáo. Ông giữ vai trò khá lớn trong triều đình của vương quốc Chermin (phía Bắc Malaysia ngày nay). Sau khi kinh đô Jiddah của Chermin bị phá hủy bởi người Thái vào năm 1467. Hoàng gia Chermin vốn có mối giao hảo như anh em với Champa nên họ đã di cư hết về Champa để lánh nạn. Trong đó có ông Jamadil. Trước đó con của ông Jamadil là Ali Nurul Alam đã kết hôn cùng công chúa Champa có tên là putri Candra Wulan. Họ có một người con trai làm vua Champa sau này. Trong quá trình tị nạn tại Champa, mối giao hảo càng thêm khăn khít. Sau này người con trai của họ có tên là Sharif Abdullah Mahmud Umdituddin hay còn được biết đến với tên Wan Bố Trì Trì - Jayavarman Mafoungnan, ông đứng lên chống lại Đại Việt để giữ vững thành trì phía nam Champa. Ông làm vua Champa - Panduranga từ 1471 đến 1494. Con cháu của Wan Bố Trì Trì sau này trở lại vùng Kelantan - Patani để làm vua. Sau bao biến cố, vùng Patani đã bị mất hẳn về tay người Thái. Chỉ còn vùng Kelantan vẫn còn được trị vì bởi con cháu của Wan Bố Trì Trì.
Hình 12. Vua Champa xong trận. (Tranh qua Pinterest).
Sunan Ampel (1401-1481), tên thật là Sayyid Ali Rahmatullah, được sinh ra tại Champa (miền Trung Việt Nam). Là con của Maulana Malik Ibrahim "Sunan Gresik" và công chúa Champa. Năm 1433, Sunan Ampel được vua Champa phái sang đảo Jawa để thăm người dì Dwarawati, một công chúa Champa đã kết hôn với Kertawijaya, vua của Majapahit. Đồng thời Sunan Ampel cũng đi truyền bá Islam và cải đạo cho các tín đồ Hindu giáo tại đây. Sunan Ampel được lịch sử Indonesia nhắc đến như một vĩ nhân và là một người có công lớn trong việc truyền bá Islam vào Indonesia. Sunan Ampel là một trong chín vĩ nhân Hồi giáo ở Indonesia mà dân gian vẫn quen gọi là chín vị Walisongo. Sunan Ampel chết ở Demak vào năm 1481, nhưng được chôn cất tại Nhà thờ Hồi giáo Ampel.
Hình 13. Sunan Ampel (1401-1481), được vua Champa phái sang đảo Jawa truyền bá Islam và cải đạo cho các tín đồ Hindu (Balamon).
Maqom Putri Cempo (Makam Putri Champa - Lăng công chúa Champa) ở đảo Java, Indonesia. Lăng được biết là công chúa người Champa đến từ khu vực miền Trung Việt Nam. Công chúa Champa là một mắt xích trong việc truyền bá Islam đến Java, Đông Indonesia. Trên hòn đảo này có nhiều lăng công chúa Champa. Đó là những vị công chúa được vua Champa gả sang Majapahit (vương quốc ở đảo Java) để truyền bá Islam vào Indonesia. Khi các vị công chúa này mất được xây lăng cẩn thận và được người Indonesia chăm sóc và rất quý trọng. Lăng công chúa Champa được xác định năm mất là 1448.
Hình 14. Lăng mộ của Công chúa Champa, Đông Java.
Hình 15. Alasilah Raja-raja Kelantan Dari Ahlul Bait. (Gia phả vị vua hoàng gia Kelantan).
Triều đại XIV – Vijaja: Đại Việt Sử ký toàn thư, bản kỳ thực lục quyển 12, ghi người kế tục Trà Toàn (1460-1471) là tướng Bố Trì Trì. Theo Việt Nam sử lược, ghi người em Trà Toàn kế tục có tên là Trà Toại (1471-1474) (Trần Trọng kim, p.272). Vậy tướng Bố Trì Trì chính là Trà Toại (quân chủ cuối cùng của liên minh Champa). Sau khi Trà Toàn bị bắt, tướng Bố Trì Trì sang đất Phiên Lung (thuộc khu vực Panduranga), xưng tân vương Champa.
Nguồn gốc của tướng Bố Trì Trì, ông Sayyid Jumadil Kubro bin Sayyid Zainul Khusen, là người đã truyền bá Islam thành công nhất ở Đông Nam Á. Xuất thân từ hoàng tộc Monggol dòng máu của Đại Hãn, ông có mangg dòng máu trực hệ từ Rasullullah (S.A.W). Gia phả ông, ta có thể kể như sau: Sayyid Jumadil Kubro bin Sayyid Zainul Khusen bin Sayyid Zainul Kubro bin Sayyid Zainul Alam bin Sayyid Zainal Zainal Abidin bin Sayyid Khusen bin Siti Fatimah binti Rasulullah Muhammad SAW bin Abdullah bin Abdul Mutholib.
Hình 16. Bố Trì trì (vua Champa) niên hiệu: Sultan Wan Abu Abdullah vị vua Hồi giáo trong danh sách gia phả tại Kelantan-Malaysia (1471-1478). Ảnh nguồn: MediaWiki.
Ông Sayyid Jumadil Kubro bin Sayyid Zainul Khusen, có vợ người Champa và có con trai tên là Ali Nurul Alam. Ông là một quốc sư trong chiến tranh Malay- Thái, khi chiến tranh ác liệt, ông lánh nạn sang Champa. Ali Nurul Alam tiếp tục cưới công chúa Champa được đứa con trai tên Abu Abdullah Umdituddin. Năm 1471, sau khi vua Trà Toàn thất thủ Vijaya, Abu Abdullah, sử Việt gọi là Bố Trì Trì (Abu phiên âm Hán Việt là Bố). Xưng tân vương Champa từ vùng Panduranga. Bố Trì trì, trong danh sách gia phả tại Kelantan-Malay, mang tên Thánh là Sultan Wan Abu Abdullah/Wan Bo Tri Tri (1471-1478). Kể từ Abu Abdullah (Bố Trì Trì), con cháu của ông sau này có nhiều người tài giỏi như Sunan Ampel hay vua Nik Mustafa Bin Wan Muzaffar (Po Rome). Champa kể từ thế kỷ XV đã có ảnh hưởng Islam trong hoàng gia.
Theo J.P. Moquette về dòng chữ tại mộ của Maulana Ibrahim, xác định ông ta đến từ Kashan-Ba Tư (Iran ngày nay). Nhà nghiên cứu người Hà Lan Martin van Bruinessen mô tả Jumadil Kubro/Kubra, Malik Ibrahim là tín đồ của Kubrawiyyah. Ibrahim đến Java cùng với cha mình, Sayyid Jumadil Qubro hoặc Kubro và anh trai Maulana Ishaq, từ Ba Tư; họ là hậu duệ của Muhammad thông qua Hussein ibn Ali (Al-Husein ibn Ali ibn Abi Talib). Maulana Ibrahim hay tên đầy đủ là Makhdum Ibrahim As-Samarqandy. Người Jawa biết với tên Sunan Gresik hay Syekh Maghribi. Ông là con trai của Sayyid Jumadil Kubro, mẹ ông là người Champa và ông là anh của Ali Nurul Alam, tức chú ruột của vua Bố Trì Trì, trị vì vùng Panduranga vào năm 1471.
Hình 17. Maulana Malik Ibrahim "Sunan Gresik" Syeikh Jamadil Kubro. Vị truyền bá Islam nổi tiếng ở Champa.
Jumadil Kubro ở lại Java trong khi các con trai của ông ra nước ngoài vì dakwah: anh trai đi Pasai ở phía bắc Sumatra. Năm 1379, Ibrahim được cha đưa đến Champa để truyền giáo và phát triển Islam. Trong thời gian này, Ông kết hôn với công chúa Champa và đặt theo tiếng Indonesia là Dewi Candrawulan và có hai con trai. Năm 1392, sau 13 năm truyền giáo Islam ở Champa, Ibrahim trở lại Java (vợ con ở lại Champa). Xuất thân từ phả hệ Rasulallah S.A.W nên cả cuộc đời của ông giành trọn cho Islam. Ông là một trong 9 vị Walisongo của Indonesia được người Jawa suy tôn là những bậc tiền nhân đầu tiên có công truyền bá Islam ở Indonesia. Ở Champa, những dấu tích Islam đã bị xóa sạch sau khi Đại Việt chiếm Vijaya vào năm 1471.
Vijaya thất bại vào năm 1471, nhiều cư dân Champa lưu tán sang Malaysia, Indonesia, Thailand, Cambodia, ... và hầu hết người Chăm ở đây đều bỏ tôn giáo Hindu (Ấn giáo) để cải đạo sang Islam, sau đó quay về Champa truyền đạo cho cộng đồng Chăm. Từ đó Asulam có chỗ đứng chủ đạo trong thần dân Champa. Asulam Champa lúc bấy giờ ngoài tôn thờ Allah và tôn kính Thiên sứ Muhammad, còn ảnh hưởng nhiều điểm tương đồng với giáo phái Shia. Mặt khác, nhiều tư liệu văn học Champa và lịch sử chứng minh sự du nhập của Islam vào khu vực Ðông Nam Á từ trước, nhưng phát triển mạnh sau thế kỷ thứ XVI. Đặc biệt, Malaysia là quốc gia phát triển Islam phái Sunni mạnh nhất vào thời kỳ này. Kể từ đó, nhiều tín đồ Asulam Champa giao thương với thương thuyền Malaysia kéo theo sự giao lưu văn hóa và quan hệ đồng minh giữa hai nước.
Hình 18. Gia phả dòng tộc Islam Champa trong hoàng thất tại Kelantan - Malaysia.
Hình 19. Salasilah Kesultanan Islam Champa –Gia phả vua Islam tại Champa.
Công chúa Saadong, tên đầy đủ Puteri Saadong binti Raja Loyor, dòng máu Champa, tên Islam là Mariam là con gái của đức vua Sultan Adiluddin (Raja Loyor). Đức vua Adiluddin là con của Nik Jamaluddin (em trai vua Po Rome). Công chúa Sa'adong trở thành nữ hoàng nổi tiếng nhất trong lịch sử Kelantan từ năm 1663 đến năm 1667. Năm 15 tuổi, Puteri Saadong kết hôn với anh họ là đức vua Raja Abdullah bin al-Marhum Sultan Samiruddin, Raja of Kelantan-Selatan. Khi quân Siam (Thái Lan) đánh chiếm Kelantan, bà bị bắt và đồng ý làm vợ vua Naira để đổi lấy sự an toàn cho chồng là đức vua Abdullah. Khi Champa bị Đại Việt tấn công dưới thời Porome, đức vua Adiluddin đã cho quân chi viện từ Kelantan vào Champa để tiếp ứng đánh đuổi Đại Việt từ hai hướng. Hướng đất liền vượt dãy Trường Sơn vào Champa thành công. Hướng biển vào Panduranga bị bão đánh chìm gần hết.
Hình 20. Công chúa, nữ hoàng Saadong, Puteri Saadong binti Raja Loyor, tên Islam là Mariam, dòng máu Champa, là con gái của đức vua Sultan Adiluddin (Raja Loyor). Đức vua Adiluddin là con của Nik Jamaluddin (em trai vua Po Rome).
