Đọc những bài bình luận trong trang mạng xã hội (Facebook) của cộng đồng thanh niên sinh viên trí thức Chăm, tôi không hiểu tại sao họ luôn dùng cụm từ "văn hoá lai căng mất gốc" để ám chỉ các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhứt là người Chăm Muslim theo Islam chính thống là nhóm người lai căng mất gốc mà không hiểu gì về sự khác biệt giữa từ ngữ văn hoá tín ngưỡng, và phong tục tập quán. Phải chăng đây là tư duy thiếu suy nghĩ của nhóm người luôn mang thành kiến kỳ thị tôn giáo muốn tiếp tục phá hoại sự đoàn kết cộng đồng? Dưới đây là vài góp ý nhỏ với hy vọng giúp giải toả sự mâu thuẫn phức tạp đã và đang giày xéo cộng đồng Chăm.
1. Tín ngưỡng và văn hoá truyền thống dân tộc
Đây là đề tài khá dị ứng đối với bất kỳ một dân tộc nào một khi chúng ta đưa vấn đề tôn giáo tín ngưỡng ra tranh luận, do bởi mỗi con người đều có quyền lựa chọn cho mình một tôn giáo riêng để hành xử theo chỉ đạo của tôn giáo đó. Cần nên ý thức rằng bất cứ tôn giáo nào cũng có văn hoá riêng của nó, và văn hoá tôn giáo thường khó tránh khỏi hệ luỵ ảnh hưởng tập tục tâm linh truyền thống của dân tộc bản địa, chẳng hạn như Phật giáo ở Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Cambodia và Lào,... đều có cách thức hành đạo dị biệt nhau vì bị ảnh hưỡng tập tục truyền thống dân tộc bản địa. Cơ Đốc hay Công giáo, Do Thái giáo, và Islam ở các nước như Trung Đông, Pháp, Nga, Anh, và châu Mỹ Latin.... cũng không vượt ra ngoài lệ đó, nên mỗi quốc gia đều có cách hành đạo khác nhau dù cùng tôn giáo. Nhưng không phải vì hệ luỵ đó mà chúng ta vội vã kết luận cho rằng tôn giáo ấy đã bị bản địa hoá như Awal và Ahier ở Panduranga thuộc vương quốc Champa xưa, mà chúng ta có thể nói rằng tôn giáo ấy bị ảnh hưởng sâu đậm đến tập tục tâm linh truyền thống của dân tộc bản địa thì đúng nghĩa hơn.
Tôn giáo có một phần ảnh hưởng vào văn hoá truyền thống dân tộc nhưng chúng ta chớ nên lầm lẫn giữa tôn giáo và tập tục tâm linh truyền thống, và người Chăm chớ lợi dụng sự khác biệt lấy cớ đó làm công cụ phê phán lẫn nhau, nhưng nên ý thức rằng bất cứ một dân tộc nào trên thế giới cũng đều có nền văn hoá riêng và văn hoá ấy bao gồm nhiều yếu tố mang sắc thái tryền thống khác nhau. Thông thường văn hoá bao gồm tiếng nói, chữ viết, nhạc cụ, cơ cấu tổ chức xã hội, cách thức trang phục, lễ hội,... nhưng mỗi dân tộc có khuynh hướng bảo tồn khác nhau dựa trên sự tiến hoá của thời đại, vì rằng văn hoá có thể thay đổi theo thời gian song song với trào lưu văn minh tiến bộ của loài người. Một dân tộc có một nền văn hoá cao nhưng không có quốc gia như dân tộc Champa thì văn hoá của họ dễ bị mai một và sự mai một này hầu như xảy ra từ chính những người trong tộc tự cải tiến. Điển hình hôm nay chữ viết Chăm bị chính người Chăm cải biến, trang phục cổ truyền Chăm hôm nay bị chính người Chăm cải trang, đàn bà cô gái Chăm không còn dùng đến trang phục cổ truyền mà thay vào đó bằng chiếc áo dài Chăm biến tấu theo chiếc áo dài Việt hay ăn mặc theo kiểu Tây một cách lố lăng lan tràn vào trong đình đám nhứt là tổ chức tiệc cưới ở ngay trong bản làng. Thế mà nhiều vị trí thức Chăm tự gọi là yêu văn hoá truyền thống dân tộc chỉ biết im lặng, chẳng phê phán để giúp chỉnh đốn, nhưng thích đánh giá lên án người Chăm theo các tôn giáo khác nhất là Chăm Muslim là nhóm người bị đồng hoá lai căng theo Ả Rập hay Mã Lai đã bỏ quên truyền thống dân tộc, trong khi đó áo dài Mã Lai hay Ả Rập còn kín đáo hơn trang phục lai căng từ những chiếc đầm váy ngắn ngủn lố lăng theo kiểu Tây. Ai cũng biết con người yêu chuộng cái đẹp và hiện đại, nhưng phải biết nhận diện kiểu đẹp như thế nào là đúng là hiện đại và văn minh, bằng không những cách ăn mặc ấy sẽ là cơ nguy đưa văn hoá dân tộc đến sự băng hoại lai căng mất gốc.
