Ts.Po Dharma: Nghiên cứu trong Biên Niên Sử Champa bị thiếu nhân vật Po Chongchan

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
Jul 3, 2024, 9:02 PM
Ts.Putra Podam (Văn Ngọc Sáng)
Email: putrapodam@gmail.com
Facebook: Putra Podam

 

Thuận Thành Trấn (1693 - 1832)

Năm 1471, chiến thắng thành Vijaya (Đồ Bàn) của vua Lê Thánh Tông (Đại Việt) là hồi chuông báo động cho sự suy thoái của thời hậu Lê, kéo theo sự phân tranh giữa chúa Trịnh ở miền bắc và chúa Nguyễn ở miến nam. Năm 1569, Nguyễn Hoàng quyết định hình thành một triều đại riêng trên lãnh thổ Champa bị chiếm đóng. Vì không đủ tiềm lực tiến quân ra bắc chống chúa Trịnh, Nguyễn Hoàng chỉ còn cách mở cuộc Nam Tiến về phía nam trên lãnh thổ Champa. Năm 1611, nhà Nguyễn xua quân xâm chiếm Phú Yên và năm 1653 đặt nền đô hộ trên tiểu vương quốc Kauthara (Khánh Hòa).

Năm 1692, nhà Nguyễn tấn công Panduranga-Champa, thay đổi danh xưng “Panduranga” thành “Trấn Thuận Thành” và thành lập phủ Bình Thuận đầu tiên trên lãnh thổ của vương quốc này, tập trung những cư dân người Kinh sinh sống ở Champa, cư dân này là công dân của triều đình Huế.

Năm 1771, Champa trở thành nạn nhân của cuộc chiến giữa Tây Sơn làm chủ ở phương bắc và Nguyễn Ánh chiếm đóng Sài Gòn để làm hậu cứ. Nằm trên địa thế bị kèm kẹp giữa lãnh thổ của Tây Sơn và Nguyễn Ánh, vương quốc Champa bị lôi kéo vào cuộc chiến giữa người Việt và chấp nhận phải qui phục phe thắng trận dù là Nguyễn Ánh hay Tây Sơn. Kể từ đó, Champa hoàn toàn tùy thuộc vào kết quả của cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh.

Năm 1802, Nguyễn Ánh thắng trận, lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, quyết định phục hưng lại nền độc lập Champa và giao quyền cai trị cho Po Saong Nyung Ceng, người đã từng giúp đỡ Nguyễn Ánh chống quân Tây Sơn. Bên cạnh đó, vua Gia Long còn ban cho người kế cận trong chiến trường chống Tây Sơn là Lê Văn Duyệt lên làm Tổng Trấn Gia Định Thành và giao quyền bảo trợ vương quốc Champa ở phía nam của triều đình Huế.

Kể từ đó, nền hòa bình và thịnh vượng trở lại trên vương quốc Champa, một quốc gia đặt dưới quyền đô hộ của triều đình Huế qua trung gian của Lê Văn Duyệt, phó vương ở miền Nam Bộ. Sau ngày băng hà của vua Gia Long vào năm 1820, vua Minh Mệnh lên ngôi, tìm cách xóa bỏ qui chế Gia Định Thành của Lê Văn Duyệt và đưa vương quốc Champa vào vòng kiểm soát trực tiếp của triều đình Huế. Thế là chiến tranh giữa vua Minh Mệnh và Lê Văn Duyệt bắt đầu bùng nổ để gây ảnh hưởng trên vương quốc Champa.

Po Saktiraydapatih (Bà Tử hay Kế Bà Tử), trị vì (1695-1727). Một số tên gọi khác Po Saktiray Depatih, Po Saktiray Da Patih, Po Saktiraydaputih. Saktiraydapatih là em ruột của vua Po Saot theo tôn giáo Islam (Hồi giáo). Theo gia phả vua Champa Islam tại Kelantan-Malaysia thì Ngài là cháu trai của vua Po Rome với Hoàng hậu người Rhade tên Bia Than Chan (con gái của thủ lĩnh người Rhade). Theo tài liệu Wiki thì cho rằng Saktiraydapatih là con của vua Po Rome với Hoàng hậu người Rhade tên Bia Than Chan. Sinh tại Panduranga và qua đời 1728 tại Bal Canar (Tuy Phong, Phan Rí Cửa).

Po Saot (Bà Tranh) trị vì (1659-1692) đến Po Saktiraydapatih (Bà Tử), trị vì (1695-1727), vương triều Champa có sự gián đoạn triều đại trong vòng 3 năm. 

Giai đoạn này, người dân Champa bị bắt phải mặc quần áo kiểu người Việt và buộc phải theo phong tục Việt Nam. Năm 1693, một quý tộc Champa là Oknha Đạt (Ốc nha Thát, nổi dậy chống lại chúa Nguyễn. Ông được sự giúp đỡ của người Trung Quốc, tên A Ban), cuộc nổi loạn sau đó bị dập tắt.

Năm 1695, Po Saktiraydapatih (Kế Bà Tử) được chúa Nguyễn phong làm vua Panduranga-Champa với tước hiệu Thuận Thành trấn vương (vua của Thuận Thành trấn) vào năm Hợi, nhưng cho mãi đến năm Tý, ngài mới lên ngôi. Ngài thoái vị năm Mùi, trị vì 32 năm, đóng đô ở Bal Canar, Panduranga (Tuy Phong, Parik).