Hình 21. Gia phả của nữ hoàng Saadong, Puteri Saadong binti Raja Loyor, con gái của đức vua Sultan Adiluddin (Raja Loyor), đức vua diluddin là con của Nik Jamaluddin (em trai vua Po Rome). Nữ hoàng Saadong là cháu vua Po Rome.
Hình 22. Di tích thành Vijaya (Thành Đồ Bàn), nơi từng là Kinh đô của Champa. Nguồn ảnh: vietlandmarks.com
Hình 23. Bản đồ Champa thời Nhà Minh 1407-1427. (Chinese Ming occupation of Vietnam (1407 – 1427).
Theo Ts. Po Dharma, Champa là vương quốc đa chủng tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo. Trước thế kỷ thứ XV, dân tộc Champa thờ đa thần mang đậm sắc văn hóa Hindu. Sau thế kỷ thứ XV, dân tộc Champa tiếp nhận thêm một nền văn minh mới đó là Hồi Giáo (Islam).
Sakkarai Dak Rai Patao là biên niên sử duy nhất viết bằng Akhar Thrah Chăm liên quan đến lịch sử của tiểu vương quốc Panduranga, thì Po Kabrah, vị vua tôn sùng Hồi giáo, Po Kabrah là con của vua Po Kasit, lên ngôi năm Thìn, thoái vị năm Dần, trị vì 35 năm, đóng đô ở Biuh Bal Batsinâng (Hamu Linâng, phía sau làng Chăm Phú Nhuận, Phanrang). Theo Hán Việt thì Po Kabrah có tên là Bà Kế (1460-1494). Theo Ts. Po Dharma (1978), kể từ Po Kabrah (1448-1482/ 1460-1494), các vua chúa ở Panduranga đều theo Islam (Hồi giáo), những vẫn còn giữ một số nghi lễ hoàng gia. Po Rome (1627-1651) là một thí dụ điển hình. Khi từ trần, ngài được làm thủ tục trong thánh đường (Magik) trước khi làm thủ tục hỏa táng.
Champa và Malay có mối quan hệ thân thiết từ thế kỷ XV, đó là cuộc viếng thăm của vua Po Kabrah (1460 - 1494) đến Malaysia và việc ngài gả em gái là công chúa Po Sah Ina kết hôn với Po Haniim Per, người Islam gốc Malay (Po Dharma, 1999, p.5). Theo Ts. Po Dharma, thế kỷ thứ XV, công chúa Po Sah Ina là con của vua Po Kathit (1421-1448 hoặc là 1433-1460) tùy theo dị bản, có chồng người Hồi Giáo (Islam) tên là Po Haniim Per. Cuộc tình giữa công chúa Po Sah Ina gốc Balamon và Po Haniim Per gốc Islam (Hồi giáo) đã gây ra sự phản đối trong gia đình. Để giải quyết chuyện tình khó khăn này, Po Sah Ina rời bỏ cung đình ra khơi trên chiếc ghe buồm để xây dựng đền miếu làm nơi an nghỉ. Khi xây dựng xong, Po Sah Ina lấy cánh buồm của chiếc ghe vứt bỏ trong biển trước đền của Bia Anaih, tức là Po Sah Anaih (mũi Né, Phú Hài) để bà không còn có phương tiện trở về lục địa. Đây là tin tức trong văn bản Chăm mang mã số Cam Microfilm 1 (5), trang 54-70, bản chép tay do Trung Tâm Văn Hóa Chăm Phan Rang thực hiện vào năm 1974, hiện lưu trữ tại EFEO. Khẳng định, Po Sah Ina là công chúa của tiểu vương quốc Panduranga. Sau thế kỷ thứ XV, Champa chỉ nằm trong địa hạt của tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Nếu truyền thuyết cho rằng Po Sah Ina ra khơi để xây dựng đền làm nơi an nghĩ, thì người ta phải nghĩ đến đảo Phú Quý, một hòn đảo duy nhất đối diện với lục địa của Champa thời đó.
Tại xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý có một ngôi miếu cổ thờ Công chúa Bàn Tranh (Po Sah Ina), người dân địa phương gọi là miếu Bà Chúa. Ngày 28-1-2015, ngôi miếu được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Đảo Phú Quý là một trong những hòn đảo nằm ở cực Nam của vương quốc Champa. Đây là vị trí chiến lược quan trọng để bảo vệ vùng biển, kiểm soát các hoạt động tàu thuyền qua lại đặc biệt là các thương thuyền của các nước giao thương với Champa. Đây là địa bàn cư trú của người Chăm qua các thời kỳ thăng trầm của lịch sử. Hiện nay trên đảo còn lưu lại nhiều di tích của người Chăm như các ngôi mộ cổ, giếng nước cổ và đặc biệt là đền thờ Công chúa Bàn Tranh, một công chúa người Chăm. Đền thờ do người Chăm xây dựng vào cuối thế kỷ XV. Ngày nay người dân trên đảo Phú Quý đã tu sửa đền của bà và tôn vinh là đền thờ công chúa Bàn Tranh hay đền thờ Bà Chúa Xứ, tiếng Chăm là Po Sah Ina (vợ của Haniim Per – người Hồi giáo Islam).
Hình 24. Đền thờ Công chúa Bàn Tranh (Po Sah Ina) trước đây.
Hình 25. Đền thờ Công chúa Bàn Tranh (Po Sah Ina) hiện nay.
Po At (1553-1579), vị vua Hồi giáo (Islam), niên hiệu: Sultan Shafi'i Ibn Abu Khasim. Theo biên niên sử Champa Sakkarai dak rai patao thì Po At là cháu của Po Kunarai (1541-1553), lên ngôi năm Sửu, thoái vị năm Thỏ, trị vì 27 năm. Đầu tiên, ngài xây dinh riêng ở ngoài Biuh Bal Batsinâng (Hamu Linâng, phía sau làng Chăm Phú Nhuận, Phanrang). Ngài có một vương hậu Champa tên Bia Kati và một hoàng tử tên Cei Sak Malaow. Sau này ngài di chuyển vào Parik (Phan Rí). Theo Hán Việt thì Po At có tên là Bà Ất (1553-1579). Po At là vị vua cuối cùng của triều đại Po Mahosarak, nhưng vì hoàn cảnh lịch sử Champa nên những tài liệu chi tiết liên quan đến lịch sử của ngài ở trong cộng đồng Chăm rất ít người còn lưu trữ.
Trong lịch sử, vua Johor đang bị quân Bồ Đào Nha tấn công, vua Johor cầu cứu Po At với nội dung bức thư viết: "Johor đang bị quân Bồ Đào Nha tấn công, xin đức vua gửi quân đến yểm trợ càng nhanh càng tốt". Dấu ấn chì: Sultan Mahmud Shah. Đọc xong bức thư, đức vua Sultan Shafi'i liền ban lệnh khẩn. Các tướng soái và binh sĩ được triệu tập trong tư thế sẵng sàng chiến đấu. Ngài đã gửi một lực lượng gồm 400 thuyền chiến Champa sang giúp Sultan xứ Johor để tấn công quân Bồ Đào Nha ở Melaka. Kinh thành Johor đang chịu những đợt pháo kích bằng đại bác từ các chiến hạm Bồ Đào Nha ngoài khơi nên tình hình trong đất liền hết sức phức tạp. Đức vua Sultan Shafi'i của Champa không thể nào vào gặp Sultan Mahmud của Johor. Ngài liền cho các tàu chiến của mình dàn trận ngoài khơi trực tiếp đánh sáp lá cà các hạm đội Bồ Đào Nha. Sự xuất hiện của 400 tàu chiến Champa đã làm cho họ bối rối. Các chỉ huy hạm đội Bồ Đào Nha cũng hết sức tinh nhuệ và điều khiển binh lính ứng phó quân đội Champa.
Hình 26. Po At, cử 400 thuyền chiến sang Johor giúp vua Sultan Mahmud Shah, tấn công quân Bồ Đào Nha ở Melaka-Malaysia.
Hình 27. Po At, vị vua Hồi giáo được tín đồ Bani Awal xây Tháp năm 2018 tại palei Panet- Bình Thuận.
Po Klaong Mah Nai (1622-1627), vị vua theo Hồi giáo (Islam) và sùng bái Islam, niên hiệu: Po Mah Taha. Theo biên niên sử Champa Sakkarai dak rai patao thì Po Mah Taha, không liên hệ thân tộc với vương triều Po Klaong Halau. Lên ngôi năm Tuất, thoái vị năm Thỏ, trị vì 6 năm, đóng đô ở Bal Canar (thôn Tịnh Mỹ, Phan Rí). Theo Hán Việt thì Po Mah Taha có tên là Bà Khắc-lượng Như-lai (1622-1627).
Hình 28. Po Klaong Mah Nai (Po Mah Taha),1622-1627, vị vua sùng bái Hồi giáo (Islam).
Hiện nay đền thờ vua Po Klaong Mah Nai được xây dựng trên đồi cát gần Palei Pabah Rabaong (thôn Mai Lãnh, xã Phan Thanh) tiếp giáp thôn Lương Bình, xã Lương Sơn cách ủy ban huyện Bắc Bình khoảng 15km và thành phố Phan Thiết khoảng 50km.
Theo H. Parmentier (Monuments chams de l'Annam, Public. EFEO, Paris, tập 1, 1909, tr. 38), Po Klaong Mah Nai là tên gọi của vua Po Mah Taha (1622-1627), tức là cha rể của vua Po Rome (1627-1651). Đền của Po Klaong Mah Nai là nơi thờ phượng vua Po Mah Taha và vương phi Bia Som cùng với vợ thứ khác mà người Chăm vào thời điểm đó không biết là ai.
Ðền thờ vua Po Klaong Mah Nai đã bị cháy vào cuối thế kỷ XIX, sau đó người Chăm tiếp tục tu sửa lại để thờ phụng. Vào năm 1964, đền Po Klaong Mah Nai được trùng tu bởi tiểu đoàn 55 của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Năm 1993, đền Po Klaong Mah Nai được công nhận là di tích lịch sử và nghệ thuật quốc gia Việt Nam qua quyết định số 43/VH/QD ngày 7-1-1993. Trên bản bia chú thích trước cổng vào, Sở Văn hóa Bình Thuận ghi rằng Po Klaong Mah Nai là vị vua cuối cùng của vương quốc Champa. Đây là giả thuyết sai lầm. Vì Po Klaong Mah Nai hay Po Mah Taha là vị vua thứ 18 trong biên niên sử Chăm, người đã nhường ngôi lại cho vua Po Rome vào năm 1627. Vị vua cuối cùng của vương quốc Champa là Po Phaok The (1828-1832), chứ không phải là Po Klaong Mah Nai (1622-1627).
Hình 29. Đền thờ Po Klaong Mah Nai (Po Mah Taha) 1622-1627.
Trên tấm bia chú thích, Sở Văn hóa Bình Thuận ghi rằng phòng bên phải của đền này là nơi thờ bà Thứ Phi người Việt cùng với hai Kut, con của bà. Đây cũng là giả thuyết không thuyết phục. Cho đến hôm nay các tư liệu viết bằng chữ Chăm và người Chăm từ thời Pháp thuộc cho đến năm 1975 chỉ nói đến Po Klaong Mah Nai có Hoàng Hậu tên là Bia Som và có nhiều Thứ Phi khác nhưng không bao giờ nói đến Po Klaong Mah Nai có vợ Việt như Sở Văn hóa Bình Thuận nêu ra.