2. Phong tục tập quán
Đây cũng là đề tài khá dị ứng trong cộng đồng Chăm. Theo định nghĩa, phong tục tập quán chỉ là cách thức hình xử theo thói quen hay tục lệ do người xưa để lại, trong đó có đa phần mang tính mê tín dị đoan. Vì rằng, thời xa xưa khoa học chưa tiến bộ, con người phải cúng quẩy cầu kiến những thần linh xin ban phép chữa lành cho những người bệnh hay khi bị hoạn nạn thì xin cho sớm được tai qua nạn khỏi. Ngày nay đã có hàng trăm bác sĩ hội đủ về mọi điều kiện y học chuyên môn, và đã có hàng nghìn loại thuốc điều trị mọi chứng bệnh, thì việc cầu thần linh quá tốn kém phản khoa học và lỗi thời cần phài xoá bỏ để hội nhập vào sự tiến bộ của khoa học ngày nay. Thêm nữa, người xưa tin rằng một khi mưa không thuận gió không hoà thì thường cho đó là điều bị thần linh trừng phạt, nhưng thực ra nó bất nguồn từ yếu tố môi trường xấu chứ không phát xuất từ sự trừng phạt của thần linh. Vì thế, đức tin này coi như đã lỗi thời không nên tiếp tục kéo dài. Ngược lại, một số tập tục không mang màu sắc mê tín dị đoan thì cần bảo tồn, vì nó mang một phần sắc thái tuyệt vời của văn hoá dân tộc như lễ hội Katé và Ramawan, mặc dù hai lễ hội này mang đậm sắc thái tôn giáo nhưng nét văn hoá truyền thống của dân tộc bản địa vẫn còn đó, và nó còn góp phần mang lại niềm vui cho con cháu chúng ta được ngày sum hop vui vầy mỗi năm.
Trở lại đề tài "cái gọi là văn hoá lai căng". Sự lai căng đôi lúc cần thiết về phương diện phát triển và tiến bộ, chẳng hạn như việc lai giống trong dân tộc Nhật Bản sau đệ nhị thế chiến, bởi khi xưa họ thuộc giống dân lùn nên khuyến khích sự lai giống và những ai thực hiện việc này được chính quyền ban thưởng. Vì sự lai giống mà người Nhật ngày nay cao đẹp và thông minh hơn.
Ngày nay ở Hoa Kỳ có hầu hết gia đình người Chăm Ahier đều trưng bày cây thông thắp đèn màu đón Noel dù họ không thuộc Cơ Đốc hay Công giáo. Đây là dấu hiệu của sự cải tiến đáng khen chứ không phải lai căng mất gốc, nhưng cũng tại nơi này ở Hoa Kỳ, người Chăm đó thích tranh cải về vấn đề phát triển tiến bộ nhưng vẫn muốn giữ lại lề lối văn hoá truyền thống khép kín khẳng định đánh giá người Chăm gia nhập theo một tín ngưỡng mới ngoài Awal và Ahier là bất hiếu!!! bất hiếu!!!bất hiếu!!! Tôi cho đây là những hạng người cuồng trí, tư duy hẹp hòi, không học và không hiểu từ ngữ tôn trọng (Respect) của văn hoá Mỹ nên đã hồ đồ khẳng định kết luận bừa bải. Do bởi, sự bất hiếu chỉ dùng đánh giá những kẻ phản bội công ơn sanh thành nuôi duỡng của cha mẹ chứ không áp dụng cho những người cải giáo vì đức tin hay cải hoá đời sống theo yếu tố khoa học tiến bộ, cho dù nó có đi ngược với lộ trình văn hoá truyền thống từ cha mẹ để lại không phù hợp với tốc độ phát triển xã hội ngày nay. Hỏi chứ, chúng ta chọn lối mở rộng hay chọn lối đi quanh quẩn chậm tiến theo thời cổ?
