Y Jut tên đầy đủ Y Jut H'wing, là một nhân sỹ người dân tộc Rhade (Ede), một người con ưu tú của núi rừng Tây nguyên. Ông sinh năm 1888 (Có tài liệu ghi 1885) tại Buôn Kram, xã Ea Tieu, huyện Krong Ana, tỉnh Daklak và mất năm 1934.
Sau khi mất, tên ông được đặt làm tên một con đường phố tại thành phố Ban Me Thuột từ thời Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài ra tên ông còn vinh dự đặt tên cho rất nhiều trường học ở Daklak và Tây Nguyên.
Hình 1. Trường Trung học Phổ thông Y Jut tại Tp. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Sưu tầm.
Năm 1895, ông học Trường Tiểu học Pháp - Rhade tại Ban Mê Thuột.
Năm 1912, ông học trung học tại Trường Lycee Khải Định Huế. Năm 1916 Y Jut tốt nghiệp trung học, được bổ nhiệm làm giáo viên tại Trường Franco – Rhade Ban Me Thuột. Một trí thức người bản địa Tây Nguyên thời Pháp nên Y Jut rất giỏi tiếng Pháp, Rhade, Lào, Thái, Việt, …
Để giúp dân tộc Tây Nguyên thoát khỏi nạn mù chữ cũng như để lưu giữ văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc,… Y Jut hợp tác những người bạn cùng thời như Y Ut, Y Blul,…nghiên cứu, tìm hiểu mẫu tự Latin bằng tiếng Pháp đối chiếu sang tiếng Rhade để tạo bộ chữ viết riêng cho người Rhade.
Năm 1920, bộ chữ viết tiếng Rhade được người Pháp đốc học Angtoamaki và Sabatier tu chỉnh. Chữ viết Rhade được Latin hóa thành công và được phổ cập rộng rãi trong cộng đồng người Rhade và các dân tộc trên Tây Nguyên. Năm 1935, người Pháp chính thức công nhận chữ viết Rhade và cho phép phổ cập giảng dạy trên Tây Nguyên.
Hình 2. Y Jut và người vợ xinh đẹp H’ Zih Niê Brít thời còn trẻ. Ảnh: Minh Họa.
Y Jut bị đầu độc và qua đời năm 1934 tại Ban Me Thuột còn Y Ut (Ama Puk) bị ám sát năm 1962 tại Bản Đôn trong khi đang dạy học cho học sinh người Rhade.
Hình 3. Ngôi mộ vợ chồng thầy Y Jut và H’ Zih Niê Brít, tại nghĩa trang của buôn Păn Lăm. Ảnh: Sưu tầm.
Chữ viết tiếng Rhade do Y Jut và Y Ut biên soạn là sản phẩm khoa học, là tài sản quý giá của dân tộc. Hiện nay người Rhade đang dùng bộ chữ viết này để nghiên cứu, giảng dạy và học tập trong nhà trường.
Y Jut người dân tộc Rhade bản địa đã có tư tưởng tiến bộ từ rất sớm, xác định được tiền đề phát triển cá nhân và cộng đồng được kết tinh từ văn hóa dân tộc và sự tiến bộ của nhân loại. Nó đã trở thành động lực thúc đẩy thế hệ trẻ ở Tây Nguyên luôn nỗ lực, tìm tòi sáng tạo trong học tập cũng như lao động để khẳng định chính mình trong xu thế hội nhập với quốc tế.
Để tôn vinh những đóng góp to lớn của thầy giáo Y Jut, những đứa con Tây Nguyên, Tiến sĩ Buon Krong Tuyết Nhung (Trường Đại học Tây Nguyên) và nghệ nhân Võ Văn Hải (hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật Daklak) đã làm nên quyển sách bằng gỗ độc đáo với 4 ngôn ngữ: Việt, Êđê, Anh, Pháp với tựa đề: “Thầy giáo Y Jut H’Wing – người con ưu tú của Tây Nguyên”, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Daklak.
Hình 4. Pgs.Ts Buon Krong Tuyết Nhung (Trường Đại học Tây Nguyên) và nghệ nhân Võ Văn Hải (hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật Daklak) đã làm nên quyển sách bằng gỗ nói về Y Jut. Ảnh: Sưu tầm.
Hình 5. Quyển sách bằng gỗ độc đáo với 4 ngôn ngữ: Việt, Êđê, Anh, Pháp với tựa đề: “Thầy giáo Y Jut H’Wing – người con ưu tú của Tây Nguyên”, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Daklak. Ảnh: Sưu tầm.
-----***-----
BẢNG CHỮ CÁI TIẾNG RHADE (EDE)
Hình 6. Bộ chữ cái Latin tiếng Rhade (Ede) do Y Jut biên soạn. Ảnh: Sưu tầm.
Một số hình ảnh trường THPT Y Jut ngày xưa