Hình 30. Po Bia Som, hoàng hậu Champa.
Quần thể kiến trúc đền thờ vua Po Klaong Mah Nai có 5 phòng thờ, 3 phòng chính ở phía sau gồm: phòng thờ Po Klaong Mah Nai ở giữa, phòng bên trái thờ Hoàng hậu người Chăm Po Bia Som và hai tượng kut con của bà. Bên phải là phòng thờ bà thứ phi và hai tượng Kut con của bà. Hai phòng phía trước là nơi chờ đợi, đặt lễ vật, chỉnh đốn trang phục trước khi thực hiện nghi lễ bên trong đền thờ
Tất cả các pho tượng ở đền Po Klaong Mah Nai được coi là những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật quý giá của nền điêu khắc cổ Champa. Tượng vua Po Klaong Mah Nai được tạc bằng một khối đá xanh với nghệ thuật điêu khắc tinh tế và độc đáo, pho tượng tả cảnh nhà vua đang ngự triều, đầu đội Vương miện oai nghiêm.
Hình 31. Kut trong quần thể Po Klaong Mah Nai.
Hằng năm, đồng bào Chăm tổ chức nhiều nghi lễ tại đền thờ này. Theo Sở Văn hóa tỉnh Bình Thuận, một số bảo vật của Po Kaong Mah Nai vẫn còn lưu trữ trong gia đình của công chúa Nguyễn Thị Thềm (Phan Rí), băng hà vào năm 1995. Nhưng đây cũng là giả thuyết cần xem xét lại. Vì rằng công chúa Nguyễn Thị Thềm chỉ là hậu duệ của triều đại Champa cuối cùng gốc dân tộc Chăm gồm có 3 đời vua do Gia Long và Minh Mệnh phong chức đó là Po Saong Nyung Ceng, tức là Nguyễn Văn Chấn (1799-1822), Po Klan Thu, tức là Nguyễn Văn Vĩnh (1822-1828) và Po Phaok The, tức là Nguyễn Văn Thừa (1828-1832). Chính vì nguyên nhân đó giải thích tại sao công chúa Nguyễn Thị Thềm không thể nào giữ những gia bảo thuộc về triều đại Po Klaong Mah Nai (1622-1627) thuộc dòng tộc Churu của vua Po Rome.
Hình 32. Một số bảo vật trong đền Po Mah Taha.
Trong triều đại của Po Mah Taha, một vị vua sùng bái Islam, do đó thần dân Chăm theo Islam tương đối mạnh. Trong quá trình du nhập Islam vào Champa lúc đầu gặp nhiều mâu thuẫn vì Champa đang cai trị bởi ảnh hưởng Hindu giáo. Sự xuất hiện Islam làm cho cộng đồng người Chăm bị phân hóa sâu sắc. Về văn hoá xã hội, Islam giáo du nhập vào Champa đem lại cho thần dân Champa một cuộc cách mạng về tư tưởng. Họ tin vào Thượng Đế, tin vào Đấng Allah, chứ không phải như trước họ tin vào “Vạn vật hữu linh”, vô số thần thánh chi phối cuộc sống sinh hoạt của con người. Từ đó, chủ nghĩa đa thần nhường chỗ cho chủ nghĩa độc thần và Allah tồn tại duy nhất trong tâm thức của mỗi người dân Champa.
Song song với những tác động có tính tích cực, quá trình Islam du nhập vào Champa cũng có những hậu quả hay những hạn chế nhất định. Islam vào Champa tuy không tranh chấp hay không xung đột lớn, mặc dù Islam đã được “mềm hóa”, nhưng giáo luật và một số quy định khắc nghiệt ít nhiều cũng ảnh hưởng đến đời sống tâm lí của người dân. Chính điều này đã được chính quyền phong kiến ở Champa sử dụng như một công cụ để cai trị, bắt buộc người dân, tín đồ phải trung thành với giai cấp thống trị. Trong giáo lí của Islam thường nêu cao thuyết tiền định để giáo dục người dân tin vào sứ mệnh, để mong điều hòa giai cấp, thủ tiêu tinh thần đấu tranh của quần chúng, chính điều này đã làm cho người dân cam chịu, an phận trong một trật tự xã hội mà không dám đấu tranh. Song song với những giáo luật hà khắc, cộng đồng Chăm cũng bị phân hóa và chia rẽ nhau giữa Chăm theo Hindu và Chăm theo Islam.
Giới thiệu ba tác phẩm nổi tiếng ở Champa trong thời kỳ này để mô tả quá trình truyền bá Islam vào Champa và minh chứng sự chia rẽ nhau giữa Chăm theo Hindu và Chăm theo Islam.
Akayet Um Marup, là một sử thi Champa, được sáng tác vào khoảng thế kỷ XVII, nội dung chủ yếu là truyền bá Islam vào xã hội Champa. Hoàng tử Um Marup là con trai của vua Harum Mak. Trong một lần vào rừng đi săn, Um Marup đã gặp Nabi (Muhammad- S.A.W), Po Ali (Sayyidina Ali), Abu Bakar, Umar, Salman, … được Po Ali thuyết phục cải đạo Islam để thờ phượng Thượng Đế duy nhất (Tuhan Esa- Po Hasa). Cuối cùng Um Marup quyết định rời khỏi ngai vàng để cải đạo từ Hindu sang Islam thờ phượng Đấng Allah. Nghe tin, Po Harum Mak hết sức giận dữ và cho rằng hoàng tử ngu muội đã chối bỏ tập quán truyền thống của tổ tiên. Bất chấp triều đình phản đối, Um Marup với sự giúp sức của Nabi đã nhiều lần chống đỡ sự tấn công của quân đội vua cha. Cuối cùng hoàng tử đã thua trận bởi đánh lén của ác quỷ Kai Glong. Linh hồn hoàng tử Um Marup được Nabi và các thiên thần mang đến với Allah. Kết thúc trận chiến, đức vua Harum Mak đã thua trận và quy hàng bởi sự chống trả của đạo quân Nabi, và cuối cùng đức vua cũng chấp nhận cải đạo sang Islam.
Hình 33. Hoàng tử Um Marup, người Champa đã cải đạo sang Islam (Hồi giáo), trong tác phẩm Akayet Um Marup viết bằng akhar Thrah vào thế kỷ 17. Nguồn ảnh: Internet.
Ariya Nai mai mang Makah, là một tác phẩm đề cập đến vấn đề lịch sử và xã hội Chăm được viết vào khoảng cuối thế kỷ XVII hay đầu thế kỷ XVIII, công chúa Malaysia theo đường biển đến Harek Kah Harek Dhei - Champa, nhằm mục đích truyền bá Islam (Hồi giáo chính thống). Trước tiên công chúa cần phải chinh phục trái tim của vị hoàng thân Champa gốc Awal để trở thành một người Islam. Trong thời gian ở Champa, công chúa Malay được hoàng thân Champa dẫn đi thăm nhiều địa danh ở Champa. Mặc dù rất yêu công chúa đến từ xứ Makah, nhưng vì xã hội Chăm lúc bấy giờ đang khủng hoảng về tôn giáo, nên Hoàng thân không vì tình yêu riêng mà quên đi vai trò lãnh đạo quốc gia. Hơn nữa công chúa Malay cũng không thể kết hôn khi Hoàng thân chưa thực sự cải đạo chính thống giáo, nên đành chấp nhận chia tay hoàng thân Champa và trở về Malaysia.
“Nai mai mang Makah,
blaoh takai nai deh, Harek Kah Harek Dhei,,”
Trích trong tác phẩm: Ariya nai mai mang Makah.
Hình 34. Nàng công chúa Hồi giáo (Islam) trong tác phẩm “ariya nai mai mang Makah”. Ăn vận với đầu đội Mahkota vàng nhiều họa tiết. Trang phục chính gồm ba tấm vải, một dùng làm váy, một để quấn ngực và một dùng để che vai khi ở trong phòng riêng, và kéo lên che đầu khi đi ra ngoài. Nguồn ảnh. Internet.
Ariya Cam-Bani, là tác phẩm văn vần gồm 118 câu thơ được viết bằng Akhar Thrah vào thế kỷ XIX, mô tả chuyện tình giữa cô gái Chăm Balamon và chàng trai Chăm Bani Awal yêu thương nhau. Do hai người không cùng tôn giáo, nên dư luận bàn tán xôn xao và cha mẹ bên cô gái ngăn cấm không cho con gái qua lại với chàng trai người Chăm Bani Awal. Hai người bất cần sự dị nghị của mọi người và luôn tìm đến nhau. Kết cục cô gái thường xuyên bị đánh đập, không chịu đựng nỗi nhục và chịu trút bỏ hơi thở cuối cùng.
“Adei ley amaik ama ké thau,
kau ciip ndua maluw, gep gan ra klao,,
gep gan ra klao tok hatai,
kau juak sa takai, tama Bini,,”
Trích trong tác phẩm: Ariya Cam-Bani.
Hình 35. Ariya Cam-Bani, tác phẩm viết bằng tiếng Pháp mang tựa đề: “Reproduction des manuscrits cam: Contes, légendes, épopées et textes versifiés”, ấn hành qua hệ thống CD Rom bởi Cục Bảo Tàng Quốc Gia Mã Lai và Viện Viễn Đông Pháp (EFEO) tại Kuala Lumpur vào năm 2003.
Po Rome (1627-1651), lên ngôi vua đóng đô ở Panduranga, hoàng hậu là bia Than Cih hay Sucih, Po Rome còn có thứ hậu là bia Than Can (người Rade hay người Kaho, có tượng thờ bên trong tháp Po Rome). Po Rome còn có tam hậu là bia Ut (Ut; Mal. Skt.Uttara: Phương Bắc). Bia Ut: nghĩa là công chúa phương Bắc, là Công nữ Ngọc Khoa con gái thứ ba của chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
Po Rome chính thức là người có danh phận là thành viên của dòng dõi vương triều theo Asulam tại Malay. Biên niên sử Malay ghi lại Khi Po Rome ở Makkah (Serembi Makkah, tức là tiểu vương quốc Kelatan-Malaysia). Tại đây, Po Rome kết hôn với công chúa Asulam, chính thức mang tên Thánh Nik Mustafa, tên đầy đủ là: Nik Mustafa Bin Wan Abul Muzaffar Waliyullah. Vua trị vì tại tiểu vương quốc Kelantan hôm nay là dòng giỏi của vua Po Rome. Po Rome còn có ba phu nhân khác nữa, đó là bia Laku Makam, bia Hatri và bia Sumut. Một số tài liệu về truyền thuyết Po Rome có ghi một câu: Bia Sumut tok Cam di Kut. Dựa vào thành ngữ này, người Chăm cho rằng Bia Sumut là công chúa gốc Hồi Giáo.
Hình 36. Vua Po Rome, niên hiệu: Nik Mustafa Bin Wan Abul Muzaffar Waliyullah. Dòng dõi vương triều theo Asulam tại Serembi Makkah, tức là tiểu vương quốc Kelatan-Malaysia. Ảnh: Internet.
