Lễ tuần (Padhi) của người Chăm Bani Awal (Hồi giáo dòng Awal)

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
Feb 11, 2023, 11:21 PM

 

Khi bệnh nhân hấp hối, gia đình thường gọi người thân hoặc những người hiểu biết chuyện đến canh trực và cầu nguyện cho người bệnh ra đi một cách thanh thản. Khi người bệnh nhắm mắt mà có người thân bên cạnh gọi là “chết tốt” hay “chết bình thường” vì được chết tại nhà, chết có người thân hay chết còn nguyên vẹn. “Chết không bình thường” hay “chết xấu” thường là chết trận, chết thi thể không còn nguyên vẹn, hay chết không người thân bên cạnh (matai bhaw), … Căn cứ vào thi thể chết tốt, chết xấu, thì giáo sĩ (Acar) thực hiện những nghi lễ cũng khác nhau. Đồng thời cũng căn cứ vào tuổi tác phân ra thành hai loại tang lễ. Loại “padhi kamar” hay “padhi manuis asit” chỉ dành cho chết trẻ (tức chết chưa đến tuổi kareh, katal), ngược lại là là tang lễ người lớn (padhi praong).

Khi bệnh nhân hấp hối giai đoạn cuối, cần có mặt của những người thân để cầu nguyện xin Allah cho bệnh nhân sớm lành bệnh. Những người đến thăm thường đọc nội dung trong Hình 221 và Hình 222 với những câu sau:

“Ôi Allah! Bề tôi cầu xin Ngài, Đấng Vĩ Đại, Thượng Đế của Ngai Vương Vĩ Đại cho bạn được hồi phục và khỏe mạnh bằng sự khoan dung của Ngài; Ôi Đấng Khoan Dung Ưu Việt!”

Hình 221. Cầu xin Allah cho bệnh nhân sớm lành bệnh.

 

Hình 222. Cầu xin Thượng đế cho bệnh sớm hồi phục.

 

Đối với người Chăm theo Bani Awal (Awal) hay tín đồ Chăm theo Bani Islam (Islam), thi thể người chết phải được chôn (không thiêu xác) và thủ tục liên quan đến chôn cất không quá 24 tiếng đồng hồ, mghĩa là chết sáng thì chôn trong ngày, còn chết chiều thì sáng hôm sau chôn.

Khi bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng, thông thường hai đôi mắt còn mở ra để nhìn linh hồn của mình được thiên thần lấy đi. Do đó, người thân bên cạnh cần lấy tay vuốt đôi mắt cho khép lại, và đọc Kinh sách Hình 224 dưới đây:

“Nhân danh Allah, Đấng Khoan Dung, Đấng Độ Lượng. Nhân danh Allah, vì Allah, theo Lãnh tụ của bề tôi Muhammad, Sứ giả của Allah – Cầu xin Allah ban bằng an và phước lành đến với Người, cũng như theo tôn giáo của Người Cha của bề tôi (Nabi) Ibrahim, Người Bạn của Allah. Ôi Allah! Đây là linh hồn mà Ngài đã tạo ra với sự toàn năng của Ngài và Ngài lấy nó đi với quyền năng của Ngài. Ôi Allah! Xin Ngài ban cho người này một nơi ở tốt nhất trong các nơi ở (mà) Ngài (đã chuẩn bị); Ôi Đấng Chiêu đãi (Chuẩn bị) nơi ở Ưu Việt! Quả thật, Bề tôi thuộc về Allah và bề tôi sẽ quay về với Ngài. Bề tôi thuộc về Allah và bề tôi sẽ quay về với Ngài. Đây là điều mà Allah và Sứ giả của Ngài đã hứa với bề tôi và thật đúng điều mà các Vị Sứ giả (cho biết)”.

Hình 223. Cầu xin Allah ban cho người ra đi có một nơi ở tốt mà Ngài đã chuẩn bị.