Ai cũng biết và thấy hình ảnh posted trên Face book gần đây về vụ tranh tụng lớn liên quan đến vụ việc tang tế của một số người Chăm lấy vợ hay chồng ngoài đồng tộc. Vì muốn cho gia đình vợ chồng được cuộc sống yêm thắm hạnh phúc nên quyết định cải giáo theo tôn giáo của vợ hay chồng. Thế nhưng, sau khi về già hay không được may mắn sống lâu qua đời sớm thỉ gia đình lại gặp bao biến cố xảy ra chỉ vì cái quan điểm nhỏ nhoi là ngưởi quá cố phải được nhập Mukei hay Kut nên đã quyết liệt đành cho bằng được để lấy thể xác người thân về thực hiện theo tín ngưỡng tập tục tâm linh truyền thống của Awal hay Ahier. Đây là nguyên tố gây bao sự bất đồng giữa những người thân với nhau mà vấn đề không đáng xảy ra.
Cộng đồng Chăm cần ý thức rằng một khi người nào đó đã quyết định chọn cho mình một con đường sống mới hay đi theo một chế độ mới thì dĩ nhiên họ đã quyết định hy sinh từ bỏ tất cả để đi theo con đường mà họ chọn, việc của toàn thể thành viên trong gia đình là tôn trọng, chỉ có thế. Chúng ta đang sống giữa lòng của thế kỷ văn minh tiến bộ tột đỉnh, nên cần dẹp bỏ những thành kiến không tốt, những tư duy bệnh hoạn mà sống thoáng theo tốc độ văn minh tiến bộ của xã hội ngày nay. Chớ nên quanh quẫn sống theo lối mòn xưa mà quả quyết đánh giá những ai bỏ Mukei bỏ Kut đi theo một tín ngưỡng mới như Islam, Công giáo, Tin Lành.... là bất hiếu, là lai căng mất gốc. Cứ mãi thế này thì bao giờ người Chăm mới thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn và lỗi thời đó?
Chớ nên tiếp tục tự mâu thuẫn và lừa dối lòng vì một mặt bàn về sự phát triển, và sự hội nhập văn hoá để đón tết Ngyuên Đán của dân tộc Việt, đón Noel của người Tây, làm bánh sinh nhựt cho người thân, và một mặt ôm mang tư duy bệnh hoạn lên án những người đi theo một tín ngưỡng khác là phản văn hoá truyền thống dân tộc. Hỏi chứ, Đón tết Yuôn, đón Noel, làm sinh nhựt có phải là văn hoá truyền thống của dân tộc Chăm không? vì người Chăm từ xưa không có loại văn hoá này.
Con người đã vì yếu tố sinh hoạt đời sống, an sinh xã hội, và văn minh tiến bộ nên người ta buộc phải giao lưu hội nhập vào văn hoá của dân tộc mà mình đang cùng chung sống, và vì lộ trình văn minh tiến bộ nhanh chống nên người Chăm cần phải chạy đua siêu vận tốc để kịp theo thời cuộc. Là thành phần thuộc giới trẻ có học vị, có nếp sống mang nét văn minh và tiến bộ hơn thì chúng ta cần biết cách sống thoáng (Open Minded), biết tôn trọng (Respect) và hợp tác (Co-op) hơn là sống khép mình và hẹp hòi phản khoa học mà không muốn cải cách theo lối văn minh tiến bộ ngày nay, thì đây là cách sống tối kỵ cho giới trí thức trẻ trong xã hội Chăm.
Nguồn Facebook: Musa Porome