Hãy trả tự do cho vua Patao At

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
Jul 8, 2023, 8:32 PM

Po Patao At (1541-1567 hay1553-1579) tùy theo dị bản, là một vị vua Champa theo agama Islam (Hồi giáo). Theo biên niên sử Champa Sakkarai dak rai patao thì Po Patao At là cháu của Po Kunarai (1541-1553). Po Patao At lên ngôi năm Sửu, thoái vị năm Thỏ, trị vì 27 năm.

Po Patao At, ngài có một vương hậu Champa tên Bia Kati và một hoàng tử tên Cei Sak Malaow. Đầu tiên, ngài xây dinh riêng ở ngoài Biuh Bal Batsinâng (Hamu Linâng, phía sau làng Chăm Phú Nhuận, Phanrang).

Theo Hán Việt thì Po Patao At có tên là Bà Ất (1553-1579). Po Patao At là vị vua cuối cùng của triều đại Po Mahosarak, vì hoàn cảnh lịch sử Champa nên những tài liệu chi tiết liên quan đến khoa học lịch sử của ngài ở trong cộng đồng Chăm rất ít người còn lưu trữ, chỉ còn lưu lại vài truyền thuyết.

1). Sơ lược đền tháp Po Patao At

Theo nhiều bậc cao niên tại xã Phan Hòa Jaoh yaw (kể chuyện xưa), trong thời gian kalin (giặc Yuen), để bảo toàn lực lượng Po Patao At phải rút quân lên núi cùng các tướng lĩnh,…sau thời gian gặp nạn hạn hán kéo dài, bắp trồng bị khô hết không còn gì để ăn,…Po Patao At cùng đoàn người phải xuống núi và di chuyển về phía Nam vùng Panduranga, khi đến vùng đất đai trù phú, phong thủy tốt, đồng ruộng trù phú bên cạnh cát trắng và dừng chân đóng trại. Ngài ra lệnh cho quan quân và thần dân lập nghiệp để khai khẩn ruộng vườn và tạo dựng thành palei Panet (Bình Thắng). Người dân xã Phan Hòa ngày nay chính là hậu duệ của đoàn quân Po Patao At.

Ðền vua Po Patao At, xưa kia được xây dựng trên một ngọn đồi gọi là Car Limaow (kề ruộng bà Tận) thuộc làng Hậu Quách cũ, phía sau Palei Panet (Bình Thắng, Phan Hòa, Bắc Bình, Bình Thuận), bên kia Rabaong Lah và cách Ủy ban xã Phan Hòa gần khoảng 1km về hướng Bắc. Năm 1930, dân làng mới có điều kiện góp tiền để tu sửa lại đền bằng gạch ống và lợp mái ngói để tưởng nhớ Ngài.

Theo thời gian ngôi đền bị hư hỏng nặng bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự tàn phá của bom đạn chiến tranh, một lần nữa đền (bimong) được dân làng tu sửa lại vào 1960. Ngôi đền Po Patao At cũng như những ngôi đền khác ở Bình Thuận có một thời kỳ đã bị kẻ xấu đập phá, đào bới, ăn cấp bức tượng như đền Po Klaong Gahul, Po Bia Patmah, ... Đền Po At cũng bị đập phá nặng nề.

 

  

Hình 1. Chân kèn đền Po Patao At tại Car Limaow (kề ruộng bà Tận) thuộc làng Hậu Quách cũ, phía sau Palei Panet (Bình Thắng, Phan Hòa, Bắc Bình, Bình Thuận), bên kia Rabaong Lah và cách Ủy ban xã Phan Hòa gần khoảng 1km về hướng Bắc. Ảnh do Adam Podam chụp ngày 10/2//2021.

Năm 1989 (Kỷ Tỵ) bà con Chăm Palei Panet quyết định di dời đền (Kalan) về cuối làng tại ngọn đồi Mbok Dhot (gò Thốt) để dễ dàng thực hiện lễ cho ngài

 

 

 

 

 

 

 Hình 2. Ngôi đền Po Patao At xây lại lần 3 năm 1989, tại Mbok Dhot thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa - Bình Thuận. Ảnh Putra Podam.