Trong thời gian ở Kelantan, Nik Mustafa (Po Rome) là vị vua Asulam là người am hiểu tinh thông Thiên kinh Koran, giáo lý và triết lý Islam. Thời kỳ này, Asulam phát triển cực mạnh và hưng thịnh ở Panduranga - Champa. Qua nhiều biến cố của lịch sử cũng như tình hình xung đột tôn giáo ngày càng trầm trọng trong cộng đồng người Chăm, theo các nghiên cứu Tây Phương vào thế kỷ 17, vị vua Po Rome (1627-1651) đã giải quyết, hóa giải vấn đề dân tộc, tôn giáo bằng cách đưa người Chăm Hindu cải đạo một phần sang Asulam gọi là Ahier. Nghĩa là Chăm Ahier phải thờ phượng thêm Allah như một Đấng Tối Cao, (ngoài việc thờ phượng yang thần, vua Champa, …). Còn tín đồ Islam lúc đó cũng có một tên gọi mới theo thuật ngữ là “Awal”.
Cuộc đời và sự nghiệp của Po Rome là một câu chuyện vừa bi, vừa tráng cũng vừa hùng. Tuy nhiên, dù như thế nào thì vua Po Rome là một vị vua hết lòng vì dân vì nước. Đặc biệt là vị vua được thần dân Champa tôn thờ sau khi tử trận. Nhưng cái chết của vua Po Rome, nhiều tài liệu đã ghi chép không hợp lý. Theo truyền miệng, vua Po Rome bị bắt trong trận chiến, ngài bị nhốt vào rọ, bỏ đói bỏ khát trên đường đưa về Huế và ngài đã tự tử. Theo Dohamide-Dorohiem, E. Aymonier, Quyến, … vua Po Rome thua trận và bị bắt nhốt trong cũi sắt. Khi ông chết đi, thi hài được đưa vào thánh đường làm thủ tục Hồi giáo (Chăm Awal) và sau đó được hỏa táng theo tập tục Chăm Ahier. Theo G. Moussay và Po Dharma, khẳng định tờ báo viết bằng chữ Bồ Đào Nha của nhà truyền giáo gốc người Bồ Đào Nha đến Việt Nam viết, thì vua Po Rome bị bắt đưa ra Phú Xuân. Điều đặt ra, chắc chắn triều đình Huế sẽ tử hình thì còn đâu thi hài Po Rome để đưa vào Magik hay hỏa táng theo tục Hindu. Có chăng thần dân Champa chỉ thực hiện các thủ tục cho ngài mà thôi.
Theo nhiều tư liệu, hoàng hậu (bia Than Cih hay Sucih) là chính hậu của vua Po Rome (1627-1651) vị vua Asulam (Hồi giáo). Bia Sucih là một tín đồ Asulam, con gái vua Po Mah Taha (1622-1627).
Theo sử Chăm, sau khi từ trần, Po Rome được Hoàng gia Champa đưa làm lễ trong Thánh đường (Masjid- Magik) hoàn tất theo thủ tục Asulam. Sau đó, ông cũng được hoàn thành một nghi thức hỏa táng dành cho vị vua mà tín đồ Ahier thờ phượng. Theo truyền thuyết Chăm, thực hiện nghi thức hỏa táng cho Po Rome, Bia Sucih không chịu hỏa táng theo chồng, triều đình Champa thời đó xây một đền nhỏ phía sau tháp Po Rome để thờ phượng và khắc lên tượng ngực Bà với dòng chữ bằng Akhar Thrah mà bản dập còn lưu trữ tại Pháp: “Đây là cốt truyện của Bia Sucih, nhân vật đáng kính trong vương quốc. Vì không lên giàn hỏa theo chồng nên khắc lên ngực Bia Sucih”, điều này đã chứng minh rằng tượng Bia Sucih ở sau tháp Po Rome tên là Bia Sucih hay Than Cih. Từ nhận định trên, khẳng định Bia Sucih không chấp nhận hỏa táng vì Bia Sucih là tín đồ Asulam, nên chỉ chấp nhận thổ táng theo Awal (Hồi giáo).
Po Rome (Sultan Abdul Hamid Shah Bin Syarif Wan Abu Muzaffar Bin Syarif Wan Abdullah Umdatuddin). Ông cưới nhiều vợ, riêng người vợ công chúa Kelantan có ba người con trai đều theo Islam chính thống giáo.
Con trai cả của Nik Mustafa (Po Rome) là Sultan Nik Ibrahim Bin Nik Mustafa, mà người Champa thường gọi là Po Nrop (Datu Kelantan 1634-1637; Raja Campa 1637-1684). Đã từng làm tướng soái tại Kelantan, sau này về Champa làm vua kế vị Po Rome. Theo biên niên sử Champa Sakkarai dak rai patao thì Po Nrop là em trai Po Rome lên ngôi năm Thìn và thoái vị năm Tỵ, trị vì một năm, đóng đô ở Bal Canar (Tịnh Mỹ, Parik). Theo Hán Việt thì Po Nrop có tên là Bà Thấm (1651-1653). Năm 1653, Chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần hay Nguyễn Thái Tông, tước hiệu Dương Quận Công là vị chúa Nguyễn thứ tư của chính quyền Đàng Trong) đưa quân sang đánh và hạ được thành, Po Nrop thất bại và chạy sang Kampuchia , sau đó quay sang vùng Châu Đốc sau sự kiện vua Nặc Ông Chăn cải đạo sang Islam và bị hoàng thất Khmer giết hại. Po Nrop (Bà Thấm), chính là ông tổ của người Chăm ở Châu Giang, Châu Đốc ngày nay.
Hình 37. Ngôi đền Po Nraop tọa lạc tại thôn Tuy Tịnh 2, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong.
Con trai thứ hai của Nik Mustafa (Po Rome) là Nik Badrus- Salam Bin Nik Mustafa, vị hoàng tử thứ hai chính là ông tổ của các đời vua ở Kelantan-Malaysia, ông kết hôn cùng hoàng thất Kelantan, các vị vua ở Kelantan ngày nay là dòng dõi của vị hoàng tử này.
Con trai thứ ba của Nik Mustafa (Po Rome) là Nik Ali Bin Nik Mustafa, ông cưới hoàng thất Pattani (vương quốc Malay ở miền nam Thái Lan) và giữ chức thống soái quân đội của triều đình Pattani, sau khi Pattani bị người Thái xâm chiếm, gia đình hoàng thất ly tán.
Nhưng dòng họ "Nik" vẫn còn ở Pattani. Những người con Champa thật sự đáng tự hào với dòng máu từ Nabi Ibrahim cùng Siti Qaturah. Đó là dòng máu trực hệ từ thiên sứ của chúng ta, thiên sứ Muhammad (S.A.W).
Hình 38. Keris (Kris) chạm vàng của người Chăm, do Nguyễn Lữ, anh em Nhà Tây Sơn tặng bà chúa Hỏa là thủ lĩnh người Chăm xứ Hỏa (khu vực miền núi thuộc tây nam Phú Yên kéo dài đến Kon Tum, Tây Nguyên ngày nay). Nguồn ảnh: Internet.
Cei Brei (1783-1786), vị vua Hồi giáo. Theo biên niên sử Champa Sakkarai dak rai patao thì Cei Brei là con của vua Po Tisuntiraydapaghoh, nhận tấn phong của Nguyễn Nhạc (Tây Sơn) vào năm Thỏ với chức tấn phong là Ceng (Chưởng Cơ), trị vì 4 năm và thoái vị năm Ngọ. Trong suốt 30 năm binh đao giữa quân Nguyễn Ánh và Tây Sơn, Po Cei Brei một thời gian ẩn náu ở vùng đất Đồng Nai Thượng, phải từ bỏ vai trò lãnh đạo và dẫn theo những người trung thành tìm đường sang Cao Miên vào năm 1795-1796 và định cư tại Roka Po Pram thuộc tỉnh Thbang Khmum, tức Kompong Cham, nơi sinh hoạt thường xuyên của người Chăm Malay theo Hồi giáo. Đây không phải lần đầu tiên mà người Champa sang Kampuchia, vì trước đó có các cuộc di cư vào năm 1471, 1692 và cuộc di dân sau năm 1835. Sau đó ông ta về định cư vĩnh viễn tại vùng Rong Damrei (sau này trở thành Tây Ninh) vào năm 1812, như hai bản văn viết bằng tiếng Chăm: Cam 37 và Cam 39 (38) thường nhắc đến. Tại Châu Đốc, người Melayu Champa tiếp tục hỗn cư với người Malay và trong khoản cuối thế kỉ 18 đến đầu thế kỉ 20. Vùng Châu Giang của Châu Đốc vẫn còn rất nhiều người Malay từ Tereangganu và Kelantan vượt biển rồi xuôi theo sông Hậu đến định cư. Người Chăm và người Malay lại tiếp tục hoà huyết và tạo nên một bản sắc rất riêng cho người Chăm ở vùng Nam Bộ và Vua Cei Brei được xem như là ông tổ của người Chăm ở Kampuchia và Nam Bộ Việt Nam ngày nay.
Hình 39. Po Cei Brei, vị vua Hồi giáo, trong suốt 30 năm binh đao giữa quân Nguyễn Ánh và Tây Sơn, Po Cei Brei sang ẩn náu tại Kompong Cham, sau đó về định cư tại Tây Ninh. Ảnh: Internet.
Tuan Phaow (1796-1797), là một đề tài nghiên cứu dựa trên tác phẩm Ariya Tuan Phaow, nhằm ghi lại giai đoạn đấu tranh của nhân dân Champa. Tuan Phaow, một vị công hầu đến từ Malaysia, mà biên niên sử Việt Nam gọi là Tuần Phủ (Po Dharma, 1987, II:74). Thế kỷ XVIII, xứ Panduranga-Champa bị chìm đắm trong một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng, bắt nguồn từ sự xung đột vào năm 1771 giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Panduranga-Champa bị cuốn vào cuộc chiến giữa hai thế lực thù địch mà chẳng liên quan gì đến Champa. Nhằm tiêu diệt đối phương và chiếm cứ đất đai, hai bên tham chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh trước hết phải chiếm đất Champa để làm căn cứ quân sự và tàn sát dân địa phương. Tuan Phaow đến Panduranga với đội quân khá hùng hậu gồm người Chăm Campuchia (Chăm Baruw – Islam), những người Jawa Kur (người Malay ở Cao miên, câu thơ 8, 47), và một số quan lại Khmer (câu 23), những người này chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất mang áo chiến trận màu trắng (câu 45), nhóm thứ hai mang áo bộ quần và khăn quấn đầu nhuộm đen (câu 48). Đối với người Chăm, chắc chắn họ là người Malay đến từ Cao Miên (Câu 47). Để thực hiện mục tiêu đã định, Tuan Phaow dựa vào những binh lính đến từ Cao Miên và lực lượng đấu tranh địa phương (câu 5). Những quân lính tộc người Churu, Raglai và Kahaow (câu 37) tức là sắc dân miền núi sống ở phía Tây Panduranga. Sự tuyên truyền tích cực của Tuan Phaow thường mang tính chất lý luận tôn giáo. Nghĩa là ông ta khoe sức mạnh siêu nhân ngang hàng với thánh Hồi Giáo như Mahammad và Ali (Câu 7), nhận lệnh từ Đấng Allah đến Panduranga để giải phóng Champa khỏi sự thống trị của triều đình Huế (câu 14). Mặc dù lời tuyên truyền đầy màu sắc tôn giáo, nhưng Tuan Phaow không có ý đồ đưa phong trào giải phóng Panduranga trở thành cuộc “Thánh chiến Hồi giáo”. Qua đây cho thấy Hồi Giáo có khả năng kêu gọi một cuộc tập hợp chung. Cuộc nổi dậy của Tuan Phaow ở Panduranga vào cuối thế kỷ XVIII, đã chứng minh rằng sự vùng dậy này có sự tham gia rất tích cực của người Malay và người Chăm từ Kampuchia cũng như các sắc dân Churu, Raglai và Kahaow ở khu vực Đồng Nai Thượng nhằm khôi phục lại nền độc lập Champa.