 

Sau đó đọc câu cầu nguyện sau đây (Trích từ Kinh sách Bani Awal, Hình 224 và Hình 225 đính kèm) với nội dung:

“Ôi Allah! Xin Ngài tha thứ cho người này, nâng cao địa vị người này để ở cùng với những người được chỉ dẫn, trao cho người này người kế vị thuộc những người thành đạt. Xin Ngài tha thứ cho người này; Ôi Thượng Đế của vạn vật. Xin Ngài nới rộng ngôi mộ của người này và ban cho người này ánh sáng trong ngôi mộ đó; bằng sự khoan dung của Ngài. Ôi Đấng Khoan Dung Ưu Việt!”

 

Hình 224. Cầu xin Allah tha thứ cho người này; Ôi Thượng Đế của vạn vật.

 

Hình 225. Cầu xin Allah nới rộng ngôi mộ của người này và ban cho người này ánh sáng trong ngôi mộ đó.

 

Sau khi thi thể người chết được người thân trong nhà tắm rửa cẩn thận theo nghi thức sẽ đưa vào Kajang để thi thể người chết nằm và giáo sĩ (Acar) cầu nguyện. Trong trường hợp chết xấu, chết trong bệnh viện hay chết ngoài làng thì thi thể không được đưa vào làng, mà phải làm Kajang (rạp) tạm ở ngoài làng để làm nghi thức. Khi làm nghi thức tắm rửa thi thể, cần định tâm đọc nội dung Hình 277, trích từ Kinh sách Bani Awal:

“Tôi định tâm tắm rửa cho thi thể này”

Hình 226. Định tâm và tắm rửa cho thi thể.

 

Sau đó, hành lễ Janazah (gọi là جنازة "Janazah", nghĩa đám tang) cho thi thể này bằng cách thông báo và đọc câu sau đây (Trích từ Kinh sách Bani Awal, Hình 227 đính kèm) với nội dung:

“Mời các vị hành lễ Janazah! Cầu xin Allah thương xót các vị. Hãy dâng lễ nguyện nào! Không có thần linh nào ngoại trừ Allah, Muhammad là Sứ giả của Allah”.

“Hỡi bề tôi của Allah! Hãy coi đây và rút bài học. Cầu xin Allah thương xót quý vị! Cầu xin Allah tha thứ cho chúng tôi và quý vị”

Hình 227. Hãy dâng lễ nguyện! Không có thần linh nào ngoại trừ Allah, Muhammad là Sứ giả của Allah”.

 

Bây giờ, Imam sẽ hướng dẫn hành lễ Janazah cho thi thể này và đọc câu sau đây (Đoạn trích từ Kinh sách Bani Awal, Hình 228 đính kèm) với nội dung:

“Tôi định tâm hành lễ Janazah cho thi thể này, được bắt buộc vì Allah Đấng Tối Cao, Allah Vĩ Đại”.

Hình 228. Định tâm hành lễ Janazah cho thi thể.

 

Sáng sớm hôm sau, người thân và người trong làng tới giúp chẻ cây tre để làm quan tài, gồm 8 cây lớn cho 16 người khiêng, quan tài chia làm ba ngăn, ngăn giữa đặt thi hài, hai ngăn ở hai bên dành cho giáo sĩ ngồi cầu nguyện. Khi thi hài đặt vào quan tài, phủ khăn lại, quan tài sẽ được khiêng đi. Giáo sĩ Acar người thân gần nhất hay chủ họ được đi đầu dẫn đường đến khu mộ, tiếp là 16 người khiêng quan tài (dành cho Po Gru), và sau cùng là giáo sĩ Acar gồm (17 người) dành cho Po Gru, (13 người) dành cho những người đã làm Athaw-bah, (6 người) dành cho những người chưa làm Athaw-bah.

 

Hình 229. Imam dẫn đầu và 16 người khiêng quan tài. Ảnh: Internet.

 

Khi quan tài khiêng gần đến khu mộ cách khoảng 30m thì quan tài được hạ xuống và Acar làm nghi thức khoảng 10 phút, sau đó quan tài tiếp tục khiêng đi nhưng xoay đầu quan tài lại, nghĩa là từ nhà khiêng đầu đi trước, sau đó xoay khiêng chân đi trước. Nghĩa là người chết sẽ được tái sinh và quay lại đầu thai. Sau khi quay đầu, thì 4 giáo sĩ Acar được lên ngồi hai bên để cầu nguyện và khiêng đến khu mộ của dòng họ.