 

Đền Po Patao At chỉ có một gian chính, bên trong chỉ có một bia đá (patau nisan), đó là lý do vì Bia Kati đã rời xa ngài qua sống ở bên khu vực đồi Cát. Đất ruộng của đền Po At chỉ còn khoảng 5 sào ruộng và được giao cho ông Ánh (bà Nên) thuê làm để lấy tiền tu bổ ngôi đền.

 

 

 

 

 

 

Hình 3. Bia đá (patau nisan) của Po Patao At (vị vua Hồi giáo) trong đền xây 1989. Ảnh Putra Podam.

 

Năm 2016, do tình hình đền Po Patao At xuống cấp, hậu duệ Po Patao At, nhân dân thôn Bình Thắng xã Phan Hòa quyên góp tiền để xây mới ngôi đền Po Patao At (Kalan Po Patao At). Công trình đền tháp Po Patao At được xây dựng từ 4/2016 đến 4/2018, trên khuôn viên 1.000 m2. Đền tháp được xây dựng theo kiến trúc tháp Chăm cổ, cao 15m, rộng 8m.

Phan Hòa là một xã Chăm Bani (Cham có đạo) theo Agama Awal (Hồi giáo Awal). Công trình xây dựng bimong Po Patao At (vị vua tôn sùng Islam) là để tượng nhớ đến Ngài.

 

Hình 4. Po Patao At (vị vua Hồi giáo), đền (Kalan) được xây năm 2016 tại palei Panet- Phan Hòa - Bình Thuận. Ảnh Putra Podam.

 

2. Đền Po Patao At là Kalan hay Bimong

Trong thuật ngữ kiến trúc, Kalan-Bimong là một thuật ngữ trong ngành kiến trúc đền tháp của vương quốc Champa, Kalan và Bimong là hai cụm từ có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.

 a). Kalan: ám chỉ cho tháp chính nằm trong một quần thể của đền tháp, thường xây bằng gạch, có nhiều từng, chỉ có một cửa ra vào duy nhất và không bao giờ có cửa sổ. Trong Kalan, người ta thường thờ Linga (Dương Vật) biểu tượng cho nam thần hay thờ Yoni (Âm Vật) biểu tượng cho nữ thần Hindu (Ấn Độ).

 Tại quần thể Po Klaong Garay thì:

–  Một “Kalan” nằm chính giữa, với phong cách kiến trúc đồ sộ bằng gạch và chỉ có một cửa ra vào duy nhất.

– Hai “Bimong”, tức là đền nhỏ hơn, nằm về phía đông và phía nam của Kalan.

– Một “Danaok” nằm sau Kalan về phía tây.

b). Bimong: là thuật ngữ ám chỉ cho đền tháp xây bằng gạch hay bằng vật liệu nhẹ (như gổ, gạch, vôi), có nhiều cửa ra vào hay một cửa ra vào nhưng có cửa sổ. Bimong có thể là nơi thờ phượng một số thần linh Champa và cũng là nơi dùng để nghĩ ngơi, chứa đồ vật nghi lễ, …

Kết luận: đền Po Patao At là loại kiến trúc Kalan (một cửa chính ra vào) mặc dù Kalan này có thiết kế hai cửa sổ phụ để mở cho thoáng.

po klaong garai 1

Hình 5. Kalan và Bimong trên quần thể Po Klaong Garai. Ảnh: Internet.

Hình 6. Ts. Putra Podam và NCS.Dominique Nguyen tại Kalan Po Patao At. Kalan này bị yểm bởi thần Shiva, Linga, Yoni của Ấn giáo.