Hình 40. Vua Minh Mệnh, đàn áp và tàn sát nhân dân Champa. nguồn ảnh: Internet.
Katip Sumat (1833 - 1834), là vị học sĩ Chăm Islam sinh ở Kampuchia sang Serembi Mekah (tiểu vương quốc Kelantan, Malaysia) du học về triết lý Hồi Giáo. Ông là một người rất tinh thông về Thiên kinh Koran và người Chăm tôn sùng như một vị siêu nhân về quyền năng mầu nhiệm. Năm 1832 đánh dấu năm từ trần của Lê Văn Duyệt, tổng trấn Gia Định Thành. Lợi dụng cơ hội này, vua Minh Mệnh xua quân chinh phạt và thống trị toàn bộ lãnh thổ Champa sau đó xóa bỏ danh xưng của vương quốc này ra khỏi bản đồ thế giới, tiếp tục thực hiện chính sách hà khắc như lao động khổ sai, thuế nặng, chính sách đồng hóa xóa bỏ nhiều luật tục, chà đạp tôn giáo, tín ngưỡng của thần dân Champa, … Do đó, nhân dân Champa đã vùng dậy chống lại kẻ xâm lược nhằm giải phóng vương quốc Champa khỏi ách thống trị của Minh Mệnh. Năm 1833, Katip Sumat về Panduranga chiêu mộ quân làm cuộc Thánh chiến (Jihad - Jihak) lấy học thuyết Islam làm nền tảng và Đức Tin tôn giáo làm ý chí đấu tranh chống triều đình Huế. Đoàn người Malay theo Katip Sumat không chỉ bao gồm các tình nguyện viên. Người ta tin rằng họ được gửi đến bởi Sultan Muhamad I của Kelantan (1800-1837), là người đã tập hợp một đội quân đi cùng Katip Sumat tới Champa. Theo Ts. Po Dharma, các yếu tố cơ bản là sự thừa nhận của Sultan rằng ông và nhà cai trị của Champa đã chia sẻ cùng dòng dõi (hậu duệ của vua Po Rome) và nhu cầu duy trì sự thống nhất Hồi giáo. Phong trào đấu tranh của Katip Sumat đặt khu trung tâm chỉ đạo và điều hành ở trên hòn núi Con Công (Aih Amrak) ở Ðồng Nai. Phong trào được sự ủng hộ đông đảo của các thần dân Champa, đặc biệt có một số nhân vật quan trọng như cựu quốc vương Po Phaok The, Po Nyi Liang, Po Ling, Po Ceng, Katip Ja Thak Wa và nhiều tướng lĩnh khác. Cuộc khởi nghĩa phất cờ với tên gọi là “Po Rasak” tức “Allahu akbar”, các tướng lĩnh được phân công như Tuan Lik quyền chỉ huy vùng Phan Rí; Kuac Riwa quyền chỉ huy vùng Long Hương và Katip Ja Thak Wa quyền chỉ huy vùng Phan Rang. Cuộc khởi nghĩa đã thất bại và Katip Sumat cho lui quân về miền rừng núi ở Đồng Nai Thượng. Vì rằng vua Minh Mệnh đã điều động đội binh hùng hậu và thực hiện kế sách “chiến trường đỏ lửa”, đốt phá tất cả làng mạc người Chăm đặc biệt là các làng người Chăm chạy dọc theo bờ biển. Tiếp đó, binh lính của triều đình Huế tha hồ giết hại người Chăm và thần dân Champa một cách vô tội vạ.
Katip Ja Thak Wa (1834-1835), trước biến cố về chính sách thảm sát dã man của vua Minh Mệnh, Katip Ja Thak Wa, người Chăm Hồi giáo một nhân vật quan trọng trong triều đình Champa, có quan hệ mật thiết với Hồi giáo (Islam), đã từng tham gia chỉ huy trong phong trào Katip Sumat và đứng ra lãnh đạo nhân dân Champa, tổ chức mật trận chống triều đình vua Minh Mệnh vào năm 1834. Trước hết, Ja Thak Wa thành lập một chính phủ Champa lâm thời trên lãnh thổ Champa (Ninh Thuận và Bình Thuận) và Kauthara (Khánh Hòa). Sau đó, triệu tập một hội đồng Champa để tôn vinh Po War Palei làm quốc vương Champa với chức phong là Po Patrai (quốc vương). Po War Palei là gốc người Raglai thuộc làng Cadang, là em rể của phó vương Po Dhar Kaok (Nguyễn Văn Nguyên). Ja Thak Wa còn chỉ định một nhân vật gốc Churu làm thái tử Champa mang chức phong Yang Harei (hoàng tử mặt trời). Một nhân vật gốc Chăm là Ja Yok Ai mang danh hiệu Panraong Sa-ai, làm đại tướng đặt trách về quân sự và phong chức cho những quan lại khác. Trong cuộc chiến, Ja Thak Wa đứng ra điều hành trực tiếp phong trào và kêu gọi sự yểm trợ của các dân tộc miền núi như Churu, Raglai, Kaho, … vận động quần chúng Chăm phải tham gia tích cực vào phong trào đấu tranh nhằm khôi phục lại vương quốc Champa độc lập. Tháng 7 Chăm lịch (1834) cuộc chiến bắt đầu vô cùng khốc liệt, tất cả làng palei Chăm đã bị lửa thiêng (Apuei Kadhir) thiêu rụi, dân chúng Champa khiếp vía trước chính sách trừng trị của triều đình Huế nhầm ngăn chận những ai theo Ja Thak Wa. Tháng 10 năm Ngọ Chăm lịch, Ja Thak Wa ra lệnh cho chiến sĩ Churu và Raglai trừng trị thẳng tay những người Chăm không tham gia phong trào kháng chiến. Đầu năm Ất Vị (1835), phong trào Ja Thak Wa đã giành thắng lợi to lớn, vì quân đội của triều đình Huế đã rút khỏi các huyện An Phước, Hòa Ða, Tuy Tịnh và xung quanh phủ Bình Thuận. Toàn bộ lãnh thổ Champa đã được Katip Ja Thak Wa nắm giữ. Nhằm dập tan cuộc khởi nghĩa của Ja Thak Wa, vua Minh Mệnh lúc đầu ra chỉ dụ thưởng ba quan tiền mang phù hiệu “phi long” cho những ai giết được một quân phiến loạn hay bắt được một thành viên ủng hộ Ja Thak Wa. Sau đó Minh Mệnh ra lệnh mỗi binh lính người Kinh ở phủ Bình Thuận phải chặt “ba cái đầu” của người Chăm vào mỗi buổi sáng mới nhận được tiền lương. Từ đó, binh lính của triều đình Huế tha hồ chém giết người dân Chăm vô tội để được nhận tiền thưởng. Tháng 6 năm Ất Vị (1835) lực lượng của Ja Thak Wa tiếp tục tấn công khu vực Hòa Thuận và Long Bàn, sau đó rút lui về mật khu. Tháng 7 năm Ât Vị (1835), thành Phiên An ở Gia Ðịnh, nơi trú ẩn cuối cùng của Lê Văn Khôi đã bị thất thủ, đánh dấu cho sự tàn rụi của cuộc khởi nghĩa ở 6 tỉnh miền Nam. Kể từ đó Minh Mệnh làm chủ phía Nam của vương quốc Việt Nam và tiếp tục trừng trị dân tộc Chăm và thần dân Champa đã tham gia vào các phong trào của Katip Sumat và Katip Ja Thak Wa.
Hình 41. Katip Sumat, cuộc khởi nghĩa thánh chiến (Jihad-Jihak) chống Minh Mệnh, dưới ngọn cờ “Allahu Akbar”. Ảnh: Internet.
Kết thúc cuộc nổi dậy năm 1835, sự liên kết của Chăm với thế giới bên ngoài cũng giảm đi đáng kể. Tình hình này tiếp diễn cho đến nửa sau của thế kỷ 19, khi Bình Thuận và năm tỉnh khác ở miền Nam đã được nhà Nguyễn trao lại cho người Pháp vào cuối cuộc chiến Pháp - Việt năm 1858-1861. Sự xuất hiện của thuộc địa Pháp tại Việt Nam thực sự đã kết thúc những cố gắng của nhà Nguyễn muốn quét sạch người Chăm. Sự phân hủy bộ máy hành chính của nhà Nguyễn khi đối mặt với sự kiểm soát mạnh mẽ của Pháp ở các tỉnh đã cho thấy sự khởi đầu của những khát vọng khôi phục bản sắc của người Chăm xưa. Những nỗ lực để thiết lập lại mối liên kết truyền thống với thế giới bên ngoài, bao gồm cả những tiểu bang của Malay, đóng một vai trò quan trọng. Điều này được thể hiện qua các báo cáo của các giáo sư tôn giáo (ulama) từ bán đảo Malay đã thường xuyên đến vùng đất Champa trước đây trong những năm cuối của thế kỷ 19 và những thập kỷ đầu của thế kỷ 20. Giống như những người tiền nhiệm của họ, nhiều người trong số những du khách đó ở lại lâu dài ở Champa cũng như trong số những người Chăm ở Kampuchia. Họ kết hôn với người Chăm và sinh con. Một số trong những gia đình này vẫn còn ở Champa và Kampuchia, củng cố các mối quan hệ đã được thiết lập trong những thế kỷ trước đó. (trích từ Quan hệ Việt Nam-Champa và mạng lưới khu vực Malay và Hồi giáo trong các thế kỷ 17-19) bởi Danny Wong Tze Ken.
Hình 42. Etienne Aymonier (Po Pareng) người có công bảo vệ thần dân Champa khỏi bị diệt vong hoàn toàn bởi triều Nguyễn.
Thiếu Tướng Les Kosem - Haji Les Kosem (bí danh Po Nagar), sinh ngày 27-3-1927 tại Kompong Cham, người Kampuchia Islam (Khmer Islam) gốc Chăm. Ông là sĩ quan quân đội Kampuchia có vai trò quan trọng trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai và những cuộc nội chiến ở Kampuchia. Là lãnh tụ phong trào Fulro, một nhân vật đấu tranh nhằm giải phóng dân tộc Champa bị áp bức, đã từng đóng vai trò quan trọng trên bàn cờ chính trị Đông Dương vào những năm 1964-1975. Les Kosem là nhân vật rất thân cận với hoàng thân Norodom Sihanouk, vị tướng lãnh có quyền lực trong quân đội Kampuchia và cơ quan tình báo của vương quốc này. Với vai trò đó, Les Kosem đã thành công trong việc xây dựng một mặt trận đấu tranh vũ trang Fulro dưới lá cờ của Mặt Trận Giải Phóng Cao Nguyên Champa bằng cách gây áp lực với chính quyền Sài Gòn để giải quyết vấn đề dân tộc Tây Nguyên và Chăm. Trước áp lực của Fulro, chính quyền Sài Gòn đã ban hành nhiều đạo luật đặc biệt về đất đai, kinh tế, xã hội, giáo dục, … dành cho dân tộc thiểu số và hình thành một đơn vị hành chánh cao nhất trong nội các Việt Nam Cộng Hòa, đó là Bộ Phát Triển Sắc Tộc đặc dưới sự điều hành của Bộ Trưởng Sắc Tộc gốc người thiểu số.