Hình 230. Bốn giáo sĩ Acar ngồi hai bên quan tài để khiêng đến khu mộ. Ảnh: Internet.

 

Khu mộ của dòng họ là khu nghĩa trang riêng để chôn cất người thân khi qua đời, khu mộ này được xem là gia phả riêng của tộc họ đó, được gọi là Kabur Rak hay Gahul Rak, ngày nay được quen gọi tắt là Ghul. Gahul của mỗi dòng họ xưa thường được chia thành 3 dãy. Dãy trên hết là của tổ tiên, của người thành lập gahul rak hay còn gọi là người đứng đầu danh sách trong gia phả của tộc họ. Dãy thứ hai (dãy giữa) dành cho người “chết tốt” hay “chết bình thường”, còn dãy thứ ba (dãy cuối) dành cho người “chết xấu” hay “chết không bình thường” dãy này người Chăm theo Bani Awal thường gọi “ndih di takai” hay “ndih takai lé”.

Hình 2311, b. Thi thể được chôn đầu hướng Bắc, chân hướng Nam, tử thi nằm nghiêng bên tay phải, mặt và ngực quay về hướng mặt trời lặn (Makkah). Ảnh: Internet.

 

Tại khu mộ huyệt được đào theo hướng Bắc - Nam, sâu khoảng 1,5m và ngôi mộ phải vuông gốc với hướng Makkah (Mecca). Sau đó 3 Acar xuống huyệt làm nghi thức, và tử thi được mặc áo Luak, váy xà rông (khen), bên ngoài quấn thêm một lớp khăn vải trắng, thi hài đưa xuống ngôi mộ từ từ và không có quan tài, đầu hướng Bắc, chân hướng Nam, tử thi nằm nghiêng bên tay phải, mặt và ngực quay về hướng mặt trời lặn (hướng Tây, ở Việt Nam hướng Tây trùng hướng thánh địa Makkah) như đang hành lễ. Trong thời gian thi hài được đưa xuống huyệt mộ, đọc nội dung sau Hình 232, trích từ Kinh sách Bani

“Allah Vĩ Đại, Allah Vĩ Đại, Allah Vĩ Đại. Nhân danh Allah, vì Allah và làm theo tôn giáo của Lãnh tụ của bề tôi; đó là Nabi Muhammad, Sứ giả của Allah - Cầu xin Allah ban sự bằng an và phước lành đến vời Người- Quả thật, Bề tôi thuộc về Allah và bề tôi sẽ quay về với Ngài. Bề tôi thuộc về Allah và bề tôi sẽ quay về với Ngài. Đây là điều mà Allah và Sứ giả của Ngài đã hứa với bề tôi và điều gì mà Shaytan (Satan) đã hứa chỉ là dối trá”.

Hình 232. Cầu xin Allah ban sự bằng an và phước lành đến vời Người.

 

Acar đọc Thiên kinh Koran cầu nguyện cho người quá cố để sớm lên thiên đàng. Theo luật Hồi giáo, thì cấm chôn theo đồ đạc quần áo hay tài sản. Xong phần nghi thức thì mỗi người thân lấy một nắm đất bỏ xuống huyệt ba lần, sau đó hào huyệt được lấp đầy và cao khoảng 30 cm theo quy định. Theo luật đạo Islam, thì nấm mồ không được đấp quá cao và đọc 3 đoạn cầu nguyện sau đây, trích từ Kinh sách Awal, Hình 233, Hình 234, Hình 235:

“Từ nó (đất này) Ta (Allah) đã tạo các ngươi ra, Ta sẽ đưa các ngươi trở về trong nó và Ta sẽ đưa các ngươi ra khỏi nó một lần nữa (vào ngày phục sinh). Ôi Allah! Xin Ngài mở các cánh cửa của bầu trời cho linh hồn này và nới rộng cho người này trong phần mộ của mình và thấp sáng cho người này trong đó bằng sự khoan dung của Ngài; Ôi Đấng Khoan Dung Ưu Việt!”