 

Hình 7. Bs. Ngân & CT.Champa Bani tại Kalan Po Patao At. Po Patao At bị đặt trên phiến đá Linga (Dương vật) và Yoni (Âm vật) của Ấn giáo

 

3). Po Patao At bị hậu duệ thiếu tôn trọng

Champa là một vương quốc chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa và nền văn minh Ấn Độ (India) từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 15. Cùng với nền điêu khắc của người Khmer và người Java, nền điêu khắc Champa là một trong ba nền điêu khắc chịu ảnh hưởng của Ấn Độ đạt tới tầm cỡ thế giới. Tuy nhiên, sau thế kỷ 15 sự ảnh hưởng từ Ấn Độ đã bị tàn lụi ở Champa và cả khu vực Đông Nam Á.

Chính vì nguyên nhân sự tàn lụi của Ấn Giáo tại Đông Nam Á vào thế kỷ 15, ở Champa không còn xây dựng thêm đền tháp ngoài đền cuối cùng thờ thần Shiva mà Chăm Ahier đưa vua Po Rome vào thay thế để thờ theo phong cách của người Chăm Ahier (Chăm ảnh hưởng Hindu thờ Po Allah) ở Ninh Thuận.

Năm 2016, hậu duệ vua Po Patao At là tín đồ Chăm Awal tại xã Phan Hòa đã xây mới một Kalan cho Ngài là một việc làm ý nghĩa. Vì từ lâu người Chăm không còn xây tháp theo kiến trúc Ấn giáo, ngoài Tháp Po Klaong Garay mà Chính phủ Việt Nam xây tại khu Làng III của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) năm 2012.

Việc xây một ngôi đền theo kiến trúc Ấn giáo không nhất thiết buộc người Chăm phải thờ thần linh của Ấn Độ như thần Brahma, Vishnu, Shiva, Ganesha, Linga, Yoni, …

Tại đảo Jawa - Indonesia, người dân xây ngôi nhà với kiến trúc gạch nung như ngôi đền Ấn giáo nhưng họ chỉ để làm nhà ở chứ không phải làm ngôi đền để thờ.

Tín đồ Chăm Bani theo Agama Awal (Hồi giáo) ở xã Phan Hòa xây đền cho Po Patao At có thể chọn kiến trúc đền tháp Ấn Độ hay kiến trúc mái vòm kiểu Trung Đông, hoặc một kiến trúc phương Tây khác, ở đây không nhất thiết phải xây theo kiến trúc đền thờ Ấn Độ.

Việc xây đền cho Po Patao At chọn kiến trúc đền tháp Ấn Độ có thể là việc làm đúng văn hóa Champa. Nhưng việc đưa Po Patao At vào trong đền là việc làm cần phải cân nhắc.

Thứ nhất: Po Patao At là vị vua theo Agama Islam (Hồi giáo).

Thứ hai: Hậu duệ xây dựng ngôi đền khang trang cho vua Po Patao At là một việc làm đáng hoan nghênh, đáng khích lệ cho nhân dân Chăm xã Phan Hòa.

Thứ ba: Một tín đồ Islam (Hồi giáo) thì không được xây dựng ngôi đền để tôn thờ (vì người Chăm Awal nói riêng và tín đồ Islam trên thế giới nói chung không được lập đền thờ hoặc bàn thờ trong nhà để thờ phượng người quá cố).

Thứ tư: Người Chăm Awal hoặc tín đồ Islam nói chung có thể xây một ngôi nhà (lăng) mà bên trong có để phần mộ người quá cố, nhưng đây không phải là ngôi đền để tôn thờ người quá cố, mà chỉ là ngôi nhà (ngôi lăng) để tôn kính, tưởng nhớ người quá cố, ghi công người có công lao đối với dân tộc, đất nước.

Thứ năm: Tuy nhiên, việc đưa thần Shiva của Ấn giáo lên đỉnh tháp để trấn giữ ngôi đền của vua Po Patao At (tín đồ Islam) là một việc làm hoàn toàn sai.

Thứ sáu: Không những đưa thần Shiva để trấn giữ cửa chính, hậu duệ Po Patao At còn nhẫn tâm đưa cả biểu tượng Linga (Dương Vật) và Yoni (Âm vật) của Ấn giáo vào thờ chung trong ngôi đền.