Theo Biên niên sử Panduranga viết bằng tiếng Chăm và Hán, kể từ năm 1702, tất cả Việt kiều sống trong Panduranga-Champa không trực thuộc quyền quản trị của vương quốc này, nhưng trực thuộc phủ Bình Thuận của nhà Nguyễn. Phủ Bình Thuận là một cơ quan đại diện cho nhà Nguyễn có vai trò để giải quyết với chính quyền Panduranga-Champa mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi Việt kiều sống ở vương quốc này. Sự hiện diện của Việt kiều dưới sự bảo hộ của phủ Bình Thuận là nguyên nhân chính đưa đến xự xung đột giữa người dân Panduranga-Champa và cộng đồng Việt kiều. Việt kiều càng ngày mở rộng lãnh thổ qua các cuộc mua bán ruộng đất một khi dân tộc Champa bị thiếu nợ, hoặc qua các cuộc chiếm đất bất hợp lệ trong những khu vực hoang vắng. Kể từ đó, Panduranga-Champa không còn biên giới cố định, vì lãnh thổ có một hình dạng như vết dầu loan, nằm xen kẻ trong biên giới của đất đai thuộc phủ Bình Thuận của nhà Nguyễn

 Po Ganuhpatih (Bà Thị), trị vì (1727-1730). Theo sử Việt, ngài là con trai của vua Saktiraydapatih. Theo Po Dharma, ngài là cháu của vua Saktiraydapatih. Theo tôn giáo Islam (Hồi giáo). Ngài là vị vua Panduranga, được nhận tấn phong của chúa Nguyễn làm Thuận Thành trấn vương vào năm Thân, thoái vị năm Tuất, trị vì 3 năm, đóng đô ở Bal Canar, Panduranga (Tuy Phong, Parik).

Po Thuntiraydaputih (Nguyễn Văn Thuận), trị vì (1730-1732). Theo Po Dharma, ngài là con của vua Po Saot, theo tôn giáo Islam (Hồi giáo). Theo sử Việt, ngài là con trai của Po Ganuhpatih, theo tôn giáo Islam (Hồi giáo). Ngài là vị vua Panduranga, được nhận tấn phong của chúa Nguyễn làm Thuận Thành trấn vương vào năm Hợi với chức phong là Kham Lik Mbin (Khâm Lý Binh), thoái vị năm Tý, trị vì 1 năm. Đóng đô ở Bal Canar, Panduranga (Tuy Phong, Parik).

Po Rattiraydaputao (Nguyễn Văn Đạt), trị vì (1732-1763). Theo Po Dharma, ngài là cháu của vua Po Saktiraydapatih, theo tôn giáo Islam (Hồi giáo). Theo sử Việt, ngài là con trai của Po Thuntiraydaputih, theo tôn giáo Islam (Hồi giáo). Ngài là vị vua Panduranga, được nhận tấn phong của vua Nguyễn làm Thuận Thành trấn vương vào năm Tý (1732) cho đến năm Thỏ (1735) mới lên ngôi. Ngài thoái vị năm Mùi, trị vì 29 năm. Đóng đô ở Bal Canar, Panduranga (Tuy Phong, Parik).

Po Tisundimahrai (Nguyễn Văn Thiết), trị vì (1763-1765).

Ngài thuộc triều đại thân tộc của vương triều vua Po Mah Taha. Ngài là vị vua Panduranga, được nhận tấn phong của vua Nguyễn làm Thuận Thành trấn vương vào năm Mùi với chức phong là Kai Bait Mbin (Cai Bếp Binh). Ngài thoái vị năm Dậu, trị vì 1 năm và đóng đô ở Bal Canar, Panduranga (Tuy Phong, Parik).

Po Tisuntiraydapaghoh (Nguyễn Văn Tịch), trị vì (1765, 1768-1780). Theo Po Dharma, ngài là con của Po Thuntiraydaputih. Theo sử Việt, ngài là con trai của Po Rattiraydaputao theo tôn giáo Islam (Hồi giáo). Ngài là vị vua Panduranga, được nhận tấn phong của vua Nguyễn làm Thuận Thành trấn vương vào năm Dậu cho đến năm Tý ngài mới lên ngôi. Ngài thoái vị năm Tý, trị vì 13 năm và đóng đô ở Bal Canar, Panduranga (Tuy Phong, Parik).

Po Tisuntiraydapuran (Nguyễn Văn Tá), trị vì (1780-1781), theo tôn giáo Islam. Sinh tại Bal Canar-Panduranga (Phan Rí Cửa, Tuy Phong, Bình Thuận) và qua đời năm 1793 tại Gia Định (Đàng Trong, Đại Việt, Sài Gòn ngày nay). Po Tisuntiraydapuran là con trai Po Tisuntiraydapaghoh, hậu duệ của Po Saktiraydapatih. Theo tôn giáo Islam (Hồi giáo). Ngài là vị vua Panduranga, được nhận tấn phong của vua Nguyễn làm Thuận Thành trấn vương vào năm Tý với tước hiệu Cai cơ nghĩa là “quan lớn”.

