Triều vương cuối cùng nhà nước Lâm Ấp (tiền thân Champa): 192 - 757

Written by Putra Podam
In category Nghiên cứu
Jul 30, 2024, 9:55 PM
Ts. Putra Podam (Văn Ngọc Sáng)
Email: putrapodam@gmail.com

 

 

Lâm Ấp (Linyi): 192 - 757 (tiền thân nhà nước Champa)

Theo sử liệu Trung Quốc, quốc gia cổ Champa đã được biết đến đầu tiên với sự ra đời và tồn tại của Vương triều Simhapura hay còn gọi là vương quốc Lâm Ấp (Chữ Hán: 林邑; Bính âm: Linyi) mà vị vua đầu tiên là Khu Liên, bắt đầu từ năm 192 ở khu vực Quảng Bình đến Quảng Nam, sau cuộc khởi nghĩa của người dân địa phương chống lại nhà Hán. Trong nhiều thế kỷ sau đó, quân đội Trung Quốc đã nhiều lần cố gắng chiếm lại khu vực này nhưng không thành công.

Lâm Ấp là vương quốc khởi đầu cho lịch sử Champa độc lập đã nhanh chóng hấp thu nền văn minh Ấn Độ. Người Melayu Champa có chữ viết riêng, chữ viết Champa cổ là hệ thống ký tự có nét vẽ riêng, xuất phát từ chữ viết Devanagari của Ấn Độ (Lafont, 2011), xuất hiện lần đầu tiên trên bia ký Võ Cạnh (Nha Trang) vào thế kỷ thứ 2 (Filliozat, 1969).

Tiếng Chăm hay tiếng Melayu Champa là hệ ngôn ngữ thuộc gia đình Đa Đảo “Autronesian”. Tiếng Chăm có mối quan hệ khăng khít với tiếng Mã Lai. So với tiếng Mã Lai người ta đã tìm thấy dấu tích vào thế kỷ thứ 7, còn tiếng Melayu Champa đã xuất hiện lần đầu tiên trên bia kí Đồng Yên Châu (Trà Kiệu) vào thế kỉ thứ 4 (Al-Ahmadi, 1988; Coedes, 1939).

Các tài liệu Trung Quốc ghi nhận cái chết vị vua cuối cùng của Lâm Ấp là vào khoảng năm 756.

 

Vua sáng lập vương quốc Lâm Ấp (Linyi): 192-220

Sri Mara (Khu Liên), trị vì (192-220). Ông là người sáng lập vương quốc Lâm Ấp (tiền thân vương quốc Champa). Ông vốn là quan chức địa phương của Xianglin (Tượng Lâm), thuộc quyền cai trị của triều đại Đông Hán Trung Quốc. Ông được biết đến và ghi trong lịch sử Trung Quốc tên là Ou Lian hay Zhulian, tên theo Hán văn là Khu Liên.

Khu Liên, sinh ra ở Tượng Lâm (Xianglin) ngày nay là tỉnh Thừa Thiên Huế, miền Trung Việt Nam), đây là một khu vực căng thẳng giữa nhà Hán và người bản xứ Lâm Ấp (Linyi).

Năm 190, Khu Liên người Tượng Lâm nổi dậy giết thứ sử Chu Phù và chiếm huyện thành. Năm 192 sau Công nguyên, ông đã đánh bại quan thái thú Trung Quốc và tự xưng là vua của nước Lâm Ấp (Linyi). Đây được coi là năm thành lập chính thức của vương quốc Champa được các nước trên thế giới công nhận, mặc dù truyền thuyết cho rằng Champa được thành lập sớm hơn từ trước Công nguyên.

Lâm Ấp độc lập là một biến cố lịch sử trọng đại, mở đầu gặp gỡ giữa hai nền văn minh Trung Quốc và Ấn Độ tại bán đảo Đông Dương. Đồng thời, đây là lần thứ hai (sau ba nước Cao Ly, Bách Tế, Tân La ở quận Lạc Lãng tách ra khỏi lãnh thổ nhà Hán), một vùng thuộc lãnh thổ của “thiên triều” tức quận Nhật Nam tự tách ra.

