Virapura (Hùng tráng thành) kinh đô Hoàn Vương định đô tại Kauthara

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
Jul 17, 2024, 8:53 PM
Ts.Putra Podam (Văn Ngọc Sáng)
Email: putrapodam@gmail.com

 

Theo lịch sử Trung Hoa gọi vương quốc Champa thời kỳ đầu từ năm (192-757) là Lin Yi (Lâm Ấp). Thời kỳ từ năm (757-859) là: Huánwáng (Hoàn Vương), kinh đô đặt tại Virapura (Hùng Tráng thành).

Theo lịch sử, sứ mệnh cống nạp cuối cùng của Lâm Ấp cho triều đình nhà Đường vào năm 749, do một người cai trị tên là Lútuóluó (Dịch-lợi Lô-đà-la) cử đi. Sau này, Cựu Đường (Old Book of Tang) chép rằng Lâm Ấp (Lin Yi) đổi tên thành Huánwáng (Hoàn Vương) vào thời Chi Đức (the Zhide) khoảng năm 756.

Vương quốc Hoàn Vương được thành lập năm 757, là hệ quả của sự phân rã quốc gia Lâm Ấp. Hoàn Vương độc lập cho đến năm 859 thì thống nhất với 4 tiểu quốc khác để thành hình quốc gia Champa.

Để tìm hiểu Virapura đặt tại đâu thì có nhiều ý kiến cho rằng, Virapura kinh đô Hoàn Vương đặt tại Panduranga, số khác cho rằng định đô tại Kauthara, còn lại định đô xung quanh khu vực Quảng Trị.

Theo lịch sử Champa, Hoàn Vương là một giai đoạn lịch sử từ năm (757-854) thuộc triều vương thứ năm với vị vua đầu tiên là Prithivindravarman.

Prithivindravarman (Dịch-lợi Tất-để-bân-đà-la-bạt-ma), trị vì (757-770). Vị vua Hoàn Vương (Raja-di-raja; Champa) đầu tiên, theo tôn giáo Hinduism, sinh tại Kauthara và qua đời năm 774 tại Virapura thuộc kinh đô Hoàn Vương. Hiệu Sri Prithivindravarman. Tên truy tặng là Rudraloka.

Triều đại của Prithivindravarman đánh dấu điểm khởi đầu của triều đại Hoàn Vương, kinh đô ở Virapura phía nam Champa. Triều đại Simhapura ở Thung lũng sông Thu Bồn được thành lập bởi Gangaraja (413-?) và kết thúc vào khoảng năm 740 sau Công Nguyên. Từ đó trung tâm quyền lực của Champa chuyển dần về phía nam Virapura (Hùng Tráng Thành).

Vua Prithivindravarman khởi xướng việc thờ phụng nữ thần Bhagavati (phu nhân của thần Shiva) biểu tượng của Ấn Độ giáo. Đền Po Ina Nagar được xây dựng tại Kauthara (Nha Trang). Giai đoạn này Champa thịnh vượng phát triển đạt đỉnh cao về nghệ thuật, văn học và sự ổn định. Các thành phố cảng Champa thống trị các tuyến thương mại hàng hải qua Biển Đông, từ Ấn Độ, Trung Đông, đến Đông Nam Á và đến nhà Đường, Trung Quốc. Al-Mas'udi mô tả các tàu chở hàng từ Basra, Siraf, Oman, Ấn Độ, các đảo Zabaj và Sanf đã đến cửa sông Khanfu (thành phố cảng Quảng Châu) ở Trung Quốc. Đó là các thành phố cảng Champa của Amaravati (Châu Sa), Simhapura (Trà Kiệu), Hội An, đảo Lý Sơn và Panduranga nơi đã tìm thấy số lượng lớn đồ gốm Hồi giáo và đồng dinar Ả Rập có niên đại từ thế kỷ 7-10 sau Công nguyên.

Theo Huanghua Sidaji, một thừa tướng nhà Đường (Tang prime minister) tên là Jia Dan biên soạn vào khoảng năm 800, thì Hoàn Vương (Huánwáng) là một vương quốc nằm quanh khu vực Quảng Trị.

Theo một số tài liệu cho rằng Virapura (Hùng Tráng thành) là kinh đô Champa thời Hoàn Vương ở lãnh thổ xứ Kauthara (Khánh Hòa), bởi khu đền tháp Po Ina Nagar do các vị vua Hoàn Vương xây dựng.

Theo Wiki, vua Prithivindravarman vị vua Hoàn Vương đầu tiên, theo tôn giáo Hinduism, sinh ra tại Kauthara và qua đời năm 774 tại Virapura thuộc kinh đô Hoàn Vương. Vua Satyavarma là vị vua Hoàn Vương thứ hai, theo tôn giáo Hinduism.  Sinh ra tại Kauthara và qua đời năm 787 tại Kauthara. Satyavarma là cháu trai (con trai của chị gái) của vua Prithindravarman, người sáng lập một triều đại tập trung về phía nam của Champa. Vua Indravarman I, là vị vua Hoàn Vương thứ ba, theo tôn giáo Hinduism. Sinh tại Champa và qua đời năm 802 tại Kauthara. Indravarman I kế nhiệm ngôi vua từ anh trai là Satyavarman (770-787).

