Theo lịch sử, Islam du nhập Champa vào khoảng thế kỷ 10 theo Ed Huber cho biết đã tìm thấy trong Tống sử một đoạn ghi “Cũng có (ở xứ Chàm) nhiều trâu sống trên núi. Nhưng người ta không dùng trâu để cày bừa mà chỉ để tế thần”. Lúc giết trâu để cúng, họ đọc lời cầu nguyện “Allahu Akbar”, đây chính là câu thiên kinh để tôn vinh Allah là đấng tối cao duy nhất.
Theo sử liệu Trung Hoa. Trong Tống sử có thuật lại, khi tế trâu ở Champa họ có đọc câu thiên kinh “Allah Akbar”, nghĩa Allah là đấng tối cao và duy nhất. Dựa vào tư liệu trên có thể nhận định Hồi giáo đã du nhập vào Champa từ thế kỷ 10 (Maspero, 1928, p.13-14).
Theo biên niên sử Champa Sakkarai dak rai patao, thời kỳ huyền sử mà biên niên sử gọi là patao jiéng éng hay patao éngkat “vua tự sinh ra” gồm 5 vị vua, trong đó có Po Aluah, lên ngôi năm 995 đóng đô ở Bal Sri Banây (Nại, Ninh Chữ, Phan Rang), sau đó ngài trở về thế giới linh thiên (nao meng rup). Dựa vào sử liệu này có thể nhận định Hồi giáo đã du nhập vào Champa từ thế kỷ thứ 10 (Aymonier, 1890, p.145-206).
Triều đại vua Indravarman III (Xà-da Nhân-đức-man), trị vì (918-960), là con trai của vua Bhadravarman II. Vị vua Champa (Raja-di-raja), theo tôn giáo Hinduism (Ấn giáo) và tiếp tục sự nghiệp của cha ông trong lãnh vực phát triển tôn giáo Hinduism trở thành quốc giáo.
Năm 918, vua Indravarman III quyết định tạc tượng bằng vàng cho nữ thần Bhagavati (phu nhân Shiva) để thờ phượng và tôn vinh nữ thần Bhagavati từ Yang Pu Kauthara (Thánh Mẫu Nha Trang) trở thành Yang Pu Nagara (Thánh Mẫu Vương Quốc), mà người Champa gọi là Po Ina Nagar.
Hành động một vị vua Champa gốc miền bắc đã dâng một phẩm vật cho nữ thần Bhagavati trên đất thánh Kauthara ở phía nam là thể hiện màu sắc chính trị hơn lòng tin tôn giáo. Bởi, vua Indravarman III muốn dựa vào thế lực tôn giáo để xây dựng một quốc gia Champa thống nhất, vì các tiểu vương quốc ở miền nam muốn tự trị. Bên cạnh đó, Indravarman III còn phải đối phó trước mối bang giao với vương triều Angkor (Kampuchea) càng ngày càng gay gắt.
Năm 920, một số gia đình thuộc hoàng tộc người Melayu gốc Nam Đảo như Rahdar Ahmed Abu Kamil, Naqid Amr Ali đã trốn chạy khỏi chính sách cai trị khắc nghiệt của tiểu vương Java, được tể tướng Champa là Po Klung Pilih Rajadvara nhận tị nạn. Từ đó, Islam (Hồi giáo) chính thức được phổ biến trong chốn hoàng gia Champa thời vua Indravarman III.
Qua một thời gian ngắn, tôn giáo Islam (Hồi giáo) được đông đảo quần chúng Champa tin theo và cải đạo từ Hinduism sang Islam. Nhân cơ hội, những gia đình quí tộc tị nạn này truyền bá nền văn minh và văn hóa Nam Đảo, đặc biệt là lối kiến trúc và cách điêu khắc cho nghệ nhân Champa. Cũng giai đoạn này, thần dân Champa đã nắm vững kỹ thuật đi biển, biết cách giao lưu buôn bán, giao hảo tốt với các quốc gia lân bang như Trung Hoa và Java.
Đây là thời kỳ đầu tiên cũng như sớm nhất tôn giáo Islam được truyền bá vào Champa và trong chốn hoàng gia triều đại vua Indravarman III.
Năm 945, Champa trở thành quốc gia giàu có và thịnh vượng. Vì thấy Champa ngày càng hùng mạnh và ảnh hưởng càng rộng ở Đông Nam Á, vua Khmer là Rajendravarman II cùng binh lính từ Angkor đánh thẳng vào Kauthara (Aia Terang-Nha Trang), cướp nhiều châu báu trong đó có tượng nữ thần Bhagavati bằng vàng (Bhagavati là nữ thần Yang Pu Nagara, là vị thần bảo vệ xứ sở, biểu tượng uy quyền của Champa). Sau đó, lực lượng Champa vùng dậy phản công, đánh bại và đẩy lùi đoàn quân Khmer. Một năm sau, vua Indravarman III tìm cách tái lập lại mối quan hệ ngoại giao với Trung Hoa.
Các vua của triều đại Indrapura đã xây dựng ở Mỹ Sơn một số đền tháp vào thế kỷ 9, thế kỷ 10 và trung tâm tôn giáo của Champa cũng chuyển từ Đồng Dương về Mỹ Sơn, đây là thời kỳ văn minh Champa đạt đến đỉnh cao.
Dưới thời Indravarman III, biến cố quan trọng ảnh hưởng đến sự tồn vong của vương quốc Champa là sự hình thành một vương quốc Đại Cồ Việt độc lập phía Bắc vào khảng năm 968 sau khi Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng) đánh dẹp loạn 12 sứ quân, giải phóng ách đô hộ của Trung Hoa thống nhất vùng châu thổ phía Bắc, hình thành quốc gia độc lập nằm trong vùng châu thổ sông Hồng Hà và tỉnh Thanh Hóa. Thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc thuộc. Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền.
Năm 960, vua Indravarman III băng hà, con trai là Jaya Indravarman I lên kế vị.