“Ngài đưa cái sống ra từ cái chết và Ngài đưa cái chết ra khỏi cái sống; và Ngài làm hồi sinh lại miếng đất đã chết khô và các người sẽ được đưa ra (sống lại) giống như thế. Và trong các dấu hiệu của Ngài có điều này: Ngài đã tạo ra các người từ đất bụi, rồi các người trở thành những người phàm sống rải rác khắp nơi”.

“Nhân danh Allah, Đấng Độ Lượng, Đấng Khoan Dung. Việc gom góp của cải làm cho các ngươi bận tâm. Cho đến khi các ngươi đi thăm mộ (chết). Nhất định không! Các ngươi sẽ sớm biết! Rồi nhất định không! Các ngươi sẽ sớm biết! Nhất định không! Nếu các ngươi biết (thực tại) với một sự hiểu biết chắc chắn. Thì chắc chắn sẽ thấy Lửa (của Hỏa Ngục)! Rồi chắc chắn các ngươi sẽ thấy nó (Hỏa Ngục) với cặp mắt khẳng định! Rồi chắc chắn vào Ngày đó các ngươi sẽ bị tra hỏi về lạc thú (mà các ngươi mài miệt trên trần gian)”.

Ôi Allah! Xin Ngài tạo khoảng cách phần đất ra khỏi thi thể của người này và nới rộng cho người này trong phần mộ của mình và thấp sáng cho người này trong đó bằng sự khoan dung của Ngài; Ôi Đấng Khoan Dung Ưu Việt!”.

Hình 233. Xin Allah mở các cánh cửa của bầu trời cho linh hồn.

 

Hình 234. Nghi thức lấy một nắm đất bỏ xuống huyệt ba lần.

 

Hình 235. Xin Allah tạo khoảng cách phần đất ra khỏi thi thể của người này và nới rộng cho người này trong phần mộ của mình và thấp sáng cho người này trong đó bằng sự khoan dung của Ngài.

 

Hình 236. Lễ tal gahul tại khu mộ (Kabur - Gahul rak). Ảnh: Internet.

 

Sau khi lắp đất chôn thi thể xong, Imam thực hiện Talqin hướng dẫn người chết như sau (Trích từ Kinh sách Bani Awal, Hình 237, Hình 238 với nội dung:

“Mỗi linh hồn đều phải nếm cái chết. Và chỉ vào Ngày Phục sinh các ngươi mới được đền bù lại trọn vẹn phần công lao của các ngươi. Bởi thế, ai được bốc đi xa khỏi Lửa (của Hỏa ngục) và được thu nhận vào Thiên đàng thì chắc chắn sẽ thành đạt. Và đời sống trần gian này chỉ là một sự hưởng thụ đầy dối trá”

“Hỡi bề tôi của Allah (người chết)! Hãy nhớ giao ước mà bạn đã thừa nhận khi ra đi khỏi thế giới này để hướng đến ngôi nhà Ngày sau; bạn đã ra đi khi bạn chứng nhận rằng không có thần linh nào ngoại trừ Allah và chứng nhận rằng Muhammad là Sứ giả của Allah, chứng nhận rằng thiên đàng là sự thật, hỏa ngục là sự thật, cầu Sirat là sự thật, cái cân Mizan là sự thật, phục sinh là sự thật, giếng/hồ nước Haudh là sự thật, sự can thiệp Shafa’ah (của Nabi) là sự thật, Thiên thần Munkar và Thiên thần Nakir và chất vấn của họ là sự thật, giờ tận thế sẽ diễn ra mà không có bất cứ sự nghi ngờ nào, Allah sẽ làm sống lại (phục sinh) những người trong phần mộ”

“Hỡi bề tôi của Allah (người chết)! Khi hai vị Thiên thần phụ trách việc này đến gặp bạn, họ không làm bạn hoảng hốt và khiếp sợ, Họ chỉ là tạo hóa được Allah Đấng Tối Cao tạo ra thôi. Do đó, khi Họ chất vấn bạn:

“Ai là Thượng Đế của bạn?