Tên gọi Khu Liên có rất nhiều tranh cãi. Trong sử sách Trung Hoa ghi Khu Liên là vị vua đầu tiên của Lâm Ấp. Nhiều sử gia cho rằng Khu Liên thuộc dòng dõi của bộ tộc Dừa ở phía bắc Champa. Tuy nhiên, Khu Liên có thể không phải là tên của một người mà là cách gọi kính trọng người có ngôi vị cao trong một định chế tập thể. Đối với người dân địa phương, “Khu” không phải là tên riêng mà là tước vị của một tộc trưởng, khu trưởng hay vua phiên âm từ chữ “Kurung hay Krung”.

Trước đó, năm 137, các quan đô hộ nhà Hán gọi quân khởi nghĩa ở Tây Quyển (Quảng Bình) là “rợ Khu Liên”. Như vậy Khu Liên có thể là tên gọi chung những người không cùng văn hóa với người Hán ở phía nam Giao Chỉ. Tên gọi Khu Liên không liên quan gì đến danh xưng Sri Mara (tên một vị vương tôn người Champa khác cùng thời kỳ, con bà Lona Lavana ở Panduranga) tìm thấy trên một bia ký ở làng Võ Cạnh (nay thuộc xã Vĩnh Trung), Nha Trang.

 

Vua kết thúc vương quốc Lâm Ấp (Linyi): 572-629

Jaya Sambhuvarman (Phạm Phạn Chí), trị vì (572-629). Tên bính âm là Shang-bèi-bá-mā. Qua đời tại Simhapura vào năm 629. Con trai vua Rudravarman I. Theo tôn giáo Hinduism.

 Đăng cơ vua Lâm Ấp vào năm 572, sau khi vua cha Rudravarman I (Luật Đa La Bật Ma) qua đời. Jaya Sambhuvarman làm quốc vương Lâm Ấp giai đoạn (572-605) và quốc vương Champa giai đoạn (605-629). Dưới sự điều hành của Jaya Sambhuvarman, nước Lâm Ấp đạt tới đỉnh thịnh vượng, văn hóa bắt đầu lan tỏa khắp Đông Nam Á. Hành trạng của ông được xác thực bởi Nam Sử (là một quyển sách trong Nhị thập tứ sử của Trung Quốc do Lý Đại Sư viết) và Tùy Thư (sách lịch sử theo thể kỷ truyện trong 24 sách lịch sử Trung Quốc do nhóm sử quan Ngụy Trưng đời Đường biên soạn).

Năm 595 sau Công nguyên, vua Jaya Sambhuvarman gửi cống nạp cho nhà Tùy (Sui dynasty) của Trung Quốc, bởi Champa là một vùng đất trù phú nên nhà Tùy bắt đầu quan tâm.

Năm 598, nhà Tùy (Sui dynasty) khởi binh tiến đánh, quân của Jaya Sambhuvarman không kháng cự nổi đạo quân hùng hậu từ phương bắc. Nhà Tùy đô hộ Bắc phần của Lâm Ấp (tương ứng khu vực Thừa Thiên trở ra Bắc), đặt quan thứ sử Ôn Phóng Chi và đại tướng Giao Tuấn trấn thủ, chia xứ này thành ba lãnh địa Đảng Châu, Nông Châu, Xung Châu.

Năm 605, nhà Tùy do Dương Chiến (Yang Chien) sai tướng Lưu Phương (Liu Fang) tiến đánh kinh đô Kandapurpura. Quân của Jaya Sambhuvarman dùng voi chiến đối đầu quân Trung Quốc. Lúc đầu, đã đạt được một số thành công, nhưng quân của Lưu Phương (Liu Fang) đã đào mương và dùng cành cây che con mương. Những con voi hoảng sợ trước các con mương nên rút lui, gây rối loạn cho quân đội Jaya Sambhuvarman. Quân Lưu Phương tàn sát khủng khiếp, thành quách kiên cố hoàn toàn bị hủy diệt sau nhiều tháng giao tranh. Quân Lưu Phương đuổi quân Champa đến tận cột đồng Mã Viện (Ma Yuan). Từ thời điểm đó, vương quốc Lâm Ấp chính thức cáo chung sau 4 thế kỷ tồn tại.

