1. Lễ thứ Sáu (Jumu’ah; Jum’ah; Jum’at; Jumaat; Suk)
Thứ Sáu tiếng Ả Rập (Arabic) là جمعة (Jamu’ah), Malaysia phiên âm (Jumaat), tiếng Hindi là (Srukra) mà người Chăm phiên âm thành (Suk). Thứ Sáu người Chăm có hai cách dùng “Jumaat” hoặc “Suk”. Đối với hệ phái Agama Awal (Hồi giáo sơ khai hay Hồi giáo Champa) có thực hiện một số loại Suk như sau:
Hình 1. Thiếu nữ Chăm Văn Lâm, đội mâm bánh đi Thánh đường ngày lễ thứ Sáu - Suk của hệ phái Awal.
a. Suk Amharam (Muharam): là Suk được tổ chức vào tháng 1 (Hồi lịch) hay còn gọi là Suk đầu năm (Hồi lịch). Đây là Suk dành cho các Sư cả (Gru) của các Haluw ở Bình Thuận gặp nhau để bàn bạc về giáo lý, giáo luật (adat cambat), ngày tháng hay thông tin quan trọng trong năm của hệ phái Awal (Hồi giáo). Suk Amharam thì Imam 40 (Imam cựu) được phép lên thuyết giáo (Khutbah) và đọc Agal: Halkal (Surah: Halkal). Bình Thuận, Haluw nào có Gru Iw (Tổng Sư cả) thì Suk Amharam được tổ chức tại làng đó và các Gru ở các Haluw khác đến tham dự. Ngoài ra còn có Gru Hanuk (Phó tổng Sư cả). Năm 2022, Haluw Aia Mamih (Bình Minh) được tổ chức Suk Amharam vì Sư cả Lư Thanh làm Gru Iw (Tổng Sư cả). Xưa kia, mỗi dịp Suk Amharam, các Haluw Janang bên Ahier đến tham dự để bàn bạc co giãn lịch pháp Sakawi Chăm sao cho phù hợp đôi bên Awal-Ahier. Suk Amharam thời nay không thấy Haluw Janang bên Ahier đến tham dự, mà tổ chức bàn bạc lịch pháp giữa Awal-Ahier vào một ngày tự chọn trong năm.
Hình 2. Suk Amharam thì Imam 40 (Imam cựu) lên thuyết giáo (Khutbah) và đọc Agal: Halkal (Surah: Halkal). Bình Thuận, Haluw nào có Gru Iw (Tổng Sư cả) thì Suk Amharam được tổ chức tại làng đó và các Gru ở các Haluw khác đến tham dự. Hình 2, Agal Halkal viết bằng chữ Ả Rập và tiếng Ả Rập (Arabic) của Hồi giáo (Islam).
Hỏi để học: Các vị cho rằng tôn giáo Bani, đa thần là của tổ tiên người Chăm sáng lập, thế thì tại sao Agal trên không viết chữ Thrah Chăm và tiếng Chăm cho dễ đọc. Mà các giáo sĩ phải học chữ Ả Rập, đọc bằng tiếng Ả Rập, và không phải giáo sĩ nào cũng hiểu nội dug trên.
b. Suk Nagar Palei: là Suk được tổ chức vào tháng 2 (Saphal/Safa của Hồi lịch) và tháng 3 (Raba ul Awal/ Rabi al-Awal của Hồi lịch). Suk này được ủy quyền cho Imam 40 (Imam cựu) lên thuyết giáo (Khutbah) và đọc Agal: Halkal (Surah: Halkal). Đây là loại Suk mbai ruak hakik, thanh tẩy hay tẩy uế nhà cửa, tẩy uế tà khí, gột rửa những điều không hay, xua xui rủi và những năng lượng không tốt trong nhà, trong làng (nagar palei) giúp xua đuổi những điều xui rủi, khí xấu, vận xui ra khỏi không gian sống, tạo tâm lý tốt, cuộc sống tích cực để không gian sống trở nên ấm cúng hơn, sống trong không gian được bình yên, sáng khoái và thu hút được nhiều điềm lành trong năm.
c. Suk Yeng: là Suk được tổ chức vào tháng 6 (Jamadin Ahier/Jamada al-Akhira của Hồi lịch) và tháng 7 (Rajap/ Rajab của Hồi lịch). Suk Yeng được ủy quyền cho Imam 40 (Imam cựu) lên thuyết giáo (Khutbah) và đọc Agal: Halkal (Surah: Halkal). Kết thúc Suk Yeng là bước sang tháng 8 (Saban/Sahban) kiêng cữ, và tháng tiếp theo là tháng 9 (Ramadan/Ramwan).