Ai là Nabi (Thiên sứ) của bạn?

Tôn giáo của bạn là gì?

Qiblat (hướng hành lễ, điểm đích) của bạn là gì?

Chỉ đạo của bạn là gì?

Anh em của bạn là ai?

Bạn hãy trả lời:

“Allah là Thượng Đế của tôi, Đấng Tạo Hóa của vạn vật,

Muhammad là Nabi (Thiên sứ) của tôi, Người được ưu đại nhất trong các vị Thiên sứ,

Islam là tôn giáo của tôi,

Ka’bah là Qiblat của tôi, Qiblat của Nabi được Allah lựa chọn,

Qur’an là Chỉ đạo của tôi, Lời phán của Thượng Đế của vạn vật,

Người Muslim và Mukmin (người có đức tin) là anh em chủa tôi ...”

Hình 237. “Mỗi linh hồn đều phải nếm cái chết. Và chỉ vào Ngày Phục sinh các ngươi mới được đền bù lại trọn vẹn phần công lao của các ngươi…”

 

Hình 238. “Khi hai vị Thiên thần phụ trách việc này đến gặp bạn, họ không làm bạn hoảng hốt và khiếp sợ, Họ chỉ là tạo hóa được Allah Đấng Tối Cao tạo ra.

 

Do đó, họ sẽ chất vấn bạn…”

Sau khi chôn cất thi thể và thực hiện các nghi lễ hoàn tất, bà con xa gần đến chia buồn cùng gia đình của người chết. Câu chia buồn được chỉ dạy trong kinh sách Bani Awal với nội dung như Hình 239, trích từ Kinh sách Bani Awal.

“Cầu xin Allah ban phần thưởng to lớn cho bạn!

Cầu xin Allah hoàn thiện tang quyến của bạn!

Cầu xin Allah tha thứ cho người ra đi của bạn (người chết)!”

Hình 239. Câu chia buồn được chỉ dạy trong Kinh sách Bani Awal.

 

Tiếp theo gia đình người mất tiếp tục làm “padhi” theo lễ tục. Nếu Po Gru thường thì được làm bảy lần “padhi”, lần 1 tổ chức ngay, lần 2 ngày thứ 7, lần 3 ngày thứ 10, lần 4 ngày thứ 30, lần 5 ngày thứ 40, lần 6 ngày thứ 100 và lần 7 là đầy năm.

 

Rep Wan

Sáng ngày đầu tiên, sau khi chôn xong người quá cố vào khoảng 11 giờ trưa, buổi chiều khoảng 4-5 giờ sẽ tổ chức lễ “Rep wan”. Lễ này được làm nghi thức trong nhà, chuẩn bị một cái giường để cho Acar (người chủ lễ) ngủ cho đến harei padhi. Trên giường để một patil aia, lâ apuei, peng dél, kak kanil (vải hoa văn màu vàng). Nghi thức được tổ chức khoảng 4 giờ chiều cho một Acar gồm mâm ngọt trước rồi đến mâm mặn (cơm, cá, mực, tơm, aia bai, không thịt). Nghi thức này được thực hiện tiếp lúc 4 giờ sáng và trưa ngày hôm sau.

Chiều ngày đầu tiên, và đêm ngày đầu tiên không thực hiện nghi lễ trong Kajang. Chỉ có người chủ lễ thực hiện nghi lễ trên giường trong nhà “Rep wan”.

Hình 240. Giáo sĩ Acar thực hiện lễ “Rep Wan” trong nhà.