Từ năm 1771, Champa là nạn nhân của cuộc nội chiến ở Đại Việt. Số phận của Champa phụ thuộc vào cuộc nội chiến giữa triều đại Tây Sơn và các chúa Nguyễn. Po Tisuntiraidapuran quay sang ủng hộ quân nổi dậy Tây Sơn. Ông bị Nguyễn Ánh coi là kẻ phản bội, sau 1 năm trị vì, ông bị quân Nguyễn Ánh bắt vào năm Sửu. Đóng đô ở Bal Canar, Panduranga (Tuy Phong, Parik).

Hình 1. Chân dung phác họa vua Gia Long qua nét vẽ của một họa sĩ người Pháp. (Nguồn tài liệu thư viện Pháp)

Po Krei Brei (Nguyễn Văn Chiêu), trị vì (1783-1786). Một số tên gọi khác là Cei Brei, Cei Krei Brei. Theo tôn giáo Islam (Hồi giáo) với danh xưng Muhammad Ali ibn Wan Daim. Po Krei Brei là một hoàng tử Champa, ông là anh trai của Po Tisuntiraydapuran (Nguyễn Văn Tá), là con trai của vua Po Tisuntiraydapaghoh.

Ngài nhận tấn phong của Nguyễn Nhạc (Tây Sơn) vào năm Thỏ, với chức tấn phong là Ceng (Chưởng Cơ), trị vì 4 năm và thoái vị năm Ngọ. Đóng đô ở Bal Canar, Panduranga (Tuy Phong, Parik).

Trong suốt thời gian binh đao giữa quân Nguyễn Ánh và Tây Sơn, Po Cei Brei không chấp thuận sự xâm lược của Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn, Po Cei Brei từ bỏ vai trò lãnh đạo chấp nhận lưu vong và ẩn náo một thời gian ở Đồng Nai Thượng, sau đó, dẫn theo những người trung thành tìm đường sang Cao Miên vào năm 1795-1796 và định cư tại Roka Po Pram thuộc tỉnh Thbang Khmum, tức Kompong Cham, nơi sinh hoạt thường xuyên của người Chăm Malay theo Hồi giáo. Đây không phải lần đầu tiên mà người Champa sang Kampuchea, vì trước đó đã có các cuộc di cư vào năm 1471, 1692 và cuộc di dân sau năm 1835.

Sau đó ông ta về định cư vĩnh viễn tại vùng Rong Damrei (sau này trở thành Tây Ninh) vào năm 1812, như hai bản văn viết bằng tiếng Chăm: Cam 37 và Cam 39 (38) thường nhắc đến. Tại Châu Đốc, người Melayu Champa tiếp tục hỗn cư với người Malay và trong khoảng cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Vùng Châu Giang của Châu Đốc vẫn còn rất nhiều người Malay từ Tereangganu và Kelantan vượt biển rồi xuôi theo sông Hậu đến định cư. Người Chăm và người Malay lại tiếp tục hoà huyết và tạo nên một bản sắc rất riêng cho người Chăm ở vùng Nam Bộ và Vua Cei Brei được xem như là ông tổ của người Chăm ở Kampuchea và Nam Bộ Việt Nam ngày nay.

Po Tisuntiraydapuran (Nguyễn Văn Tá), trị vì (1786-1793). Po Tisuntiraidapuran là hậu duệ của Po Saktiraydapatih. Theo tôn giáo Islam (Hồi giáo). Po Tisuntiraidapuran quay sang ủng hộ quân nổi dậy Tây Sơn, ông bị Nguyễn Ánh coi là kẻ phản bội. Lên ngôi lần thứ hai vào năm 1786 do vua Nguyễn Nhạc lại tấn phong cho ngài năm Ngọ với chức Ceng (Chưởng Cơ), trị vì 8 năm.

Năm 1788, Po Ladhuanpuguh (Nguyễn Văn Hào) được Nguyễn Ánh bổ nhiệm cai trị Champa. Năm 1793, Po Ladhuanpuguh đánh và bắt giữ Po Tisuntiraidapuran đưa về xử tử tại Gia Định (Sài Gòn ngày nay).

Po Chongchan (Nguyễn Văn Tòng), trị vì năm 1796. Tên khác Po Choncain, sinh tại Panduranga và qua đời tại Kampuchea. Po Chongchan theo tôn giáo Islam (Hồi giáo) là người mang huyết thống vương tộc Po Tisuntiraidapuran (Islam).

Po Chongchan, nhà cai quản Champa được triều đại Tây Sơn hoàng đế Thái Đức (Nguyễn Nhạc hay Nguyễn Văn Nhạc) lập làm chánh vương Panduranga để làm đối trọng Po Ladhuanpuguh (nhà cai trị thực sự của Panduranga do chua Nguyễn Ánh dựng lên). Do việc Po Chongchan chịu sự kiểm soát của nhà Tây Sơn khiến phe chúa Nguyễn (người cai trị xứ Đàng Trong) không muốn ủng hộ.

Năm 1796, Po Chongchan theo quân Tây Sơn tấn công Bal Canar (Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) để chiếm vương vị, nhưng bị Po Saong Nyung Ceng đánh bại. Sự thất thế liên tiếp của nhà Tây Sơn dưới triều Quang Toản (con trai vua Quang Trung) cũng là nguyên nhân khiến Po Chongchan lỡ mất cơ hội đoạt ngôi. 

Tháng 10 năm 1796, có một vị công hầu đến từ Kedah (Malaysia) tên Tuan Phaow (Tuần Phủ) cùng đoàn quân hùng hậu thừa dịp chúa Nguyễn đang công kích nhà Tây Sơn, Tuan Phaow phát động cuộc chiến nhằm khôi phục quyền tự trị hoàn toàn cho Panduranga, nhưng đã bị Po Saong Nyung Ceng trấn áp và cuộc nổi dậy thất bại.