Hình 43. Thiếu Tướng Les Kosem – Haji Les Kosem (Po Nagar) sinh ngày 27-3-1927 tại Kompong Cham, người Kampuchia gốc Chăm (Bani Islam). Ông là sĩ quan quân đội Kampuchia có vai trò quan trọng trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai và những cuộc nội chiến ở Kampuchia.
Pgs.Ts. Mohamad Zain Musa, là người Kampuchia gốc Chăm sinh ra tại Kampuchia, sinh sống và làm việc tại Malaysia. Đã từng học tại EFEO (Viện Viễn Đông Pháp) và Malaysia. Ông làm việc tại Viện: Institute Alam dan Tamadun Melayu (ATMA) và Đại học: Universiti Kebangsaan Malaysia (UKM). Là người có công giúp đở người Chăm Kampuchia sang Malaysia làm việc và sinh sống. Ông nghiên cứu nhiều đề tài liên quan văn hóa và tôn giáo của người Champa. Giới thiệu quyển: “Chăm Malay thế kỷ 19: Những cuộc khởi nghĩa và lưu vong”. Quyển sách dựa trên văn bản sử liệu Champa mang ký hiệu CM 39 (36) để tái hiện lại giai đoạn lịch sử Champa ở thế kỷ 19, giai đoạn mà Minh Mệnh xóa sổ Panduranga (1832) và sự lưu vong của hoàng thất cũng như nhân dân Champa trên đất Kampuchia và Nam Bộ Việt Nam.
Hình 44. Pgs.Ts. Mohamad Zain Musa (giữa) và hai vị Muslim.
Hình 45. Pgs.Ts. Mohamad Zain Musa, tín đồ Chăm Islam tại Malaysia.
Ts. Putra Podam là người gốc Chăm, Bani Awal (Hồi giáo) tại Panduranga (Bình Thuận-Việt Nam). Từng sinh sống và 25 năm làm giảng viên Đại học Tây Nguyên (Buôn Ama Thuột-Daklak). Năm 1999, ông học thạc sĩ tại trường đại học khoa học tự nhiên Hà Nội, chuyên ngành Khoa học Công nghệ.
Hình 46. Ts. Putra Podam, người Chăm Awal - Hồi giáo (Agama Awal). Ảnh tảo mộ Gahul tại Bình Minh-Bình Thuận.
Năm 2002, Putra Podam sang Thái Lan học thạc sĩ tại (Master) tại Viện Công nghệ Châu Á - Thái Lan (Asian Institute of Technology - AIT), chuyên ngành Công nghệ Thông tin. Trong thời gian này, Putra Podam tiếp xúc nhiều người Chăm có địa vị tại Thailand, Kapuchea, Malaysia, …Đặc biệt đã từng làm việc với Pgs. Po Dharma, Pgs. Mohamad Zain Musa, cha đạo G. Moussay người Pháp và một số giáo sư tại Malaysia. Tại Thailand, Putra Podam cũng tiếp xúc nhiều tín đồ và học giả người Hồi giáo (Islam), và đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu và trau dồi kiến thức về Hồi giáo.
Hình 47. Ts. Putra Podam (giữa) thăm các em Chăm Nam Bộ, học Agama ở Kur (Campuchea), năm 2002.
Năm 2003, Putra Podam sang Bỉ và Hà Lan tham gia sinh hoạt “Dân chủ và Nhân quyền”. Trong thời gian này, Putra Podam thường gặp một số thành viên tại Thái Lan, đấu tranh cho Nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Hình 48. Ts. Putra Podam, nhóm đấu tranh nhân quyền tại Hà Lan.
Năm 2004, Putra Podam qua Ý, Pháp một năm, trong thời gian này Putra Podam được đi nhiều nước Châu Âu, … ở Pháp gặp Pgs. Po Dharma và một số Giáo sư tại Viện EFEO, G. Moussay, Phu nhân P-B. Lafont, … và một số chính khách đảng Cộng hòa.
Hình 49. Ts. Putra Podam và G. Moussay tại Paris-Pháp.
Đến năm 2011, Putra Podam sang nghiên cứu sinh (Tiến sĩ) tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), chuyển sang học Tiến sĩ chuyên đề hai tại Đại học Công Nghệ Malaysia (Universiti Teknologi Malaysia - UTM). Năm 2012, ông được Đảng ủy ngoài nước Đại Sứ Quán Việt Nam tại Malaysia kết nạp Đảng Cộng Sản và giữ vị trí phó Bí thư, Bí thư Chi Bộ tại tiểu bang Johor. Từ đây, ông được bầu làm trưởng Ban người Việt từ năm 20012 đến 2017, đóng góp nhiều chương trình và phong trào có ý nghĩa của Đại Sứ Quán Việt Nam tại Malaysia. Cuối năm 2019, Putra Podam chính thức rút khỏi sinh hoạt Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Hình 50. Ts. Putra Podam (áo Vest)- Đại sứ Phạm Cao Phong (giữa) tại sân bay Malaysia.
Trong thời gian ở Malaysia, Putra Podam gặp nhiều sinh viên Chăm theo học Agama và người Chăm sinh sống tại đây như gia đình Abdul Karim, Gs. Mohamad Zain Musa, Gs. Ahmad Fauzi Ismai, Gs. Mohammad Bin Bilal Ali, … Tiếp xúc nhiều với Pgs. Po Dharma, Putra Podam đã cống hiến nhiều cho trang website Champaka, Kauthara, … Chương trình Font Chăm, keyboard Chăm đầu tiên ở thế kỷ 21 trên nền tảng Google, Android và iOS, quảng bá chữ Rumi EFEO và cải tiến chữ Rumi Champa (Tác giả: Putra Podam), tham gia chương trình tự điển văn minh Champa, con dấu Hoàng gia Champa, tài liệu Hoàng gia Champa, …và đấu tranh cho dân tộc bản địa Champa.
Hình 51. Ts. Muhammad Rustam (Malay) & Ts. Putra Podam (Muhammad Budi), chụp lưu niệm dịp kỳ thi Thiên kinh Koran tại Malaysia.
Hình 52. Ts. Putra Podam & Ts. Po Dharma tại Malaysia.
Hình 53. Ts. Putra Podam & NCS. Dominique tại Malaysia.
Hình 54. Ts. Putra Podam tại Malaysia.
Ngày 1/9/2019, Putra Podam chính thức sang định cư tại Hoa Kỳ. Tại đây, Putra Podam chủ trương tổ chức lễ kỷ niệm một năm mất Pgs. Po Dharma vào ngày 22 tháng 2 năm 2020 tại Seasons Lounge, 6741 Stockton Blvd- Sacramento-California-USA. Dịp này, tác giả Putra Podam cho ra mắt cuốn sách “Cuộc đời và sự nghiệp Po Dharma” xuất bản tại California-USA. Nhân dịp Hội nghị tôn giáo Hồi giáo Bani do Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức tại Phan Thiết-Bình Thuận ngày 13/11/2020, Putra Podam cho ra mắt cuốn sách “Hồi giáo Bani- Tôn giáo độc thần” in ngày 5/8/2020 tại Ninh Thuận-Việt Nam. Tiếp theo Putra Podam cho ra mắt sách “Awal- Hồi giáo Champa”, và “tài liệu Hoàng gia Champa” nhân dịp Đại hội “Champa Bani Quốc Tế tại USA”.
Quay lại năm 1840, dưới triều Nguyễn, quan bảo hộ Chân Lạp là Trương Minh Giảng bị quân Campuchia đánh bại, nên rút về vùng thượng nguồn sông Tiền (Châu Đốc - An Giang) mang theo quân lính người Chăm, người Malay theo Islam và dựa vào lực lượng này để trấn giữ biên giới. Gia nhập vào cộng đồng Chăm hình thành Chăm Islam (Islam chính thống) ở khu vực Nam bộ. Những năm đầu thế kỷ XIX, Sài Gòn - Gia Định mở rộng giao thương buôn bán trở thành trung tâm của Nam bộ. Các thương nhân người Malaysia, Indonesia, India, Pakistan, … là những tín đồ Islam làm nghề buôn bán tơ lụa, đồ gia vị cho những tiệm buôn, quán ăn, … ngày càng đông hơn. Từ đó, khu vực Nam bộ ngày càng đông cư dân Chăm và cư dân nước ngoài theo Islam ở Sài Gòn.
Riêng tại tỉnh An Giang có 9 xã người Chăm sinh sống, trong đó khoảng 2.660 hộ, 13.722 người, chiếm tỷ lệ gần 12% so tổng số người dân tộc thiểu số và chiếm 0,62% so tổng dân số toàn tỉnh, sống tập trung khá đông ở huyện An Phú và thị xã Tân Châu, số còn lại sống rải rác ở các huyện: Châu Phú và Châu Thành, gần như toàn bộ theo Hồi Giáo Sunni. Người Chăm ở Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ cũng hầu hết theo Hồi Giáo hệ phái Sunni, dòng Shafi'i.
Hình 55. Thánh đường Masjid Jamiul Azhar thuộc Châu Phong, Tân Châu, An Giang, được xây dựng từ năm 1959.
Năm 1963, sự du nhập trở lại của Islam chính thống giáo tại Sài Gòn vào cộng đồng người Chăm Bani Awal ở Panrang-Panduranga xuất phát từ mối quan hệ chặt chẽ giữa ông Từ Công Xuân (cựu dân biểu) và người Chăm Bani Islam gốc Châu Đốc. Sự xuất hiện của Islam như là một tôn giáo mới, nên khi tín đồ theo tôn giáo này sẽ được gọi là Cham Baruw (Chăm mới), đây là thuật ngữ địa phương chỉ có người Chăm Ninh Thuận tự gọi để phân biệt với Chăm Klak (Chăm cũ) nghĩa Chăm theo Bani Awal. Cách gọi này thường gây hiểu lầm cho người nước ngoài khi họ quan tâm nghiên cứu đến văn hóa Champa. Hiện nay người Chăm Bani Islam ở Việt Nam có khuynh hướng giao lưu với các tín đồ Islam chính thống ở các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, … và có mối quan hệ gắn bó với cộng đồng Islam trên thế giới.
Sau khi Sài Gòn thất thủ vào năm 1975, một bộ phận người Chăm tản mác khắp nơi trên thế giới, trong đó có Malaysia, Thái Lan, Kampuchia, Pháp, Hoa Kì, …Họ tiếp tục thành lập các phong trào Sinh viên, đoàn Thanh niên Thiện chí, Văn phòng Quốc tế Champa, Hội Ái Hữu, Hội Champa Bani, …nhằm chuyển tải thông tin đến công chúng.