Hình 3. Suk Yeng (lễ thứ Sáu xoay vòng), Imam 40 (Imam cựu) lên thuyết giáo (Khutbah) và đọc Agal: Halkal (Surah: Halkal). Agal cổ được viết bằng chữ Ả Rập và tiếng Ả Rập (Arabic). Vì Awal (Hồi giáo sơ khai của Islam Champa) được người Chăm giữ đến ngày nay mà không thay đổi như Islam các nước khác: Malaysia thay đổi triệt để thành Islam chính thống vào năm 1950 thời đảng PAS cầm quyền.
d. Suk Ramadan (Ramawan): là Suk được tổ chức vào tháng 9 (Ramadan /Ramawan của Hồi lịch). Trong tháng Ramadan (Ramawan) thường có từ ba đến bốn tuần thứ Sáu (Nghĩa là ít nhất có ba lần Suk). Suk Ramadan được ủy quyền cho Imam 40 (Imam cựu) lên thuyết giáo (Khutbah) và đọc Agal: Mukbi (Surah: Mukbi).
Hình 4. Suk Ramadan được ủy quyền cho Imam 40 (Imam cựu) lên thuyết giáo (Khutbah) và đọc Agal: Mukbi (Surah: Mukbi).
e. Suk Kak 40: Suk do Imam lên thuyết giáo (Khutbah) và đọc Agal: Armun (Surah: Armun). Suk được tổ chức vào thứ Sáu, mùng 1 trong các tháng như tháng 2 (Saphal/Safa), tháng 3 (Raba ul Awal/Rabi al Awal), tháng 4 (Raba ul Ahier/Rabi al-Thani), tháng 5 (Jamadin Ula/Jamada al-Ula), tháng 6 (Jamadin Ahier/Jamada al-Akhira). Mục đích chính để tôn chức Imam lên chức Imam 40 (Imam cựu). Chức Imam 40 có quyền giúp và thay mặt Sư cả (gru) thực hiện một số nghi lễ như lễ cưới cụ thể ndam pandih gahéh (đám cưới thuộc tín đồ là dân thường), ndam pandih Acar (đám cưới thuộc tín đồ là giáo sĩ), … Đặc biệt chỉ có Sư cả (gru) mới thực hiện nghi lễ đám cưới (Lakhah).
Hình 5. Suk do Imam lên thuyết giáo (Khutbah) và đọc Agal: Armun (Surah: Armun).
f. Suk Taong Na (Tống đưa): Suk này chỉ có thôn Bình Minh (Palei Aia Mamih) tỉnh Bình Thuận thực hiện. Suk được tổ chức vào tháng tự chọn cho phù hợp do Imam 40 (Imam cựu) lên thuyết giáo (khutbah) và đọc Agal: Halkal (Surah: Halkal). Mục đích Suk Taong Na là xua đuổi ma, quỉ, satan, sayton, …ra khỏi làng, theo quan điểm người dân, thôn Bình Minh có đền (bimong) Po Klaong Kachait (Kasait) trong làng. Để thực hiện, tối thứ Năm tất cả giáo sĩ (Acar) vào Thánh đường (Magik) ngủ một đêm (không làm thủ tục Salah cầu nguyện), sáng thứ Sáu được thực hiện lễ ăn mâm ngọt và mâm mặn. Trong khi đó ông Camnei làm thủ tục ngak Lisei lima salao (5 mâm cơm) tại ngoài đồng (mblang hamu).
1.1 Suk (lễ thứ Sáu) của Awal
Suk (lễ thứ Sáu), nguyên nhân chính hình thành lễ Suk bắt nguồn từ lễ Jumaat (Suk) của Hồi giáo (Islam). Lễ Suk của hệ phái Awal (Chăm Bani theo Hồi Giáo sơ khai) không thực hiện thống nhất mà thực hiện tùy theo khu vực và vùng miền (do lịch sử chiến tranh giữa Champa và Đại Việt). Ở Campuchia, Chăm Bani (Chăm theo đạo Awal thuộc dòng Hồi giáo sơ khai) thì lễ thứ Sáu (Suk) được tổ chức mỗi tuần một lần, ở Ninh Thuận lễ Suk được tổ chức mỗi tháng một lần, còn ở Bình Thuận thì hoàn toàn khác biệt. Suk là dịp mà các các Giáo sĩ (Acar) cũng như mọi tín đồ theo đạo Awal (Hồi giáo) thường phải đến thánh đường để gặp gỡ, nghe giảng đạo và cập nhật thông tin từ các giáo sĩ (Acar) tại thánh đường. Tại buổi lễ thứ Sáu (Suk) của hệ phái Awal thông thường do Imam 40 lên thuyết trình (khutbah).