Thứ bảy: Một việc làm sai khác là hậu duệ của Po Patao At đã bắt Po Patao phải quỳ khom lưng trên phiến đá Linga (Dương Vật đàn ông) và Yoni (Âm hộ phụ nữ) của Ấn giáo để trừng phạt Po Patao At.

Thứ tám: Hậu duệ Po Patao At còn mời cả chức sắc bên Ahier để thực hiện lễ cho Po Patao At là một việc làm đầy sĩ nhục cho vua Po Patao At và cả nhân dân xã Phan Hòa.

Thứ chín: Đừng có mang chứng bệnh ảo tưởng, hão huyền, chạy theo mốt, đua đòi thấy người Chăm Ahier tổ chức lễ Kate trên đền tháp, hậu duệ cũng tính bắt chước định tổ chức lễ Kate trên đền Po Patao At.

Thứ mười: Ông Pts.Thành Phần là người không am hiểu về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Chăm. Ông ta chỉ vì lợi ích cá nhân, hám danh, hám lợi, vụ lợi, lấy tiền dự án Ấn Độ để chi ra vài phần trăm đồng lẽ để mua thần Shiva, Linga, Yoni, ... tặng cho Ban Tổ chức để đưa vào đền. Trong khi ông Thành Phần không cần biết Po Patao At là ai? Xã Phan Hòa là người Chăm theo tín đồ nào?

Hình 8. Ts. Putra Podam đi khảo sát thấy Po Patao At mặc áo đỏ (yang) khom lưng quỳ trên tượng thần Ấn Độ Linga (Dương Vật) và Yoni (Âm Vật). Ảnh: Putra Podam.

 

4. Một số kiến nghị

Xã Phan Hòa là một xã của người Chăm gồm bốn palei: Palei Panet, Palei Aia Mamih, Palei Mbok Kacak, Palei Dik. Bốn làng này 100% là người Chăm Bani (Chăm có đạo) theo Agama Awal (Hồi giáo). Để bảo tồn, gìn giữ văn hóa cũng như phong tục tập quán xưa do cha ông để lại, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị như sau:

Kiến nghị 1: Tháo dỡ tượng thần Shiva trên đỉnh ngôi đền.

Kiến nghị 2: Tháo dỡ biểu tượng Linga (Dương vật) và Yoni (Âm vật) bên trong đền.

Kiến nghị 3: Đưa tượng thần Shiva, Linga, Yoni, … ra khỏi khu vực xã Phan Hòa.

Kiến nghị 4: Xây bệ đá để đặt lại Bia đá (Batau nisan) của Po Patao At.

Kiến nghị 5: Không được thay bia đá mới, không họa tiết khuôn mặt, giữ lại bia Po Patao At.

Kiến nghị 6: Không được mời chức sắc Haluw Janâng bên Agama Ahier làm lễ cho Po Patao At.

Kiến nghị 7: Mời giáo sĩ Acar thực hiện một số nghi lễ cho Po Patao At.

Mong nhân sĩ, trí thức và giáo sĩ (Acar) xã Phan Hòa có một buổi họp, hội thảo để thống nhất ý kiến nhằm đưa ra chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cũng như thể hiện sự tôn kính và ghi công lao Po Patao At của hậu duệ Chăm Bani và cụ thể là Agama Awal (Hồi giáo Awal).

 

LINK: LIÊN KẾT LIÊN QUAN

1. Hãy trả tự do cho vua Patao At. File PDF.

2. Po Patao At vị vua Hồi giáo (Islam) file PDF.

3. Po Patao At - vị vua Hồi giáo (Islam)

 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH MINH CHỨNG

Hình 9. Phần mộ của Nabi Ibrahim (Thiên sứ Ibrahim) được bảo quản bên trong ngôi đền. Tín đồ Muslim (Hồi giáo) luôn tôn kính, kính trọng và thực hiện lễ hàng ngày. Đây không phải là ngôi đền để thờ Nabi Ibrahim, vì tín đồ Hồi giáo chỉ tôn thờ duy nhất Po Allah và chỉ tôn kính các Nabi hay Rasul (Thiên sứ).