Hội Ái Hữu Champa (1980-1982): Con tàu bé nhỏ mang tên Hội Ái Hữu Champa là một tổ chức tương thân tương trợ tập trung 7 người Chăm có mặt tại Hoa Kỳ đầu tiên vào năm 1980-1982, trong đó có Ts. Po Dharma (đang du học tại Mỹ), Phú Thị Mận Jones, Musa Porome, Rohim Thành, Thành ngọc Vàng, Hajj Abd Halim và Thành Ngọc Sĩ, cùng chung đóng lệ phí hàng tháng. Tiền quỹ được dùng cho mục đích gởi giúp các anh chị em Chăm trong trại tỵ nạn Thailand và Philippine và chương trình lễ hội Kate Champa đầu tiên 1982 đặt dưới sự khai mạc của X. Deniau, Bộ Trưởng Pháp, cùng nhiều phái bộ thuộc cấp lãnh đạo khác tại Paris. Năm 1982-1984, Hội Ái Hữu đã cộng tác với ông Haji Abd Halim (Nguyễn Văn Xưng) làm việc trong cơ quan từ thiện MSA có trụ sở tại Trường Trung Học Sunnyvale, CA. và anh Rohim Thành. Kết quả là cơ quan của ông Haji Abd Halim đã bảo lãnh nhiều gia đình Chăm Châu Đốc và Kampuchia qua định cư tại Mỹ và khi đến Hoa Kỳ thì mỗi gia đình còn được lãnh thêm phần trợ cấp do MSA- Indo-Chinese Program đài thọ. Tổ chức Indo-Chinese refugee program do Haji Abd Halim làm Giám Đốc.
Phong trào Sinh viên-Học sinh Champa tại Mỹ: Được sự giúp đở của ông Haji Abd Halim (Nguyễn Văn Xưng) và các mạnh thường quân Champa gửi thư ngõ đến tất cả cộng đồng Champa tại Mỹ kêu gọi đóng góp tài chánh tổ chức trại hè thanh niên học sinh Champa năm 1983 tại Masjid Islamic Center, Sacramento. Trại hè được ông Y Klong Adrong, Giám Đốc cơ quan IRCC có văn phòng tại thành phố San Jose cùng ông Toneh Hàn Thọ bảo trợ về mặt tinh thần. Có tất cả 150 thanh niên và bà con đến từ San Jose, San Francisco, Los Angeles, và từ các tiểu bang khác với thời gian trại là hai ngày. Chương trình sinh hoạt bao gồm phần thuyết trình về lịch sử Champa, khái niệm sơ quát về ngôn ngữ chữ viết Chăm do Ts. Po Dharma đảm trách. Cũng trong năm này, phong trào đã có bước hoạt động xa hơn là cộng tác với anh em dân tộc Tây Nguyên đang kẹt ở trại Tỵ nạn Thailand và yêu cầu Cao ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc giúp đỡ đưa anh em qua định cư tại Hoa Kỳ.
Đoàn Thanh Niên Thiện Chí Champa (1984-1987): Đặt trụ sở tại 2343 Orlando Dr, San Jose, CA 95122 và 2155 Lanai Ave # 57 San Jose, CA 95122. Đoàn Thanh Niên Thiện Chí Champa đã tổ chức kỷ niệm ngày vùng dậy của Fulro 1964 tại Cunningham Park San Jose, với sự có mặt khoảng 200 thần dân Champa từ San Francisco, San Jose, Sacramento, … Buổi lễ kỉ niệm đặc biệt có sự hiện diện và ủng hộ của ông Toneh Hàn Thọ (Cựu Tổng Thư Ký Bộ Phát Triển Sắc Tộc). Ngoài ra, Đoàn Thanh Niên Thiện Chí Champa còn đề cử ba đại biểu Chăm đi tham dự Đại Hội Dega tại tiểu bang North Carolina, trong đó có ông Yassin Bá, Hakem Soleh và Rohim Thành. Đoàn còn vận động sự hậu thuẩn quần chúng Champa tại Mỹ sắp xếp cho Ts. Po Dharma đến thuyết trình về lịch sử và nền văn minh Champa tại các địa Phương như Santa Ana, Olympia, Seattle, San Francisco, Đại Học Seattle, Washington, Sacramento, … Năm 1987, Đoàn Thanh Niên Thiện Chí Champa tổ chức Đại Hội Champa tại Hội Trường Hungary Center, San Francisco, đông đảo đại biểu từ nhiều tiểu bang và cộng đồng địa phương đến tham dự và đây là lần đầu tiên lá cờ Fulro được bay phất phới trong Hội Trường. Năm 1988, Hội nghị Champa-Malayu tại Kuala Lumpur, Malaysia, đoàn Thanh Niên thiện chí Champa cùng đoàn văn nghệ tự mua vé máy bay, trong đó có một số người được chính quyền Malaysia đài thọ vé máy bay đến trình diễn văn nghệ tại Malaysia, nhân dịp khai mạc Trung Tâm Champa của Viện Viễn Đông Pháp do Ts. Po Dharma điều hành. Sau chương trình văn nghệ, các thành viện tụ tập tại khách sạn để quyết định hình thành tổ chức IOC-Champa.
Văn Phòng Quốc Tế Champa (IOC-Campa): Với sự vận động cộng đồng từ San Francisco, Seattle, Santa Ana, Fullerton, Olympia, San Jose, Sacramento, … thương thảo và thuyết phục cộng đồng Chăm đồng ý thành lập Văn Phòng Quốc Tế Champa (IOC-CAMPA) được phép hoạt động từ ngày 2/9/1989. By-laws do Ts. Po Dhama, Hassan Poklawn soạn thảo cùng với ông Jay Scarborough. Tất cả điều lệ bằng tiếng Pháp, tiếng Việt, và tiếng Anh được lưu trữ tại văn phòng IOC. Ba người ký giấy By-Laws để xin phép chính phủ tiểu bang và liên bang là ông Hassan Poklawn, Yassin Bá và Rohim Abram. IOC-Champa là một tổ chức đấu tranh bảo vệ di sản lịch sử và nền văn minh Champa. Xây dựng một lực lượng nhằm chuyển tải đến mọi người những yếu tố lịch sử Champa bao gồm nhiều khía cạnh, từ lịch sử vua chúa, lịch sử đấu tranh dựng nước và xây dựng đất nước cho đến lịch sử văn hóa, xã hội, …
Hội Đồng Phát Triển Văn Hóa-Xã Hội Champa (The Council for the Socio-Cultural Development of Champa): Ra đời vào năm 2007 nhân dịp Đại hội Champa nhằm kỷ niệm 175 năm vương quốc Champa bị diệt vong vào năm 1832, Hội Đồng Phát Triển Văn Hóa Xã Hội Champa có trụ sở tại Hoa Kỳ là cơ quan đấu tranh bất bạo động của cộng đồng Chăm tại hải ngoại nhằm bảo vệ danh dự, quyền lợi và di sản văn hóa Champa. Sau 5 năm hoạt động, tổ chức này đã trở thành một thành viên pháp lý của Hội Đồng Dân Tộc Bản Địa Việt Nam ra mắt tại Hoa Kỳ tập trung 3 lực lượng, đó là dân tộc Chăm, Tây Nguyên và Khmer Nam Bộ. Mục tiêu của Hội Đồng Bản Địa Việt Nam là nhằm đấu tranh yêu cầu nhà nước Việt Nam phải công nhận dân tộc Chăm, Tây Nguyên và Khmer Nam Bộ là thành phần dân tộc bản địa phù hợp với Tuyên Ngôn của Liên Hiệp Quốc về “Quyền của dân tộc bản địa” mà Việt Nam là quốc gia thành viên đã ký trên tuyên ngôn này. Sự liên kết đấu tranh giữa người Chăm, Tây Nguyên và Khmer Krom chỉ là sự tiếp nối của phong trào Fulro, tức là “(Mặt trận thống nhất đấu tranh của các sắc tộc bị áp bức)” đã từng gây bao tiếng vang trên bàn cờ chính trị ở Đông Dương vào năm 1964-1975.
Champa Bani International Community (CBIC): Là tổ chức dân sự của người Chăm ra đời vào năm 2010 tại San Jose (California, Hoa Kỳ), tập trung chủ yếu thành phần tộc người và tín đồ Bani Awal, khi qua định cư tại Hoa Kỳ. Hội đã thực hiện nhiều chương trình như Ramadan, mbeng Muk kei, ngày trọng đại harei Raya, dạy chữ Chăm, nói tiếng Chăm, truyền tải các thông tin, văn hóa, xã hội, … qua web Kauthara.org và Facebook: Putra Podam, ...và nhiều hoạt động khác đến cộng đồng.
Web Champaka: Trang web champaka.info, thiết lập tại Malaysia là cơ quan ngôn luận và cũng là trung tâm lưu trữ và phổ biến tư liệu Champa. Hiện nay trang web Champaka.info được sử dụng nhằm truyền tải thông tin, nghị luận và nghiên cứu về Champa, trang web này được cộng đồng Chăm trong và ngoài nước cũng như một số nhà Khoa học nước ngoài nghiên cứu về Champa rất quan tâm.
Web Kauthara: Trang web kauthara.org được thành lập vào cuối năm 2014 tại Malaysia, mục đích gới thiệu và chuyển tải những sản phẩm công nghệ như font Chăm, bộ gõ Chăm đa năng trên PC, bộ chuyển đổi từ Rumi Chăm EFEO sang akhar Thrah, ứng dụng gõ chữ Chăm trên hệ thống Android, và ứng dụng gõ chữ Chăm trên hệ thống iOS cũng như chương trình giảng dạy tiếng Chăm và nghiên cứu chữ viết Chăm, truyền tải văn hóa, tôn giáo,… để đóng góp bảo tồn và phát huy những di sản về văn hóa, ngôn ngữ và chữ viết Chăm. Facebook Putra Podam, cũng đóng vai trò chuyển tải những nội dung trên đến cộng đồng.
Lòng từ thiện của dân tộc Malay làm xoa dịu phần nào sự thống khổ của người Champa Hồi giáo. (Derma rakyat Malaysia ringan beban umat Islam Champa - Berita Harian, 31-3-2001). Quỹ từ thiện Kampuchia của Malay đã chi 80.000 Ringgit để xây dựng một trung tâm giáo dục Hồi Giáo ở làng Kampong Pra Piang Khatom, tỉnh Kompong Chhnang, Kampuchia. Trung tâm giáo dục Hồi Giáo đặt dưới sự chủ tọa của ông Datuk Ahmad Anuar Abdul Hamid, Đại Sứ Toàn Quyền Malay ở Kampuchia, có sự tham dự của phái đoàn từ thiện hơn 20 người từ Malay sang. Chương trình từ thiện giúp người Champa nghèo đói này ra mắt dưới sự chủ tọa của ông Datuk Abdullah Badawi, Phó Thủ Tướng Malay. Trung tâm giáo dục Hồi Giáo sẽ dành cho 400 con em người Chăm xuất thân từ gia đình nghèo đói. Cũng nhân cơ hội này, Hội Từ Thiện cũng phân phát nhiều thực phẩm cho người dân Champa nơi đây, các thực phẩm được chuyên chở từ Malay đến do máy bay của quân đội hoàng gia Malay hực hiện.