Hình 6. Giáo sĩ (Acar) Bình Minh, thực hiện lễ thứ Sáu (Suk), một lễ Jumaat của Hồi giáo (Islam).
1.2 Suk Yeng (lễ thứ Sáu xoay vòng) của Awal
Suk Yeng (lễ thứ Sáu xoay vòng) là lễ Suk (lễ thứ Sáu) nhưng tổ chức với quy mô lớn hơn, tập trung nhiều giáo sĩ (Acar) và tín đồ (Gahéh) của các thánh đường khác trong vùng đến tham dự tại một Thánh đường tổ chức lễ Suk xoay vòng. Suk Yeng thường tổ chức tuần đầu tiên tháng Jamadin Ahier (Akhira) (tháng 6 Hồi lịch) qua tháng Rajab (tháng 7 Hồi lịch), kết thúc Suk Yeng thường phải trước tháng Shaban (Saban) là đến tháng Ramadan (tháng 9 Hồi lịch). Lễ Suk Yeng chính là lễ Jumaat dành riêng cho các vị Sư cả (gru) lên thuyết giáo (khutbah) trước công chúng.
Suk Yeng (lễ thứ Sáu xoay vòng) ngày nay, các vị Sư cả (gru) không còn lên thuyết giáo (khutbah) nữa, vì tuổi già sức yếu, không còn đủ sức đứng lâu để thuyết giáo trước công chúng. Theo thông tin từ thời Việt Nam Cộng Hòa, có một vị Sư cả ở Bình Thuận trong lúc đang thuyết giáo thì bị huyết áp tăng (cao huyết áp) nên dừng thuyết giáo giữa chừng. Từ lý do trên, Suk Yeng ngày nay các vị Sư cả không còn thuyết giáo nữa mà dành cho các vị Imam trong Thánh đường thuyết giáo.
Ninh Thuận, bảy cơ sở thánh đường (Magik) của tín đồ theo hệ phái Awal (Hồi giáo dòng Awal) được tổ chức Suk Yeng theo trình tự: Magik Haluw Cuah Patih, Magik Haluw Rem, Magik Haluw Baoh-Deng, Magik Haluw Cang, Magik Haluw Pamblap Klak, Magik Haluw Pamblap Baruw, Magik Haluw Katuh.
Hình 7. Giáo sĩ (Acar) Bình Minh, thực hiện lễ thứ Sáu xoay vòng (Suk Yeng), một lễ Jumaat của Hồi giáo (Islam).
Bình Thuận có mười cơ sở thánh đường, nhưng chỉ có sáu thánh đường tổ chức Suk Yeng wak gep (Suk Yeng xen kẽ). Harei Suk Yeng đầu tiên được tổ chức vào tuần đầu tháng Sáu Hồi lịch (Jamadin Ahier/ Akhira), lễ thứ Sáu (Suk yeng) được tổ chức đầu tiên tại “Magik Haluw Dik”, thứ Sáu tiếp theo là: Magik Haluw Panet, Magik Haluw Aia Mamih, Magik Haluw Cakak, Magik Haluw Njar, Magik Haluw Caraih. Lễ Suk Yeng đầu tiên được tổ chức tại Magik Haluw Dik, ngoài giáo sĩ (Acar) từ haluw này còn có giáo sĩ từ các nơi khác đến như Sư cả (gru), Imam, Katip, và Acar, …Sau khi gặp gỡ chào hỏi, giáo sĩ vào thánh đường (Magik) để bàn luận một số vấn đề liên quan.