Panduranga dưới sự cai trị của Po Saong Nyung Ceng ngày càng tỏ ra quật khởi và tự cường, càng gần về cuối triều Tây Sơn thì tiềm lực của họ càng được củng cố, đã có lúc tưởng chừng phủ thành Quy Nhơn đã sa vào tay liên quân Nguyễn (cai trị xứ Đàng Trong) và Panduranga.

Po Chongchan sau khi thất bại Bal Canar (Tuy Phong, Phan Rí Cửa), Po Chongchan cùng gia quyến và đoàn tùy tùng trên 7000 người chạy sang Kampuchea tị nạn. Người Chăm chạy sang Kampuchea tiếp tục được triều đình sử dụng làm quân binh hầu cận. Cộng đồng Chăm trong đợt di cư này có lẽ là tổ tiên của nhóm Chăm Jahed hay Chăm Imam San ở Kampuchea ngày nay.

Hình 2. Bản đồ Việt Nam năm 1792. Lãnh địa của chúa Nguyễn là vùng xanh; trong khi vùng vàng và vùng tối nằm dưới sự kiểm soát của các thủ lĩnh Tây Sơn là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ.

 

Vương triều thứ 9: Bal Canar- Panduranga

Po Ladhuanpaghuh (Nguyễn Văn Hào), trị vì (1793-1799). Po Ladhuanpuguh là một quan chức của triều đình Champa. Ngài nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Sửu với chức phong là Ceng (Chưởng Cơ), trị vì 7 năm và thoái vị năm Mùi. Đóng đô ở Bal Canar, Panduranga (Tuy Phong, Parik). Qua đời năm 1799 tại Bal Canar (Tuy Phong, Phan Rí Cửa).

Năm 1790, Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định (Sài Gòn), Po Ladhuanpuguh gia nhập quân Nguyễn Ánh. Quân Nguyễn Ánh chiếm Bal Canar (Parik) năm 1793, Po Ladhuanpuguh bắt Po Tisuntiraidapuran và cho xử tử.

Năm 1793, Po Ladhuanpuguh được thăng làm chưởng cơ và trở thành người cai trị duy nhất của Panduranga. Phó cai trị là Po Saong Nyung Ceng (1794-1799).

Năm 1796, Tuan Phaow, một vị công hầu đến từ Malaysia, mà biên niên sử Việt Nam gọi là Tuần Phủ (Po Dharma, 1987, II:74). Thế kỷ XVIII, xứ Panduranga-Champa bị chìm đắm trong một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng, bắt nguồn từ sự xung đột vào năm 1771 giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Panduranga-Champa bị cuốn vào cuộc chiến giữa hai thế lực thù địch mà chẳng liên quan gì đến Champa. Nhằm tiêu diệt đối phương và chiếm cứ đất đai, hai bên tham chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh trước hết phải chiếm đất Champa để làm căn cứ quân sự và tàn sát dân địa phương. Tuan Phaow đến Panduranga với đội quân khá hùng hậu gồm người Chăm Kampuchea (Chăm Baruw - Islam), những người Jawa Kur (người Malay ở Cao miên), và một số quan lại Khmer, những người này chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất mang áo chiến trận màu trắng, nhóm thứ hai mang áo bộ quần và khăn quấn đầu nhuộm đen. Đối với người Chăm, chắc chắn họ là người Malay đến từ Cao Miên. Để thực hiện mục tiêu đã định, Tuan Phaow dựa vào những binh lính đến từ Cao Miên và lực lượng đấu tranh địa phương. Những quân lính tộc người Churu, Raglai và Kahaow tức là sắc dân miền núi sống ở phía Tây Panduranga. Sự tuyên truyền tích cực của Tuan Phaow thường mang tính chất lý luận tôn giáo. Nghĩa là ông ta khoe sức mạnh siêu nhân ngang hàng với thánh Hồi Giáo như Mahammad và Ali, nhận lệnh từ Đấng Allah đến Panduranga để giải phóng Champa khỏi sự thống trị của triều đình Huế. Mặc dù lời tuyên truyền đầy màu sắc tôn giáo, nhưng Tuan Phaow không có ý đồ đưa phong trào giải phóng Panduranga trở thành cuộc “Thánh chiến Hồi giáo”. Qua đây cho thấy Hồi Giáo có khả năng kêu gọi một cuộc tập hợp chung. Cuộc nổi dậy của Tuan Phaow ở Panduranga

Po Ladhuanpuguh đã giúp chúa Nguyễn Ánh dập tắt phong trào cách mạng đấu tranh của Tuan Phaow. Năm 1797, Tuan Phaow bại trận và chạy sang Kelantan-Malaysia.

Po Saong Nyung Ceng (Nguyễn Văn Chấn), trị vì (1799-1822). Tên gọi khác là Po Ceng. Hậu duệ con trai tên Po Phaok The (Nguyễn Văn Thừa). Po Ceng sinh tại Panduranga và qua đời năm 1822 tại Bal Canar-Panduranga (Phan Rí Cửa, Tuy Phong, Bình Thuận).

Năm 1790, Po Ceng gia nhập quân Nguyễn Ánh. Năm 1794, Po Ceng được Nguyễn Ánh bổ nhiệm làm phó vương, hay phó cai trị Champa.