Kinh hoàng chiến tranh vẫn còn bay lượn chung quanh dân tộc Champa, “Igauan perang masih hantui orang Champa”, Berta Harian, 14-4-2001. Gần 9 thế kỷ chiến tranh khủng khiếp với láng giềng Việt Nam là nguyên nhân chính yếu giải thích tại sao có sự hiện diện người Champa tỵ nạn trên lãnh thổ Kampuchia hôm nay. Dân tộc Champa trở thành nạn nhân khủng khiếp của chế độ cộng sản Khmer Đỏ. Ngày nay dù hòa bình, nhưng chiến tranh vẫn còn bay lượn xung quanh người Champa ở Kampuchia. Không phải chiến tranh súng đạn mà là chiến tranh nghèo đói mà dân tộc Champa đang gánh chịu hôm nay. Để xoa dịu phần nào, dân tộc Malay chỉ biết chia sẻ sự thống khổ của họ bằng cách giúp họ như lương thực, thuốc men, áo quần, dụng cụ giáo dục. Theo ông Datuk Ahmad Anuar Abdul Hamid, Đại Sứ Toàn Quyền Malay tại Kampuchia, sự viện trợ này chỉ là chương trình ngắn hạn, vấn đề quan trọng làm thế nào để giúp người Champa thoát khỏi cảnh nghèo đói. Theo ông Mahamad Marwan, Thượng Nghị Viện Kampuchia gốc Champa, phát biểu, dân tộc Champa ở Kampuchia đang đương đầu với chiến tranh nạn đói khủng khiếp, chiến tranh mù chữ, chiến tranh sức khỏe và vệ sinh. Đây là một chiến tranh mà dân tộc Champa cần người Malay giúp.
Hình 56. Datuk Ahmad Anuar Abdul Hamid. Đại Sứ Đặc mệnh Toàn Quyền Malaysia tại Kampuchia.
Tháng 9/1988 ngày văn hóa Champa ở Kuala Lumpur. Sau khi họp báo ngày 7/9/1988 của Bộ Văn Hóa Malay dưới sự chủ tọa của ông Haji Aziz Deraman, Tổng Giám Đốc Cục Văn Hóa loan tin chính thức, Bộ Văn Hóa, Viện Viễn Đông Pháp (EFEO) và Sứ Quán Pháp tại Malay tổ chức chương trình với chủ đề “Ngày Văn Hóa Champa” tại Kuala Lumpur vào ngày 12-13/9/1988. Sau ngày họp báo, nội dung được đăng tải trên nhiều báo chí Malay như tờ Berita Harian, Utusan Malaysia, New Straits Time và đài truyền hình Malay. Khai mạc triển lãm Champa vào ngày 12/9/1988 đặt dưới sự chủ tọa của Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa và Đại Sứ Toàn Quyền Pháp tại Malay với sự hiện diện nhiều phái đoàn ngoại giao có mặt tại Kuala Lumpur. Tiếp theo là ngày đại hội khoa học về nền văn minh Champa đặt dưới sự chủ tọa của Phó Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa Malay với sự hiện diện của ông Giám Đốc Viện Viễn Đông Pháp (EFFEO). Chương trình thứ ba là đêm văn nghệ Champa tại hội trường thủ đô Kuala Lumpur, khách quí của đêm văn nghệ là Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa, Thống Đốc thủ đô Kuala Lumpur và Đại Sứ Toàn Quyền Pháp. Đêm văn nghệ dưới sự có mặt của ca sĩ Chế Linh, Từ Công Phụng và sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Champa đến từ Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Pháp và Danmark. Sau ngày văn hóa Champa 12-13 tháng 9 năm 1988 tại Kuala Lumpur, vương quốc và dân tộc Champa trở thành đề tài chủ yếu trên các làn sóng báo chí và truyền hình Malay như tờ Berita Harian, Utusan Malaysia, Watan, Nusantara, Dewan Budaya, …
Tháng 10/1994, vấn đề lịch sử và văn hóa Champa trở lại trên làn sóng báo chí Malay và kéo dài đến năm 1998. Sự kiện quan trọng đầu tiên là Datuk Seri Dr. Mahathir Mohamad, Thủ tướng Malay đầu tiên đứng ra tiếp phái đoàn gồm một số Dân Biểu và Phó Bộ Trưởng gốc người Chăm từ Kampuchia sang thăm Malay. Dịp này ra mắt cuốn hồi ký của ông Abha kể lại cuộc hành trình của phái đoàn Hội Nhà Văn Malay sang thăm bốn tiểu vương quốc Champa như: Amarawati, Vijaya, Kauthara, Panduranga vào năm 1995. Tiếp theo đó là đại hội quốc tế về dân tộc và nguồn gốc Malay do hội Nhà Văn Malay tổ chức vào tháng 9/1996 và được ông Datuk Sri Anwar Ibrahim, Phó Thủ Tướng Malay khai mạc.
Tháng 10/1996, Ts. Po Dharma tổ chức ngày ra mắt cuốn sách mang chủ đề: Tóm lược Lịch Sử Bán Đảo Đông Dương (Kampuchia, Laos, Thailand, Vietnam và Champa do Gs.P.B.Lafont (đại học Sorbonne) thực hiện. Chương trình đại hội và ngày ra mắt sách do ông Datuk Abdullah Ahmad Badawi, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Malay đứng ra khai mạc và có bức thư ngỏ của Thủ Tướng Malay.
Tháng 10/1997, Viện Bảo Tàng Quốc Gia Malay, Viện Viễn Đông Pháp (EFEO) tổ chức một cuộc triển lãm về y phục và nghề dệt thổ cẩm Champa. Trong thư ngỏ của Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa Malay, Tổng Giám Đốc Cục Bảo Tàng Malay và Giám Đốc Viện Viễn Đông Pháp (EFEO) tham gia nhân dịp ngày triển lãm này.
Tháng 10/2000, nữ điện ảnh Tiara Jacquelina, ca sĩ Chế Linh và Ts. Po Dharma xuất hiện trên sân khấu Malay. Mở đầu là nữ điện ảnh nổi tiếng Tiara Jacquelina trong vai Siti Zubaidah, hoàng hậu Champa gốc Malay. Tiara Jacquelina trong bộ y phục áo dài “bak kuang” của Champa. Ngược lại Chế Linh là một ca sĩ gốc Champa, đế Malay với chương trình thứ nhất là ra mắt đĩa CD mang chủ đề “Traditional Music and Songs of Champa”, do Bộ Văn Hóa Malay phát hành. Chương trình thứ hai là văn nghệ cổ truyền Champa dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Viện Viễn Đông Pháp, chương trình này do Bộ Văn Hóa Malay, Viện Viễn Đông Pháp và Sứ Quán Pháp tại Malay tổ chức.
Năm 1981, Mahathir bin Mohamad, sau khi nhậm chức Thủ tướng, chính phủ Malaysia tiếp tục ủng hộ người dân Champa từ Kampuchia, Thái Lan, Việt Nam, …tỵ nạn tại Malaysia. Nhiều chương trình và dự án hỗ trợ Champa như cấp thẻ thường trú tại Malaysia cho người dân Champa, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho Champa tại Kampuchia, … bao bọc và quan tâm nhiều cho người Chăm, một thần dân Champa cùng ngôn ngữ và huyết thống.
Năm 2003, Abdullah bin Haji Ahmad Badawi, nhậm chức Thủ tướng. Ông đã từng là Chủ tịch Tổ chức Dân tộc Malay Thống nhất (UMNO) và thủ lĩnh của liên minh Mặt trận Dân tộc (BN) trong Quốc hội Malaysia. Năm 2009, ông được Quốc vương Malaysia phong tước Tun. Ông vốn rất được lòng dân chúng vì tính thanh liêm và được dân Malaysia gọi thân mật là Pak Lah (nghĩa: Bác Abdullah). Ngài Badawi rất quan tâm đến người Champa tại Malaysia và Kampuchia với nhiều chính sách quan tâm, ưu đãi. Tại Malaysia Ngài Badawi rất thân với Po Dharma, và hỗ trợ Po Dharma với nhiều chương trình đặc biệt có lợi cho Champa.
Năm 2009, Mohd Najib bin Abdul Razak, chính thức trở thành Thủ tướng Malaysia. Ông tiếp tục hỗ trợ người Champa như các thủ tướng tiền nhiệm bằng nhiều chương trình dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có cấp thẻ cho Chăm Kampuchia dưới dạng thức thẻ tín đồ Islam. Sở hữu thẻ này người Chăm tại Malaysia dễ dàng đi lại và sinh hoạt như một công dân.
Tóm lại: Hồi giáo (Islam) đã du nhập vào Champa từ khoảng cuối thế kỷ thứ IX theo con đường tơ lụa và phát triển tùy thuộc từng thời kỳ lịch sử của từng triều đại vua chúa Champa. Đặc biệt khởi sắc từ quốc vương Chế Mân, vị vua ảnh hưởng Hồi giáo khi bang giao với thế giới Melayu, và kết hôn với công chúa Tapasi Majapahit Indonesia. Cũng như vua Chế Bồng Nga, là một vị vua Hồi giáo, khi lên ngôi vua lấy niên hiệu là Sultan Zainal Abidin và cưới công chúa Siti Zubaidah Kelantan-Malaysia, từ đây Ngài đã chấn hưng nhà nước Champa từ một quốc gia suy đồi trở nên hùng mạnh. Đặc biệt, Ngài Sunan Ampel, được vua Champa phái sang đảo Jawa truyền bá Islam và cải đạo cho các tín đồ Hindu. Tiếp theo vua Bố Trì trì, lấy niên hiệu Sultan Wan Abu Abdullah là vị vua Hồi giáo trong danh sách gia phả tại Kelantan-Malaysia. Các giai đoạn sau này như vua Kabrah đến Malaysia và việc gả em gái là công chúa Po Sah Ina kết hôn với Po Haniim Per, người Hồi giáo gốc Malay. Po At, vị vua Hồi giáo đã từng gửi lực lượng 400 thuyền chiến Champa sang giúp Sultan xứ Johor để tấn công quân Bồ Đào Nha ở Melaka-Malaysia. Po Rome chính thức người có danh phận, là thành viên của dòng dõi vương triều theo Hồi giáo tại Malaysia, khi kết hôn với công chúa Hồi giáo, chính thức mang tên Thánh Nik Mustafa, tên đầy đủ là: Nik Mustafa Bin Wan Abul Muzaffar Waliyullah. Và vua trị vì tiểu vương quốc Kelantan - Malaysia hôm nay là dòng giỏi của vua Po Rome. Tiếp nối cha ông, các vị như Cei Brei, Tuan Phaow, Katip Sumat, Katip Ja Thak Wa, Thiếu Tướng Les Kosem, Ts.Putra Podam, Ts.Basiron… tín đồ Chăm Bani Islam, Bani Awal ở Kampuchia, Champa và Việt Nam ngày nay tiếp tục gìn giữ mối quan hệ mật thiết giữa Champa và Malaysia nói riêng, giữa Champa với thế giới Malayu và thế giới Hồi giáo nói chung.
Hình 56, 57, 58, 59. Tài liệu Hoàng gia Champa.
Hình 60, 61, 62. Ts. Putra Podam và đồng nghiệp tại Malaysia.