Để chuẩn bị “ngak wak”, giáo sĩ (Acar) đi ra làm thủ tục “mâk aia” (wudu). Xong thủ tục “mâk aia”, giáo sĩ vào Magik xếp hàng “ngak wak” (Solat, salat, salah). Tiếp “ndik agal” (khutbah), trong trường hợp Suk yeng thì hệ phái Bani Awal đọc “agal halkal”, đây là Agal được đọc trong lễ Suk Yeng. Sau đó tất cả Acar “Wak athalam”, “mâk athalam” hay “salam”. Đây là thực hiện động tác “Jabat Salam” có nghĩa là bắt tay. Acar đưa cả hai tay, nhưng chỉ có tay phải bắt, còn tay trái chỉ hứng phía dưới tay phải, và phải “Jabat” hết tất cả giáo sĩ trong Magik. Trong khi tín đồ Bani Islam (Islam chính thống) chỉ cần đưa một tay phải để Salam, thông thường chỉ cần Salam hai người đứng bên cạnh (bên trái và bên phải), đôi khi để tạo thêm mối quan hệ thì đi chào Salam những người khác xung quanh, hoặc Salam vị Imam dẫn cầu nguyện (Solah).
Sau khi xong mọi thủ tục, giáo sĩ (Acar) mở các mâm cơm do người nhà và tín đồ mang đến, sau khi thực hiện xong, tiếp Acar kết thúc bằng cách đọc Du-a gồm: “Al-Fatihah” và “Rap banâ” và kết thúc Suk Yeng.
Chú ý: Bình Thuận có bốn thánh đường còn lại không tổ chức Suk Yeng (Wak gep) như Magik Haluw Karang, Magik Haluw Lem-Ber, Magik Haluw Muw, Magik Haluw Bicam. Malam (Pajai) có hai Thánh đường (Haluw Lem-Ber, Haluw Muw) được tổ chức Suk Yeng trong tuần kế tiếp Suk Yeng Haluw Caraih. Trong khi Haluw Bicam và Haluw Kraong thì Suk Yeng được tổ chức tự do trong tuần thứ Sáu được chọn (không tổ chức Suk Yeng wak gep theo xen kẽ như sáu Thánh đường ở Bắc Bình).
Hình 8. Thiếu nữ Chăm Bình Minh, đội mâm cơm trong ngày lễ thứ Sáu - Suk của hệ phái Agama Awal (Hồi giáo).
1.3 Awal – Ahier thỏa thuận lịch pháp
Theo Putra Podam, mục tiêu chính của Suk Yeng không phải là ngày các Haluw Janang bên Ahier và Awal tụ tập để bàn bạc, co giản lịch pháp như nhiều người Chăm và một số trí thức Chăm hiểu nhầm, họ truyền nhau cái sai từ người này qua người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không hiểu ý nghĩa chính của Suk Yeng. Như trình bày ở trên, xưa kia, Suk Yeng lễ thứ Sáu xoay vòng dành riêng cho Sư cả (Gru) thuyết giáo (Khutbah), nhưng ngày nay, Suk Yeng được thay bởi Imam thuyết giáo (Khutbah).
Bình Thuận, xưa kia Suk Amharam được tổ chức dành riêng cho 10 Sư cả (Gru) gặp nhau để bàn bạc ngày tháng theo lịch Islam (Ả Rập) và lịch Sakawi Chăm. Nhân dịp Suk Amharam, bên Agama Ahier (Hồi giáo mới), đại diện Haluw Janang đến tham dự (Bình Thuận không có ông Po Adhia) để bàn bạc, thay đổi và co giản ngày tháng cho phù hợp đôi bên. Từ triều đại vua Po Rome, khi hóa giải giữa Awal (Hồi giáo cũ) và Ahier (Hồi giáo mới) thì bên Ahier phải phục tùng bên Awal. Vì, Awal và Ahier đều tôn thờ Thượng đế Tối cao (Po Allah), nhưng bên Awal có giáo sĩ (Acar) là đối tượng cầu nguyện trực tiếp đến Po Allah, còn bên Ahier thì không. Do đó, mỗi khi thay đổi hay co giản lịch pháp như lễ Kate phải tránh lễ Ramadan (Ramawan) thì phải ưu tiên cho bên Awal đúng lịch Islam (Ả Rập).
Hình 9. Lịch pháp Sakawi (Saka + Jawi) hiện người Chăm đang sử dụng.