Năm 1796, Po Chongchan, nhà cai trị Champa được triều đại Tây Sơn hỗ trợ, đã xâm chiếm Bal Canar (Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Po ChongChan đã bị Po Saong Nyung Ceng đánh bại. Po Saong Nyung Ceng cũng tham gia trấn áp cuộc nổi loạn của Tuan Phaow.

Năm 1799, Po Ceng, nhận tấn phong của vua Việt Nam vào năm Mùi với chức Ceng (Chưởng Cơ), trị vì 24 năm và thoái vị vào năm Ngọ. Ngài đóng đô ở Bal Canar, Panduranga (Tuy Phong, Parik). Po Klan Thu làm phó vương hay phó cai trị Panduranga.

Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại tàn quân Tây Sơn, làm chủ toàn diện lãnh thổ Đại Việt, sau đó lên ngôi lấy danh hiệu là Gia Long. Khi chiến tranh đã chấm dứt, Gia Long quyết định trao trả lại cho vương quốc Panduranga-Champa, không phải là quyền độc lập, nhưng là quyền tự trị dưới sự bảo hộ của triều đình Huế. Sau đó, Gia Long phong tước cho ong Po Saong Nyung Ceng, một tướng tài gốc người Chăm, đã từng tham gia với Nguyễn Ánh chống Tây Sơn, quyền cai trị Thuận Thành trấn. Mặc dù là một vương quốc tự trị, nhưng Po Saong Nyung Ceng có quyền tuyệt đối trên nhân dân của Panduranga, có quyền thành lập quân đội riêng và quyết định thuế má riêng trong lãnh thổ của mình. Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, Panduranga-Champa cũng là một vương quốc tự trị dưới sự bảo trợ của vua Gia Long, nhất là dưới sự che chở tối đa của ông Lê Văn Duyệt, Tổng Trấn Gia Ðịnh Thành.

Năm 1820, Gia Long từ trần. Minh Mệnh kế tiếp cha mình để cai trị toàn vẹn Việt Nam. Sau ngày lên ngôi, Minh Mệnh xóa bỏ tất cả chính sách liên quan đến Panduranga-Champa do Gia Long để lại, và quyền kiểm soát của Lê Văn Duyệt trên vương quốc này. Vấn đề này đã dẫn đến sự xung đột giữa Minh Mệnh và Tổng Trấn Gia Ðịnh Thành.

Po Bait Lan (Nguyễn Văn Lân), trị vì năm 1822.

Năm 1822, Po Saong Nyung Ceng băng hà. Minh Mệnh đề nghị người thân cận của mình là Bait Lan lên nối ngôi, nhưng không thành, vì có sự chống đối của Lê Văn Duyệt.  

Po Klan Thu (Nguyễn Văn Vĩnh), trị vì (1822-1828). Hậu duệ con trai tên Cei Dhar Kaok làm phó vương. Champa sau ngày từ trần của Po Saong Nyung Ceng vào năm 1822. Lê Văn Duyệt, phó vương Nam Kỳ, đề nghị đưa Po Phaok The (Nguyễn Văn Thừa) kế vị. Tuy nhiên, Hoàng đế Minh Mạng muốn Bait Lan trở thành người cai trị mới.

Thời điểm này, thừa dịp triều đình Huế bất đồng về việc chọn tân vương Panduranga, Ja Lidong xua quân Champa chống phá doanh trại quân sự của triều đình Huế. Minh Mệnh chấp nhận Po Klan Thu nối ngôi cai trị Panduranga, với điều kiện phải dẹp tan quân phiến loạn của Ja Lidong. Po Phaok The được bổ nhiệm làm phó vương, hay phó cai trị Panduranga.

Po Klan Thu lên ngôi vào năm 1822 (chánh vương Panduranga, chánh trấn Thuận Thành), sau này không còn nghe tin tức về mối quan hệ giữa Panduranga và Lê Văn Duyệt. Năm 1826, Kai Nduai Bait một lãnh tụ khác nổi dậy tấn công chống chính phủ Panduranga, nhưng đã bị dập tắt sau đó.

Năm 1828, Po Klan Thu băng hà sau 7 năm trị vì. Tin từ trần của Po Klan Thu không phải do quan lại của triều đình Panduranga cung cấp mà là phát xuất từ vị trấn thủ của phủ Bình Thuận. Điều này cho thấy Po Klan Thu không chết trên lãnh thổ Panduranga mà có thể chết tại Huế trong thời gian bị giam giữ. Po Klan Thu vừa mất, trong khi Minh Mệnh chưa kịp quyết định người kế nhiệm, thì Lê Văn Duyệt (tổng trấn Gia Định thành) nhanh chóng đưa Cei Phaok The lên ngôi với vương hiệu Po Phaok The, đồng thời phong phó vương cho Cei Dhar Kaok.

Po Phaok The (Nguyễn Văn Thừa), trị vì (1828-1832). Còn gọi Po Phaok hay Cei Phaok The. Ông là vị vua cuối cùng của Champa. Po Phaok The là con trai của Po Saong Nyung Ceng (1799-1822). Sinh tại Bal Canar-Panduranga và qua đời năm 1835 tại Huế (Việt Nam). Phó vương của Po Phaok The là Cei Dhar Kaok là con trai của Po Klan Thu (Nguyễn Văn Vĩnh).