 

Tak Kubaw

Ở Ninh Thuận lễ “tak kubaw” thường thực hiện hai con trâu. Nhưng ở Bình Thuận không nhất thiết hai con trâu, chỉ cần một con trâu để thực hiện vào sáng ngày thứ hai, nếu nhà giàu, có thể thêm con trâu thứ hai (nghĩa là hai con trâu) sẽ thực hiện vào sáng ngày thứ ba (ngày cuối). Trong lễ tang của Awal không nhất thiết buộc phải “padhi kubaw”, nhà nghèo không đủ điều kiện về kinh tế để mua trâu thì họ chỉ dùng “cá” (padhi ikan).

Sáng sớm ngày thứ hai, hai Imam thực hiện lễ “tak kubaw” có thể trong sân nhà nếu sân rộng, hoặc ở ngoài gần đó. Khâu chuẩn bị là đào hố sâu khoảng 40cm, mâm lễ vật, thanh gươm, bó nhánh cây và thao nước. Giáo sĩ đọc Thiên kinh Koran trước khi thực hiện cắt cổ trâu.

Hình 241. Giáo sĩ Acar thực hiện lễ “Tak Kubaw”.

 

Mbeng Wan

Khoảng 3 giờ chiều ngày thứ hai, lễ “mbeng wan” được thực hiện trong rạp (kajang), số lượng Acar tùy theo quy định ở mỗi làng. Nhưng ở làng Aia Mamih Bình thuận lễ sẽ được tổ chức phải trên 13 người. Lễ được thực hiện “klau mbeng pok”, sau đó thết đãi bà con đến dự lễ mbeng wan.

Hình 242. Giáo sĩ Acar Awal, thực hiện lễ “mbeng wan”.

 

Mbeng Padhi

Sáng sớm ngày thứ ba, có thể “tak kubaw” thêm một con nữa nếu gia đình thực hiện hai con trâu. Sau khi nghi lễ “tak kubaw” xong, lễ “padhi” sẽ được thực hiện.

Lễ ăn “padhi” được thực hiện khoảng lúc 10 giờ sáng, lễ được thực hiện với số lượng Acar phải trên 13 người. Trước khi thực hiện lễ “padhi” phải dọn “rep wan” trong nhà. Lễ được thực hiện “lima mbeng pok”, sau đó thết đãi bà con đến dự lễ “padhi”.

 

Pok Naong (palao naong)

Lễ “pok naong” được tổ chức vào khoảng 1 giờ chiều, là lễ khiêng Drap, salao da-a, để người mất đưa về gửi cho ông bà, tổ tiên. Trong Kajang áo quần, vải vóc, “alin drap” hay “drap alin” được Acar xếp cao gần một mét. Đây là biểu tượng của bầu thai, của sự tái hồi sinh sau khi mất.

­­­

Hình 243. Alin drap (buh drap) trong lễ tục Awal.

 

Giáo sĩ Acar cầu nguyện bằng cách đọc Thiên kinh Koran, sau khi xong, người chủ lễ đi ra ngoài trước vừa đọc thầm câu Thiên kinh, tiếp đến là gia đình và thân nhân khiêng lễ vật như “ciet” và “drap” đi thành hai hàng dọc đến cuối làng hoặc đến ngã tư đường thì dừng lại, khi đó giáo sĩ Acar làm lễ tục cần thiết và chấm dứt lễ Pok Naong.

Sau khi lễ Pok Naong thực hiện xong, Acar về lại Kajang làm nghi thức ăn lễ gồm một mâm ngọt (đặc biệt bu patei) và một mâm mặn. Xong, gia đình đãi khách.

Hình 244. Lễ Pok Naong trong padhi của Chăm theo Awal.

 

Buh Batuw

Lễ “buh Batuw” được thực hiện khoảng 4 giờ chiều. Ở Bình Thuận, “Batuw” được người nhà đi tìm trước và tìm khu dưới biển. “Batuw” được tìm loại to hay nhỏ là tùy thuộc tìm cho người quá cố. Để đi “buh Batuw” phải có ít nhất hai giáo sĩ Acar đi làm thủ tục như đọc Thiên kinh Koran Al-Fatihah, Ayat Kusi (Auwa) và bài Du-a.

nh 245a, b. Lễ Buh Batuw và tal gahul tại khu mộ (Kabur - Gahul rak).