Theo Ts. Putra Podam, lịch sử Champa có giai đoạn mang danh xưng Hoàn Vương (Huánwáng) từ năm (757-859) được dời về phía nam Champa, tức gồm các địa khu kéo dài từ Vijaya, Kauthara và Panduranga, định đô tại Virapura (Hùng Tráng thành). Căn cứ tthêm lịch sử ba đời vua đầu tiên của Hoàn Vương đều sinh ra và qua đời tại Kauthara, thì khẳng định Virapura định đô xung quanh Kauthara.

Theo G. Maspero, vua Satyavarman (770-787) cư ngụ ở Panduranga, nơi mà tổ tiên ông đã sống và chú ông là vua Prithivindravarman (757-770) đã sống từ trước. Với chi tiết trên, G. Maspero đã nhận định rằng, ít nhất hai vị vua đầu tiên của Hoàn Vương đã đóng đô ở đất Panduranga.

Căn cứ các nhà du thám biển Champa cho biết đảo Zhànbùláo (Cù Lao Chàm hay Đảo Champa, được ghi trong các tài liệu của người Hồi giáo) nằm cách thủ đô Huánwáng 200 dặm về phía đông. Từ Zhànbùláo (Cù Lao Chàm) đến núi Ling (Lingaparvata) mất hai ngày, rồi đi một ngày đến nước Méndú (Phú Yên), đi thêm một ngày nữa đến nước Gǔdá (Kauthara), đi thêm nửa ngày mới đến nơi của Bēntuólàng (Panduranga).

Theo Ts. Po Dharma, trong Biên Niên Sử Panduranga (Sakkaray Dak Rai Patao), Panduranga được biết đến thời kỳ tiền sử gồm 5 vị vua gồm Po Aluah, Po Binnasur, Po Putik, Po Sulika, Po Klong Garai nhưng không cho biết trị vì từ năm nào. Theo Ts.Po Dharma, 5 vị vua này không phải là người thường mà là những vị thần linh, tự sinh ra (jiéng éng hay éngkat) và tự giáng thế để cai trị xứ sở Chăm. Sau một thời gian lên ngôi, các vị thần thánh này không chết, nhưng trở về thế giới linh thiên (nao meng rup).

Theo Ts. Po Dharma thời kỳ lịch sử của Panduranga bắt đầu từ Triều đại Po Sri Agarang (1193-1235 hay 1205-1247), lên ngôi năm Sửu, thoái vị năm Mùi (dị bản khác cho là năm Ngọ), trị vì 43 năm, đóng đô ở Bal Hanguw (gần biên giới Krong Pha, Dalat). Căn cứ nghiên cứu của Ts. Po Dharma, thì thần dân Champa chỉ biết đến Panduranga hay chính xác hơn biết về vị vua đầu tiên của xứ Panduranga là vào năm 1193 hay 1205. Người Chăm tại Panduranga hoàn toàn không biết sự tồn tại của Virapura (Hùng Tráng Thành), bởi Hoàn Vương độc lập từ năm (757-859).

Theo Ts. Putra Podam, nếu Hoàn Vương (Huánwáng) tồn tại ở phía nam Champa bao gồm các địa khu Vijaya, Kauthara và Panduranga từ năm (757-859), thì có nghĩa rằng Hoàn Vương cũng được xem là tiền thân của Panduranga. Do vậy, Panduranga phải được được biết đến đầu tiên từ năm 757 và tồn tại đến hết triều vương Panduranga là vua Po Saot (Bà Tranh) vào năm 1692. Năm 1693 đánh dấu danh xưng Panduranga đã được Việt Nam đổi tên Thuận Thành Trấn (1693 - 1832).

Điều trên sẽ mâu thuẫn với lý thuyết của Ts. Po Dharma. Ông cho rằng thời kỳ lịch sử của Panduranga chỉ bắt đầu từ Triều đại Po Sri Agarang (1193-1235 hay 1205-1247).

Một số nghiên cứu khác lại cho rằng, Panduranga chỉ tồn tại từ (1611 - 1692). Tính từ năm thất thủ Kauthara (1611) và tồn tại đến hết triều vương Po Saot (Bà Tranh) vào năm 1692 đóng đô tại Panduranga và chuyển sang triều vương Po Saktiraydapatih (Bà Tử), trị vì (1695-1727) đóng đô tại Thuận Thành trấn (Panduranga) cho đến khi xóa khỏi bản đồ vào năm 1832.

Khẳng định:

Căn cứ cơ sở trên, theo Ts.Putra Podam, Hoàn Vương (Huánwáng) độc lập từ năm (757-854) tồn tại ở phía nam Champa (gồm các địa khu Vijaya, Kauthara và Panduranga), kinh đô Hoàn Vương mang tên Virapura (Hùng Tráng Thành) phải đặt tại xung quanh Kauthara, chứ không phải đặt tại Panduranga.

 

Sources: Asia 800 AD. From Wikimedia Commons, the free media repository. Bản đồ thế giới năm 800 Sau Công nguyên. Thời kỳ vương quốc Hoàn Vương.