Sau ngày từ trần của Po Klan Thu vào năm 1828, vua Minh Mệnh tìm cách đưa người trung thành lên làm quốc vương Champa. Khi đó Lê Văn Duyệt quyết định giao quyền quốc vương Panduranga cho Po Phaok The, tức là phó vương dưới triều đại Po Klan Thu (1822-1828). Po Phaok The là con của vua Po Saong Nhung Ceng (1799-1822) là một vị chiến hữu của vua Gia Long.

Po Phaok The được phong tước Thuận Thành trấn Khâm sai, Thống bình cai cơ, Diên Ân bá. Po Dhar Kaok (Nguyễn Văn Nguyên) được bổ nhiệm làm phó vương, hay phó cai trị Panduranga. Năm 1828, sau ngày lên ngôi của Po Phaok The, tiểu vương quốc Panduranga chấm dứt mối liên hệ với triều đình Huế, Panduranga chỉ gửi triều cống cho Lê Văn Duyệt. Kể từ đó, nhân dân Panduranga hoàn toàn đặt dưới quyền che chở của tổng trấn Gia Định thành, không còn phục tùng vua Minh Mệnh.

Hoàn cảnh lịch sử này đã đưa Champa vào con đường bế tắc và hoàn toàn lệ thuộc vào kết quả của cuộc tranh chấp giữa vua Minh Mệnh và Lê Văn Duyệt. Cuối năm 1831, một nhóm quan lại trong triều đình Champa đã đứng ra phản đối thái độ của vua Po Phaok The về việc ly khai với triều đình Huế để tuân thủ mọi chỉ thị của Lê Văn Duyệt ở Gia Định Thành.

Lợi dụng tình hình rối ren ở Champa và sức khỏe suy yếu của Lê Văn Duyệt ở Gia Định Thành, Minh Mệnh ra lệnh bắt quốc vương Po Phaok The và phó vương Po Dhar Kaok vào tháng 3 năm Thìn lịch Chăm (1832) đưa về trại giam tại Huế. Tại đây, Po Phaok The được phong tước hiệu Việt Nam là Diên Ân bá (Bá tước Diên Ân), và chết vào năm 1835 tại Huế, Việt Nam.

Tháng 7 năm Nhâm Thìn (1832), Lê Văn Duyệt băng hà ở Gia Định Thành. Năm 1832, Lê Văn Duyệt từ trần. Minh Mệnh ra lệnh tiêu diệt và chiếm đóng Panduranga-Champa, cho lệnh trừng trị thẳng tay tất cả quan chức nào đã theo Lê Văn Duyệt. Minh Mệnh áp dụng chính sách tàn bạo chống lại nhân dân Champa vì tội không chịu phục tùng triều đình Huế. Sau cuộc trừng phạt này, Minh Mệnh ra lệnh xóa bỏ Panduranga-Champa trên bản đồ Ðông Dương, chia lại đất đai này thành hai huyện An Phước và Hòa Ða trực thuộc tỉnh Bình Thuận. Vương quốc Panduranga-Champa hoàn tàn bị diệt vong vào năm 1832, và Champa bị xóa tên trên bản đồ thế giới.

Sau khi Po Phaok The bị bắt giam, một số giáo sĩ Islam (Hồi giáo) như Katip Sumat và Katip Ja Thak Wa kêu gọi quần chúng Panduranga nổi dậy, nhưng đều chóng bị đánh tan.

Tháng 4 năm Ất Mùi (1835), sau khi dẹp được cuộc khởi nghĩa Katip Ja Thak Wa, Minh Mệnh đế hạ lệnh xử giảo Po Phaok The và Po Dhar Kaok (phó vương). Đồng thời, tức giận vì những cuộc phản kháng của người Chăm, Minh Mệnh cho phép quân đồn trú tàn sát bất cứ làng (palei) Chăm nào chứa chấp tội đồ hoặc có biểu hiện chống đối, lại bắt nguwoif Chăm từ bỏ các tập tục lâu đời để học dần theo văn hóa người Việt, tên họ cũng phải đổi sang tiếng Việt. Theo Đại Nam thực lục, vào tháng 12 năm 1835, vua ban đạo dụ như sau: "Đất man đã lệ thuộc bản đồ của ta từ lâu, dân man cũng là con đỏ của ta, phải nên bảo ban dìu dắt, để ngày một nhiễm theo phong tục của dân ta. Phàm những thứ cần dùng đều phải học tập dân ta, chăm việc làm lụng. Đến như ngôn ngữ thì bảo họ dần dần tập nói tiếng ta. Ăn uống và áo quần cũng dạy cho dần dần theo tục ta. Ngoài ra, hễ có điều gì phải đổi bỏ thói hủ lậu mà làm cho giản tiện dễ dàng thì cũng tùy cơ chỉ bảo. Thông cảm họ dẫu là man mọi, nhưng cũng có lương tri và lương năng. Hun đúc thấm nhuần, dùng Hạ biến di, đấy cũng là một đường lối thay đổi phong tục".

Ariya Po Phaok là một tác phẩm văn vần nằm trong Archives royales du Champa, gồm 202 câu thơ viết bằng Akhar Thrah (Srah) mang ký hiệu CM-29, hiện được lưu trữ tại bảo tàng Société Asiatique de Paris. Ngoài Đại Nam thực lục thì đây là nguồn sử liệu xác đáng về cuộc đời Po Phaok The.