Hình 10. Phần mộ của Nabi Muhammad (Thiên sứ Muhammad). Đây là vị Thiên sứ cuối cùng theo đức tin của tín đồ Hồi giáo. Phân mộ được bảo quản bên trong Thánh đường. Tín đồ Muslim (Hồi giáo) luôn tôn kính vị Thiên sứ. Đây không phải là ngôi đền để thờ Nabi Muhammad, vì tín đồ Hồi giáo chỉ tôn thờ duy nhất Po Allah và tôn kính các Nabi (Thiên sứ).

Hình 11, 12. Lăng ông Tuan Ku Umar (vị hiền nhân). Phần mộ được người Chăm An Giang bảo quản bên trong một ngôi lăng để ghi công lao của ông. Đây không phải xây lăng để thờ thần linh hay thờ người quá cố mà để tôn kính và ghi ơn công lao của ông. Phần mộ không nhất thiết phải có bia đá (patau nisan).

Hình 13. Phụ nữ Iran (Bani Islam) cắm hoa khi đi tảo mộ và đọc Thiên kinh Koran. Phần mộ chỉ cần một bia đá. Chú ý: không phải cứ thấy một bia đá là Kut của Chăm Ahier. Ảnh: Internet.

Hình 14. Tín đồ (Bani Islam) đi tảo mộ, viếng mộ, cắm hoa trên phần mộ và đọc Thiên kinh Koran.

Hình 15. Phần mộ những anh hùng Champa được chôn chung với đức vua Abdul Fatah al Akbar 1475-1518, vị vua đầu tiên của vương triều Islam Demak ở Indonesia. Đức vua Abdul Fatah al Akbar dân gian gọi là Raden Patah, ông là con của vua Majapahit Ảnh: Internet.

 

Maqom Putri Cempo (Makam Putri Campa - Lăng công chúa Champa) ở đảo Java, Indonesia. Lăng được biết là công chúa người Champa đến từ khu vực miền Trung Việt Nam. Công chúa Champa là một mắt xích trong việc truyền bá Islam đến Java, Đông Indonesia. Trên hòn đảo này có nhiều lăng công chúa Champa. Đó là những vị công chúa được vua Champa gả sang Majapahit (vương quốc ở đảo Java) để truyền bá Islam vào Indonesia. Khi các vị công chúa này mất được xây lăng cẩn thận và được người Indonesia chăm sóc và rất quý trọng. Lăng công chúa Champa được xác định năm mất là 1448.

Hình 16. Putri Cempo (Putri Campa - công chúa Champa) tên Dewi Indrawati, một nhân vật truyền bá Islam ở Jawa - Indonesia. Ngôi mộ của Putri Campa nằm trên đỉnh đồi, phía đông làng Bonang ở độ cao 150m bậc thang bằng bê tông. Nguồn Internet.

Hình 17. Pintu makam putri cempo, Lasem, Rembang, Jawa, (Cửa mộ của công chúa Campa ở Lasem, Rembang phía Đông Jawa). Phần mộ công chúa Champa (Islam) chỉ cần một bia đá (patau nisan) được phủ lớp vải cẩn thận. Chú ý: Không phải lúc nào cứ thấy một bia đá là Kut của người Chăm Ahier. Nguồn Internet.

Hình 18. Tomb of the Campa Princess, Makam Putri Cempo, Trowulan, East Java (Lăng mộ Công chúa Campa, Trowulan, Đông Java). Bia đá (patau nisan) được phủ lớp vải rất cẩn thận. Chú ý: bia đá không nhất thiết là Kut của người Chăm Ahier, bia đá này thuộc phần mộ Chăm Bani (Chăm có đạo) theo Agama Islam. Nguồn Internet.