 

Hình 246. Người thân chứng kiến lễ Buh Batuw tại Kabur.

 

Sau khi về nhà, chủ nhà chuẩn bị lễ “mbeng buh Batuw” không cần làm Kajang mà chỉ cần làm một “wang rateng” hướng về phía Tây (Makkah) cho ba Acar “mbeng buh Batuw”. “mbeng buh Batuw” chỉ gồm “dua mbeng pok” gồm một mâm ngọt trước và một mâm mặn sau. Xong đãi cho bà con và khách.

Hình 247. Giáo sĩ Acar, mbeng buh Batuw tại nhà.

 

Những điều cấm kỵ:

Người Chăm theo Bani Awal (Awal) nói riêng hay người Chăm theo Bani Islam (Islam) nói chung có một số điều cấm như sau:

- Cấm người nhà hay người thân có người chết không được mặc tang phục, tang lễ (áo tang).

- Cấm thân nhân trong gia đình, dòng họ la khóc, gào thét, kể lể, … khi người thân mất.

- Cấm tuyệt đối không dùng của cải, tài sản chôn theo người chết.

- Cấm thổi kèn, đánh trống hay dụng cụ âm thanh khác để tiễn biệt người chết về cõi vĩnh hằng.

- Cấm đốt nhang, cấm rải tiền, vàng mã cho người chết.

- Cấm không được gọi tên người đã khuất, người chết mà chỉ dùng một số từ đặc trưng như: saai gila, cei praong, wa kacua, nai taluic, …

- Cấm lập bàn thờ di ảnh cho người quá cố, hay cho ông bà tổ tiên. Đây là giáo luật nghiêm cấm, là điều tối kỵ. Người quá cố là người mình thương yêu chỉ được tôn kính trong lòng chứ không được tôn thờ và lập bàn thờ, vì Awal là một tôn giáo độc thần, tất cả đều là tạo vật của Thượng Đế, chỉ Allah, Đấng Tối cao và Duy nhất mới được tôn thờ.

 

Hình 248. Tín đồ thực hiện Taubah (sám hối) và cầu nguyện Po Allah ban phước lành. Ảnh: Internet.

 

Cõi mộ (Barzakh – Akarah)

Tất cả các Thiên sứ của Allah (swt) đều kêu gọi toàn thể nhân loại chỉ phải tôn thờ Một Đấng Thượng Đế Duy Nhất - Allah (swt), và tuyệt đối phải tin tưởng vào một cuộc sống sau khi chết. Họ nhấn mạnh về việc tin tưởng vào cuộc sống sau khi chết và chỉ với một nghi ngờ nhỏ thôi là đồng nghĩa với việc phủ nhận Thượng Đế (swt) và mọi đức tin khác vào Thượng Đế (swt) sẽ trở nên vô nghĩa.

Theo học giả phái Sunnah và Jama’ah đã thừa nhận và tin tưởng về sự trừng phạt và sự yên nghỉ phúc lành trong cõi mộ. Con người có bốn giai đoạn (bốn thế giới) phải đi qua:

1). Giai đoạn thứ nhất: bầu thai trong bụng mẹ.

2). Giai đoạn thứ hai: cuộc sống trần gian.

3). Giai đoạn thứ ba: cuộc sống cõi Barzakh.

4). Giai đoạn thứ tư: cuộc sống ở cõi Đời Sau – Cõi vĩnh hằng.

Nabi Islam nói, tất cả các người sao khi chết thì các người sẽ được trình bày xem nơi ở của các người vào những ngày tới. Khi con người cận kề với cái chết có thể được chia thành ba nhóm, nhóm thứ nhất sẽ được ở cận kề Po Allah, nhóm này sẽ được bình yên và Thiên đàng hạnh phúc chào đón được các Thiên thần (Malaikah) đến trấn an họ vì những người sắp chết hay hấp hối thì rất sợ bởi khi nhắm mắt họ chưa thấy cảnh tưởng đó bao giờ, khi nhắm mắt tức là xong cuộc đời ở trần gian (Dun-ya), nên các Malaikah đến trấn an, khuyên cứ rời khỏi thể xác và được Malaikah nâng niu và chiều chuộng. Nhóm thứ hai là những người đứng bên tay phải thuộc nhóm người được bình an nhưng không chào đón bằng nhóm người thứ nhất. Nhóm người thứ ba thuộc nhóm người bên tay trái là những người phủ nhận chân lý Hồi giáo thì họ phải đối diện với sự hình phạt ở nơi cõi mộ