Po Dhar Kaok, ủy trị từ (1822-1832), phó vương Panduranga, phó trấn Thuận Thành, sinh tại Bal Canar (Panduranga) và qua đời tại Huế (An Nam), an táng tại Phan Rí Cửa.

Po Dhar Kaok là con trai của Po Klan Thu. Năm 1822, do cuộc nổi dậy của Ja Lidong, ông kế nhiệm cha làm phó vương, trong khi chính cha ông được tôn lập làm chánh vương. Tước hiệu của ông lúc đó là Cei Dhar Kaok. Vào năm 1828 thì Po Klan Thu băng hà, Lê Văn Duyệt (Tổng trấn Gia Định thành) bèn lập Cei Phaok The làm chánh vương với tước hiệu Po Phaok The, còn ông vẫn tại nhiệm phó vương nhưng được ban tước mới Po Dhar Kaok.

Năm 1832, Lê Văn Duyệt từ trần, không còn mối lo nào nữa, vua Minh Mệnh hạ lệnh xóa sổ quy chế Thuận Thành trấn, đặt Bình Thuận phủ và cử quan trực tiếp trấn nhậm. Sự kiện này được giới khoa học coi là đánh dấu kết lịch sử tự trị của người Chăm tại Panduranga cũng như Champa.

 