Trong vòng tám ngày, quân lính Trung Quốc phá kinh đô và cướp hơn một nghìn cuốn sách Phật giáo, các tấm vàng kỷ niệm triều đại của mười tám vị vua trước đó. Nhà Tùy (Sui dynasty) lập tức lập khu hành chính ở Lâm Ấp và chia đất nước thành 3 quận: Tỷ Ảnh, Hải Âm và Tượng Lâm. Lưu Phương (Liu Fang), khắc một dòng chữ trên bia đá để kỷ niệm chiến thắng rồi khởi hành về Trung Quốc, nhưng trên đường đi Lưu Phương bị chết và một số binh lính cũng thiệt mạng vì gặp một trận dịch bệnh bùng phát. Nhà Tùy tiếp quản ba quận của Champa chỉ trong thời gian ngắn.

Vua Jaya Sambhuvarman quyết định bỏ kinh đô chạy ra biển xuôi thuyền vào Nam. Tại địa phận Quảng Nam, ông hạ lệnh gấp rút xây tân đô Simhapura, khai sáng thời đại mới, đặt tên nước là Champa, tên một loài hoa đẹp mọc nhiều ở Nam Trung Bộ, sự kiện này được Nam Sử gọi là Biệt lập kiến quốc.

Vua Jaya Sambhuvarman bắt đầu cho dựng lại khu đền Bhadresvara bằng gạch (gạch nung hay gạch đỏ) cho kiên cố để làm chốn tâm linh cho thần dân, ngôi đền này trước đó bằng gỗ và đã bị hủy hoại trong chiến tranh.

Sau khoảng 10 năm từ khi mất cố đô Kandapurpura (Thành Phật Thệ), thừa thế giai đoạn nhà Tùy suy yếu, vua Jaya Sambhuvarman phát động một cuộc tấn công thành công, thu hồi các lãnh địa phía Bắc đã mất trước đó, tái khẳng định quyền lực và giành lại Champa độc lập. Các vua nối ngôi Jaya Sambhuvarman tiếp tục khai phá lãnh thổ về phía Nam, vốn là nơi cư trú của các bộ lạc Cau (Kramukavamsa).

 

Hình 1. Sources: Asia 400 AD. From Wikimedia Commons, the free media repository. Bản đồ thế giới năm 400 Sau Công nguyên. Thời kỳ vương quốc Lâm Ấp (Linyi) tiền thần vương quốc Champa (192-1832).

 

Hình 2. Hiệu huy Champa (Bani Champa), có một hình tròn nền xanh da trời tượng trưng cho sự thống nhất của nhân dân Champa, bên trong chứa trăng lưỡi liềm (Aia Bulan) và hoa Champa là ngôi sao 5 cánh (Batuk). Ngôi sao 5 cánh đại diện cho sự thống nhất giữa các tiểu bang như Indrapura,  Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga. Trăng Liềm đại diện cho Hồi giáo là quốc giáo của Champa. Hoa Champa (ngôi sao 5 cánh) và trăng liềm trước đó màu vàng là màu hoàng gia Champa. Champa không còn vương nên đổi thành màu trắng, nhưng nhụy hoa Champa mãi màu vàng hoàng gia Champa.

 

Hình 3. Hiệu kỳ Champa (Hala dok Champa): Hiệu kỳ Champa (Dok Champa), gồm 9 sọc đỏ và trắng xen kẽ nhau nằm ngang đại diện cho tư cách bình đẳng và bên trái có một hình chữ nhật màu trắng xanh mang trăng lưỡi liềm (Aia Bulan) và ngôi sao 5 cánh (Batuk). Ngôi sao 5 cánh đại diện cho sự thống nhất giữa các tiểu bang như Indrapura,  Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga. Lưỡi liềm đại diện cho Hồi giáo là quốc giáo của Champa; nền xanh da trời tượng trưng cho sự thống nhất của nhân dân Champa; ngôi sao và lưỡi liềm trước đó màu vàng là màu hoàng gia Champa, nhưng nay Champa không còn vua nên đổi thành màu trắng (Quốc gia Hồi giáo không còn vương).