Ninh Thuận tương tự, Suk Yeng là lễ thứ Sáu xoay vòng gồm (7 Haluw wak gep), tức xen kẽ theo thứ tự quy định của 7 Thánh đường thường tổ chức trong tháng Akhira (tháng 6 Hồi lịch) hoặc Rajab (tháng 7 Hồi lịch). Mục đích chính của Suk Yeng là thực hiện ngày lễ của Awal (Hồi giáo), chứ Suk Yeng không phải là ngày hội họp giữa Awal và Ahier để bàn bạc ngày tháng như nhiều người tuyên truyền sai, hay vì mục đích khác.
Thiết nghĩ, nếu Ninh Thuận cần họp bàn bạc lịch Sakawi thì chỉ cần một ngày gặp mặt trao đổi, chứ không cần phải tổ chức Suk Yeng cả 7 Thánh đường (2 tháng) để giải quyết việc trên. Hơn nữa, các chức sắc bên Ahier không liên quan gì đến lễ Suk Yeng của Awal (Hồi giáo).
Ninh Thuận xưa kia, Suk Yeng được tổ chức như là ngày lễ của tôn giáo Awal (Hồi giáo) lần lược từ Haluw Cuah Patih, Haluw Rem, đến Haluw Baoh-Deng thì được mời chức sắc bên Ahier là ông Po Adhia của Tháp (Bimong) Po Klaong Garay và ông Po Bac, … đến tham dự để co giản lịch pháp cho phù hợp, và tiếp tục Suk Yeng Haluw Cang, Haluw Pamblap Klak, Haluw Pamblap Baruw, Haluw Katuh, là kết thúc Suk Yeng tại khu vực Ninh Thuận.
Lý do gặp nhau để điều chỉnh ngày tháng liên quan đến Awal – Ahier, vì lịch Sakawi là loại lịch kết hợp để tính vừa đúng cho Agama Awal và vừa đúng cho cả Agama Ahier, do đó, lịch Sakawi không mang tính khoa học cao như Dương lịch hay Âm lịch.
Để giải quyết vấn đề, các vị Haluw Janang phải chọn ngày nào đó tại một Thánh đường nào đó để gặp nhau bàn bạc, giải quyết. Do đó, ông Po Adhia ở cụm tháp Po Klaong Garay thường chọn và đến dự Suk Yeng tại Thánh đường (Haluw Baoh Deng), để thỏa thuận lịch của đôi bên giữa Awal và Ahier.
Cụ thể, đôi bên giải quyết vấn đề xê dịch ngày Kate không trùng tháng Ramadan (Ramawan) và cũng bàn đến vấn đề “Harei Ikak” trong năm, để tín đồ Agama Awal cùng tín đồ Agama Ahier cần tránh. Ví dụ, harei Ikak từ thứ Ba đến thứ Sáu, thì những ngày này mọi tín đồ Bani Awal cũng như Bani Ahier đều không được ăn thịt, chỉ ăn cá, ăn chay, ... Nếu người nào qua đời trong thời gian Ikak này thì cũng không được ăn thịt mà chỉ ăn chay. Qua ngày Ikak là Talaih xong mới được ăn thịt. Ahier phải Ikak theo Awal (bắt buộc) vì Ahier cùng tôn thờ Thượng đế Allah. Trường hợp Ahier Ikak thì sẽ được nhiều ân phước (Iman), nếu không tuân theo Ikak thì Po Allah sẽ không chấp nhận. Trong thời gian Ikak mà bên Ahier mời giáo sĩ (Acar) đi làm lễ tục thì Acar không bao giờ đi.
Điều đáng chú ý, ngày nay không thấy bóng dáng của bên Ahier đến Magik để trao đổi ngày tháng, cũng như trong tháng Ramadan (Ramawan) những người lớn tuổi bên Ahier rất ít đi cầu nguyện Po Allah tại các Thánh đường (Magik).
Suk Yeng ngày nay là một lễ hội tôn giáo hệ phái Awal đã trở thành một di sản văn hoá đáng được trân quý, bảo tồn và phát huy góp phần quan trọng vào kho tàng văn hoá đại gia đình các dân tộc Việt Nam thêm phong phú, đa dạng.
Hình 10. Mâm ngọt, mâm mặn chuẩn bị cho ngày lễ thứ Sáu (Suk).
Hình 11. Thiếu nữ Chăm Awal (Chăm theo hệ phái Hồi giáo Champa) đội mâm cơm trong ngày Suk Yeng.
LINK: Bài viết trên file PDF
Lễ thứ Sáu (Suk) của Chăm Awal (hệ phái Hồi giáo Champa) file PDF