Tài liệu Tham khảo

a). Tài liệu trực tuyến:
1. Lịch sử 33 năm cuối cùng của vương quốc Champa
2. Biên niên sử Champa (Sakkarai Dak Rai Patao)
3. King of Champa - Wikipedia
4. Lịch sử Champa qua các triều vương:  https://kifatravel.com/lich-su-champa-qua-cac-trieu-vuong/
5. Nguyễn Văn Huy: https://www.thongluan-rdp.org/thdcdn/itemlist/tag/Nguy%E1%BB%85n%20V%C4%83n%20Huy?start=30
6. Triều đại Vijaya: https://www.thongluan-rdp.org/thdcdn/itemlist/tag/Nguy%E1%BB%85n%20V%C4%83n%20Huy?start=30
7 Nhà nước Lâm Ấp: https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%A2m_%E1%BA%A4p
b). Tài liệu tham khảo khác
[1] Các nguồn sử liệu của Trung Hoa ghi nhận về Lâm Ấp bao gồm Lâm Ấp Ký, Thủy Kinh chú, Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư, Tùy thư, Nam sử, Đường thư, Lĩnh Ngoại đại đáp,…Các nguồn sử liệu này được dẫn lại từ các bản dịch của các nguồn thứ cấp như: Léonard Aurousseau (1914),“Georges Maspero: Le Royaume de Champa”, trong Bulletin de l’Ecolefrançaised’Extrême-Orient (BEFEO), Tome 14, pp. 8 – 43; Đào Duy Anh (1998), Lịch sử Cổ đại Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội; Lịch Đạo Nguyên (2005), Thủy Kinh Chú sớ, Nxb. Thuận Hóa, Huế; Lương Ninh (2006), Lịch sử Vương quốc Champa, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội.
[2] G. Maspero (1928), Le Royaume de Campa, G.Van Oest, Paris.
[3] R. Stein (1947),“Le Lin-Yi, sa localisation, sa contribution à la formation du Champaetsesliensavec la Chine”, trong Han-Hiue II-1-3.
[4] G. Coedes (2011), Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Nxb. Thế giới, Hà Nội; Dohamide – Dorohiem (1965), Dân tộc Chàm lược sử, Saigon; Po Dharma (1999), “Góp phần tìm hiểu lịch sử Champa”, trong Champaka 1, IOC –Champa, San Jose, tr. 9 – 36; P-B. Lafont (1999), “Những niên đại quan trọng trong lịch sử Champa”, trong Champaka 1, IOC –Champa, San Jose, tr. 39 – 54; (2011), Vương quốc Champa: địa dư – dân cư – lịch sử, IOC – Champa, San Jose; Dougald J.W. O. Reilly (2007), Early Civilizations of Southeast Asia, Chapter 6: Champa, Altamira Press: Lanham, New York, Toronto, Plymouth, pp. 127-144; A.V. Schweyer (2010), “The birth of Champa”, trong Conneting Empiresand States, Volume 2, NUS Press, Singapore, 2010, tr. 102 – 117.
[5] Đào Duy Anh (1998), sđd; W. Southworth (2001), “The Origins of Campā in Central Vietnam, A Preliminary Review”, Ph.D. thesis, Archaeology, SOAS, University of London; Michael Vickery (2005), “Champa revised”, in ARI Working Paper No 36, Asia Research Institute, Singapore.
[6] Lâm thị Mỹ Dung và cộng sự (2008), “Lâm Ấp qua những tài liệu khảo cổ học”, Phần 3. Lâm Ấp qua những nghiên cứu ở Duy Xuyên II. Trà Kiệu (cư trú) và Trà Kiệu (thành), Trích từ Đề tài Nghiên cứu Trọng điểm cấp ĐHQG Hà Nội – Mã số QGTĐ.06.07, Hà Nội.
[7] G. Maspero (1928), sđd, pp. 50 – 51.  
[8]Vương Khả Lâm (1936), Chiêm Thành lược khảo, Nhà sách Đông Tây, Hà Nội, tr. 8.
[9]Đào Duy Anh (1998), sđd, tr. 155, 505 – 506.
[10]Lịch Đạo Nguyên (2005), sđd, tr. 377; Phòng Huyền Linh, Tấn thư, Quyển 97; Tùy thư, Quyển 82 dẫn theo: Lương Ninh (2006), sđd, tr. 351, 376.
[11]Lý Diên Thọ, Nam sử, Quyển 78 dẫn theo: Lương Ninh (2006), sđd, tr. 371.
[12]Lương thư, Quyển 54 dẫn theo: Lương Ninh (2006), sđd, tr. 364.
[13] Đào Duy Anh (2002), Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 121; Lương Ninh (2006), sđd, tr.19.
[14] Lịch Đạo Nguyên (2005), sđd, tr. 377.
[15]G. Maspero (1928), sđd, pp. 50 – 51.
[16] Phạm Việp, Hậu Hán Thư, Quyển 116 dẫn theo: Đào Duy Anh (1998), sđd, tr. 153 – 154, 504; Lương Ninh (2006), sđd, tr. 349 – 351.
[17] Đào Duy Anh (1998), sđd, tr. 505.
[18]G. Maspero (1928), sđd, p. 49; Coedes (2011), sđd, tr. 93 – 94.
[19]Đào Duy Anh (2002), sđd, 2002, tr. 157.
[20]L. Aurousseau (1914), sđd, p. 28; Lịch Đạo Nguyên (2005), sđd, tr. 377.
[21] Đào Duy Anh (2002), sđd, tr. 155, 505.
[22]L. Aurousseau (1914), sđd, p. 28; Đào Duy Anh (2002), sđd, tr. 121; Lịch Đạo Nguyên (2005), sđd, tr. 377; Lương Ninh (2006), sđd, tr. 19.
[23] P. Pilliot (1904), “Deux Itineraes de Chine en Inde à la fin du VIIIe siècle”, BEFEO, V, pp. 184 – 186.
[24] R. Stein (1947, sđd, pp. 241 – 245.
[25] Đào Duy Anh (1998), sđd, tr. 186 – 189.
[26] W. Southworth (2001), sđd, pp. 291 – 294.
[27] Như trên, p. 318.
[28] A.N. Schweyer (2010), sđd, pp. 102 – 117.
[29] Lâm Thị Mỹ Dung (2017), Sa Huỳnh – Lâm Ấp – Champa, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 217 – 220.
[30] Xem các nguồn Hán Thư đã dẫn ở trên.
[31] Đào Duy Anh (1998), sđd, tr. 169 – 172.
[32] Yamagata Mariko (2011), “Trà Kiệu during the Second and Third Centuries CE: The Formation of Linyi from an Archaeological ”, in trong Trần Kỳ Phương, Bruce McFarland Lockhart, The Cham of Vietnam: History, Society and Art, NUS Press, pp.81-102, p.82. Xem thêm: Lê Thị Mai – Zhang Zhuoqing (2019), Đô Thành Điển Xung của Vương quốc Lâm Ấp trong sách Thủy Kinh Chú, scv.udn.vn, truy cập ngày 30/05/2019.
[33] Lâm Thị Mỹ Dung, sđd, tr. 218 – 260.
[34] G. Maspero, sđd, pp. 63.
[35] Lâm Thị Mỹ Dung (2017), sđd, tr. 254.
[36] Đào Duy Anh (1998), sđd, tr. 153 – 154.
[37] Như trên, tr. 154.
[38] G. Maspero (1928), sđd, p. 95; P-B. Lafont (1999), sđd, tr. 44.
[39] L. Finot (1903), “Stéle de Cambhuvarman au Mi-son”, BEFEO III, pp. 209-210 xem thêm: Po Dharma (1999), sđd, tr. 12; P-B. Lafont (2011), sđd, tr. 141.
[40] G. Maspero (1928), sđd, p. 91; P-B. Lafont (2011), sđd, tr. 143.
[41] L. Finot (1903), sđd, p. 207;
[42] G. Maspero (1928), sđd, pp. 64 – 65; W. Southworth (2001), sđd, pp. 302 – 304.
[43] M. Vickery (2005), sđd, p. 20.
[44] Dẫn theo M. Vickery (2005), sđd, p. 26 – 27.
[45] G. Maspero (1928), sđd, p. 63 – 64.
[46] A.V. Schweyer (2010), sđd, p. 109 – 111.
[47] P-B. Lafont (2011), sđd, tr. 142 – 144.
[48] G. Maspero (1928), sđd, pp. 96 – 97; P-B. Lafont (2011), sđd, tr. 144 – 145.
[49] Về các tên gọi các vùng, tiểu quốc của Champa xem: G. Maspero (1928), sđd, pp. 24 – 25; P-B. Lafont (2011), sđd, tr. 29 – 35.
[50] G. Maspero (1928), sđd, p. 89.
[51] G. Maspero (1928), sđd, p.97, pp. 104 – 105; L. Finot (1903), “Notes D’Epigraphie: V Panduranga”, BEFEO, III, pp. 630 – 648.
[52] M. Vickery (2005), sđd, pp 29 – 30.
[53] Như trên, p. 382.
[54] Po Dharma (1999), sđd, tr. 12; P-B. Lafont (2011), sđd, tr. 40.
[55] G. Maspero (1928), sđd, pp. 109 – 111; P-B. Lafont (2011), sđd, tr. 150.