@1. Sự tra hỏi nơi cõi mộ: Giai đoạn thứ ba, cuộc sống cõi Barzakh (cõi Barzakh là cõi ngăn cách giữa thế giới trần gian và thế giới cõi đời sau, thường gọi là cõi chết).

Người chết sau sau khi được chôn cất thì Allah cho hai vị thiên thần đến tra hỏi ba điều: Thượng đế của y là ai, tôn giáo của y là gì, và ai là Nabi của y?

Người có đức tin (Iman) sẽ trả lời mạch lạc rằng: Thượng đế của tôi là Allah, tôn giáo của tôi là Awal (Hồi giáo – Islam) và Muhammad chính là Nabi của tôi; Người không có đức tin và tội lỗi sẽ trả lời tôi không biết, bởi Allah đa khiến như thế, Ngài phán rằng:

“Allah làm vững chắc lời nói của những người có đức tin trên cõi đời này và ở đời sau và Allah sẽ bỏ mặc (khiến chúng không nói được) những kẻ làm điều sai quấy đi lạc bởi vì Allah làm bất cứ điều gì Ngài muốn”. (Chương 14- Ibrahim, câu 27).

Còn những người đạo đức giả thì nói rằng tôi không biết, tôi nghe mọi người nói điều gì đó đó rồi tôi nói theo.

 

@2. Sự trừng phạt và sự yên nghĩ nơi cõi mộ: Sự trừng phạt trong cõi mộ là đối với những kẻ tội lỗi, đạo đức giả và vô đức tin. Allah, Đấng Tối Cao và nghiêm khắc phán:

“Và nếu Ngươi (Muhammad) có thể nhìn thấy được tình cảnh của những kẻ gian ác giẫy giụa đau đớn vào lúc sắp chết khi các thiên thần giăng tay đến chúng để lôi linh hồn của chúng ra khỏi chúng. Các Thiên thần bảo: Hãy xuất hồn ra, ngày nay các người sẽ nhận lấy hình phạt nhục nhã vì tội ác các ngươi đã từng nói cho Allah những câu không đúng với sự thật và các ngươi đã khinh thường và phủ nhận các lời Mặc khải của Ngài.” (Chương 6 - Al-An’am, câu 93).

Và Allah, Đáng Tối Cao và Nghiêm khắc phán:

“Lửa của Hỏa ngục mà chúng mang ra chạm trán cả buổi sáng lẫn buổi chiều. Và vào Ngày mà Giờ xét xử sẽ được thiết lập, sẽ có lời bảo các (Thiên thần): “Hãy đưa thuộc hạ của Fir’aun vào chỗ trừng phạt khắc nghiệt nhất”. (Chương 40 - Ghafir, câu 46).

Còn sự yên nghĩ an lành và hạnh phúc trong cõi mộ thì chỉ dành cho những người có đức tin ngoan đạo. Allah, Đấng Tối Cao và Nhân Từ phán: “Quả thật, những ai nói: “Thượng đế của chúng tôi là Allah” rồi thẳng bước trên con đường ngay chính thì các thiên thần sẽ xuống động viên họ, bảo: “Các ngươi chớ lo sợ cũng chớ nên buồn phiền mà các ngươi vãy vui lên với tin mừng về Thiên Đàng mà quý vị đã được hứa hẹn”. (Chương 41 - Fussilat, câu 30).

 

 

Hình 249. Thăm mộ (Makam, Gahul Rak) để tưởng nhớ đến tổ tiên, chứ không phải thờ tổ tiên.

 

Note: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh của Ts.Basiron.